9. KINH MÂN CÔI: LẦN HẠT

 


Kinh Mân Côi là một Kinh thong dụng nhất trong các kinh, đến nỗi, trẻ con cũng thuộc, người mù chữ cũng thuộc, thậm chí người chưa lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội cũng thuộc, đọc ở đâu cũng được, đọc lúc nào cũng được, đọc nhiều ít cũng được v.v.

 

Tuy nhiên, Kinh Mân Côi được đọc khác với tất cả các kinh khác. Ở chỗ, tuy cũng “khẩu nguyện tâm suy”, miệng đọc mà lòng ngẫm nhĩ, như các kinh khác, song khi suy Kinh Mân Côi thì không phải là suy ý nghĩa của lời các kinh làm nên Kinh Mân Côi, như ý nghĩa của Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, mà là suy ý nghĩa của từng Mầu Nhiệm Mân Côi theo chục kinh Mân Côi mà mình đang lần hạt.

 

Bởi thế, Kinh Mân Côi tuy là kinh dễ đọc nhất, song nếu không hiểu tường tận Mầu Nhiệm Mân Côi là linh hồn của Kinh Mân Côi, thì đọc kinh Mân Côi sẽ dễ chán và từ đó sẽ dễ chia trí vì tính cách cứ lập đi lập lại đều đều một kinh Kính Mừng v.v.

 

Ðừng tưởng là đọc Kinh Mân Côi nếu không hiểu tường tận Mầu Nhiệm Mân Côi, (mà chương 8 đã cố gắng trình bày một phần nào), thì có thể suy niệm lời Kinh Mân Côi cũng được. Bởi vì, lời Kinh Mân Côi tuy rất đơn sơ song cũng lại có một ý nghĩa rất sâu xa thần bí, (mà chương 7 đã cố gắng diễn đạt phần nào).

 

Lần hạt Mân Côi còn có một trở ngại dễ làm chi trí nữa là, miệng đọc một đàng, trí lại suy một nẻo. Chẳng hạn, miệng đọc “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” mà lại phải suy “thứ năm thì ngắm Ðức Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá”! Chưa hết, khi đọc “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”, thì lại phải theo ý nghĩa của từng ngắm mà xin một ơn đặc biệt, như “ta hãy xin cho được đóng đanh tính xác thịt vào thánh giá Chúa”!

 

Tuy nhiên, như đã diễn giải về ý nghĩa của Kinh Mân Côi trong chương 7 và về ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi trong chương 8, Kinh Mân Côi và Mầu Nhiệm Mân Côi không thể tách rời nhau được, như linh hồn và thân xác làm nên con người ta vậy. Kinh Mân Côi, theo ý nghĩa, diễn tả Mầu Nhiệm Mân Côi; và, ngược lại, Mầu Nhiệm Mân Côi tiềm ẩn nơi Kinh Mân Côi.

 

Nhưng, làm thế nào để, khi lần hạt Mân Côi, tức khi khẩu nguyện lời Kinh Mân Côi và lòng suy Mầu Nhiệm Mân Côi, người đọc cảm thấy có một sự hòa hợp tuyệt vời nơi con người của mình, để đỡ cảm thấy chán, cũng như nơi chính việc lần hạt Mân C” ôi, để càng ham thích lần hạt Mân Côi hơn?

 

Thật ra, ai có lòng kính phép Lần Hạt Mân Côi, họ sẽ có cách để lần hạt Mân Côi sốt sắng theo lòng của họ. Tại sao các Thánh ham thích lần hạt Mân Côi, lần hạt hằng ngày và lần hạt nhiều nữa là đàng khác, nếu không phải là các ngài đã sống Mầu Nhiệm Mân Côi bằng đời sống thánh thiệt của các ngài, nên đã hiểu được Mầu Nhiệm Mân Côi và nhờ đó đã say mê lần hạt Mân Côi bằng các lời Kinh Mân Côi sống động nhất được phát ra từ cửa miệng của các ngài.

 

Lần Hạt Mân Côi có thể bao gồm những yếu tố chính yếu, như số lượng, sửa soạn, cử chỉ, bắt đầu và suy niệm.

 

 

SỐ LƯỢNG LẦN HẠT MÂN CÔI

 

Ðể lần hạt Mân Côi cho có ý nghĩa, lý tưởng nhất, mỗi ngày nên đọc đủ 3 chuỗi 50 kinh Mân Côi, tức đọc đủ một tràng 150 Kinh Mân Côi mỗi ngày. Vi92, có đọc đủ 150 Kinh Mân Côi, 15 Mầu Nhiệm Mân Côi mới được nên trọn.

 

Lần hạt đủ một tràng 150 Kinh Mân Côi thì chẳng khác gì chúng ta đã cử hành một Thánh Lễ nơi chính con người của chúng ta “là đền thờ của Thiên Chúa” (1Côrintô 3:16). Vì, bằng các Lời Kinh Mân Côi và qua 15 Mầu Nhiệm Mân Côi, chúng ta, một mình (nếu đọc riêng) hay cùng nhau (nếu đọc chung) cử hành Mầu Nhiệm Thánh, khi tưởng niệm việc Chúa nhập thể (Mùa Vui), tuyên xưng việc Chúa chịu chết (Mùa Thương) và loan truyền việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đeến (Mùa Mừng).

 

Chúng ta có thể cử hành “Mầu Nhiệm Thánh” trong cả một ngày sống của chúng ta, nếu chúng ta chia ra làm 3 giờ lần hạt khác nhau.

 

Sáng: chúng ta lần hạt theo năm Mùa Vui, để tôn kính Mẹ Maria là Rạng Ðông của mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô.

 

Trưa: chúng ta lần hạt theo năm Mùa Thương, để tôn kính Chúa Kitô khổ nạn và tử giá.

 

Tối: chúng ta lần hạt theo năm Mùa Mừng, để tôn kính Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết hầu giải thoát những kẻ ngồi trong bong tối sự chết.

 

 

SỬA SOẠN LẦN HẠT MÂN CÔI

 

Bề trong, chúng ta hãy có một chủ ý và tâm tình lần hạt rõ ràng.

 

Về chủ ý của việc lần hạt Mân Côi, theo Mẹ Fatima, vào lần hiện ra thứ 3, 13/7/1917, là “để tôn kính Ðức Mẹ Mân Côi, để cầu cho hòa bình thế giới và chấm dứt chiến tranh”, (tại sao lần hạt Mân Côi có liên hệ đến hòa bình thế giới, xin đọc chương 10, tiếp theo ngay chương này).

 

Về tâm tình của người lần hạt Mân Côi, cũng theo Mẹ Fatima, vào lần hiện ra tại Pontevedra với chị Lucia ngày 10/12/1925, tâm tình của người lần hạt Mân Côi là đền tạ Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ đã bị xúc phạm bởi những kẻ vô ơn qua những tội bội bạc và lộng ngôn của họ.

 

Phải chăng, để đền tạ lại tội bội bạc của thành phần vô ơn, chúng ta phải tưởng nhớ đến tình Chúa yêu thương chúng ta bằng cách suy gẫm Mầu Nhiệm Mân Côi, và, để đền tạ lại tội lộng ngôn của thành phần vô ơn, chúng ta phải chúc tụng Chúa Mẹ bằng các Kinh Lạy Cha và Kính Mừng.

 

Bề ngoài, chúng ta hãy tìm lấy một nơi và một lúc thuận tiện và xứng hợp nhất.

 

Lúc thuận tiện và xứng hợp nhất là lúc chúng ta không còn lo nghĩ đến những dự tính chưa xong hay việc làm còn dang dở của chúng ta. Nơi thuận tiện và xứng hợp nhất là nơi cũng không bị ngăn trở gì bề ngoài bởi những xao động chung quanh.

 

Thà đừng lần hạt còn hơn lần hạt chỉ vì thói quen hay tới giờ thì làm cho đỡ áy náy, cho khỏi lỗi luật, lỗi lời hứa. Thiên Chúa là Ðấng cần lòng chúng ta hơn là lễ vật của chúng ta. Sẽ có những ngày, vì quá bận rộn, chúng ta không thể lần hạt đủ như lòng mong ước, hãy yên tâm, chính việc của chúng ta làm trong tinh thần của Mầu Nhiệm Mân Côi và lòng ước ao của chúng ta trong việc muốn lần hạt Mân Côi, đã làm hài lòng Thiên Chúa lăm rồi, hơn là chúng ta cố đọc cho đủ mà đầy những vội vã và chia lòng chia trí.

 

 

CỬ CHỈ LẦN HẠT MÂN CÔI

 

Ngoài ra, giống như cử hành Thánh Lễ hay dự Thánh Lễ, mà, theo tinh thần, lần hạt Mân Côi cũng mang tính cách và ý nghĩa của một thánh lễ như vậy, do đó, nếu được, tuỳ theo ý nghĩa của từng ngắm, chúng ta có thể đứng, ngồi hay quì, kể cả đi đi lại lại, hay giang tay hoặc sấp mình xuống đất.

 

Bởi vì, chính những cử chỉ mà chúng ta làm theo ý nghĩa mầu nhiệm của mỗi ngắm là chúng ta làm tái diễn lại một cách sống động nơi bàn thờ thân xác chúng ta Mầu Nhiệm Mân Côi, như Mầu Nhiệm Thánh theo đức tin, được thực sự tái diễn một cách Bí Tích trên bàn thờ mỗi khi Giáo Hội dâng lễ qua thừa tác viên thánh vậy.

 

Chằng hạn:

Chúng ta nền qùi khi đọc chung kinh theo ngắm thứ nhất Mùa Vui hay Mùa Thương, lập lại cử chỉ của Mẹ Maria qùi nhận lãnh Tin Mừng của Sứ Thần Thiên Chúa, hay của Chúa Giêsu qùi cầu nguyện trong vườn cây dầu v.v.

 

Chúng ta nên đứng khi đọc chục kinh theo ngắm thứ bốn Mùa Vui hay thứ ba Mùa Thương, lập lại cử chỉ của Mẹ Maria đứng dâng Chúa Giêsu trong đền thánh Giêrusalem, và của Chúa Giêsu đội mạo gai đứng trước mặt dân Do Thái để cho Philitô giới thiệu với họ “Này là Người” (Gioan 19:5) v.v.

 

Chúng ta nên ngồi khi đọc chục kinh theo ngắm thứ ba Mùa Vui hay thứ hai Mùa Mừng, lập lại cử chỉ của Mẹ Maria ngồi ẵm Chúa Giêsu Hài Nhi mới sinh trong cánh tay của Mẹ cho các mục đồng và các nhà chiêm tinh đông phương đến bái thờ, và của Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Ðức Chúa Cha v.v.

 

Chúng ta nên đi đi lại lại, nếu hoàn cảnh cho phép, khi ngắm hai Mùa Vui hay thứ bốn Mùa Thương, lập lại cử chỉ của Mẹ Maria lên đường đi thăm chị họ của mình là bà Isave, mẹ của thánh Gioan Tiền Hô, và của Chúa Giêsu vác thập giá nặng đi lên núi sọ, nơi người hiến mình làm giá chuộc muôn dân v.v.

 

Chúng ta nên giang tay khi đọc chục kinh thứ năm Mùa Thương, lập lại cử chỉ của Giêsu giang tay cho quân dữ đóng đanh vào thập giá để rồi cũng giang tay chịu chết trên cây thập giá như một tên đồ đệ nhất thiên hạ v.v.

 

Chúng ta nên sấp mình xuống đất khi đọc chung kinh thứ nhất và thứ bốn Mùa Thương, lập lại cử chỉ của Chúa Giêsu sấp mình cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, hay thờ lạy Thánh Thể vô cùng cao trọng của Chúa Giêsu bị ngã xuống đất 3 lần dưới sức nặng của thập giá v.v.

 

 

BẮT ÐẦU LẦN HẠT MÂN CÔI

 

Bắt đầu lần hạt, chúng ta hãy ý thức làm dấu thánh giá một cách trang trọng: Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi là “Cha và Con và Thánh Thần” mà lần hạt và cũng chỉ cho vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi mà lần hạt.

 

Trước khi chính thức lần một chuỗi 50 Kinh Mân Côi, chúng ta hãy đọc đủ số những kinh mở đầu. Ðó là 1 Kinh Tin Kính (biểu hiệu là Thánh Giá ngay đầu tràng chuỗi), 1 Kinh lạy Cha (hạt đầu tiên ngay sau thánh giá), 3 Kinh Kính Mừng (3 hạt kế tiếp) và 1 Kinh Sáng Danh (hạt cuối trong 5 hạt ở đầu tràng hạt).

 

Ðọc 1 Kinh Tin Kính để tuyên xưng lại Ðức Tin của mình vào nhiệm cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa, một nhiệm cuộc cứu rỗi được các Mầu Nhiệm Mân Côi tuần tự diễn tả lại khi lần chuỗi.

 

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha để chúc tụng Thiên Chúa duy Nhất trong nhiệm cuộc cứu rỗi loài người được biểu hiện qua 5 Mầu Nhiệm sắp được suy ngắm trong khi lần hạt.

 

Ðọc 3 Kinh Kính Mừng để tốn kính Thiên Chúa Ngôi Cha, Thiên Chúa Ngôi Con và Thiên Chúa Ngôi Ba trong nhiệm cuộc cứu rỗi loài người mà mỗi Ngôi thực hiện theo phần hành của mình.

 

Ðọc 1 Kinh Sáng Danh để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa Duy Nhất đã thực hiện nhiệm cuộc cứu rỗi loài người vì Danh Ngài và cho Danh Ngài muôn đời.

 

Khi đọc Kinh Lạy Cha mở đầu, chúng ta hãy hướng về: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Gioan 4:8,16), cho cả 3 Mùa Vui, Thương và Mừng.

 

Khi đọc Kinh Kính Mừng thứ nhất, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa Cha: Mùa Vui, “đã yêu thương thế gian đến ban Con Một Mình” (Gioan 3:16); Mùa Thương, “đã không dung tha Con Một Mình, nhưng đã trao nộp Người vì tất cả chúng ta” (Rôma 8:32); Mùa Mừng: “đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu, vượt trên mọi danh hiệu” (Philiphê 2:9).

 

Khi đọc Kinh Kính Mừng thứ hai, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa Ngôi Con: Mùa Vui, “Mặc dầu thân phân là Thiên Chúa, song đã … hư vô chính mình, mặc lấy thân phận tôi đời” (Philiphê 2:7); Mùa Thương, “Tuy là Con, song Người cũng biết vâng phục nơi những gì phải chịu” (Do Thái 5:8); Mùa Mừng, “Người đã trở nên căn nguyên cứu rỗi đời đời cho những ai tín phục Người” (Do Thái 5:9).

 

Khi đọc Kinh Kính Mừng thứ ba, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa Ngôi Ba: Mùa Vui “đã đến trên Trinh Nữ và bao phủ Trinh Nữ, bởi đó, Trẻ Thánh do Trinh Nữ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Luca 1:35): Mùa Thương, “làm chứng cho Thày” (Gioan 15:27); Mùa Mừng: “đã phục sinh Chúa Kitô  từ trong kẻ chết” (Rôma 8:11).

 

Khi đọc Kinh Sáng Danh kết thúc số kinh bắt đầu lần hạt, chúng ta hãy hướng lòng về Thiên Chúa 3 Ngôi: “Con ban cho họ sự vinh hiển Cha đã ban cho Con để họ được nên một như Chúng Ta Là Một. Con sống trong họ, Cha sống trong Con, cho sự hiệp nhất của họ được nên trọn, để thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con và Cha yêu họ cũng như yêu Con” (Gioan 17:22-23).

 

Nếu có bắt đầu thì cũng có kết thúc. Kết thúc mỗi chuỗi Kinh Mân Côi, nên đọc thêm Ca Vịnh Ngợi Khen của Ðức Mẹ (xem Luca 1:46-55) để cùng với Mẹ tạ ơn Chúa đã “làm cho Mẹ những điều kỳ diệu, muôn đời sẽ khen Mẹ có phúc”, cũng như để tạ ơn Chúa đã ban cho chính chúng ta Mẹ Maria và nhờ Mẹ mà chúng ta được Chúa yêu thương trong Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu Kitô.

 

 

SUY NIỆM LẦN HẠT MÂN CÔI

 

Chúng ta có thể suy niệm nhiều cách một Mầu Nhiệm Mân Côi.

 

Chẳng hạn:

 

Suy về thực tại của Mầu Nhiệm Mân Côi, như thực tại việc nhập thể của Ngôi Lời trong Mầu Nhiệm thứ nhất Mùa Vui, hay thực tại việc giáng sinh của Ngôi Lời trong Mầu Nhiệm thứ ba Mùa vui xẩy ra như thế nào theo Ðức Tin v.v.

 

Suy về tinh thần của Chúa Giêsu hay của Mẹ Maria ở trong Mầu Nhiệm Mân Côi, như tinh thần “Xin Vâng” của Mẹ Maria trong Mầu Nhiệm thứ nhất Mùa Vui, hay tinh thần khó nghèo của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm thứ ba Mùa Vui v.v.

 

Suy về công hiệu của Mầu Nhiệm Mân Côi, như công hiệu của lời Mẹ Thiên Chúa chào đã làm cho bà thánh Isave được đầy Thánh Linh và thánh Gioan Tẩy Giả được khỏi tội tổ tong, trong Mầu Nhiệm thứ hai Mùa Vui, hay công hiệu của việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong Mầu Nhiệmm thứ ba Mùa Mừng, đã làm cho các thánh tong đồ mặc lấy quyền lực từ trên cao để làm chứng cho Chúa Kitô (xem Tông Ðồ Công Vu 1:8) v.v.

 

Tuy nhiên, để lần hạt Mân Côi cho có ý nghĩa, phương cách nào làm cho Kinh Mân Côi và Mầu Nhiệm Mân Côi hòa hợp với nhau nơi người đọc và nơi chính phép lần hạt Mân Côi mới là đường lối lần hạt Mân Côi hoàn hảo nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất.

 

Lời dụng vào hình thức cấu tạo của vệc lần hạt Mân Côi, chúng ta có thể tìm ra đường lối lần hạt Mân Côi hoàn hảo nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất này.

 

Phép Lần Hạt Mân Côi, trong mỗi chục kinh, bao gồm thứ tự như sau: 1 Mầu Nhiệm Mân Côi, 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh và lời nguyện Lạy Chúa Giêsu.

 

Riêng về ý nguyện xin thêm vào mỗi ngắm, như “xin cho chúng con được ở khiêm nhường” (ở ngắm thứ nhất Mùa Vui) v.v., thiết tưởng, nguyên hai lời nguyện ở phần cuối của Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng đã đủ và bao gồm tất cả những gì phải xin và cần xin rồi, không cần phải xin riêng hay xin thêm nữa, nếu chúng ta cảm thấy rườm rà và bất tiện trong việc chiêm ngắm Mầu Nhiệm Mân Côi.

 

Khi ngắm Mầu Nhiệm Mân Côi, chúng ta hãy chọn một trong ba kiểu, như đã bàn đến ở chương 8 vừa rồi, một là ngắm theo hình thức, hai là theo nội dung, ba là theo tinh thần của Mầu Nhiệm Mân Côi, cho thống nhất và dễ suy niệm.

 

Khi đọc Kinh Lạy Cha ở đầu mỗi chục kinh Mân Côi, chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu và Mẹ Maria chúc tụng “Cha chúng con ở trên trời” nơi Mầu Nhiệm Mân Côi mà chúng ta vừa ngắm. Chẳng hạn, ngắm thứ năm Mùa Thương, cùng với Chúa Giêsu tử giá và Mẹ Maria Ðồng Công Cứu Chuộc, chúng ta “nguyện danh Cha cả sang, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” nơi việc Chúa Giêsu “hiến mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mathêu 20:28) v.v.

 

Khi đọc 10 Kinh Kính Mừng, chúng ta hãy cùng với Giáo Hội tưởng niệm và cử hành một Mầu Nhiệm Mân Côi, mà Chúa Giêsu, quả phúc bởi cung lờng trọn đời trinh nguyên của Mẹ Maria “đầy ơn phúc” luôn vừa là chủ tế vừa là lễ tế. Chẳng hạn, ngắm thứ nhất Mùa Mừng, trong khi đọc 10 Kinh Kính Mừng, chúng ta hãy dâng thân xác của Chúa Giêsu được thụ thai và hạ sinh bởi Mẹ Maria “đầy ơn phúc”, sau ba ngày đã từ trong kẻ chết sống lại, cho “Cha chúng ơn ở trên trời”, để “nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” v.v.

 

Khi đọc Kinh Sáng Danh kết một chục kinh, chúng ta lại hợp với Chúa Giêsu và Mẹ Maria cùng cả triều đình Thiên Quốc trên trời cũng như tất cả mọi tạo vật tôn vinh nhiệm cuộc cứu rỗi mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã thực hiện qua từng Mầu Nhiệm Mân Côi, “vì Danh Ngài là thánh” (Luca 1:49).

 

Khi đọc lời nguyện “Lạy Chúa Giêsu” như Ðức Mẹ đã dạy 3 em Thiếu Nhi Fatima ngày 13/7;/1917 và xin thêm vào sau mỗi chục kinh Mân Côi, chúng ta hợp cùng Ðức Mẹ và Giáo Hội xin Chúa Giêsu, Ðấng đã đến không phải vì kẻ lành mà là cho kẻ có tội biết “cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm” (Marcô 1:15), để, như Người đã hứa với người trộm lành, tất cả chúng ta “là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử” cũng “được ở cùng Ta trên Thiên Ðàng” (Luca 23:43), cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.