Bài 3 

Trái Tim M: Nơi Con Nương Náu

 

Để an ủi Lucia, một Thiếu Nhi Fatima, tuy lớn nhất trong 3 em Thiếu Nhi Fatima, song cũng mới chỉ có 10 tuổi, cảm thấy buồn tủi vì nghe thấy rằng trong khi Phanxicô và Giaxinta là hai đứa em họ của mình cũng là hai người bạn tâm giao nhất đời của mình sẽ được Đức Mẹ đem về trời trước, còn mình sẽ phải ở lại thế gian lâu hơn, Đức Mẹ đã nói với Lucia một lời an ủi tuyệt vời:

Con buồn khổ lắm phải không? Đừng nản, Mẹ không bỏ rơi con đâu. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa.
  
Tại sao Lucia lại được một đặc ân hết sức qúi trọng như vậy, một đặc ân mà trong số các linh hồn ưu tuyển được thị kiến Đức Mẹ hiện ra kông ai được như vậy?

Phải chăng, trước hết, vì Lucia là một em nhỏ, nhưng bởi việc Đức Mẹ hiện ra với em đã làm cho em chịu biết bao đau khổ do Chúa gửi đến cho em, qua cha xứ của em, làng xóm của em, chính quyền của em, kể cả ma qủi, nhất là gia đình em. Sau này, Lucia đã tự thuật trong Hồi Ký như sau:

Lúc ấy, con nghĩ đến những ngày đã qua: 'giờ đây còn đâu nữa những dấu ái mà gia đình con đã giành cho con mới cách đây không lâu?' Con chỉ biết tìm cách hạ bớt nỗi khổ đau bằng cách khóc trước nhan Chúa khi dâng hy sinh lên cho Ngài. Trong chính ngày đó, ngoài những điều con vừa kể, Đức Mẹ, như biết được những gì đang xẩy ra cho con, đã nói với con rằng: 'Con đau khổ lắm phải không? Đừng nản. Mẹ sẽ không bỏ rơi con đâu. Trái Tim Vô NHiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi con nương náu và sẽ là đường đưa con đến với Chúa.

Nhưng, có lẽ lý do chính đã làm cho Lucia được Đức Mẹ an ủi chí tình như vậy, là vì Lucia phải mang một sứ mệnh rất đặc biệt, như Đức Mẹ nói về lý do em phải ở lại thế gian lâu hơn, đó là: Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến. Cũng trong Hồi Ký của mình, Lucia đã viết:

Như con đã đề cập đến ở Hồi Ký 2, Đức Mẹ đã nói với con vào ngày 13/6/1917 rằng Người sẽ không bỏ rơi con và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Người sẽ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa. Khi nói những lời này, Người đã mở hai bàn tay của Người ra, và từ đó, tuôn ra một ánh sáng thấu suốt tâm can chúng con. Từ ngày hôm ấy, con nghĩ rằng, mục đích của ánh sáng này là phú bẩm trong chúng con một sự hiểu biết và yêu mến đặc biệt Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria... Từ ngày đó trở đi, trái tim của chúng con tràn đầy lòng nhiệt thành yêu mến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Tuy nhiên, đối với Lucia, vào giai đoạn Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, câu Đức Mẹ an ủi em vào lần hiện ra thứ hai, 13/6/1917, trên đây, có lẽ phần thứ nhất: Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi con nương náu thích hợp và thực tế đối với hoàn cảnh chịu đựng khổ đau vì việc Đức Mẹ hiện ra với em hơn. Còn phần sau: Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là đường đưa con đến với Chúa, có lẽ thích hợp và ứng nghiệm với hoàn cảnh của Lucia khi Lucia dâng mình cho Chúa trong dòng Đôrôthêu năm 1925 rồi dòng kín Carmêlô năm 1948 hơn.

Vẫn biết câu: Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi con nương náu và sẽ là đường đưa con đến với Chúa Đức Mẹ đã nói riêng với Lucia trong hoàn cảnh đặc biệt của Lucia. Thế nhưng, vì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ không phải là Trái Tim chỉ giành cho một mình Lucia, mà là, qua Lucia và nhờ Lucia làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, như Đức Mẹ nói cũng cùng lúc khi Mẹ an ủi Lucia, Người (Chúa Giêsu) muốn thiết lập trên thế giới lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Do đó, đối với tất cả những ai thành thực sùng kính Mẹ, thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cũng thực sự là nơi nương náu và là đường đến với Chúa của họ và cho họ.
  
Trước hết, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi con nương náu không phải chỉ trong những lúc khổ đau, mà còn cả trong những lúc thử thách và sa ngã nữa.

Thật vậy, không ai hiểu chúng ta và yêu chúng ta, kể cả người mẹ trần gian của chúng ta hay ngay cả chính chúng ta, cho bằng Mẹ Maria.

Người mẹ trần gian của chúng ta khi bắt đầu cưu mang chúng ta cũng không biết được đưa con mình sẽ sinh ra là trai hay gái, đẹp hay xấu, giỏi hay dở, cuộc đời sẽ khổ sở hay sung sướng v.v. Kể cả khi đã thấy đứa con của mình sinh ra xấu xí, kém tài và bất hạnh hơn con cái người ta, người mẹ trần gian của chúng ta, dù có thương chúng ta mấy đi nữa, cũng không thể nào thay đổi được số kiếp đã được tiền định từ đời đời của chúng ta. Thậm chí, ngay cả những việc trong khả năng và quyền hạn của người mẹ trần gian, đôi khi, chính trong việc yêu thương chúng ta, mẹ chúng ta đã làm hại chúng ta hơn là làm lợi cho chúng ta. Miệng đời đã không nói là Con hư tại mẹ đấy ư!

Điển hình là trường hợp mẹ của Lucia, dạy con không bao giờ được nói dối, thế mà, khi nghe được tin Đức Mẹ đã hiện ra với con mình, liền ép buộc con mình phải chối trước mặt cha xứ và tất cả mọi người về những gì thật sự đã xẩy ra mà nó không thể nào nói ngược lại, dù chính quyền có ra lệnh thiêu sống nó đi nữa.

Người mẹ của chúng ta, vì không phải là chúng ta, nên đã không hiểu và yêu chúng ta một cách chính xác và hiệu lực cũng phải. Thế mà, chính chúng ta cũng không biết chúng ta và yêu chúng ta như chúng ta đáng và như chúng ta muốn nữa mới thật là đáng thương.

Đối với qúa khứ, nhiều điều chúng ta làm lầm lỗi mà cũng không biết mà sửa, hay dù có biết cũng không sửa được, như tính hư nết xấu hay nghiện ngập. Tương lai thì dĩ nhiên càng không ở trong tầm tay của mình, chúng ta lại càng dò dẫm. Hiện tại là cái sửa soạn cho tương lai, là cái tương đối ở ngay trong tầm tay của mình, thế mà, nhiều lúc chúng ta bối rối không biết phải giải quyết ra sao, không biết phải chọn lựa thế nào, cho đúng nhất, cho trọn hảo nhất, và ít là cho đỡ bất lợi nhất. Thế mà, thực tế vẫn cho chúng ta thấy: tránh hùm phải hạm. Thảm hơn nữa: Tôi không làm điều tôi muốn mà lại làm điều tôi không muốn... Tôi không làm điều tốt mà tôi muốn làm, mà là điều gian ác mà tôi không chủ ý làm (Rôma 7:15,19). Đúng là: Tôi cũng không hiểu nổi hành động của tôi nữa (Roma 7:15).

Trong khi chúng ta, về khuynh hướng tự nhiên của bản tính đã bị hư đi theo nguyên tội, tinh thần thì yêu tối tăm hơn ánh sáng (Gioan 3:19) cộng với bản chất lại yếu nhược (Marcô 14:38), làm sao chúng ta có thể tự đứng vững được trước các cám dỗ do chính đam mê của chúng ta thử thách chúng ta: Sự lôi kéo và hấp dẫn của đam mê nơi mỗi người cám dỗ họ. Một khi đam mê được thụ thai, nó sẽ sinh ra tội lỗi... (Giacôbê 1:14-15).

Tự mình, với bản tính đã bị hư đi theo nguyên tội, cho dù đã được tái sinh trong sự chết của Chúa Kitô (xem Rôma 6:3) nơi Bí Tích Rửa Tội, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện (chúng ta vẫn có thể) sa chước cám dỗ (Marcô 14:38) như thế, thử hỏi, một khi còn sống trong thế gian là nơi đã bị tên đầu lãnh Satan đầu độc, làm sao chúng ta có thể giữ mình hoàn toàn tinh sạch và mãi mãi vô tội được, trong khi Kẻ thù của các con là ma qủi đang lượn quanh như sư tử gầm rống tìm kiếm người ta để ăn tươi nuốt sống (1Phêrô 5: 8).

Thêm vào đó, là thành phần Kitô hữu, tức thành phần được cứu chuộc bởi Giá Máu vô cùng châu báu của Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng mà Con Rồng đã rình chực nuốt đi (xem Khải Huyền 12:4), đã là mục tiêu tấn công chính của Satan, để, nếu không trực tiếp ngăn chặn được việc Ngài nhập thể và cứu thế, ít ra, cũng gián tiếp phá được công nghiệp vô cùng cao trọng của Ngài nơi các linh hồn đã lãnh nhận ơn Ngài cứu chuộc qua Bí Tích Rửa Tội.

Tự bản chất được tái sinh từ trên cao (Gioan 3:3), thành phần Kitô hữu đã ở trong sự nguy hiểm là làm mồi ngon cho Satan là tên sát nhân ngay từ ban đầu (Gioan 8:44) vì nặng mang một hận thù thiên thu trong tâm não độc địa quái ác như vậy, trên thực tế, nếu thành phần này, về tinh thần sống đạo, lại còn là những kẻ giữ mệnh lệnh Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu (Khải Huyền 12:17), thì họ lại càng là kẻ thù không đội trời chung, kẻ thù số một, kẻ thù trên hết mọi kẻ thù, cần phải tận diệt trước nhất, với tất cả quyền năng hỏa ngục của toàn bọn ngụy thần.

Ở trong một tình trạng đầy những khổ đau trên đời, lại còn bị thử thách liên lỉ tấn công trong ngoài như vậy, thành phần Kitô hữu nói chung, những kẻ thực sự muốn bỏ mình đi, vác thập giá theo (Chúa) (Mathêu 16:24) nói riêng, cũng khó lòng mà bền vững đến cùng để được cứu rỗi (Mathêu 10:22), nhất là trong giai đoạn mà nếu không được rút ngắn lại, thì không một ai sẽ được cứu rỗi (Mathêu 24:22), giai đoạn không biết có còn đức tin trên thế gian này nữa không khi Con Người đến (Luca 18:8).