Lễ Đức Mẹ Guadalupe dù chưa được Giáo Hội chính thức mừng kính trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, như Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2 hay Lễ Đức Mẹ Fatima 13/5, nhưng ở Mỹ Châu Latinh nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng Lễ Đức Mẹ Guadalupe được cử hành ở bậc lễ kính (feast). Sau đây là sự tích Mẹ Gualalupe: https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%A9c_M%E1%BA%B9_Guadalupe
Đức Mẹ Guadalupe (Tiếng Tây Ban Nha: Nuestra Señora de Guadalupe) còn được biết với tên gọi Đức Trinh Nữ Guadalupe (Tiếng Tây Ban Nha: Virgen de Guadalupe) là một tước hiệu mà Giáo hội Công giáo Rôma dành cho Đức Trinh Nữ Maria.
Hai tài liệu, được xuất bản trong thập niên 1640, một bằng tiếng Tây Ban Nha, một bằng tiếng Nahuatl (ngôn ngữ của người dân Aztec), cùng thuật lại một câu chuyện xảy ra trong khi đi bộ từ ngôi làng của mình đến thành phố Mexico vào sáng sớm ngày 9 tháng 12 năm 1531 (Ngày hôm sau là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Đế quốc Tây Ban Nha)[1], nông dân Juan Diego thấy trên sườn đồi Tepeyac một cô gái chừng mười lăm mười sáu tuổi, được bao quanh bởi hào quang ánh sáng. Nói chuyện với anh ta bằng ngôn ngữ địa phương Nahuatl, Bà đã yêu cầu Juan Diego đi nói với Giám mục xây dựng một nhà thờ ngay tại nơi đó. Từ những lời nói của bà, Juan Diego nhận ra đó chính là Maria. Diego đã kể lại câu chuyện của mình với Tổng Giám mục người Tây Ban Nha, Fray Juan de Zumárraga, người đã yêu cầu ông quay trở lại đồi Tepeyac để nói với người phụ nữ lạ là hãy cho một dấu hiệu để chứng minh.
Dấu hiệu đầu tiên mà bà tỏ ra là việc chữa lành bệnh tật cho người chú của Juan. Đức Trinh Nữ nói với Juan Diego hãy leo lên đồi Tepeyac và hái những bông hồng. Mặc dù lúc đó đang là tháng 12 đã rất muộn so với mùa hoa nở nhưng Juan Diego đã tìm thấy những bông hoa hồng Castilian trên đỉnh đồi cằn cỗi, không có nguồn gốc từ Mexico. Đức Trinh Nữ yêu cầu ông sắp xếp những bông hồng vào trong chiếc áo choàng tilma dệt bằng sợi xương rồng của mình. Điều kỳ lạ xảy ra khi Juan Diego mở áo choàng trước khi sự chứng kiến của Giám mục Zumárraga vào ngày 12 tháng 12, những bông hoa rơi xuống sàn nhà nhưng ở vị trí đó lại xuất hiện hình ảnh của Đức Trinh Nữ Guadalupe một cách kỳ diệu được in trên vải[2].
Tấm hình này hiện nay vẫn còn được trưng bày tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe, một trong những điểm hành hương thu hút nhiều người nhất trong thế giới công giáo[3]. Hình ảnh này cũng phổ biến trong văn hóa Mê xi cô với tên gọi: Nữ Vương Mexico[4]. Năm 1910, Giáo hoàng Piô XI công bố Ðức Mẹ Guadalupe là Quan Thầy của châu Mỹ Latinh và sau đó của Philippin vào năm 1935. Năm 1999, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố Maria là Bổn mạng của toàn châu Mỹ, Nữ vương châu Mỹ La Tinh, và người bảo vệ cho những trẻ em không được sinh ra[5][6][7].
Trong tài liệu đầu tiên viết về cuộc hiện ra, cuốn Mopohua Nican, viết bằng ngôn ngữ Nahuatl vào khoảng năm 1556[8], Maria nói với Juan Bernardino, chú của Juan Diego, rằng hình ảnh trên tấm áo choàng tilma được gọi bằng cái tên: "Đức Trinh Nữ hoàn hảo, Thánh Maria Guadalupe"[9].
Tuy nhiên, giữa các học giả hiện nay không đồng thuận về tên "Guadalupe" được gán cho hình ảnh này[10]. Các ý kiến khác nhau có thể được nhóm lại thành hai quan điểm chính. Quan điểm đầu tiên cho rằng đã có sự hiểu lầm giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nahuatl. Quan điểm thứ hai cho rằng tên gọi Tây Ban Nha "Guadalupe", có chung nguồn gốc với tên gọi Đức Maria Guadalupe vùng Extremadura.
Quan điểm đầu tiên về nguồn gốc Nahuatl của tên gọi này là của Luis Becerra Tanco[10]. Vào năm 1675, trong cuốn Felicidad de Mexico của mình, Becerra Tanco đã đưa ra ý kiến: Juan Bernardino và Juan Diego sẽ không thể hiểu được tên Guadalupe vì hai phụ âm " d. "và" g " không tồn tại trong ngôn ngữ Nahuatl. Ông đã đưa ra hai tên bằng tiếng Nahuatl được phát âm giống như "Guadalupe " là: Tecuatlanopeuh [tek ʷ at͡ɬa'nopeʍ"], "người được sinh ra từ tảng đá", và Tecuantlaxopeuh tek ʷ ant͡ɬa'ʃopeʍ, "người xua đuổi những kẻ dữ khỏi chúng ta"[10].
Nó cũng đưa ra gợi ý rằng cái tên Tây Ban Nha này là sự thuật lại một thuật ngữ trong tiếng Nahuatl, Coātlaxopeuh [koa ː t͡ɬa'ʃopeʍ], có nghĩa là "người đập đầu con rắn" và nó có thể được đề cập đến thần rắn lông vũ Quetzacoatl[11].
Những người ủng hộ nguồn gốc tiếng Tây Ban Nha của tên gọi đưa ra lập luận rằng:
Sau cuộc xâm lược của người Tây Ban Nha kéo dài từ năm 1519-21, một đền thờ nữ thần Tonantzin tại đồi Tepeyac bên ngoài Thành phố Mexico đã bị phá hủy và một nhà nguyện dành riêng cho Đức Trinh Nữ được xây dựng nay tại đó. Các người da đỏ mới cải đạo theo Công giáo ở xa vẫn tiếp tục đến đó hành lễ và thực hiện các nghi thức thờ phượng của mình. Tuy nhiên không chắc chắn họ có gọi tên Maria giống như tên nữ thần Tonantzin hay không[13].
Một ghi chép đầu tiên nhắc đến sự tồn tại của bức vẽ là vào năm 1556, khi Tổng Giám mục Alonso de Montufar, dòng Ða Minh, giảng một bài khen ngợi lòng sùng kính Đức Mẹ Guadalupe, bày tỏ sự kính trọng với bức tranh được vẽ trong nhà nguyện tại Tepeyac, nơi phép lạ mới xảy ra. Vài ngày sau đó ông nhận được văn thư trả lời của Francisco de Bustamante, người đứng đầu các tu sĩ dòng Phanxicô và là người trông coi nhà nguyện Tepeyac, ông này bày tỏ thái độ không đồng tình trước vị Phó vương về việc Tổng Giám mục cổ vũ người dân bản địa mê tín dị đoan khi tôn thờ 1 bức tranh được vẽ bởi một họa sĩ người bản địa tên là Marcos Cipac de Aquino:
Ngày hôm sau, Tổng Giám mục Montufar mở một cuộc điều tra. Các tu sĩ Phanxicô nhắc lại tuyên bố của mình rằng hình ảnh khuyến khích thờ phượng ngẫu tượng và mê tín dị đoan, và làm chứng rằng nó đã được vẽ bởi "Người da đỏ tên là Marcos"[14]. Điều này đã có từ trước khi Dòng Đa Minh cho phép người Aztec kính viếng Guadalupe theo lời Tổng Giám mục. Vấn đề đã chấm dứt khi các tu sĩ dòng Phanxicô bị tước mất quyền trông coi đền thờ[15] và khung hình tilma được trưng bày trong 1 nhà thờ lớn hơn[16].
Một tài liệu đầu tiên diễn giải chi tiết hơn về hình ảnh và cuộc hiện ra là cuốn Imagen de la Virgen Maria, Madre de Dios de Guadalupe, một cuốn sách chỉ dẫn cách thờ phượng trong cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha xuất bản năm 1648 bởi Miguel Sanchez, một linh mục giáo phận Mexico City[17]. Một bản văn ngắn dày 36-trang được viết bằng ngôn ngữ Nahuatl có tên là Huei tlamahuiçoltica ("sự kiện trọng đại"), đã được xuất bản vào năm 1649 bởi Luis Lasso de la Vega. Có ý kiến cho rằng tài liệu này có mối quan hệ chặt chẽ với câu chuyện về Đức Trinh nữ của Sánchez. Tài liệu này bao gồm 7 phần. Trong phần Mopohua Nican ("Ở đây nó được kể lại"), thuận lại các cuộc hiện ra và nguồn gốc siêu nhiên của hình ảnh; phần Nican motecpana ("Đây là một tài liệu theo lệnh truyền"), mô tả lại 14 phép lạ của Đức Mẹ Guadalupe, và Nican tlantica ("Ðến đây chấm dứt"), nói về việc tôn kính Đức Mẹ trong xứ Tây Ban Nha Mới[18].
Sự nổi tiếng ngày càng tăng của hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe đã dẫn đến một sự quan tâm song song dành cho Juan Diego. Vào năm 1666 Giáo hội, với mục đích thiết lập một ngày lễ dành cho ông ta đã bắt đầu thu thập thông tin từ những người đã quen biết với Juan Diego. Vào năm 1723 một cuộc điều tra chính thức cuộc sống của ông được thực hiện, nhiều thông tin đã được thu thập. Năm 1987, dưới triều Giáo hoàng John Paul II, người có mối quan tâm đặc biệt với các vị thánh và người Công giáo ngoài châu Âu, đã thành công trong việc đề nghị Bộ phong thánh suy tôn Juan Diego lên hàng đáng kính. Vào ngày 06 Tháng 5 năm 1990, ông được phong chân phước bởi chính Joh Paul II trong Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe ở thành phố Mexico và được tuyên bố "là người bảo vệ và bênh vực của các dân tộc bản địa", với ngày lễ kính là ngày 09 tháng 12.
Thời điểm này, các sử gia và các nhà thần học đã bắt đầu đặt câu hỏi về mức độ tin cậy trong các bằng chứng về Juan Diego. Không có bất cứ dòng nào đề cập đến Juan hay sự việc kỳ lạ mà anh ta gặp trong các tác phẩm của Giám mục Zumárraga dòng Phanxicô, mặc dù trong bản viết tay của ông có nói đến bức vẽ kỳ lạ. Trong các bản ghi của cuộc điều tra mà Giáo hội tiến hành năm 1556 cũng bỏ qua những thông tin về người này. Và cũng không phải bất cứ một tài liệu nào khác nói đền sự tồn tại của 1 người tên là Juan Diego cho đến giữa thế kỷ 17.
Những nghi ngờ trên thực tế không phải mới được nêu ra. Ngay từ năm 1883 Joaquín García Icazbalceta, sử gia và người viết tiểu sử của Zumárraga, trong một văn bản mật về Đức Mẹ Guadalupe gửi cho Giám mục Labastida, đã rất do dự khi chứng minh các câu chuyện về cuộc hiện ra và nói kết luận của ông rằng hoàn toàn không có một người đàn ông[19]. Gần đây nhất là năm 1996, Giám đốc của Vương cung thánh đường Guadalupe, Guillermo Schulenburg, ở tuổi 83 tuổi và sau 33 năm phục vụ đã buộc phải từ chức sau một cuộc phỏng vấn với tạp chí Công giáo Ixthus, khi ông nói rằng Juan Diego là "một biểu tượng chứ không phải là một thực tế"[20]. Sau đó ông còn viết thư cho Giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên ngài đừng phong thánh cho Juan Diego vì cho rằng không có đủ chứng cớ rõ ràng về cuộc đời vị này. Theo Schulenburg, huyền thoại Juan Diego được dựng lên để an ủi người thổ dân da đỏ mà địa vị kinh tế và xã hội trong thế kỷ 16 thấp hơn so với người Mexico da trắng, có tổ tiên là người Tây Ban Nha [21].
Năm 1995, trong quá trình tiến hành phong thánh cho Juan Diego, Xavier Escalada, một linh mục dòng Tên đang viết một bách khoa thư về huyền thoại Guadalupe, đã cho công bố 1 tấm giấy bằng da (Codex Escalada) với những hình vẽ minh họa cuộc đời của Juan Diego và biến cố gặp gỡ Đức Trinh Nữ trong hào quang ánh sáng. Tài liệu quan trọng này đã được vẽ trong khoảng năm 1548, thời điểm mà những nhân chứng có thể đã biết đến Juan Diego. Đồng thời nó mang chữ ký của 2 học giả nổi tiếng ở thế kỷ 16 là linh mục Antonio Valeriano và Bernardino de Sahagun. Do đó nội dung của nó được xem là đáng tin cậy[22].
Tuy vậy một số học giả vẫn còn hoài nghi, mô tả hình ảnh trên cuộn giấy da "giống với hình ảnh Thánh Phaolô gặp Chúa Kitô trên đường Damascus, được vẽ bởi Thánh Luca và chữ ký của St Peter hơn là mô tả về Juan Diego"[23]. Linh mục Fidel Gonzalez, một thành viên trong ủy ban Toà Thánh có nhiệm vụ tìm hiểu về cuộc đời của Thánh Juan Diego đã kết luận là không thể phủ nhận Juan Diego là nhân vật có thật. Cuối cùng, các Giám mục Mexico cho hay, Toà Thánh xác nhận 1 phép lạ đã xảy ra qua lời cầu bàu của Thánh Juan Diego khiến cho một thanh niên người Mexico đã được chữa lành sau khi sọ bị vỡ vì lao mình từ một cái tháp cao dưới ảnh hưởng của bia rượu[21]. Năm 2002, Gioan Phaolô II, trong chuyến thăm Ðền Thánh Guadalupe lần thứ năm, đã cử hành Lễ Phong Thánh cho Juan Diego.
Phân tích bức ảnh
Tấm vải thô và hình ảnh đã được tiến hành phân tích nhiều lần bằng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện có. Có ít nhất 4 cuộc khảo sát đã được tiến hành trong khoảng 1751,1952 – 1982. Ba trong số đó đã được xuất bản thành sách.
Năm 1756, họa sĩ nổi tiếng Miguel Cabrera xuất bản tác phẩm nghiên cứu của mình trong cuốn sách "American Marvel". Bao gồm kết quả phân tích đôi mắt và các khảo sát thông thường khác của ông và 6 họa sĩ khác[24].
Năm 1929, Một tài liệu chú dẫn về hình ảnh chiếc đầu của một người đàn ông phản chiếu trong mắt phải của Ðức Trinh Nữ được công bố bởi nhà nhiếp ảnh Alfonso Marcue. Năm 1951, Carlos Salinas tiến hành xét nghiệm bức tượng ảnh và đưa ra hình ảnh một chiếc đầu của một người đàn ông phản chiếu trong mắt phải của Ðức trinh Nữ[25]. Năm 1956, Tiến sĩ Torroela-Bueno, một bác sĩ về nhãn khoa, xét nghiệm con mắt của Ðức Trinh Nữ trong bức ảnh.
Năm 1958, Tiến sĩ Rafael Torija-Lavoignet cho xuất bản tác phẩm nghiên cứu của ông, cuốn Purkinje-Sanson, được trình bày để nói về Bức Tượng Ảnh Ðức Bà Guadalupe. Năm 1962, Tiến sĩ Charles Wahig, O.D. tuyên bố sự khám phá của ông về hình ảnh phản chiếu trong mắt của Ðức Trinh Nữ khi nghiên cứu bức Tượng Ảnh với độ phóng lớn lên gấp 25 lần. Năm 1975, người ta đã cho gỡ khung kính ra để Tiến sĩ Enrique Grave, một bác sĩ nhãn khoa khác, có thể nghiên cứu kỹ hơn về bức vẽ [26].
Năm 1979, Tiến sĩ sinh lý học và côn trùng học USDA, Philip Serna Callahan đã chụp ra 40 bức hình của bức ảnh bằng tia hồng ngoại tuyến. Các bức ảnh và phát hiện của ông đã được xuất bản thành sách vào năm 1981[27]. Trong tác phẩm này, kết luận rằng bức vẽ nguyên thủy không có bản vẽ dưới, không có bản phác thảo hay bất kỳ nét cọ nào[28].
Cũng trong năm này, Tiến sĩ, bác sĩ nhãn khoa Jose Aste-Tonsmann dùng kỹ thuật phân tích sophisticate và nghệ thuật nhiếp ảnh digital để lấy ảnh cả hai mắt đã tuyên bố đã tìm thấy có ít nhất bốn hình ảnh của con người hiện ra trong cả hai mắt của Ðức Trinh Nữ. Khi phóng đại hình ảnh con mắt lên gấp 2500 lần, khẳng định sự có mặt của một nhóm người gồm 1 người đàn ông, người đàn bà và nhóm trẻ em. Tất cả là 14 người được lưu lại trong đồng tử của con mắt tương tự như bản chụp con mắt bình thường khi xảy ra "phép lạ" [29].
Năm 2002, José Antonio Flores Gómez, một nhà phục chế mỹ thuật, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Proceso Mexico đã đưa ra một số vấn đề kỹ thuật của mảnh vải mà ông đã tiến hành nghiên cứu trong các năm 1947 và 1973[30]. Bức vẽ chưa từng được sơn phủ.
Cuốn "Proceso" cũng được xuất bản vào năm 2002 ghi lại cuộc phỏng vấn với José Sol Rosales, trước đây là giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Thống kê cổ vật nhân tạo (Patrimonio Artístico Mueble) của Viện Mỹ thuật (Inba) tại thành phố Mexico. Cuộc phỏng vấn này được trích dẫn từ một báo cáo mà Rosales đã viết vào năm 1982 trình bày những phát hiện của ông khi thực hiện quá trình kiểm tra tấm vải bằng ánh sáng tia cực tím - ở độ phóng đại thấp – dưới kính hiển vi âm thanh stereo, loại vẫn được sử dụng cho phẫu thuật để tạo nên không gian ba chiều của mẫu vật. Trong tác phẩm này đã khẳng định màu sắc và độ sáng của bức vẽ rất đặc biệt[31].
Những người công giáo có nhiều cơ sở cho niềm tin vào sự siêu nhiên và tính chất kỳ diệu của bức ảnh. Trong gần 500 năm tồn tại kể từ khi "phép lạ" xảy ra, tấm vải vẫn tồn tại mà không bị mục nát. Trong khi một bản sao được làm trên chất liệu tương tự chỉ giữ được khoảng 15 năm[32]. Năm 1971, sự cố tràn dung dịch axit amoniac lên phần trên và bên phải bức vẽ. Mặc dù không được sửa chữa nó đã tự phục hồi như cũ[33]. Năm 1921, một trái bom đã nổ ngay dưới chân bức vẽ khiến nhiều đồ vật bị phá hủy nhưng bức vẽ lại không bị hư hại gì. Các ngôi sao xuất hiện trên tà áo Đức Maria trùng với bản đồ sao xuất hiện trên bầu trời Mêxicô hôm xảy ra phép lạ.
Nhiều trang web Công giáo dẫn chứng (mặc dù không dẫn nguồn) vào năm 1936[34], Friz Hahn, giáo sư ở Mexico, lấy hai sợi chỉ từ tấm vải gửi cho Tiến sĩ Richard Kuhn, Khoa trưởng Phân khoa Hóa học Ðại Học Kaiser Wilhelm, sau khi nghiên cứu cùng với các giáo sư của phân khoa đã đi đến kết luận là màu sắc của các sợi chỉ không nằm trong danh sách những màu sắc mà họ đã nghiên cứu và hiểu biết[29].
Năm 1555, trong một buổi họp Hội Ðồng, Tổng Giám mục thứ hai của Mexicô, Alonso de Montufar đã hoàn thành hồ sơ gián tiếp công nhận sự lạ Ðức Mẹ hiện ra. Liền năm sau đó, ông cho xây dựng thánh đường tôn kính Đức Mẹ tại đây và hoàn thành vào năm 1567.
Ngày 25 tháng 5 năm 1754,Giáo hoàng Biển Đức XIV chấp thuận Đức Mẹ Guadalupe là Thánh Quan Thầy của Tân Tây Ban Nha và cho phép cử hành lễ kính vào ngày 12 Tháng 12.
Năm 1910, Giáo hoàng Piô X công bố Ðức Mẹ Guadalupe là Quan Thầy của châu Mỹ Latinh. Năm 1935, Piô XI đặt Ðức Trinh Nữ Guadalupe làm quan thầy của Philippines[5][35][36]. Năm 1945, Piô XII tuyên bố rằng Ðức Trinh Nữ Guadalupe là "Nữ hoàng của Mixicô và của toàn lãnh thổ Mỹ Châu" và nhấn mạnh: Tượng Ảnh Ðức Mẹ đã được vẽ lại "qua ngòi bút linh ứng chứ không phải bởi thế giới này". Năm 1946, ông tuyên bố Ðức Bà Guadalupe là quan thầy của Mỹ Châu.
Năm 1961, Giáo hoàng Gioan XXIII cầu nguyện cùng Ðức Bà Guadalupe là Quan Thầy của Mỹ Châu. Ông diễn tả Ðức Bà Guadalupe là người Mẹ và là người Thầy Ðức Tin của tất cả người dân châu Mỹ. Năm 1966, Phaolô VI gửi tới Ðền Thánh Ðức Bà Guadalupe một Bông Hoa Hồng bằng vàng[37]. Năm 1979, Gioan Phaolô II gọi Ðức Bà Guadalupe là "Ngôi Sao dẫn đường Truyền giáo", ngài quỳ trước Tượng Mẹ, cầu xin Mẹ giúp đỡ và gọi Ðức Bà là Mẹ của Mỹ Châu.
Ngày 12 tháng 12 là ngày lễ kính Ðức Mẹ Guadalupe theo lịch phụng vụ theo quy định cho tất cả các địa phận ở Hoa Kỳ vào năm 1988. Vào năm 1999, Gioan Phaolô II, trong chuyến viếng thăm Ðền Thánh lần thứ 3, công bố ngày 12 tháng 12 là ngày Lễ kính Ðức Mẹ Guadalupe theo lịch phụng vụ cho cả toàn châu Mỹ.
“ | Ảnh Đức Mẹ ở đồi Tepeyac, với nét mặt dịu hiền và thanh thản, được in trên tấm áo choàng của thánh Juan Diego, là "Đức Maria trọn đời đồng trình, Mẹ thật của Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ luôn phụng sự". Bức ảnh ấy trình bày "người phụ nữ mặc áo mặt trời, với vầng trăng dưới chân, và một triều thiên 12 ngôi sao trên đầu và phụ nữ ấy đang có thai" (Kh 12,1-2) và chỉ cho các thổ dân và người lai thấy sự hiện diện của Đấng Cứu Thế. Mẹ luôn dẫn chúng ta đến cùng Chúa, Con của Mẹ, qua đó ta thấy biểu lộ nền tảng của phẩm giá của mọi người, như một tình yêu thương mạnh mẽ hơn các quyền lực của sự ác và sự chết, và đồng thời cũng là nguồn vui mừng, lòng tín thác con thảo, an ủi và hy vọng [38]. | ” |
— Bài giảng của giáo hoàng Biển Đức XVI tại thánh lễ kính Đức Mẹ Guadalupe ngày 12/12/2011. |
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - GIẢNG LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE
TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ CHIỀU NGÀY 12/12/2016
"Việc nhìn lên Đức Mẹ Guadalupe là để nhớ lại rằng cuộc viếng thăm của Chúa bao giờ cũng nhờ ở những ai làm cho Lời Ngài 'hóa thành nhục thể', thành phần tìm cách hiện thực sự sống của Thiên Chúa nơi bản thân mình, trở thành những dấu hiệu sống động của lòng thương xót Ngài".
"Phúc cho em là kẻ đã tin": bằng những lời này, Bà Isave đã xức dầu cho sự hiện diện của Đức Maria nơi nhà của bà. Những lời xuất phát từ lòng dạ của bà, từ bên trong; những lời âm vang tất cả những gì bà cảm nghiệm thấy từ cuộc thăm viếng của người chị em họ hàng: "Khi tôi vừa nghe thấy tiếng em chào thì thai nhi trong lòng tôi hân hoan nhẩy mừng. Phúc cho em là người đã tin tưởng".
Thiên Chúa thăm viếng chúng ta ở trong bụng dạ của một người phụ nữ, chuyển động bụng dạ của người phụ nữ kia bằng một bài ca ngợi khen chúc tụng, một bài ca hân hoan vui mừng. Cảnh tượng của bài Phúc Âm cho thấy tất cả những gì là sinh động của việc Thiên Chúa viếng thăm, đó là lúc Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta thì Ngài tác động nội tâm của chúng ta, Ngài bắt đầu lay chuyển những gì chúng ta là, cho đến khi tất cả đời sống của chúng ta được biến đổi thành lời chúc tụng và ngợi khen. Khi Thiên Chúa viếng thăm chúng ta thì Ngài khiến chúng ta cảm thấy xốn sang bồn chồn, bằng một thứ xốn sang bồn chồn của những ai cảm thấy họ đã được mời gọi để loan báo những gì Ngài sống và là Đấng ở giữa dân Ngài. Đó là những gì chúng ta thấy nơi Đức Maria, người môn đệ tiên khởi và là vị thừa sai đầu tiên, một Hòm Bia mới của Giao Ước, Đấng không muốn lưu lại ở một nơi được giành cho mình trong các đền thờ của chúng ta, nhưng lên đường thăm viếng và hỗ trợ vào thời kỳ thai nhi Gioan đang được thai nghén bằng sự hiện diện của mình. Người đã làm như thế vào năm 1531, ở chỗ Người đã đến Tepeyac để phục vụ và hỗ trợ thành phần Dân đang được thai nghén đớn đau này, để trở thành Mẹ của họ và là Mẹ của tất cả mọi dân tộc.
Cùng với bà Isave, hôm nay đây, cả chúng ta nữa muốn xức dầu cho Người và chào Người bằng lời: "Phúc cho Người là Đấng đã tin", và tiếp tục tin tưởng "những gì Chúa đã phán cùng Người sẽ được nên trọn". Thế nên Đức Maria là biểu tượng của người môn đệ, của người nữ tin tưởng và nguyện cầu, vị biết cách để hỗ trợ và phấn khích đức tin của chúng ta và niềm hy vọng của chúng ta ở những giai đoạn đặc biệt chúng ta cần phải trải qua. Nơi Đức Maria, chúng ta thấy một phản ảnh trung thực không phải là một thứ đức tin thi ca ngọt ngào, mà là một đức tin mạnh mẽ, nhất là trong lúc những say mê ngọt ngào về các sự vật bị tan vỡ và lại xẩy ra khắp mọi nơi những thứ mâu thuẫn đầy xung khắc.
Chắc chắn chúng ta cần phải học từ đức tin mạnh mẽ và hữu ích ấy là một đức tin đã từng biểu hiệu và đang biểu hiệu Người Mẹ của chúng ta; cần phải học từ đức tin này làm sao để đi vào bên trong lịch sử mà làm muối và ánh sáng trong đời sống của chúng ta cũng như trong xã hội của chúng ta. Xã hội chúng ta đang xây đắp cho con cái của chúng ta càng ngày càng hiện lên những dấu hiệu chia rẽ và phân mảnh, đẩy nhiều con người vào hậu trường, nhất là những ai đang gặp khó khăn để có được những gì là tối thiểu cho một cuộc sống xứng đáng. Một xã hội muốn tỏ ra khoe khoang khoác lác về những tiến bộ khoa học và kỹ thuật mà lại mù quáng và vô cảm trước hằng ngàn ngàn những gương mặt trải dài dọc con đường tiến bộ ấy, bị loại trừ bởi cái kiêu hãnh mù quáng của một thiểu số. Một xã hội cuối cùng tiến đến chỗ thiết lập một thứ văn hóa vỡ mộng, một thứ văn hóa giải mê và một thứ văn hóa thua bại nơi nhiều người anh em của chúng ta, thậm chí sấu khổ nơi nhiều người khác vì họ cảm thấy những khó khăn họ cần phải đối diện để khỏi bị lạc lối.
Chúng ta, dù không nhận ra, dường như trở nên quen thuộc với lối sống trong môt xã hội ngờ vực, với tất cả những gì được xã hội này phỏng định cho hiện tại của chúng ta nhất là cho tương lai của chúng ta; nỗi ngờ vực dần dần phát sinh ra tình trạng ơ hờ lãnh đạm và phân tán.
Khó khăn biết bao để hãnh diện về cái xã hội phúc hạnh này của chúng ta khi chúng ta thấy rằng lục địa Mỹ Châu thân yêu của chúng ta đã trở nên quen thuộc với việc nhìn thấy hằng ngàn ngàn trẻ em và giới trẻ trên đường phố, ăn xin và nằm ngủ ở các trạm xe lửa, trong hầm xe điện ngầm hay bất cứ ở nơi nào có chỗ. Trẻ em và giới trẻ bị khai thác làm việc bất hợp pháp hay bị đẩy đi tìm kiếm một ít đồng bạc cắc ở các giao lộ, bằng cách lau chùi kính xe của chúng ta... và họ cảm thấy rằng họ không có chỗ trên 'chuyến xe lửa cuộc đời - train of life'. Biết bao nhiêu là gia đình đang hằn lên thương đau khi nhìn thấy con cái của mình trở thành nạn nhân của những tay buôn tử thần. Khó khăn biết bao khi thấy cách thức chúng ta bình thường hóa việc loại trừ đi những vị lão thành của chúng ta, mặc họ sống lẻ loi cô độc, chỉ vì họ không còn sản xuất được nữa, hay thấy, như các vị giám mục ở Aparecida quá biết, "tình trạng bấp bênh đang ảnh hưởng tới phẩm giá của nhiều phụ nữ. Một số trong họ, ngay từ hồi còn nhỏ hay thanh thiếu niên, đã chịu rất nhiều hình thức bạo lực cả trong lẫn ngoài nhà của họ". Chúng là những trường hợp có thể làm cho chúng ta thành bại liệt, có thể gây ngờ vực cho đức tin của chúng ta và nhất là cho niềm hy vọng cậy trông của chúng ta, cho cách nhìn về tương lai và đối diện với tương lai.
Trước tất cả những hoàn cảnh đó, chúng ta cần phải cùng với bà Isave nói rằng "Phúc cho em là người đã tin tưởng", và học từ đức tin mãnh liệt và hữu ích này là những gì đã trở thành biệu hiệu và đang là biểu hiệu cho Người Mẹ chúng ta.
Việc cử hành mừng Mẹ Maria, trước hết và trên hết, là việc tưởng nhớ đến Người Mẹ này, là nhớ rằng chúng ta không và sẽ không bao giờ là một thành phần dân mồ côi. Chúng ta có một Người Mẹ! Và đâu có người mẹ này thì ở đấy bao giờ cũng có sự hiện diện và hương vị gia đình. Đâu có người mẹ này thì anh em có thể đánh nhau nhưng cảm quan hiệp nhất bao giờ cũng sẽ thắng vượt. Đâu có người mẹ này thì cuộc tranh đấu cho tình huynh đệ sẽ không bao giờ bị thiếu vắng. Tôi luôn bị ấn tượng khi thấy, nơi các dân tộc khác nhau ở Châu Mỹ Latinh, những người mẹ tranh đấu này, những người mẹ, thường một mình, đảm đang nuôi con cái khôn lớn. Đó là Đức Maria với chúng ta, với con cái của Mẹ: một người nữ đang chiến đấu chống lại thuú xã hội của nỗi ngờ vực và mù tối, một xã hội thờ ơ lãnh đạm và phân tán; một người nữ đang chiến đấu để củng cố niềm vui Phúc Âm, đang chiến đấu để cống hiến "nhục thể" cho Phúc Âm.
Việc nhìn lên Đức Mẹ Guadalupe là để nhớ lại rằng cuộc viếng thăm của Chúa bao giờ cũng nhờ ở những ai làm cho Lời Ngài "hóa thành nhục thể", thành phần tìm cách hiện thực sự sống của Thiên Chúa nơi bản thân mình, trở thành những dấu hiệu sống động của lòng thương xót Ngài.
Việc cử hành tưởng nhớ Đức Maria cũng khẳng định trước tất cả những gì là khác biệt éo le rằng "nơi tâm can và đời sống của các dân tộc chúng ta vẫn đang có một cảm quan mãnh liệt về niềm hy vọng cậy trông, bất chấp các điều kiện sống dường như che khuất tất cả mọi niềm hy vọng cậy trông".
Mẹ Maria, vì Mẹ đã tin tưởng, đã mến yêu; vì Mẹ là nữ tỳ của Chúa và là tôi tớ của anh em Mẹ. Việc cử hành tưởng nhớ Mẹ Maria là cử hành ở chỗ chúng ta, như Mẹ, được mời gọi để ra đi gặp gỡ những người khác bằng cùng một cái nhìn, bằng cùng một lòng thương xót sâu xa, bằng các cử chỉ tương tự. Việc chiêm ngưỡng Mẹ đó là việc cảm thấy lời mời gọi mãnh liệt noi gương bắt chước đức tin của Mẹ. Sự hiện diện của Mẹ dẫn chúng ta đến chỗ hòa giải, cống hiến cho chúng ta sức mạnh để kiến tạo nên những mối liên hệ nơi mảnh đất Mỹ Châu Latinh diễm phúc của chúng ta, bằng cách "đồng thuận" với sự sống và "bất thuận" với tất cả những thứ lãnh đạm, loại trừ hay phủ nhận các dân tộc và con người. Chúng ta đừng sợ ra đi tìm kiếm người khác bằng cùng một ánh mắt. Một ánh mắt làm cho chúng ta thành anh em. Chúng ta làm thế là vì, như Juan Diego, chúng ta biết rằng ở đây có Mẹ của chúng ta, chúng ta biết rằng chúng ta đang nấp dưới bóng của Mẹ và sự bảo vệ bao che của Mẹ, nguồn mạch niềm vui của chúng ta, và chúng ta đang ở trong vòng tay của Mẹ.
https://zenit.org/articles/popes-homily-for-feast-of-our-lady-of-guadalupe/
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu sắc.