Chia Sẻ Niềm Tin
Theo thông lệ của Liên Đoàn Thiếu Nhi Fatima Tổng Giáo Phận Los Angeles từ năm
1992, tôi đi tham dự Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng với các em Thiếu Nhi Fatima đến từ
các đoàn (San Gabriel, Los Angeles, Torrance, El Monte và Pomona). Vì có 5 đoàn
(sau khi Đoàn West Covina được linh mục quản nhiệm bấy giờ đổi thành Thiếu Nhi
Thánh Thể năm 1994), mỗi Đoàn phụ trách tổ chức Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng 2 lần một
năm (thường cách nhau 6 tháng một), và Liên Đoàn cũng phụ trách một năm hai lần,
một vào Tháng 12, Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, quan thày của Liên Đoàn, và một vào
Tháng 2, để ăn tất niên hay mừng tân niên chung Liên Đoàn. Trong mỗi Ngày Thứ
Bảy Đầu Tháng, các em Thiếu Nhi Fatima, chính yếu là các Huynh Trưởng, một số em
Ngành Nghĩa (từ 14 đến hết 17 tuổi), đôi khi có cả ngành Thiếu (từ 10 đến hết 13
tuổi), qui tụ về một nơi đã được ấn định theo Niên Lịch Sinh Hoạt của Liên Đoàn,
để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ (bằng việc lần hạt 50 Kinh Mân Côi),
học hỏi sống đạo, dâng Thánh Lễ, ăn trưa và sinh hoạt thể thao sau đó. Thứ Bảy
Đầu Tháng ngày 7/7/2002 tới phiên Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Lộ Đức Los
Angeles. Đoàn này thường tổ chức tại nguyện đường của Dòng Nữ Chúa Chiên Lành (có
các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam ở Los Angeles đến phục vụ các phụ nữ đáng
thương ở đây nữa) ngay trong khu nhà thờ Đức Mẹ Loretto ở Downtown Los Angeles.
Hôm đó, vào lúc 9 giờ sáng, tôi theo ba em Thiếu Nhi Fatima của Đoàn này tiến
vào nhà nguyện để sửa soạn cho Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng. Bấy giờ chúng tôi nghe
thấy tiếng của một người phụ nữ đang đọc sách ra tiếng, đó là một người phụ nữ
da hơi đen, trạc trên 30 tuổi, ngồi một mình ở cuối nguyện đường, góc bên trái
nhìn lên bàn thờ. Em Huynh Trưởng lớn nhất vào phòng áo dọn lễ, hai em khác ngồi
ở cuối nhà nguyện, góc bên phải nhà nguyện, còn tôi đứng gần hai em để đọc lại
bài Phúc Âm Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm A cuối tuần ấy.
Một lúc sau chúng tôi nghe chị phụ nữ lên tiếng hỏi xin các anh cho biết người
Công Giáo các anh làm gì? Nghe thấy thế, tôi hỏi lại chị ta rằng chị hỏi như thế
có nghĩa là gì, vì tôi muốn biết rõ ý của chị tôi mới trả lời chính xác đúng như
chị muốn. Chị ta liền thêm, giả sử các anh ra ngoài đường, gặp một người hỏi các
anh về Công Giáo của các anh, hỏi rằng người Công Giáo của các anh làm những gì,
thì các anh trả lời làm sao cho họ về những gì hiển nhiên (“self explanatory”)
các anh làm cho thấy các anh là người Công Giáo.
Trước khi trả lời, tôi đặt vấn đề với chị: chị có thể cho biết niềm tin của chị
hay chăng (“what is your faith?”). Không ngần ngại, chị trả lời: tôi tin vào
Chúa Giêsu Kitô. Theo đà ấy, tôi bắt đầu nhập cuộc: Người Công Giáo chúng tôi
cũng tin vào Chúa Giêsu là Đức Kitô. Tuy nhiên, vì biết đối tượng của mình là
một chị em Tin Lành, tôi liền thêm điểm đặc biệt nổi bật của Giáo Hội Công Giáo
mà cả bên Chính Thống lẫn Tin Lành (kể cả Anh Giáo) cũng không có, đó là Huấn
Quyền Tối Thượng của Giáo Hoàng. Bởi thế, tôi tiếp tục chia sẻ thêm, người Công
Giáo chúng tôi chẳng những tin Chúa Giêsu là Đức Kitô mà còn tin Người đã lập
Giáo Hội của Người trên tảng đá Phêrô, và đã trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô,
nên việc của người Công Giáo của chúng tôi trước hết là tôn kính và tuân phục
Giáo Hoàng là vị thừa kế Thánh Phêrô đại diện Chúa Giêsu Kitô trên trần gian. Về
điểm này, chị phụ nữ hình như đồng ý không phản ứng gì cả.
Tôi liền tiến sang việc làm thứ hai người Công Giáo vẫn làm để tỏ ra mình là
Công Giáo đó là việc biệt tôn Mẹ Maria. Thật ra, việc tôn sùng Mẹ Maria và Thánh
Thể bên Giáo Hội Chính Thống Đông Phương cũng có, vẫn biết hơi khác với Giáo Hội
Công Giáo, và việc đọc Thánh Kinh thì bên anh chị em Tin Lành cũng có. Đó là lý
do tôi đã nhấn mạnh đầu tiên đến việc làm nổi bật chuyên nhất của người Công
Giáo là việc tôn sùng và tuân phục Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, vì hôm nay là Thứ
Bảy Đầu Tháng, ngày Giáo Hội vẫn dùng để biết tôn Mẹ Maria, tôi chia sẻ thêm với
chị phụ nữ: người Công Giáo chúng tôi còn thực hiện việc biệt kính Đức Maria nữa,
vì Người là Mẹ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa Làm Người. Đó là lý do chị thấy giới
trẻ chúng tôi đến đây hôm nay trong Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng. Về điểm này thì chị
phụ nữ lên tiếng liền, chị nói chị không biết tại sao bên Công Giáo lại đi tôn
thờ (“worship”) bà Maria, trong khi bên họ chỉ tôn thờ Thiên Chúa và Vị Trung
Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Tôi liền
lập lại những gì tôi vừa nói với chị là chúng tôi chỉ biệt kính Đức Maria (“pay
special devotion to Mary”) và biệt tôn Người (“give special honor to Her”) mà
thôi, chứ chúng tôi không bao giờ tôn thờ Người.
Sau khi chấp nhận những gì tôi nói về những việc minh nhiên “self-explanatory”
người Công Giáo làm để tỏ ra mình là người Công Giáo như thế, chị phụ nữ xin lỗi
hỏi tôi thêm một điều nữa. Chị hỏi tôi rằng người Công Giáo có tin luyện ngục
không? Tôi xác nhận liền là có. Chị nói bên Tin Lành của chị thì chỉ tin có hai
thực tại mà thôi, một là Thiên Đàng và hai là hỏa ngục, chứ không có lưng chừng
ở giữa như luyện ngục. Chị còn thêm, vì trong Thánh Kinh không hề nói gì về
luyện ngục cả. Tôi hỏi chị có đọc Sách Macabê không? Chị nói chị đã đọc từ đầu
đến cuối (“from cover to cover”) toàn bộ Thánh Kinh King James song không thấy
cuốn Macabê đâu cả. Tôi biết bên Tin Lành theo sổ bộ Thánh Kinh Do Thái không
công nhận cuốn Sách Macabê này, do đó, tôi đi tìm bộ sách Thánh Kinh Công Giáo (cuốn
The New Amerian Bible, cuốn bìa mầu xanh lá cây), ở kệ sách gần chỗ chị ngồi,
lật ở phần phân mục (index), kiếm chữ luyện ngục (purgatory), rồi đưa cho chị
đọc.
Trong khi chị đọc, tôi đi ra khỏi nhà nguyện để gặp gỡ các em Thiếu Nhi Fatima
mới đến. Khi vừa trở lại nguyện đường thì chị phụ nữ này cũng vừa bước ra khỏi
cửa. Chị liền chặn tôi lại bằng cách gọi tên thánh của tôi “you are Dominic?”
“anh là Đaminh phải không?”, tôi nhận phải. Chắc là một em thiếu nhi nào đó đã
cho chị biết tên tôi trong thời gian tôi ra ngoài. Chị nói chị đã đọc hết những
gì tôi chỉ cho chị về luyện ngục, nhưng chẳng thấy gì xác định rõ là Thánh Kinh
có điều này cả. Tôi liền lấy lại cuốn sách Thánh Kinh đã đưa cho chị, lật lại
chỗ phân mục, và hỏi chị đã đọc những chỗ trích dẫn trong Thánh Kinh chưa, nhất
là chỗ của Sách Macabê.
Chị nói các chỗ khác thì chị thuộc hết rồi, như đoạn về phán xét trong Phúc Âm
Thánh Mathêu, còn đoạn Sách Macabê thì chị chưa có giờ đọc, nhưng chị sẽ trở lại
đọc sau. Tôi liền hỏi chị là chị có bao giờ cầu nguyện cho kẻ chết hay chăng,
chị nói kẻ chết thì đã qua đi rồi (“gone”), không cần cầu cho họ nữa, chỉ cần
cầu cho kẻ sống mà thôi. Tôi đi sâu vào vấn đề hơn, bằng cách hỏi ngay bản thân
của chị rằng, chị có nghĩ rằng sau khi chết rồi chị được lên Thiên Đàng ngay
chăng? Chị trả lời chị sẽ phải bị phán xét đã. Tôi muốn chị dứt khoát vấn đề,
liền hỏi thêm, vậy sau khi chị được phán xét rồi thì chị có nghĩ là chị xứng
đáng hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa hay chăng. Chị nói không. Tôi hỏi chị, vậy thì
chị sẽ đi đâu, nếu chị chỉ tin có Thiên Đàng và hỏa ngục. Chị liền bắt tay tôi
và hẹn gặp lại tôi sau.
Lợi dụng trường hợp cụ thể hiển nhiên vừa mới xẩy ra, tôi khuyên các em Thiếu
Nhi Fatima hãy giành giờ đọc sách thiêng liêng, nhất là Thánh Kinh. Trước hết,
để hiểu biết Thiên Chúa hơn, vì Thánh Kinh ghi nhận Mạc Khải Thần Linh, tỏ cho
chúng ta thấy chính Thiên Chúa và làm sao có thể đến với Ngài. Sau nữa, để có
thể chẳng những củng cố niềm tin của mình mà còn nhờ đó để hộ giáo (patrology)
trong những trường hợp như vừa bất ngờ xẩy ra nữa. Trong cuộc trao đổi niềm tin
này, chị phụ nữ có lúc đã tỏ cho thấy ý nghĩa của vấn đề chị muốn đặt ra ngay từ
đầu về những gì người Công Giáo làm để tỏ ra họ là người Công Giáo. Theo chị,
như lời chị nói, chị không thấy người Công Giáo đọc Thánh Kinh gì cả! Theo tôi
hiểu câu khẳng định này của chị thì có thể chị cho rằng bên Tin Lành của chị lấy
việc đọc Thánh Kinh là chính yếu thì bên Giáo Hội Công Giáo việc nào là việc
chính yếu, việc cho thấy cái Công Giáo tính của mình? Có phải là việc đọc Thánh
Kinh hay chăng, một việc mà chị không thấy người Công Giáo làm gì cả? Làm sao
chị dám khẳng định như vậy? Phải chăng lời khẳng định này của chị được căn cứ
vào những lần chị đặt vấn đề với những người Công Giáo, chẳng hạn giống như
những gì chị hỏi tôi hôm nay, song chị đã không được giải quyết thỏa đáng chăng,
nên chị suy ra như vậy?
Dầu sao, lần gặp gỡ người chị em Tin Lành này cho tôi thấy rõ một điều, đó là,
dù chị không thuộc về Giáo Hội Công Giáo với tôi và như tôi, nhưng chị vẫn thành
tâm tìm Chúa Kitô và theo Chúa Kitô, ít là bằng việc chuyên cần đọc Thánh Kinh
và tìm hiểu Lời Chúa, thì, theo tôi, chắc chắn, một lúc nào đó, chị sẽ gặp được
Đấng lúc nào cũng muốn tỏ mình ra cho những ai Người muốn tìm kiếm, như người
phụ nữ ngoại lai Samaritanô bên bờ giếng Gia Cóp, hay cho những ai thành tâm tìm
kiếm Người, như trường hợp người đàn bà Canaan trong bài Phúc Âm hôm nay.
Trong cuộc chia sẻ niềm tin này, chị phụ nữ còn nêu lên một vấn đề khác nữa, đó
là các anh có tin Chúa Thánh Thần không? Tôi trả lời chị là có chứ, vì không có
Ngài chúng ta không thể biết Thiên Chúa là ai, không thể hiểu được chính Mạc
Khải Thần Linh đã được Thiên Chúa là Thần Linh tỏ ra cho chúng ta qua Đức Giêsu
Kitô, tức không thể hiểu được Chúa Giêsu Kitô, không thể chấp nhận Chúa Giêsu
Kitô. Tuy nhiên, vì chị nhẩy ngay sang vấn đề khác, nên tôi chưa kịp nói thêm
với chị về một điểm rất quan trọng là làm sao chúng ta có thể biết mình có Chúa
Thánh Thần, hay được Thánh Thần soi động. Bằng không, nhiều khi chính Thánh Thần
lại tự mâu thuẫn với Ngài nơi con người. Ở chỗ, ai cũng tuyên nhận là mình có
Thánh Thần, mà lại tuyên bố những gì liên quan đến tín lý hoàn toàn trái ngược
với nhau, mà lại cắt nghĩa Thánh Kinh hết sức nghịch nhau. Đó là lý do người
Công Giáo cần phải tuân phục Huấn Quyền Tối Thượng của Đức Giáo Hoàng, vị thừa
kế Thánh Phêrô, nhân vật đã được Chúa Kitô dùng làm nền tảng vững chắc như đá
(“peter/rock”) để xây dựng Giáo Hội của Người đến muôn đời, bằng cách đã trao
chìa khóa quyền linh Nước Trời cho nhân vật nồng cốt quan trọng này để ngài có
thể thay thế Người chăn dắt đoàn chiên của Người trên thế gian (xem Mathêu
16:18-19; Jn 21:15-17). Tóm lại, đối với người Công Giáo, theo Chúa Kitô tức là
hiệp nhất với Giáo Hội được Người thiết lập trên Tảng Đá Phêrô vậy!
Chúa Nhật XIV Mùa Thường Niên Năm A, 7/7/2002,
Lễ Thánh Cyriô và Mêthôđiô, quan thày Âu Châu
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL