Bài 6
Sứ Điệp Fatima là một Linh Đạo Cứu Độ nơi Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống
Mệnh Lệnh Fatima cuối cùng là mệnh lệnh Cải Thiện Đời Sống. Bởi vì, theo tiến trình của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, sau khi đã kêu gọi “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày” ở ngay lần hiện ra thứ nhất cũng như liên tục vào những lần còn lại sau đó, và sau khi tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết bí mật về ý định của Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới để cứu các linh hồn cho khỏi hư đi đời đời cũng như để thế giới được sống trong hòa bình, vào lần hiện ra thứ hai và thứ ba, Mẹ Maria đã đề cập đến vấn đề cải thiện đời sống, ở ngay lần hiện ra thứ ba, và nhất là lần hiện ra cuối cùng.
Thật vậy, vào lần hiện ra thứ ba, 13/7, ngay trong phần Bí Mật Fatima thứ hai, sau khi đã tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết bí mật về ý định Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới để cứu các linh hồn cho khỏi hư đi đời đời cũng như để thế giới được sống trong hòa bình, Mẹ Maria đã gián tiếp kêu gọi chung loài người cải thiện đời sống qua lời cảnh giác như sau: “Nếu những điều Mẹ dạy (về việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ như Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới) được thi hành thì nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình. Chiến tranh sắp chấm dứt, nhưng nếu người ta không thôi xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến khốc liệt hơn sẽ bùng nổ trong đời Đức Piô XI. Khi các con thấy ánh sáng lạ lùng chiếu giữa ban đêm, thì các con hãy biết rằng đó là điềm lạ vĩ đại Thiên Chúa muốn cho các con hay Ngài sắp sửa trừng phạt thế giới tội lỗi, bằng chiến tranh, đói khát và việc bắt bớ Giáo Hội cùng Đức Thánh Cha. Để ngăn ngừa điều này, Mẹ sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và xin rước lễ đền tạ các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng. Nếu người ta nghe lời Ta yêu cầu, Nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình. Bằng không…”.
Tuy nhiên, Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống được Mẹ Maria nói rõ ràng qua lời kêu gọi cuối cùng để kết thúc Biến Cố Thánh Mẫu Fatima vào lần hiện ra cuối cùng 13/10, như sau:
“- Bà muốn con làm gì?- Ta muốn có một nhà nguyện được xây lên ở đây để tôn kính Ta. Ta là Đức Mẹ Mân Côi. Hãy tiếp tục cầu kinh Mân Côi hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và binh sĩ sẽ trở về với gia đình.
- Con có nhiều điều cầu xin với Bà là xin Bà chữa cho một số bệnh nhân, hoán cải tội nhân và một số chuyện khác v.v.
- Được, một số nào thôi chứ không phải tất cả. Họ cần phải cải thiện đời sống và xin ơn thứ tha mọi tội lỗi. Đừng phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.
Như thế, trọng tâm của Sứ Điệp Fatima là ở Mệnh Lệnh cuối cùng này, Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống. Bởi vì, hai mệnh lệnh trước chỉ là đường dẫn đến đích điểm ấy mà thôi. Không có mệnh lệnh này, như hữu thể con người không có linh hồn không còn là con người thế nào, hay chỉ là một cái xác vô hồn thế nào, thì Sứ Điệp Fatima cũng không phải là Sứ Điệp Fatima như vậy. Đó là lý do “Trái Tim Mẹ (mới) là đường dẫn con đến với Thiên Chúa”. Đó cũng là lý do “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày” mới chính là “cùng Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu kỹ lời kêu gọi cốt lõi của Sứ Điệp Fatima nói riêng và của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima nói chung này chúng ta mới có thể đáp ứng đúng những gì được chất chứa nơi Sứ Điệp Fatima rất quan trọng hoàn toàn phản ảnh lời công bố tiên khởi của Chúa Giêsu trong Phúc Âm này: “Hãy cải thiện đời sống! Nước trời đã đến!” (Mt 4:17), rõ ràng hơn nữa: “Thời gian đã trọn. Triều đại Thiên Chúa đã đến. Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm” (Mk 1:15).
Phải, lời công bố tiên khởi này của Chúa Giêsu khi Người bắt đầu cuộc sống công khai của Người là tất cả chương trình hoạt động và mục tiêu cần phải đạt thành của Người. “Thời gian đã trọn”, bởi vì, “Triều đại Thiên Chúa đã đến”: “Tới thời điểm ấn định, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, sinh bởi một người nữ, sinh ra dưới lề luật để cứu những kẻ lụy thuộc lề luật, để chúng ta được ơn làm nghĩa tử” (Gal 4:4-5). Chính vì “Thời gian đã trọn. Triều đại Thiên Chúa đã đến” như thế, đến như “ánh sáng chiếu trong tăm tối” (Jn 1:5), đến như một con người sống động là “tất cả sự thật” (Jn 16:13) về Cha: “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9) như thế, mà con người cần phải “cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm”; bằng không, không cải thiện đời sống, tức cứ “chuộng tối tăm hơn ánh sáng” (Jn 3:19), con người không thể “tin vào Phúc Âm”, tức không thể tin vào Đấng Thiên Sai, tin vào tất cả Mạc Khải Thần Linh là Chúa Giêsu Kitô, trái lại, như một tổng trấn Philatô uy quyền, đứng ngay trước Chân Lý mà lại khù khờ không nhận ra Chân Lý: “chân lý là gì?” (Jn 18:18). Đối với Sứ Điệp Fatima, một Sứ Điệp có thể nói và phải nói là chính Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống, một mệnh lệnh là cốt lõi và làm nên chính Sứ Điệp Fatima, thì cải thiện đời sống đây tức là “đừng xúc phạm” nữa, đừng phạm tội nữa, đừng làm khổ “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa”.
Tuy nhiên, theo lời Mẹ Maria kêu gọi về Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống này, chúng ta thấy có 3 vấn đề: thứ nhất vấn đề đối tượng bị xúc phạm, thứ hai là vấn đề chủ thể xúc phạm, và thứ ba là chính vấn đề xúc phạm.
Về đối tượng bị xúc phạm, đó là chính “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta”, Đấng ở giữa chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể, Đấng đã được Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima ngay từ năm 1916 ba lần, nhất là lần cuối cùng, để cho các em rước Mình Máu Thánh Chúa và dạy cho các em biết đền tạ Người. Theo hồi niệm của Thiếu Nhi Fatima Lucia thuật lại thì Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima lần thứ ba vào một buổi chiều Mùa Thu năm 1916, trên đường các em từ Pregueira về Lapa, để cho ba em rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, rồi kêu gọi các em đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể. Thiên Thần Hòa Bình cho 3 Thiếu Nhi Fatima rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, bằng cách, ngài cho Lucia (bấy giờ đã được xưng tội rước lễ lần đầu) rước Mình Thánh và cho Phanxicô cùng với Giaxinta (bấy giờ chưa xưng tội rước lễ lần đầu) rước Máu Thánh. Thiên Thần Hòa Bình kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể như sau:"Các em hãy nhận lãnh Mình và uống Máu Chúa Kitô bị xúc phạm khủng khiếp bởi những tội vong ân bội nghĩa. Các em hãy đền bồi tội lỗi của họ và hãy an ủi Thiên Chúa của các em".
Ngài sấp mình trước Thánh Thể mà nguyện 3 lần:
"Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con sấp mình thờ lạy Chúa. Con xin dâng lên Chúa Mình Máu châu báu, linh hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong các nhà tạm trên khắp thế giới, để đền tạ những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu. Xin vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải".
Về chủ thể xúc phạm, nếu “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” đây là Chúa Giêsu Thánh Thể, thì phạm nhân chính là thành phần Kitô hữu Công giáo. Bởi vì, Giáo Hội Công Giáo tin thờ Chúa Giêsu Thánh Thể hết sức đặc biệt, chẳng những qua việc cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin là Thánh Lễ mà còn qua việc ban phát các Bí Tích Thánh. Đến nỗi, “Phụng vụ là tột đỉnh hướng về việc Giáo Hội hoạt động và đồng thời là nguồn mạch phát sinh mọi năng lực cho Giáo Hội” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, đoạn 10). Do đó, Kitô hữu Công Giáo “xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” khi họ không tin Người ngự trong Bí Tích yêu thương này nữa, khi họ bỏ không tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật hằng tuần nữa, khi họ coi thường các bí tích thánh, khi họ lên rước lễ với trọng tội trong mình, khi họ (ở một số trường hợp chính mắt người viết này thấy) vừa nhai kẹo cạo su vừa lên rước lễ, khi họ lấy Bánh Lễ mang về hạ nhục Chúa trong Black Mass, khi họ cho rước Máu Thánh không hết thì đem đổ vào gốc cây (như một vị linh mục bạn của người viết trông thấy kể lại), khi các vị thừa tác viên tư tế cẩu thả với Mình máu Thánh Chúa khi dâng lễ, khi Thánh Thể bị bỏ vào tủ đựng đồ ở buồng áo (trong Ngày Thứ Năm Tuần Thánh như một chứng nhân thân thiết của người viết này đã thấy kể lại), khi Thánh Lễ đã và đang bị biến thể hay biến chất thành một bữa tiệc có tính cách xã hội hóa theo chiều ngang nhiều hơn trang trọng theo hàng dọc của thứ Phụng Vụ cũ v.v.
Về vấn đề xúc phạm, vẫn biết chủ thể của những xúc phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể, đến “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” đây chính yếu là thành phần chủ thể Kitô hữu Công giáo. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những chữ kết là “vì Ngài đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, thì chúng ta có thể kết luận rằng, vấn đề xúc phạm đến Ngài không phải chỉ có những tội lỗi liên quan trực tiếp đến Thánh Thể hay Phụng Vụ mà thôi, do thành phần Kitô hữu Công giáo chúng ta gây ra cho Ngài. Vậy những gì “Ngài đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi” đây là gì, nếu không phải là tội lỗi của chung loài người đã xúc phạm đến Ngài như là một vị Thiên Chúa của loài người, một vị Thiên Chúa đã nhập thể làm người như họ trên thế gian.
Đúng thế, khi mặc lấy nhân tính của loài người, Ngài đã nên một với loài người, đã là “đồng loại”, là anh em của loài người, đặc biệt khi Ngài sống nghèo hèn ở Bêlem và Nazarét, nhất là khi Ngài bị khinh chê giầy đạp như một đồ ghê tởm trước mắt loài người trên cây thập tự giá giữa hai tên tử tội, Ngài đã đồng hóa với những ai bần cùng nhất, khốn nạn nhất trên thế gian này, thành phần trong ngày chung thẩm được Ngài gọi là “những người anh em hèn mọn nhất của Ta” (Mt 25:40,45). Bởi thế, một khi con người xúc phạm đến nhau là xúc phạm đến Ngài. Không tích cực yêu thương nhau, nhất là thành phần cần được cảm thương và giúp đỡ, đã là một trọng tội đáng bị đời đời xua đuổi “xa khuất mắt Ta” (Mt 25:41; x Lk 16:19-26), huống chi lại còn hận thù ghen ghét nhau, đến nỗi nhào vô đâm chém nhau, chẳng những giữa hai nước với nhau mà cả một số nước, như Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918) đang xẩy ra vào thời điểm của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima bấy giờ. “Vì Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi” là như thế.
Chưa hết, nếu yêu thương nhau thật thì cả hai sẽ trở nên một, cái đau của người yêu cũng là của mình. Không ai yêu mến Chúa bằng Mẹ Maria. Bởi thế, khi thấy Ngài bị “xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, Mẹ làm sao không cảm thấy nhức buốt đau thương. Đó là lý do khi thốt lên lời cuối cùng liên quan trực tiếp đến Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống ấy, gương mặt của Mẹ Maria trở nên buồn thương hơn bao giờ hết. Và đó cũng là lý do, như Mẹ đã hứa trong phần thứ hai của Bí Mật Fatima, là “Khi các con thấy ánh sáng lạ lùng chiếu giữa ban đêm, thì các con hãy biết rằng đó là điềm lạ vĩ đại Thiên Chúa muốn cho các con hay Ngài sắp sửa trừng phạt thế giới tội lỗi, bằng chiến tranh, đói khát và việc bắt bớ Giáo Hội cùng Đức Thánh Cha. Để ngăn ngừa điều này, Mẹ sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và xin rước lễ đền tạ vào các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng”.
Đến đây, qua câu “rước lễ đền tạ” chúng ta mới thấy rõ hơn nữa “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” đây chính là Chúa Giêsu Thánh Thể, và qua những lời tiếp theo đó “vào các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng”, (ngày vốn để biệt kính Mẹ Maria, chứ không phải Thứ Sáu Đầu Tháng vốn kính Thánh Tâm Chúa), tội phạm đến Ngài là những gì đã làm Mẹ đau lòng nữa. Mẹ đã quả thực hiện ra với chị Lucia, Thiếu Nhi Fatima tiên khởi “còn phải ở lại thế gian lâu hơn”, vào ngày 10/12/1925, tại tu viện dòng Dorothy của chị ở Pontevedra nước Tây Ban Nha, chỉ cho chị thấy Trái Tim bị gai nhọn quấn chung quanh ở trên tay của Mẹ, (hình ảnh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Mẹ đã tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima thấy vào lần hiện ra thứ hai 13/6/1917), với những lời kêu gọi như sau:
“Hỡi con yếu dấu, con hãy nhìn Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ bị gai nhọn cuốn chung quanh mà những kẻ vô ơn bội nghĩa hằng đâm nát từng giây từng phút bởi tội lộng ngôn và vô ơn của họ. Ít là con, con hãy gắng an ủi Mẹ. Mẹ hứa sẽ phù giúp, trong giờ lâm tử, bằng những ơn cần thiết đến phần rỗi, cho những ai, trong năm ngày thứ bảy đầu tháng liên tiếp, xưng tội và rước lễ, lần hạt 50 kinh Mân Côi và suy gẫm 15 phút 15 mầu nhiệm Mân Côi, với ý chỉ đền tạ Mẹ".
Như thế, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, về bản chất chẳng những ở tại việc nhận biết và yêu mến Mẹ, mà còn, về việc làm cụ thể, ở tại việc đền tạ Trái Tim Mẹ, đền tạ những tội lộng ngôn và vô ơn xúc phạm đến Mẹ. Qua cụm từ “những tội lộng ngôn và vô ơn” đây, chúng ta, một lần nữa, thấy rõ hơn bản chất hay chân tướng của vấn đề xúc phạm, chẳng những xúc phạm đến “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta”, mà còn xúc phạm cả đến Mẹ là Mẹ của chúng ta nữa. Vì Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Kitô. Đáng lẽ Kitô hữu nói chung và Kitô hữu Công Giáo nói riêng, một khi thâm tín được ơn cứu chuộc cao quí vô cùng là dường nào, họ phải tỏ ra hết lòng cảm mến và tri ân, chứ không quay ra lộng ngôn và vô ơn là những thái độ làm đau lòng cả Chúa lẫn Mẹ như thế.
Đó là lý do, để đền tạ cả Chúa lẫn Mẹ, một việc, như Mẹ hứa, sẽ bảo đảm phần rỗi đời đời cho những ai thực hiện trong năm ngày thứ bảy đầu tháng liền, một việc được tỏ rằng bằng 4 hành động khác nhau: xưng tội và rước lễ, lần hạt 50 Kinh Mân Côi và suy ngắm Mầu Nhiệm Mân Côi 15 phút. Riêng về việc lần hạt 50 Kinh Mân Côi và suy ngắm Mầu Nhiệm Mân Côi đây, chúng ta thấy rất hợp với ý nghĩa của việc đền tạ những tội lộng ngôn và vô ơn. Bởi vì, để đền tạ những tội lộng ngôn, Kitô hữu Công Giáo chúng ta dâng lời chúc tụng Thiên Chúa toàn năng đã làm cho Mẹ những sự trọng đại (x Lk 1:49), bằng lời Kinh “Kính mừng Maria đầy ơn Phúc… Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”; và để đền tạ những tội vô ơn, quên lãng hay khinh thường những gì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một mình (x Jn 3:16), thậm chí “đã phó nộp Con mình vì tất cả chúng ta” (Rm 8:32), chúng ta tỏ ra bằng việc suy ngắm Mầu Nhiệm Mân Côi.
Tóm lại, Sứ Điệp Fatima quả thực là một Linh Đạo Cứu Độ. Chẳng những bởi vì 3 Mệnh Lệnh Fatima làm nên Sứ Điệp Fatima đều là những phương thế cứu độ, là đường dẫn con người đến với Chúa, và cả 3 Mệnh Lệnh Fatima này có một liên hệ hết sức mật thiết với nhau. Ở chỗ, nếu “Thời gian đã nên trọn. Triều đại Thiên Chúa đã đến. Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm” (Mk 1:15), thì, áp dụng vào lịch sử cận đại và hiện đại, “thời gian đã nên trọn” đây được hiểu là Thời Điểm Maria, Thời Điểm Sau Hết, Mùa Vọng Cánh Chung. “Triều đại Thiên Chúa đã đến” đây được hiểu là Ý “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”. “Hãy cải thiện đời sống” đây được hiểu rằng “đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”. Và “tin vào Phúc Âm” đây được hiểu là “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày”, vì Kinh Mân Côi “là bản tóm lược Phúc Âm” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của ĐTC GPII, đoạn 19).