CHÚA NHẬT XXXII QUANH NĂM



BÀI ĐỌC I
: 1 Reg 17:10-16

“Bà góa lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đến cho ông Êlia”
Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, (tiên tri) Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Đương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”. Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”. Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: “Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất”. Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.

Lời của Chúa.


Đáp Ca: (Xin mời Cộng đoàn thưa)

Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.

1.      Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

2.      Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

3.      Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Đức Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.


BÀI ĐỌC II: Hebr 9:24-28

“Đức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để hủy diệt nhiều tội lỗi”
Bài trích thơ gởi tín hữu Do Thái.

Đức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần: nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để hủy diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Đức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xóa tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.

Lời của Chúa.
 

(Xin mời Cộng đoàn đứng)
Alleluia, alleluia. — Các con hãy tỉnh thức và sẳn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. — Alleluia.


PHÚC ÂM:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà góa: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo nầy đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà nầy đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.

Phúc Âm của Chúa.

 

----------------------------------
Sống Lời Chúa Hôm Nay

  

Đức Tin Hạt Cải - Đức Mến Cổ Thụ

   

Nếu để ý đến tiến trình của bài Phúc Âm được Giáo Hội sắp xếp cho chu kỳ Phụng Vụ Năm B ở Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, chúng ta thấy, kể từ sau khi Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các tông đồ biết Mầu Nhiệm Thánh Thể của Người ở những Chúa Nhật từ 17 đến 22, rồi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người ở Chúa Nhật 24, xuất hiện một loạt bài Phúc Âm về những gương mù gương xấu phản đức tin, rồi sau đó là một loạt bài về gương sống đức tin là yếu tố cần thiết để nghênh đón Chúa Kitô tái giáng, một biến cố được Giáo Hội cử hành vào Lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc Năm Phụng Vụ của Giáo Hội.

 

Về loạt bài Phúc Âm liên quan đến các thứ gương mù gương xấu phản đức tin, trước nhất là gương mù gương xấu của các môn đệ tỏ ra tranh giành địa vị, ở bài Phúc Âm  Chúa Nhật 25; tiếp đến là gương mù gương xấu của các vị về việc tranh chấp quyền năng phe nhóm, ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 26; sau đó là gương mù gương xấu của việc vợ chồng ly dị nhau, ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 27; và đến nay là gương mù gương xấu về lòng tham lam của cải ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 28.

 

Về loạt bài Phúc Âm liên quan đến gương sống đức tin gồm có, ở Chúa Nhật 29, gương sống đức tin bất chấp thử thách của anh em tông đồ Giacôbê và Gioan muốn được cùng với Thày uống cạn chén khổ nạn; ở Chúa Nhật 30, gương sống đức tin bất chấp áp lực  thế gian của người mù ăn xin bên vệ đường ở Giêrichô không sợ đám đông vẫn khinh thường anh ta; ở Chúa Nhật 31, gương sống đức tin của người luật sĩ vốn thuộc về thành phần vốn bị Chúa nặng lời trách móc là giả hình (x Mt đoạn 23) song vì thành tâm tìm kiếm chân thiện nên vẫn nhận ra được tất cả những gì chí lý như ông ta vốn nghĩ nơi câu trả lời của Chúa Giêsu về giới răn trọng nhất; và ở Chúa Nhật 32 tuần này, gương sống đức tin đến hoàn toàn cậy trông phó thác của một bà góa nghèo khó nhưng hết lòng quảng đạo đã dâng cúng cho Chúa tất cả những gì mình có vào công qũi của đền thờ, dù chẳng là bao nhiêu và giá trị gì so với mọi người bấy giờ.

 

Có thể nói, nếu để ý kỹ, loạt bài Phúc Âm về gương lành gương sáng này là những gì hoàn toàn tương phản với loạt bài Phúc Âm về gương mù gương xấu trước đó. Chẳng hạn, gương sống đức tin đến chấp nhận đau khổ và cùng Thày phục vụ hơn hưởng thụ của cặp anh em tông đồ Giacôbê và Gioan đã soi sáng cho gương mù gương xấu tranh chấp nội bộ cũng như tranh chấp phái nhóm của các tông đồ, như được Thánh Ký Marcô ghi lại ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 25 và 26. Rồi gương sống đức tin bất khuất của người mù ăn xin bên vệ đường đã là những gì soi sáng cho tình trạng cứng lòng đến mù quáng của con người “yêu chuộng tối tăm hơn ánh sáng” (Jn 3:19) nói chung, một tình trạng cứng lòng đến mù quáng được thể hiện điển hình nhất nơi việc vợ chồng ly dị nhau trong đời sống hôn nhân, như được kể đến ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 27. Sau hết là gương sống đức tin nghèo khó mà hết sức quảng đại của bà góa dâng cúng cho đền thờ Chúa cũng đã là những gì soi sáng cho gương mù gương xấu của lòng tham vô đáy nơi thành phần giầu có khó vào nước thiên đàng, như được thấy ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 28.

 

Giới răn trọng nhất ở bài Phúc Âm tuần trước đã hoàn toàn nên trọn nơi trường hợp bà góa dâng cúng tất cả những gì mình có này vào công quĩ đền thờ Chúa. Nếu bà không tin tưởng “Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất”, bà sẽ không thể nào dám liều lĩnh dâng cùng tất cả những gì bà có như vậy cho Ngài. Ở đây không phải là số tiền nhỏ bé ấy của bà, mà là chính mạng sống của bà. Vì số bạc nhỏ bé ấy là tượng trưng cho chính mạng sống của bà, đúng như trường hợp của bá góa trong bài đọc thứ nhất của cùng Chúa Nhật tuần này. Nếu bà góa này đã dâng cho vị Chúa là Thiên Chúa, là Chúa duy nhất của bà, tất cả mọi sự bà có, liên quan đến mạng sống của bà như thế, không phải là bà đã thật sự “yêu Chúa hết lòng muốn, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” của bà hay sao? Nếu thật sự không có Chúa, không có Đấng quan phòng toàn năng đầy yêu thương chăm sóc cho cả chim trên trời là loài động vật lẫn cỏ đồng nội là loài thực vật (x Mt 6:26,28) hoàn toàn thấp kém hơn con người là loài “nhân linh ư vạn vật”, thì việc làm của bà góa này, thay vì là một việc làm của một đức ái trọn hảo, một đức tin tuyệt đối, lại là một việc vô cùng ngu xuẩn và điên khùng, là một việc làm hoàn toàn mê tín dị đoan. Thế nhưng, bà góa mạnh tin ấy có ngờ đâu rằng, việc làm nhỏ mọn bằng tất cả lòng thành trước mắt thế gian ấy, một việc làm đáng hổ ngươi trước mắt thế gian ấy, lại được lọt vào mắt thần của Thiên Chúa, ở chỗ, chẳng những việc ấy được Ngài chứng giám qua con mắt loài người của Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu bấy giờ, mà còn được Ngài khen tặng qua môi miệng của Con Thiên Chúa trước mặt thành phần là nền tảng Giáo Hội của Người Con này nữa.

 

Nếu Nước Thiên Chúa giống như hạt cải là hạt nhỏ nhất trong các hạt giống đã mọc lên trở thành cây to lớn, đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành của nó (x Mt 13:31-32), thì việc làm đáng xấu hổ của bá góa trước mắt thế gian bấy giờ, hay mấy đồng bạc cắc chẳng là gì của bà, chẳng khác gì như một hạt cải nhỏ bé nhất, so với các hạt giống đóng góp khác to bự hơn của bà rất nhiều, đã trở thành một cây vĩ đại đến làm gương cho cả loài chim trời có mặt bấy giờ là các tông đồ, thành phần vốn còn tham vọng tranh ngôi thứ, nhất là có cả kẻ tham lam tiền của sắp sửa tới lúc bán thày lấy bạc (x Jn 12:4-6; Mt 27:3).

 

Trường hợp bà góa mạnh tin trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXXII tuần này cho thấy, nếu người giầu có khó vào Nước Trời hơn lạc đà chui qua lỗ kim, như lời Chúa Giêsu khẳng định với các tông đồ ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 28, thì người nghèo, như thực tế cho thấy, thường quảng đại hơn người giầu trong việc từ thiện bác ái, đóng góp làm việc chung. Sau đây là mấy trường hợp cụ thể đã được Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta kể lại (xem dongcong.net) trong cuộc đời Mẹ đã phục vụ người nghèo nhất trong các người nghèo.

 

Một ngày nọ, Mẹ Têrêsa nhận được 15 đôla. Ông ta bị toàn thân bất toại chỉ còn bàn tay phải là có thể cử động được. Ông.

 

Hôm ấy, sau khi nhận được 15 Mỹ kim do một người bị bất toại 20 năm gửi tặng, một con người sống cô đơn, chỉ có điếu thuốc lá là người bạn duy nhất của ông, Mẹ Têrêsa đã đến thăm ông và an ủi ông, người  đã chân thành nói với Mẹ rằng:

 

- Thưa Mẹ, con đã hết hút thuốc cả tuần nay rồi, và đó là số tiền con dành dụm được để biếu Mẹ hầu Mẹ có thể dùng nó mua cơm bánh cho các người nghèo khổ.

 

Câu truyện cảm động khác xẩy ra vào thời điểm thành phố Calcutta thiếu đường. Bấy giờ có một cậu bé độ khoảng 4 tuổi đã đến đưa cho tôi một bát đường mà nói với tôi rằng:

 

- Thưa Mẹ, con đã nhịn không ăn đường suốt cả tuần nay. Đây là chút đường để Mẹ có thể dùng cho các em mồ côi của Mẹ.

 

Chưa hết, ở một trường hợp khác, có một em nhỏ muốn đem rá gạo tôi mang tới ra vo để nấu cơm cho cả nhà ăn. Nhưng bấy giờ có một người đàn ông đến gặp và nói với tôi rằng:

 

- Thưa Mẹ, ở gần đây có một gia đình người Ân giáo có 8 đứa con, song cả tuần nay họ chẳng có một thứ gì cho vào bụng.

 

Nghe thế tôi liên bưng rá gạo theo người đàn ông ấy đến nhà người Ấn giáo ấy. Bước vào túp lều lụp xụp, tôi thấy những khuôn mặt xanh xao và đang bị quằn quại vì đói. Không thể cầm lòng, tôi đã trao tất cả rá gạo cho người đàn bà ấy. Bà ta cảm động nhận lấy rá gạo, rồi lập tức ngồi xuống chia ra làm hai phần. Sau đó, bà bưng một nửa ra đi . . . một lúc sau mới trở về... Lấy làm ngạc nhiên tôi mới lên tiếng hỏi bà:

 

- Bà đi đâu thế? Đem gạo cho ai vậy?

 

Bà ta liền trả lời:

 

- Người ta cũng đói lắm cơ!

 

- Nhưng họ là ai?

 

- Những ngưới ấy là những gia đình theo Hồi giáo. Họ cũng có những đứa con đói khổ như con đây. Họ ở bên kia đường mà cả tuần nay, họ cũng chẳng có gì để ăn hết.

 

Chúa Nhật tuần này, Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B (ngày 9/11/2003), trùng với Lễ Cung Hiến Đền Thờ Gioan Latêranô. Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật tuần này cũng hợp với ý nghĩa về đền thờ. Ở chỗ, như lời nguyện mở đầu cho thấy, Thiên Chúa là Thần Linh ở với Kitô hữu chúng ta nơi tâm hồn hay tấm lòng của chúng ta. Và tâm hồn hay tấm lòng của Kitô hữu chúng ta thực sự là đền thờ của Chúa một khi chúng ta tin tưởng nhận biết Ngài và kính mến Ngài hết mình và trên hết mọi sự. Việc bà góa trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này đã dâng cúng vào ngân qũi của đền thờ tất cả những gì bà có để dâng lên cho Chúa, đã không nói lên việc bà kính mến Thiên Chúa hết mình hay sao, và tấm lòng của bà không phải là đền thờ xứng đáng Chúa ngự trị hay sao? Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy cái nhiều nhất, lớn nhất trước mặt Chúa không phải là những gì về vật chất mà là tấm lòng. Bà góa dâng cúng vào đền thờ Chúa ít nhất mà lại đẹp lòng Chúa nhất, vì bà đã quảng đại nhất, yêu mến nhất, dâng lên cho Chúa tất cả những gì mình có.

 

Lạy Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, thấu suốt lòng của mỗi người chúng con. Vì Chúa ngự trong lòng chúng con như ngự trong đền thờ của Chúa. Xin Mẹ Maria giúp tâm hồn chúng con trở nên đền thờ của Chúa, bằng việc kính mến Chúa hết mình, không tiếc Ngài một điều gì. Amen

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

 

NGHÈO KHÓ PHÚC ÂM

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc đến hai người đàn bà nghèo. Nhưng đó lại là những người nghèo “nhất” thế giới. Bởi vì cả hai nhờ cái nghèo ấy mà được lưu danh muôn thuở, và cũng giống như Mađalêna, Tin Mừng được rao giảng đến đâu, thì hai bà cũng được biết đến ở nơi đó.

 

Hai người nghèo được Tin Mừng nhắc đến đó là góa phụ mà Êlia người của Thiên Chúa gặp trên đường đi Sarephta thuộc Sidon. Và người thứ hai cũng là một góa phu, bà được chính Chúa Giêsu gặp bên hòm tiền dâng cúng ở Giêrusalem. Người trước được lời hứa của tiên tri là “hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất” (1 Các Vua 17:16). Còn người thứ hai thì được Chúa Giêsu khen: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết” (Mc 12:43).

 

Điểm trùng hợp giữa hai người đàn bà này, đó là cả hai đều cùng nghèo. Và tuy nghèo nhưng lại có tấm lòng rộng rãi với Thiên Chúa, với tha nhân. Nhất là cả hai đều bằng lòng chấp nhận và sống bằng an với cái nghèo của mình. Góa phụ thứ nhất nghèo đến nỗi trong nhà chỉ còn thực phẩm cho một bữa ăn cuối. Bà nói với Êlia khi ông xin bà một bữa ăn: “Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ và một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi” (1 Các Vua 17:12). Còn góa phụ thứ hai thì như lời Chúa Giêsu: “Bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống” (Mc 12:44), mà tất cả những gì bà có là “hai đồng tiền là một phần tư xu” (Mc 12:42).

 

Đọc kỹ 2 trích đoạn Thánh Kinh trên, chúng ta còn thấy rõ một điểm trùng hợp nơi hai bà, là tuy  nghèo nhưng không ai than trách và để lộ những thái độ sống thường dính liền với nghèo, đó là: nghèo khổ, nghèo khó, và nghèo hèn.

 

Kinh nghiệm chung cho thấy nghèo thường đem lại cho con người khổ sở và cùng cực về phương diện tài chính. Do cái khó khăn về tài chánh, thường cũng xui khiến lòng dạ con người làm những điều phi pháp, vô đạo để khiến cho con người đã nghèo về tiền của, nghèo về danh vọng, nghèo về kiến thức, lại nghèo luôn cả đức tính và đạo đức.  

 

Việt Nam ta có câu: “Cái khó nó bó cái khôn” Và: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Có nghĩa là nghèo có thể là con đường dẫn tới tội ác như cướp của, giết người. Nghèo cũng đã tạo nên một tầng lớp xã hội mang tính hư đốn, mất hết phẩm giá, và đạo đức, và điều này có thể được nhìn thấy khắp nơi. Những tệ đoan xã hội như trộm cướp, giết người, lường gạt, gian dối, đĩ điếm, mánh mung, sa đọa. Tất cả đều do con người đã không chấp nhận, không vươn lên, và không bằng an được với cái nghèo của mình. Nhưng không chỉ những người nghèo tiền của vật chất, những người nghèo tấm lòng, nghèo đức độ, những kẻ nhờ mánh mung, nhờ lạm dụng quyền thế mà làm giầu trên xương máu của đồng loại thường cũng có cùng một kết quả như nhau.    

 

Nhưng trong trường hợp của hai bà, không những không để cái nghèo khống chế và dìm sâu xuống vũng bùn của tham lam, ham muốn, ghen ghét, giận hờn, co cụm, và đánh mất niềm tin, hai bà đã chứng tỏ ngay trong cái nghèo của mình một tâm hồn cao thượng, một sự mở lòng mình ra đối với những người còn khó khăn, nghèo túng hơn mình. Góa phụ trong thời tiên tri Êlia đã sẵn sàng nhường phần ăn của mình và con mình cho tiên tri, vì lúc ấy ông cũng đang trong tình trạng đói khát. Còn góa phụ trong Tin Mừng Thánh Marcô, bà đã dành phần sống còn của mình cho việc dâng cúng. Và cả hai hành động ấy đều phát xuất từ một lòng yêu mến thẳm sâu, tin tưởng vô bờ bến nơi quan phòng của Thiên Chúa. Đức tin và đức ái của hai bà đã nẩy sinh hành động anh hùng, và đã cho hai bà biết mình phải hành xử như thế nào trước những túng thiếu của kẻ khác.

 

Thiên Chúa không bao giờ thua lòng rộng rãi của con người. Lòng mến dành cho Thiên Chúa và đức ái thực hành đối với tha nhân của hai bà đã đem lại phần thưởng ngay cho chính hai bà. Thúng bột và bình dầu của bà góa trong thời tiên tri Êlia tuy không đầy hơn, dư hơn nhưng rất lạ lùng là nó không vơi và cũng không cạn. Nó vẫn cứ thế mãi cho đến khi cơn hạn hán của vùng ấy qua đi. Còn trong Tin Mừng của Thánh Marcô đã không thấy đề cập đến cái chết của bà góa sau khi bà đã dâng cúng đến đồng bạc cuối cùng của bà. Đây là những cái nghèo của Phúc Âm, và đây là lối sống nghèo của Tin Mừng. Sống nghèo nhưng không chết vì nghèo. Sống nghèo nhưng tâm hồn thanh thản, bình an và hạnh phúc hơn gấp trăm những người sống cậy dựa vào tiền của vật chất. Vì thúng bột và thùng dầu tâm linh của họ không bao giờ vơi và cạn. Thúng bột và thùng dầu vật chất chắc chắc sẽ vơi và sẽ cạn. Và cũng ở đây chúng ta thấy nổi bật cái mâu thuẫn giữa vật chất và tinh thần. Giữa lối sống Tin Mừng và lối sống theo tự nhiên, giữa cái nghèo Phúc Âm và cái nghèo tiền của vật chất.  

 

Vậy phần tôi thì sao? Tôi đã hiểu, đã thâm tín, và đã sống với tinh thần nghèo của Phúc Âm như thế nào? Một cách thực tế đi vào đời sống thường ngày tôi có bằng lòng, có cảm ơn Thiên Chúa về những gì mình đang có không?

 

Tôi có hài lòng hoặc ngược lại luôn than trách số phận, than trách Thiên Chúa về cái nghèo của mình không? 

 

Tôi có nhìn của cải và sự giầu sang của người khác bằng cặp mắt ghen tương và hờn giận không?

 

Và nhất là tôi có để cho cái nghèo khống chế đời mình, hay tôi đã tự mình điều khiển được cái nghèo của mình?

 

Thật là lạ lùng, trong 8 điều được coi là phúc đức, là những cái đem lại vui mừng và bình an cho con người, thì nghèo được xếp hàng thứ nhất: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo” (Mt 5:3). Tinh thần nghèo được chúc phúc, và những ai có tinh thần nghèo là những người được chúc phúc. Như vậy, nếu Thánh Kinh ca tụng và ghi lại hành động và đời sống nghèo của hai góa phụ ấy, vì họ là những người nghèo nhưng có tinh thần nghèo. Họ tuy nghèo nhưng lòng đầy Thiên Chúa và đức ái của họ tràn dư có khả năng giúp đỡ những người còn nghèo hơn chính họ. Nghèo mà không tham lam. Nghèo mà không hà tiện. Nghèo mà không ghen tỵ. Nghèo mà không mánh mung, cướp dật của người khác. Nghèo mà không phàn nàn, bất mãn về mình nghèo. Nghèo mà không để mất sự bình an của tâm hồn. Bởi vì họ là những người nghèo của Phúc Âm. 

 ----------------------------------------------