Suy Niệm Mùa Thương: Mầu Nhiệm Tử Giá
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Thông Điệp Giầu Tình Thương - Dives in Mesericordia,
đoạn 8Thập giá của Chúa Kitô trên đồi Canvê cũng là một bằng chứng nói lên sức mạnh của sự dữ tấn công chính Con Thiên Chúa, tấn công Đấng duy nhất trong tất cả con cái loài người, tự bản tính, tuyệt đối vô tội và không phạm tội, và là Đấng đến trong thế gian không bị ô nhiễm bởi việc bất tuân phục của Adong cũng như bởi di sản của nguyên tội. Thế mà, ở nơi đây, đúng hơn, ở nơi Người, nơi Chúa Kitô, công lý được đền thay cho tội lỗi bằng giá hy sinh của Người, bằng việc Người "vâng lời cho đến chết" (Phil. 2:8). Người là Đấng vô tội, "vì chúng ta mà Thiên Chúa làm cho Người trở thành tội lỗi" (2Cor. 5:21). Công lý cũng được đền bù bằng sự chết là cái đã có liên hệ với tội lỗi ngay từ đầu của lịch sử loài người. Sự chết đền bù cho công lý được trả giá bằng cái chết của Đấng chẳng có tội lỗi gì, cũng là Đấng duy nhất, nhờ cái chết của mình, đã có thể lấy cái chết đập chết cái chết (x.1Cor. 15:54-55). Như thế, thập giá của Chúa Kitô mà, Người Con, đồng bản thể với Cha, bị đóng đanh để đền lại cho trọn công lý Thiên Chúa, cũng là một mạc khải nền tảng về tình thương, hay nói khác đi, về tình yêu đối với cái tạo nên tận gốc rễ của sự dữ nơi lịch sử loài người, đó là tội lỗi và sự chết.
Thập giá là việc Thiên Chúa tự hạ sâu thẳm nhất trước con người, và cũng là cái mà con người, đặc biệt trong những lúc khó khăn và đau đớn, cảm thấy như một số phận bất hạnh. Thập giá như là một tiếp xúc giữa tình yêu hằng hữu với những vết thương đau nhất nơi cuộc hiện hữu trần gian của con người' nó là việc hoàn tất trọn vẹn chường trình thiên sai, mà có một lần, Chúa Kitô đã phác hoạ ra ở hội trường Nazarét (x.Lc. 4:18-21), và rồi Người đã lập lại cho các sứ giả được Gioan Tẩy Giả sai đến với Người (x. Lc. 7:20-23). Theo những ngôn từ có lần đã được viết trong lời tiên tri của Isaia (x.35:5'61:1-3), thì chường trình này bao hàm trong việc mạc khải tình yêu nhân hậu cho người nghèo khó, người đau khổ và những tù nhân, cho kẻ đui mù, kẻ bị áp bức và những tội nhân. Trong mầu nhiệm vượt qua, những giới hạn của sự dữ đa diện mà con người trở thành một kẻ thừa hưởng trong cuộc hiện hữu trần gian của mình đều được vượt qua: thập giá của Chúa Kitô thực sự làm cho chúng ta hiểu được những cội rễ sâu xa nhất của sự dữ được gắn liền với tội lỗi và sự chết' như thế, thập giá trở nên một dấu hiệu chung cuộc. Chỉ vào lúc hoàn tất việc chung cuộc này, cũng như vào lúc thế giới được thực sự canh tân, tình yêu mới thắng cuộc, nơi tất cả mọi kẻ được chọn, nơi tận những gốc rễ sâu xa nhất của sự dữ, mang lại hoa trái hoàn toàn chín mùi của mình, là một vương quốc sự sống, thánh thiện và trường sinh vinh hiển. Nền tảng của việc hoàn tất chung cuộc này đã đưộc chất chứa nơi thập giá của Chúa Kitô cũng như trong cái chết của Người. Sự việc Chúa Kitô "ngày thứ ba được phục sinh" (1Cor. 15:4) tạo nên dấu hiệu cuối cùng của sứ mệnh thiên sai, một dấu hiệu hoàn thành trọn vẹn mạc khải của tình yêu nhân hậu trên thế gian là nơi lụy thuộc sự dữ. Đồng thời, nó cũng tạo nên một dấu hiệu báo trước "một trời mới và một đất mới" (KH 21:1), khi mà Thiên Chúa "sẽ lau khô hết nước mắt, sẽ không còn chết chóc, hay than van, kêu khóc, vì những cái trước kia đã qua đi rồi" (KH 21:4).
Nơi việc hoàn tất chung cuộc này, tình thương sẽ được tỏ hiện như tình yêu, tuy nhiên, còn trong giai đoạn tạm thời này, giai đoạn lịch sử nhân loại, cũng là lịch sử của tội lỗi và sự chết, thì tình yêu, trước hết, phải được tỏ hiện ra như là tình thương và cũng phải được hiện thực như là tình thương. Chương trình thiên sai của Chúa Kitô, chương trình của tình thương, trở thành chương trình của dân Người, chương trình của Giáo Hội. Cây thập giá luôn luôn ở ngay tâm điểm của nó, vì nơi thập giá mà mạc khỉi của tình yêu nhân hậu đạt được tột đỉnh của mình. Cho đến khi "những sự trước kia qua đi" (KH 21:4), thập giá sẽ còn là điểm liên hệ với những lời khác nữa của Khải Huyền thánh Gioan: "Này đây, Ta đứng ở cửa mà gõ' hễ ai nghe thấy tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào mà ăn uống với họ và họ ăn uống với Ta" (KH 3:20). Bằng một cách thức đặc biệt, Thiên Chúa cũng mạc khải tình thương của Ngài ra khi Ngái kêu mời con người hãy 'thương lấy' Con duy nhất của Ngái, Đấng bị đóng đanh.
Chúa Kitô, đúng hơn, Đấng bị đóng đanh, là Lời không qua đi (x.Mt. 24:35), và Người cũng là Đấng đứng ở cửa mà gõ vào cõi lòng của mọi người (x.KH 3:20), song không ép uổng tự do của họ, trái lại, tìm cách lôi kéo tình yêu từ chính cái tự do này, một tình yêu không phải chỉ là một tác động liên kết với Con Người đau khổ, mà còn là một loại 'tình thương' được tỏ ra bởi mỗi một người trong chúng ta đối với Người Con của Chúa Cha hằng hữu. Trong cả chương trình thiên sai này của Chúa Kitô, cả mạc khải của tình thương bằng thập giá, phẩm giá của con người còn có thể nào được tôn trọng và cao trọng cao hơn nữa, vì, trong việc nhận lấy tình thương, theo một nghiã nào đó, Người cũng đồng thời là Đấng 'tỏ lộ tình thương'?
Tóm lại, không phải hay sao, đó là vị thế của Chúa Kitô liên quan đến con người, khi Người nói: "Khi các ngươi làm điều ấy cho một trong những anh em nhỏ mọn nhất này... là các ngươi làm điều ấy cho chính Ta" (Mt. 25:40)? Cũng không phải hay sao, theo một nghĩa nào đó, nơi những lời của Bài Giảng Trên Núi: "Phúc cho kẻ có lòng xót thương, vì họ sẽ được thương xót" (Mt. 5:7), mà một tổng lược của toàn thể Tin Mừng, của toàn thể cuộc 'trao đổi diệu kỳ' (admirabile commercium) được chất chứa? Cuộc trao đổi này là một lề luật của chính dự án cứu độ, một lề luật đơn giản, mạnh mẽ, đồng thời cũng 'dễ dàng' nữa. Không phải hay sao, những lời của Bài Giảng Trên Núi này, ngay từ đầu nói lên cái mà 'con tim nhân loại' có thể ("được xót thương"), cũng mạc khải cho thấy, trong cùng một khung cảnh, mầu nhiệm sâu thăm nơi Thiên Chúa: đó là mối hiệp nhất khôn thấu của Cha, Con và Thánh Linh, trong đó, tình yêu, bao gồm công lý, tác động tình thương, để rồi, ngược lại, tình thương tỏ hiện sự thiện toàn của công lý?
Mầu Nhiệm Vượt Qua đó là Chúa Kitô ở tột đỉnh của mạc khải mầu nhiệm khôn thấu nơi Thiên Chúa. Bởi thế, thật là chính xác cho những lời được công bố tại Lầu Thất Tiệc Ly sau đây được hoàn toàn thực hiện: "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Gn. 14:9). Thật thế, Chúa Kitô, Đấng mà Cha đã vì loài người "không dung tha cho" (Rm. 8:32), và cũng là Đấng, bằng cuộc khổ nạn của mình và bằng cực hình thập giá, không chiếm lấy lòng thương của con người, đã mạc khải trọn vẹn, trong cuộc phục sinh của mình, tình yêu mà Chúa Cha dành cho Người và, trong Người, cho tất cả mọi người. "Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống" ( (Mc. 12:27). Trong cuộc phục sinh của mình, Chúa Kitô đã mạc khải cho thấy một vị Thiên Chúa của tình yêu nhân hậu, chính bởi vì Người đã chấp nhận thập giá như đường lối để phục sinh. Và chính vì lý do này mà, khi chúng ta tưởng nhớ đến thạp giá của Chúa Kitô, đến cuộc khổ nạn và tử nạn của Người, đức tin và đức cậy của chúng ta đặt trọng tâm vào Đấng Phục Sinh: tức là vào Chúa Kitô là Đấng "vào buổi tối hôm đó là ngày thứ nhất trong tuần,... đứng giữa họ" ở Lầu Thất Tiệc Ly, "nơi các môn đệ ở,... thở hơi trên họ mà nói với họ: 'Hãy nhận lấy Thánh Linh. Nếu các con tha tội cho ai thì họ được tha' nếu các con cầm tội ai thì họ bị cầm tội'" (Gn. 20:19-23).
Đây Người Con Thiên Chúa, Đấng nghiệm thấy một cách sâu xa, trong cuộc phục sinh của mình, tình thương được tỏ ra cho chính Người, tức là tình yêu của Chúa Cha mạnh hơn cả sự chết. Và cũng Chúa Kitô đó, là Con Thiên Chúa, Đấng vào cuối sứ vụ thiên sai của mình, cũng như, theo một nghĩa nào đó, ngay cả sau đó nữa, mạc khải chính mình ra như một mạch nguồn tình thương vô tận của cùng một tình yêu mà, trong một bối cảnh sau đó của lịch sử cứu độ trong Giáo Hội, được vĩnh viễn xác nhận mạnh mẽ hơn cả tội lỗi. Chúa Kitô vượt qua quả thực là một nhập thể của tình thương' là dấu chứng sống động của tình thương: trong lịch sử cứu chuộc cũng như trong lúc chung cuộc. Trong tinh thần đó, phụng vụ của tin mừng Phục Sinh đặt vào môi miệng chúng ta những lời Thánh Vịnh 89 (88):2 là "Muôn đời tôi sẽ ca ngợi tình thương Chúa" (Misericordias Domini in aeternum cantabo).(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch)