Bài 8
Tính Cách Cải Thiện 1:
không phải ở chỗ sạch tội
cho bằng sợ tội
Nếu đã ý thức một cách sâu xa và chắc chắn lý do tại sao phải cải thiện, thì chúng ta cũng dễ dàng biết được đâu là bản chất và dấu hiệu đích thực của việc cải thiện, nhờ đó, chúng ta sẽ vững tâm cải thiện và thực sự cải thiện.
Nếu lý do cần phải cải thiện là vì chúng ta là những kẻ tội lỗi nhưng muốn được đời đời cứu rỗi, thì cải thiện không phải ở chỗ giữ mình sạch tội cho bằng sợ tội.Nếu lý do cần phải cải thiện là vì Hạt Giống Ơn Thánh trong chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái, thì cải thiện không phải ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa.
Nếu lý do cần phải cải thiện là vì Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi, thì cải thiện không phải ở chỗ sống công chính cho bằng nhận biết Thiên Chúa.Vẫn biết sạch tội cũng là một trong những dấu hiệu tốt lành của một con người công chính hay đã cố gắng cải thiện. Tuy nhiên, sạch tội không phải là dấu hiệu duy nhất và đích thực chứng tỏ sự tốt lành nơi một người.
Chẳng hạn, một đứa nhỏ chưa có trí khôn thì còn sạch tội, song một khi đã có trí khôn chưa chắc nó còn giữ được tình trạng sạch tội ban đầu nữa. Hai nguyên tổ loài người, ngay từ ban đầu đã ở trong tình trạng công chính nguyên thủy và vô tội, thế nhưng, khi vừa bị rắn qủi cám dỗ, đã sa ngã phạm tội làm mất lòng Chúa.
Kinh nghiệm sống đạo cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó, có những tội nếu không gặp dịp, chúng ta sẽ không vấp phạm, ngược lại, nếu gặp dịp chúng ta lại vấp phạm.
Thí dụ, có những loại người hiền cục, bình thường thì rất lành tính, nhưng lơ mơ đụng đến họ thì hãy coi chừng, vỡ mặt lúc nào không biết. Hoặc, có những người quyền thế, lúc đầu không biết hối lộ là gì, sau khi được đút lót nhiều lần, toàn là những món bở, bắt đầu đâm ra mắc tật hối lộ. Hay, ở Việt Nam không có luật cho phép ly dị, phá thai thì hầu như không có chuyện gì xẩy ra, ở Mỹ, thấy được phép ly dị, phá thai, đồng thời cũng thấy người ta ly dị, phá thai là thường, một số người Công Giáo cũng đã ly dị và phá thai v.v.
Do đó, tình trạng sạch tội hay vô tội chưa chắc đã là dấu hiệu chứng tỏ con người sạch tội hay vô tội đó là một con người tốt lành hay đã hoàn toàn và thực sự cải thiện. Tại sao vậy? Tại vì tội là những gì phát xuất từ bên trong con người mà ra, chứ không phải chỉ thuần túy là những hành động xấu xa bên ngoài của con người mà thôi. Nếu con người chỉ tránh làm điều xấu mà không diệt tận gốc căn nguyên gây ra những điều xấu đó là tội lỗi ở bên trong con người của họ, thì, đúng như lời Chúa Giêsu khiển trách thành phần Pharisiêu và luật sĩ Do Thái ngày xưa, trong Phúc Âm thánh Mathêu đoạn 23, câu 25 và 27: Các ngươi chỉ rửa sạch bên ngoài ly và đĩa, song lại để bên trong đầy những tham lam và nhục dục... Các ngươi giống như mồ mả được quét sơn bề ngoài trông đẹp mắt nhưng bề trong đầy hôi thối và xương cốt thây ma.
Thật vậy, con người cải thiện là cải thiện những gì, nếu không phải cải thiện con người tội lỗi của mình. Thế nhưng, tội lỗi bởi đâu mà ra, hay cái gì làm nên tội lỗi, nếu không phải, lòng trí của con người là cái bởi bên trong con người mà ra.
Trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 15, câu 11, 17-19, Chúa Giêsu đã chẳng xác nhận tội lỗi là do tâm trí con người là cái bởi bên trong con người ma ra là gì, khi Người nói với thành phần Pharisiêu và luật sĩ trách các môn đệ của Chúa không chịu rửa tay trước khi dùng bữa: Không phải cái vào miệng con người làm họ ra dơ bẩn; mà là cái từ miệng con người mà ra... Các ngươi không thấy rằng, mọi cái vào miệng con người sẽ được tiêu hóa rồi bị tống khứ ra ngoài hay sao, song cái từ miệng mà ra thì phát xuất từ tâm trí. Đó mới chính là cái làm cho con người ta ra dơ bẩn. Từ tâm trí phát xuất những ý đồ xấu xa, giết người, ngoại tình, dâm ô, trộm cắp, chứng gian, lộng ngôn.
Chính vì thế, vì tội lỗi là cái cần phải cải thiện bởi tâm trí con người là những cái từ bên trong con người mà ra như vậy, cũng trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 23, câu 26, Chúa Giêsu đã dạy một nguyên tắc căn bản để cải thiện là: Trước hết, hãy rửa sạch bên trong cái ly thì bên ngoài cũng sẽ được sạch.
Như thế, cải thiện chính là canh tân nội tâm của con người. Và, dấu hiệu chứng tỏ con người bắt đầu canh tân nội tâm của mình, tức bắt đầu cải thiện, đó là khi họ biết thật tình ăn năn thống hối tội lỗi của mình là những gì đã làm mất lòng Chúa. Một khi con người đã thật tình ăn năn thống hối tội lỗi của mình, là con người đã tẩy rửa nội tâm của mình, từ đó, họ sẽ không dám phạm tội mất lòng Chúa nữa. Thái độ con người không dám làm mất lòng Chúa là dấu hiệu chứng tỏ họ sợ tội là những gì làm mất lòng Ngài. Chính vì con người sợ tội là những gì làm mất lòng Chúa mà họ sẽ không còn tự tình phạm tội hay dù có gặp dịp cũng sẽ giữ mình khỏi sa ngã phạm tội.Cải thiện không phải ở chỗ sạch tội cho bằng sợ tội là như thế.