Bài 10

Mc Tiêu Ci Thin 1:
Ý Riêng

 

Nếu chúng ta đã biết được bản chất của việc cải thiện là gì và ở chỗ nào, thì chúng ta cũng sẽ biết được những gì chúng ta cần phải cải thiện.

Nếu bản chất của việc cải thiện là canh tân nội tâm và ở chỗ sợ tội, thì điều phải cải thiện chính là tội lỗi được biểu lộ qua ý riêng của con người.

Nếu bản chất của việc cải thiện là canh tân nội tâm để tìm Chúa và ở tại việc làm theo ý Chúa, thì điều phải cải thiện là tự ái của con người.

Nếu bản chất của việc cải thiện là trở về với tình yêu Thiên Chúa và ở tại nhận biết Thiên Chúa, thì điều phải cải thiện là sự vô ơn của con người.
  
Tội lỗi là gì, nếu không phải là những điều làm mất lòng Chúa. Những điều làm mất lòng Chúa là gì, nếu không phải là những điều làm trái với ý của Ngài. Những điều làm trái với ý của Thiên Chúa là gì, nếu không phải là những điều tạo vật nói chung và con người nói riêng không được phép làm. Những điều con người không được phép làm là gì, nếu không phải là những điều con người đã làm theo ý riêng của mình. Con người làm theo ý riêng của mình trong những điều không được phép làm, những điều phản lại với ý muốn của Thiên Chúa là gì, nếu không phải là con người phạm tội làm mất lòng Chúa. Việc ăn trái cấm của hai nguyên tổ không phải là việc hai ông bà làm theo ý riêng của mình, những việc hai ông bà không được phép làm, vì là việc làm trái với ý muốn của Thiên Chúa hay sao?

Một trong những lý do cần phải cải thiện đời sống là vì chúng ta là kẻ có tội. Là kẻ có tội tức là chúng ta là kẻ đã coi ý riêng của mình hơn ý Chúa và đã theo ý riêng của mình hơn ý của Chúa trong những điều không được phép làm, trong những điều mất lòng Chúa. Do đó, cải thiện tội lỗi của mình chính là từ bỏ ý riêng của mình cho ý muốn của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu, trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 16, câu 24, đã chẳng kêu gọi những ai muốn theo Ngài phải bỏ mình đi là gì. Đúng thế, muốn theo Chúa, con người phải bỏ mình đi thế nào, thì muốn làm theo ý Chúa, con người cũng phải từ bỏ ý riêng của mình đi như vậy.

Thật ra, tự bản chất, ý riêng của con người không có gì là xấu, vì ý riêng của con người nói lên con người là loài có tự do và vì nó là khả năng hướng con người về sự thiện là đối tượng tối cao của nó, để nhờ sự thiện, con người được nên trọn hảo hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, ý riêng của con người có thể chia ra làm 3 loại: xấu xa, tốt lành và thiện hảo. Ý riêng xấu xa là những ý muốn làm điều lợi cho mình nhưng hại cho tha nhân, chẳng hạn, ý của Cain muốn sát hại Abel em mình. Ý riêng tốt lành là những ý muốn lợi cho mình nhưng không bất lợi cho bất cứ một ai, chẳng hạn, ý của Abraham muốn người con duy nhất của mình là Isaac nối giòng cho mình. Ý riêng thiện hảo là ý muốn sống làm sao cho đẹp lòng Chúa nhất, chẳng hạn, ý của Mẹ Maria muốn giữ mình đồng trinh.

Trong ba loại ý riêng này, ý riêng xấu xa, tự bản chất là tội lỗi, tất nhiên là điều phải từ bỏ đầu tiên và phải cải thiện lại trước nhất. Đối với hai loại ý riêng sau, dù có tốt lành và thiện hảo mấy đi nữa, nếu không hợp với ý Chúa hay không đúng như ý Chúa muốn, con người cũng phải từ bỏ.
Abraham đã không từ bỏ ý riêng tốt lành của mình trong việc vâng theo ý Chúa đem Isaac là đứa con duy nhất để làm giống cho mình đi tế lễ Chúa hay sao (xem Sáng Thế Ký 22:1-14)? Mẹ Maria cũng đã không từ bỏ ý riêng thiện hảo của mình trong việc giữ mình đồng trinh tận hiến cho Thiên Chúa để xin vâng làm Mẹ Chúa Cứu Thế, sống đời sống gia đình với thánh Giuse hay sao (xem Mathêu 1:18-25 và Luca 1:26-38).

Do đó, cái đầu tiên phải cải thiện, đó là ý riêng của con người, nếu ý riêng của con người không hợp với ý Chúa, không đúng với ý Chúa, nhất là khi nó nghịch lại với ý Chúa. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhờ văn minh, con người nhận ra quyền lực và quyền lợi làm nên giá trị bất khả xâm phạm của con người mình, do đó, con người càng đề cao ý riêng và đòi hỏi thỏa mãn ý riêng, kể cả những cái không được phép, chẳng hạn ly dị hay phá thai. Tệ hơn nữa, những ý riêng hoàn toàn phản lại với ý muốn của Thiên Chúa qua những nguyên tắc luân lý phổ quát này lại được chính con người lạm dụng quyền bính của mình hợp thức hoá bằng những khoản luật cho phép phá thai và ly dị. Có thể nói, đây là những trái cấm thời đại mà con người đang nuốt vào để chuốc lấy án phát của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho con người quyền tự do làm mọi sự trừ những những cái phạm đến lương tâm là cây biết lành biết dữ được Ngài trồng ngay giữa bản tính của con người.

Nhưng, làm thế nào để biết được ý riêng của mình không hợp với ý Chúa, không đúng với ý Chúa hay nghịch lại với ý Chúa để mà từ bỏ, mà cải thiện, nếu không phải căn cứ vào lề luật của Chúa cũng như của Giáo Hội, vào Lời của Chúa và vào lương tâm của mình.

Nếu căn cứ vào lề luật của Chúa cũng như của Giáo Hội thì những điều gì, theo ý riêng của chúng ta, muốn làm trái với mười điều răn Chúa và sáu luật điều của Hội Thánh đều là tội và phải cải thiện lại. Nếu căn cứ vào Lời của Chúa thì tất cả những điều gì, theo ý riêng của chúng ta, không hợp với nguyên tắc trọn lành, như chấp nhất nhau, không chịu tha thứ cho nhau, đều là những điều bất hảo, cũng cần phải cải thiện lại. Nếu căn cứ vào lương tâm của chúng ta thì tất cả những điều gì, theo ý riêng của chúng ta, không đúng với hiện sủng mà Chúa muốn đánh động chúng ta từng lúc, như dâng hy sinh cho Chúa, đều là những điều không trọn lành, cũng cần phải cải thiện lại.