Chúa Nhật

Ngày 5/2: Thánh Agatha (? – 251)

Khước từ lập gia đình với nhà lãnh sự ở Catalina.

Chết vì đạo năm 13 tuổi.

Bị kẹp cắt văng bộ nhũ hoa ra khỏi thân thể.

 


CHÚA NHẬT V QUANH NĂM



BÀI ĐỌC I: Job 7:1-4, 6-7

“Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”
Bài trích sách ông Giob.

Bấy giờ ông Giob nói rằng: “Quân dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

Lời của Chúa.


Đáp Ca: (Xin mời Cộng đoàn thưa)

Hãy chúc tụng Chúa, Đấng cứu chữa những kẻ dập nát tâm can.

1.      Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm, hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán.

2.      Chính Người chữa những kẻ dập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao và gọi đích danh từng ngôi một.

3.      Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.


BÀI ĐỌC II: 1 Cor 9: 16-19, 22-23

“Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Phúc Âm, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Phúc Âm, tôi đem Phúc Âm biếu không, tôi không dùng quyền mà Phúc Âm dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Phúc Âm để được thông phần vào lợi ích của Phúc Âm.

Lời của Chúa.


(Xin mời Cộng đoàn đứng)
Alleluia, alleluia. — Chúa phán: “Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta cũng biết chúng và chúng theo Ta”. — Alleluia.


PHÚC ÂM: Mc 1:29-39

“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhận, tất cả những người bị quyœ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quyœ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quyœ”.

Phúc Âm của Chúa.

 

SUY NIỆM

 

Nếu biết “chỗi dậy từ sáng sớm” thì mới có thể…

 

 

Bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Thường Niên tuần này Thánh Marcô tiếp tục cho chúng ta thấy Chúa Giêsu tỏ mình ra, cho cả dân chúng lẫn bốn người môn đệ đầu tiên của Người là Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan, những người môn đệ, sau khi tận tai nghe thấy những lời giảng siêu phàm của Người, nhất là chứng kiến tận mắt thấy những việc phi thường Người làm, như trừ thần ô uế được Phúc Âm tuần trước nhắc đến, đã bắt đầu tỏ ra tin tưởng Người. Ở chỗ, như đầu bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, “sau khi rời hội đường (là nơi Người trừ thần ô uế), Người cùng với Giacôbê và Gioan vào nhà của Simon và Anrê. Bà mẹ vợ của Simon bị cảm sốt, nên việc đầu tiên họ làm là nói với Người về bà”. Theo như mạch văn của bài Phúc Âm và thái độ của “họ”, tức của các người môn đệ nói chung chứ không phải của một ai trong các vị, một thái độ sốt sắng làm ngay, người ta cảm thấy bề ngoài hình như các vị lo cho bà mẹ vợ của Simon. Nhưng nếu Chúa Giêsu chỉ là một người bạn chài lưới khác của họ bấy giờ thì chắc họ đã không tỏ thái độ sốt sắng lo cho bà như vậy, hay chỉ nói chuyện làm ăn với nhau vậy thôi, hoặc có đề cập đến bà thì cũng là một chuyện phụ, không quan trọng lắm, vì bệnh cảm sốt của bà không đến nỗi nặng lắm, không khẩn cấp như trường hợp của Lazarô. Vậy tại sao bệnh tình “không đến nỗi chết” (Jn 11:4) của bà mẹ vợ Simon này lại có vẻ khẩn trương với bốn người môn đệ này như vậy, chứ không riêng gì Simon là con rể của bà, đến nỗi “việc đầu tiên họ làm” khi vừa vào nhà “là nói với Người về bà”? Nếu không phải vì họ tin rằng Chúa Giêsu sẽ ra tay chữa bà khỏi bệnh, và Chúa Giêsu chắc chắn sẽ dư sức làm được điều ấy. Quả nhiên họ đã được như ý. Phúc Âm kể tiếp, “Người đã đến với bà, cầm lấy tay bà, nâng bà dậy, làm bà hết bị cảm sốt”.  Kết quả là, “bà liền bắt đầu phục vụ họ”, tức phục vụ cả Chúa Giêsu lẫn bốn người môn đệ của Người. Trường hợp của bà mẹ vợ môn đệ Simon ở đây cho chúng ta thấy hai điều: sức khỏe là do Chúa ban và vì thế sức khỏe ấy phải được dùng để phụng sự cả Chúa lẫn tha nhân.

 

Ở đây, Phúc Âm không cho chúng ta thấy dung nhan hay tên tuổi người vợ của Simon, người môn đệ duy nhất được Phúc Âm rõ ràng cho biết là có vợ. Không biết người vợ của Simon bấy giờ còn sống hay chăng? Hai người đã có con với nhau hay chưa? Chỉ biết rằng hai anh em Anrê và Simon chung sống với nhau trong ngôi nhà này với bà mẹ vợ của Simon, như chi tiết được Phúc Âm cho biết: “Người cùng với Giacôbê và Gioan vào nhà của Simon và Anrê”. Trong 12 tông đồ, các Phúc Âm chỉ cho biết rõ về trường hợp lập gia đình của Simon mà thôi. Tuy nhiên, sau khi được tuyển gọi, Simon đã bỏ hết mọi sự, chẳng những nghề nghiệp mà còn cả gia đình của mình nữa để “theo Thày”, đúng như những gì sau này khi nghe Người nói về sự nguy hiểm của giầu sang phú quí ngài đã thưa với Chúa Giêsu: “Chúng con đã bỏ hết mọi sự mà theo Thày” (Mk 10:28). Đây là một trường hợp điển hình cho thấy ý nghĩa sâu xa về đời sống tông đồ, đời sống theo Chúa, một đời sống chuyên tâm tìm Chúa, ở chỗ, “chọn phần tốt hơn” (Lk 10:42), “tốt hơn” không phải tự bản chất của ơn gọi “tận hiến” tu trì so với ơn gọi hôn nhân gia đình, cho bằng “tốt hơn” vì hoàn cảnh thuận lợi hơn, được ở gần Chúa hơn, chuyên tâm phụng sự Người hơn, không bị chi phối bởi những lo toan về gia đình, về trần gian, một trạng thái “tốt hơn” được vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô chia sẻ cảm nghiệm và kêu gọi tín hữu giáo đoàn Côrintô trong Thư Thứ Nhất của ngài gửi họ (x 7:32-34). Theo tinh thần Phúc Âm và tông đồ này, tuy công nhận tự bản chất thiên chức linh mục không buộc phải sống độc thân, Giáo Hội Công Giáo đã có luật buộc hàng giáo sĩ, trong đó bao gồm cả ba chức thánh phó tế, linh mục và giám mục (xem Sắc Lệnh về Việc Đạo Tạo Linh Mục của Công Đồng Chung Vaticanô II, đoạn 10, và Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục cũng của Công Đồng Chung Vaticanô II, đoạn 16). Không kể chức phó tế chuyển tiếp để tiếp tục tiến đến chỗ lãnh chức tư tế thừa tác, chức phó tế vĩnh viễn giành cho giáo dân cũng buộc thành phần nếu đã có gia đình phải sống độc thân sau khi người vợ qua đời.

 

Vấn đề sống độc thân để có thể theo sát Chúa hơn và phục vụ tha nhân hơn đã được thể hiện sống động nơi gương của Chúa Giêsu hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và tha nhân trong bài Phúc Âm hôm nay. Theo Phúc Âm cho thấy, Chúa Giêsu rất bận bịu với dân chúng, chẳng những do họ kéo đến với Người mà còn do chính Người muốn đến với họ nữa. Không phải dân chúng đã kéo đến với Chúa Giêsu để xin được Người cứu giúp hay sao, đến nỗi, như Phúc Âm thuật lại, họ bất chấp giờ giấc của Người, thậm chí “sau khi mặt trời lặn, màn đêm buông xuống, họ đã mang đến cho Người tất cả những ai yếu bệnh và bị quỉ ám. Trước đó cả tỉnh tụ lại trước cửa nhà (của Simon) đã lâu”, và cả ngay từ sáng sớm, như các môn đệ thưa với Người sau khi tìm thấy Người: “Hết mọi người đang đi tìm Thày”. Và Người, chẳng những không xa lánh họ, trái lại, ngay buổi tối hôm đó, không biết kéo dài tới mấy giờ khuya, đã ra tay “chữa nhiều người bị các chứng bệnh khác nhau và khu trừ ma quỉ”, mà Người còn tự động muốn tìm đến với nhiều người hơn nữa, như phần cuối của bài Phúc Âm cho thấy, qua câu Người nói với các môn đệ về mục đích Người đến thế gian: “Chúng ta hãy đi đến các làng mạc lân cận để loan báo tin mừng ở đó nữa. Đó là những gì Thày đến để làm”. Và Phúc Âm kể tiếp, “vậy Người đã đi vào các hội đường của họ giảng dạy tin mừng và khu trừ ma quỉ khắp cả miền Galilêa”. Thử hỏi, một con người sống đời gia đình, vừa làm ăn sinh sống, vừa chăm lo vợ con, làm sao sống trong một hoàn cảnh thuận lợi để làm được những việc bất kể giờ giấc sáng tối như Chúa Giêsu đã làm trong bài Phúc Âm hôm nay chăng, nhất là làm sao tâm trí của họ có thể chỉ biết chuyên chú đến đệ nhất ưu tiên Nước Thiên Chúa (x Mt 6:33), và sinh lực của họ dồn lực vào việc chủ động dấn thân rao giảng Nước Trời để nhờ đó tìm kiếm mang về cho Người đủ mọi thứ chiên lạc hay chăng? Chắc chắn là không, không thể nào họ có thể làm nổi.

 

Trường hợp đã đi đến chỗ đổ vỡ hôn nhân và tan nát gia đình vì tình trạng hăng say làm việc tông đồ giáo dân không phải là hiếm trong thời điểm giáo dân sau Công Đồng Chung Vaticanô II tới nay, cách riêng trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Không nói gì đến giáo dân có gia đình, chính đời sống giáo sĩ độc thân mà nhiều khi còn không thực hiện nổi sứ vụ thiên sai của mình nữa, đến nỗi nhiều người trong các vị đã phải bỏ cuộc, khiến cho tình trạng ơn gọi giáo sĩ đặc biệt ở Tây Phương càng ngày càng khan hiếm, một tình trạng khiến cho một số đầu óc cấp tiến nghĩ đến việc Giáo Hội cần phải truyền chức tư tế thừa tác cho cả thành phần giáo dân đã lập gia đình nữa mới có thể cứu được hay giải quyết được tình trạng khủng hoảng ơn gọi giáo sĩ hiện nay. Tại sao thế? Tại sao sứ vụ giáo sĩ lại trở nên nặng nề đến nỗi nhiều vị đứt gánh thảm thương như thế, trong khi đó, chính những người tiến lên Bàn Thánh này đã thấy trước được điều đó nhưng vẫn chấp nhận dấn thân đáp lại ơn gọi cao cả của mình theo tiếng Chúa tác động sâu xa trong tâm hồn? Nếu không phải tại vì họ đã không thực hiện đúng như những gì Chúa Giêsu làm trong bài Phúc Âm hôm nay.

 

Đúng thế, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu không phải chỉ làm phép lạ trong việc chữa lành đủ mọi thứ bệnh tật và khu trừ ma quỉ cho dân chúng vào giờ giấc bất tiện của mình nhưng thuận tiện cho nhu cầu của dân chúng, cũng như trong việc Người tỏ ra hăng say đi khắp các nơi để rao giảng và khu trừ ma quỉ, mà, chính ở ngay giữa những hoạt động này, giữa buổi tối là lúc cả thành kéo đến với Người và buổi sáng là lúc hết mọi người đã đến tìm kiếm Người, Người đã âm thầm đi cầu nguyện ở nơi thanh vắng: “Chỗi dậy từ sáng sớm, Người đi đến một nơi cô tịch hoang vắng; ở đó Người ngất ngây nguyện cầu”. Nếu hơn 300 vị linh mục Hoa Kỳ, trong số trên 40 ngàn vị, bị tố cáo đã lạm dụng tình dục trẻ em từ đầu năm 2002 tới đầu năm 2003 này biết “chỗi dạy từ sáng sớm” để sốt sắng “nguyện cầu” như Chúa Giêsu, thì không biết Giáo Hội ở Hoa Kỳ có thảm thương xẩy ra tình trạng khủng hoảng hầu như phá sản về ngân quĩ (ở một số giáo phận) nói riêng, nhất là cuộc khủng hoảng hoàn toàn phá sản (nơi một số tín hữu đã đi đến bỏ đạo và phản đạo) về mối liên hệ giữa mục tử và đàn chiên nói chung hay chăng? Tuy nhiên, qua hiện tượng linh mục lạm dụng tình dục trẻ em này, không phải một vài vị mà là hơn 300 vị, không phải một lần mà có vị phạm rất nhiều lần, cũng như qua hiện tượng Âu Mỹ càng ngày càng suy giảm ơn gọi giáo sĩ cũng đủ cho chúng ta thấy sứ vụ giáo sĩ không phải là tầm thường và nhẹ nhàng, sức tự nhiên không thể nào đảm đương nổi, nếu không có ơn Chúa, một nguồn ơn lúc nào cũng có cho những ai biết “chỗi dạy từ sáng sớm” để sốt sắng “nguyện cầu”.

 

Việc Chúa Giêsu đi cầu nguyện giữa hai thời điểm tối và sáng là những lúc dân chúng kéo đến với Người như Phúc Âm hôm nay thuật lại đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng và khẩn thiết của việc cầu nguyện trong hoạt động tông đồ và cho hoạt động tông đồ. Ở chỗ, con người tự nhiên cần phải cầu nguyện chẳng những để lấy lại sức thiêng, nhất là để qui hoa trái tông đồ về nguồn thần linh của chúng, mà còn để sửa soạn lấy sức cho những gì cần phải làm nữa, bằng không, con người sẽ không đủ tinh thần và sinh lực để tiếp tục sứ vụ, từ từ sẽ đi đến chỗ ngã gục, hay thậm chí đi đến chỗ cấp tiến, như thực tế hiển nhiên và phũ phàng cho thấy. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, nếu cầu nguyện tự bản chất là việc Giao Tiếp Thần Linh (x Jn 4:23-24; Lk 6:12), thì còn giao tiếp thần linh nào bằng Phụng Vụ nói chung và Thánh Lễ nói riêng. Vậy thì tại sao các vị linh mục vẫn dâng lễ hằng ngày, vẫn được diễm phúc Giao Tiếp Thần Linh như vậy, đến nỗi, có những vị chỉ đặt nặng Phụng Vụ và tỏ ra coi thường đả kích Kinh Mân Côi, mà lại có thể sa ngã hay trở nên rối loạn đạo giáo được? Phải chăng vì các vị được thực sự Giao Tiếp Thần Linh về Phụng Vụ nhưng không Cảm Nghiệm Thần Linh theo Tu Đức và Giao Tiếp Thần Linh bằng Đức Tin?

 

Thật vậy, cầu nguyện, về thực tại, chẳng những là trạng thái Giao Tiếp Thần Linh, một giao tiếp trực tiếp liên quan đến Mạc Khải Thần Linh, đến Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một mầu nhiệm được hiện thực nơi Phụng Vụ và qua Phụng Vụ, về tác động, còn là việc Cảm Nghiệm Thần Linh nữa, một cảm nghiệm trực tiếp liên quan đến con người, đến Đức Tin Tuân Phục, đến tâm linh của con người trước Thực Tại Thần Linh, đến lòng con người khao khát Thần Linh, tìm kiếm Thần Linh và gắn bó với Thần Linh, thậm chí nhờ đó họ có thể thốt lên “những lời than khôn tả” (Rm 8:26), như Chúa Giêsu đã thốt lên vào cuối Bữa Tiệc Ly qua Lời Nguyện Hiến Tế (xem Jn cả đoạn 17), cách riêng trong Vườn Cây Dầu (x Mk 14:36) và trên cây thập tự giá (x Mk 15:34), những lời than nói lên cho thấy tâm nguyện thiết tha duy nhất của Người là lúc nào Người cũng chỉ muốn làm trọn ý Cha của Người với bất cứ giá nào cho đến khi hoàn tất ý muốn tối thượng của Cha. Bởi thế, “những lời than khôn tả” nào làm cho cả người nói lẫn người nghe chẳng hiểu gì được, như một người bạn của tôi vào năm 2000 diễn tả khi chị nói tiếng lạ suốt mấy tiếng liền, cho là “cầu nguyện bằng tiếng lạ”, thì cần phải xét lại. Tình trạng ngất ngây cầu nguyện của Chúa Giêsu là tình trạng cho thấy Người hoàn toàn tỉnh táo kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, chứ không phải tình trạng bị tối tăm mặt mũi lại rồi lăn đùng ra chẳng biết gì nữa, như trường hợp của bà nhạc mẫu của tôi cảm nghiệm vào cuối thập niên 1980 kể lại cho tôi nghe. “Thiên Chúa là ánh sáng và trong Ngài không có tối tăm” (1Jn 1:5), do đó, ai đến với Ngài hay được Ngài thu hút, chiếm đoạt thì phải ở trong tình trạng tỉnh thức, trong Ánh Sáng Thần Linh, nhờ đó, họ mới càng trở nên khôn ngoan hơn và mãnh lực hơn để có thể làm trọn ý của Ngài, như trường hợp của Lời Nhập Thể Giêsu Kitô.

 

Thế nhưng, để dễ dàng cầu nguyện, tức dễ dàng Cảm Nghiệm Thần Linh, Giao Tiếp Thần Linh, con người tự nhiên vốn hay có khuynh hướng “chia lòng chia trí”, cần phải để ý đến môi trường cầu nguyện nữa, đó là, như Chúa Giêsu, Vị Thiên Chúa Làm Người vẫn nêu gương trong Phúc Âm, tìm đến những nơi thanh vắng và vào giờ tĩnh mịch của đêm khuya hay sáng sớm. Thật ra, Chúa Giêsu lúc nào cũng cầu nguyện, cũng Giao Tiếp Thần Linh, cũng ở trong Cha và Cha ở trong Người (x Jn 14:10), chứ không phải đợi cho tới khi Người đi đến nơi thanh vắng vào phút tĩnh lặng để cầu nguyện Người mới thực sự Giao Tiếp Thần Linh, hay mới trở về giao tiếp với Cha của Người. Bởi vì, ngay từ giây phút nhập thể trong lòng trinh nguyên của Mẹ Maria, hai bản tính của Người, Thần Tính và nhân tính, bởi Mầu Nhiệm Ngôi Hiệp, đã nên một thực thể duy nhất là Ngôi Vị Giêsu. Nhưng cũng chính vì Ngôi Vị Giêsu là một con người thật sự, tức một Con Người có bản tính nhân loại, ở chỗ có lý trí để nhận thức và ý muốn hoàn toàn tự do, mà Con Người Giêsu lúc nào cũng phải ý thức được Ngôi Vị Nhân Thần của mình, ý thức Cha ở trong Người và Người ở trong Cha. Ý Thức Thần Linh Người “từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Jn 8:14) này đã được thể hiện qua tất cả mọi lời Người nói và việc Người làm. Cả cuộc đời của Người đến là để làm chứng cho chân lý (x Jn 18:37), đó là dấu chứng tỏ Ý Thức Thần Linh này luôn ở nơi Người, và từng giây từng phút của cuộc đời Người đều được diễn tiến trong tinh thần cầu nguyện liên lỉ, một tinh thần được thể hiện cụ thể nhất vào những lúc Người cầu nguyện ở những nơi thanh vắng và vào những lúc tĩnh lặng.

 

Nếu tình trạng Giao Tiếp Thần Linh nơi Ngôi Vị Giêsu được thể hiện bằng hai cách, cách thứ nhất nơi Mầu Nhiệm Ngôi Hiệp, và cách thứ hai nơi Sứ Vụ Thiên Sai, một sứ vụ được hoàn tất nơi Mầu Nhiệm Tử Giá, thì Giao Tiếp Thần Linh nơi Kitô hữu cũng có hai cách, cách thứ nhất là nhờ Phụng Vụ, và cách thứ hai là bằng Tu Đức, ở tình trạng Hiệp Nhất Nên Một, khi Kitô hữu hoàn toàn tuân hợp Thánh Ý Chúa trong mọi sự. Bởi thế, đối với Kitô hữu, nói đến cầu nguyện là nói đến một tiến trình, từ khởi điểm tác động thần linh, để con người có thể hướng về thần linh và khao khát thần linh, nhờ đó họ có thể từ từ cảm nghiệm thần linh và một lúc nào đó có thể được thần linh thu hút chiếm đoạt, tới độ cuối cùng họ tiến tới chỗ giao tiếp thần linh, hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, Đấng ở trong họ qua Thánh Sủng. Như thế, Kitô hữu cầu nguyện là giây phút Kitô hữu ngây ngất với Ý Thức Thần Linh trong tâm hồn mình vậy.

 

Nhưng, thực tế sống đạo và tiến trình tu đức cho thấy, để đạt tới trình độ tuyệt đỉnh nguyện cầu là thần hiệp này, con người cần phải hội đủ hai điều kiện, đó là được Chúa thu hút và có tấm lòng thanh sạch. Tiến trình này chính là tiến trình tỏ mình ra của Thiên Chúa, như tiến trình của ánh sáng mặt trời lên làm màn đêm tan biến khi ngày đến. Con người thật sự trở nên thanh sạch hay có lòng thanh sạch để được thấy Thiên Chúa (x Mt 5:8) chỉ khi nào được Thiên Chúa là ánh sáng tỏ mình ra cho mà thôi. Đó là lý do Chúa Giêsu đã khẳng định với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly là “các con đã được nên thanh sạch nhờ những lời Thày nói với các con” (Jn 15:3). Thế nhưng, mỗi lần Thiên Chúa là ánh sáng tỏ mình ra cho con người, tức mỗi lần đứng trước một cuộc thần hiển nội tâm, con người tự nhiên, với đầy những ý nghĩ, ý thích và ý riêng, cho dù là vô tội, những gì làm nên bản vị của họ, làm nên sự sống của họ, họ sẽ cảm thấy hoàn toàn như ở trong một đêm tối tăm, như mất đi sự sống mình, mất đi bản thân mình (x Mt 16:25; Jn 12:25). Thế nhưng, chính những lúc tăm tối ấy là lúc “Thiên Chúa là thần linh” (Jn 4:24) đang tỏ mình ra cho linh hồn, đang thanh tẩy linh hồn, đang làm cho con người Cảm Nghiệm Thần Linh để có thể tiến đến chỗ Giao Tiếp Thần Linh “trong tinh thần và chân lý” (Jn 4:24). Kết quả là, như người đàn bà quằn quại sinh con, sau đó sẽ quên hết đớn đau vì đã hạ sinh một con người thế nào (x Jn 16:21), linh hồn được Chúa thử thách và thanh tẩy cũng thế, họ sẽ cảm thấy sầu khổ trong bình an, một an bình chan chứa niềm vui khôn tả, đúng như lời Chúa Giêsu khẳng định với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly: “Các con sẽ bị sầu khổ trong một thời gian, song nỗi sầu khổ của các con sẽ trở thành niềm vui cho các con” (Jn 16:20); một niềm vui tràn đầy ngay trong lúc bị bắt bớ (x Acts 5:41) như thế chứng tỏ con người môn đệ Chúa Kitô đã thực sự Cảm Nghiệm Thần Linh đến độ “được sự sống và là một sự sống viên mãn” (Jn 10:10).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

CHÚA CŨNG VẤT VẢ

 

Trần Mỹ Duyệt

 

 

“Tôi vất vả quá! Đời tôi sao vất vả quá!” Mang thân phận con người, chúng ta ai cũng vất vả: vất vả tinh thần, vất vả thể xác. Vất vả thể xác được gọi là lao lực. Còn vất vả tinh thần được gọi là lao tâm.

 

Nếu so sánh giữa tinh thần và thể xác, thì sự vất vả tinh thần có tầm ảnh hưởng sâu sa và lắng đọng hơn. Nó đòi hỏi một sự chấp nhận, chịu đựng mãnh liệt hơn. Chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt này bằng cảm nghiệm của bản thân mình, hoặc do kinh nghiệm học hỏi từ người khác. Thí dụ, một người bị lo lắng dằn vặt tâm hồn lâu ngày sẽ mất ăn, mất ngủ, đôi khi đi đến tâm bệnh. Ngược lại, một người mệt mã vì công việc tay chân, đêm về được dịp nghỉ ngơi lại thấy khỏe khoắn và dễ dàng lăn ra ngủ. Dù là lao tâm hay lao lực, cả hai cũng đều đặt con người vào sự chịu đựng và thử thách. Và cả hai đều bị con người sợ hãi và trốn chạy. Hoặc nếu bất đắc dĩ mà phải chịu đựng, thì sự chịu đựng ấy đa số chỉ là miễn cưỡng. Bất đắc dĩ mà phải chịu.

 

Tuy nhiên, có một người mà vất vả không thể động đến được, không hề bị ảnh hưởng của vất vả chi phối. Nhưng người này lại ôm lấy vất vả, đón nhận vất vả, và làm bạn với vất vả. Cuộc đời người ấy từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt lìa đời được dệt bằng những vất vả triền miên. Đó là Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc nhân trần. Định mệnh của ngài là sinh ra và chịu vất vả như chính Ngài đã nói: “Con Người đến là để phục vụ chứ không hưởng thụ”.

 

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh ký Máccô đã cho chúng ta thấy thời khóa biểu làm việc của Chúa Giêsu dầy đặc và đầy áp những vất vả. Vừa ra khỏi hội trường là chạy lại nhà của Simon và Andrê. Đến đó rồi, thì lại lo chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon. Sau đó là đoàn lũ dân chúng đến vây quanh, người xin được chữa lành, người xin khỏi quỉ ám. Thánh ký ghi nhận: “Cả thành tụ họp trước cửa nhà” (Mc 1: 33). Bận rộn như vậy, mà mới sáng tinh sương ngài đã vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.

 

Điều hiển nhiên là Chúa Giêsu tự ý chấp nhận và tự ý bận rộn. Ngài làm thế vì Ngài muốn thế chứ không phải vì bắt buộc. Thái độ chấp nhận vất vả của Ngài là điều khiến chúng ta phải nhìn lại những vất vả của chính mình và từ đó tìm cho những vất vả, đau khổ ấy một ý nghĩa.

 

Thật vậy, Chúa Giêsu vất vả vì các linh hồn. Ngài vất vả, vật lộn với ma quỉ, với những thử thách vì phần rỗi và vì ơn cứu độ của nhân loại. Đây là điểm mà Kitô hữu chúng ta phải rút ra từ những vất vả của cuộc sống thường ngày. Chúa vất vả vì ta và cho ta. Ta cũng phải vất vả vì chính ta và vì những người khác. Chúng ta có bao giờ tự hỏi, tại sao Thánh Kinh đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả sự vất vả của con người, thí dụ, hình ảnh của những người làm công, hình ảnh những ngư phủ chài lưới, hình ảnh những người nông dân dầm sương dãi nắng gieo vãi, gặt hái. Nếu có thì câu trả lời là vì trong tất cả những hình ảnh tượng trưng cho sự vất vả ấy, đàng sau bao giờ cũng thấy xuất hiện hình ảnh của cứu độ, của giải thoát, và của trường sinh bất tử. Có thể nói, Chúa dùng những vất vả, những thử thách và đau khổ của cuộc sống để cho con người dễ dàng đạt được mục đích đời đời, và đạt được phần thưởng cứu độ.

 

Vậy nếu Chúa Giêsu, Đấng không hề bao giờ cần đến sự vất vả, lại chấp nhận vất vả cho đến chết vì ta, thì đến lượt chúng ta, liệu có thể trốn tránh hoặc coi thường vất vả. Cái mầu nhiệm của vất vả nằm ngay trong ý nghĩa và hành động của Chúa Giêsu. Qua sự chấp nhận, Ngài đã ban cho vất vả một ý nghĩa và giá trị cứu độ. Ngài đã không cứu độ và giải thoát con người bằng những hành động cao cả, và những việc làm phi thường nhưng bằng những vất vả và cực khổ của kiếp người. Và đến lượt con người, thì con người đâu cần phải tìm gì xa xôi để được giải thoát và cứu độ. Hành động cứu độ và giải thoát nằm ngay trong bản chất của cuộc sống, và nằm ngay trong ý nghĩa cuộc đời. Và đó là điều yên ủi, khích lệ chúng ta.

 

Thay vì khóc lóc, than thở, phiền trách Chúa, phiền trách mình. Thay vì phải vất vả, ngược xuôi để tìm ơn giải thoát, thì sự giải thoát và ơn cứu độ lại có sẵn trong cuộc đời của chính mình. Điều này những tâm hồn thiện chí, những tâm hồn khao khát chân thiện mỹ đều hiểu rõ và sẵn sàng đón nhận. Ngoài ra, phần đông nhân loại vẫn là chạy trốn và khinh bỉ vất vả. Tâm lý này được tìm thấy ngay trong đời sống thường ngày. Ai cũng muốn mình có việc làm nhẹ, lương cao và được trọng dụng. Ngược lại, ai cũng cho mình là người đau khổ và bất hạnh nhất trần gian.

 

Nhưng khi nhìn vào sự vất vả và chịu đựng của Chúa Giêsu, Kitô hữu chúng ta mới chợt nhận ra rằng, chúng ta đã trốn chạy một điều không bao giờ có thể trốn chạy được, đó là sự vất vả và chịu khó. Ngược lại, khi trốn chạy đau khổ và vất vả, chúng ta đã bỏ lại sau lưng bao nhiêu kho tàng quí giá có khả năng đem lại hạnh phúc và phần rỗi cho chính mình cũng như những người khác. Đó là  chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để chấp nhận và thánh hóa những vất vả của mình theo gương Chúa Giêsu.

 

Theo gương Chúa Giêsu. Vâng! Chỉ khi nào con người biết nhìn lên Chúa Giêsu để bằng lòng với cuộc sống của mình, thánh hóa nó và cho nó một giá trị cứu độ, thì lúc đó con người mới nhận được giá trị và yêu mến những vất vả của mình. Và lạ lùng thay, chính khi con người biết nhận ra những vất vả của mình, thì cũng là lúc những vất vả ấy biến thành niềm vui và hạnh phúc. Vì nó đã được thánh hoá và ban cho một giá trị cứu độ nhờ vào những vất vả của Chúa Giêsu.

 

Và cũng để theo gương Chúa Giêsu, chúng ta phải kết hợp với Ngài bằng kinh nguyện, bằng học hỏi Lời ngài trong Thánh Kinh và bằng tham dự các Bí Tích, đặc biệt là Thánh Lễ Misa. Thánh Máccô ghi nhận trong ngày Chúa mệt nhọc và vất vả với con người, nhưng sáng sớm ngài đã tìm vào thanh vắng để kết hợp với Chúa Cha.

 

Vất vả, lầm than và đau khổ. Vất vả thể xác. Vất vả tâm hồn. Cuộc sống con người là một chuỗi dài nối tiếp những vất vả. Nhưng trong chuỗi vất vả ấy chính là chuỗi hạnh phúc, chuỗi giải thoát. Vì chỉ cần chúng ta khám phá ra giá trị của nó, lập tức những vất vả kia sẽ là niềm vui và hạnh phúc. Chúa Giêsu đã vất vả để chúng ta được hạnh phúc. Ngài chấp nhận vất vả vì chúng ta và cho chúng ta. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải đón nhận những vất vả của mình cho phần rỗi mình và phần rỗi nhân loại. Và cùng với Chúa Giêsu, chúng ta cùng nhau vất vả.

 

 

 

Thiên Chúa Chia Sẻ Kiếp Sống Con Người

 

Lm. Anphong Trần Đức Phương

 

Chúng ta đã vui vẽ mừng Mùa Giáng-Sinh, rồi Năm Mới Dương Lịch 2006 và vừa mừng những ngày đầu Năm Mới Bính Tuất. Bây giờ chúng ta lại bắt đầu cuộc sống bình thường với bao công việc vất vả hằng ngày, với bao lao công và khổ đau trong cuộc sống. Hôm nay khi đến dâng Thánh Lễ cuối tuần, chúng ta nghe Bài đọc I, Ông Giob than thở: “Lao nhọc là đời sống của con người trên trái đất…” và “Đời sống của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa…”.

 

Thực tế là như vậy. Cuộc đời con người là sinh ra, lớn lên, vất vả làm ăn, bịnh họan và cuối cùng là cái chết. Đúng là: “Sinh, Lão, Bịnh, Tử…”. Tuy nhiên, đối với chúng ta là những người có niềm tin nơi Chúa là Cha chúng ta, chúng ta không bi quan, yếm thế. Đó chỉ là một thực tế mà mỗi người đều phải trải qua. Chính Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, đã “xuống thế làm người” và sống một cuộc sống lao động vất vả như mọi người suốt 30 năm tại Nazarét. Trong cuộc đời rao giảng, Ngài cũng vất vả, lao nhọc, suốt ngày lang thang trên bước đường truyền giáo: “Con cáo có hang, con chim có tổ, Con Người không có chổ dựa đầu…”. Ngài cũng chịu đựng mọi khổ đau, hiểu lầm, chống đối, và sau cùng là cái chết đau đớn trên Thánh Giá, táng  xuống lòng đất; nhưng Ngài đã sống lại, lên trời  để mở đường về trời cho chúng ta.

 

Vậy chúng ta hãy can đảm và vui vẻ sống cuộc sống của mỗi người chúng ta trong khi noi gương cuộc sống của Chúa nơi trần gian: chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện, chấp nhận mọi gian lao thử thách, lo chu tòan bổn phận hàng ngày, kể cả bổn phận “đem Tin Mừng tình thương của Chúa đến cho mọi người.”.

 

Hãy đến thờ lạy Chúa, hãy tiến bước trước nhan Chúa, Đấng tạo thành chúng ta…” (Ca Nhập Lễ).

 

Xin Chúa chúc lành Năm Mới cho mọi người chúng ta và cầu nguyện chung cho nhau.