Suy Nim Mùa Mng: Mu Nhim Phc Sinh

Đức Thánh Cha Bin Đức XVI
SĐip Chúa Nht Phc Sinh
8/4/2007

Chúa Kitô đã sống lại! Bình an  cho anh chị em! Hôm nay chúng ta cử hành một mầu nhiệm cao cả, nền tảng của đức tin và niềm hy vọng Kitô Giáo, đó là Đức Giêsu Thành Nazarét, Đấng Tử Giá, đã sống lại từ trong kẻ chết vào ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh. Hôm nay chúng ta cảm thấy lại xúc động lắng nghe lời loan báo của các vị thiên thần vào rạng đông của ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ với Maria Maiđệliên cũng như với những phụ nữ tại ngôi mộ rằng: ‘Tại sao các bà lại tìm kiếm nơi kẻ chết người còn sống chứ? Người không còn đây, Người đã sống lại rồi!’ (Lk 24:5-6).
Không khó khăn cho lắm khi mường tượng ra những cảm giác của những người phụ nữ này vào lúc ấy: những cảm giác buồn thảm trước cái chết của Chúa, những cảm giác không thể nào tin nổi và bàng hoàng trước một sự kiện có thật cũng đầy kinh hồn nữa. Thế nhưng ngôi mộ đã mở toang và trống không: thân thể không còn ở đó nữa. Phêrô và Gioan, được những người đàn bà này báo tin, đã chạy ra mộ và thấy các bà nói đúng. Đức tin của các vị Tông Đồ nơi Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai được trông chờ, đã phải trải qua một cuộc thử thách trầm trọng trước cái ô nhục của thập giá. Các vị đã tản mát khi Người bị bắt giam, bị kết án và tử nạn. Giờ đây các vị qui tụ lại một lần nữa, hoang mang bối rối. Thế nhưng, chính Đấng Phục Sinh xuất hiện để đáp lại nỗi khát khao cho một niềm tin mạnh mẽ hơn. Cuộc gặp gỡ ấy không phải là một giấc mơ hay một ảo tưởng hoặt một thứ tưởng tượng chủ quan; nó là một cảm nghiệm thực sự, cho dù là không ngờ, mà càng thế lại càng đặc biệt. ‘Chúa Giêsu đã đến đứng giữa các ông mà nói cùng các ông rằng: bình an cho các con!’ (Jn 20:19).

Trước những lời ấy, đức tin của họ, một đức tin hầu như mất tiêu nơi họ, lại được bừng lên. Các vị Tông Đồ bảo Tôma là người đã vắng mặt vào lần  gặp gỡ đầu tiên ấy rằng: Đúng thế, Chúa đã làm trọn tất cả những gì Người đã nói trước; Người thực sự đã sống lại và chúng tôi đã thấy và chạm đến Người! Tuy nhiên, Tôma vẫn nghi ngờ và cảm thấy hoang mang. Khi Chúa Giêsu hiện đến lần thứ hai, 8 ngày sau ở Căn Thượng Lầu, Người đã nói cùng ông rằng: ‘Hãy xỏ ngón tay con vào tay của Thày, và hãy thọc bàn tay vào cạnh sườn Thày, đừng cứng lòng, nhưng hãy tin!’ Lời đáp ứng của vị tông đồ này là một lời tuyên xưng đức tin  đầy cảm kích: ‘Lạy Chúa tôi và lạy Thiên Chúa của tôi!’ (Jn 20:27-28).

‘Lạy Chúa tôi và lạy Thiên Chúa của tôi!’ Cả chúng ta nữa cũng lập lại lời tuyên xưng đức tin này của tông đồ Tôma. Tôi đã chọn những lời này cho lời chào mừng Phục Sinh của tôi năm nay, vì ngày nay nhân loại trông đợi nơi Kitô hữu một chứng từ mới mẻ về cuộc phục sinh của Chúa Kitô; cần phải gặp gỡ Người và nhận biết Người là Thiên Chúa thật và là người thật. Nếu chúng ta có thể nhận thấy nơi vị Tông Đồ này những mối ngờ vực và bất định của rất nhiều Kitô hữu ngày nay, những nỗi sợ hãi và những niềm thất vọng nơi những người đương thời của chúng ta, thì với ngài chúng ta cũng có thể tái khám phá niềm tin tưởng vào Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, bằng một niềm xác tín mới. Đức tin này, được truyền lại qua các thế kỷ bởi các vị thừa kế các Tông Đồ, tiếp tục thể hiện vì Chúa Kitô không còn chết nữa. Người đang sống trong Giáo Hội và mạnh mẽ hướng dẫn Giáo Hội hướng tới tầm vóc viên trọn của dự án cứu độ muôn đời.

Tất cả chúng ta đều bị thử thách bởi niềm bất tín như tông đồ Tôma. Đau khổ, sự dữ, bất công, sự chết, nhất là khi xẩy ra cho thành phần vô tội, như trẻ em nạn nhân của chiến tranh và khủng bố, của bệnh tật và đói khổ, chẳng phải là tất cả những gì thử thách đức tin của chúng ta hay sao? Ngược đời thay,  niềm bất tín của tông đồ Tôma lại là những gì đáng giá nhất cho chúng ta trong những trường hợp ấy, vì nó giúp thanh tẩy tất cả những quan niệm sai lầm về Thiên Chúa và dẫn chúng ta tới chỗ khám phá ra chân dung của Ngài: chân dung của một Vị Thiên Chúa, Đấng, trong Đức Kitô, đã mang trên mình các thương tích của nhân loại bị thương. Tông đồ Tôma đã lãnh nhận từ Chúa, và chính ngài đã truyền đạt cho Giáo Hội, tặng ân của một đức tin bị thử thách bởi cuộc khổ nạn  và tử nạn của Chúa Giêsu, và được củng cố bởi cuộc hội ngộ với Người. Đức tin của ngài hầu như đã chết song đã tái sinh nhờ việc ngài chạm tới các vết tích của Chúa Kitô, những vết thương mà Đấng Phục Sinh không giấu diếm song tỏ ra, và tiếp tục tỏ ra cho chúng ta trong các cơn gian nan thử thách và khổ đau của hết mọi người.

‘Nhờ thương tích của Người mà anh em được chữa lành’ (1Pt 2:24). Đó là sứ điệp được Thánh Phêrô ngỏ cùng thành phần tân tòng ban đầu. Những thương tích ấy, những thương tích ban đầu đã là chứơng ngại vật cho niềm tin của tông đồ Tôma, là dấu hiệu hiển nhiên thua bại của Chúa Giêsu, thì cũng những thương tích này đã trở thành những dấu hiệu của một tình yêu vinh thắng nơi cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh. Những thương tích Chúa Kitô đã chịu vì yêu thương chúng ta giúp chúng ta hiểu được Thiên Chúa là ai và lập lại rằng: ‘Lạy Chúa tôi và lạy Thiên Chúa của tôi!’ Chỉ có duy một mình Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta đến nỗi hứng chịu các thương tích và đớn đau của chúng ta, nhất là khổ đau vô tội, mới đáng chúng ta tin tưởng mà thôi. ….

Anh Chị Em thân mến, qua các vết thương của Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta có thể thấy các thứ sự dữ đang hành hạ nhân loại bằng con mắt hy vọng. Thật vậy, bằng việc phục sinh của  mình, Chúa Kitô đã không cất đi khổ đau và sự dữ khỏi thế giới này, mà là khống chế chúng tận gốc của chúng với dồi dào ân sủng của Người. Người đã đương đầu với cái ngạo mạn của sự dữ bằng uy quyền của tình Người yêu thương. Người đã để lại cho chúng ta một tình yêu không sợ tử thần, như đường lối dẫn đến hòa bình và niềm vui. ‘Như Thày đã yêu thương các con thế nào – Người đã nói với các môn đệ của mình trước khi chết – thì các con cũng hãy yêu thương nhau như thế’ (x Jn 13:34).

Những anh chị em trong niềm tin, những người đang nghe tôi ở khắp nơi trên thế giới! Chúa Kitô đã sống lại và Người đang sống giữa chúng ta. Người chính là niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Với tông đồ Tôma chúng ta hãy thưa rằng: ‘Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi, chớ gì chúng ta nghe nó một lần nữa trong tâm can của chúng ta những lời tuyệt vời song đòi hỏi của Chúa là: ‘Nếu ai phụng sự Tôi thì hãy theo Tôi; Tôi ở đâu thì tôi tớ Tôi cũng ở đó; ai phụng sự Tôi thì Cha sẽ tôn vinh họ’ (Jn 12:26). Hiệp nhất với Người và sẵn sàng hiến đời mình cho anh chị em của chúng ta (x 1Jn 3:16), chúng ta hãy trở nên những tông đồ của hòa bình, những sứ giả của một niềm vui không sở đớn đau – niềm vui của Phục Sinh. Chớ gì Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho chúng ta được tặng ân Phục Sinh này. Chúc mừng Phục Sinh cho tất cả mọi anh chị em.

 (Đaminh Maria Cao Tn Tĩnh, BVL, chuyn dch)