Chúa Nhật

11/9    Thánh Emilianus (420-520)

Sống 40 năm ẩn sĩ ở Bắc ý.

Khi trở thành giám mục ở Piedmont, ngài đã hoàn toàn dấn thân phục vụ giáo phận

 


CHÚA NHẬT XXIV QUANH NĂM



BÀI ĐỌC I: Sir 27:30 - 28:7

 “Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”
Bài trích sách Đức Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó? Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Lời của Chúa.


Đáp Ca: (Xin mời Cộng đoàn thưa)

Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.

1.      Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

2.      Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

3.      Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

4.      Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.


BÀI ĐỌC II: Rom 14:7-9

 “Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”
Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Đức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Lời của Chúa.


Alleluia, alleluia.  --- Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời.  --- Alleluia.


PHÚC ÂM: Mt 18:21-35

 “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần , nhưng đến bảy mươi lần bảy”
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêô.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề nầy, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân y và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Phúc Âm của Chúa.

Suy Niệm Lời Chúa


“Khi anh em lỗi phạm đến con, con phải thứ tha cho họ bao nhiêu lần?”

 


Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này tiếp liền bài Phúc Âm tuần trước. Trong bài Phúc Âm tuần trước, nếu Chúa Giêsu bảo các tông đồ: “Nếu anh em các con làm điều sai trái phạm đến các con, các con hãy sửa lỗi cho họ…”, thì trong bài Phúc Âm tuần này, Chúa Giêsu lại dạy các tông đồ nói chung hãy tha thứ cho người anh em xúc phạm đến mình “không phải bảy lần mà là bảy mươi lần bảy lần”. Bài Phúc Âm tuần này đã làm sáng tỏ ý nghĩa của bài Phúc Âm tuần trước, ở chỗ, “điều phạm đến các con” (“các con” ở đây là số nhiều), như lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm tuần trước, là điều phạm đến Chúa Kitô, đến Giáo Hội, hay đến các chi thể trong nhiệm thể Giáo Hội mà mối hiệp thông thân tình đã làm cho thành phần có trách nhiệm trong Giáo Hội cảm thấy như chính mình bị xúc phạm, còn “anh em làm điều gì phạm đến con” (“con” ở đây là số ít) như lời tông đồ Phêrô hỏi Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay là điều phạm đến cá nhân hơn là đến Giáo Hội, một nhiệm thể có Chúa Kitô là Đầu và Kitô hữu là chi thể. Như thế, theo bài Phúc Âm tuần trước, nếu phạm đến đoàn thể thì phải sửa chữa cho nhau, còn nếu phạm đến cá nhân mình, theo bài Phúc Âm tuần này, thì phải tha thứ cho nhau. Chính Chúa Giêsu đã áp dụng nguyên tắc này vào trường hợp của Người khi Người phán dạy: “Bất cứ ai nói điều gì phạm đến Con Người sẽ được tha thứ, còn ai nói điều gì phạm đến Thánh Linh sẽ không được thứ tha, cả ở đời này lẫn đời sau” (Mt 12:32). Điển hình nhất là đối với cả thành phần Do Thái khăng khăng cố tình đòi giết Người lẫn thành phần Dân Ngoại Rôma nhúng tay vào việc đóng đanh Người, khi vừa bị treo lên, Người đã xin cùng Cha Người rằng: “Xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết việc họ làm” (Lk 23:34).

Thế nhưng, phải tha thứ cho nhau như thế nào, phải tha thứ cho nhau những món nợ nào, và tại sao phải thứ tha cho nhau, chúng ta hãy đọc kỹ những lời Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm hôm nay.

Phải tha thứ cho nhau như thế nào?

Trước hết, theo bài Phúc Âm hôm nay, một khi mình là nạn nhân của việc anh em làm sai trái thì lúc nào mình cũng phải sẵn sàng tha thứ cho phạm nhân. Thật vậy, câu Chúa Giêsu nói: “không phải là bảy lần, song là bảy mươi bảy lần bảy lần” nghĩa là Kitô hữu môn đệ chúng ta: thứ nhất, lúc nào cũng phải sẵn sàng thứ tha cho nhau và thứ tha cho nhau mãi mãi chứ không phải vài lần; thứ hai, phải thứ tha cho nhau cả khi họ cố ý hay ác ý xúc phạm đến mình, (vì tính cách ý thức ở đây được tỏ ra nơi số lần phạm đi phạm lại một đối tượng quá nhiều như thế), chứ không phải chỉ khi nào mình biết được phạm nhân thực sự vô ý mới tha, như chúng ta vẫn thường nói: “thôi bỏ qua cho nó đi, vì nó đâu có ý làm như vậy…”; thứ ba, phải tự động tha thứ cho nhau, chứ không cần phạm nhân cứ phải đến xin lỗi thì mình mới tha cho họ, bởi vì, không một ai có đủ can đảm và mặt mũi can đảm và nhẫn nại đi xin lỗi một người bị mình xúc phạm đến “bảy mươi bảy lần bảy lần” như thế cả.

Đó là lý do, về điểm thứ ba này, điểm tự động tha thứ này, Chúa Giêsu đã dạy riêng các môn đệ và chung dân chúng ở Bài Giảng Phúc Đức Trên Núi là “khi các con mang của lễ đến bàn thờ, mà ở đó các con chợt thấy rằng anh em của các con có điều gì với các con, thì các con hãy bỏ của lễ ở đó mà về làm hòa cùng họ trước đã, rồi hãy đến mà dâng lễ vật” (Mt 5:23-24). Trong câu nói này, trước hết Chúa Giêsu không bảo chúng ta là khi chúng ta có lỗi với anh em chúng ta thì đi xin lỗi họ, vì đó là lẽ công bằng rồi. Đằng này Chúa Giêsu dạy thành phần Kitô hữu chúng ta là môn đệ của Người phải sống trọn lành hơn, ở chỗ, chẳng những tự động tha thứ cho nhau, không cần anh em mình phải lên tiếng hay tỏ cử chỉ xin lỗi mình, mà còn phải tha thứ cho họ hết mọi sự, tha thứ bất cứ điều gì họ phạm đến mình nữa. Chi tiết cuối cùng này liên quan đến vấn đề thứ hai sau đây.

Phải tha thứ cho nhau những món nợ nào?

Có thể nói, những gì anh em xúc phạm đến mình là họ mắc nợ mình, cần phải được mình tha nợ cho, như trường hợp người bầy tôi của nhà vua vừa mắc nợ vua lại vừa đòi nợ nhau. Vậy “nợ” theo luân lý đây nghĩa là gì và là gì, nếu không phải là “phạm”, là những gì phạm đến nhau, đi quá phạm vi cá nhân của mình, lấn sang quyền lợi của nhau. Tuy nhiên, không phải chỉ khi nào “phạm” đến nhau mới làm cho mình mắc nợ nhau, chẳng hạn khi mình thực hiện những hành động hại đến nhau, như những hành động đàn áp, gian dối, cướp giật, sát nhân, bóc lột, hiếp dâm, nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo oan, đoán bậy v.v. Với những hành động vừa tội lỗi vừa tác hại cụ thể này, một khi xưng tội, hối nhân còn phải đền tội nữa, bằng việc đền lại những thiệt hại bởi việc mình gây ra liên quan đến tiền bạc, danh tiếng, sự sống của nạn nhân.

Về phương diện tiêu cực thì những món nợ là như thế. Còn về phương diện tích cực chúng ta lại càng dễ trở thành con nợ của nhau hơn nữa. Ở chỗ nào? Ở chỗ, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại khẳng định trong bài đọc thứ hai tuần trước: “anh em chẳng mắc nợ ai điều gì ngoài lòng bác ái yêu thương”. Theo giáo huấn này, Kitô hữu chúng ta tự nhiên mang trong mình một món nợ lẫn nhau, cần phải trả, đó là món nợ yêu thương, mà chỉ có thể trả bằng cách yêu thương nhau. Như thế, một khi không yêu thương nhau, ơ hờ lạnh nhạt với nhau, dù không làm gì xúc phạm đến nhau một cách tiêu cực, như trên đây liệt kê, thì chúng ta vẫn chưa trả món nợ của mình cho anh em, và cũng cần phải được anh em tha thứ cho mình. Vậy trong việc thứ tha cho nhau theo bài Phúc Âm hôm nay bao gồm cả việc sẵn sàng bỏ qua cho nhau mãi mãi chẳng những những gì tiêu cực phạm đến mình mà còn cả đến những gì thiếu sót và khuyết điểm trong cả phần tích cực cấn phải đối xử với nhau nữa.

Tại sao phải tha thứ cho nhau?

Thế nhưng, tại sao thành phần môn đệ Kitô hữu chúng ta lại phải sống trọn lành đến độ lúc nào cũng phải luôn luôn sẵn sàng thứ tha và tự động tha thứ hết mọi nợ nần cho hết mọi người phạm đến chúng ta như vậy, nếu không phải, như lời Chúa Giêsu khẳng định dứt khoát trong bài Phúc Âm hôm nay, rất hợp với lời Kinh Chúa Dạy: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:11-12), đó là câu Người kết luận dụ ngôn về tên bầy tôi bất công như sau: “Cha Thày trên trời sẽ đối xứ với các con y như thế, trừ phi mỗi người trong các con hết lòng thứ tha cho anh em mình”, những gì cũng đã được bài đọc một hôm nay nhấn mạnh: “Chẳng lẽ một người nuôi hận thù với anh em đồng loại của mình mà lại mong được Chúa chữa lành cho hay sao?”. Đó là lý do trong bài đọc hai hôm nay Thánh Phaolô cũng nhắc nhở Kitô hữu Rôma là “không ai trong chúng ta được sống cho bản thân mình và chết cho bản thân mình. Chúng ta sống là sống cho Chúa và chết là chết như người tôi tớ của Ngài”.

Đúng thế, sở dĩ thành phần môn đệ của Chúa Kitô, Đấng “đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất” (Lk 19:10), phải sống đức ái trọn lành đến tuyệt đỉnh ở chỗ bao dung tha thứ như Người là vì họ đã được chính Thiên Chúa tha thứ cho họ, những gì đã được phản ảnh rõ ràng qua lời của nhà vua nói với người bày tôi của mình trong bài Phúc Âm hôm nay: “Hỡi tên phản phúc ngươi! Ta đã xóa bỏ tất cả nợ nần của ngươi khi ngươi van xin ta. Tại sao ngươi lại không nhân ái đối xử với người anh em bầy tôi như ngươi như ta đã đối xử với ngươi?” Phải, chính vì Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại chúng ta, ở chỗ chẳng những đã tự động hứa cứu chuộc chúng ta khi nguyên tổ vừa sa ngã phạm tội (x Gen 3:15), mà còn đã thực sự đi kiếm cách hòa giải với nhân loại chúng ta cho bằng được (x Col 1:19-20), thành phần tạo vật xúc phạm đến Ngài, qua Lời Nhập Thể Tử Giá: “Thiên Chúa đã chứng tỏ tình Ngài yêu thương chúng ta, ở chỗ, đang khi chúng ta còn là những tội nhân, thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm 5:8). Đó là lý do tại sao chúng ta phải tha thứ cho nhau, nghĩa là phải “yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con” (Jn 14:34, 15:12): “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra… Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như vậy, chúng ta cũng phải yêu thương nhau như thế… Giới răn chúng tôi đã nhận lãnh từ Người là ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải thương mến anh em mình” (1Jn 4:7,11,21).
 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, ngày 11/9/2002, Ngày Tưởng Niệm Biến Cố 911 Hoa Kỳ