Bài 1

Bn Cht và Ngun Gc Kinh Mân Côi

 

Bn Cht

Như bất cứ một vật hay một việc nào khác, giá trị của Kinh Mân Côi có thể căn cứ vào những yếu tố: bản chất, nguồn gốc và lợi ích.

Căn cứ vào bản chất của mình, Kinh Mân Côi là một kinh có giá trị tuyệt đỉnh, vượt trên tất cả mọi kinh nguyện khác, xét về ba phương diện sáng tác, diễn xuất và nội dung sau đây:

Về sáng tác, hai kinh chính họp lại thành Kinh Mân Côi đó là kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Ngoài kinh Lạy Cha là kinh chính Chúa Giêsu dạy, kinh Kính Mừng, kinh nồng cốt và chính yếu của kinh Mân Côi, là Lời chúc khen của Chúa Cha nói với Mẹ qua sứ thần Gabriel và của Chúa Thánh Thần nói với Mẹ qua bà thánh Isave (xem Luca 1:41-42). Kinh Thánh Maria, phần cuối của Kinh Kính Mừng, là Lời tuyên nhận của Chúa Giêsu nói với Mẹ qua Giáo Hội, Nhiệm Thể của Người, từ công đồng chung Êphêsô năm 431. Còn Lời nào giá trị hơn Lời của Thiên Chúa, Thiên Chúa 3 Ngôi. Kinh Mân Côi là tổng hợp Lời của Thiên Chúa 3 Ngôi, do đó, đã có một giá trị vô cùng.

Trong một lá thư đề ngày 4/4/1970, chị Lucia đã viết cho một linh mục cháu của chị về Kinh Mân Côi thế này: Kinh Mân Côi là kinh nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất, vì nhờ Kinh Mân Côi, chúng ta chúc tụng Ngài tuyệt hảo nhất.

Về diễn xuất, Lời Kinh Mân Côi nói chung và Kinh Kính Mừng nói riêng, về nội dung, chẳng những là Lời của Thiên Chúa 3 Ngôi, về hình thức, còn là Lời mà cả trời đất tuyên tụng và tuyên nhận Mẹ nữa.

Sứ Thần Gabriel chẳng là đại diện của các thần trời, đã chúc khen Mẹ bằng lời của Chúa Cha, Đấng đã sai ngài đến với Mẹ (xem Luca 1:26), hay sao: Kính mừng đầy ơn phúc! Thiên Chúa ở cùng Người. Người có phúc hơn mọi phụ nữ (Luca 1:28).

Bà Isave không phải là đại diện của các thánh, đã chúc mừng Mẹ bằng lời của Chúa Thánh Thần, Đấng mà bà được tràn đầy (Luca 1:41) khi vừa nghe lời Mẹ chào, hay sao: Người có phúc hơn mọi phụ nữ và phúc thay quả phúc của lòng Người (Luca 1:42).

Giáo Hội không phải là đại diện của con cái Thiên Chúa nói riêng và của loài người đã được dựng nên theo hình ảnh Ngài nói chung, đã tuyên nhận Mẹ bằng lời của Chúa Giêsu là Đầu của mình (xem Êphêsô 1:22) hay sao: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Trong Lời Kinh Thánh Maria này, Mẹ chẳng những được Giáo Hội, qua con cái mình, trực tiếp tuyên nhận Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, khi đọc: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, gián tiếp, còn tuyên nhận Mẹ là Mẹ Nhân Loại, khi đọc: Cầu cho chúng con, là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khi đọc: là kẻ có tội, và là Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, khi đọc: khi nay và trong giờ lâm tử.

Do đó, còn lời kinh nào có giá trị cao cả cho bằng lời kinh mà cả đất trời đồng thanh tuyên xưng và chúc tụng Đấng đã nói tiên tri về chính mình: Thiên Chúa đã thương đến phận thập hèn tôi tớ của Ngài; từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc (Luca 1:48). Chúng ta đọc kinh Kính Mừng cũng là kinh Mân Côi chính là chúng ta hợp với tất cả trời đất dùng Lời Thiên Chúa 3 Ngôi tuyên tụng Mẹ vậy.

Về nội dung, vì Kinh Mân Côi là Lời Thiên Chúa 3 Ngôi chúc khen Mẹ qua các tạo vật tốt lành của Ngài, bởi thế, Kinh Mân Côi chứa đựng một ý nghĩa vô cùng sâu xa. Chính ý nghĩa vô cùng sâu xa này đã làm cho Kinh Mân Côi có một giá trị khôn sánh. 

Ngun Gc

Một con người được sinh ra từ hoàng tộc, theo quan niệm thế gian, bao giờ cũng có giá hơn một con người được sinh ra từ một gia đình bần cố nông. Một chén cơm do chính tay nhà vua trao cho người ăn xin tự nhiên bao giờ cũng có giá hơn do một người vô danh tiểu tốt hay một người giầu có đi nữa trao cho. Cũng thế, Kinh Mân Côi không phải là kinh do một vị thánh nào sáng tác ra hay để lại cho chúng ta cả, mà do chính Đức Mẹ đã sinh nó ra và trực tiếp ban nó cho con cái của Giáo Hội.

Căn cứ vào các nguồn tài liệu đáng tin nhất, một của Á Thánh Alan de la Roch, trong cuốn De Dignitate Psalterii, và một của Thánh Louis Marie Grignion de Monfort, trong cuốn Bí Mật Kinh Mân Côi, thì, chính Đức Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy Kinh Mân Côi cho thánh Đaminh. Đức Thánh Cha Gregory XII cũng cho rằng: Kinh Mân Côi được thánh Đaminh thiết lập để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa và để cầu xin Rất Thánh Trinh Nữ bầu cử.

Vào thế kỷ 11 và 12, tại tỉnh Albi thuộc miền nam Nước Pháp, có một lạc thuyết chủ trương nhị nguyên, cho rằng Chúa Giêsu là một tạo vật được thần lành sai đến để giải thoát linh hồn con người cũng được thần lành dựng nên khỏi bị xác thịt là phần được thần dữ dựng nên giam cầm. Sau bao nhiêu nỗ lực để chinh phục bè rối Albigensê này bất lực, thánh Đaminh rút vào một cánh rừng ở gần thành phố Toulouse, cầu nguyện, ăn chay, phạt xác cho đến nỗi ngất lịm đi. Chính lúc đó, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nhân và ban cho thánh nhân một khí cụ mà Chúa Ba Ngôi Chí Thánh muốn dùng để canh tân thế giới (Lời Đức Mẹ nói với thánh Đaminh). Thánh Đaminh đã là sứ giả của Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214.

Cho dù chúng ta không biết chắc, ngoài hai cuốn sách tài liệu chính được viết bởi thế giá của hai vị thánh về nguồn gốc của Kinh Mân Côi như trên, có thật Đức Mẹ đã ban cho thánh Đaminh Kinh Mân Côi và dạy thánh nhân đọc Kinh Mân Côi hay chăng, song chúng ta cũng có thể tin được sự kiện này thật sự đã xẩy ra. Ở chỗ, chính Đức Mẹ, vào hai lần hiện ra quan trọng nhất trong những lần Mẹ hiện ra từ đầu thế kỷ 19, một tại Lộ Đức năm 1858, và một tại Fatima năm 1917, đã cầm trong tay tràng hạt Mân Côi, như để xác nhận là chính Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy lần hạt Mân Côi, một Kinh mà, như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết ở thông điệp Trong Tháng Năm (Mense Maio): Rất đẹp lòng Đức Mẹ và được các Đức Giáo Hoàng khuyến giục nhiều nhất.

Tại Lộ Đức, Mẹ đã lần hạt Mân Côi với chị thánh Bernadette, bằng việc dùng ngón tay đưa từng hột chuỗi theo mỗi Kinh Kính Mừng chị đọc, và hết một chục thì Mẹ đọc chung với chị Kinh Sáng Danh. Tại Fatima, trong cả sáu lần hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima là Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đều kêu gọi các em lần hạt Mân Côi, và lần hiện ra cuối cùng, Mẹ đã tự xưng Mẹ là Đức Mẹ Mân Côi. Nhất là, cũng tại Fatima, Đức Mẹ, vào lần hiện ra thứ 3, đã xin các em thêm vào sau mỗi chục kinh lời nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con xin cứu chúng con cho khỏi hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là các linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn.

Trong bài giảng tại Fatima ngày 13/5/1982, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nói về Kinh Mân Côi đối với Đức Mẹ như sau: Lời kêu gọi thống hối bao giờ cũng được gắn liền với cầu nguyện. Hợp với truyền thống của bao thế kỷ, Đức Mẹ của sứ điệp này (Fatima) đã đề cập đến Kinh Mân Côi, một kinh có thể được khẳng định là 'Kinh của Mẹ Maria', một kinh mà Mẹ đặc biệt cảm thấy gắn liền với chúng ta.

Thực ra, theo cuốn Thiên Đô (Ciudad de Dios) của đáng kính Maria D'Agreda viết từ thế kỷ thứ 17 về cuộc đời của Đức Mẹ, như được Đức Mẹ tỏ cho biết, thì, Kinh Mân Côi được bắt đầu nhen nhúm từ lúc Đức Mẹ tạ thế, qua lời xướng họa của các Thiên Thần từ trời xuống viếng xác Đức Mẹ: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Người (xướng) - Một Trinh Nữ trước khi sinh Con, đang khi sinh Con và sau khi sinh Con (đáp). Từ đó, người ta bắt đầu bắt chước lời xướng họa này cho đến khi Đức Mẹ truyền dạy Kinh Mân Côi cho Thánh Đaminh.

Thánh Giáo Hoàng Piô V, năm 1569, đã chính thức công nhận Kinh Mân Côi với kết cấu như hiện dụng, sau khi thêm lời nguyện Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen vào phần cuối của kinh Kính Mừng và thêm kinh Sáng Danh vào sau mỗi chục kinh. Còn lời nguyện Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội ... kết thúc mỗi chục kinh mới được thêm vào từ sau lời yêu cầu của Mẹ Fatima năm 1917.