SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Năm 2023

M
ùa Thường Niên Tuần I (8-14/1)
Năm A Chúa Nhật và Năm Lẻ Ngày Thường


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



 

 

 

Chúa Nhật

 


Lễ Hiển Linh


(Vì Lễ Hiển Linh ngày Chúa Nhật 8/1/2023 không thuộc về Mùa Thường Niên, nên lễ trọng này đã được bao gồm trong Tuần Trước Lễ Hiển Linh, ở cuối cái link Tuần trước Lễ Hiển Linh)

 

 

 



Thứ Hai


Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa


 

Phụng Vụ Giờ Kinh

 

 

Thuở Gio-an thi hành sứ mệnh,
Con Chúa Trời xuống bến Gio-đan,
Thân dìm dưới nước lan tràn,
Đổi dòng sông ấy thành làn nước trong.

Người giáng thế bởi lòng Trinh Nữ
Để Gio-an tẩy rửa thân mình,
Người đâu phải rửa tội tình
Nhưng là rửa tội nhân sinh bao đời.

Bỗng có tiếng từ trời phán bảo :
“Này là Con tuyệt hảo của Ta.”
Rồi Bồ Câu trắng hiện ra
Tượng trưng cho Chúa Ngôi Ba Thánh Thần.

Danh mầu nhiệm vang ngân cứu rỗi
Cả bốn phương Giáo Hội của Người
Nơi đây hiện diện Ba Ngôi,
Nhưng là một Chúa cao vời chí tôn.

Ôi chân lý, ôi nguồn sống thật,
Ngài ban cho trái đất chan hoà,
Muôn vinh hiển, vạn lời ca
Dâng Ngài cùng với Ngôi Cha, Thánh Thần.

 

Đức Ki-tô chịu phép rửa

(Bài đọc 2 giờ kinh sách)

Trích bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Na-di-en.

Đức Ki-tô toả sáng, chúng ta hãy toả sáng cùng với Người. Đức Ki-tô được dìm xuống nước, chúng ta hãy cùng xuống để rồi cùng lên với Người.

Thánh Gio-an đang làm phép rửa, thì Đức Giê-su đến. Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người A-đam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo.

Vị Tẩy Giả không chấp nhận, nhưng Đức Giê-su vẫn nhất quyết đòi hỏi. Gio-an nói : Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, đó là đèn nói với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể nói với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà nói với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ nói với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai nói với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa và hãy thêm “để làm chứng cho Ngài”. Quả thật, con người ấy biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo, cũng như thánh Phê-rô, không phải chỉ có chân mới được rửa mà thôi.

Nhưng Đức Giê-su cũng từ dưới nước đi lên. Người nâng thế gian lên cao với Người. Người thấy trời bị xé và mở ra, vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính A-đam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào.

Bấy giờ Thánh Thần chứng nhận thần tính của Đức Giê-su, vì Thánh Thần đến với Đấng có cùng thần tính với mình. Khi ấy có tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác. Điều này cũng giống như chuyện xảy ra trước đây nhiều thế kỷ : chim bồ câu đến báo tin chấm dứt đại hồng thuỷ.

Vậy, hôm nay, chúng ta hãy đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Ki-tô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng.

Anh em hãy thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn. Vì Thiên Chúa không ưa thích điều gì hơn việc con người hối cải và được cứu độ : mọi lời giảng dạy và mọi mầu nhiệm đều hướng tới mục đích này. Anh em hãy nên như đèn sáng giữa thế gian, nên sức sống cho người khác. Như những tia sáng hoàn hảo bên cạnh Nguồn Sáng cao cả, anh em hãy để mình được thấm nhuần ánh huy hoàng của ánh sáng đó, là ánh sáng trên trời. Hãy để Chúa Ba Ngôi chiếu soi trên anh em cách sâu xa và rực rỡ hơn, vì giờ đây, tuy chưa trọn vẹn, nhưng anh em cũng đã nhận được một tia sáng xuất phát từ thần tính duy nhất, trong Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, vì vinh quang và uy quyền thuộc về Người đến muôn đời muôn thuở. A-men.

Xướng đápTv 113A,5

XHôm nay trời rộng mở, biển cả nên hiền hoà, đất mừng vui hớn hở, núi đồi cũng hoan ca.

ĐVì Đức Ki-tô đến bên bờ sông Gio-đan xin ông Gio-an làm phép rửa.

XBiển kia ơi, việc gì mà trốn chạy ? Gio-đan hỡi, cớ chi chảy ngược dòng ?

ĐVì Đức Ki-tô đến bên bờ sông Gio-đan xin ông Gio-an làm phép rửa.

 

 

Ki-tô rực rỡ ánh vinh quang,
Là Đấng Cứu Tinh cả vũ hoàn,
Nào hỡi muôn loài muôn tín hữu,
Đồng thanh chúc tụng khúc ca vang.

Khi vừa được chẵn ba mươi tuổi,
Chúa đã lên đường rảo khắp nơi,
Đến với Gio-an, xin thụ tẩy,
Dầu đời nguyên vẹn nét tinh khôi.

Run rẩy Gio-an làm phép rửa,
Dìm Người xuống nước, nước Gio-đan,
Gio-an cảm biết Người là Chúa,
Chúa của muôn loài xoá tội dân.

Bỗng tự trời cao tiếng vọng xa :
Người là Quý Tử của Ngôi Cha,
Thánh Thần ban tặng nguồn ân tứ,
Ánh sáng tràn lan phủ chói loà.

Nguyện Chúa Ki-tô hằng bảo trợ
Đỡ nâng che chở cả xác hồn,
Giữ gìn lòng trí luôn trong sáng,
Để sống cho Người vẹn sắt son.

Lạy Đức Ki-tô là Sự Thật,
Ngàn muôn vinh hiển kính dâng Ngài,
Dâng kính Thánh Linh và Thánh Phụ,
Ngàn đời muôn kiếp chẳng hề phai.

 

 

Đấng cứu chuộc chúng ta đã chẳng nề lãnh nhận phép rửa của Gio-an tại sông Gio-đan. Chúng ta hãy nguyện xin Người :

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Lạy Chúa Ki-tô, khi xuất hiện tại sông Gio-đan, Chúa đã chiếu toả trên chúng con luồng ánh sáng rạng ngời, - xin cho những người chúng con sẽ gặp gỡ hôm nay được ánh sáng của Chúa soi dẫn.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Chúa tự hạ, đến xin Gio-an làm phép rửa, hầu chỉ lối khiêm nhường cho chúng con học đòi, - xin cho chúng con được tinh thần khiêm tốn mà phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Chúa đã chịu phép rửa, hầu thanh tẩy chúng con sạch muôn vàn tội lỗi, và làm cho chúng con trở thành con cái Cha, - xin ban tinh thần nghĩa tử cho những ai đang tìm kiếm Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Chúa đã dùng phép rửa mà thánh hoá nhân loại và mở cửa cho những người thống hối trở về, - xin cho chúng con thành những người rao giảng Tin Mừng trong khắp cả thế giới.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Khi chịu phép rửa, Chúa đã mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, - xin cho những người đã được rửa tội biết phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Giáo Hội, với tinh thần con cái thảo hiền.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

 

 

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái, xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin

 

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7

"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".

Ðó là lời Chúa. 

 

   Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

Xướng: 1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. - Ðáp.

2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. - Ðáp.

3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. - Ðáp. 

 

Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38 (Vì Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa vào Thứ Hai chứ không phải Chúa Nhật nên chỉ cần đọc Bài Đọc 1 từ Cựu ước trên đây thôi, chứ không đọc thêm Bài 2 từ Tân ước)

"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".

Ðó là lời Chúa. 

 

   Alleluia: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia. 

 

   Phúc Âm: Mt 3, 13-17

"Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for mt 3 13-17


Suy niệm

 

 

Đức Kitô Thiên Sai

 

 

 

 

Theo phụng niên thì lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa được Giáo Hội cử hành vào Chúa Nhật. Tuy nhiên, nếu Lễ Chúa Hiển Linh được cử hành dời vào Chúa Nhật sau mùng 6/1 là ngày chính lễ thì kể như Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa đươc dời vào Thứ Hai ngay sau Chúa Nhật Lễ Hiển Linh mùng 7 hay mùng 8/1 tùy năm. Như Năm 2018 Lễ Hiển Linh ngày 6/1 là Thứ Bảy, nhưng vì lý do mục vụ ở hầu hết các giáo phận trên thế giới được dời vào Chúa Nhật 7/1 (mà ngày 7/1 này đáng lẽ là Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa sau Lễ Hiển Linh), nên Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa được cử hành vào ngay hôm sau, Thứ Hai mùng 8/1. Hay như năm 2023, vì Lễ Giáng sinh 25/12 vào Chúa Nhật, nên cuối Tuần Bát Nhật Giáng sinh là Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1 cũng vào Chúa Nhật, bởi thế, Lễ Hiển Linh phải vào Chúa Nhật 8/1, và như thế Lễ Chúa Giêsu vào Thứ Hai ngay sau Lễ Hiển Linh.

Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm cho ngày 6/1, (ngày mà đáng lẽ là Lễ Hiển Linh nhưng được dời cử hành vào Chúa Nhật, nên ngày 6/1 trở thành một ngày trước Lễ Hiển Linh), cũng chính là bài Phúc Âm của Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh. Thế nhưng, chiều kích của bài Phúc Âm giống nhau theo Thánh ký Marcô này, liên quan đến biến cố Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa lại khác nhau, tùy theo thời điểm phụng vụ của bài Phúc Âm ấy. 

Ở chỗ, nếu biến cố Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa trong Phúc Âm ngày 6/1 trước Lễ Hiển Linh cho thấy chính Chúa Cha công nhận Chúa Giêsu Kitô là Người Con nhập thể của Ngài, thì trong Phúc Âm ngày Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh cho thấy Chúa Kitô đến để tỏ mình ra chính là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, bằng việc làm theo ý Cha của Người, với thân phận và sứ vụ của một "Con Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian", như Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả của Người đã làm chứng về Người trong hai Phúc Âm của Thánh Ký Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho ngày 4/1 và 5/1.

Đúng thế, phần Phụng Vụ Lời Chúa cho Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, ngoại trừ chính Bài Phúc Âm hoàn toàn giống nhau, các bài đọc đều khác hẳn: trong khi ngày 6/1 trước Lễ Hiển Linh chỉ có 1 bài đọc thì ở Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa có 2 bài đọc I và II, kèm theo Bài Đáp Ca cũng khác hẳn luôn, và 2 bài đọc cùng với bài đáp ca cho Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa theo chiều hướng bắt đầu mở màn cho Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, một thời điểm của Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, (một thời điểm phụng vụ dầu sao vẫn còn liên hệ với Mùa Giáng Sinh, nên mới gọi là "Hậu Giáng Sinh"), theo chủ đề "vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).

Thật vậy, nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa, bao gồm cả 2 Bài Đọc I và II cùng với Bài Đáp Ca cũng như Bài Phúc Âm, cho Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, toàn là những gì liên quan đến bản thân của Chúa Kitô, một bản thân "vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý". Ở chỗ nào? 

"Vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" ở Bài Đọc I, được Tiên Tri Isaia báo trước đó là một người "tôi tớ" và là một người "con" được Thiên Chúa thánh hiến để mang ơn cứu độ giải phóng đến cho muôn dân:

"Ban Thần trí trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm". 

 

"Vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" ở Bài Đọc II, được Tông Đồ Phêrô, trong Sách Tông Vụ, minh chứng về việc Người Con này được Thiên Chúa ở cùng, đầy Thánh Linh và quyền năng để có thể thi ân giáng phúc cho dân của Ngài như sau:

 "Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".

"Vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" ở Bài Phúc Âm, được Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả minh định "đến sau" ngài "nhưng quyền lực hơn tôi", ở chỗ, "Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần", để tha tội (xem Gioan 3:1,3; 20:22) chứ không phải chỉ "làm phép rửa bằng nước" như ngài, một phép rửa chỉ có tính cách thống hối mà thôi, nhưng qua phép rửa thống hối này, như một hình thức và phương tiện được Thiên Chúa sử dụng, Ngài đã thánh hiến Con của Ngài, bằng sự kiện "Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên" Người, tức Người là Con Thiên Chúa, được Thiên Chúa ở cùng và thực hiện tất cả những gì Thiên Chúa muốn qua Người, trước hết cho dân của Ngài.

Vẫn biết mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa hóa thân làm người, là để cứu độ toàn thể nhân loại là loài được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, nhưng bản tính của họ đã bị hư hoại bởi nguyên tội, một dự án cứu độ và công cuộc cứu độ được Ngài thực hiện, bằng việc tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô vào thời điểm viên trọn, nhưng Nhân Vật Lịch Sử mang tên Giêsu sinh quán ở Nazarét này sẽ không phải là Đấng Cứu Thế nếu Người không phải là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái.

Chính vì biến cố Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa là biến cố Chúa Giêsu Kitô bắt đầu chính thức và công khai tỏ mình ra cho dân Do Thái như là một Đấng Thiên Sai, "Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý"  Bài Đáp Ca hôm nay mới có câu họa: "Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình".

 

ĐTC Phanxicô: Huấn từ Truyền tin

Xin chào anh chị em thân mến!

Hôm nay, lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Phúc Âm (Mathêu 3:13-17) trình bày cho thấy một cảnh tượng đã diễn ra ở Sông Jordan, đó là giữa đám đông hối nhân đang tiến đến cùng Thánh Gioan Tẩy Giả để lãnh nhận phép rửa thì Chúa Giêsu cũng có mặt ở đó. Thánh Gioan đã ngăn Người lại mà rằng: "Chính tôi mới là người cần Ngài làm phép rửa cho mới phải" (Mathêu 3:14). Vị Tẩy Giả này đã nhận thức được khoảng cách khổng lồ giữa ngài và Chúa Giêsu.

Thế nhưng Chúa Giêsu đã đến chính yếu là để bắt nhịp cầu nối kết cái khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa, ở chỗ, nếu Người hoàn toàn ở bên phía Thiên Chúa thì Người cũng hoàn toàn ở bên phía con người nữa, và Người muốn qui tụ lại những gì bị chia cách. Đó là lý do Người đã xin Thánh Gioan làm phép rửa cho Người để Người làm trọn mọi điều chính đáng (xem câu 15), tức là hiện thực dự án của Chúa Cha bằng đường lối tuân phục và liên kết với con người mỏng dòn và tội lỗi, bằng con đường khiêm nhượng và thực sự gần gũi của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài. Vì Thiên Chúa rất gần gũi với con cái của Ngài, rất ư là gần!

Giây phút mà Thánh Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu, ở giòng nước Sông Jordan, tiếng của Thiên Chúa Cha đã vang lên từ trời: "Đây là Con Ta yêu dấu, Người mà Ta lấy làm hài lòng" (câu 17). Đồng thời Thánh Linh, như một con chim bồ câu, đậu xuống trên Chúa Giêsu, để bắt đầu công khai hóa sứ vụ cứu độ của Người, một sứ vụ có tính cách phục vụ, khiêm tốn và hiền lành, chất chứa thứ quyền năng của chân lý, như Tiên Tri Isaia đã loan báo: "Người sẽ không kêu la, không vang tiếng trên đường phố. Người sẽ không bẻ gẫy cây sậy bị bầm dập và không dập tắt ngọn bấc còn xông khói. Người sẽ trung thành mang lại những gì là công chính". Một người tôi tớ khiêm tốn và hiền lành.

Đó là kiểu cách truyền giáo của thành phần môn đệ Chúa Kitô, ở chỗ loan báo Phúc Âm một cách dịu dàng và mạnh mẽ, không ngạo mạn hay áp đặt. Việc truyền giáo thực sự không bao giờ là một thứ dụ giáo, mà là việc thu hút đến cùng Chúa Kitô, từ mối hiệp nhất mạnh mẽ với Người trong cầu nguyện, tôn thờ và việc bác ái thực tế, tức là phục vụ Chúa Giêsu hiện diện nơi những người anh chị em hèn mọn nhất của Người. Trong việc noi gương bắt chước Chúa Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành và thương xót, và được ân sủng của Người tác động, chúng ta được kêu gọi làm cho đời sống của chúng ta trở thành một chứng từ hoan lạc chiếu soi con đường mang lại hy vọng và yêu thương.

Lễ này làm cho chúng ta tái nhận thức tặng ân và vẻ đẹp về việc được là một dân nước của thành phần lãnh nhận phép rửa, tức là của thành phần tội nhân được ân sủng của Chúa Kitô cứu độ, Đấng, nhờ Thánh Linh, thực sự đã tiến vào mối liên hệ con cái của Chúa Giêsu với Chúa Cha, và đã đón nhận vào lòng Mẹ Giáo Hội một tình huynh đệ vô biên giới và bất cách ngăn như thế.

Xin Trinh Nữ Maria giúp cho tất cả mọi Kitô hữu biết bảo tồn một nhận thức và lòng tri ân sống động gia tăng về phép rửa của chúng ta và trung thành theo đuổi con đường đã được bí tích tái sinh này của chúng ta khai mở.

https://zenit.org/articles/angelus-address-jan-8-on-our-baptism/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch                                                                         


 

Thứ Ba


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (năm I) Dt 2, 5-12

"Ðấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Thiên Chúa đã không đặt dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: "Nhân loại là gì mà Chúa nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm? Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự phục quyền Người. Nhưng Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em mà rằng: "Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen Người giữa cộng đoàn".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Ðáp Ca: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9.

Ðáp: Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo (c. 7).

Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Ðáp.

2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Ðáp.

3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 1, 21-28

"Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi, và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Ðó là lời Chúa.


EVANGELIO DEL DÍA: Mc 1,21-28: Enseñaba con autoridad | Cursillos de  Cristiandad - Diócesis de Cartagena - Murcia


Suy niệm


  

Hôm nay, Thứ Ba trong Tuần 1 Thường Niên hậu Giáng Sinh, tiếp tục hôm qua, bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô cho biết, sau khi kêu gọi 4 người môn đệ đầu tiên trong bài Phúc Âm hôm qua, rằng "Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường vào một ngày nghỉ lễ". 

Theo chủ đề chung của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lýthì quả thực bài Phúc Âm hôm nay đã cho thấy rõ điều ấy, như ngay ở đầu và cuối của cùng bài Phúc Âm:  

"Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ... Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: 'Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người'".

Thật vậy, "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" này chẳng những làm cho con người bàng hoàng sửng sốt chưa từng thấy như thế mà còn gây cho cả ma quỉ cũng phải kinh hoảng không thể không nhận biết và xưng tụng Người nữa, khi chúng thấy mình gặp phải một siêu đối thủ hoàn toàn cao tay hơn sắp sửa ra tay triệt hạ chúng: "Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". 

Có lẽ trong các tác động được "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" thực hiện trước tột đỉnh sứ vụ Thiên Sai Cứu Thế của mình là Cuộc Vượt Qua thì, so với các tác động khác như chữa lành người bệnh và hồi sinh người chết, tác động trừ quỉ chất chứa một ý nghĩa cứu độ có giá trị cao nhất. Tại sao? 

Bởi vì, tác động trừ quỉ ám chỉ việc xuất hiện của Chúa Kitô nói chung và công cuộc cứu chuộc của Người nói riêng để thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ hoàn toàn và vĩnh viễn phá hủy vương quốc của ma quỉ (xem 1Gioan 3:8), một vương quốc đã được thiết lập ngay vừa khi xẩy ra nguyên tội. 

Chính vì bị vương quốc của ma quỉ cai trị mà loài người, trước đó sống trong tình trạng công chính nguyên thủy, hoàn toàn ngây thơ vô tội và tự do an lành, đã bắt đầu một cuộc sống theo thân phận của thành phần nô lệ cho tội lỗi và sự chết là những gì gây ra bởi nguyên tội và do cơ mưu hết sức thâm độc của "tên sát nhân ngay từ ban đầu" (Gioan 8:44). 

Phải chăng vì ý nghĩa và tác dụng chính yếu của sứ vụ Thiên Sai Cứu Thế là thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa bằng cách phá hủy vương quốc của ma quỉ như thế mà Thánh ký Marcô đã thuật lại sự kiện "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" trừ quỉ đầu tiên trong và trước tất cả những hành động khác tỏ mình ra của Người? 

Tuy nhiên, cho dù là thế, bài Phúc Âm còn cho thấy là trước khi trừ quỉ Chúa Kitô đã giảng dạy dân chúng trong hội đường vào ngày hưu lễ. Bởi vì, tự mình, Người là Ngôi Lời, và vì thế, lời của Người phản ảnh Người, như "ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Gioan 1:5) và có tác dụng xua tan tối tăm chết chóc, như trường hợp Người trừ quỉ ám trong bài Phúc Âm hôm nay bằng lời truyền đầy quyền năng của Người: "Hãy im đi, và ra khỏi người này!"   

Khi thấy "thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy", thì "mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: 'Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư?'". Họ không nói "đây là quyền năng mới ư" mà là "giáo lý mới ư", nghĩa là họ nhấn mạnh đến khía cạnh nguyên tác trừ quỉ là lời Chúa, là Đấng "đầy ân sủng và chân lý" đã xuất hiện trước mắt họ và đang ở cùng họ, Đấng họ đợi trông nhưng ma quỉ lại sợ hãi. 

Lời Chúa trừ quỉ ám trong bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy một quyền lực vốn được chất chứa nơi Lời Chúa và xuất phát từ Lời Chúa. Đó là lý do kinh nghiệm tu đức cho thấy như thế, và lịch sử Giáo Hội nơi các thánh nhân cũng chứng thực như vậy. Ở chỗ, Lời Chúa đã có một mãnh lực biến đổi cuộc đời của Kitô hữu, từ một tội nhân thành thánh nhân, từ tình trạng sống tầm thường nên phi thường, chỉ bằng một lời nào đó trong Phúc Âm.

Sở dĩ nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét được dân chúng thành Carphanaum đầy kinh ngạc và thán phục về giáo lý siêu việt của Người, một nhân vật lịch sử có vẻ thuần loài người này lại có cả quyền hành trừ tà thần ô uế nữa, là vì, như câu họa của Bài Đáp Ca cho thấy: "Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo", một Người Con, như Bài Đọc 1 hôm nay cho biết đúng như câu thừ 2 của Bài Đáp Ca hôm nay, đó là: "Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người".

 

 


Thứ Tư


 

Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 2, 14-18

"Người phải nên giống anh em mình mọi đàng".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người, mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng, Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9.

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. - Ðáp.

2) Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. - Ðáp.

3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.

4) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaác. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 1, 29-39

"Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Ðó là lời Chúa.

Evangelio San Marcos 1,29-39. Miércoles 13 de Enero de 2016. Misa por la  Santificación del Trabajo Humano “A”. – Evangeliza Fuerte

 

Suy niệm

 

Bài Phúc Âm Thứ Tư trong Tuần 1 Thường Niên hôm nay được Giáo Hội chọn đọc thích hợp với chủ đề chung của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý".

Tiếp tục bài Phúc Âm hôm qua về việc trừ quỉ cho một người ở trong hội đường, bài Phúc Âm hôm nay cho biết "Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài".

Bài Phúc Âm hôm nay cũng cho thấy 4 người môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, được Người kêu gọi và đã mau mắn bỏ tất cả mọi sự mà theo Người ngay lập tức, ở bài Phúc Âm Thứ hai đầu tuần này, vẫn tiếp tục đi theo Người và luôn ở bên Người, để chứng kiến những việc Người làm, nhờ đó, sau này, cùng với các vị tông đồ được tuyển chọn sau các vị, có thể trở nên thành phần chứng nhân tiên khởi của Người.

Ở đâu và đi đâu, các vị cũng thấy Thày của các vị luôn tỏ ra thực sự là "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý", đối với từng cá nhân con người chứ không phải chỉ với đám đông quần chúng, dù cảnh gian nan khốn khó nặng hay nhẹ. Chẳng hạn, trong trường hợp "bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường", một chứng bệnh không trầm trọng và đau đớn là bao so với các tật bệnh khác, thế mà sau khi được "người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà", thì Người cũng ân cần "tiến lại gần", sau đó, "Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy", một cử chỉ biểu lộ Người đầy "ân sủng", được thông ban qua bàn tay của Người chạm đến bà, nhờ đó, "bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài".

Chưa hết, "ân sủng và chân lý" nơi "Người Con đến từ Cha" này dồi dào phong phú và mãnh liệt còn có thể bao trùm và thông ban cho cả một đám đông, với bao nhiêu là bệnh nạn tật nguyền khác nhau về phần xác nữa, kể cả những ai bị quỉ ám về tâm thầnĐó là lý do bài Phúc Âm hôm nay đã trình thuật tiếp:

"Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người".

Tuy nhiên, đối với 4 người môn đệ tiên khởi đang ở bên Người ấy thì "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" không phải chỉ ở chỗ thông ban ơn lành và chữa lành cho dân chúng, chung cũng như riêng, bằng các phép lạ của Người, những gì một người thường không ai có thể làm được ngoại trừ chỉ có Đấng xuất thân từ Thiên Chúa (xem Gioan 9:16,31-32), mà còn ở chỗ liên kết với Thiên Chúa bằng một đời sống âm thầm cầu nguyện nữa, như bài Phúc Âm hôm nay tiếp tục ghi lại:

"Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: 'Mọi người đều đi tìm Thầy'".

Hành động cầu nguyện từ "sáng sớm tinh sương" của Chúa Kitô, sau cả một ngày hôm trước bận bịu cứu giúp dân chúng và sau một đêm tạm nghỉ một chút cho đỡ mệt, được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, cho thấy Người luôn kết hợp với Cha là Đấng đã sai Người, vì Cha là nguồn mạch "ân sủng và chân lý" của Người và cho Người để Người có thể tiếp tục vì Cha và thay Cha, với vai trò là một thừa tác viên của Cha, thông ban "ân sủng và chân lý" cho dân chúng đang trông chờ Đấng Thiên Sai là chính Người. 

Việc Chúa Giêsu ngày nào cũng cầu nguyện không phải như kiểu chúng ta charge lại bình điện, vì bình điện xài nhiều quá nên bị cạn kiệt, cần lấy lại điện để có thể tiếp tục cung cấp năng lực cho những gì cần đến điện lực. Nghĩa là không phải việc Chúa Kitô rao giảng cùng chữa lành và trừ quỉ hằng ngày của Người làm cho Người bị tiêu hao đi quyền lực Thánh Linh nơi Người, hay bị cạn kiệt nguồn "ân sủng và chân lý" của Người. Trái lại, chính vì "đầy ân sủng và chân lý" mà Người không thể nào không cầu nguyện, liên lỉ cầu nguyện, và vì thế chính vieêc cầu nguyện của Người cũng là tác động tỏ ra Người "đầy ân sủng và chân lý", đầy Thánh Linh.

Để rồi, nhờ những giây phút cầu nguyện thân mật với Cha và sau những cuộc hội ngộ thần linh như thế, Người lại hăng say tiếp tục sứ vụ Thiên Sai Cứu Thế của mình, trước hết, nơi cộng đồng xã hội Do Thái bấy giờ, trước khi vươn tới "tất cả mọi dân nước" (Mathêu 28:19) và "cho mọi tạo vật" (Marco 16:16), qua thành phần môn đệ chứng nhân tiên khởi của Người sau này. Bởi thế, bài Phúc Âm hôm nay đã kết thúc như hướng về một tương lai toàn cầu hóa tất cả "ân sủng và chân lý" của "Người Con Thiên Chúa đến từ Cha" này như sau:

"Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: 'Mọi người đều đi tìm Thầy'. Nhưng Người đáp: 'Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa'. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ".

Qua đoạn kết bài Phúc Âm hôm nay chúng ta thấy cho dù mới theo Chúa Kitô, nhưng 4 người môn đệ tiên khởi nói chung và nhân vật lãnh đạo tông đồ đoàn trong tương lai nói riêng: "Simon và các bạn", đã biết được Thày của mình một phần nào rồi, ở chỗ, cứ sáng sớm Người vẫn giành giờ cầu nguyện ở một nơi vắng vẻ, nên một khi không thấy Người đâu thì cứ chạy tìm đến những chỗ ấy là chắc chắn sẽ thấy, như bài Phúc Âm hôm nay rõ ràng chứng thực.

Việc Chúa Giêsu chữa lành cho riêng nhạc mẫu của tông đồ Simon Phêrô và cho chung dân chúng trong bài Phúc Âm hôm nay, đã được Thư Do Thái ở Bài Đọc 1 hôm nay cảm nhận rất chính xác, đó là "Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách".

 

Những việc chữa lành của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, với tư cách là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng sinh, là những gì như thể việc Thiên Chúa cho dân của Ngài thấy rằng: "Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaác", như câu Đáp Ca thứ 4 hôm nay cảm nhận.

 



Thứ Năm


Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 3, 7-14

"Chúng ta hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là Hôm Nay".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, như Thánh Thần phán rằng: "Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng như thời chống đối, như ngày thử thách trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã thách thức Ta, dù đã chứng nhận và thấy các việc Ta làm trong bốn mươi năm; vì thế Ta đã phẫn nộ với thế hệ đó và phán rằng: Tâm hồn chúng luôn luôn lầm lạc, chúng không nhận biết đường lối của Ta, nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ rằng: Chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta".

Anh em thân mến, anh em hãy coi chừng, kẻo có ai trong anh em thiếu lòng tin, lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Mỗi ngày anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là "Hôm Nay", để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá. Vì chúng ta được đồng phần cùng Ðức Kitô, nếu chúng ta giữ vững lòng tin thuở ban đầu cho đến cùng.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 94, 6-7. 8-9. 10-11.

Ðáp: Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.

2) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. - Ðáp.

3) Ròng rã bốn chục năm, dòng giống này thực Ta đã ngán, khiến Ta thốt ra: dân lạc tâm địa chính thị bọn này, và bọn này không hiểu biết đường lối của Ta. Bởi thế, Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: không khi nào chúng sẽ vào chốn nghỉ an Ta! - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 1, 40-45

"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy niệm

  

Thứ Năm trong Tuần 1 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay, bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô được Giáo Hội chọn đọc lại có một nội dung hoàn toàn giống như bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho ngày 11/1 hay Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh và một ngày trước Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. 

Thật vậy, nội dung của hai bài Phúc Âm của hai thánh ký khác nhau đều thuật lại về sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho một người phong cùi, với những chi tiết hầu như hoàn toàn giống nhau, nhất là ở các câu đối đáp giữa nạn nhân đương sự và Chúa Giêsu là Đấng chữa lành cho nạn nhân: 

1- "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". 2- "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". 3- "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". 

Ý nghĩa khác biệt của hai bài Phúc Âm có nội dung giống nhau này là ở chỗ, mỗi bài đều phản ảnh chủ đề thích hợp cho mùa phụng vụ của mình. Trong khi bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho ngày 11/1 hay Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh và trước Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa thích hợp với chủ đề "Lời ở giữa chúng tacủa Mùa Giáng Sinh, thì bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Năm Tuần I Thưởng Niên hôm nay lại thích hợp với chủ đề "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh.  

Đúng thế, nạn nhân bị "bệnh cùi" trong bài Phúc Âm hôm nay đã được chữa cho lành sạch là nhờ "ân sủng" của "Người Con đến từ Cha" đã "động lòng thương" đương sự, bằng một lời truyền chữa lành "'Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh'. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch", đúng như "sự thật" mà Người mong muốn về anh ta và nơi anh ta. 

"Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" này còn truyền dạy cho nạn nhân đương sự vừa được Người chữa cho lành sạch 2 điều cũng liên quan đến "ân sủng và chân lý", đó là "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh".

Hành động để đáp lại "ân sủng" mà nạn nhân đương sự nhận được qua biến cố được lành sạch phong cùi đó là đương sự nạn nhân cần phải "dâng của lễ", và hành động tỏ ra chấp nhận cùng hưởng ứng "chân lý" của đương sự nạn nhân này đó là đương sự nạn nhân cần phải "đi trình diện cùng trưởng tế... để minh chứng (sự thật là quả thực) mình đã được khỏi bệnh".

Phải chăng trong bài Phúc Âm hôm nay có chi tiết: "Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: 'Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh'. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được", mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay mới có câu "Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng", cả ở trong Bài Đọc 1 lẫn bài Đáp Ca?

Tuy nhiên, xét cho cùng thì phải thông cảm cho cả 2 phía, phía Chúa Giêsu cũng như phía nạn nhân phong cùi được Người chữa lành cho. Trước hết về phía của Chúa Giêsu, Người không cho một ai nói về Người, kể cả các tông đồ hay ma quỉ, bởi những gì được bất cứ ai nói về Người mà không phải chính Người thì thật sự không hoàn toàn chính xác về Người, như Người biết mình Người và đang từ từ tỏ hết mình ra cho họ, bằng một cách thức chính ma quỉ, các tông đồ và toàn thể dân chúng không thể nào chấp nhận được, đó là Người đã cứu đươợ kẻ khác mà không cứu được bản thân, không tự xuống khỏi thập tự giá, dù Người có thể.

Sau nữa, về nạn nhân phong cùi được Người chữa cho lành sạch, không thể nào không nói, sau khi thoát được chẳng những trở thành dị dạng và dị ngợm trước mắt thiên hạ mà còn bị xã hội tẩy chay, một nỗi vui mừng khôn xiết, đến độ làm cho thân nhân ruột thịt của nạn nhân, cùng với tất cả những ai đã quen biết với nạn nhân, không thể nào không hết sức bỡ ngỡ và mừng cho nạn nhân, và đều muốn biết nạn nhân làm thế nào lại được lành sạch một cách lạ lùng như thế, đến độ chính bản thân nạn nhân cũng đành phải thuật lại những gì nạn nhân được Chúa Giêsu thương tình đáp ứng lời van xin của nạn nhân, để cùng với mọi người chúc tụng ơn Chúa ban cho nạn nhân, như một cách nạn nhân đáp lại ân sủng nhận được vậy.

 Tất cả những gì Chúa Giêsu tỏ mình ra đều chứng thực bản thân là "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý", tức là đầy Thánh Linh, như các bài Phúc Âm từ Thứ Hai đầu tuần lễ ngày thường cho tới Thứ Năm hôm nay và sau này.

Chính vì "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý", đầy Thánh Thần, mà lời của Người, trong Bài Phúc Âm hôm Thứ Hai Tuần 1 Mùa Thường Niên vừa rồi cho thấy, đã có một mãnh lực bất khả chống cươỡg, như nam châm thu hút lập tức hai cặp anh em môn đệ đầu tiên chuyên nghề đánh cá, đến độ, vừa nghe thấy tiếng Người kêu gọi, cả 4 người liền bỏ hết mọi sự mà theo Người, trong khi mới quen biết Người, như cặp anh em Anrê và Simon, hay chưa hề gặp Người, như cặp anh em Giacôbê và Gioan.

Cũng chính vì "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý", đầy Thánh Thần, mà lời người giảng dạy và việc trừ thần ô uế của Người, ở bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần 1 Thường Niên vừa rồi, mới có một quyền năng vô địch, như chính chân lý tự mình vốn là một mãnh lực, một thứ quyền lực khiến con người sợ nhất, khi họ không dám đối diện với chân lý về bản thân họ, để được chân lý giải phóng cho (xem Gioan 8:28), như thực tế cho thấy chân lý đã thu hút lòng thính giả của Người bấy giờ, và khu trừ các thần ô uế xấu xa gian tà.

"Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý", đầy Thánh Thần, này không chỉ tỏ hiện nơi một người nào đó, như tỏ hiện qua việc khu trừ thần ô uế cho một nạn nhân bị ám ở Bài Phúc Âm Thứ Ba, hoặc tỏ hiện qua việc chữa lành sạch nạn nhân phong cùi ở bài Phúc Âm hôm nay, hay tỏ hiện nơi một thiếu số nào đó như 2 cặp môn đệ đầu tiên ở Bài Phúc Âm Thứ Hai đầu tuần, mà là cho cả một đám đông dân chúng kéo đến với Người, với đủ mọi bệnh nạn tật nguyền cùng bị quỉ ám, ở Bài Phúc Âm Thứ Tư tuần này.

Cứ thế, chúng ta sẽ vẫn thấy "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý", đầy Thánh Thần, này chứng thực bản thân mình như thế ở bài Phúc Âm Thứ Sáu ngày mai và Thứ Bảy ngày kia, cùng các tuần sau đó suốt Mùa Thường Niên hậu Mùa Giáng Sinh này, vì Mùa Thường Niên hậu Mùa Giáng Sinh là thời điểm kéo dài Mùa Giáng Sinh vậy.

 


Thứ Sáu


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (năm I) Dt 4, 1-5. 11

"Chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta hãy lo sợ kẻo đang khi lời hứa được vào trong sự an nghỉ của Chúa còn có giá trị mà có người trong anh em tưởng mình không được hưởng. Quả thật, chúng ta đã nhận lãnh tin mừng như họ; nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi họ không lấy đức tin mà thông hiệp với những kẻ đã tin. Chúng ta là những kẻ đã tin; chúng ta đang đi vào nơi an nghỉ, như lời Người phán rằng: "Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ, chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta". Dầu vậy, các công trình của Người đã được hoàn tất từ tạo thiên lập địa. Vì chưng, có câu nói về ngày thứ bảy rằng: "Và ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã nghỉ mọi việc". Lại có câu khác rằng: "Không, chúng nó sẽ chẳng vào nơi an nghỉ của Ta". Vậy chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó, để không ai sa ngã mà nên gương bất trung.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Ðáp Ca: Tv 77, 3 và 4bc. 6c-7. 8

Ðáp: Chúng tôi sẽ không quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).

Xướng: 1) Ðiều mà chúng tôi đã nghe, đã biết, mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai, đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. - Ðáp.

2) Ðể họ đứng ra và thuật lại cho con cái họ, hầu cho chúng đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, và không quên lãng những kỳ công của Người, những giới răn của Người chúng sẽ tuân theo. - Ðáp.

3) Và chúng đừng trở nên như tổ tiên chúng, một thế hệ khó dạy và lăng loàn, một thế hệ không có lòng ngay thẳng, và không có tâm hồn trung kiên cùng Thiên Chúa. - Ðáp.

 

 Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 2, 1-12

"Con Người có quyền tha tội dưới đất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, tội lỗi con được tha". Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: "Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa". Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: "Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: "Tội lỗi con được tha" hay nói: "Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất". - Người nói với kẻ bất toại: "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà". Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ".

Ðó là lời Chúa.




Suy niệm


Đức Kitô Quyền Linh

   

Hôm nay, Thứ Sáu trong Tuần 1 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" vẫn tiếp tục phản ảnh nơi một phép lạ đặc biệt khác nữa được Chúa Giêsu thực hiện, chẳng những liên quan đến phần xác của nạn nhân mà còn đến cả phần hồn của đương sự nữa.

Đó là trường hợp, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, bấy giờ "Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum", sau khi Người từ nhà của hai tông đồ Simon và Anrê ra đi (ở bài Phúc Âm hôm kia), cũng như sau khi Người chữa lành cho một người phong cùi (ở bài Phúc Âm hôm qua), một nơi đã được Người chọn làm như tổng hành dinh của Người để thường xuyên tỏ mình ra, và vì thế nó đã trở thành một nơi "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lýtrở nên nổi tiếng, tới nỗi "nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ". 

Phúc Âm không cho chúng ta biết bấy giờ Người đang ở trong ngôi nhà của ai ở Capharnaum, cũng có thể lại là nhà của anh em Simon và Anrê như bài Phúc Âm Thứ Tư vừa rồi, và nếu quả thực như vậy thì lần này ngôi nhà ấy đã trở thành một ngôi nhà chưa từng thấy xẩy ra trong lịch sử chữa lành của Chúa Giêsu. Ở chỗ, như bài Phúc Âm cho biết: "Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống".

Trước một sự kiện chưa từng bao giờ xẩy ra như thế, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" không thể nào không đáp ứng lòng tin tưởng mãnh liệt của họ, lòng tin không phải chỉ của nạn nhân bất toại mà còn của chính những người thân nhân bạn hữu của đương sự, thành phần chẳng những khiêng nạn đến với Chúa Giêsu mà còn tìm hết cách để đưa nạn nhân đến tận nơi Người hiện diện nữa, như Phúc Âm hôm nay trình thuật: "Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: 'Hỡi con, tội lỗi con được tha'".

Hình như lần chữa lành này, sau mấy lần chữa lành lần trước từ khi xuất thân công khai thực hiện thừa tác vụ Thiên Sai Cứu Thế của mình, Chúa Giêsu đã từ từ có ý muốn tỏ mình ra cho chung dân chúng, và cho riêng thành phần môn đệ của Người biết thêm về bản thân và sứ vụ của Người, Đấng được Cha sai đến không phải chỉ để chữa lành những hậu quả nguyên tội liên quan đến thân xác của con người là bệnh nạn tật nguyền, hay đến tâm thần của con người là bị quỉ ám, mà chính là để cứu con người khỏi tội lỗi của họ là căn nguyên gây ra tình trạng đau khổ trong ngoài như thế.

Đó là lý do câu nói bật ra từ môi miệng của Người lần đầu tiên liên quan đến việc tha tội này, một câu nói hình như Người có ý chờ đến lần này mới chính thức công khai thốt lên, có thể là vì bởi Người biết rằng trong đám đông "lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó", (mà mấy lần trước hình như không có, vì tiếng tăm của Người chưa lừng lẫy cho lắm, không đáng họ chú ý và theo dõi), nên Người đã lợi dụng để chẳng những tỏ mình ra là "đầy ân sủng", ở chỗ, tha tội cho nạn nhân bất toại, ở chỗ cứu con người khỏi tội lỗi là căn nguyên khổ đau và chết chóc của họ, mà còn "đầy chân lý", ở chỗ, mở mắt cho thánh phần luật sĩ và biệt phái đang đặt vấn đề về quyền tha tội của Người.

Bởi thế, sau khi chờ phản ứng của thành phần luật sĩ ấy, cho dù họ không dám công khai lên tiếng kẻo bị đụng đến chung dân chúng, mà đối với họ, như đang có vẻ "mù quáng" hay "cuồng tín" chạy theo Người, một phản ứng tự nhiên nổi lên trong óc của từng vị luật sĩ bấy giờ, như Phúc Âm thuật lại: "họ thầm nghĩ rằng: 'Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa'", Chúa Giêsu mới tỏ cho riêng họ, cũng như chung dân chúng, lần đầu tiên biết vai trò Thiên Sai Cứu Thế cả hồn lẫn xác của loài người qua bài Phúc Âm hôm nay: 

"Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: 'Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: 'Tội lỗi con được tha' hay nói: 'Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi', đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất'. - Người nói với kẻ bất toại: 'Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà'. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: 'Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ'".

Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho riêng mấy vị luật sĩ đang ngồi đó bấy giờ là "'Tội lỗi con được tha" hay nói: 'Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi', đàng nào dễ hơn?" hoặc "đằng nào đúng hơn" cũng thế. Bởi vì, về phía Thiên Chúa, Ngài chỉ cần cứu linh hồn con người, bằng cách tha tội cho con người, thì con người được cứu độ, được cứu độ cả hậu quả tội lỗi của họ là những gì họ phải gánh chịu nơi thể xác lẫn tâm thần của họ. Thế nhưng, về phía loài người, sự kiện họ được chữa lành cho khỏi các hậu quả của tội lỗi mới là dấu chứng thực họ thật sự được cứu độ.

Bởi thế, để chiều theo cùng đáp ứng thị hiếu và xu hướng thực nghiệm không phải là hoàn toàn vô lý của loài người, nhờ đó chính họ mới có thể thấy được phần nào "tất cả sự thật" (Gioan 13:16) về "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", Chúa Giêsu đã chữa lành cho cả thân xác bất toại của nạn nhân đương sự, một tật nguyền chẳng những là hậu quả của nguyên tội, mà còn biểu hiệu cho tác dụng của tội lỗi là những gì đã khiến con người vốn được dựng nên để sống tự do đã trở thành bại liệt, bất lực và bất động, một tình trạng về linh hồn vô cùng trầm trọng, liên quan đến phần rỗi đời đời của con người mới là những gì trên hết và trước hết cần phải được cứu độ và được giải thoát.

Trong khi câu họa của bài Đáp Ca hôm nay: "Chúng tôi sẽ không quên lãng những kỳ công của Chúa", có thể tiêu biểu cho tâm trạng của chung dân chúng chứng kiến thấy việc Chúa Kitô tha tội bằng việc chữa lành cho nạn nhân bất toại trong bài Phúc Âm hôm nay, thì lời kêu gọi cuối ở Bài Đọc 1 hôm nay: "Vậy chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó, để không ai sa ngã mà nên gương bất trung", dường như có liên quan đến thành phần luật sĩ và biệt phái, những người đặt vấn đề về quyền tha tội với Chúa Kitô, Đấng được Tiền Hô Gioan Tẩy Giả từng cảnh báo họ rằng "có một Đấng ở giữa quí vị mà quí vị không biết" (Gioan 1:26), Đấng mà nếu họ khiêm tốn đủ họ sẽ nhận ra Người để được Người "bổ sức cho" (Mathêu 11:28).

 

 

 

Thứ Tư 10/10/2007 – Bài Giáo Lý 53 - Thánh giáo phụ Hilary of Poitiers

(của Cố Giáo hoàng Biển Đức XVI)

 

Cộng đoàn Thánh Phêrô

 

Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB

Thánh Hilariô được đánh động bằng một lời Cựu ước: “ Ta là Ðấng hằng hữu “. Từ khi được Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động mạnh mẽ, thánh nhân đã quyết tâm tìm gặp Chúa và
quyết đi theo Chúa. 

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng vụ

Thánh Hilariô được Đức Giáo Hoàng Piô IX tôn phong làm Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1851, là vị giáo phụ vĩ đại nhất của Giáo hội và là một trong các vị giáo phụ nổi tiếng nhất của Giáo hội Tây phương. Được gọi là “Thánh Athanase của phương Tây”, ngài ngăn chận lạc giáo Ariô và trở thành cầu nối giữa các Giáo hội Đông phương và Tây phương. Việc tôn kính ngài được phổ biến từ thế kỷ thứ IX ở nước Phápvà tại Rôma từ thế kỷ thứ XI và XII.

Thánh Hilariô (với tên gọi xuất phát từ tiếng Latinh “Hilaris” có nghĩa là “vui vẻ”) sinh năm 315 ở Aquitaine, trong một gia đình ngoại giáo làm thẩm phán và địa chủ; ngài đã kết hôn và có được một đứa con gái tên là Abra, cũng được tôn phong như nữ thánh ở Poitiers. Khi còn là người ngoại giáo, ngài luôn tìm kiếm Chúa và đã khám phá ra Thiên Chúa qua việc đọc các sách thánh, đặc biệt là Môisen và Gioan. Thánh nhân đã viết trong tập “Chuyên khảo về Chúa Ba Ngôi”: “Linh hồn tôi vui mừng đón nhận mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa. Với thân xác, tôi tiến gần đến thiên tính và với đức tin tôi được gọi vào một cuộc sống mới.”

Được rửa tội, ngài gia nhập vào cộng đoàn Kitô hữu tại Poitiers, vẫn luôn là giáo dân. Nhưng vào năm 350, sau cái chết của vị Giám mục địa phương, các tín hữu đã chọn ngài làm mục tử cho cả địa phận qua việc bình chọn vỗ tay. Đó cũng là lúc lạc giáo Ariô phủ nhận thiên tính của Đức Kitô, đang tàn phá Hội Thánh. Hoàng đế Constance II lại muốn thiết đặt lạc giáo này trên toàn đế quốc La Mã ; ông đã ra lệnh truất phế thánh Athanase, nhưng Hilariô lên tiếng chống đối và đã tập họp các Giám mục để loại các kẻ lạc giáo ra khỏi cộng đoàn. Bị hoàng đế đày đi Phrygy, miền Tiểu Á, ngài đã ở đây 4 năm; lợi dụng thời gian này, ngài làm quen với thần học Đông phương. Ngài đã soạn tập “Chuyên khảo về Chúa Ba Ngôi”, một tác phẩm vĩ đại gồm 12 quyển sách, trình bày rõ ràng, bằng tiếng Latinh, tín điều về Chúa Ba Ngôi của Hội Thánh. Ngài viết: “Tôi bắt buộc phải trình bày với ngôn ngữ không chuyên để giải thích các mầu nhiệm khó diễn tả.” Nhưng cuộc tranh đấu của ngài đã mang lại kết quả. Được trở về địa phận Poitiers, ngài cố gắng tái lập sự chính thống và trật tự hoà bình. Như Sulpice Sévère viết: “Mọi người đều biết rằng đất nước Gaule [Pháp] của chúng ta đã được giải thoát (khỏi thuyết Ariô) nhờ lòng nhiệt thành của Hilariô thành Poitiers.”

Những năm cuối đời, thánh nhân cố gắng lãnh đạo địa phận và học hỏi: Ngài đã cho xuất bản các “Chuyên Khảo Về Các Mầu Nhiệm”, về các Thánh thi, giải thích Thánh vịnh, sách “Hướng Về Sự An Nghỉ Của Ngày Sabbat Thật Cần Phải Chuẩn Bị”. Dưới sự thúc đẩy của ngài, thánh Martin thành Tours đã thiết lập tại Tours Đan viện đầu tiên ở phương Tây. Thánh Hilariô thích đến đó cầu nguyện và chung sống với các đan sĩ. Ngài qua đời cách yên lành tại Poitiers vào khoảng năm 367. Danh tiếng ngài vang dội. Thánh Giêrôm ca tụng vị giám mục này bằng cách gọi ngài là “Dòng sông Rhône lợi khẩu Latinh”, ngài còn nói thêm : “Việc tuyên xưng vang dội, lòng nhiệt thành trong cuộc sống, sự vững chắc trong lời ăn tiếng nói của ngài chói sáng cả đế quốc La Mã.”

  1. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Hilariô công bố và bảo vệ thiên tính “không bao giờ suy yếu” của Đức Kitô (kinh Tổng Nguyện).

Được gia nhập đạo sau một thời gian dài tìm kiếm ray rức, ngài đã chọn tiếng con tim. Ngài viết: “Thiên Chúa đẹp dường bao. Chúng ta cảm nghiệm sự đẹp đẽ này, nhưng không đủ khả năng hiểu được. Trong Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, có một sự vô cùng trong Đấng Vĩnh Cửu, sự đẹp đẽ trong Đấng là hình ảnh của Người, niềm vui trong Đấng là ân sủng” (Về Ba Ngôi II,1).

Nhưng làm sao lại không thể công bố chân lý đã được biết đến và đã được yêu mến ? Thánh Hilariô viết: “Hồng ân ngôn ngữ mà Ngài ban cho con không giúp con trình bày được công trình vĩ đại: Con bằng lòng phục vụ Ngài qua việc rao giảng và cho thấy Ngài là ai… Ngài là Chúa Cha, Cha của Chúa Con duy nhất. Con phải cho mọi người biết Ngài, trong một thế giới chưa biết Ngài và cho những người theo lạc giáo vì họ từ chối Ngài” (Về Ba Ngôi).

Đam mê duy nhất của thánh Hilariô là Chân lý Thiên Chúa chiếu soi trong tâm hồn ngài từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và ngài muốn gìn giữ mãi cho đến cùng: “Con xin Chúa, gìn giữ sự tôn trọng đức tin của con đừng thay đổi, cho đến hơi thở cuối cùng của con… Xin cho con được gìn giữ điều con đang chiếm hữu, gìn giữ điều con tuyên xưng trong tín biểu đức tin của thế hệ con, khi con lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Xin cho phép con được tôn thờ Chúa, Thiên Chúa Cha của con, và tôn thờ Con của Ngài cùng với Ngài; xin cho con xứng đáng với Chúa Thánh Thần, Đấng xuất phát từ Ngài nhờ người Con duy nhất.”

Hilariô là con người trầm lặng, nhưng khao khát chân lý. Ngài bảo vệ chân lý trước mặt mọi người và vua chúa. Ngài đã viết cho hoàng đế Constance II một bản văn đả kích, xem hoàng đế như một phản Kitô: “Một người lính bảo vệ vua mình khi gặp nguy biến trong đời… Còn ngài, ngài lại cho Đức Kitô, Con đích thực của Thiên Chúa, trở thành không phải là Thiên Chúa. Sự thinh lặng của ngài là một sự gắn bó vào sự phỉ báng này, và ngài đã thinh lặng…” (xem bài đọc một trong Thánh lễ : 1 Ga 2,18-25: … Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô? Kẻ ấy là tên phản Kitô).

Sự say mê chân lý đã trở thành lời cầu nguyện: “Xin ban cho chúng con, chống lại những kẻ lạc giáo, để ca khen Ngài là Chúa, nhưng không phải là một Thiên Chúa đơn độc, và để rao giảng Thiên Chúa này không chút sai lệch” (Về Ba Ngôi).

http://loichua.donboscoviet.org/ngay-13-thang-1-thanh-hilario-giam-muc-tien-si-hoi-thanh/

Là con một gia đình quý tộc, thánh Hi-la-ri-ô sinh năm 320 tại Pô-chê, nước Pháp. Lớn lên, ngài theo học văn chương và triết lý, đặc biệt ham mê tìm hiểu đạo và Thiên Chúa. Ngài hiểu rằng hạnh phúc thật của con người không phải ở đời này; và ngài muốn tìm hạnh phúc thật, hạnh phúc vĩnh cửu .

Dịp may thánh nhân gặp được cuốn Kinh Thánh. Ngài say mê học hỏi, nghiên cứu Lời Chúa. Nhờ đó, ngài nhận biết Chúa là Thiên Chúa chân thật tốt lành, và đã xin gia nhập đạo cùng với gia đình.

Từ đó, ngài sống đạo đức gương mẫu. Và mặc dù có gia đình, ngài được phong chức linh mục. Rồi năm 250, thánh nhân được chọn làm Giám mục tại chính quê hương là Pô-chê.

Lúc đó, bè rối Ariô nổi lên. Họ không tin nhận Thiên tính của Chúa Giêsu. Thánh nhân chống đối mãnh liệt, nên bị Hoàng đế Công-tăn-ti II bắt đi đày ở Phigi. Tại đây, ngài viết khảo luận về ” Thiên Chúa Ba Ngôi “ để bảo vệ Thiên tính của Chúa Giêsu. Ngài nói: ” Tôi không bảo vệ được đức tin bằng lời giảng dạy, thì tôi rao truyền Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật bằng sách vở”.

Thánh nhân hết lòng tôn kính và bảo vệ tín điều Một Chúa Ba Ngôi. Trong cuốn khảo luận về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài viết: “ Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, co ý thức rằng: con phải hiến dâng công việc chính trong đời con cho Cha, để tâm tư và và ngôn ngữ của con phải nghĩ và nói về Cha. Bởi vì ơn ngôn ngữ mà Cha đã ban cho con chẳng làm gì ích lợi cho con hơn là được dùng để phục vụ Cha bằng cách rao giảng và trình bày Cha là Đấng nào. Cha là Chúa Cha, Cha của Con Một Thien Chúa. Con phải trình bày điều đó cho thế gian chưa nhận biết và cho kẻ lạc giáo đã chối bỏ , thế nên, chúng con trông cạy Cha kích thích bước đầu của công việc khó khăn này; không ngớt ban thành công để cổ võ, và cho tham dự vào tinh thần của các ngôn sứ và các tông đồ; để chúng con hiểu lời các ngài đúng ý của các ngài, và dùng đúng các từ ngữ để diễn tả các thực tại mà các ngài đã ám chỉ. Vì chúng con sẽ phải nói về những điều các ngài đã tuyên xưng trong mầu nhiệm: tức là về Cha là Thiên Chúa vĩnh cữu; một mình Cha không bao giờ sinh ra; một mình Chúa Giêsu đã sinh ra bởi Cha từ đời đời; không được tưởng có nhiều Thiên Chúa, mặc dầu có sự khác biệt thật sự; cũng không được bảo Người đã chẳng được sinh ra bởi Cha là Thiên Chúa duy nhất, và cũng không được nói Ngài chẳng phải là Thiên Chúa thậ vì Người sinh ra bởi Cha là Thiên Chúa thật”.

Ngài cũng dùng thư từ liên lạc với giáo sĩ và giáo dân trong giáo phận. Với những lời lẽ thân tình và đầy lòng sốt mến, ngài khuyến khích họ can đảm vững đức tin, trung thành với chân lý của Chúa.

Sau bốn năm bị lưu đày, ngài được trở về quê hương năm 360. Ngày trở về của ngài cũng thật huy hoàng. Toàn dân chứ không riêng gì giáo dân ra nghênh đón ngài như một vị anh hùng đã chiến thắng vẻ vang.

Về đến giáo phận, công việc trước nhất của thánh nhân là chỉnh đốn lại những hậu quả thảm hại do lạc thuyết gây ra. Ngài củng cố lại hàng giáo sĩ, kêu gọi giáo dân học hỏi Lời Chúa, sống theo Tin Mừng của Chúa.

Thánh nhân rất thông giỏi Kinh Thánh. Ngài viết nhiều sách giải thích Thánh vịnh và Phúc âm thánh Mát thêu, và phổ biến rộng rãi trong toàn giáo phận.

Những năm cuối đời, thánh nhân dành để cho việc cầu nguyện và sám hối. Ngài cầu nguyện liên lỉ và không bao giờ bước lên bàn thờ dâng thánh lễ mà chẳng xét mình xưng tội trước. Ngài nói: ” Ngày nào không xưng tội được, tôi thấy mình bất xứng, không đáng dâng của lễ cho Chúa. Những ngày đó đối với tôi là những ngày tang chê sầu buồn”.

Thánh nhân qua đời ngày 13 tháng giêng năm 386. Và năm 1852, ngài được Đức Giáo Hoàng tôn phong tiến sĩ Hội thánh.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Hi-la-ri-ô, hằng ngày lo củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa, bằng cách siêng năng học hỏi Giáo Lý và Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Đồng thời can đảm tuyên xưng đức tin ra trước mặt mọi người, dù có gian nan, lao khổ cũng sẵn lòng chấp nhận.

* Lời nguyện: Lạy Chúa Cha toàn năng, thánh Hi-la-ri-ô đã kiên trì bảo vệ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa là Thiên Chúa. Xin cho chúng con hiểu biết cho rõ và tuyên xưng cho đúng chân lý cao cả này. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

http://giaoxutanviet.com/ngay-13-thang-1-thanh-hilario-giam-muc-tien-si-2/

 


Những ngày đẫm máu của những cơn bách hại đã qua. Giáo hội được hưởng những ngày thanh bình chưa được bao lâu thì đã lại phải đương đầu với một thù địch đáng sợ: bè đảng Ariô, một lạc giáo không nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Đứng đầu hàng ngũ những chiến sĩ của đức tin để chống đối lạc giáo, người ta thấy nổi bật chân dung một kiện tướng oai hùng: Hilariô, một Giám mục tài ba đức độ.
Thành phố Pietavia tuy bé nhỏ, nhưng đã được diễm phúc nhìn ngày ra đời và là nơi xuất thân của một vì sao sáng sau này sẽ toả ánh chiếu soi cả Giáo Hội. Sinh trưởng trong một gia đình lương dân trâm anh thế phiệt, Hilariô sớm được hấp thụ một nền giáo dục đầy đủ. Nhờ đấy, Hilariô có được những tâm tình ngay thẳng và trong sạch khác hẳn với những thanh niên cùng tuổi. Hilariô ham học văn chương, thi ca và nhất là triết lý, vì môn đó am hợp với tính tình trầm tư của ngài.
Cũng như bao thanh niên cùng trạc tuổi, đến tuổi trưởng thành, Hilariô lập gia đình. Bông hoa đầu mùa, kết quả của hôn nhân tươi đẹp ấy là một trẻ nữ: cô bé Abra xinh xắn mà sau này, nhờ sự hướng dẫn của cha, nàng đã vui sống bậc đồng trinh để trọn đời dâng đoá hoa lòng trinh bạch cho Chúa.
Tuy vui hưởng cảnh gia đình đầm ấm, nhưng Hilariô vẫn không sao nhãng việc đọc sách và suy luận mà ngài vẫn ham mê. Càng làm quen với những tư tưởng của các triết gia, Hilariô càng cảm thấy thắc mắc về cuộc đời, về một Thiên Chúa mà các tôn giáo hằng nói đến. Với thiện chí Hilariô lần mò tìm chân lý, và rồi, với ơn Chúa Hilariô đã tới nguồn sáng chân thật của đức tin công giáo. Sau này, khi đã làm Giám mục, Hilariô kể lại cuộc khám phá chân lý của mình như sau: "Tự môi trường ngoại giáo, Chúa đã dần dần dẫn tôi về với nguồn sáng chân thật… Giữa biết bao những ý tưởng và hệ thống triết lý khác nhau, tâm hồn tôi băn khoăn không biết đâu là ngả đường chính thật có thể dẫn đưa tôi tới Chúa thực. Với sự suy luận, tôi biết chắc rằng nếu Chúa hiện hữu thì Ngài phải là Hữu thể đơn nhất và độc nhất, chỉ một mình Ngài đáng được vạn vật thờ lạy thôi. Trong khi tâm trí tôi còn đang miên man với những ý tưởng đó, thì bỗng tôi gặp được cuốn Kinh thánh của người Do Thái. Khi đọc tới lời Chúa phán với Maisen: "Ta là Đấng Tự Hữu. Ngươi hãy nói rằng: Đấng Tự Hữu đã sai tôi đến với đồng bào". Tôi lấy làm khoái chí và thoả mãn về danh hiệu mà Chúa đã tỏ ra cho Maisen, vì Thánh danh đó phát biểu một quan niệm sâu xa về Thiên Chúa, một cách thích hợp vừa tầm trí tuệ nhân loại ".
Với óc suy luận và niềm khao khát chân lý, Hilariô còn khám phá nhiều thuộc tính khác của Chúa am hợp với những chân lý đã mặc khải trong Thánh Kinh.
Thế là những thắc mắc làm xao xuyến tâm can Hilariô nay được giải quyết. Hilariô thoả mãn với chân lý đã khám phá và từ đó ngài nhất định trở lại đạo công giáo. Hilariô xin biên tên vào sổ dự tòng và ít lâu sau đã được chịu phép rửa tội. Tuy mới chỉ là một tân tòng, nhưng Hilariô đã sớm tỏ những tư cách và đời sống của một tông đồ lão luyện.
Với nếp sống nghiêm nhặt, thánh thiện, và lối giảng giáo hấp dẫn, đưa nhiều người về với chân lý, tiếng thơm nhân đức của Hilariô không bao lâu đã lan toả khắp vùng, và ai nấy đều cảm phục yêu mến ngài.
Thánh ý Chúa nhiệm mầu đã muốn dùng Hilariô để làm những việc trọng đại. Người đã muốn để ngọn đèn sáng đó trên nơi cao hầu toả sáng khắp nơi.
Năm 350, sau khi Đức Giám mục thành Pictavia ly trần, toàn thể hàng giáo sĩ và giáo dân đều biểu quyết chọn Hilariô làm Giám mục. Biết không thể từ chối được, Hilariô đành phải vui nhận chức Giám mục và hoàn toàn tin tưởng ơn Chúa phù trợ.
Với bầu nhiệt huyết sẵn có, thêm vào ý thức trách nhiệm nặng nề hướng dẫn đoàn chiên Chúa, Đức Giám mục Hilariô ngày đêm tận tụy với nghĩa vụ rao giảng chân lý để dẫn đưa muôn người về cùng Chúa. Ai nấy đều tìm thấy ở nơi ngài một tấm lòng cha hiền hậu. Nhưng nhất là trong những giây phút đen tối, lòng người hoang mang vì những lý thuyết khác nhau, Hilariô đã xuất hiện như một vì sao sáng dẫn đàng cho giáo dân tiến bước trên đường chân lý tránh khỏi mọi lầm lạc. Lúc ấy Ariô vì kiêu ngạo, bất phục quyền Giáo hội, đã đứng ra lập bè rối không tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha. Nhờ tài giảng thuyết, Ariô đã tuyên truyền và lôi kéo được một số đông người nghe theo. Nhiều Giám mục chính giáo ban đầu cũng bị lầm lạc. Lý thuyết của Ariô còn được một sức hỗ trợ mạnh mẽ là Hoàng đế Contanciô. Nhà vua dùng quyền áp bức bắt cả đế quốc phải nhìn nhận lý thuyết của Ariộ
Giám mục nào phản đối, đều bị nhà vua hạ lệnh phát lưu hay truất quyền. Nhưng cường lực dầu sao cũng không trấn áp nổi chân lý. Các Giám mục dù biết rằng có phải tù đầy hay mất chức cũng vẫn can đảm đứng lên bênh vực Giáo lý.
Thánh Athanasiô, vị anh hùng số một đã có công đầu trong việc bảo vệ thành trì đức tin Công giáo chống với lý thuyết của lạc giáo Ariô. Cuối cùng người chiến sĩ công giáo đó cũng bị nhà vua truất chức và phát lưu. Rồng vàng đã đến lúc vẫy vùng bể khơi. Đức Giám mục Hilariô thấy cần phải lên tiếng bênh vực Athanasiô đồng thời để bảo toàn đức tin. Ngài liền đứng ra triệu tập một công đồng các Giám mục để ra vạ tuyệt thông cho Usát (Ursace) và Valens, hai Giám mục lạc giáo ngoan cố đã âm mưu hại thánh Athanasiô. Sau hội đồng, ngài còn lãnh nhận sứ mệnh điều đình với Contanciô và dâng lên vua kiến nghị của hội đồng các Đức Giám mục xin vua cho các ngài được tự do theo chân lý. Ngài biết trước rằng cuộc thương thuyết có lẽ sẽ không đem lại kết quả mà còn mang lụy vào thân nữa. Dầu vậy ngài cũng vẫn hăng hái lên đường. Công việc xẩy ra như đã đoán trước. Hoàng đế Contanciô không để ý tới lời lẽ khôn ngoan và từ tốn mà Đức Giám mục Hilariô trình bầy, lại còn nghe các Giám mục rối xui siểm và đầy ngài đi Phrygia.
Nhưng dù tù đầy lao lung, lòng nhiệt thành hăng hái của ngài cũng không vì đấy mà suy giảm. Tuy trùng dương cách trở, nhưng lòng ngài vẫn luôn hướng về giáo phận. Vì các Đức Giám mục và giáo hữu đều bất phục Giám mục do bè rối cử đến, nên tuy ở xa Giám mục Hilariô vẫn có thể điều khiển giáo phận của ngài bằng những thư từ, liên lạc. Ngài không ngừng giảng dậy và vạch tỏ những sai lầm của lạc giáo để các giáo hữu khỏi nghe theo. Không những bằng thư từ, ngài còn viết một tập toát lược những giáo lý căn bản của Giáo hội. Mối bận tâm hơn cả của ngài là lo cho Giáo hội được hoà bình và thống nhất, đồng thời phổ biến khắp Giáo hội Đông Phương kiểu nói mà Công Đồng Nixê đã dùng để chỉ Chúa Giêsu Đồng Bản Tính Với Đức Chúa Cha. Nhằm mục đích phản đối lạc giáo Ariô, ngài đã sáng tác một bộ tổng luận gồm 12 cuốn, trong đó, ngài trình bầy về giáo lý, nhất là tín lý về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi với lời lẽ văn hoa và tư tưởng dồi dào.
Trong khi trình bầy giáo lý cho mọi người từ chốn xa xăm, Đức Giám mục Hilariô cũng không quên gởi lời huấn dụ cho con gái yêu quý mà ngài chắc rằng nàng đang lớn lên với những mộng vàng tươi đẹp. Bằng những lời bóng bẩy khéo léo, ngài đã hướng dẫn con gái và làm cho nàng hiểu giá trị cuộc đời trinh khiết, để rồi chính nàng đã vui lòng dâng tấm lòng trinh bạch cho Chúa trọn đời.
Cho tới nay, thấm thoát đã bốn năm tù đầy, và có lẽ Đức Giám mục cũng không mong có ngày về giáo phận cũ. Một ngày nọ, bỗng có tin Hoàng đế Contanciô triệu tập Công Đồng tại Sêleucia. May mắn hơn nữa là cả Đức Giám mục Hilariô cũng được mời tới dự. Ngài lên đường tới Sêleucia và được đa số các Đức Giám mục chính giáo niềm nở tiếp đón vì nhận thấy ở nơi ngài một tài ba, đức độ, hy vọng có thể đem phần thắng lợi cho chân lý trong cuộc hội nghị sắp tới. Tại Công Đồng, Giám mục Hilariô đã trổ hết tài hùng biện và đã thuyết phục được toàn thể các Giám mục. Chân lý đã được sáng tỏ; các Giám mục dần dần đã nhận thấy sự sai lầm của lạc giáo và ngả theo lập trường chính giáo.
Đồng thời ở Rimini cũng có một Công đồng các Đức Giám mục Tây Phương. Nhưng ở đây các Đức Giám mục còn có thái độ lờ mờ, chưa dứt khoát lập trường vì ảnh hưởng của phe rối quá mạnh. Vì thế Đức Giám mục Hilariô xin vua cho tổ chức một cuộc tranh biện tay đôi công khai giữa mình và các Giám mục thuộc lạc giáo Ariô. Các Giám mục thuộc phe lạc giáo sợ không thể đối đích được với ngài; họ nghĩ nên đẩy ngài đi xa là êm chuyện. Thế là họ bàn với Hoàng đế Contanciô để cho Đức Giám mục Hilariô được hồi hương. Bề ngoài họ làm bộ nhân từ phục lý, nhưng kỳ thực là để tránh một sự thất bại chua cay, và bẽ bàng trong cuộc tranh biện mà họ biết trước rằng phải đương đầu với một đối thủ không vừa. Chúa Quan phòng, sau khi đã đưa tôi tớ Ngài vào những cuộc chiến đấu gay go để bênh vực Giáo lý, nay lại muốn Đức Giám mục Hilariô được trở về đem lại hoà bình và thống nhất cho xứ sở của ngài.
Tin Đức Giám mục Hilariô được trở về giáo phận, gieo bao niềm hoan lạc không riêng gì cho thành phố Poctavia mà cho cả toàn thể nước Pháp. Người ta nô nức đi đón mừng người anh hùng chiến thắng trở về. Thánh Matinô là môn đệ của Đức Giám mục, bấy giờ đang sống tịch liêu ở đảo Gallinaria cũng vội vã về gặp thầy chí ái để thông cảm với niềm vui chung của dân tộc. Nhưng còn đâu vui vẻ và nô nức hơn ở Pictavia, giáo phận cũ của ngài. Từng lớp người đông đảo lũ lượt kéo đến chào kính và biểu lộ niềm hân hoan của đoàn con lưu lạc gặp cha hiền.
Ngày về vinh quang của Đức Giám mục Hilariô còn được đánh dấu bằng một phép lạ hiển hách. Một hài nhi chết không kịp rửa tội. Mẹ em bế đến quỳ xụp dưới chân Đức Giám mục và khóc nức nở. Đôi mắt mờ lệ và tiếng nói nghẹn ngào, thiếu phụ đó xin Ngài: "Thân lạy Đức Cha, xin làm cho trẻ nhỏ này sống lại hay ít ra cho nó sống để được rửa tội rồi chết cũng đành". Vì quá đau đớn, thiếu phụ đó chỉ nói được có thế rồi lại nức nở khóc. Trước nỗi khổ tâm và lòng tin tưởng của thiếu phụ, tấm lòng cha hiền tránh sao khỏi xúc động, Ngài quỳ gối cầu nguyện. Nước da tái nhợt của hài nhi dần dần trở lại mầu hồng. Hài nhi bắt đầu cựa quậy rồi mở mắt và sau cùng cất tiếng gọi mẹ… Thế là cả hai cùng chỗi dậy: Ông già ra khỏi lời kinh còn hài nhi trở về với sự sống.
Sau ngày vinh quang đó, Đức Giám mục Hilariô không khỏi đau lòng vì những đau thương do lạc giáo gây nên cho giáo phận của ngài. Thêm vào đó, người con gái yêu quý của ngài lại sớm ly trần gieo vào lòng ngài một nỗi buồn heo hắt. Ngài gắng công chỉnh đốn lại mọi việc: nào là giảng dậy giáo lý, cắt đặt các Giám mục thuộc quyền và vận động truất phế các Giám mục lạc giáo. Lòng nhiệt thành tông đồ không cho phép ngài an nghỉ lúc nào. Sau khi đã mang lại hoà bình và trật tự cho xứ Gallia ngài còn băn khoăn đến số phận của nước Ýù. Ở đây, ngài đã gặp phải một trở lực do Giám mục lạc giáo cai quản thành Milanô là Aucenciộ Ông đã tuyên truyền và tố cáo với Hoàng đế Valenstinô, người kế vị Contanciô nói rằng Hilariô đến để lại gây rối và làm mất bình an trong giáo phận của ông. Lập tức Hoàng đế Valenstinô ra lệnh cho Hilariô phải trở về Gôn. Ngài đành phải vâng lệnh trở về với niềm xót thương cho đoàn chiên Chúa.
Tuy tuổi già, sức yếu và thời gian đã nhuộm trắng mái tóc, nhưng vị Giám mục lão thành đó vẫn miệt mài với công việc giảng giáo. Đôi khi sau những ngày làm việc mệt nhọc, thánh nhân còn đi đến tu viện do thánh Matinô là môn đệ của ngài đã thiết lập ở Liguy (Liguyge) để sống đời hãm mình chay tịnh và cầøu nguyện với các tu sĩ. Thật là mẫu gương đạo đức sáng ngời.
Sau cùng, vì làm việc quá nhiều và mệt nhọc, ngài ngã bệnh nặng. Nghe tin đó, giáo hữu vì lòng mộ mến vội vàng tuốn đến cố gắng săn sóc hy vọng kéo dài ngày chung sống với người Cha đáng kính. Nhưng trên mặt mỗi người không dấu nổi vẻ băn khoăn, đau buồn vì thấy cơn bệnh trầm trọng của ngài.
Ngày 13-1-386 đúng nửa đêm, vừa lúc đồng hồ điểm 12 tiếng và ai nấy đã về nhà, bỗng một luồng sáng chói loà toả sáng khắp gian phòng ngài nằm. Hai môn đệ thức coi sóc ngài bị quáng mắt vì luồng sáng quá mạnh. Ánh sáng nhạt dần rồi tắt hẳn, chính lúc đó linh hồn đấng thánh lìa xác để bay về trời.
Xác ngài được an táng tại nhà thờ giữa mộ con gái và bạn ngài.
Ngày 10-1-1852, thể theo lời thỉnh cầu của nhiều vị Tổng Giám mục, và Giám mục kế vị ngài, và nhiều Giám mục khác thuộc toàn thể nước Pháp, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng truy tặng ngài danh hiệu là vô địch quán quân anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ đức tin và đồng thời tôn phong ngài lên bậc thánh tiến sĩ.

http://www.sudiepchuaden.com/2016/01/ngay-13-thang-01-thanh-hilario-giam-muc.html

 


Thứ Bảy


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (năm I) Dt 4, 12-16

"Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phải phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà ta phải trả lẽ.

Vậy chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có Thượng tế không thể thông cảm sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Nên chúng ta hãy tin tưởng chạy đến toà ơn Chúa, để nhờ Chúa thương đến, chúng ta được ơn Chúa tuỳ thời cơ thuận tiện.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 18, 8 . 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.

2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. - Ðáp.

4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Ðá Tảng, là Ðấng Cứu Chuộc con. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 2, 13-17

"Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: "Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".

Ðó là lời Chúa.

File:Hole jesus calls levi.jpg - Wikimedia Commons

Image result for Mark 2, 13-17

Suy niệm


 Đức Kitô lương y  

  

Ngày Thứ Bảy cuối Tuần 1 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay, bài Phúc Âm tiếp tục chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", một chủ đề càng sâu sắc và rõ ràng hơn nữa qua sự kiện Chúa Giêsu tuyển chọn một người môn đệ đặt biệt nhất trong thành phần môn đệ của Người:

"Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: 'Hãy theo Ta'. Ông liền đứng dậy theo Người". 

Trong trường hợp của nhân vật Lêvi là chính Tông Đồ Mathêu sau này trong bài Phúc Âm hôm nay lại càng cho thấy hấp lực vô cùng mãnh liệt hầu như bất khả chống cưỡng của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý".

Thật vậy, trong trường hợp 4 chàng thanh niên môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu là 2 cặp anh em Simon và Anrê cũng như Giacôbê và Gioan, ở bài Phúc Âm Thứ Hai đầu tuần này, đã cho thấy sức thu hút lạ lùng của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này rồi, nhưng, so với lần này, hình như chưa mãnh liệt bằng. 

Bởi vì, 4 chàng môn đệ đầu tiên chỉ là thành phần dân chài lưới chất phác mộc mạc đơn sơ chân thành, trong khi đó nhân vật Levi thu thuế được Chúa Giêsu bất ngờ kêu gọi trong bài Phúc Âm hôm nay lại thuộc thành phần vẫn bị xã hội Do Thái nghi kỵ và cho là đồ phản quốc, tội lỗi, tham lam, gian lận v.v., nghĩa là một con người hoàn toàn ngược lại với tinh thần trọn lành và con đường chật hẹp của Chúa Kitô. Ấy thế mà, chỉ cần một lời kêu gọi ngắn gọn "'Hãy theo Ta'. Chàng liền đứng dậy theo Người", Đng mà chẳng biết chàng thanh niên thu thuế này đã từng bao giờ được gặp hay được nghe Người bao giờ chưa.

Chưa hết, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này sở dĩ có thể tự mình dễ dàng và chớp nhoáng chộp bắt được một tay thu thuế như Levi, còn nhờ ở nơi chính bản thân của đương sự nữa, một con người cho dù hành nghề phản quốc và gian lận về tiền bạc, nhưng tự bản chất vốn có một tấm lòng rất chân thành và vẫn khao khát thần linh, dường như càng sống trong tăm tối tội lỗi càng mong tìm thấy "ánh sáng chân thật" (Gioan 1:9), cho nên khi vừa được "ánh sáng chân thật" chiếu soi tới là chàng thanh niên giầu sang này liền bị thu hút lập tức. 

Trong thành phần thu thuế ở xã hội Do Thái bấy giờ chỉ có một mình nhân vật Lêvi này được chọn làm tông đồ của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này thôi. Việc tuyển chọn một nhân vật thu thuế tội lỗi này cho thấy Thiên Chúa "muốn thương ai thì thương" (Roma 9:18), và như thế "ân sủng" của Ngài cũng chính là "chân lý" của Ngài, hay ngược lại, "chân lý" mà Thiên Chúa muốn thông đạt cho con người đó chính là "ân sủng" của Ngài, là tình thương của Ngài. Theo chiều hướng ấy, vị giáo hoàng đương kim Phanxicô đã lấy khẩu hiệu rất hợp với chủ trương và đường hướng giáo triều của ngài hiện nay: "vì thương được chọn -  Miserando atque eligendo". 

Tuy nhiên, một khía cạnh nữa về "chân lý" hết sức quan trọng được Thiên Chúa luôn tỏ cho thấy đó là "ân sủng" của Ngài không phải ban riêng cho bất cứ một cá nhân nào, tùy theo tình thương của Ngài, chỉ để cho cá nhân ấy hoan hưởng một mình thôi, mà là cho chung cộng đồng của cá nhân này nữaĐó là lý do, bài Phúc Âm hôm nay đã không dừng lại ở chỗ chàng thu thuế Lêvi "đứng dậy theo Người" là xong, trái lại, chàng còn phải đóng vai trò môi giới cho "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này nữa, ở tại nhà của chàng và giữa thân thuộc cùng bằng hữu thu thuế của chàng.

"Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà chàng, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: 'Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?' Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: 'Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi'".

Phải, bài Phúc Âm hôm qua liên quan đến quyền tha tội của Chúa Giêsu đã được tiếp tục vời bài Phúc Âm hôm nay. Ở chỗ, Chúa Giêsu đã không ngần ngại "ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?" ngay trước mặt thành phần tự coi mình là công chính biệt phái, một hành động như thể Người muốn ngang hàng với họ, như thể Người "pro" họ, ủng hộ và tán thành cuộc đời tội lỗi của họ. 

Người đã không chối cãi về hành động có vẻ ngược đời của mình, một hành động hoàn toàn nghịch lại với bản chất thánh hảo về Ngôi Vị Thần Linh của Người, một bản chất tuyệt hảo không thể nào dung hòa với những gì là bất hảo xấu xa tội lỗi như nơi thành phần tội nhân hôm ấy.

Tất nhiên Người không bao giờ chấp nhận tội lỗi của họ, nhưng Người vẫn không bao giờ ruồng bỏ con người tội nhân, và cũng chính vì tội lỗi của họ mà Người lại càng cần phải thương họ hơn ai hết, gần họ hơn người nào hết, và cứu họ hơn bao giờ hết, bởi thế, Người mới khẳng định một cách công khai lần đầu tiên về sứ vụ Thiên Sai Cứu Thế của Người liên quan đến chính thành phần yếu đuối và tội lỗi này như sau

"Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi". "Những người khỏe mạnh"  "những người công chính" đây phải chăng Người có ý ám chỉ thành phần biệt phái đang hiện diện trong nhà của chàng thu thuế Lêvi bấy giờ, một chàng thu thuế tiêu biểu và đại diện cho thành phần "đau yếu" và "tội lỗi" cần được Người là vị lương y thần linh chữa lành và cứu độ

Ở Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Bảy tuần 1 Thường Niên, chúng ta vẫn thấy tác dụng thần linh xuất phát từ "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý", nơi một viên thu thuế Levi cũng là người môn đệ Mathêu của Người, cùng với thành phần bè lũ thu thuế và tội nhân như chàng trước mặt dân của chàng bấy giờ, nhưng lại là những tội nhân đã được một quyền lực thần linh mãnh liệt thu hút bất khả chống cưỡng, xuất phát từ Người, hay từ chính "lời Chúa là thần trí và là sự sống" (câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay), "lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn" (Bài Đọc 1 hôm nay).