HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
 

T

rong số thân chủ của tôi bị khuyết tật chậm phát triển (developmental disability), có một cháu gái tên là Trần Thêu, con của anh Hổ và chị Gấm, nhà ở Garden Grove, Orange County, Nam California. Vào năm 1989, tôi có dịp ghé thăm cháu và bố mẹ cháu như thông lệ hằng năm, theo qui chế của Regional Center of Orange County, cơ quan phục vụ thành phần chậm phát triển địa phương mà tôi là một trong số Phối Hợp Viên Phục Vụ (Service Coordinator). Trong buổi gặp gỡ hôm ấy, ngoài những gì liên quan trực tiếp đến cháu, chị Gấm còn kể cho tôi nghe một Ơn Lạ Mẹ Ban cho chồng chị và em chồng chị như sau.
Gia đình anh chị sang Mỹ năm 1983. Và cũng trong năm ấy, anh Hổ chồng chị bị bệnh phù thủng. Chị nói, hồi còn ở bên đảo anh vẫn khỏe mạnh, chẳng có bị gì cả, không biết tại sao lại xẩy ra như vậy khi gia đình chị mới đến Hoa Kỳ. Mỗi lần bị bệnh hành là cả người của anh chỗ nào cũng có nước, nhất là ở chân tay, mặt cũng xưng húp lên. Anh nói với chị rằng kiểu này anh bị bất toại rồi, không làm gì được nữa. Ngoài việc cầu khấn ơn trên, anh đã tìm mọi phương cách trần gian để chữa trị. Theo chị cho biết, đến nỗi, ai bảo làm gì cho khỏi bệnh anh cũng làm, bảo ăn gì cũng ăn, uống gì cũng uống, miễn là khỏi. Các bác sĩ khám bệnh và trị bệnh cho anh bấy giờ, trong đó có bác sĩ Quang chuyên về thận, đã cho anh biết rằng bệnh phù thủng của anh không thể nào khỏi được đâu, nên anh cứ phải tiếp tục uống thuốc cho nó đỡ đi thôi.
Trong thời gian này, gia đình anh chị bắt đầu đi tham dự Ngày Thánh Mẫu do Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ tổ chức hằng năm ở Missouri. Vì mới sang Mỹ, nhà nghèo, bấy giờ cả nhà anh chị chỉ có một chiếc xe duy nhất, đó là chiếc xe pick up Toyota bốn máy đời 1985, có mui đằng sau, song không có máy lạnh gì cả. Chiếc xe này tôi vẫn trông thấy đậu trước nhà mỗi khi đến thăm nhà của anh chị. Thế mà, bắt đầu từ ngay năm 1985 đó, gia đình 5 người của anh chị, trong đó có cả ba cháu, một gái lớn là thân chủ của tôi và hai cháu trai, bắt đầu dùng chiếc xe thiếu tiện nghi này để hằng năm vượt hơn hai ngàn dặm sang tham dự Ngày Thánh Mẫu cho bằng được. Tuy nhiên, vì chiếc xe chạy tạm này và ba cháu nhỏ nằm ở đằng sau xe, để có thể tránh sức nóng của mùa hè bỏng da cháy thịt, nhất là khi băng qua sa mạc của tiểu bang Arizona hơn một ngày đường trên xa lộ 40 hay 10, anh chị đã phải they vì ngày đi đêm nghỉ thì ngày nghỉ đêm đi. Theo chị cho biết, từ nhà của chị ở California đến địa điểm Ngày Thánh Mẫu, gia đình chị phải đi mất hai đêm một ngày.
Năm nào gia đình anh chị cũng đi như thế cho đến chuyến đi lịch sử, chuyến đi lần thứ bốn vào năm 1988. Năm ấy cháu gái thân chủ của tôi được 7 tuổi và hai em trai của cháu, đứa 6 tuổi và đứa 5 tuổi, mỗi đứa cách nhau một tuổi. Vào chuyến đi tham dự Ngày Thánh Mẫu năm 1988 này, chị cho biết, chị thường không thấy anh đâu trong những ngày ở đấy. Mỗi lần hỏi thì anh trả lời là anh đi khấn cùng Đức Mẹ. Sau chuyến đi lần thứ bốn này, chị nói là chồng chị tự nhiên đã không còn mắc chứng phù thủng nữa. Các bác sĩ tái khám anh cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên vì các vị cứ tưởng rằng anh sẽ không thể nào thoát khỏi chứng bệnh này. Các vị hỏi rằng anh làm sao mà lại hết bệnh như vậy, anh trả lời là nhờ lời cầu nguyện. Từ đó anh bỏ hẳn thuốc. Trước khi viết bài này, tôi đã gọi điện thoại đến chị một lần nữa, vào sáng ngày Thứ Ba 28/11/2001, (vì thân chủ của tôi là con gái của chị đã được tôi chuyển sang cho một Phối Hợp Viên Phục Vụ khác từ lâu), để hỏi thăm về anh, và tôi đã được chị cho biết “nhà em đang ở Việt Nam và vẫn mạnh khỏe như thường; từ ngày ấy bệnh phù thủng không còn tái hiện bao giờ nữa”.
Chưa hết, qua lần điện đàm mới nhất này, chị Gấm còn kể cho tôi nghe thêm phần hậu truyện như thế này. Đó là, đứa em gái của chồng chị, cách anh mình hai tuổi, vào năm 1990, tự nhiên cũng bị phù thủng, còn nặng hơn cả ông anh của cô nữa. Theo chị diễn tả: “Chân nó to hơn chân voi, bụng nó bự hơn bụng bầu”. Cô em này đã phải nằm điều trị cả tuần ở Trung Tâm Y Khoa Đại Học Irvine UCIMC thuộc thành phố Orange. Mới đầu các chuyên viên y khoa ở đó không biết làm sao cho số nước trong bụng của bệnh nhân thoát ra khỏi cơ thể của cô. Sau khi nghe chồng chị mách cho biết thứ thuốc xưa kia anh đã dùng để nước có thể thoát ra khỏi cơ thể, họ đã thử cho cô bệnh nhân này uống và quả nhiên đã có công hiệu ngay lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, chứng phù thủng vẫn còn đó và tiếp tục hành hạ cô rất khốn khổ.
Thế là, cũng vẫn chiếc xe Toyota bốn máy thiếu tiện nghi ấy, ngay trong năm 1990, cả nhà chị cộng thêm cả hai mẹ con cô em gái chen chúc trong chiếc xe chật hẹp để tiếp tục cuộc hành trình hằng năm sang tham dự Ngày Thánh Mẫu của Chi Dòng Đồng Công. Trong Ngày Thánh Mẫu lần thứ XIII này, cô em gái của anh chị, trong lúc khấn vái cùng Đức Mẹ trong nguyện đường Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ, đã bị ngất xỉu vì nóng quá, nhưng đã được các thày cấp cứu, bằng cách cho nằm nghỉ mấy tiếng, cuối cùng cô đã hồi tỉnh. Để rồi, sau chuyến đi lịch sử này, cũng như anh mình, cô đã không còn bị bệnh phù thủng tái phát nữa, cho tới nay là 11 năm. Thật là Ơn Lạ Mẹ Ban cho hai anh em bị chứng bệnh phù thủng này!
Ngay lần gặp gỡ năm 1989, lần được nghe chị Gấm kể lại Ơn Lạ Mẹ Ban cho chồng chị như thế, vừa ra khỏi nhà thì gặp anh Hổ cũng vừa đi làm về. Tôi liền hỏi anh: “Sao bệnh tình tới đâu rồi anh Hổ ơi?”. Anh đã hân hoan trả lời tôi như sau: “Cám ơn Chúa. Kỳ này em đã có thể giúp vào việc giữ trật tự ở bãi đậu xe cho nhà thờ Saint Columban rồi anh!”.
Phải chăng lòng tin của hai người anh em này, một lòng tin rất chân thành và không kém mãnh liệt, được tỏ ra qua những chuyến đi vất vả, riêng người anh đến bốn lần, để có thể đến với Đấng có thể chữa mình khỏi bệnh, mà lời Chúa phán đã được hiện thực nơi họ: “Đức tin của con đã cứu con” (Lk 17:19)? Thế nhưng, sau khi được thực sự khỏi bệnh rồi, như người cùi Samaritanô, họ đã trở lại tạ ơn Chúa, được tỏ ra bằng việc tích cực phục vụ trong cộng đoàn, giáo xứ.
Chúng ta hãy cùng Mẹ ngợi khen Chúa!

 

Giáo Phận Sanbernadino ngày cuối Tháng Các Đẳng 2001,
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL