“Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày”
- “Mẹ là Đức Bà Mân Côi”Thật vậy, chính thời điểm Mẹ hiện ra tại Fatima đã phần nào trả lời cho hai vấn nạn then chốt được đặt ra trên đây. Nếu thời điểm Mẹ chọn hiện ra là thời điểm đang xẩy ra Thế Chiến I (1914-1918), thì tước hiệu “Mẹ là Đức Bà Mân Côi” có liên quan đến chiến tranh, đến hòa bình thế giới. Mà chiến tranh xẩy ra bởi đâu, nếu không phải bởi tội lỗi loài người gây ra, những tội lỗi khiến cho nhiều linh hồn phải muôn đời trầm luân, như 3 Thiếu Nhi Fatima được thị kiến thấy ở phần Bí Mật Fatima thứ nhất. Chính vì tước hiệu “Mẹ là Đức Bà Mân Côi” có liên quan tới hòa bình thế giới và phần rỗi tội nhân như thế mới có mệnh lệnh “hãy Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày”.
Đúng thế, trước hết, chính vì mệnh lệnh “hãy Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày” có liên quan tới hòa bình thế giới mà Mẹ Maria đã ghép mệnh lệnh này với tình hình chiến tranh chính trị như sau: “Hãy cầu kinh Mân Côi hằng ngày để xin hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh” (lần 1); “Hãy tiếp tục cầu kinh Mân Côi hằng ngày để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi mà cầu cho hòa bình thế giới cũng như chấm dứt chiến tranh, vì chỉ có Người mới có thể cứu giúp các con thôi” (lần 3); “Hãy tiếp tục cầu kinh Mân Côi để xin cho chiến tranh chấm dứt” (lần 5); “Hãy tiếp tục cầu kinh Mân Côi hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và binh sĩ sẽ trở về gia đình” (lần 6).
Sau nữa, chính vì mệnh lệnh “hãy Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày” có liên quan tới phần rỗi tội nhân mà Mẹ Maria, vào lần hiện ra thứ ba 13/7/1917, sau khi tiết lộ toàn bộ Bí Mật Fatima, được mở đầu bằng thị kiến hỏa ngục, đã kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima như sau: “Mỗi khi lần hạt, sau mỗi một mầu nhiệm, các con hãy đọc lời nguyện sau đây: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn’". Mệnh lệnh “Cầu Kinh Mân Côi” liên quan tới phần rỗi tội nhân quả thực đã xẩy ra nơi trường hợp của Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, qua câu Mẹ trả lời Lucia về số phận được rỗi của từng em: “Phanxicô cũng được về trời, nhưng em phải đọc kinh Mân Côi đã”.
Lịch sử Giáo Hội cũng cho chúng ta thấy Mẹ Mân Côi có liên hệ tới cả vấn đề chiến tranh hòa bình và phần rỗi tội nhân, như được chính Đức Thánh Cha Lêô XIII dẫn chứng trong Thông Điệp Supremi Apostolatus ban hành ngày 1/9/1883. Ngài viết như thế này:“Việc tôn sùng rất cao cả và đáng tin cậy đối với Nữ Vương uy linh Thiên Đình này chưa bao giờ chiếu giải ánh quang như những lúc Giáo Hội chiến đấu của Thiên Chúa gặp gian nguy bởi những tấn công của lạc thuyết lan tràn, bởi thương luân bại lý không thể chấp nhận được, hay bởi những tấn công của các địch thủ dũng mãnh. Lịch sử trong quá khứ cũng như mới đây, nhất là Giáo sử biên niên, còn ghi chứng về những lời cầu chung riêng dâng lên Mẹ Thiên Chúa xin ơn trợ giúp đã được Mẹ ban cho, và xin ơn an bình trật tự cũng đã được Thiên Chúa ban cho qua Mẹ. Bởi thế, Mẹ xứng danh là ‘Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu’, ‘Đấng An Ủi Kẻ Âu Lo’, ‘Quyền Năng Chiến Đấu của chúng ta’, ‘Nữ Vương Vinh Thắng’, ‘Nữ Thần Hòa Bình’. Trong số những tước hiệu này, một tước hiệu quen thuộc đáng chú ý nhất là tước hiệu Mân Côi, một tước hiệu mà những ơn ích tỏ tường Người đã xin cho toàn thể thế giới Kitô giáo vẫn được long trọng tưởng nhớ.
“Qúi Huynh thân kính, không một ai trong qúi huynh lại không nhớ đến việc Hội Thánh Chúa, vào cuối thế kỷ 12, đã chịu đựng một cơn hoạn nạn hết sức đau buồn gây ra do bè rối Albigensê, miêu duệ của các Hậu Nhị Nguyên Thuyết, một bè rối lan tràn ở miền Nam nước Pháp và các phần đất khác thuộc thế giới Latinh, đầy những sai lầm hiểm hại cùng với những lực lượng tàn sát và tàn phá khủng khiếp khắp nơi khắp chốn.
“Thiên Chúa nhân lành của chúng ta, như qúi huynh biết, đã dùng một vị rất thánh thiện để chống lại các kẻ địch thù lợi hại này, đó là vị tổ phụ lừng danh sáng lập dòng Đaminh. Cao cả ở giáo thuyết thuần tín, ở gương sáng các nhân đức và ở các công cuộc tông đồ của mình, thánh nhân đã dũng liệt tấn công các đối thủ của Giáo Hội Công Giáo, không phải cậy dựa vào khí giới, song bằng việc tôn sùng mà ngài là người đầu tiên khởi xướng lên, việc tôn sùng dưới tước hiệu Rất Thánh Mân Côi, việc tôn sùng mà ngài cũng như các môn đệ của ngài đã truyền bá khắp nơi trên thế giới.
“Thật vậy, được thần hứng và ân sủng hướng dẫn, thánh nhân đã thấy trước được rằng việc tôn sùng này như là một khí giới chiến đấu vô địch sẽ đẩy lui địch thủ, khống chế được lòng vô đạo điên cuồng và ngang tàng của họ. Thành quả đúng là như vậy. Nhờ phương thức cầu nguyện mới mẻ này - khi được chấp nhận và thi hành như thánh Đaminh sáng lập dòng thiết lập - lòng đạo đức, đức tin và sự hiệp nhất bắt đầu vãn hồi; những dự tính và sách lược của các kẻ lạc đạo tan như mây khói. Nhiều kẻ lạc bước quay về con đường cứu rỗi, và cơn phẫn nộ của những kẻ vô đạo bị kiềm tỏa bởi khí giới của những người Công Giáo cương quyết chống lại cuộc tấn công của họ.
“Công hiệu và quyền lực của việc tôn sùng này còn được thể hiện trong thế kỷ 16, khi mà lực lượng hùng hậu của người Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa chụp cái gông hoang đường và man rợ lên gần hết cả Âu Châu. Đức Giáo Hoàng lúc ấy là Thánh Piô V, sau khi khơi động lòng nhiệt thành của các vua chúa trong việc cùng nhau tự vệ, đã hăng hái nỗ lực, hơn hết mọi sư, để xin Mẹ Thiên Chúa hết sức quyền năng thương đến thế giới Kitô giáo. Tấm gương hết sức cao qúi này được dâng lên thiên đình, và tất cả hợp một lòng một ý với ngài lúc bấy giờ. Thế là, sẵn lòng hy sinh mạng sống và máu đào để bảo toàn Đức Tin và quê hương của mình, các chiến sĩ tín hữu Chúa Kitô hiên ngang đối đầu với địch quân ở gần vịnh Côrintô; trong khi đó, những người không thể đi chiến đấu như họ thì hợp lại thành đạo quân sốt sắng nguyện cầu, hiệp nhất trong lời kinh Mân Côi liên tục chúc tụng Mẹ Maria, kêu xin Người ban chiến thắng cho thành phần đang chiến đấu của mình. Đức Mẹ cao sang quả thật đã ban ơn trợ giúp. Trong trận thủy chiến gần quần đảo Echinades, hạm đội Kitô hữu đã đại thắng mà không bị thiệt hại nặng và địch quân hoàn toàn thảm bại.
“Để tưởng nhớ đặc ân này và để kỷ niệm một cuộc chiến đáng ghi nhớ như thế, vị Thánh Giáo Hoàng này đã muốn lập một lễ tôn kính Đức Mẹ Thắng Trận, một lễ mà Đức Giáo Hoàng Gregôriô XIII đã đặt cho danh xưng là ‘Rất Thánh Mân Côi’.
“Trong thế kỷ qua còn có những thành quả quan trọng khác tương tự như thế đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Temesvar nước Hung Gia Lợi và ở Corfu. Trong cả hai trường hợp này đều dính dáng trùng hợp với các ngày lễ của Đức Mẹ và với các cuộc tổ chức đọc kinh Mân Côi chung. Kết quả đã làm cho vị tiền nhiệm của Ta là Đức Clementê XI, để tỏ lòng tri ân, đã truyền cho cả Giáo Hội hằng năm phải đặc biệt tôn kính Đức Mẹ Thiên Chúa bằng kinh Mân Côi của Người”.
Tới đây, vấn đề nữa được đặt ra ở đây là tại sao Mẹ Mân Côi lại liên quan tới hòa bình thế giới và phần rỗi tội nhân, chứ không phải Mẹ Vô Nhiễm hay Mẹ Thiên Chúa hoặc Mẹ Đồng Công? Thật ra, Mẹ Mân Côi bao gồm cả những gì liên quan tới Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Đồng Công. Vì nơi Kinh Kính Mừng là kinh chính của Kinh Mân Côi, chúng ta tuyên xưng Mẹ Vô Nhiễm qua lời chào Mẹ “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”, Mẹ Thiên Chúa qua lời tuyên nhận Mẹ là “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ”, và Mẹ Đồng Công qua lời kêu van cùng Mẹ “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”.
Đúng thế, nếu chúng ta nghiền gẫm Kinh Mân Côi nói chung và Kinh Kính Mừng nói riêng, chúng ta sẽ thấy vai trò của Mẹ Maria trong dự án cứu độ và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa hết sức rõ ràng.Trước hết, về Kinh Mân Côi, một thứ kinh nguyện có hai phần, phần khẩu nguyện là bộ kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh, và phần tâm nguyện là 20 Mầu Nhiệm Mân Côi. Chúa Kitô đóng vai chính trong Mầu Nhiệm Mân Côi thế nào thì Mẹ Maria cũng đóng vai chính trong Kinh Nguyện Mân Côi như vậy. Nếu Mầu Nhiệm Mân Côi chất chứa và tiêu biểu cho Mạc Khải Thần Linh, cho tất cả những gì Thiên Chúa là Thần Linh muốn tỏ cho nhân loại thấy nơi Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô Nhập Thể, Sáng Soi, Tử Giá và Phục Sinh, thì Kinh Nguyện Mân Côi nói chung và Kinh Kính Mừng nói riêng cũng chất chứa và chứng thực cho đức tin tuân phục đáp ứng hết sức trọn lành của Mẹ Maria trước Mạc Khải Thần Linh là Chúa Kitô như vậy. Đó là lý do cốt lõi của Kinh Mân Côi là ở câu mở đầu của Kinh Kính Mừng liên quan tới danh xưng của Mẹ Maria, danh xưng “đầy ơn phúc”.
Có thể nói, nếu Thiên Chúa là Toàn Hữu (x. Ex 3:14) thế nào thì Mẹ Maria là Toàn Phúc hay Toàn Ân (x. Lk 1:28) như vậy. Mẹ Maria là Toàn Phúc, là “đầy ơn phúc”, chẳng những ở chỗ “Thiên Chúa ở cùng Bà”, mà còn nhất là ở chỗ “có phúc vì đã tin những gì Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện” (Lk 1:45; 11:27-28). Bởi đức tin tuyệt đối tuân phục trọn lành của Mẹ, không bao giờ làm mất lòng Chúa, trái lại, bao giờ cũng đáp ứng trọn vẹn tất cả những gì Chúa tỏ ra cho Mẹ và muốn nơi Mẹ, mà Mẹ mới liên lỉ “đầy ơn phúc”, mới luôn luôn “được ơn nghĩa trước mặt Chúa” (Lk 1:30). Đến nỗi, nếu Chúa Kitô “là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), là “hiện thân của bản thể Cha” (Heb 1:3), thì Mẹ Maria “đầy ơn phúc” là phản ảnh Thiên Chúa vô hình. Vì Mẹ đã chẳng những đón nhận nơi toàn thể con người của Mẹ Lời Nhập Thể là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, mà còn nên một với Lời Nhập Thể Con Mẹ trong suốt cuộc đời Đồng Công Cứu Chuộc của Mẹ. Tóm lại, Mẹ Maria “đầy ơn phúc” là tất cả những gì Thiên Chúa muốn thấy nơi nhân loại, đến nỗi, như Chúa Kitô, Thiên Chúa cũng có thể nói về Mẹ rằng: “Con là con Cha yêu dấu, đẹp lòng Cha mọi đàng” (Mk 1:11).
Bởi thế, mỗi lần “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày”, chúng ta chẳng những chiêm ngưỡng Chúa Kitô nơi các Mầu Nhiệm Mân Côi mà còn chiêm ngưỡng đức tin tuân phục “đầy ơn phúc” của Mẹ Maria hằng liên lỉ đáp ứng với mỗi một Mầu Nhiệm của Chúa Kitô nữa, dù là một Chúa Kitô Giáng Sinh trong hang Bêlem vô cùng hèn hạ và nghèo cực, hay một Chúa Kitô Tử Giá vô cùng bất lực và ô nhục. Bởi thế Đức Gioan Phaolô II quả thực đã chí lý khi định nghĩa việc Cầu Kinh Mân Côi là việc “cùng Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” (xem Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 3).
Sau nữa, về Kinh Kính Mừng, một kinh nguyện Thần Linh, vì được linh ứng bởi Thần Linh qua vị thần trời (nơi nửa phần đầu của Kinh Kính Mừng), qua một vị thánh nhân là bà Isave (nơi nửa phần sau của Kinh Kính Mừng) và qua Giáo Hội (phần ước nguyện của Kinh Kính Mừng). Nơi Kinh Kính Mừng, chúng ta thấy, trước hết là Mạc Khải Thần Linh nơi lời của vị thần trời: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”, sau đó tới Đáp Ứng Thần Linh của Mẹ Maria trước Mạc Khải Thần Linh ấy, qua lời của người thai mẫu đầy Thánh Thần: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ” (“vì đã tin những gì Chúa phán cùng Bà sẽđược thực hiện”), nhờ đó, nhờ đức tin tuân phục trọn hảo của Mẹ trước Mạc Khải Thần Linh, trước ý định tối cao vô cùng mầu nhiệm của Thiên Chúa, mới có Lời Nhập Thể: “Và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ”.
Thế nhưng, sở dĩ Mẹ Maria được tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa là “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta” (Kinh Tin Kính), một giòng dõi đã sa ngã phạm tội và vướng mắc nguyên tội, một thứ tội chỉ duy một mình Mẹ được gìn giữ cho khỏi bị nhiễm lây khi vừa hoài thai. Tức là tất cả những gì Mẹ được “Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại” (Lk 1:40) thì đều vì loài người và cho loài người là giòng dõi miêu duệ vô cùng đáng thương, đang cứu giúp của Mẹ. Ý thức được thân phận toàn ân – “đầy ơn phúc” của mình là vì loài người và cho loài người như thế mà chính Mẹ đã tự động thực hiện sứ vụ trung gian ân sủng của mình ở tiệc cưới Cana. Đó là lý do, Mẹ Maria không thể nào cầm lòng được trước lời thành khẩn van xin của tội nhân chúng ta dâng lên Mẹ nơi phần cuối của Kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.