v
Linh Đạo Fatima
với Thiếu Nhi Fatima
T
hật vậy, Linh Đạo Fatima chính là Linh Đạo Maria, vì Linh Đạo Fatima là đường lối sống đạo chính Mẹ đã gợi ý và đào luyện cho Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta, một linh đạo làm sống lại tinh thần và vai trò đồng công của Mẹ trong mầu nhiệm cứu chuộc, cũng như làm sinh hoa kết trái cho công cuộc cứu thế của Chúa Kitô trong Thời Điểm Fatima.
Lời Mẹ kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima vào lần Mẹ hiện ra với các em ngay lần thứ nhất vào ngày 13/5/1917 đã minh định tất cả nội dung của Linh Đạo Fatima:
· "Các con có sẵn lòng hiến thân cho Thiên Chúa để chấp nhận tất cả mọi đau khổ Ngài gửi đến cho các con, như một việc đền tạ tội lỗi Ngài đã bị xúc phạm mà cầu cho tội nhân ăn năn cải thiện không?"
Như thế, nếu căn cứ vào cấu trúc tu đức học của các linh đạo nổi tiếng trước đây và so sánh với các linh đạo ấy như đã được bàn đến (trang 93-95), thì:
· Mục tiêu của Linh Đạo Thiếu Nhi Fatima là đền tạ Thiên Chúa để cứu các tội nhân;
· Điều kiện của Linh Đạo Thiếu Nhi Fatima trong việc đền tạ để cứu các tội nhân là việc linh hồn chấp nhận tất cả mọi đau khổ bởi tay Thiên Chúa;
· Phương tiện để có thể chấp nhận tất cả mọi đau khổ bởi tay Thiên Chúa, nhờ đó, linh hồn đền tạ Thiên Chúa mà cứu các tội nhân, là hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa để Ngài muốn làm gì thì làm.
Như thế thì, như đã nhận định ngày đầu chương này, Linh Đạo Fatima chính là Linh Đạo Maria, linh đạo của một tạo vật “đầy ơn phúc” đệ nhất trong bậc ân sủng, do đó, Linh Đạo Fatima cũng gồm tóm mọi linh đạo tiêu biểu khác đã được nhận định (trang 93-95), có thể tóm gọn như sau:
Nếu Linh Đạo Ý Nhã Luân, một đường lối sống đạo hoàn toàn tuân hợp Thánh Ý Chúa, thì linh đạo này đã được thể hiện nơi điều kiện của Linh Đạo Fatima là "chấp nhận tất cả mọi đau khổ Ngài gửi đến cho";
Nếu Linh Đạo Giang Thập Tự là đường lối sống đạo được biến đổi trong Chúa để kết hiệp mật thiết với Ngài, thì linh đạo này được phản ảnh nơi mục tiêu của Linh Đạo Fatima là đền tạ Thiên Chúa, một việc mà nếu không hoàn toàn được Chúa chiếm đoạt và tình yêu Chúa thôi thúc không một linh hồn nào biết làm, muốn làm và làm cho trọn hảo;
Nếu Linh Đạo Long Mộng Phố là đường lối nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu, thì linh đạo này được sáng tỏ nơi lời Mẹ Maria ngày 13/6/1917 để an ủi riêng Thiếu Nhi Fatima Lucia ở lại thế gian lâu hơn với sứ mệnh làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, đó là: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”;
Nếu Linh Đạo Tiểu Thiên Sa là đường lối sống đạo vì yêu Chúa hy sinh cứu các tội nhân, thì linh đạo này lại càng hợp với phương tiện của Linh Đạo Thiếu Nhi Fatima là dâng mình cho Thiên Chúa để Ngài muốn làm gì thì làm.
Tuy nhiên, vì “rượu mới phải được đổ vào bình mới” (Mt 9:17), vì thời điểm cấp bách mà Linh Đạo Fatima nơi 3 Thiếu Nhi Fatima, nhất là nơi hai Chân Phước Phanxicô và Giaxinta, đã trở thành một linh đạo “short cut” – vắn tắt và nghịch đảo. Vắn tắt và nghịch đảo ở chỗ, thay vì các em phải trải qua tiến trình linh đạo tam cấp, từ chủ động (ở giai đoạn khởi sinh bỏ mình thanh tẩy và tiến sinh nội tâm chịu khổ) đến thụ động (ở giai đoạn hiệp sinh được Thiên Chúa làm chủ tác động theo ý của Ngài ở mọi nơi và trong mọi lúc), các em Thiếu Nhi Fatima được Thiên Chúa chiếm đoạt ngay từ ban đầu, làm chủ các em ngay từ đầu, và dùng các em để làm việc cho Ngài ngay từ đó.
Bình thường tác động thần linh theo tiến trình tu đức nơi một linh hồn đi từ đánh động, thu hút và chiếm đoạt. Tác động thần linh đầu tiên là đánh động linh hồn, một là bằng một câu Kinh Thánh, nhất là câu Phúc Âm nào đó, hay bằng một thất bại trần gian nào đó v.v., để con người tự nhiên nghĩ lại mà bắt đầu trở về với Chúa. Tác động thần linh tiếp theo là thu hút linh hồn, không phải chỉ bằng những ơn an ủi thiêng liêng liên quan tới tình cảm ban đầu ở giai đoạn khởi sinh, mà bằng những ơn soi sáng thiêng liêng liên quan đến lý trí ở giai đoạn tiến sinh, những ơn soi sáng được xuất phát từ lời Chúa trong Thánh Kinh (nếu là những tâm hồn có kiến thức), hay từ những kinh nguyện được linh hồn sử dụng, hoặc từ lời giảng dạy của các vị lãnh đạo tinh thần, hay từ giáo lý được truyền thụ (nếu là những tâm hồn kém học thức). Tác động thần linh thứ ba là chiếm đoạt, liên quan tới lòng muốn của con người, được mở màn bằng cuộc thanh tẩy đức tin cho tinh tuyền, bằng tâm trạng bình an cậy trông phó thác trong chính đêm tối tăm, và bằng việc sẵn sàng chấp nhận mọi sự theo Thánh Ý Chúa, để Chúa muốn làm gì thì làm v.v.
Tuy nhiên, vì Thánh Thiện là của Chúa, Đấng muốn thông cho ai, lúc nào và bao nhiêu tùy ở Ngài. Chẳng hạn, điển hình nhất là trường hợp của nhân vật Pharisiêu tên là Saolê, một con người cực bảo thủ đạo cha ông đến độ đã hung hăng quá khích tự động đến xin lệnh của Hội Đồng Do Thái để đi bách hại thành phần tín đồ sống theo đường lối mới phản đạo cha ông, thế mà, đùng một cái, đã được Thiên Chúa chiếm đoạt, bằng việc quật ngã ngài và chữa lành cho ngài, đến nỗi, sau đó, ngài được mang danh hiệu tông đồ, tức thuộc về thành phần chứng nhân tiên khởi như Nhóm 12 theo Chúa Kitô ngay từ ban đầu, vì ngài cũng được chính Người kêu gọi, tỏ mình ra cho và sai đi rao giảng cùng làm chứng nhân cho Người (x Acts 22:1-21). Cùng với một thừa tác vụ của một vị Tông Đồ Dân Ngoại thượng hạng phi thường như thế, về tu đức, vị Tông Đồ Dân Ngoại được Thiên Chúa chiếm đoạt bất ngờ này đã được đưa lên tới tầng trời thứ ba (x 2Cor 12:2), đã được nên một với Chúa đến nỗi không gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu Chúa Kitô (x Rm 8:38-39), và đến nỗi không phải là ngài sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong ngài (x Gal 2:20), hãnh diện của ngài là thập giá Chúa Kitô (x Gal 6:14).
Phần các em Thiếu Nhi Fatima cũng thế, chính Thiên Chúa đã chiếm đoạt các em. Thế nhưng, nếu quả thực 3 Thiếu Nhi Fatima được Thiên Chúa chiếm đoạt như thế thì tác động thần linh ở vào giai đoạn tu đức thứ ba hiệp sinh này đã xẩy ra vào lúc nào trong cuộc đời của các em? Thật thế, theo Hồi Ký của Chị Lucia thì ngay vào lần Mẹ Maria hiện ra với các em hai lần đầu, 13/5 và 13/6/1917, là hai lần liên quan trực tiếp đến thân phận và ơn gọi đặc biệt của các em, trước khi các em được tiết lộ cho biết Bí Mật Fatima rất quan trọng ở lần thứ ba 13/7.
Chính chị Lucia đã thuật lại sự kiện tác động thần linh chiếm đoạt liên quan đến đời sống tu đức của các em vào lần hiện ra thứ nhất 13/5, sau lời Đức Mẹ vừa hỏi vừa kêu gọi các em:
- Các con có sẵn lòng dâng mình cho Thiên Chúa chấp nhận mọi đau khổ Ngài gửi đến, như việc đền tạ những xúc phạm Ngài phải chịu mà cầu cho tội nhân ăn năn trở lại không?
- Vâng, chúng con sẵn lòng!
- Vậy thì các con sẽ chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ phù trợ các con.
Nói xong những lời ‘ơn Chúa sẽ phù trợ các con’, Đức Mẹ mở rộng tay ra, tỏa xuống một luồng ánh sáng, thấu suốt lòng trí 3 Thiếu Nhi, làm cho các em thấy các em trong Chúa còn rõ hơn là thấy các em trong gương. Cảm thấy bị thúc đẩy bởi ơn thiêng, các em đã qùi xuống và lập lại trong lòng:
- Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh, con thờ lạy Chúa Lạy Thiên Chúa, lạy Chúa con, con yêu mến Chúa trong Bí Tích Cực Thánh.
Vào lần hiện ra thứ hai 13/6 cũng thế, sau khi nói với Lucia rằng Phanxicô và Giaxinta là hai người em họ thân thiết của Lucia được về trời sớm, còn Lucia còn phải ở lại thế gian lâu hơn, vì “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến. Người muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”, và để an ủi Lucia bấy giờ cảm thấy buồn “Con ở lại một mình hay sao?”, Mẹ đã trấn an em rằng: “Không đâu con! con buồn lắm phải không? Đừng có thất vọng! Mẹ sẽ không bỏ rơi con đâu. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”. Nói xong, Đức Mẹ mở tay ra như lần trước, làm 3 em cảm thấy các em được chìm ngập trong Chúa. Phanxicô và Giaxinta chìm vào ánh sáng chiếu lên trời, còn Lucia vào ánh sáng chiếu xuống đất. Phía trước bàn tay Mẹ là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ bị gai cuốn chọc thủng cần được đền tạ. Đây là lần đầu tiên Mẹ Maria tỏ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ra cho loài người thấy qua 3 em thiếu nhi đại diện.
Thật ra, tác động thần linh chiếm đạt các em Thiếu Nhi Fatima này đã bắt đầu xẩy ra từ năm 1916, vào mùa thu, khi các em được Thiên Thần Hòa Bình hiện ra cho Lucia rước lễ và cho Phanxicô với Giaxinta (bấy giờ chưa tới tuổi được rước lễ như Lucia) uống máu, với những lời như sau:
· “Các em hãy nhận lấy Mình và uống Máu của Chúa Giêsu Kitô đã bị phỉ báng khủng khiếp bởi những con người vô ơn bội nghĩa. Các em hãy đền bù lại những tội ác và hãy an ủi Thiên Chúa của các em”.
Sau đó, vị Thiên Thần Hòa Bình này phủ phục xuống đất để cùng với các em lập lại ba lần lời cầu nguyện ngài vừa dạy cho các em trước khi cho các em hiệp lễ để hiến dâng Thánh Thể đền tạ Ba Ngôi cầu cho thế giới là “Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh…” và biến đi, các em cảm thấy lần đầu tiên được Thiên Chúa chiếm đoạt, như được chính chị Lucia thuật lại như sau:
· “Bị thúc đẩy bởi một quyền lực siêu nhiên bao chiếm chúng con, chúng con đã bắt chước tất cả những gì vị Thiên Thần này làm, phủ phục xuống đất như ngài làm cùng lập lại các lời nguyện như ngài đọc. Cái mãnh lực của việc Thiên Chúa hiện diện quá mạnh mẽ đến nỗi đã hút lấy chúng con hầu như hoàn toàn làm chúng con bị tan biến đi. Nó dường như làm cho chúng con mất hết cả việc sử dụng các giác quan thể lý trong một thời gian khá lâu. Trong những ngày ấy, chúng con đã thi hành tất cả mọi việc làm bề ngoài của chúng con như thể được hướng dẫn bởi cùng một mãnh lực siêu nhiên đã thúc đẩy chúng con hơn nữa. Niềm bình an và hạnh phúc chúng con cảm được rất ư là lớn lao, nhưng hoàn toàn ở bên trong, vì linh hồn của chúng con được hoàn toàn chìm ngập trong Thiên Chúa. Chúng con cũng cảm thấy được siêu thoát rất nhiều về cả thể lý nữa”.
Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong bài giảng phong Chân Phước cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta ngày 13/5/2000 tại chính Linh Địa Thánh Mẫu Fatima cũng đã công nhận sự kiện tác động thần linh chiếm đoạt các em đến nỗi làm biến đổi các em. Nguyên văn những lời của Đức Thánh Cha đã cảm nhận và chia sẻ trong bài giảng như sau:
· “Theo dự án thần linh, ‘một người nữ mặc mặt trời’ (Rev 12:1) từ trời xuống mặt đất này để viếng thăm các trẻ em diễm phúc của Chúa Cha. Bằng một giọng nói và con tim từ mẫu, Bà đã nói với các em rằng Bà xin các em hãy dâng mình làm vật hy sinh đền tạ, khi cho các em biết là Bà đã sẵn sàng dẫn các em đến với Thiên Chúa rồi. Thế nên, các em đã thấy một luồng ánh sáng phát ra từ bàn tay từ mẫu của Bà thấu vào nội tâm của các em, nhờ đó các em cảm thấy mình được chìm ngập trong Thiên Chúa, theo các con cho biết, như một người thấy mình trong gương soi vậy.
”Sau đó, Phanxicô, một trong ba trẻ em diễm phúc, đã than lên rằng: ‘Chúng ta nóng lên trong luồng ánh sáng là Thiên Chúa đó mà chúng ta không bị thiêu rụi đi. Thiên Chúa giống như cái gì nhỉ? Không thể nào nói được. Thật vậy, chúng ta không thể nào có thể nói cho người ta biết được’. Thiên Chúa: một ánh sáng bừng cháy mà không thiêu hủy. Moisen cũng đã có cùng một cảm nghiệm khi ông thấy Thiên Chúa trong bụi cây cháy; ông đã nghe thấy Thiên Chúa nói rằng Ngài quan tâm đến việc dân Ngài phải làm nô lệ nên đã quyết định nhờ ông giải cứu họ: ‘Ta sẽ ở cùng ngươi’ (x Ex 3:2-12). Những ai nhận được sự hiện diện này đều trở nên một nơi trú ngụ để thành một ‘bụi cây cháy’ của Đấng Tối Cao.
”Điều gây ấn tượng nhất và đã hoàn toàn chiếm đoạt Chân Phước Phanxicô là việc Thiên Chúa ở trong luồng ánh sáng vô tận đã thấu nhập tận thâm tâm ba em ấy. Thế nhưng, Thiên Chúa chỉ nói với một mình Phanxicô, như em cho biết, là Ngài ‘buồn biết bao’. Có một đêm kia, bố của em nghe thấy em thổn thức thì hỏi em tại sao em khóc; người con của ông liền trả lời rằng: ‘Con đang nghĩ đến Chúa Giêsu là Đấng rất buồn phiền vì các tội lỗi đã xúc phạm đến Người’. Em đã được thúc đẩy bởi một ước vọng duy nhất đó là ‘an ủi Chúa Giêsu và làm cho Người được vui’ – thật lạ lùng về ý nghĩ của các trẻ em.
”Một cuộc biến đổi đã xẩy ra trong cuộc đời em, một cuộc đổi thay chúng ta có thể gọi là tận gốc rễ: một cuộc biến đổi hoàn toàn khác thường đối với trẻ nhỏ ở vào lứa tuổi của em. Em hăng say dấn mình vào cuộc sống thiêng liêng, được biểu lộ bằng việc chuyên tâm sốt sắng cầu nguyện, và đã đạt tới một thứ thần hiệp thực sự với Chúa. Cuộc sống thiêng liêng này thôi thúc em tiến đến việc thanh tẩy tâm linh bằng việc từ bỏ những thích thú riêng tư và ngay cả những trò chơi vô tội của thuở thiếu thời.
”Phanxicô không hề than phiền khi chịu đựng các đau đớn cả thể do bệnh nạn gây ra làm cho em phải chết. Để an ủi Chúa Giêsu, tất cả hầu như là quá ít đối với em, ở chỗ, em đã chết với một nụ cười trên môi. Bé Phanxicô đã có một ước vọng cả thể trong việc đền bồi những xúc phạm của các tội nhân, bằng việc nỗ lực sống tốt lành và hiến dâng các hy sinh và lời cầu nguyện. Đời sống của Giaxinta, đứa em gái của em, nhỏ hơn em gần hai tuổi, cũng được những cảm thức này tác động”.
Đúng thế, chính vì được Ngài chiếm đoạt mà các em đã cảm thấy không có gì tốt lành hơn Chúa và cao trọng hơn Chúa, đến nỗi các em đã không còn thiết một sự gì trên đời này nữa, kể cả những điều vô tội đối với các em, như Lucia bỏ sở thích ăn mặc diêm dúa, Phanxicô bỏ sở thích ngồi trên đồi cao thổi sáo hát các bài hát dân ca, và Giaxinta bỏ sở thích múa nhẩy mỗi khi nghe thấy tiếng sáo của anh Phanxicô. Thậm chí các em cũng chẳng thiết gì tới mạng sống của các em, đến độ không còn biết sợ chết là gì, như đã xẩy ra sau lần Mẹ Maria hiện ra thứ 3 và ngay trước lần hiện ra thứ 4 với các em, khi các em bị chính quyền địa phương chộp bắt mang đi điều tra, giam nhốt, hăm dọa đủ thứ.
Chưa hết, cũng chính vì các em được Thiên Chúa chiếm đoạt bất ngờ và hoàn toàn như thế, chẳng những các em tỏ ra những tác động của giai đoạn khởi sinh là bỏ mình, mà còn tỏ ra những tác động nội tâm của giai đoạn tiến sinh nữa, đó là tác động sống nguyện cầu thân mật với Thiên Chúa, qua ý hướng làm mọi sự để đền tạ “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”. Cá nhân mỗi em đã tự thực hiện ý hướng và tâm tình đền tạ này mà còn nhắc nhở và thúc giục nhau làm theo ý chỉ ấy nữa. Riêng Phanxicô, dù rất thích chơi với chị Lucia và em Giaxinta, em vẫn tìm dịp lẩn tránh để cầu nguyện một mình với Chúa Giêsu Ẩn Thân của em.
Và cũng chính vì được Thiên Chúa chiếm đoạt như thế, các em đã thật sự trở nên dụng cụ lợi hại trong tay Ngài, được Ngài khôn khéo sử dụng để làm việc của Ngài và cho Ngài, như qua đau khổ các em, cách riêng của Lucia, Ngài tỏ cho con người biết tính chất chân thực của Biến Cố Fatima, qua đời sống chuyên chú nguyện cầu của các em, nhất là của Phanxicô, Ngài thánh hóa bản thân các em, và qua hy sinh của các em, đặc biệt của Giaxinta, Ngài đưa các linh hồn tội nhân lên thiên đàng.
Tóm lại, qua đời sống tu đức thánh thiện của hai Thiếu Nhi Fatima nhỏ bé Phanxicô và Gianxinta, chúng ta thấy được những điểm đặc biệt sau đây:
Thứ nhất, để nên Thánh, nên tới bậc trọn lành, con người cần phải được Thiên Chúa chiếm đoạt, được Thiên Chúa sống trong mình, nhờ đó, nhờ dính liền với thân nho họ trở thành cành nho sinh muôn vàn hoa trái (x Jn 15:4-5).
Chẳng hạn như có lần chị Lucia của các em bị cám dỗ tham gia vào việc tổ chức hội hè chơi đùa theo kiểu thế gian với giới trẻ quen biết, vì Lucia nổi tiếng có tài về ca vũ, đã bị Phanxicô phản đối và ngăn chặn, bằng cách em bày mưu cho chị làm sao để từ chối khéo, đến nỗi, kết quả đã xẩy ra hết sức bất ngờ là, giới trẻ thiếu nhi chẳng những đã bỏ cuộc tổ chức vui chơi của họ mà còn theo 3 em đến chính chỗ Mẹ Maria hiện ra để lần hạt cầu nguyện chung với các em nữa. Ngoài ra, ngay trước lần Mẹ Maria hiện ra lần thứ ba, 13/7/1917, lần quan trọng nhất, vì là lần Mẹ sẽ cho các em thấy hỏa ngục và tiết lộ Bí Mật Fatima cho các em, thì chị Lucia của các em bị cám dỗ rất nặng nề, thậm chí chị đã nản chí và quyết tâm trốn lánh các em để khỏi phải đến nơi Mẹ Maria muốn như hai lần trước vào giờ nhất định, đã bị tinh thần và gương sáng của Phanxicô và Giaxinta lôi kéo làm chị bừng tỉnh để đi trọn con đường Tông Đồ Fatima của mình. Chưa hết, trước lần Mẹ Maria hiện ra lần thứ bốn vào tháng tám, cả ba em đang bị nhốt trong tù cho đến khi các em phải khai báo tất cả Bí Mật Fatima lên chính quyền địa phương, như các em được Mẹ Maria cho biết vào tháng bảy trước đó, thiếu nhi Phanxicô đã lên tiếng nhắn nhở một tù nhân người lớn đang cùng với các em đọc kinh phải bỏ mũ ra khi cầu nguyện với Chúa, và ông đã làm theo ý của em.
Thứ hai, để nên Thánh, phần con người, cần phải “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3).
Thật vậy, chính vì các em Thiếu Nhi Fatima Phanxicô 9 tuổi và Giaxinta 7 tuổi vào ngày 13/5/1917 bấy giờ vốn có một tâm hồn “như trẻ nhỏ”, mà các em đã có thể nhận ra được chẳng những tính chất chân thật của Biến Cố Fatima, nghĩa là các em tin thật rằng Biến Cố này là do trời cao chứ không phải giả dối, các em còn ngây thơ thành thật mau mắn đồng thanh đáp ứng lời kêu gọi của một Bà Đẹp từ trời xuống, một lời kêu gọi rất kinh hoàng nếu theo xu hướng vốn suy tính đắn đo khôn ngoan của người lớn thì các em đã không tỏ thái độ hết sức khờ dại nguy hại như thế. Phải chăng chính nhờ tinh thần đơn sơ đầy phó thác cậy trông này của các em mà các em không phải trải qua đêm tối tăm để thanh tẩy đức tin của các em, trước khi các em được Thiên Chúa chiếm đoạt và sống hiệp sinh thần linh với Ngài!?
Thứ ba, khi nên tới bậc trọn lành, tới bậc hiệp sinh được nên một với Chúa, linh hồn nào cũng được uống chén đắng với Người, được thông phần vào cuộc Khổ Nạn của Người .
Đó là lý do cuộc đời của các em thật là đau khổ, ngoài sự kiện vì Biến Cố Fatima các em bị dân làng và cha sở ngờ vực, và bị cả chính quyền địa phương chộp bắt, giam nhốt và hăm dọa sát hại, về phần xác, các em còn bị bệnh nạn hành hạ khổ sở khiến các em phải chết sớm; các em còn đau khổ cả về tâm thần nữa, như Phanxicô bị khổ vì không bao giờ được trực tiếp nghe thấy tiếng Đức Mẹ nói mỗi lần Người hiện ra với 3 em, còn Giaxinta thì được Mẹ Maria oái oăm báo cho em biết trước rằng em sẽ phải chết cô đơn lẻ loi một mình, không có một người thân nào ở bên cạnh em bấy giờ, dù là cha mẹ hay chị Lucia rất thân yêu của em! Trong bài giảng phong Chân Phước cho hai em, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định riêng về Giaxinta như sau: “Em có thể xứng đáng cùng với Thánh Phaolô kêu lên rằng: ‘Tôi hân hoan trong những nỗi đớn đau tôi phải chịu vì anh em, và trong xác thịt của mình, tôi làm trọn những gì còn thiếu nơi những khổ nạn của Chúa Kitô phải chịu vì thân thể của Người là Giáo Hội’ (Col 1:24)”.
Thứ bốn, dù còn nhỏ các em cũng có thể nên Thánh được, vẫn có thể được Chúa sử dụng để tỏ mình Ngài ra .
Đó là lý do đề tài chính của bài giảng Phong Chân Phước cho hai em được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói tới ngay lời mở đầu là “Lạy Cha,... Con chúc tụng Cha; vì những gì Cha giấu không cho kẻ thông thái và kẻ tinh khôn biết thì Cha lại tỏ cho những trẻ em nhỏ mọn hay” (Mt 11:25). Và vì Ngài là Tình Yêu Nhân Hậu, một tình yêu nhân hậu đã tỏ hiện trọn vẹn nơi Chúa Kitô Tử Giá mà bất cứ một tâm hồn nào đạt tới đỉnh trọn lành cũng phải trở thành hiện thân của Lòng Thương Xót Chúa đối với các tội nhân, cũng phải là tông đồ cho Lòng Thương Xót Chúa cho các tội nhân– Các em Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta đã không phải là hiện thân của và là tông đồ cho Lòng Thương Xót Chúa hay sao, kể từ khi các em được Ngài chiếm đoạt và sống từng giây từng phút của cuộc đời ngắn ngủi còn lại của các em như một hy tế đền tạ cứu đời.
Trong một thế giới hầu như không còn nghe thấy chữ thánh thiện hay có nói đến chữ này thì người ta tự nhiên cũng cảm thấy ngượng ngùng và thấy mình không giống ai, trái lại, chính trong cái thế giới (nhất là Âu Mỹ) chẳng những không dạy đức dục ở học đường mà còn dạy tính dục (sex education) cho giới trẻ hiện nay, Vị Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội Công Giáo lại gửi một Sứ Điệp cho chung Giới Trẻ trong dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 15, với chủ đề “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Gioan 1:14), trong đó ngài chẳng những đã kêu gọi họ quyết tâm nên thánh mà còn chỉ dẫn cho họ cách thức chắc chắn bảo đảm nên thánh như sau:
· “Các con hãy chiêm ngắm và suy niệm! Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để thông phần vào chính sự sống của Ngài; Ngài kêu gọi chúng ta để trở nên con cái của Ngài, trở nên những chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô, trở nên đền thờ sáng ngời của Thần Linh Yêu Thương. Ngài kêu gọi chúng ta trở thành sở hữu của riêng Ngài: Ngài muốn tất cả chúng ta là những vị thánh. Giới trẻ thân mến, chớ gì tham vọng thiện hảo của các con là nên thánh như Ngài là thánh.
“Các con sẽ hỏi Cha: thế nhưng ngày nay còn có thể làm thánh được sao? Nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào sức mạnh loài người thì thực sự là không thể làm được việc này. Thật vậy, các con đã quá rõ về những thành quả cũng như thất bại của mình; các con cũng biết được những gánh nặng đè trên con người, nhiều nguy hiểm đe dọa họ và những hậu quả do tội lỗi của họ gây ra. Có những lúc chúng ta bị chán nản kềm giữ, đến nỗi nghĩ rằng không thể nào thay đổi được gì hết, cả ở nơi thế gian cũng như nơi bản thân mình.
“Cho dù cuộc hành trình khó khăn, chúng ta cũng có thể làm được mọi sự trong Vị là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Vậy các con đừng hướng về một ai khác ngoài Chúa Giêsu. Các con đừng nhìn đâu khác ngoài nơi mà chỉ có Người mới có thể ban cho các con, vì ‘trong tất cả mọi danh hiệu trên thế gian được ban cho loài người thì chúng ta được cứu độ chỉ do nơi danh hiệu duy nhất này mà thôi’ (Acts 4:12). Với Chúa Kitô thì sự thánh thiện Thiên Chúa muốn nơi mọi người lãnh nhận bí tích rửa tội vẫn có thể đạt thành. Các con hãy cậy dựa nơi Người; các con hãy tin tưởng vào quyền năng vô địch của Phúc Âm và hãy lấy đức tin làm nền tảng cho niềm hy vọng của mình. Chúa Giêsu bước đi với các con, Người canh tân tâm hồn các con và kiên cường các con bằng sức mạnh của Thần Linh Người.
“Hỡi giới trẻ của mọi địa lục, các con đừng sợ là những vị thánh của thiên niên mới! Các con hãy chiêm niệm, hãy yêu thích nguyện cầu; các con hãy gắn bó với đức tin của mình và hãy quảng đại trong việc phục vụ anh chị em mình, các con hãy là những chi thể sinh động của Giáo Hội và hãy là những nhà xây dựng hòa bình. Để đạt được kết quả trong dự phóng thiết yếu của đời sống này, các con hãy tiếp tục lắng nghe Lời Người, hãy lấy sức mạnh từ các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Thống Hối. Chúa muốn các con là những tông đồ gan dạ cho Phúc Âm của Người và là những nhà xây dựng cho một nhân loại mới”.
Đúng thế, “nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào sức mạnh loài người thì thực sự là không thể làm được việc này”, nhưng, “với Chúa Kitô thì sự thánh thiện Thiên Chúa muốn nơi mọi người lãnh nhận bí tích rửa tội vẫn có thể đạt thành”. Phanxicô và Giaxinta chỉ được biến đổi từ khi Mẹ Maria hiện ra với các em mà thôi. Nghĩa là, chỉ trong vòng 2 năm (đối với trường hợp của Phanxicô) và 3 năm (đối với trường hợp của Gianxinta), kể từ khi Mẹ Maria hiện ra với các em (1917), hai em đã nên thánh.
Không phải hay sao, kể cả việc các em tự nhiên sẵn lòng chấp nhận lời mời gọi để trở thành của lễ hy sinh đền tạ Thiên Chúa mà cứu các tội nhân, việc các em nhất định từ bỏ những thú vui lành mạnh vô tội tư nhiên của tuổi thiếu nhi hồn nhiên của mình, nhất là việc các em hăng say hy sinh, kiên trì chịu đựng tất cả mọi sự theo ý Chúa v.v. đều bởi ơn Chúa ban cho. Thiên Chúa đã thông sự thánh thiện của Ngài ra cho các em, ở chỗ, cho các em thông phần vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô, bằng cách gửi đến cho các em những khổ đau vượt quá tầm sức thiếu nhi của các em.
Đó là lý do, sau khi các em thưa: “Vâng chúng con sẵn sàng”, Mẹ Maria đã báo trước cho các em thấy cả thập giá lẫn ân sủng của Thiên Chúa: “Vậy thì các con sẽ chịu nhiều đau khổ, song ơn Chúa sẽ nâng đỡ các con”. Thánh nhân nói chung và hai tân Á Thánh Thiếu Nhi Tiên Khởi Phanxicô và Giaxinta nói riêng đúng là Sản Phẩm Thần Linh Thời Đại vậy.
Phanxicô và Giaxinta thực sự là Sản Phẩm Thần Linh của Thiên Chúa nhưng lại hoàn toàn được chế tạo tại Hãng Khiết Tâm Mẹ Maria. Đúng thế, vào lần hiện ra thứ hai, 13/6/1917, Mẹ đã nói riêng với Lucia và chung với ba Thiếu Nhi Fatima như sau: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đương đưa con đến với Thiên Chúa”. Sự kiện này đã hoàn toàn ứng nghiệm những gì Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) đã viết từ đầu thế kỷ 18 trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của ngài:
· “Quyền năng của Mẹ Maria trên tất cả mọi quỉ ma sẽ đặc biệt chiếu sáng vào những thời buổi sau này, khi mà Satan giăng bẫy gót chân Mẹ: tức là giăng bẫy các tôi tớ khiêm hạ và con cái nghèo hèn của Mẹ, thành phần Mẹ sẽ lập nên để chống lại với hắn” (đoạn 54);
“Họ sẽ vác trên vai mình một thứ Thánh Giá đẫm máu, tay phải họ cầm Tượng Chuộc Tội, tay trái của họ nắm Tràng Kinh Mân Côi, con tim của họ ghi Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, hành vi cử chỉ của họ bộc lộ đức hạnh và khổ hạnh của Chúa Giêsu Kitô. Họ là những con người cao cả sẽ phải đến; còn Mẹ Maria, theo lệnh của Đấng Tối Cao, chính là vị sẽ trang bị cho họ…” (số 59).
Thế nhưng, vì là Sản Phẩm Thần Linh Thời Đại, do đó, sau khi được Hãng Khiết Tâm Maria chế tạo từ đầu thế kỷ 20 cuối thiên niên kỷ thứ hai, Phanxicô và Giaxinta mới được Nhà Sản Xuất Maria, qua Giáo Hội, dưới triều của vị Giáo Hoàng “Totus Tous”, bắt đầu tung ra Thị Trường Tiêu Thụ (Giới Trẻ) Công Giáo vào Năm Thánh Hai Ngàn, thời điểm mở màn cho Thiên Niên Kỷ Thứ Ba Kitô Giáo!