Bài 1

Kinh Mân Côi
là một kinh chiêm niệm tuyệt hảo”

 

Chng Đối Kinh Mân Côi

4.- Thời điểm của việc phác họa này rõ ràng nói lên cho thấy một số quan tâm. Thứ nhất là nhu cầu khẩn trương trong việc phải đối đầu với một số khủng hoảng về Kinh Mân Côi, một kinh mà trong tương quan lịch sử và thần học hiện nay có thể đang bị mất đi cái giá trị của mình một cách sai lầm, mà bởi vậy thành phần thế hệ trẻ không còn được dạy cho đọc nữa. Có một số người nghĩ rằng vai trò chính yếu của phụng vụ đã được Công Đồng Chung Vaticanô II có lý nhấn mạnh cần phải tiến đến chỗ làm cho Kinh Mân Côi ít quan trọng đi. Tuy nhiên, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã làm sáng tỏ, chẳng những kinh nguyện này không tương khắc với Phụng Vụ, kinh này còn bảo dưỡng cho phụng vụ nữa, vì kinh này đóng vai trò dẫn lối tuyệt vời tới Phụng Vụ và là một tiếng vang trung thực của Phụng Vụ, giúp tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách trọn vẹn và sâu xa hơn, cũng như giúp cho họ gặt hái được những hoa trái phụng vụ trong đời sống hằng ngày của họ.

Lại nữa, cũng có một số người sợ rằng Kinh Mân Côi là một cái gì phản đại kết làm sao ấy, bởi đặc tính Thánh Mẫu của kinh này. Thế nhưng, Kinh Mân Côi lại rõ ràng là một thứ tôn kính Mẹ Thiên Chúa được Công Đồng diễn đạt: một việc tôn sùng hướng đến tâm điểm Kitô học của đức tin Kitô giáo, tới nỗi, “khi Người Mẹ được tôn vinh thì Người Con cũng được nhận biết, yêu mến và hiển vinh cách xứng đáng” (Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 66). Nếu được tái sinh động một cách thích hợp, Kinh Mân Côi là một việc trợ giúp cho vấn đề đại kết, chắc chắn không phải là một trở ngại cho vấn đề đại kết!

Mt Đường Li Chiêm Nim

5.- Thế nhưng, lý do quan trọng nhất để hết sức phấn khởi thực hành phép lần hạt Mân Côi đó là vì kinh này tiêu biểu cho một phương tiện hiệu nghiệm nhất để nuôi dưỡng nơi tín hữu việc hăng say chiêm ngưỡng mầu nhiệm Kitô Giáo, một việc Tôi đã phác họa trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Thiên Kỷ Mới như là một cuộc thực sự “huấn luyện nên thánh”: “Điều cần thiết đó là đời sống Kitô hữu trước hết phải nổi bật về nghệ thuật cầu nguyện” (No. 32: AAS 93 [2001], 288). Vì nền văn hóa hiện đại, ngay giữa rất nhiều thứ phản khắc, cũng đã chứng kiến thấy một tình trạng nở hoa của tiếng gọi mới về tâm linh, do bởi cả ảnh hưởng của các tôn giáo khác nữa, các cộng đồng Kitô hữu chúng ta lại càng cần phải khẩn trương hơn bao giờ hết trở nên “những học đường cầu nguyện” (Ibid., 33: loc. cit., 289).

Kinh Mân Côi là một trong những truyền thống chiêm niệm Kitô Giáo đẹp nhất và đáng kể nhất. Được phát triển ở Tây Phương, kinh này là một kinh nguyện suy niệm kiểu mẫu, ở một ý nghĩa nào đó, tương đương với “kinh nguyện của cõi lòng” hay “kinh nguyện của Chúa Giêsu” là kinh nguyện đã từng ăn rễ sâu ở mảnh đất Kitô giáo Đông phương.

M Maria, Mô Phm Chiêm Nim

10. Việc chiêm ngắm Chúa Kitô đã được thể hiện nơi một mô phạm khôn sánh là Mẹ Maria. Dung nhan của Người Con này đặc biệt thuộc về Mẹ Maria. Chính trong cung lòng của Mẹ mà Chúa Kitô đã được hình thành, khi Người nhận lấy từ nơi Mẹ một hình ảnh giống như con người, một hình ảnh cho thấy cái giống nhau thiêng liêng còn hơn thế nữa. Không một ai đã từng chú trọng vào việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô một cách trung thành cho bằng Mẹ Maria. Ánh mắt của trái tim Mẹ đã hướng về Người vào lúc Truyền Tin, khi Mẹ thụ thai Người bởi quyền phép Thánh Linh. Vào những tháng sau đó, Mẹ bắt đầu cảm nhận được sự hiện diện của Người và mường tượng thấy được những đường nét của Người. Cho đến khi Mẹ hạ sinh Người ở Bêlem, đôi mắt của Mẹ trìu mến nhìn vào dung nhan Người Con Mẹ, khi Mẹ “bọc Người trong khăn và đặt Người vào máng cỏ” (Lk 2:7).

Sau đó, ánh mắt đầy kính tôn và suy tưởng của Mẹ Maria không bao giờ xa lìa Người. Có những lúc nó là một cái nhìn thắc mắc, như trong trình thuật tìm thấy Người trong Đền Thờ: “Hỡi Con, sao con lại đối xử với chúng tôi như vậy?” (Lk 2:48); nó bao giờ cũng là một cái nhìn thấu suốt, một cái nhìn có khả năng thấu hiểu được Chúa Giêsu , cho đến độ nhận thấy được cả những xúc cảm kín đáo của Người và tiên vọng được cả những quyết định của Người, như ở tiệc cưới Cana (x Jn 2:5). Có những lúc nó là một cái nhìn sầu bi, nhất là ở dưới chân cây Thập Giá, nơi mà cái nhìn của Mẹ cũng giống như cái nhìn của một người mẹ đang lâm bồn sinh con, vì Mẹ Maria chẳng những thông phần khổ nạn và tử nạn với Con Mẹ, mà còn nhận lấy một người con mới được trao phú cho Mẹ nơi bản thân của người môn đệ Chúa Giêsu yêu (x Jn 19:26-27). Vào buổi sáng lễ Phục Sinh, cái nhìn của Mẹ là một ánh mắt rạng ngời niềm vui Phục Sinh, và sau hết, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, cái nhìn của Mẹ là một ánh mắt bừng sáng bởi Thần Linh được tuôn đổ xuống (x Acts 1:14).

M Maria Tưởng Nh

11. Mẹ Maria đã sống động bằng đôi mắt gắn chặt vào Chúa Kitô, lưu giữ hết mọi lời Người nói: “Mẹ giữ lấy tất cả những điều này mà suy niệm trong lòng” (Lk 2:19; x 2:51). Những ký ức về Chúa Giêsu được in sâu trong lòng Mẹ ấy luôn luôn ở với Mẹ, khiến cho Mẹ suy nghĩ vào những giây phút khác nhau của cuộc đời Mẹ ở bên Con Mẹ. Những điều Mẹ tưởng niệm này có thể được coi như là “kinh mân côi” Mẹ không ngừng lần suốt cuộc sống trần gian của Mẹ.

Ngay cả cho đến lúc này, giữa những bài ca hân hoan trên Giêrusalem thiên quốc, những lý do khiến cho Mẹ dâng lời tạ ơn và chúc tụng vẫn cứ thế không thay đổi. Những lý do ấy thôi thúc Mẹ quan tâm đến Giáo Hội lữ hành, một Giáo Hội Mẹ tiếp tục diễn lại những trình thuật Phúc Âm về Mẹ. Mẹ Maria không ngừng bầy ra trước mắt tín hữu “những mầu nhiệm” của Con Mẹ, ước mong rằng việc chiêm ngưỡng những mầu nhiệm này sẽ làm cho những mầu nhiệm ấy phát sinh ra tất cả quyền lực cứu độ của mình. Khi lần hạt Mân Côi, cộng đồng Kitô hữu đi đến chỗ giao tiếp với những gì Mẹ Maria tưởng nhớ cũng như với ánh mắt chiêm ngắm của Mẹ.

Kinh Mân Côi, Mt Kinh Nguyn Chiêm Nim

12. Chính vì được bắt nguồn từ cảm nghiệm riêng của Mẹ Maria, Kinh Mân Côi là một kinh chiêm niệm tuyệt hảo. Thiếu chiều kích chiêm niệm này, Kinh Mân Côi sẽ mất đi ý nghĩa của mình, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tỏ tường vạch ra cho thấy: “Thiếu chiêm niệm, Kinh Mân Côi là một cái xác không hồn, và việc lần hạt có nguy cơ sẽ trở thành một việc lập đi lập lại theo công thức cách máy móc, phạm đến lời cảnh cáo của Chúa Kitô: ‘Khi cầu nguyện chớ lảm nhảm như kiểu của Dân Ngoại, vì họ nghĩ rằng cứ phải nhiều lời thì việc cầu nguyện của họ mới có công hiệu’ (Mt 6:7). Tự bản chất của mình, việc lần hạt Mân Côi đòi phải có một nhịp điệu nhẹ nhàng và một tốc độ chậm rãi, giúp cho con người nhờ đó có thể suy niệm về các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô là những gì đã được nhìn thấy bằng ánh mắt của Vị đã ở gần Người nhất. Nhờ đó, kho tàng khôn thấu của các mầu nhiệm này mới được tỏ hiện” (Apostolic Exhortation Marialis Cultus [2 February 1974], 47: AAS [1974], 156).

Cần phải ngừng lại để suy nghĩ về điều minh thức sâu xa này của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, để làm sáng tỏ một số khía cạnh về Kinh Mân Côi là kinh cho thấy rằng kinh này thực sự là một hình thức chiêm niêm nhắm vào Chúa Kitô.