|
Ngày 13/3: Thánh Patricia. Sinh ở Constantinople. Có liên hệ với hoàng tộc. Bỏ đi hành hương để tránh cuộc hôn nhân bị hoàng đế ép buộc. Đến Jerusalem, Rome và cuối cùng đến Naples rồi chết ở đây. |
“Ta sẽ cho các ngươi
thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống” Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Hỡi dân Ta, nầy Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa lúc Ta mở cửa mồ các ngươi và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành”. Lời của Chúa.
Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giàu ơn cứu độ. 1. Từ vực sâu, lạy Chúa, tôi kêu lên Chúa, lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của tôi. 2. Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. 3. Tôi hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn tôi trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn tôi mong đợi Chúa tôi, hơn người lính gác mong trời rạng đông. 4. Hơn người lính gác mong hồng đông dậy. Israel đang mong đợi Chúa tôi: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giàu ơn cứu độ... Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác.
“Thánh Thần của Đấng làm
cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em” Anh em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em. Lời của Chúa.
“Ta là sự sống lại và là
sự sống” Khi ấy, có một người đau liệt tên là Lagiarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. Maria nầy chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Lagiarô lâm bệnh. Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”. Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Lagiarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”. Môn đệ thưa: “Thưa Thày, mới đây người Do Thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư”? Chúa Giêsu đáp: “Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng”. Người nói thế, rồi lại bảo họ: “Lagiarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông”. Môn đệ thưa: “Thưa thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khỏe lại”. Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Lagiarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: “Lagiarô đã chết. Nhưng ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông”. Lúc đó Tôma cũng có tên là Điđimô nói với đồng bạn: “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người”. Đến nơi, Chúa Giêsu thấy Lagiarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do Thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không”? Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”. Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: “Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em”. Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do Thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết”. Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do Thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: “Đã an táng Lagiarô ở đâu”? Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do Thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao”. Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người nầy khỏi chết ư”? Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao”? Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã nhậm lời con. Con biết: Cha hằng nghe lời con. Nhưng con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Lagiarô! Hãy ra đây!”. Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”. Một số người Do Thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người. Phúc Âm của Chúa. ____________________________________ CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A
“Hỡi Lazarô, hãy bước ra!”
Mạc Khải “Thày là Sự Sống” cho chị em Matta và Maria Nếu hai tuần III và IV của Mùa Chay thuộc Chu Kỳ Phụng Niên Năm A, Phúc Âm Thánh Gioan được Giáo Hội có ý chọn đọc về trình thuật Chúa Giêsu đã Mạc Khải Người là “Đường Lối” cho phụ nữ Samaritanô ngoại lai, và Người là “Sự Thật” cho người mù từ lúc mới sinh, thì tuần V này đến trình thuật Chúa Giêsu đã Mạc Khải Người là “Sự Sống” qua việc Người hồi sinh Lazarô từ trong cõi chết. Bởi vì, trong trình thuật hồi sinh Lazarô này, trước khi ra tay cải tử hoàn sinh, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố với Matta: “Thày là sự sống lại và là sự sống: ai tin vào Thày thì dù có chết cũng được sống và ai đang sống mà tin vào Thày sẽ không bao giờ phải chết” (Jn 11:25-26). Phải, chính lời tuyên bố này của Chúa Giêsu là tột đỉnh Mạc Khải Chúa Kitô là “Sự Sống” trong trình thuật hồi sinh Lazarô của bài Phúc Âm hôm nay, cũng như lời Người tuyên bố “Ta là Đấng đang nói với chị/anh” (Jn 4:26; 9:37) trong trình thuật Người tỏ mình ra cho chị phụ nữ Samaritanô của Phúc Âm hai tuần trước, hay cho người mù từ lúc mới sinh của Phúc Âm tuần vừa rồi. Tuy nhiên, so sánh với hai lần tỏ mình trước, một cho người phụ nữ Samaritanô và một cho người mù từ lúc mới sinh, lần tỏ mình của Chúa Giêsu lần này hơi khác. Ở chỗ, hai lần trước Người từ từ dẫn con người đến việc nhận biết Người, tức Người tỏ mình ra sau, còn lần này Người tỏ mình ra trước khi hành động, tức là sau khi tự xưng “Thày là sự sống lại và là sự sống”, Người mới ra tay chứng tỏ mình thực sự là như thế. Tại sao? Nếu không phải tại vì đối tượng của lần này khác với hai lần trước. Đối tượng của lần tỏ mình ra này không phải là một phụ nữ ngoại lai ở miền đất Samaritanô xa lạ, hay là một kẻ mù từ lúc mới sinh người Do Thái ở miền chính giáo Giuđêa, mà là một gia đình hết sức nghĩa thiết với Người (xem Jn 11:5) ở ngay Bêthania gần thành thánh Giêrusalem (xem Jn 11:18), địa điểm Vượt Qua của Người. Tuy nhiên, không phải vì thân thiết với Người mà Chúa Giêsu đã châm chước yếu tố nhân sinh cho chị em này, ngay trước giây phút tuyệt đỉnh của Mạc Khải, trước giây phút Chúa Kitô tỏ mình ra “Thày là sự sống lại và là sự sống”. Như trường hợp của người phụ nữ Samaritanô và người mù từ lúc mới sinh, cả hai đã phải tỏ ra lòng thành khao khát và tìm kiếm chân lý của mình mới được Người tỏ mình ra cho biết thế nào, bà chị cả Matta trong gia đình ba chị em của người chết Lazarô cũng thế, cũng đã phải bày tỏ lòng mình đối với Người như sau: “Lạy Thày, nếu Thày có mặt ở đây em con đâu có chết. Dù thế, ngay lúc này đây, con tin chắc Thiên Chúa sẽ ban cho Thày những gì Thày xin”. Nếu người phụ nữ Samaritanô ngoại lai, sau giây phút tuyệt đỉnh của Mạc Khải, đã chạy về loan báo cho dân làng của mình hay biết thế nào, và nếu người mù từ lúc mới sinh, sau giây phút nhận ra Đấng đã phục quang cho mình, đã tuyên xưng đức tin và phục xuống thờ lạy Người thế nào, Matta cũng thế, sau khi nghe Thày tự xưng “Thày là sự sống lại và là sự sống”, đã tuyên xưng đức tin: “Vâng, Lạy Thày, con tin. Con đã tin rằng Thày là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng đến trong thế gian”, rồi sau đó về nhà báo tin cho Maria em mình, người cũng bày tỏ lòng mình với Chúa Giêsu y như chị của mình, khi cô vừa gặp Người và qùi sụp xuống dưới chân Người mà thổn thức: “Lạy Thày, nếu Thày có mặt ở đây em con đâu có chết”. Và chỉ sau lời thổn thức này của Maria, nhất là, như Phúc Âm cho biết, “khi thấy cô khóc, và những người Do Thái theo cô cũng khóc, tâm hồn Người cảm thấy bồi hồi xúc động. Người hỏi: ‘Các người chôn táng anh ta ở đâu?’. Họ đáp ‘Thưa Thày, xin hãy đến mà xem’. Chúa Giêsu bắt đầu khóc”. Tại sao Chúa Giêsu lại khóc? Phải chăng vì Người không cầm được lòng khi thấy Maria khóc? Nhưng Maria sở dĩ khóc là vì Lazarô thân yêu của chị em cô đã chết, trong khi đó, Chúa Giêsu biết chắc chắn rằng Người có thể làm Lazarô cải tử hoàn sinh cho chị em cô! Vậy thì phải chăng động lực thúc đẩy Người khóc, cử chỉ hết sức hiếm hoi và đặc biệt được Phúc Âm lần đầu tiên ghi nhận, là vì, ngay lúc bấy giờ, Người nghĩ đến các linh hồn bất tử vô cùng cao quí nói chung, nhất là linh hồn của thành phần bạn thân của Người nói riêng, sẽ đời đời bị chôn vùi trong nấm mồ sự chết, không bao giờ bước ra khỏi ngôi mồ vĩnh tử này nữa, không còn nghe thấy tiếng gọi của Người nữa, khi Người lên tiếng gọi họ như đã gọi Lazarô “hãy bước ra khỏi mồ”. Đúng thế, về phương diện tâm linh, con người tội lỗi trên đời này là một con người sống trong sự chết, một sự chết, đối với Chúa, chẳng khác gì như là một giấc ngủ (xem Mt 9:24), Người cần phải gọi họ dạy. Vì là một giấc ngủ, dù có ngủ say, ngủ mê ngủ mệt đến mấy, đến độ “xông mùi” đi nữa, như trường hợp của Lazarô trong bài Phúc Âm hôm nay, con người tội lỗi vẫn còn khả năng nghe được tiếng “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24): “Kẻ chết sẽ nghe thấy tiếng của Con Thiên Chúa và những ai nghe theo tiếng ấy sẽ được sống” (Jn 5:25). Mạc Khải “Thày là Sự Sống” theo ý nghĩa của Mùa Chay Mùa Chay là Thời Đoạn Phụng Vụ hướng về và sửa soạn cho việc cử hành và cảm nghiệm Biến Cố Vượt Qua., một biến cố không phải Chúa Giêsu chỉ chịu khổ nạn và tử giá, mà còn sống lại hiển vinh nữa. Bởi thế mới gọi là Vượt Qua: “vượt qua sự chết mà vào sự sống” (Jn 5:24). Người đã ví cuộc Vượt Qua của Người chẳng khác gì như thân phận của một hạt lúa miến gieo xuống đất cần phải vượt qua mục nát mới có thể trổ sinh muôn vàn hoa trái (xem Jn 12:24). Phần Người, Người “đến để làm chứng cho chân lý” (Jn 18:37), ở chỗ “không làm theo ý mình mà là ý Đấng đã sai” (Jn 6:38), tới độ “Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Phil 2:8). Chính vì thế, “Thiên Chúa đã tôn vinh Người” (Phil 2:9; xem Jn 17:1,5), ở chỗ, đã chứng thực Người là “Con yêu dấu” (Mt 3:17, 17:5), là Đấng Thiên Sai của Ngài, bằng cách “Thiên Chúa đã làm cho Người từ trong kẻ chết sống lại” (Acts 10:40, 13:30). Cuộc Vượt Qua, bao gồm việc Chúa Giêsu “tự hiến” (Jn 17:19) để làm chứng Người được Thiên Chúa sai, và việc Thiên Chúa làm cho Người từ trong kẻ chết sống lại cũng để chứng thực Người quả là Đấng Thiên Sai của Ngài, cần phải thực hiện để làm gì, nếu không phải để cho chung con người (đặc biệt là dân Do Thái) và riêng thành phần chứng nhân tiên khởi “tin mà được sự sống đời đời” (Jn 3:16). Nếu “Tôi đến cho chiên được sự sống và được sự sống viên trọn” (Jn 10:10), bằng cách “hiến mạng sống mình vì chiên” (Jn 10:11), thì Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô chính là để ban sự sống trường sinh một cách phổ quát cho chung loài người, và một cách bí tích cũng như thần bí cho riêng những ai tin vào Người vậy. Như thế, việc Chúa Giêsu làm cho Lazarô cải tử hoàn sinh vào thời điểm gần đến ngày giờ Vượt Qua của Người chính là dạo khúc của Thực Tại Mạc Khải “Thày là sự sống lại và là sự sống” vậy. Tại sao Chúa Giêsu, trong trường hợp Người làm cho Lazarô hồi sinh bước ra khỏi mồ, không xưng mình “Ta là sự sống (trước) và là sự sống lại (sau)”, mà lại xưng “Ta là sự sống lại (trước) và là sự sống (sau)”? Theo tôi, Chúa Giêsu phải “là sự sống lại (trước)”, bởi vì, Người sẽ sống lại từ trong kẻ chết, một sự sống lại về phần xác được Người tỏ cho thấy trước nơi việc Người làm cho Lazarô bạn thân của Người sống lại về phần xác. Và Chúa Giêsu phải “là sự sống (sau)”, bởi vì, nhờ việc Người sống lại về phần xác của Người như thế, Người mới làm cho nhiều Người tin vào Người, nghĩa là làm cho họ được sự sống đời đời, như qua việc Người đã làm cho Lazarô sống lại về phần xác, nên, theo Phúc Âm hôm nay cho biết, Người đã thực sự làm cho nhiều người Do thái có mặt bấy giờ được sự sống. Ở chỗ, nếu “sự sống đời đời là nhận biết…” (Jn 17:3), thì “nhiều người Do Thái đến thăm Maria và thấy những gì Chúa Giêsu làm thì tin vào Người” (Jn 11:45) không phải là họ được “sự sống đời đời” hay sao? Đến đây chúng ta cũng hiểu được lý do tại sao trong Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu tự xưng “Thày là đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6). Bởi vì, theo tôi, Chúa Giêsu “là đường” qua những gì Người nói và làm nơi nhân tính của một Con Người trong suốt cuộc đời trần thế của Người, nhất là trong thời gian xuất thân loan báo và thiết lập Nước Trời; Chúa Giêsu “là sự thật” nơi chính chứng từ Người thực hiện, nhất là nơi Cuộc Khổ Nạn và Tử Giá của Người, để chứng thực Người quả là Đấng Thiên Sai; Chúa Giêsu “là sự sống” nơi quyền linh trọn vẹn (xem Mt 28:18) Người tỏ ra qua cuộc Phục Sinh của Người trong tư thế là Con Thiên Chúa, Đấng thông ban Thánh Linh cho thành phần chứng nhân tiên khởi là các vị tông đồ (xem Jn 20:22). Thật ra, mỗi một việc Chúa Giêsu làm đều là Mạc Khải cho thấy Người “là đường, là sự thật và là sự sống”. Chẳng hạn trong Mầu Nhiệm Giáng Sinh, Chúa Giêsu “là đường” nơi chính việc “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người” (Jn 1:14), “là sự thật” ở chỗ “ánh sáng thật đã đến trong thế gian chiếu soi cho tất cả mọi người” (Jn 1:9), và “là sự sống” ở chỗ “ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Jn 1:12). Hay trong việc Người ở lại trong đền thờ năm 12 tuổi, Chúa Giêsu “là đường” ở chỗ “ông bà tìm tôi làm chi?”, “là sự thật” ở chỗ “ông bà không biết Tôi phải ở trong nhà của Cha Tôi hay sao?”, và “là sự sống” ở chỗ “Người theo các vị về Nazarét và tuân phục các vị. Còn mẹ Người thì ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lk 2:49-51). Vấn đề thực hành sống đạo: Hy sinh, khổ chế, bỏ mình trong Mùa Chay chỉ có ý nghĩa khi chúng phát xuất từ đức tin chân thực, và chỉ có giá trị khi chúng trổ sinh hoa trái sự sống yêu thương trọn lành. Bởi vì “đức tin thể hiện nơi đức ái” (Gal 5:6). Mà đức tin là gì, nếu không phải, theo tu đức, là việc linh hồn đáp ứng tác động thần linh, là việc linh hồn tỏ ra nhận biết Thiên Chúa, là cảm nghiệm thần linh của linh hồn. Một cảm nghiệm thần linh càng chân thực càng phản ảnh thần linh, càng trở thành chứng từ thần linh sống động, càng có tác dụng thần linh mãnh liệt, càng thu hút tâm linh của con người muốn tìm kiếm chân lý và càng làm cho thế gian nhận biết để được sự sống đời đời (xem 1Jn 1:3). (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, www.thoidiemmaria.net)
CÁNH BƯỚM PHỤC SINH
Trần Mỹ Duyệt
Chắc bạn đã nhiều lần thấy bướm, đuổi bướm và bắt bướm. Hình ảnh này chúng ta thường bắt gặp lúc mình còn thơ trẻ, chạy chơi và đuổi theo những cánh bướm trong khu vườn, hoặc nơi những cánh đồng có nhiều hoa nở. Nếu có dịp quen sát sau vườn bạn, bên cạnh những bông hoa khoe sắc, bao giờ ta cũng thấy thu hút những cánh bướm. Hoa đẹp, bướm đẹp càng làm cho khu vườn trở nên thơ mộng và đẹp đẽ hơn. Nhưng có bao giời bạn nghĩ rằng chính mình cũng là một cánh bướm giữa bầu trời tâm linh và giữa thế giới cuộc sống của nhân sinh. Đó cũng là hình ảnh của những giá trị tinh thần và cuộc đời của mỗi Kitô hữu chúng ta. Loài bướm trước khi khoe mình dưới nắng mai, với những mầu sắc sặc sỡ, nó đã trải qua một tiến trình tiến hóa rất mỏi mệt, nhưng cũng đầy ý nghĩa. Trước hết, nó chỉ là một những cái trứng nhỏ bé bám vào cành cây, kẽ lá. Rồi từ những cái trứng nhỏ bé ấy lớn dần thành những con sâu róm lông lá, mầu sắc, và diện mạo bên ngoài thật là khó coi và đáng sợ hãi. Nếu người ta bị thu hút bởi sắc đẹp của bướm bao nhiêu, thì ngược lại, càng khiếp sợ, và xa tránh những con sâu róm bấy nhiêu. Sau một thời gian mang kiếp sâu róm, giờ đây con bướm tương lai lại thu mình trong một vỏ kén, treo lủng lẳng cũng nơi các cành cây và kẽ lá. Một hình ảnh tiệm sinh tưởng chừng như không còn sức sống, bị lãng quên và vô nghĩa. Nhưng rồi vào một ngày đẹp trời, từ trong những cái kén xù xì, xấu xí ấy xuất hiện những cánh bướm muôn mầu, đẹp đẽ, sinh động. Những nét đẹp tuyệt vời mà chưa chắc đã có họa sĩ, thi sĩ hay văn sĩ nào diễn tả cho đầy đủ được. Bướm xuất hiện và tô điểm thêm cho bầu trời hòa với muôn sắc hoa tươi thắm làm cho cuộc đời thật ý nghĩa và thơ mộng. Nhưng sao lại là cánh bướm và sao lại là những so sánh này trong khi đang mong chờ, sửa soạn cho một Phục Sinh sáng láng, chan hoà ánh sáng của ơn cứu độ? Đó là vì hình ảnh và cuộc biến thái của con bướm gần gũi với cuộc biến thái tinh thần của một Kitô Hữu. Một cuộc biến thái mà ngoài tầm mắt Đức Tin, thật khó lòng nhận ra và chấp nhận những gì đang thay đổi bên trong cuộc đời những Kitô hữu ấy. Khi lãnh Bí Tích Rửa Tội, người Kitô hữu đã mang trong mình mầm mống của sự sống và sức sống thần linh của người con Chúa. Đó chẳng phải là những cái trứng bướm tinh thần là gì. Rồi mỗi người được treo mắc, dính vào cuộc đời bằng những cành lá tinh thần là những ràng buộc và môi trường sống: môi trường gia đình, môi trường xứ đạo, và môi trường xã hội. Kịp khi bước vào đời, ai cũng phải đối diện với những khó khăn và những thách đố khiến đôi khi làm mất đi căn tính của mình, hiện hình như những con sâu róm xấu xí và ghê sợ cho chinh ta và những người khác. Đời sống tâm linh của nhiều Kitô hữu trong thời gian tìm gặp và tiến tới sự trưởng thành cũng gặp phải những biến thái gây ra bởi khó khăn, và người ngoài đôi khi không nhận ra chúng ta là ai. Họ sợ hãi và xa tránh. Đó là thời gian chúng ta mang hình hài và cuộc sống của một con sâu róm tinh thần. Nhưng nếu kiên trì và chịu khó, cái hình thù sâu róm kia cũng sẽ qua mau, và chẳng mấy chốc chúng ta cuộn mình trong cái kén tuy có xấu xí, nhưng trông vẫn hiền hoà và dễ chấp nhận hơn con sâu róm. Đó là những lúc chúng ta để Chúa làm và tác động. Cuộc sống nội tâm và tâm linh thực sự đi vào cuộc sống bình thường của mỗi người. Chúng ta cũng được treo mắc vào những cành cây, khe lá môi trường gia đình, xã hội và giáo hội. Rồi sau khi đã để Chúa Thánh Thần làm việc, để cho cuộc đời tôi luyện với đau thương và thử thách. Lúc này chúng ta đã sẵn sàng để trút bỏ những xấu xí, vướng víu bên ngoài và trở thành nhưng cánh bướm đẹp đẽ, lộng lẫy mà ai cũng muốn đến gần, ai cũng trầm trồ khen đẹp. Đó là hình ảnh của những Kitô hữu thấm nhuần tinh thần Phúc Aâm, thấm nhuần ơn thánh sủng. Họ sẽ làm đẹp cho đời, và sẽ giúp ích cho đời. Người ngoài sẽ nhìn thấy họ mà “ngợi khen Thiên Chúa ở trên trời”. Mùa chay gần kết thúc, cái xù xì và gai góc của nó cần phải được nhìn dưới khía cạnh và lăng kính của một niềm tin và tương lai ơn giải thoát. Nó cần được soi dẫn để mọi người biết chấp nhận và vui sống với ơn gọi của mình trong tinh thần chuẩn bị, hy sinh, và xám hối. Nếu không sẽ không có ai nhận ra chúng ta là những Kitô Hữu, ngược lại, chỉ là những con sâu róm xấu xí của tham lam, ích kỷ, dục vọng và trần tục. Ngoài ra, cánh bướm hay con bướm còn rất gần gũi với những suy tư về tinh thần và ý nghĩa mùa Chay, mà tuyệt điểm của nó là sự Phục Sinh của Đức Kitô từ cõi chết. Theo Thánh Kinh, giây phút huy hoàng nhất của cuộc đời Đức Kitô là lúc Ngài từ cõi chết sống lại. Với sự sống lại này, Ngài đã chiến thắng thế gian, chiến thắng tội lỗi, và chiến thắng sự chết. Ơn cứu độ và sự giải thoát thế gian đến từ ý nghĩa Phục Sinh này. Cuộc đời Đức Kitô từ lúc sinh ra, lớn lên, chịu chết, và phục sinh vinh hiển ấy mang một hình ảnh tương tự cho một tiến trình sản sinh của loài bướm. Cánh bướm tinh thần và cánh bướm tâm linh giúp ta liên tưởng tới cũng một sự biến thái tương tự của Đức Kitô trong cuộc đời dương thế, mà nay đang tiến dần về cái chết nhục nhã trên thập tự gía. Thánh Kinh cho biết, rồi ra Ngài cũng phải cuộn mình như con kén nằm im trong mộ đá. Nhưng hơn một cánh bướm, Ngài còn mục nát đi như một hạt lúa miến để đem lại hoa trái sự sống và ơn giải thoát của toàn thể nhân loại qua sự Phục sinh vinh hiển. Vậy bạn của muốn để được Đức Kitô phục sinh chinh phục, thu hút và trở thành nguồn sống của đời bạn không? Và bạn có dám chấp nhận đi vào cuộc biến thái tinh thần qua hình ảnh biến thái của loài bướm?!
THỐI RỒI!
|