Đạo Binh Dàn Trận Fatima
Ơn gọi chung của 3 Thiếu Nhi Fatima là Ơn Gọi Tế Thần: ở chỗ chấp nhận tất cả mọi thánh giá Thiên Chúa gửi đến cho, n hư một việc đền tạ những xúc phạm Ngài đã phải chịu và cầu cho tội nhân ơn ăn năn cải thiện đời sống.
Thực tế cho thấy, Thiếu Nhi Fatima Lucia lớn nhất đã chịu đau khổ nhiều nhất vì Biến Cố Fatima, nên chỉ biết tìm nơi nương náu và đường đến với Chúa là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, trong khi Thiếu Nhi Phanxicô lại chuyên tâm đền tạ Chúa với chuỗi Kinh Mân Côi luôn nắm trong tay, và Thiếu Nhi Giaxinta chuyên lo hy sinh cứu các tội nhân đáng thương để họ có thể ăn năn cải thiện đời sống.
Ơn gọi hy sinh cứu độ của 3 Thiếu Nhi Fatima được phản ảnh nơi Bí Mật Fatima ở chỗ ngọn đồi tử đạo có cây thập giá trên đó. Hình ảnh thập giá trên đồi cao ở phần Bí Mật Fatima thứ ba chính là hình ảnh của Đồi Tử Giá Canvê, hình ảnh hiến tế cứu độ của Chúa Kitô. 3 Thiếu Nhi Fatima, ngay sau khi đồng thanh đáp ứng một cách nhanh chóng: “Vâng chúng con sẵn sàng” trước lời kêu gọi của Mẹ Maria, các em đã được Thiên Chúa chiếm đoạt qua hiện tượng các em được chìm ngập trong ánh sáng phát ra từ bàn tay của Mẹ Maria, nhờ đó, Người đã tiếp tục thực hiện công cuộc hy tế cứu độ của Người nơi các em và qua các em.Qua Giaxinta, Người tiếp tục hy sinh cứu các tội nhân đáng thương cho họ khỏi sa hỏa ngục. Nơi Phanxicô, Người tiếp tục tỏ ra buồn khổ vì tội lỗi của nhân loại đã không ngừng xúc phạm đến Người. Nơi Lucia, Người tỏ ý muốn làm cho Mẹ Người được nhận biết và yêu mến, để nhờ Mẹ đem về cho Người chẳng những thành phần tội nhân “cần đến lòng Chúa thương xót hơn” mà còn cả thành phần môn đệ đích thực của Người nữa, thành phần chứng nhân trung thực cho Người, thành phần trở thành như một đạo binh dàn trận của Đức Mẹ Mân Côi, như “triều thiên 12 ngôi sao” của Điềm Lạ Maria.
Bình thường tác động thần linh theo tiến trình tu đức nơi một linh hồn đi từ đánh động, thu hút và chiếm đoạt. Tác động thần linh đầu tiên là đánh động linh hồn, một là bằng một câu Kinh Thánh, nhất là câu Phúc Âm nào đó, hay bằng một thất bại trần gian nào đó v.v., để con người tự nhiên nghĩ lại mà bắt đầu trở về với Chúa. Tác động thần linh tiếp theo là thu hút linh hồn, không phải chỉ bằng những ơn an ủi thiêng liêng liên quan tới tình cảm ban đầu ở giai đoạn khởi sinh, mà bằng những ơn soi sáng thiêng liêng liên quan đến lý trí ở giai đoạn tiến sinh, những ơn soi sáng được xuất phát từ lời Chúa trong Thánh Kinh (nếu là những tâm hồn có kiến thức), hay từ những kinh nguyện được linh hồn sử dụng, hoặc từ lời giảng dạy của các vị lãnh đạo tinh thần, hay từ giáo lý được truyền thụ (nếu là những tâm hồn kém học thức). Tác động thần linh thứ ba là chiếm đoạt, liên quan tới lòng muốn của con người, được mở màn bằng cuộc thanh tẩy đức tin cho tinh tuyền, bằng tâm trạng bình an cậy trông phó thác trong chính đêm tối tăm, và bằng việc sẵn sàng chấp nhận mọi sự theo Thánh Ý Chúa, để Chúa muốn làm gì thì làm v.v.
Tuy nhiên, vì Thánh Thiện là của Chúa, Đấng muốn thông cho ai, lúc nào và bao nhiêu tùy ở Ngài. Chẳng hạn, điển hình nhất là trường hợp của nhân vật Pharisiêu tên là Saolê, một con người cực bảo thủ đạo cha ông đến độ đã hung hăng quá khích tự động đến xin lệnh của Hội Đồng Do Thái để đi bách hại thành phần tín đồ sống theo đường lối mới phản đạo cha ông, thế mà, đùng một cái, đã được Thiên Chúa chiếm đoạt, bằng việc quật ngã ngài và chữa lành cho ngài, đến nỗi, sau đó, ngài được mang danh hiệu tông đồ, tức thuộc về thành phần chứng nhân tiên khởi như Nhóm 12 theo Chúa Kitô ngay từ ban đầu, vì ngài cũng được chính Người kêu gọi, tỏ mình ra cho và sai đi rao giảng cùng làm chứng nhân cho Người (x Acts 22:1-21). Cùng với một thừa tác vụ của một vị Tông Đồ Dân Ngoại thượng hạng phi thường như thế, về tu đức, vị Tông Đồ Dân Ngoại được Thiên Chúa chiếm đoạt bất ngờ này đã được đưa lên tới tầng trời thứ ba (x 2Cor 12:2), đã được nên một với Chúa đến nỗi không gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu Chúa Kitô (x Rm 8:38-39), và đến nỗi không phải là ngài sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong ngài (x Gal 2:20), hãnh diện của ngài là thập giá Chúa Kitô (x Gal 6:14).