Bài 2 

Sng Chúa Kitô Như M Maria
bng Kinh Mân Côi

 

Nên Ging Chúa Kitô Vi M Maria

15. Linh đạo Kitô Giáo nổi bật ở việc thành phần môn đệ quyết tâm nên giống càng ngày càng trọn vẹn hơn Vị Tôn Sư của mình (x Rm 8:29; Phil 3:10,12). Việc Chúa Thánh Linh được tuôn đổ xuống khi lãnh nhận Phép Rửa đã ghép tín hữu như cành nho với cây nho là Chúa Kitô (x Jn 15:5), và làm cho họ trở thành một chi thể của Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô (x 1Cor 12:12; Rm 12:5). Tuy nhiên, mối hiệp nhất nguyên khởi này đòi phải mỗi ngày một đồng hóa hơn, một cuộc đồng hóa càng ngày càng uốn nắn các tác hành của người môn đệ cho hợp với “tinh thần” của Chúa Kitô hơn. “Anh em hãy đối xử với nhau theo tinh thần này của Chúa Giêsu Kitô” (Phil 2:5). Theo lời của Thánh Tông Đồ thì chúng ta được kêu gọi “để mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (x Rm 13:14; Gal 3:27).
Trong cuộc hành trình thiêng liêng của Kinh Mân Côi bằng việc liên lỉ cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Kitô, lý tưởng cần phải nên giống Người này được thể hiện bằng việc liên kết có thể được diễn tả bằng tình thân hữu. Nhờ đó chúng ta có thể dễ dàng đi vào cuộc sống của Chúa Kitô và thực sự được chia sẻ với những cảm thức sâu xa nhất của Người. Về vấn đề này, Chân Phước Bartolo Longo đã viết: “Giống hệt như hai người bạn trong mối giao hữu với nhau thường có khuynh hướng bắt chước những thói quen như nhau thế nào, thì chúng ta cũng vậy, với thân phận thấp hèn của mình, cũng có thể trở nên giống Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ, và có thể học được nơi những mô phạm tối thượng này một đời sống khiêm hạ, khó nghèo, ẩn thân, nhẫn nại và trọn lành, bằng việc đối thoại thân tình với các vị, bằng việc suy niệm về các mầu nhiệm Mân Côi, cũng như bằng việc sống cùng một sự sống nơi Thánh Thể” (I Quindici Sabati del Santissimo Rosario, 27th ed., Pompei, 1916, 27).

Trong tiến trình nên giống Chúa Kitô bằng Kinh Mân Côi ấy, chúng ta phó mình một cách đặc biệt cho việc chăm sóc từ mẫu của Đức Trinh Nữ. Mẹ, Đấng vừa là Mẹ của Chúa Kitô vừa là chi thể của Giáo Hội, “một chi thể nổi bật và chuyên nhất” (Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 53), đồng thời cũng là “Mẹ của Giáo Hội”. Bởi thế, Mẹ tiếp tục sinh hạ con cái cho Thân Mình mầu nhiệm của Con Mẹ. Người làm điều này bằng việc chuyển cầu của Mẹ, xin ban xuống trên họ tràn đầy Thần Linh vô tận. Mẹ Maria là hình ảnh tuyệt hảo cho vai trò thân mẫu của Giáo Hội.

Kinh Mân Côi đưa chúng ta một cách kỳ diệu về ở bên cạnh Mẹ Maria khi Mẹ bận coi sóc việc phát triển về nhân bản của Chúa Kitô ở nhà Nazarét. Nhờ đó Mẹ có thể huấn luyện chúng ta và khuôn đúc chúng ta bằng cùng một việc chăm sóc ấy, cho đến khi Chúa Kitô “được hình thành trọn vẹn” nơi chúng ta (x Gal 4:19). Vai trò này của Mẹ Maria, một vai trò hoàn toàn gắn liền với vai trò của Chúa Kitô và thực sự đóng vai phụ cho vai trò của Chúa Kitô, “không thể nào lại làm lu mờ hay suy giảm đi vai trò trung gian chuyên nhất của Chúa Kitô, trái lại, còn cho thấy quyền lực của vai trò ấy” (Ibid., 60). Đây là một nguyên tắc sáng tỏ được Công Đồng Chung Vatican II bày tỏ, một nguyên tắc Tôi đã cảm nhận hết sức mãnh liệt trong đời sống của Tôi và đã đặt nền tảng cho khẩu hiệu làm giáo phẩm của Tôi: Totus Tuus Tất cả của con là của Mẹ (Cf. First Radio Address Urbi et Orbi [17 October 1978]: AAS 70 [1978], 927). Thực sự thì khẩu hiệu này đã được khơi hứng từ giáo huấn của Thánh Louis Marie Grignion Montfort, vị đã cắt nghĩa vai trò của Mẹ Maria trong tiến trình nên giống Chúa Kitô bằng những lời lẽ sau đây: “Việc chúng ta hoàn toàn nên trọn lành là ở chỗ nên giống như, hiệp nhất với và thánh hiến cho Chúa Kitô. Bởi thế, việc tôn sùng tuyệt hảo nhất phải là việc tôn sùng làm cho chúng ta nên giống như, hiệp nhất với và thánh hiến cho Chúa Giêsu Kitô một cách hoàn hảo nhất. Vậy, nếu Mẹ Maria là một trong những tạo sinh giống như Chúa Giêsu Kitô nhất thì trong tất cả mọi việc tôn sùng làm cho linh hồn thánh hiến cho và nên giống như Chúa Kitô đó là việc tôn sùng Mẹ Maria, Mẹ Thánh của Người, và linh hồn càng tận hiến cho Mẹ lại càng được thánh hiến cho Chúa Giêsu Kitô” (Treatise on True Devotion to the Blessed Virgin Mary). Chưa bao giờ thấy cuộc sống của Chúa Giêsu và cuộc đời của Mẹ Maria tỏ ra liên kết với nhau sâu xa như ở nơi Kinh Mân Côi. Mẹ Maria chỉ sống trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô thôi!

Cu Xin Chúa Kitô Vi M Maria

16. Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta hãy trở về cùng Thiên Chúa một cách thiết tha và tin tưởng như chúng ta đã nghe: “Hãy xin các con sẽ được; hãy tìm các con sẽ thấy; hãy gõ các con sẽ được mở cho” (Mt 7:7). Nguồn gốc phát xuất quyền năng từ lời cầu nguyện này chẳng những là sự thiện hảo của Chúa Cha, mà còn là vai trò trung gian của chính Chúa Kitô (x 1Jn 2:1) cùng với hoạt động của Chúa Thánh Thần là Đấng “chuyển cầu cho chúng ta” theo đúng như ý muốn của Thiên Chúa (x Rm 8:26-27). Vì “chúng ta không biết phải cầu nguyện làm sao cho phải” (Rm 8:26), và có những lúc chúng ta không được nhận lời “vì chúng ta xin không đúng” (x Jas 4:2-3).

Để nâng đỡ lời cầu được Chúa Kitô và Thần Linh khơi lên trong lòng của chúng ta, Mẹ Maria đã thực hiện việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ. “Lời cầu của Giáo Hội được bảo dưỡng bằng lời cầu của Mẹ Maria” (Catechism of the Catholic Church, 2679). Nếu Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian duy nhất, là Đường Lối cho việc cầu nguyện của chúng ta, thì Mẹ Maria, hình ảnh trung thực tinh tuyền và tỏ tường nhất của Người, tỏ cho chúng ta thấy Đường Lối ấy. “Được bắt đầu bằng việc góp phần đặc biệt của Mẹ Maria cùng với hoạt động của Chúa Thánh Thần, các Giáo Hội đã đặt ra lời nguyện cầu của mình để dâng lên Người Mẹ Thánh của Thiên Chúa, tập trung lời nguyện cầu này nơi con người của Chúa Kitô được thể hiện qua các mầu nhiệm của Người” (Ibid., 2675). Ở tiệc cưới Cana, Phúc Âm rõ ràng cho thấy quyền năng của việc Mẹ Maria chuyển cầu khi Mẹ tỏ bày cho Chúa Giêsu biết các nhu cầu cần thiết của những người khác: “Họ hết mất rượu rồi” (Jn 2:3).

Kinh Mân Côi vừa là việc suy niệm vừa là việc kêu cầu. Lời cầu nguyện thiết tha dâng lên Mẹ Thiên Chúa được căn cứ vào lòng tin tưởng là việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ có thể xin được tất cả những gì từ trái tim Con Mẹ. Mẹ “toàn năng theo ân sủng”, nếu nói theo lời bày tỏ táo bạo này, một lời cần phải hiểu một cách đúng đắn, của Chân Phước Bartolo Longo trong Lời Cầu Khẩn Cùng Đức Mẹ của thánh nhân (Lời cầu khẩn này được viết vào năm 1883 để đáp lại lời kêu gọi của ĐGH Lêô XIII trong Thông Điệp đầu tiên về Kinh Mân Côi, lời cầu khẩn cho tất cả mọi người Công Giáo tỏ ra quyết tâm chiến đấu với những tệ nạn xã hội. Lời cầu khẩn này được long trọng đọc lại mỗi năm hai lần, một vào Tháng Năm và một vào Tháng Mười). Đây là niềm xác tín được khơi nguồn từ Phúc Âm đã càng ngày càng phát triển vững mạnh hơn nơi cảm nghiệm của dân Kitô Giáo. Đại thi hào Dante đã diễn tả niềm xác tín này một cách lạ lùng bằng những giòng thơ được Thánh Bênađô hát lên rằng: “Ôi Tôn Nữ, Mẹ hết sức cao cả và quyền năng, đến nỗi ai muốn được ân sủng mà lại không hướng về Mẹ thì ước muốn của họ chẳng khác gì muốn bay mà không có cánh” (Divina Commedia, Paradiso XXXIII, 13-15). Khi chúng ta dùng Kinh Mân Côi nài xin Mẹ Maria, cung thánh của Chúa Thánh Thần (x Lk 1:35), Mẹ liền chuyển cầu cho chúng ta trước Chúa Cha là Đấng làm cho Mẹ đầy ân sủng, cũng như trước Chúa Con là Đấng đã được sinh ra từ lòng Mẹ, bằng cách Mẹ cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta.

Loan Truyn Chúa Kitô Vi M Maria

17. Kinh Mân Côi cũng là một đường lối loan báo và tăng thêm kiến thức giúp cho mầu nhiệm của Chúa Kitô được lập đi lập lại ở những trình độ cảm nghiệm Kitô hữu khác nhau. Hình thức của kinh này là hình thức của một sự bày tỏ của nguyện cầu và chiêm ngắm có khả năng hình thành Kitô hữu theo lòng mong ước của Chúa Kitô. Khi lần hạt Mân Côi được kèm theo với tất cả mọi yếu tố cần thiết cho việc suy niệm hiệu nghiệm, nhất là trong việc cử hành chung nơi các giáo xứ và đền thánh, thì việc lần hạt Mân Côi này có thể trở thành một cơ hội dạy giáo lý đáng kể mà các vị chủ chiên cần phải lợi dụng. Cũng qua đường lối này, Đức Mẹ Mân Côi cũng tiếp tục công việc loan báo Chúa Kitô của Mẹ. Lịch sử của Kinh Mân Côi chứng tỏ cho thấy kinh nguyện này đã được các tu sĩ Dòng Đaminh đặc biệt sử dụng ra sao vào thời kỳ Giáo Hội gặp khó khăn vì tình trạng tràn lan những lạc thuyết. Ngày nay chúng ta đang đối diện với những thử thách mới. Tại sao chúng ta không sử dụng Kinh Mân Côi một lần nữa, với cùng một đức tin như những người đã ra đi trước chúng ta? Kinh Mân Côi vẫn giữ được tất cả mãnh lực của mình và tiếp tục là một mạch nguồn mục vụ đáng giá cho hết mọi truyền bá phúc âm nhân tốt lành.