Bài 4
Phương Thức Sốt Sắng
Cầu Kinh Mân Côi
Công Bố Từng Mầu Nhiệm
29. Việc công bố mỗi một mầu nhiệm, thậm chí có thể dùng một ảnh tượng xứng hợp nào đó về mầu nhiệm này, thực sự là việc mở ra cho thấy một thảm kịch cần chúng ta phải chú ý tới. Những lời đọc hướng trí tưởng tượng và tâm thần về một cảnh đời hay một giây phút nào đó trong cuộc sống của Chúa Kitô. Theo linh đạo truyền thống của Giáo Hội thì việc tôn kính các ảnh tượng cùng với nhiều việc tôn sùng khác giúp cho các giác quan dễ cảm nhận, cũng như phương pháp cầu nguyện được Thánh Ignatiô Loyola đề ra trong những Khóa Linh Thao, bằng cách sử dụng những yếu tố khả giác và gợi hình (the compositio loci), được công nhận là rất hữu ích cho việc cầm trí để chuyên chú vào một mầu nhiệm đặc biệt nào đó. Hơn nữa, đây còn là một phương pháp học hợp với lý lẽ nội tại của biến cố Nhập Thể, ở chỗ, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn mặc lấy những đặc tính loài người. Chính nhờ thực tại thể lý của Người mà chúng ta được tiến đến chỗ giao tiếp với mầu nhiệm của thần tính Người.
Nhu cầu về tính cách cụ thể này càng cần được bầy tỏ hơn nữa trong việc loan báo những mầu nhiệm Mân Côi khác nhau. Những mầu nhiệm Mân Côi này hiển nhiên không thay thế được Phúc Âm, hay lột tả hết được nội dung của Phúc Âm. Bởi thế, Kinh Mân Côi không thay thế cho việc đọc sách thánh lectio divina; trái lại, Kinh Mân Côi dọn đường và nâng đỡ việc đọc sách thánh này. Tuy thế, các mầu nhiệm được chiêm ngắm trong Kinh Mân Côi, cho dù có thêm các mầu nhiệm ánh sáng mysteria lucis đi nữa, cũng không là gì khác ngoài những yếu tố chính yếu nơi cuộc đời của Chúa Kitô, những mầu nhiệm dễ dàng lôi kéo tâm trí đến việc suy niệm rộng rãi hơn nữa những gì còn lại nơi Phúc Âm, nhất là khi Kinh Mân Côi được cầu nguyện ở một hoàn cảnh kéo dài việc suy niệm.
Lắng Nghe Lời Chúa
30. Để có một nền tảng Thánh Kinh và suy niệm sâu xa hơn, cần phải theo dõi việc công bố mầu nhiệm bằng việc loan báo một đoạn Thánh Kinh liên hệ với từng mầu nhiệm, dài hay ngắn cũng được, tùy hoàn cảnh cho phép. Không có một lời lẽ nào có thể đáp ứng được với công hiệu của lời được linh ứng cả. Khi lắng tai nghe, chúng ta cảm thấy vững lòng hơn vì đó là lời Chúa phán cho ngày hôm nay đây và phán “với tôi” đây.
Nếu được lãnh nhận bằng cách thức này, lời Chúa có thể trở thành một phương pháp học của Kinh Mân Côi về việc lập đi lập lại mà không cảm thấy nhàm chán bởi việc thuần túy tưởng niệm một điều đã quá quen thuộc. Đây không phải là vấn đề liên quan đến những gì được gợi nhớ mà là vấn đề để cho Thiên Chúa nói với chúng ta. Ở những lần cử hành chung trọng thể, lời Chúa có thể được giãi bày bằng việc dẫn giải ngắn gọn.Thinh Lặng
31. Việc lắng nghe và suy niệm được nuôi dưỡng bằng việc thinh lặng. Sau việc công bố mầu nhiệm và loan báo lời Chúa cần phải dừng lại một khoảng thời gian thích hợp để chú tâm đến mầu nhiệm liên hệ trước khi bước sang phần khẩu nguyện. Việc nhận thức ra tầm mức quan trọng của sự thinh lặng là một trong những bí quyết của việc thực hành chiêm niệm và suy niệm. Việc rút lui ra khỏi một xã hội đầy giẫy những kỹ thuật và những phương tiện truyền thông xã hội là sự kiện cho thấy vấn đề giữ thinh lặng này là một việc càng khó thực hiện. Như những giây phút thinh lặng được khuyên giữ trong Phụng Vụ thế nào, trong việc lần hạt Mân Côi cũng thế, cũng cần thinh lặng một chút sau khi nghe lời Chúa để tâm trí chúng ta chú ý đến nội dung của mầu nhiệm được công bố.
Kinh “Lạy Cha”
32. Sau khi nghe lời Chúa và chú ý đến mầu nhiệm được loan báo, tự nhiên tâm trí liền hướng về Chúa Cha. Nơi mỗi một mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Người luôn dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cha, vì Người ở nơi Chúa Cha (x Jn 1:18) mà Người vẫn tiếp tục hướng về Ngài như vậy. Ngài muốn chúng ta tham dự vào mối thân mật này với Chúa Cha để chúng ta có thể thưa cùng Ngài rằng: “Cha ơi, Cha” (Rm 8:15; Gal 4:6). Nhờ mối liên hệ của Người với Cha, Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở thành anh chị em của chính Người cũng như của nhau, khi thông đạt cho chúng ta Thần Linh cả của Người lẫn của Cha. Đóng vai trò như là một thứ kinh nguyện nền tảng cho việc suy niệm về Kitô học và Thánh Mẫu, một việc suy niệm được bày tỏ bằng việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha làm cho việc suy niệm mầu nhiệm Mân Côi trở thành một cảm nghiệm của Giáo Hội, cho dù chỉ thi hành riêng tư một mình.Mười Kinh “Kính Mừng”
33. Đây là yếu tố chính yếu nhất nơi Kinh Mân Côi và cũng là yếu tố làm cho kinh này thành một kinh Thánh Mẫu chính hiệu. Thế nhưng, khi hiểu đúng Kinh Kính Mừng, chúng ta sẽ thấy một cách rõ ràng là tính cách Thánh Mẫu của kinh này không nghịch lại với đặc tính Kitô học của kinh ấy, nhưng lại là đặc tính được kinh này thực sự nhấn mạnh và đề cao. Phần đầu của Kinh Kính Mừng, phát xuất từ những lời Thiên Thần Gabiên và Thánh Isave nói với Mẹ Maria, là việc khâm sùng chiêm ngưỡng mầu nhiệm được thực hiện nơi vị Trinh Nữ Nazarét. Những lời này bày tỏ cho thấy, có thể nói, một kỳ công lạ lùng của trời đất; những lời ấy có thể hiến cho chúng ta một thoáng nhìn thấy kỳ công riêng của Thiên Chúa khi Ngài ngắm nghía “tuyệt phẩm” của Ngài, đó là Biến Cố Nhập Thể của Con Ngài nơi cung lòng Trinh Nữ Maria. Nếu chúng ta nhớ lại ở Sách Sáng Thế Ký việc Thiên Chúa “thấy tất cả những gì Ngài làm” (Gen 1:31) ra sao, chúng ta sẽ thấy nơi đây cái âm vang của “những lời cảm kích cho thấy Thiên Chúa vào lúc rạng đông của tạo thành đã nhìn đến công việc do tay Ngài làm ra” (John Paul II, Letter to Artists [4 April 1999], 1: AAS 91 [1999], 1155). Việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng nơi Kinh Mân Côi làm cho chúng ta được thông phần vào việc Thiên Chúa ngắm nghía và mãn nguyện, ở chỗ, chúng ta hân hoan thán phục nhìn nhận phép lạ cả thể nhất lịch sử loài người. Lời tiên tri của Mẹ Maria ở đây đã được nên trọn: “Từ nay hết mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc” (Lk 1:48).
Trọng tâm nơi Kinh Kính Mừng, cái then chốt thực sự gắn nối hai phần của kinh này lại với nhau đó là tên của Chúa Giêsu. Đôi khi, vì vội vàng lần hạt chúng ta đã không để ý đến trọng tâm này cho lắm, và bởi thế cũng chẳng chú ý tới việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Kitô liên quan đến trọng tâm ấy. Tuy nhiên, chính việc chăm chú đến danh của Chúa Giêsu cũng như đến mầu nhiệm của Người là dấu hiệu chứng tỏ việc lần hạt Mân Côi có ý vị và hiệu quả. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông Huấn Marialis Cultus của Ngài, đã để ý đến thói lệ ở một số nơi về việc đề cao tên của Chúa Kitô, bằng cách thêm vào một cụm từ nói đến mầu nhiệm đang được chiêm ngắm (Cf. No. 46: AAS 66 [1974], 155. Thói lệ này mới đây cũng đã được Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích ca ngợi trong văn kiện Direttorio su pietà popolare e liturgia. Principi e orientamenti [17 December 2001], 201, Vatican City, 2002, 165). Đây là một thói lệ đáng khen, nhất là khi lần hạt chung. Thói lệ này cho thấy việc bày tỏ mạnh mẽ đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô ở những lúc khác nhau trong cuộc đời của Đấng Cứu Chuộc. Nó đồng thời là một lời tuyên xưng đức tin và còn giúp cho cả việc cầm trí suy niệm của chúng ta nữa, vì nó làm cho tiến trình thấm nhập vào mầu nhiệm Chúa Kitô dễ dàng hơn ở việc lập đi lập lại lời Kinh Kính Mừng. Khi chúng ta lập lại tên Chúa Giêsu – một danh xưng duy nhất đã được ban cho chúng ta để nhờ đó chúng ta hy vọng được cứu rỗi (x Acts 4:12) – đi liền với tên của Vị Thánh Mẫu, một việc hầu như được thực hiện theo ý nghĩ của Mẹ, là chúng ta khởi sự con đường nhắm đến việc giúp chúng ta đi sâu hơn vào đời sống của Chúa Kitô.
Từ mối liên hệ ân huệ độc nhất vô nhị với Chúa Kitô ấy, mối liên hệ làm cho Người trở thành Mẹ Thiên Chúa, Theotokos, chúng ta có được một lời kêu cầu tha thiết để dâng lên Mẹ ở phần thứ hai của kinh nguyện này, khi chúng ta ký thác cho lời cầu bầu từ mẫu của Mẹ đời sống chúng ta cùng với giờ lâm tử của chúng ta.
Kinh “Sáng Danh”
34. Lời chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa là đích điểm cho tất cả việc Kitô hữu chiêm niệm. Vì Chúa Kitô là đường dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cha trong Thần Linh. Nếu chúng ta tiến bước theo con đường này cho đến cùng, chúng ta không ngừng gặp được mầu nhiệm Ba Ngôi thần linh, Đấng xứng đáng được chúc tụng, tôn thờ và cảm tạ. Vấn đề cần thiết là Kinh Sáng Danh, cao điểm của việc chiêm niệm, phải được nhấn mạnh xứng hợp ở Kinh Mân Côi. Khi lần hạt Mân Côi chung, có thể hát kinh này, như cách tỏ ra chú trọng cần phải có đối với công thức Ba Ngôi chính yếu cho tất cả mọi kinh nguyện Kitô giáo.
Nếu suy niệm mầu nhiệm Mân Côi một cách chuyên chú và thấm thía, và nếu việc suy niệm này được tình yêu Chúa Kitô và Mẹ Maria nung nấu từ Kinh Kính Mừng này đến Kinh Kính Mừng khác, thì việc tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi ở cuối mỗi chục kinh hoàn toàn không phải là một kết thúc cho có lệ, trái lại, việc tôn vinh này còn có tính cách chiêm niệm, ở việc thực sự nâng tâm trí lên cao trên trời, cũng như ở việc khiến cho chúng ta sống lại một cách nào đó cảm nghiệm núi Tabor, một tiên hưởng cho cuộc chiêm ngưỡng đời sau: “Chúng con được ở đây thì hay quá!” (Lk 9:33).Lời Nguyện Ngắn Kết Thúc
35. Qua việc thực hành hiện nay, lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi được tiếp nối bằng một lời cầu nguyện kết tùy theo thói lệ địa phương. Cần phải ghi nhận ở đây là, việc suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi không hề làm suy giảm giá trị của những lời nguyện ngắn này, mà còn có thể mang lại trọn vẹn hiệu quả thiêng liêng nếu cố gắng kết thúc mỗi chục kinh bằng một lời nguyện cầu cho những hoa trái đặc biệt đối với mỗi một mầu nhiệm. Như thế mới thấy được Kinh Mân Côi có liên hệ với đời sống Kitô hữu. Đề nghị nên sử dụng một lời nguyện phụng vụ đàng hoàng trong việc mời gọi chúng ta cầu nguyện để chúng ta, qua việc suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi, có thể tiến đến chỗ “bắt chước những gì các mầu nhiệm này chất chứa và chiếm được những gì những mầu nhiệm ấy hứa hẹn” ("...concede, quaesumus, ut haec mysteria sacratissimo beatae Mariae Virginis Rosario recolentes, et imitemur quod continent, et quod promittunt assequamur". Missale Romanum 1960, in festo B.M. Virginis a Rosario).
Một lời cầu nguyện kết thúc như vậy có thể mặc những hình thức thích hợp khác nhau, như thực sự vẫn cho thấy như vậy. Nhờ đó, Kinh Mân Côi có thể thích ứng hơn với các truyền thống thiêng liêng khác nhau cũng như với các cộng đoàn Kitô giáo khác nhau. Thế nên, hy vọng là sẽ có những công thức thích hợp được phổ biến rộng rãi theo nhận thức về mục vụ và có thể sau khi đã thử dùng ở các trung tâm hay đền thánh đặc biệt dâng hiến cho Kinh Mân Côi, để Dân Chúa được hưởng ích lợi từ sự phong phú của những kho tàng thiêng liêng chân thực, cũng như tìm thấy được của dưỡng nuôi cho việc họ chiêm niệm riêng tư.