Bài 11
Mục Tiêu Cải Thiện 2-3:
Tự Ái và Vô ƠnTự Ái
Điều thứ nhất phải cải thiện, đó là ý riêng, và điều thứ hai phải cải thiện, đó là tự ái. Tự ái mới là điều đáng chú ý để mà cải thiện hơn là ý riêng. Tại sao thế? Bởi vì, nếu không có tự ái, con người cũng không có ý riêng. Thật vậy, nếu con người biết ghét sự sống mình đúng như Lời Chúa dạy trong Phúc Âm thánh Gioan, đoạn 12, câu 25, thì con người cũng không còn theo ý riêng của mình nữa.Luxiphe sở dĩ kiêu ngạo dám đứng lên chống lại ý định nhập thể của Thiên Chúa để trở thành Satan không phải là vì đã tự ái, không muốn Thiên Chúa nhập thể, mặc lấy bản tính loài người là loài vốn thấp hèn hơn mình một trời một vực hay sao?
Loài người ngay từ ban đầu cũng thế, dù có bị rắn qủi cám dỗ đi nữa, nếu không tự ái, không yêu mình hơn Thiên Chúa, như Chúa đã minh định trước khi tuyên phạt con người, vì ngươi đã nghe vợ mà ăn trái Ta cấm ngươi ăn (Sáng Thế Ký 3:17), con người cũng đã không sa ngã phạm tội mất lòng Chúa.
Bởi thế, trong việc cải thiện, chỉ cần để ý dẹp tự ái hay diệt tự ái là chúng ta có thể kiếm chế được ý riêng, cái làm nên tội lỗi. Nếu không để ý diệt tự ái hay chịu khó dẹp tự ái, thì đừng nói đến việc cải thiện đời sống mà làm gì.
Nếu ý riêng của con người làm nên hỏa ngục, thì tự ái của con người là lửa hỏa ngục. Chính tự ái là ngòi chiến tranh, là mầm chia rẽ, là giông tố tàn phá tất cả mọi sự tốt lành nhất, thánh thiện nhất, từ cá nhân đến gia đình, xã hội và thế giới. Phải nói rằng, đâu có tự ái, đấy có tử thần. Ngày nay, quá say sưa với văn minh tột đỉnh của mình, con người hình như đang mất đi ý thức tội lỗi, trong việc quay ra sát hại chính mình, khi trắng trợn nhúng tay vào việc phá thai là những mầm sống của mình, và khi phũ phàng ly dị nhau là xương thịt của mình, chỉ vì chủ nghĩa cá nhân quá khích, hiện thân tự ái tột đỉnh của con người.
Về phương diện siêu nhiên, tự ái là kẻ thù không đội trời chung của Đức Ái, của Thánh Sủng mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy Tái Sinh. Nếu chúng ta càng yêu mình, Thánh Sủng hay Ơn Thánh cũng vậy, là Tình Yêu của Thiên Chúa, mà chúng ta gọi tắt là Đức Ái, ở trong chúng ta sẽ bị chết nghẹt, sẽ không thể nào, như thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, đoạn 3, câu 17, viết: đâm rễ sâu trong đời sống của chúng ta được. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã xác quyết trong Phúc Âm thánh Gioan, đoạn 12, câu 25: Ai yêu sự sống mình sẽ mất sống, còn ai ghét sự sống mình trên đời này sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.
Đừng căn cứ vào việc làm tốt lành của một người, chẳng hạn, họ đọc kinh, dự lễ và rước lễ hằng ngày, ăn chay hãm mình hằng tuần, tham gia đủ mọi hội đoàn, hết mình hy sinh công của cho việc nhà Chúa v.v. mà vội cho họ là người nhân đức, là thánh sống. Cũng có thể họ thật sự là một thánh sống, nếu đời sống đạo hạnh của họ ấy trổ sinh những nhân đức anh hùng. Chẳng hạn, như khi bị người ta cho mình là giả hình hay sống như thế là để lấy lòng cha v.v. người ấy vẫn không tỏ ra bực tức, trái lại, vẫn đối xử rất tốt lành với những người dèm pha mình như thường. Chẳng hạn, như thấy ai tài giỏi, thánh đức hơn mình, người ấy chẳng những không ghen tương, tranh chấp, trái lại, còn mừng rỡ cho họ, lại còn để ý bắt chước và học hỏi họ nữa. Chẳng hạn, như người ấy có công, tài giỏi lại nhân đức như vậy mà cha lại không dùng hay đang được dùng thì bị mất tín nhiệm và cuối cùng bị bãi nhiệm, người ấy chẳng những không buồn bực, bất mãn, trả đũa, chọc gậy bánh xe, trái lại, sẵn sàng rút lui ngay và nếu cha cần lại nhào ra giúp cha như trước v.v.
Nhưng, làm sao biết được đâu là tự ái để mà dẹp nó đi và diệt nó đi. Tự ái thường được bộc lộ qua ba hình thức là tự kiêu, tự mãn và bất mãn. Tự ái được bộc lộ qua hình thức tự kiêu ở chỗ đề cao mình và coi thường người không bằng mình hoặc không được như mình, luôn chủ quan cho mình là đúng và cố chấp không nghe lời ai bao giờ, có thất bại vì chủ quan cũng cố chấp không chịu nhận lỗi để sửa sai v.v. Tự ái được bộc lộ qua hình thức thỏa mãn ở chỗ thích được khen tặng, danh tiếng, chức quyền, ghen với những người hơn mình, sợ bị chê bai, chỉ trích v.v. Tự ái được bộc lộ qua hình thức bất mãn ở chỗ khó chịu bực tức khi làm gì không được như ý hay gặp bất cứ sự gì trái ý.
Sự Sống Thần Linh trong người Kitô hữu là sự sống mà Chúa Kitô hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (Mathêu 11:29) đã tự hiến cho họ, chỉ có thể tồn tại và phát triển cho đến khi đạt đến tầm vóc toàn vẹn của Chúa Kitô là Đầu (Êphêsô 4:15), với điều kiện là tự ái của họ phải mục nát đi để làm phân bón cho hạt giống Ơn Thánh đã được gieo vào trong con người họ qua Bí Tích Rửa Tội mà thôi.
Vô Ơn
Điều thứ ba phải cải thiện, đó là sự vô ơn của con người. Thật vậy, dù con người tự ái đến đâu đi nữa, nếu còn nhận biết ơn Chúa ban cho mình và tình Chúa yêu thương mình, họ chắc chắn sẽ cải thiện và cải thiện một cách dễ dàng và mau chóng. Vì tự ái mà con người đã theo ý riêng phạm tội mất lòng Chúa. Và, cũng vì con người tự ái theo ý riêng phạm tội mất lòng Chúa mà Chúa vô cùng nhân lành mới cứu chuộc con người. Phần con người, chỉ cần nhận biết tình yêu Chúa là con người được cứu độ.
Người Kitô hữu thực sự đã được cứu độ khi họ tin và chịu phép Rửa Tội (Marcô 16:16). Thế nhưng, người Kitô hữu chỉ hoàn toàn hưởng được trọn vẹn ơn cứu độ này khi họ không còn sống cho con người của mình nữa, một con người đã chết trong tử giá của Chúa Kitô, mà sống con người mới trong Chúa Kitô phục sinh. Tuy nhiên, người Kitô hữu làm sao có thể thông hưởng trọn vẹn ơn cứu độ nơi họ khi họ sống như một kẻ không biết gì hay không để ý gì đến kho tàng Ơn Thánh vô cùng qúi giá ở trong họ là Tình Yêu Thiên Chúa ở với họ.
Chính vì người Kitô hữu không nhớ đến Ơn Thánh và sống gắn bó với Ơn Thánh là Tình Yêu Thiên Chúa ở với họ, làm cho họ sống Sự Sống Thần Linh, Sự Sống Thiên Chúa, mà họ đã bị tự ái chi phối, ý riêng điều khiển, đến nỗi, nhiều khi chẳng những đã phạm tội thông thường mất lòng Chúa, đôi khi còn phạm cả những tội bất thường làm đau lòng Chúa hơn nữa, như tội lộng ngôn.
Ngày 10/12/1925, Mẹ Maria đã hiện ra với chị Lucia ở Pontevedra, Tây Ban Nha, tay bồng Chúa Hài Nhi, tay cầm Trái Tim bị gai nhọn quấn quanh. Cả Chúa hài Nhi và Đức Mẹ đều kêu gọi chị Lucia đền tạ Trái Tim Mẹ là Trái Tim bị gai nhọn quấn quanh bởi những kẻ vô ơn hằng liên lỉ đâm vào. Những gai mà những kẻ vô ơn hằng liên lỉ đâm vào Trái Tim Mẹ đây là gì, Mẹ Maria đã nói cho chị Lucia biết rằng, đó là: những lộng ngôn và bội bạc của họ.
Vậy, cải thiện đời sống đối với Chúa và Đức Mẹ và tinh thần Sứ Điệp Fatima đúng là ở tại nhận biết lòng yêu thương vô cùng bao la và cao cả của các Ngài mà trở về với các Ngài. Chính Tình Yêu Chúa trong người Kitô hữu sẽ thắng tội lỗi là ý riêng của họ và tử thần là tự ái trong họ, làm cho họ nên Thánh vì Ngài là Đấng Thánh.