Chương Mười Một

TRÁI TIM MẸ:  THIÊN CHÚA MUỐN THIẾT LẬP.

 

Tại sao Đức Mẹ cần phải được nhận biết và yêu mến kể từ đầu thế kỷ 20 này, hay, nói cách khác, tại sao cho đến thế kỷ 20 này, Trái Tim Mẹ mới cần phải được thiết lập trên thế giới?

 

Phải chăng, đây là Thời Tận Thế? Cũng có thể nói như thế. Tuy nhiên, Thời Tận Thế chỉ là trường hợp, là hoàn cảnh thuận lợi để Thiên Chúa thiết lập việc tôn sùng Trái Tim Mẹ thôi. Để trả lời cho vấn nạn này, thiết tưởng cần phải phân tách kỹ lưỡng những gì Đức Mẹ đã nói với 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1917.

 

Thật ra, nếu biết được chủ đề chính yếu ở Fatima là gì, chúng ta có thể biết được tất cả nội dung của nó.

 

Chủ đề chính yếu ở Fatima đây là gì? Nghĩa là, tại sao Đức Mẹ đã hiện ra ở Fatima và Đức Mẹ đã hiện ra ở Fatima để làm gì?

 

Đức Mẹ đã nói với 3 Thiếu Nhi Fatima ngay lần hiện ra đầu tiên, ngày 13/5/1917, là “Ta từ trời xuống... Ta đến để xin các con đến đây sáu tháng liền, cũng vào ngày 13, cùng một giờ như thế này. Rồi Ta sẽ cho các con biết Ta là ai và Ta muốn gì.” (FILOW:158).

 

Vào lần hiện ra thứ hai, ngày 13/6/1917, Đức Mẹ lập lại: “Ta muốn các con đến đây vào ngày 13 tháng tới, muốn các con cầu kinh Mân Côi hằng ngày và học viết chữ. Sau này Ta sẽ cho các con biết Ta muốn gì.” (FILOW:160).

 

Vào lần hiện ra thứ ba, ngày 13/7/1917, Đức Mẹ xác định rõ hơn: “Hãy đến đây mỗi tháng. Vào tháng 10, Ta sẽ nói Ta là ai và Ta muốn gì, rồi Ta sẽ làm một phép lạ để mọi người thấy mà tin”(FILOW:161).

 

Và, đúng như lời hứa, vào lần hiện ra cuối cùng, ngày 13/10/1917, Đức Mẹ đã tỏ ra Mẹ là ai và Mẹ muốn gì, khi nói:

 

“Ta muốn một nhà thờ xây lên ở đây để tôn kính Ta. Ta là Đức Mẹ Mân Côi” (FILOW:168).

 

Phải chăng mục đích của Đức Mẹ hiện ra ở Fatima là chỉ để xin xây cho Mẹ một nhà thờ ở đó để tôn kính Mẹ, hay Mẹ còn một ý sâu xa nào khác?  

 

Thật ra, một nhà thờ cần phải xây lên ở Fatima để tôn kính Mẹ đúng là ý Mẹ muốn ở Fatima, cũng như ở các nơi khác, như ở Lộ Đức nước Pháp hay ở Guađalúp nước Mễ Tây Cơ. Hình như, mỗi lần hiện ra, Đức Mẹđều tỏ ý muốn xin con cái của Mẹ làm một điều gì đó bề ngoài để tỏ ra bề trong họ tin vào Mẹ, nhờ đó,

nhờ lòng tin của họ và qua phương tiện Mẹ muốn, Mẹ có thể ban ơn cho họ. Chúa Giêsu cũng thê, trong thời

gian tỏ mình ra cho dân Do Thái, có một số trường hợp, đã bảo các kẻ muốn được Ngài ban ơn cho trước

hết phải làm những việc bề ngoài tỏ ra lòng họ tin vào Ngài đã, như bảo 10 người cùi đi trình diện với các vị tư tế (x Lc 17: 14), hay bảo người mù từ lúc mới sinh đã được Ngài chét bùn lên mắt đi rửa mắt ở hồ Siloam (x Gn 9:7).

 

Tuy Đức Mẹ muốn xây cho Mẹ một nhà thờ ở Fatima để tôn kính Mẹ. Đó chỉ là một việc bề ngoài Mẹ xin thôi. Theo tôi, ý muốn sâu xa và tha thiết đã thúc đẩy Đức Mẹ phải hiện ra ở Fatima tiềm ẩn trong chính câu nói kết thúc 6 lần Mẹ hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima:

 

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi” (FILOW:168).

 

Vâng, chính câu nói thảm thiết và khẩn khoản cuối cùng này của Mẹ đã nói lên cả lý do lẫn mục đích của việc Mẹ Maria hiện ở Fatima năm 1917.

 

Lý do Mẹ hiện ra ở Fatima, qua câu nói này, là vì Mẹ kính mến "Chúa của chúng ta" (mà Mẹ cũng là một phần tử), Đấng “đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.  

 

Mục đích Mẹ hiện ra ở Fatima, cũng qua câu nói đầy yêu thương từ mẫu này, là để xin loài người “đừng phạm tội nữa”, tức Mẹ xin loài người “hãy ăn năn hối cải”.

 

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong bài giảng tại Fatima ngày 13/5/1982, cũng đã minh nhiên xác nhận rằng: “Sứ điệp Fatima, trọng tâm của nó, là một lời kêu gọi cải thiện và thống hối, như trong Phúc Âm” (FAOS:78).

 

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

 

Phải, chính tội lỗi của loài người đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Do đó, cần phải hy sinh để đền tạ.

 

Thiên Thần đã hiện ra ba lần với 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1916, lần thứ hai Thiên Thần đã giục các em: “Hãy tìm dịp hy sinh trong mọi sự các em có thể để dâng lên Thiên Chúa như một tác động đền tạ các tội lỗi mà Ngài đã bị xúc phạm và để nguyện cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” (FILOW:152). Lần hiện ra thứ ba, các em thấy một Bánh Thánh lơ lửng và nhỏ Máu xuống Chén Thánh đang ở trong tay của Thiên Thần.

 

Vào lần hiện ra đầu tiên, chính Đức Mẹ đã hỏi các em: “Các con có muốn dâng mình cho Thiên Chúa để lãnh nhận tất cả những đau khổ Ngài muốn gửi cho các con như một tác động đền tạ tội lỗi mà Ngài bị xúc phạm cũng như để cầu cho tội nhân ăn năn trở lại không?” (FILOW:158).

 

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

 

Phải, chính tội lỗi đã làm cho các linh hồn phải hư đi. Do đó, cần phải hy sinh để cứu rỗi họ.

 

Đức Mẹ đã dạy cho 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13/8/1917: “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, và hãy thực hiện những hy sinh cho các tội nhân, vì nhiều linh hồn sa hỏa ngục bởi không có ai chịu hy sinh cho họ và cầu nguyện cho họ” (FILOW:167).

 

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

 

Phải, chính tội lỗi cũng làm cho thế giới phải chịu đau khổ vì chiến tranh. Do đó, cần phải cầu kinh Mân Côi để thế giới được hòa bình.

 

Không lần nào hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima, Đức Mẹ không lập lại, theo đại ý, cùng một lời kêu gọi: “Hãy cầu kinh Mân Côi mỗi ngày để xin cho thế giới được hòa bình và cho chiến tranh chấm dứt”  (FILOW:160,161,166,168).

 

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

 

Phải, chiến tranh xẩy ra, theo Đức Mẹ cho các em biết vào ngày 13/7/1917, là vì: “Nước Nga sẽ gieo rắc lầm lạc khắp thế giới, gây chiến tranh và bắt bớ Giáo Hội” (FILOW:162). Do đó, cần phải, “hiến dâng nước

Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:162).

 

Như thế, tất cả những gì Mẹ nói hay dạy ở Fatima đều phát xuất và qui hướng về chủ điểm “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

 

Mẹ đã nói về những hiện trạng đáng thương nếu loài người cứ tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa, như Thiên Chúa bị xúc phạm, tội nhân bị hư đi, thế giới bị chiến tranh, nước Nga là thảm họa. Tuy nhiên, để cứu vãn tình thế thảm hại không thể nào tránh được đó, Mẹ cũng đã dạy chúng ta, qua 3 Thiếu Nhi Fatima, những phương thế và những điều kiện hữu hiệu nhất, hợp với từng thảm trạng, như việc đền tạ đối với Thiên Chúa bị xúc phạm, như việc hy sinh cho tội nhân ăn năn trở lại, như việc cầu kinh Mân Côi cho hòa bình thế giới, như việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cho nước Nga trở lại.

 

Tóm lại, từ câu nói then chốt cuối cùng của Đức Mẹ ở Fatima: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”, và qua những lời Mẹ nói cũng như dạy ở Fatima liên hệ mật thiết với câu nói đó, như vừa trình bày, rõ ràng là Đức Mẹ, theo Thánh Ý và thời điểm ấn định của Thiên Chúa, đã hiện ra ở Fatima để tỏ cho nhân loại nói chung và cho con cái Mẹ nói riêng Trái Tim của Mẹ:

 

Một Trái Tim biểu hiệu sự Thánh Thiện và Tình Yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với nhân loại, qua lời Mẹ thiết tha van nài: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi” (FILOW:168).

 

- Một Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, như 3 Thiếu Nhi Fatima, ngày 13/6/1917, khi được chìm ngập trong Thiên Chúa bởi ánh sáng tỏa ra từ hai bàn tay xòe ra của Đức Mẹ, đã thị kiến ở trong lòng bàn tay phải của Người một Trái Tim bị đâm bởi vòng gai mà các em hiểu đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ (FILOW:161).

 

- Một Trái Tim phải được tôn sùng, như Mẹ đã nói với Lucia ngày 13/6/1917: “Ngài (Chúa Giêsu) muốn thiết lập trên thế giới việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:161).

 

- Một Trái Tim Đau Thương, như Chúa Giêsu Hài Đồng đã nói với chị Lucia ngày 10/12/1925: “Hãy thương

đến Trái Tim Mẹ rất thánh của con bị gai nhọn quấn chung quanh bởi những kẻ vong ân tệ bạc đâm vào từng

giây từng phút mà chẳng có ai làm việc đền tạ để lấy những gai nhọn ấy đi” (FILOW:195).

 

- Một Trái Tim phải được đền tạ, như Mẹ Maria cũng đã xin với chị Lucia ngày 10/12/1925: “Hỡi con gái

của Mẹ, hãy nhìn vào Trái Tim của Mẹ đây, bị gai nhọn quấn chung quanh do những kẻ vong ân bất nghĩa đâm vào hằng giây hằng phút bằng các tội lộng ngôn và bội bạc của họ. Ít là con hãy an ủi Mẹ” (FILOW:195)

 

Vào lần hiện ra thứ 3, 13/7/1917, Mẹ đã dạy 3 Thiếu Nhi Fatima mỗi khi hy sinh thì thầm nguyện: “Ôi Chúa Giêsu, (con xin dâng hy sinh này) vì yêu Chúa, cho tội nhân ăn năn trở lại và để đền tạ các tội lỗi đã xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:162).

 

- Một Trái Tim cứu rỗi, như Mẹ Maria nói với chị Lucia ngày 13/6/1917: “Ngài (Chúa Giêsu) muốn thiết lập trên thế giới việc tôn sùng Trái Tim VôNhiễm  Nguyên Tội Mẹ. Mẹ hứa ban phần rỗi cho những ai tha thiết với việc tôn sùng này” (FILOW:195). Ngày 13/7/1917, Đức Mẹ còn nói với cả 3 Thiếu Nhi Fatima: “Các con vừa nhìn thấy hỏa ngục, nơi các linh hồn tội nhân khốn nạn rơi xuống đó. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:162).

 

- Một Trái Tim đáng tin cậy và nương nhờ, như Mẹ đã nói với Lucia ngày 13/6/1917 khi Lucia lo buồn về số phận của mình phải ở lại thế gian lâu hơn Giaxinta và Phanxicô: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa” (FILOW:161).

 

- Một Trái Tim toàn thắng: “Cuối cùng, Trái Tim Mẹ sẽ thắng (FILOW:162).