-5-
Điềm Trời 4
Về Ngày Tận Thế:
Sự Việc Mừng Đón
Năm 2000
Thế nhưng, "Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và muôn đời
vẫn là một" (DT 13:8), một Chúa Kitô được
sai đến không phải "để luận
phạt thế gian song để thế gian có thể nhờ
Người mà được cứu rỗi" (Gn 3:17).
Cho dù trong lần đến sau hết Chúa Kitô có "ngồi
trên ngai vương của mình và tất cả mọi dân nước
sẽ tụ tập trước nhan Người" (Mt
25:31-32) để thực hiện việc phán xét tối
chung đi nữa, thì việc xét xử tối chung này cũng
không phải là việc Người tự muốn lên án:
"Hỡi phường bị luận phạt, hãy đi
cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời
dành cho ma qủi và các thần của hắn" (Mt 25:41). Bởi
vì, "ai không tin thì đã bị luận phạt rồi"
(Gn 3:18), do đó mà không lạ gì, chưa bị phán xét
tối chung, tự bản thân, "khi thấy Con Người
uy quyền đầy vinh hiển đến trên mây trời,
tất cả mọi chủng tộc trên trái đất
sẽ đấm ngực mình " (Mt 24:30).
Đến thế gian lần thứ
hai, cũng là lần sau hết, để cứu vớt chứ
không phải tự ý để luận phạt như
thế, mà "Đấng Cứu Tinh Nhân Thế" đã
tỏ cho thế giới biết những "điềm
trời", như những dấu báo hiệu Người
sắp tới để mà kịp sửa soạn, nhờ đó,
"ai kiên tâm đến cùng sẽ được an toàn/khỏi
chết/cứu rỗi" (Mc 13:13' Mt 10:22, 24:13). Bởi vì,
Người sẽ đến "giống như kẻ trộm
trong đêm tối" (1Thes 5:2' 2Ph 3:10), đến trong nháy
mắt, chẳng khác gì "như chớp sáng từ đông
sang tây" (Mt 24:27), đến một cách chớp nhoáng
nhất là đối với thành phần "nhậu
nhoẹt say sưa" (Mt 24:49) "như thời Noe"
(Mt 24:37' Lc 17:26) trước khi vào tầu.
Hiện tượng Mẹ Maria
Rạng Đông Cứu Rỗi và sự kiện Giáo Hội
Canh Tân, không phải hay sao, đã là những "điềm
trời" sáng tỏ nhất, vẫn còn đang nổi
bật trên bầu trời thế giới tối tăm co
quắp trong một cơn hấp hối hầu như
gần tới giờ mệnh chung của mình trước
ngưỡng cửa tận cùng của thiên niên thứ hai
vào năm 2000?!? Ngoài ra, ngay trước khi Thế Chiến
II chính thức bùng nổ có tính cách toàn cầu, tức vào
năm 1938, Chúa Giêsu đã bóng bẩy nói cho chân phước
Faustina, một nữ tu Balan những lời tiên báo sau đây:
"Cha dành cho Balan một tình yêu đặc
biệt, mà nếu nó tuân phục ý muốn của Cha, Cha
sẽ nâng nó lên trong thế lực và thánh thiện. Từ
nó sẽ phát hiện một tia sáng để sửa
soạn thế giới cho lần đến sau hết của
Cha" (DM số 1732)
Thật vậy, "tia sáng" từ
một vùng trời cộng sản Đông Âu này bất ngờ
phát xuất trên ngai toà tối cao của Giáo Hội Công Giáo
Rôma đã càng ngày càng trở nên hết sức chói lói trên
bầu trời thế giới hôm nay. Theo mạc khải tư
trên đây, sứ mệnh của "tia sáng" này là "để
sửa soạn thế giới cho lần đến sau
hết của Cha". Phải chăng điều này đã
được phát hiện trong tông thư "Tertio Milennio
Adveniente" (Tiến Đến Thiên Niên Thứ Ba), qua
những lời của vị giáo hoàng đương kim:
"Từ khi phát hành văn
kiện đầu tiên ("Đấng Cứu Tinh Nhân
Thế") của giáo triều Ta, Ta đã minh nhiên nói đến
Cuộc Mừng Đại Thể (năm 2000) này, khi đề
nghị một thời gian dẫn đến cuộc mừng
này như là 'một Mùa Vọng mới'. Đề tài này đã
từng lập đi lập lại nhiều lần, và đã
được bàn đến dài dòng trong thông điệp
'Dominum et Vivificantem' (phụ chú: thông điệp về Chúa
Thánh Linh trong Đời Sống của Giáo Hội và của
Thế Giới, ban hành ngày 18-5-1986, lễ Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống). Thật vậy, việc sửa soạn
cho năm 2000 quả nhiên là một việc then chốt chi
phối cả giáo triều của Ta" (TMA số 23)
Thế nhưng, không biết Đức
Thánh Cha Gioan-Phaolô II, vị đã vận động phong
thánh cho nữ tu Faustina ngày 20-9-1967, khi ngài còn là hồng y tổng
giám mục ở Cracow, và đã chính thức phong chân phước
cho chị ngày 18-4-1993, có ý thức được thân
mệnh của mình theo như mạc khải tư của
Chúa Giêsu cho chị ở đây ám chỉ hay chăng?
Thế mà, có những việc Ngài làm, từ khi lên ngôi Giáo Hoàng
đến nay, (thời điểm cuốn sách này được
khởi viết khi ngài đang thăm Liên Hiệp Quốc ở
Hoa Kỳ 5 ngày đầu của Tháng Mân Côi, 4-8/10/1995),
kể cả 68 cuộc tông du, đi qua 620 ngàn dặm hay 1
triệu cây số, để thực hiện hơn 100 tông
vụ trên khắp hoàn cầu, đều mang tính cách
"sửa soạn" trùng hợp lạ lùng cho Chúa Cứu
Thế đến. Chẳng hạn 4 việc điển
hình hết sức tiêu biểu sau đây.
Việc thứ nhất của Đức
Thánh Cha Gioan-Phaolô II mang tính cách "sửa soạn thế
giới cho lần đến sau hết của (Chúa
Kitô)" là việc ban hành thông điệp "Redemptor
Hominis" (Đấng Cứu Tinh Nhân Thế) ngày 4-3-1979, bức
thông điệp đầu tiên đã thực sự mở
màn và phác họa cho cả giáo triều của Ngài.
Bức thông điệp đầu
tiên của một vị giáo hoàng thường phản
ảnh mối ưu tư chính yếu của ngài và phác
họa hướng đi cho cả giáo triều của
ngài. Điển hình là trường hợp bức thông điệp
"Ecclesiam Suam" (về Giáo Hội Chúa Kitô) của Đức
Phaolô VI, ban hành ngày 6-8-1964, mà Đức Gioan-Phaolô II cho là
"văn kiện này đã đề ra một chương
trình cho giáo triều Đức Phaolô VI" (RH số 4), một
chương trình về Giáo Hội, trong Giáo Hội và của
Giáo Hội (x. OSV trang 3-4). Trong khi đó, triều đại
của Đức Gioan XXIII có thể nói là một giáo
triều hoàn toàn huớng về thế giới, được
biểu hiện chẳng những qua bức thông điệp
mở đầu là "Ad Petri Cathedram" (về Chân Lý,
Hiệp Nhất, Bình An trong Tinh Thần Bác Ái) ban hành ngày
29-6-1959, mà còn sau đó qua thông điệp "Mater et
Magistra" (về Kitô Giáo và Phát Triển Xã Hội) ban hành
ngày 15-5-1961, và thông điệp "Pacem in Terris" (về
Bình An Hoàn Vũ trong Chân Lý, Chính Trực, Bác Ái và Tự Do)
ban hành ngày 11-4-1963.
Tại sao các vị tiền
nhiệm của Đức Gioan-Phaolô II không mở đầu
cho giáo triều của mình một thông điệp về Chúa
Cứu Thế, mà phải đợi cho mãi đến một
giáo triều, như Ngài đã nhận định ở đoạn
mở đầu bức thông điệp, "đã
gần kề năm 2000"? Phải chăng vì mỗi
vị, theo nhiệm ý của Đấng đã hứa "ở
cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt
28:20), đều được chọn cho một sứ
mệnh riêng hợp với thời điểm của mình,
đúng như Đức Gioan-Phaolô II nhận định và
đề cập đến trong tông thư "Tiến Đến
Thiên Niên Thứ Ba":
"Những việc làm và trách
nhiệm đặc biệt liên quan đến Cuộc Mừng
Đại Thể năm 2000 này thuộc về sứ vụ
của vị giám mục Rôma. Theo một ý nghĩa nào đó,
tất cả các vị giáo hoàng của thế kỷ qua đã
sửa soạn cho cuộc mừng này. Với chương
trình của mình là canh tân lại mọi sự trong Chúa Kitô
(phụ chú: qua thông điệp đầu tiên "E
Supremi" ban hành ngày 4-10-1903), Thánh Giáo Hoàng Piô X đã cố
gắng chặn đứng những phát triển tai
hại nổi dậy từ tình hình quốc tế vào đầu
thế kỷ này... Đức Bênêdictô XV... Đức Piô
XI... Đức Piô XII... Xa hơn nữa, xuôi giòng thế
kỷ này, các vị giáo hoàng, theo bước chân của Đức
Lêô XIII (phụ chú: từ cuối thế kỷ 19, khi ngài
bắt đầu ban hành thông điệp "Rerum
Novarum" bàn về vấn đề quyền tư
hữu và việc lao công vào ngày 15-5-1991), đã khai triển
giáo thuyết Công Giáo về xã hội cho có hệ
thống... Đức Piô XI... Đức Piô XII... Đức
Gioan XXIII... Đức Phaolô VI..." (số 22)
Riêng mối liên hệ thật là trùng
hợp đặc biệt giữa các thông điệp hướng
về thế giới (kể trên) của Đức Gioan
XXIII, với thông điệp đầu tiên của giáo
triều Đức Phaolô VI "về Giáo Hội Chúa Kitô"
và với thông điệp đầu tiên của giáo
triều Đức Gioan-Phaolô II về "Đấng Cứu
Tinh Nhân Thế", đã không nói lên hay sao, "điềm
trời" ám chỉ hiện tượng Giáo Hội canh
tân là để sửa soạn thế giới nghênh đón
phu quân Giêsu của mình cũng là "Vua các vua, Chúa các Chúa"
(1Tim 6:15' KH 17:14, 19:16) của thế giới?
Thật vậy, "Đấng Cứu
Tinh nhân thế" này, như Đức Gioan-Phaolô II đã
tuyên xưng ngay trong câu mở đầu của bức thông
điệp tiên khởi của ngài: "là tâm điểm của
vũ trụ và của lịch sử", tức là một
"Đấng Cứu Tinh nhân thế" đến
thế gian lần thứ hai không phải để chuộc
tội mà là để cứu rỗi (x. DT 9:28), Đấng
có liên quan đặc biệt đến vận mệnh
thế giới trong thời điểm giáo triều của
ngài, một thời điểm mà ngài cảm nhận là
"đã gần kề năm 2000" (RH số 1)??
Việc thứ hai của Đức
Thánh Cha Gioan-Phaolô II mang tính cách "sửa soạn thế
giới cho lần đến sau hết của (Chúa Kitô)"
là việc "đáp ứng yêu cầu" của Mẹ
Maria ở Fatima.
Thật vậy, Đức Thánh Cha
Gioan-Phaolô II đã nhận ra ý nghĩa của lần ngài
bị ám sát mà không chết vào chính ngày kỷ niệm Mẹ
Maria hiện ra ở Fatima. Trong cuộc đại nghị
lần thứ năm của các đức hồng y
tại Rôma ngày 13-6-1994, Đức Thánh Cha đã thẳng
thắn đề cập đến sự lạ Fatima này
như sau:
"Ta đã được
dịp tự mình hiểu được sứ điệp
của Đức Mẹ Fatima một cách đặc
biệt: lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 5 năm 1981,
khi mà mạng sống của vị giáo hoàng bị thử
thách, và sau đó, một lần nữa vào cuối thập
niên 1980, khi mà cộng sản sụp đổ ở
những xứ sở thuộc khối Liên Bang Sô Viết.
Ta nghĩ rằng nó là một cảm nghiệm đủ
minh nhiên đối với mọi người. Chúng ta tin tưởng
Đức Trinh Nữ, Đấng đã đi trước
đoàn dân lữ hành của Thiên Chúa qua giòng lịch sử,
sẽ giúp chúng ta vượt qua được những khó
khăn mà từ năm 1989 vẫn còn tồn tại nơi
các dân tộc Âu Châu cũng như ở các lục địa
khác" (TPS 11-12/1994, trang 376).
Từ cảm nghiệm Fatima
mạnh mẽ bên trong này, Đức Thánh Cha đã hiệp
cùng với các giám mục trên thế giới để
hiến dâng chung thế giới và riêng Nước Nga cho
Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vào ngày 25-3-1984, nhờ
đó, "Nước Nga đã trở lại" khi
thực sự từ bỏ chủ nghĩa và chế độ
cộng sản, qua việc từ chức của vị
lãnh tụ cộng sản Liên Bang Sô Viết cuối cùng vào
chính ngày lễ Giáng Sinh 25-12-1991. Trong tông thư "Tiến
Đến Thiên Niên Thứ Ba", Đức Gioan-Phaolô II đã
gợi lại biến cố lạ lùng này như sau:
"Khó lòng mà không nhớ lại là
Năm Thánh Mẫu (1986-1987) diễn tiến trước
biến cố 1989 (phụ chú: tức trước biến
cố Cộng Sản Đông Âu đột nhiên bắt đầu
sụp đổ). Những biến cố này lạ lùng vì
tính cách vĩ đại của nó, nhất là vì tốc độ
xẩy ra của nó" (số 27)
Qua việc hiến dâng có tính cách
Giáo Hội hoàn vũ này, vị thủ lãnh nói riêng và Giáo Hội
nói chung đã thực hiện một cách cụ thể
việc "tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội" của
"Đức Mẹ Mân Côi" là Rạng Đông báo
hiệu Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô sắp tới.
Trong văn kiện gửi cho các giám mục trên thế giới
để kêu gọi hiệp dâng thế giới và Nước
Nga cho Mẹ Maria, Đức Gioan-Phaolô II đã viết:
"Trong Năm Thánh Cứu Rỗi
này (25/3/1983-1984), Ta muốn tuyên xưng quyền năng cứu
độ nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của
Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã cảm nghiệm được
quyền năng cứu độ này ở một mức độ
đặc biệt nhất... Ta tin chắc chắn là
việc lập lại nghi thức 'hiến dâng' này trong
Năm Mừng Kỷ Niệm Ơn Cứu Rỗi sẽ đáp
ứng với lòng mong ước của nhiều con tim
muốn tái diễn chứng cố về lòng sùng kính của
họ đối với Trinh Nữ Maria, và muốn phó thác
cho Người những sầu thương của họ
nơi những tệ hại hiện nay, những lo âu trước
những tai biến đang chực chờ ở tương
lai, những dự liệu cho hoà bình và công lý ở riêng từng
nước cũng như của cả nhân loại.."
(Sau đây là một số lời
tiêu biểu trong chính bản kinh dâng hiến của toàn Giáo
Hội ngày 25-3-1984:)
"Chúng con xin hợp với
tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành
một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý
của Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với
thánh Phêrô. Trong mối hiệp nhất này, chúng con đọc
những lời hiến dâng mà chúng con muốn bao gồm một
lần nữa niềm hy vọng của Giáo Hội cũng
như lo âu đối với thế giới hôm nay... Ôi
Mẹ của mọi người và mọi dân tộc,
Mẹ biết rõ tất cả và ước vọng của
họ, với ý thức làm mẹ, Mẹ biết tất
cả những giằng co giữa sự thiện và sự
dữ, giữa ánh sáng và bóng tối, đang hành hạ
thế giới tân tiến hôm nay, xin nhận lời kêu than
mà chúng con được Thánh Linh khơi động
trực tiếp dâng lên Trái Tim Mẹ...Lạy Trái Tim Vô
Nhiễm Nguyên Tội! Xin giúp chúng con chiến thắng
hiểm nguy của sự dữ vốn dễ dàng đâm
rễ sâu vào lòng dạ của con người hôm nay, mà tác
hại của nó đã đè nặng trên thế giới
hiện đại, và dường như cản trở
thế giới tiến bước trong tương lai... Một
lần nữa, nơi lịch sử thế giới, xin
quyền năng cứu độ vô biên, quyền năng của
tình yêu thương xót hãy chiếu giãi! Xin ngăn chặn
sự dữ! Xin biến đổi lương tri! Xin Trái
Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ tỏa ra cho tất
cả mọi người ánh sáng hy vọng" (TYF trang
127-128)
Việc thứ ba của Đức
Thánh Cha Gioan-Phaolô II mang tính cách "sửa soạn thế
giới cho lần đến sau hết của (Chúa Kitô)"
là việc ban hành hai thông điệp "Veritatis Splendor"
(Ánh Quang Chân Lý) ngày 6-8-1993, và "Evangelium Vitae" (Phúc Âm
Sự Sống) ngày 25-3-1995.
Thông điệp "Ánh Quang Chân
Lý" có tác dụng soi sáng con người đang "ngồi
trong tối tăm" (Lc 1:79), mà theo nhận định của
Ngài, "rõ ràng không nhiều thì ít bị ảnh hưởng
bởi những giòng tư tưởng đưa đến
việc tách biệt tự do con người khỏi bị
ràng buộc thiết yếu và căn bản với chân
lý" (số 4). Bởi thế, Ngài kêu gọi:
"Câu trả lời dứt khoát
cho những vấn nạn của mỗi một con người,
nhất là những vấn nạn về đạo lý và lương
tri, được giải đáp bởi Chúa Giêsu Kitô, hay đúng
hơn, bởi chính Chúa Giêsu Kitô ("Đấng Cứu Tinh
nhân thế"), như Công Đồng Vatican đã nhắc
nhở: 'Thật vậy, chỉ ở nơi mầu
nhiệm Lời nhập thể mà mầu nhiệm về
con người được sáng tỏ'" (số 2)
"Ngày nay, một lần nữa,
người ta cần phải quay về với Chúa Kitô
("Đấng Cứu Tinh nhân thế") để
nhận được từ Người câu giải đáp
cho những vấn nạn của mình về đâu là
sự lành và đâu là sự dữ" (số 8).
"Phúc Âm Sự Sống là ánh quang
chân lý soi sáng cho các lương tri, là ánh sáng tỏ tường
sửa chữa cái nhìn mù mịt" (số 6). Cho dù con người
ngày nay có bị "nhật thực về giá trị
sự sống" (số 10) đi nữa, thì cũng
"chỉ duy có Con Chiên bị sát tế ("Đấng Cứu
Tinh nhân thế") mang những dấu tích vượt qua
của mình trong ánh quang phục sinh mới là chủ tể
của tất cả mọi diễn biến lịch
sử, qua việc mở 'các ấn', và tuyên bố
quyền lực của sự sống trên sự chết,
cho dù trong thời gian hay vượt thời gian"
(số 105).
Việc thứ bốn của Đức
Thánh Cha Gioan-Phaolô II mang tính cách "sửa soạn thế
giới cho lần đến sau hết của (Chúa Kitô)"
là việc ban bố tông thư "Tiến Đến Thiên
Niên Thứ Ba" vào ngày 10-11-1994, với tâm tưởng và
chiều hướng sau đây:
"Kitô giáo có khởi điểm
bắt nguồn từ cuộc nhập thể của Ngôi Lời.
Ở đây, không phải chỉ là việc con người
tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói
về mình cho con người biết và chỉ cho họ con
đường có thể dẫn đến Ngài... Như
thế, Lời nhập thể là sự viên trọn cho nỗi
khát vọng hiện hữu nơi tất cả mọi tôn
giáo của loài người" (số 6).
"Con người viên mãn chính mình
nơi Thiên Chúa, Đấng đến gặp gỡ họ
qua Người Con hằng hữu của mình. Nhờ
việc Thiên Chúa đến trong thế gian mà thời gian của
con người được bắt đầu từ khi
tạo thành nên viên trọn. Thật vậy, mức viên
trọn của thời gian này là cõi đời đời,
thực ra là Đấng đời đời, tức là
chính Thiên Chúa. Như thế, để tiến đến mức
viên trọn của thời gian tức là tiến đến
cùng tận của thời gian và biến đổi
những giới hạn của thời gian để tìm
thấy sự viên trọn trong cõi đời đời của
Thiên Chúa" (số 9)
"Theo Kitô giáo, thời gian có một
tầm quan trọng sâu xa. Trong tầm kích của thời
gian mà thế giới đã được tạo dựng
nên' trong nó, lịch sử cứu độ được
tỏ hiện, khi tìm thấy cao điểm của mình ở
vào lúc thời gian viên trọn của Mầu Nhiệm
Nhập Thể, cũng như tìm thấy đích điểm
của mình ở vào cuộc trở lại hiển vinh của
Con Thiên Chúa vào lúc tận cùng thời gian. Nơi Chúa Giêsu Kitô,
Lời hoá thành nhục thể, thời gian trở nên một
tầm kích của Thiên Chúa, Đấng tự mình hằng
hữu. Việc Chúa Kitô đến thế gian đã khởi
đầu cho "những ngày sau hết" (DT 1:2),
"giờ tận cùng" (1Gn 2:18), cũng như cho thời
gian của Giáo Hội là thời gian sẽ kéo dài cho đến
lúc Chúa Kitô đến thế gian lần sau hết"
(số 10)