Bài 5

Lý Do Ci Thin 1
vì chúng ta là k có ti
nhưng mun được đời đời cu ri

 

Tại sao chúng ta phải cải thiện đời sống? Chúng ta phải cải thiện vì 3 lý do chính yếu sau đây: - Lý do thứ nhất: vì chúng ta là kẻ có tội nhưng muốn được đời đời cứu rỗi. - Lý do thứ hai: vì hạt giống Ơn Thánh trong chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái. - Lý do thứ ba: vì Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi.

Thật vậy, nếu chúng ta thánh thiện và trọn hảo như các thánh ở trên trời, chúng ta đâu cần phải cải thiện; việc cải thiện đâu có nghĩa gì đối với chúng ta nữa.

Thế nhưng, ai trong chúng ta dám cho mình là đã nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành? Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất, đoạn 1, câu 10 như sau: Nếu chúng ta nói mình không bao giờ phạm tội là chúng ta cho Người (Chúa Kitô) là gian trá và lời của Người không có ở trong chúng ta. Bởi thế, còn sống trên đời là chúng ta còn phải liên lỉ cải thiện đời sống.

Nếu không cải thiện đời sống, chắc chắn, theo tự nhiên, chúng ta sẽ không được cứu rỗi và sẽ hư đi đời đời.

Chúa Giêsu, qua Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 11, từ câu 20 đến câu 24, đã chẳng khẳng định điều này hay sao, khi Người mạnh mẽ cảnh áo thẳng vào mặt những thành thị mà Người đã làm nhiều phép lạ nhất song họ vẫn không chịu cải hối: 'Khốn cho ngươi, hỡi Chorazin! Cũng khốn cả cho ngươi, hỡi Bethsaida! Nếu các phép lạ xẩy ra nơi các ngươi đã xẩy ra nơi Tyre và Sidon, thì họ đã mặc áo nhặm và bỏ tro trên đầu từ lâu rồi. Ta bảo thật các ngươi, vào ngày phán quyết, Tyre và Sidon sẽ được khoan dung hơn các ngươi. Còn ngươi cũng thế, hỡi apernaum, há ngươi đã chẳng được đưa lên tận trời sao, song ngươi sẽ bị sa vào cõi chết! Nếu các phép lạ được thực hiện nơi ngươi mà làm ở Sodom, hẳn nó vẫn còn tồn tại cho tới bây giờ. Ta bảo thật cho ngươi biết, trong ngày phán quyết, Sodom sẽ được khoan dung hơn ngươi. 

Theo kinh nghiệm bản thân của một người Kitô hữu, chúng ta cũng cảm thấy được rằng, nếu không cải thiện đời sống, chúng ta khó lòng mà được rỗi linh hồn.

Không phải hay sao, theo tự nhiên, về tâm trí, con người mà bản tính đã vướng mắc nguyên tội của chúng ta vốn có xu hướng yêu tối tăm hơn ánh sáng (Gioan 3:19), và, về khả năng hướng thiện và làm lành, bản chất thì yếu nhược (Mathêu 26:41). Bởi đó, chúng ta chỉ muốn đi theo con đường rộng, con đường không đòi phải bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Chúa (Mathêu 16:24), con đường dễ chịu cho thân xác, tôn thờ cái tôi và phụng dưỡng tự ái, con đường không phải là phúc cho các ngươi (Luca 6:20-22) mà là khốn cho các ngươi (Luca 6:24-26), con đường mà Chúa Giêsu đã khẳng định là sẽ đưa đến trầm luân đời đời (Mathêu 7:13).

Thế nhưng, đối với những người vô thần hay những người Kitô hữu lún sâu trong vũng tội, đến nỗi hầu như đã hoàn toàn tuyệt vọng cho hần rỗi đời đời của mình, thì cải thiện không cần thiết và chẳng có nghĩa gì đối với họ cả. Người vô thần thì cho chết là hết, nên phải chiếm cho bằng được thiên đường trần gian này bằng bất cứ giá nào, kẻo uổng. Họ cho tôn giáo là mê hoặc, cho những người đi tu là ngu dại nhất trên đời.

Người Kitô hữu tuyệt vọng thì lại có thể cho rằng làm gì có hoả ngục, nên không sợ bị trầm luân đời đời, do đó, không cần phải cải thiện làm gì cho mệt; dù có hoả ngục đi nữa, người ta xuống hoả ngục nhiều thì mình xuống cũng đâu có sao, một khi mình không ở vào thành phần được tiền định cứu rỗi thì cho dù có cải thiện chăng nữa, cuối cùng cũng hư đi như thường, vậy thì tội gì mà không hưởng thụ cho đã ở đời này.

Phần chúng ta, một khi còn cố gắng và tha thiết với việc cải thiện đời sống là chúng ta còn tin ở đời sau. Nói cách khác, Thiên Chúa và đời sau vô cùng bất tận, theo Đức Tin dạy, đã là mục tiêu thu hút nỗ lực cải thiện đời sống của chúng ta là kẻ có tội, để chúng ta xứng đáng được đời đời tham hưởng sự sống Thần Linh vô cùng viên mãn với Đấng toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ.

Nếu những người vô thần hay Kitô hữu tuyệt vọng có lý của họ để tự miễn trừ việc cải thiện cho họ, thì chúng ta cũng tự cảm nghiệm thấy, ngay trong thâm tâm của mình, một động lực bắt chúng ta phải cải thiện, không cải thiện không được. Động lực đó là, về luân lý, chúng ta cảm thấy áy náy và cắn rứt mỗi lần làm sai trái điều gì, đến nỗi, nếu không cải thiện sẽ không được yên tâm mà sống, do đó, về tâm linh, chúng ta luôn cảm thấy, đúng như thánh Augustinô đã diễn tả tâm trạng của ngài, cũng là tâm trạng chung của loài người, trong cuốn Tự Thú, là: Chúa đã dựng nên con vì Chúa và cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho tới khi đạt được Chúa.

Lý do thứ nhất của việc cải thiện là như thế: Vì chúng ta là kẻ có tội nhưng muốn được đời đời cứu rỗi.

Điển hình là trường hợp của người trộm lành. Người trộm lành đã tỏ ra nhận biết tội lỗi của mình và đã muốn được cứu rỗi, qua câu của anh ta nói với người trộm dữ và lời kêu xin của anh ta thưa với Chúa Giêsu: Mày không kính sợ Thiên Chúa hả, mày không thấy là mày cũng bị cùng một án phạt như vậy (như Chúa Giêsu) hay sao? Chúng mình dầu sao cũng xứng đáng bị như vậy mà. Chúng mình chẳng qua chỉ là trả giá cho những việc chúng mình làm thôi, còn người này có làm điều gì nên tội đâu... Hỡi Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài lên Nước của Ngài (Luca 23:40-42).