Bài 13

Phương Thế Ci Thin 2-3:
Bng Cách Năng Lãnh Nhn Bí Tích
và Cu Nguyn

 

Lãnh Nhn Bí Tích

Một thực tại không thể phủ nhận và một chân lý không thể sai lầm, đó là, không có ơn Chúa, dù cố gắng mấy đi nữa, con người cũng không thể nào cải thiện đời sống được.

Ơn Chúa được ban cho con người qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng đầy ân sủng và chân lý (Gioan 1:14). Nhân tính của Chúa Kitô chính là phương tiện để thông ơn Thiên Chúa cho con người. Lời của Chúa Kitô là thần linh và là sự sống (Gioan 6:63). Thánh Thể của Chúa Kitô là Bánh Thiên Chúa bởi trời xuống ban sự sống cho thế gian (Gioan 6:33). Việc làm của Chúa Kitô là ánh sáng thế gian ... ánh sáng ban sự sống (Gioan 8:12). Con người của Chúa Kitô là sự sống lại và là sự sống (Gioan 11:25). Chẳng những từ bàn tay của Chúa Giêsu, quyền năng chữa trị mọi tật nguyền bệnh hoạn phần xác của con người đã được phát ra, mà ngay cả áo Chúa cũng có mãnh lực ấy (xem Luca 8:43-48).

Ngày nay, Chúa Giêsu không ở với loài người một cách hữu hình như ngày xưa nữa, nhưng Người vẫn ở với loài người một cách bí tích, mà hiện thân tiêu biểu là Bí Tích Thánh Thể. Từ các Bí Tích này, quyền năng thần linh của Người vẫn tác dụng nơi các linh hồn thành tín lãnh nhận Người. Bằng chứng hiển nhiên là đời sống thánh thiện siêu phàm của các thánh, nhất là các thánh tử đạo, còn đỏ ngầu những trang lịch sử của nhân loại, với những tinh thần và hành động vượt trên bản tính bẩm sinh và khả năng chịu đựng của một con người tự nhiên.

Chính chúng ta cũng cảm thấy một phần nào tác dụng của ơn thánh khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải và Thánh Thể một cách sốt sắng. Ở chỗ, chúng ta dễ giữ mình sạch tội hơn, dễ hy sinh hãm mình hơn, dễ chịu đựng trái ý hơn, dễ làm v.v. Bằng nếu chúng ta lơ là hay bỏ bê hoặc khinh thường việc lãnh nhận các Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, chúng ta sẽ không thể nào tránh được dịp tội và sẽ phạm hết tội này đến tội kia, dù có muốn trở lại với Chúa cũng không thể nào làm được.

Ngoài Thày ra các con không làm gì được (Gioan 15:5) là thế. Sự Sống Thần Linh mà chúng ta được thông hiệp từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội phải trổ sinh nhiều hoa trái nơi người Kitô hữu đó là các nhân đức, là các tinh thần của Chúa Kitô. Nhưng, Sự Sống Thần Linh này chỉ có thể trổ sinh hoa trái khi Ơn Thánh nẩy mầm và phát triển nơi con người mà thôi. Của ăn nuôi xác con người làm cho xác họ lớn lên, nhờ đó, họ dần dần trưởng thành, làm được những việc người lớn thế nào, Ơn Thánh cũng cần những của nuôi linh thiêng là các Bí Tích, để phát triển và làm cho con người sống động một cách siêu nhiên như Chúa Kitô đã sống như vậy.

Cu Nguy

Dù cố ý tránh hết mọi dịp tội, trong bầu khí nhiễm độc (polution) của xã hội sặc mùi hiện sinh và lõa lồ ngày nay, vì hoàn cảnh bất ngờ xẩy ra hay vì những bó buộc phải giao tiếp và đụng chạm trong đời sống chung, chúng ta cũng khó lòng mà giữ mình hoàn toàn khỏi bị ô nhiễm bởi những gương mù hay những tập tục thế gian. Cho dù có xưng tội hằng tuần hay rước lễ hằng ngày đi nữa, Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải cũng không mấy tác dụng nơi chúng ta, và chúng ta vẫn có thể vấp phạm đến Chúa hay vẫn cứ sống cuộc sống tầm thường, nếu chúng ta thiếu tinh thần cầu nguyện. Các thánh tông đồ không phải là những người đã sống gần Chúa Giêsu hơn ai hết, thế mà các ngài vẫn bỏ Chúa mà tẩu thoát khi Người bị bắt, thậm chí còn chối Người đến ba lần, phải chăng là vì các ngài đã không tỉnh thức và cầu nguyện nên đã sa ngã ê chề như thế.

Cầu nguyện không phải là đọc kinh, là suy gẫm, là nhớ Chúa, là kết hợp. Đúng hơn, cầu nguyện là tinh thần của việc đọc kinh, suy gẫm, nhớ Chúa, và là cách giúp dễ kết hợp với Chúa. Cầu nguyện chính là giao tiếp với Chúa, là gắn bó với Chúa, là yêu mến Chúa. Khi linh hồn yêu mến Chúa, gắn bó với Chúa, thì bất cứ làm việc gì, công việc ấy cũng là tác động cầu nguyện của linh hồn. Và, chính vì yêu mến Chúa và gắn bó với Chúa trong tinh thần cầu nguyện như thế, linh hồn sẽ luôn luôn sợ làm điều gì mất lòng Chúa và hết sức làm đẹp lòng Chúa mọi đàng.

Con người sa ngã và không nên trọn lành được là vì thiếu ơn Chúa. Thiếu ơn Chúa không phải là vì Thiên Chúa, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý (1Timôthêu 2:4), không muốn ban cho con người, mà là vì con người không biết cầu nguyện hay thiếu cầu nguyện. Không cầu nguyện, con người sẽ thiếu ơn Chúa để nên thánh và giữ mình sạch tội. Do đó, càng sa sút hay bỏ bê việc cầu nguyện, con người càng sa đọa. Sa đọa càng nhiều là dấu hiệu con người đã hầu như bỏ quên Thiên Chúa, đã hết sức bỏ bê việc cầu nguyện.

Trong hai thế kỷ 19 và 20, Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần, như ở La Salette năm 1846, ở Lộ Đức năm 1858 và Fatima năm 1917, không lần nào Đức Mẹ, qua các vị sứ giả của Người, không kêu gọi loài người cầu nguyện. Cầu nguyện là đề tài chính cho tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra. Đức Mẹ kêu gọi loài người nói chung và con cái Mẹ nói riêng cầu nguyện, nhưng Mẹ không dạy cầu nguyện. Tuy nhiên, ở Fatima, cả 6 lần hiện ra với Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Mẹ đều thúc giục việc lần hạt Mân Côi.

Theo lịch sử Giáo Hội và kinh nghiệm sống đạo của các thánh, kinh Mân Côi đã kéo ơn Chúa vô vàn bất tận xuống cho chung cũng như riêng. Do đó, kinh Mân Côi cũng là phương tiện cho con người dùng để cải thiện đời sống và nên thánh. Qua các mầu nhiệm của kinh Mân Côi, nếu sốt sắng đọc và chiêm ngắm, chúng ta sẽ thấy tình Chúa yêu chúng ta nơi Chúa Giêsu và qua Mẹ Maria một cách nhưng không và bất tận, bởi đó, chúng ta sẽ cảm mến các Ngài, tạ ơn các Ngài và đáp trả tình yêu của các Ngài đối với chúng ta một cách xứng đáng hơn, bằng một đời sống đẹp lòng các Ngài hơn. Cải thiện đời sống ở tại việc nhận biết và trở về với tình yêu Thiên Chúa bắt đầu bằng việc cầu nguyện là như thế.