5.
Chúa Giêsu Mun Dùng Con
để làm cho M
được nhn biết và yêu mến

 

Đúng thế, Biến Cố Thánh Mẫu Fatima đã mở màn cho thời điểm của Lòng Thương Xót Chúa. Thế nhưng, con người tự mình không thể thấu hiểu được Lòng Thương Xót Chúa. Có những lúc đã cảm thấy nhát sợ trước Lòng Thương Xót Chúa, không dám đến gần, càng ngày càng lìa xa Lòng Thương Xót Chúa này. Thực tế cho thấy, trước khi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể Cực Linh, con người cần phải hòa giải với Lòng Thương Xót Chúa. Nhưng con người vẫn không thể nào làm nổi. Vì yếu đuối. Vì không muốn từ bỏ những gì mình đang hoan hưởng nếu ăn năn dốc lòng chừa v.v.
Phải chăng đó là lý do “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, để, đối với cả thành phần tội nhân lẫn thánh nhân đều cảm thấy rằng “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa”.

Đối với thành phần tội nhân, “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa” ở đây có nghĩa là họ cần phải tin tưởng cậy trông nơi Mẹ, Đấng được Thiên Chúa là Cha vô cùng xót thương đã ban cho con người vô cùng yếu đuối để dẫn con người về cùng Ngài.

Đối với thành phần thánh nhân, “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa” ở đây có nghĩa là họ cần phải hoàn toàn tận hiến cho Mẹ và theo gương Mẹ là đệ nhất tạo vật về ân sủng nhờ đức tin tuân phục của Mẹ, để Mẹ có thể nhờ tác động của Chúa Thánh Thần tác tạo Chúa Kitô trong họ, biến họ trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người và cho Người. Thực tế tu đức cho thấy, như qua trường hợp của 3 Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Thiên Chúa đã tỏ Lòng Thương Xót của mình ra qua thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô này, khi tiếp tục cảm thấy nhức nhối nơi bản thân họ trước tội lỗi của thành phần tội nhân mù quáng và liên tục chịu đựng khổ đau nơi cuộc đời của họ để đền bù tội lỗi do tội nhân đáng thương không ngừng gây ra.   

Thành phần Tông Đồ Thánh Mẫu, một khi cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa như Mẹ Maria, sẽ sống Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một Trái Tim hằng bị xâu xé bởi những gai tội lỗi của loài người liên lỉ đâm vào. Chính vì nỗi nhức nhối này mà Mẹ càng cảm thương loài người hơn bao giờ hết, đến nỗi, vào Thời Điểm Maria của mình, Mẹ đã đích thân đến để dẫn họ về với Lòng Thương Xót Chúa, về với “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”. 

Nếu Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là tất cả Bí Mật Fatima liên quan đến phần rỗi tội nhân và hòa bình thế giới, hay phần rỗi tội nhân và hòa bình thế giới lệ thuộc vào việc nhận biết và yêu mến Mẹ Maria, thì làm thế nào, ngoài đời sống tu đức như một Hồn Nhỏ làm mồi ngon cho Lòng Thương Xót Chúa như Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để Dự Án Fatima vô cùng hệ trọng và khẩn trương này có thể hiện thực?

Nếu thực sự “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, thì Ngài đã có cách của Ngài. Đó là Ngài đã sử dụng tới một trong 3 em Thiếu Nhi Fatima năm 1917, đó là Lucia, em thiếu nhi đã phải sống lâu hơn hai người em họ của mình trên thế gian, sống đến xít xoát 98 tuổi, với mục đích được Mẹ Maria cho em biết vào lần hiện ra thứ hai 13/6/1917: “Chúa Giêsu mun dùng con để làm cho Mđược nhn biết và yêu mến”.

Phải, chị Lucia chính là Thiếu Nhi Fatima sứ giả của Mẹ Fatima và cũng là Tông Đồ Thế Giới Fatima đầu tiên trong việc làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, qua việc góp phần vào dự án của Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Chị Lucia đã không hết sức nỗ lực là gì trong việc thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên thế giới hay sao, khi làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến qua bốn trường hợp điển hình sau đây:

Thứ nhất là việc chị vận động để hợp thức hóa lệ giữ 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng có ý đền tạ Mẹ, Đấng có một Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội hằng bị những kẻ vong ân bội nghĩa liên lỉ đâm vào bằng những gai tội lộng ngôn và vô ơn của họ, một thói lệ mà Mẹ Maria, vào ngày 10/12/1925, đã hiện ra với chị để xin chị thực hành và phổ biến, và đã được chị trình với giáo quyền địa phương, cuối cùng đã được thẩm quyền địa phương, vào ngày 13/9/1939, tuyên bố cho phép thực hành việc tôn sùng này.

Thứ hai là việc chị vận động với Đức Giáo Hoàng để thiết lập Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cho Giáo Hội hoàn vũ để khắp nơi cùng mừng kính như là một lễ chính của Giáo Hội. Trong thư chị viết trình lên Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24/10/1940, chị đã kính xin ĐTC điều này và cũng được thực hiện, như văn thư của Thánh Bộ Lễ Nghi ngày 4/5/1944 đã đề cập như sau: “Để ghi nhớ cuộc hiến dâng này, Ngài (ĐTC Piô XII) đã quyết định cho Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”. Câu “để ghi nhớ cuộc hiến dâng này” đây Thánh Bộ Lễ Nghi có ý nói đến cuộc hiến dâng loài người lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện ngày 31/10/1942, nhân dịp kỷ niệm ngân khánh 25 năm Biến Cố Fatima.

Thứ ba là việc chị đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII về ý định và cách thức Thiên Chúa muốn hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, như Mẹ, ở Fatima ngày 13/7/1917 đã ngỏ ý yêu cầu: “Mẹ sẽ trở lại để xin dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”, và ở Tuy ngày 13/6/1929 đã chỉ cho cách thức hiến dâng: “Đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hiệp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách này”. Thế rồi, kể từ ngày 24/10/1940, ngày chị Lucia viết thư trình lên Đức Thánh Cha Piô XII về điều yêu cầu này của Thiên Chúa qua Đức Mẹ, việc hiến dâng vô cùng tế nhị và khó khăn này đã diễn tiến tất cả 5 lần mới thực sự hoàn thành và có công hiệu.

Thứ bốn là việc chị xác nhận với Tòa Thánh 2 trong 3 điểm chính yếu, qua Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Thư Ký Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin bấy giờ, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phái tới đan viện Carmêlô của chị ngày Thứ Năm 27/4/2000: Thứ nhất, đó là bản viết về Bí Mật Fatima phần thứ ba Tòa Thánh đang có là đúng do chị viết: “Đó là bức thư của con. Đó là chữ viết của con”; thứ hai, nhân vật chính trong thị kiến là Đức Giáo Hoàng: “Chúng con không biết tên của vị Giáo Hoàng này; Đức Mẹ không nói cho chúng con tên của vị Giáo Hoàng ấy; chúng con không biết đó là Đức Biển Đức XV hay Piô XII hoặc Phaolô VI hay Gioan Phaolô II; nhưng là vị Giáo Hoàng chịu khổ và làm cho chúng con cũng cảm thấy đau khổ nữa”.