Đức Gioan Phaolô II:
Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu Totus Tuus và
Là Tông Đồ của Lòng Thương Xót ChúaCó một sự trùng hợp thiên định như dấu chỉ thời đại ở đây, như trang 225 đã đề cập tới, đó là sự kiện Đức Gioan Phaolô II có liên quan tới cả ba thời điểm: Thời Điểm Long Mộng Phố, Thời Điểm Fatima và Thời Điểm Faustina.
Trước hết, Đức Gioan Phaolô II có liên quan tới Thời Điểm Long Mộng Phố, tác giả cuốn Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Ở chỗ, ngài đã nghiền gẫm tác phẩm Luận Về Lòng Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria của vị thánh tác giả này, một tác phẩm Thánh Mẫu đã ảnh hưởng đến lòng sùng kính Thánh Mẫu của ngài, đến nỗi đã làm ngài chọn khẩu hiệu giáo phẩm “Totus Tuus” của ngài, một cuốn sách cũng có những lời tiên báo đích xác về Thời Điểm Fatima, nhất là Bí Mật Fatima, một bí mật chẳng những liên quan tới việc Thiên Chúa muốn làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến (phần hai), mà còn tới cả vai trò đào luyện một Đạo Binh Dàn Trận Fatima nữa.
Sau nữa, Đức Gioan Phaolô II có liên quan tới Thời Điểm Fatima, một thời điểm của Vị đã tự xưng mình “Ta là Mẹ Mân Côi”. Ở chỗ, ngài đã ra tông thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria và mở Năm Mân Côi 16/10/2002-19/10/2003, và sau biến cố bị ám sát tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm Biến Cố Fatima, ngài đã hiến dâng thế giới nói chung và Nước Nga nói riêng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào ngày 7/6/1981 tại Đền Thờ Đức Bà Cả, ngày 13/5/1982 tại Linh Địa Thánh Mẫu Fatima, và ngày 25/3/1984 tại Giáo Đô Vatican. Ngoài ra, ngài còn phong Chân Phước cho Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta, cùng cho phép tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ ba.
Sau hết, Đức Gioan Phaolô II có liên quan tới Thời Điểm Faustina, thời điểm của Lòng Thương Xót Chúa. Ở Chỗ, ngài đã phong Thánh cho Nữ Tu đồng hương Balan Faustina của ngài ngày 30/4/2000 (trước khi phong á thánh cho Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta 13 ngày), cũng trong dịp phong thánh cho người nữ tu tông đồ Lòng Thương Xót Chúa này, ngài đã chính thức công bố thiết lập lễ Kính Chúa Tình Thương vào Chúa Nhật II Phục Sinh như Chúa muốn, thế rồi ngài đã qua đời vào ngày áp Lễ Chúa Tình Thương 2/4/2005, sau khi dự Lễ vọng Kính Chúa Tình Thương ở phòng của ngài, nhất là ngài đã để lại sứ điệp về Chúa Tình Thương cho Giáo Hội, một sứ điệp được đọc vào Chúa Nhật 3/4/2005, như lời di chúc vĩnh biệt của một vị Giáo Hoàng đã kêu gọi loài người trong lễ đăng quang: “Đừng sợ, hãy mở cửa cho Chúa Kitô!”
Phải nói rằng, nơi con người đặc biệt này kết tụ cả thời điểm Thánh Mẫu và Thánh Tâm, một con người vì thế đã qua đời vào Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng (vốn là ngày Thánh Mẫu hằng tháng kính Mẹ), áp Lễ Chúa Tình Thương, nghĩa là được nghỉ ngơi đời đời trong Chúa nơi lòng Mẹ, rất thích hợp với khẩu hiệu “Totus Tus” của ngài, một khẩu hiệu nói lên linh đạo “Nhờ Mẹ đến với Chúa” của ngài. Nơi ngài, chúng ta thấy hình ảnh của một Đạo Binh Dàn Trận Fatima. Ở chỗ: Ngài đã cảm thấy rằng ngài chính là “vị giám mục mặc áo trắng” trong Bí Mật Fatima phần thứ ba bị ám sát; tuy thoát chết, song ngài đã cho công bố Bí Mật Fatima phần thứ ba, như là những gì đã được ứng nghiệm nơi hiện tượng Kitô hữu tử đạo trong thế kỷ 20, nhất là nơi riêng bản thân ngài. Mà việc ngài bị ám sát ấy lại được Thánh Long Mộng Phố nói đến trong tác phẩm Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, ở đoạn 114, về thành phần thực hành linh đạo Thánh Mẫu do thánh nhân viết trong sách sẽ bị kẻ thù tấn công sát hại, và còn ai thực hành tác phẩm này bằng vị Giáo Hoàng “Totus Tuus” Gioan Phaolô II đây. Thế rồi, từ cuộc ám sát hụt chết này, sức khỏe của ngài trở nên yếu kém, cho tới khi ngài vĩnh viễn ra đi trong bệnh hoạn, để vị Giáo Hoàng luôn “cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” bằng Kinh Mân Côi này trở thành một hy tế hết sức đáng thương với “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” của ngài và như “Redemptor Hominis” của ngài, nhất là cho “những linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn”.
Thế nhưng, vị Giáo Hoàng này đã trở thành hy tế còn tử giá đáng thương hơn nữa không phải chỉ ở tại thân xác yếu đuối bất lực của ngài, mà còn ở chính ý muốn riêng của ngài, ý muốn hoàn tất những gì sứ vụ Giáo Hoàng của ngài cần làm mà không được, thậm chí không còn nói được nữa, không còn ban phép lành Phục Sinh trưa Chúa Nhật 27/3/2005 được nữa. Nếu chén đắng vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh của Chúa Giêsu ở Vườn Cây Dầu làm cho Người đau buồn đến nỗi chết được (x Mt 26:38), đến đổ mồ hôi máu (x Lk 22:44), không phải là vì Người sợ chết và đau khổ về phần xác là những gì Người có quyền bỏ nó đi và lấy lại (x Jn 10:18), là những gì Người sẵn sàng hy hiến (x Jn 15:13,17:19), hơn là vì Người thấy trước công cuộc cứu độ của Người chẳng những không cứu được tất cả mọi người mà còn trở nên án phạt cho một số người nữa, thì Đức Gioan Phaolô II vào Chúa Nhật Lễ Phục Sinh 2005 cũng thế, cũng cảm thấy cần phải uống cạn chén đắng với Chúa Kitô và như Chúa Kitô, để thực sự và hoàn toàn trở nên của lễ toàn thiêu, như Người đã nói riêng về bản chất của vấn đề toàn thiêu này với Thánh Faustina như sau:
“Cha muốn con trở thành một của lễ toàn thiêu trọn hảo; một của lễ của ý muốn. Không một hy sinh nào có thể so sánh với hy sinh ấy. Chính Cha đang điều khiển đời sống của con và dàn xếp các sự việc để con trở thành một hy sinh liên lỉ cho Cha và luôn làm theo ý Cha. Và con sẽ hiệp nhất bản thân con với Cha trên cây Thập Giá khi hoàn thành của lễ này… Cha hân hoan trong con như trong một bánh thánh sống động…” (Nhật Ký 923).
Sở dĩ vị Giáo Hoàng cương quyết và mạnh mẽ chủ trương, bênh vực và cổ võ nền “văn hóa sự sống” này cần phải trở thành một của lễ toàn thiêu như vậy là vì thế giới văn minh hiện đại rất cần đến một của lễ đền bù đắt đỏ như thế, một thế giới hiện sinh pro choice đầy vô thần duy vật, chẳng những ngang nhiên lật đổ Thiên Chúa xuống khỏi vị thế tuyệt đối của Ngài, qua việc phá đổ những gì Ngài đã thiết lập ngay từ ban đầu về hôn nhân và sự sống, bằng những luật pháp cho phép ly dị và phá thai, mà còn thay thế quyền tối thượng của Ngài bằng nữ thần tự do ngẫu tượng, cũng liên quan tới hôn nhân và sự sống, bằng luật cho phép hôn nhân đồng tính và tạo sinh nhân tạo. Đó là lý do, vào lần về thăm quê hương Balan lần thứ VIII cũng là lần cuối, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phải hiến dâng loài người cho Lòng Thương Xót Chúa hôm Thứ Bảy 17/8/2002 trong Thánh Lễ cung hiến tân Đền Thờ Chúa Tình Thương như sau:
“Thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao! Nơi hết mọi lục địa, từ vực sâu khốn khổ của loài người, tiếng kêu cầu xót thương dường như đang vang dậy. Nơi nào thù hằn và đòi rửa hận thống trị, nơi nào chiến tranh mang lại đau thương và chết chóc cho thành phần vô tội, thì ở đó cần đến ân sủng tình thương để ổn định lòng trí con người và tạo lập hòa bình. Nơi nào thiếu hụt lòng trọng kính sự sống và phẩm vị con người thì ở đó cần đến tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng mà trong ánh sáng của Ngài, chúng ta thấy được giá trị khôn tả của hữu thể con người. Cần phải có tình thương để bảo đảm rằng hết mọi bất công trên thế giới này sẽ được kết thúc trong chân lý rạng ngời. Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. Chớ gì sứ điệp này, từ nơi đây, chiếu tỏa ra cho quê hương thân yêu của chúng ta cũng cho khắp thế giới. Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra ‘tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha’ (x Nhật Ký, 1732)”.
Sở dĩ “thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao!” là bởi vì lý do được ngài cảm nhận và bày tỏ trong bài giảng phong chân phước cho 4 vị đồng hương của ngài vào Chúa Nhật 18/8/2002 cũng trong chuyến thăm quê hương lần thứ 8 này, như sau:
“Từ khi bắt đầu hiện hữu, Giáo Hội, qua việc bày tỏ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, đã rao giảng tình thương Chúa, một bảo chứng hy vọng và là nguồn mạch cứu độ con người. Tuy nhiên, hôm nay đây chúng ta dường như được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina. Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này. Có lẽ vì thế kỷ 20, mặc dù có những thành đạt không thể chối cãi về nhiều lãnh vực, cũng đã bị ghi dấu một cách đặc biệt bởi mầu nhiệm lỗi lầm ‘mystery of iniquity’. Chúng ta đã tiến vào ngàn năm mới với di sản vừa thiện vừa ác này. Những chân trời mới trong việc phát triển đang mở ra trước nhân loại, kèm theo đó có cả những cái nguy hiểm chưa từng có. Con người thường sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, thậm chí đặt mình vào vị thế của Thiên Chúa nữa. Họ tự cho mình quyền hành của một Vị Tạo Hóa trong việc can thiệp vào mầu nhiệm sự sống con người. Họ muốn định đoạt sự sống con người bằng cách léo lái việc truyền giống cũng như muốn thiết định giới hạn sự chết. Khi loại trừ lề luật thần linh và những nguyên tắc luân lý, họ công khai tấn công cơ cấu gia đình. Bằng những cách thức khác nhau, họ cố gắng làm cho Thiên Chúa phải im hơi lặng tiếng nơi tâm can của con người; họ muốn làm cho Thiên Chúa ‘hoàn toàn khuất bóng’ nơi văn hóa và lương tâm các dân tộc. ‘Mầu nhiệm lầm lỗi’ tiếp tục đánh dấu cái thực tại của thế giới này. Cảm nghiệm được mầu nhiệm ấy, con người mới sống trong nơm nớp lo sợ về tương lai, lo sợ về tình trạng trống rỗng, lo sợ phải khổ đau, lo sợ bị hủy diệt. Có lẽ chính vì lý do này mà Chúa Kitô, qua việc sử dụng chứng từ của một Nữ Tu thấp hèn, đã đến với thời đại của chúng ta để tỏ cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nguồn mạch sống khuây khỏa và hy vọng ở nơi tình thương đời đời của Thiên Chúa. Sứ điệp tình yêu nhân hậu cần được vang vọng một cách mạnh mẽ một lần nữa. Thế giới cần đến thứ tình yêu này. Đã đến thời giờ cần phải mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho mọi người: cho các kẻ trị vì và thành phần bị áp bức, cho những ai có bản tính và phẩm vị bị tiêu ma trong mầu nhiệm lỗi lầm. Đã đến thời giờ sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương”.