CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

BÀI ĐỌC I: 1 Sam 16:1b, 6-7, 10-13a

“Đavít được xức dầu làm Vua Isarel”
Bài trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: “Hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường; Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem, vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”. Khi vào nhà, Samuel gặp ngay Eliab và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: “Chúa không chọn ai trong những người nầy”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Đứa út nầy có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Đavít từ ngày đó trở đi.

Lời của Chúa.


Đáp Ca: (Xin mời Cộng đoàn thưa)

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

1.      Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Ngài thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Ngài hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Ngài lo bồi dưỡng.

2.      Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chánh, sở dĩ vì uy danh Ngài. Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng tôi.

3.      Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

4.      Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.


BÀI ĐỌC II: Eph 5:8-14

“Từ trong cõi chết, ngươi hãy đứng lên và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”
Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Êphêsô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì, nhưng phải tố cáo thì hơn. Vì chưng, việc chúng làm cách thầm kín, dầu có nói ra cũng phải hổ thẹn. Nhưng tất cả những việc người ta tố cáo, thì nhờ sự sáng mà được tỏ bày ra; vì mọi việc được tỏ bày, đều là sự sáng. Bởi thế, thiên hạ nói: “Hỡi kẻ đang ngủ, hãy thức dậy, hãy vùng dậy ra khỏi cõi chết, và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”.

Lời của Chúa.


(Xin mời Cộng đoàn đứng)

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.


PHÚC ÂM: Joan 9:1-41

“Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ”
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, y hay cha mẹ y, khiến y mù từ khi mới sinh?” Chúa Giêsu đáp: “Không phải y cũng chẳng phải cha mẹ y đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa được tỏ ra nơi y. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta. Đêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian”. Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: “Ngươi hãy đến hồ Silôe mà rửa (Chữ Silôe có nghĩa là sai đến). Hắn ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được. Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: “Đó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?” Có kẻ nói: “Đúng hắn”! Lại có người bảo: “Không phải, nhưng là một người giống hắn”. Còn anh ta thì nói: “Chính tôi đây”. Họ hỏi y: “Làm thế nào mắt anh được sáng”? Anh ta nói: “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến Silôe mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy. Họ lại hỏi: “Ngài ở đâu”? Anh thưa: “Tôi không biết”. Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái. Lý do tại Chúa Giêsu hòa bùn và chữa mắt cho y lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi y do đâu được sáng mắt? Anh đáp: “Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt”. Mấy người biệt phái nói: “Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat”. Mấy kẻ khác lại rằng: “Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy”? Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh”? Anh đáp: “Đó là một tiên tri”. Nhưng người Do Thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến.
Họ hỏi hai ông bà: “Người nầy có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy”? Cha mẹ y thưa rằng: “Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi và nó đã bị mù từ khi mới sinh. Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy”. Cha mẹ y nói thế bởi sợ người Do Thái, vì người Do Thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói: “Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. Lúc ấy người Do Thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi”. Y trả lời: “Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết, tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy”. Họ hỏi y: “Người đó đã làm gì cho anh? Người đó đã mở mắt anh thế nào”?
Anh thưa: “Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng”? Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo: “Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môisen. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môisen, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến”. Anh đáp: “Đó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời.
Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư”? Rồi họ đuổi y ra ngoài. Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: “Ngươi có tin Con Thiên Chúa không”? Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người”? Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh ta liền nói: “Lạy Thầy, tôi tin”. Và y sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu liền nói: “Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù”. Những người biệt phái có mặt ở đó liền nói với Người: “Thế ra chúng tôi mù cả ư”? Chúa Giêsu đáp: “Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội, nhưng các ngươi nói: chúng tôi xem thấy, nên tội các ngươi vẫn còn.

Phúc Âm của Chúa.

  _________________________________________

 

 

Ngài là ai để tôi tin Ngài?”

 

Mạc Khải “Thày là Sự Thật” cho người mù từ lúc mới sinh

 

Như tuần trước đã chia sẻ, trong ba tuần giữa (III, IV, V) của Mùa Chay thuộc Chu Kỳ Phụng Niên Năm A, Phụng Vụ Lời Chúa (ba bài Phúc Âm theo Thánh Gioan, chứ không phải theo Thánh Mathêu) cho thấy tiến trình Mạc Khải tam đoạn về Con Người Giêsu là Đường Lối, là Sự Thật và là Sự Sống. Thật vậy, ở Chúa Nhật thứ III tuần trước, Chúa Giêsu đã Mạc Khải Người là Đường Lối, qua đoạn Phúc Âm trình thuật về việc Người tỏ mình ra cho phụ nữ tội lỗi ở miền đất Samaritanô ngoại lai, và làm cho chị nhận biết Người quả thực là Đức Kitô Thiên Sai, Vị sẽ dẫn con người đến cùng “Thiên Chúa là Thần Linh”, Đấng muốn những ai tôn thờ Ngài phải “tôn thờ trong tinh thần và chân lý” (Jn 4:24), là tất cả những gì Người sẽ ban cho những ai tin vào Người, để từ họ sẽ vọt lên mạch nước sự sống đời đời là Thánh Thần (xem Jn 4:14, 7:38-39). Ở Chúa Nhật thứ IV tuần này, Chúa Giêsu đã Mạc Khải Người là Sự Thật, qua đoạn Phúc Âm trình thuật về việc Người tỏ mình ra cho một kẻ mù từ lúc mới sinh người Do Thái ở miền đất chính giáo Giuđêa. Bởi vì, trong đoạn trình thuật đây, Phúc Âm Thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu đã nói đến thực tại “Thày là ánh sáng thế gian” trước khi phục quang cho người mù này, cũng như nói đến tác dụng nơi việc hiện diện và hành động của Người: “Tôi đến để làm cho kẻ mù được thấy và kẻ thấy bị mù”, sau khi đã chữa lành cho người mù ấy.

 

Tiến trình Mạc Khải của Chúa Giêsu trong cả ba trường hợp (Đường Lối, Sự Thật và Sự Sống) đều giống nhau, chẳng những theo chiều hướng của Phúc Âm Thánh Gioan (“Ánh sáng chiếu soi trong tăm tối” – Jn 1:5) mà còn theo đúng đường lối của Phúc Âm Thánh Mathêu thuộc Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A nữa (“Cải thiện đời sống! Nước Trời đã đến” – Mt 4:17). Thật thế, theo chiều hướng của Phúc Âm Thánh Gioan, vì là “ánh sáng thật đã đến trong thế gian chiếu soi hết mọi người” mà Chúa Giêsu, như Phúc Âm hôm nay cho thấy, đã tự động, (chứ không cần hay không phải do yêu cầu hay kêu xin của đối tượng, vốn thường xẩy ra nơi bộ ba Phúc Âm Nhất Lãm), đến với người mù từ lúc mới sinh và chữa lành cho anh ta. Để làm gì? Nếu không phải để anh ta có thể nhìn thấy Người mà tin vào Người hay mới có thể tin vào Người. Phải, tuyệt đỉnh của việc Chúa Giêsu tỏ mình cho người mù từ lúc mới sinh này là ở chỗ đó. Ở chỗ, như Phúc Âm hôm nay cho biết: “Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, Người tìm gặp anh mà hỏi: ‘Anh có tin Con Thiên Chúa không?’ Anh đáp: ‘Thưa ông, Ngài là ai để tôi tin Ngài?’ Chúa Giêsu phán: ‘Anh đã nhìn thấy Ngài, Đấng đang nói với anh đây’. Anh ta liền nói: ‘Lạy Chúa, tôi tin’ rồi sấp mình xuống thờ lạy Người”.

 

Tuy nhiên, trình thuật Mạc Khải này của Chúa Giêsu cũng hợp với đường lối của Phúc Âm Thánh Mathêu nữa. Nếu yếu tố nhân sinh (cải thiện đời sống) được đặt trước yếu tố Thần Linh (Nước Trời đã đến) thế nào, trong trình thuật Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Thật vậy, ngay trước khi được Chúa Giêsu hoàn toàn tỏ mình ra cho mình, nghĩa là trước khi người mù từ lúc mới sinh chẳng những tuyên xưng đức tin mà còn tỏ cử chỉ phục xuống tôn thờ Người, anh ta đã phải tỏ lòng khát khao mong muốn biết Người là ai: “Thưa ông Ngài là ai để tôi tin Ngài?”. Như thế, nếu anh ta không tỏ ra yếu tố nhân sinh quyết liệt này trước, thì thử hỏi anh ta có được thấy “Nước Trời đã đến” ngay trước đôi mắt vừa được chữa lành của anh ta hay chăng? Hoặc anh ta lại rơi vào trường hợp của chín trong mười người tật phong, sau khi được chữa lành, đã không hề quay trở lại để nhận biết Đấng đã chữa lành cho mình bằng việc tạ ơn Người, như một người ngoại lai trong họ đã làm (xem Lk 17:11-19). Thật ra, qua những đối đáp của anh ta với nhóm Pharisiêu, anh ta chẳng những đã tỏ ra niềm tin của mình vào Đấng đã chữa lành cho anh ta, mà còn hiên ngang làm chứng cho một Đấng anh ta chưa hề được trực diện, chưa hề được diện kiến dung nhan để có dịp dâng lời tạ ơn Người. Vì trước khi thấy đã tin rồi, (tin trước biết sau là như thế), nên khi anh ta vừa được hỏi “Anh có tin Con Thiên Chúa không?”, anh liền tỏ ước muốn tin tưởng của mình ngay, nhờ đó, và cũng chỉ nhờ đó, anh mới được và đã được hoàn toàn thấy “Sự Thật”, thấy được “Con Thiên Chúa” Làm Người.

 

Mạc Khải “Thày là Sự Thật” theo ý nghĩa của Mùa Chay

 

Thế nhưng, tại sao Giáo Hội lại đặt trình thuật của Phúc Âm Thánh Gioan về việc Chúa Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh này vào Mùa Chay, trước trình thuật về người phụ nữ Samaritanô và sau trình thuật về Lazarô được hồi sinh? Hay nói cách khác, đâu là ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay trong Mùa Chay?

Như đã đề cập đến ở hai bài chia sẻ, tuần về biến cố biến hình hai tuần trước và tuần về biến cố bên bờ giếng Giacóp vừa rồi, Mùa Chay là thời gian hướng về và sửa soạn cho Biến Cố Vượt Qua, tuyệt đỉnh của Mầu Nhiệm Kitô Giáo. Thế nhưng, con người không thể chấp nhận và nhờ đó mới có thể thông phần vào Biến Cố Vượt Qua này, một biến cố đã làm rung chuyển tận gốc rễ nền tảng đức tin của Nhóm 12 bấy giờ, nếu con người không chịu bỏ mình và nhờ đó mới có thể tin tưởng, nghĩa là mới có thể cùng Người Vượt Qua: “Tôi nói thật cho quí vị biết, ai nghe lời Tôi mà tin vào Đấng đã sai Tôi thì có sự sống trường sinh. Họ không bị luận phạt, song vượt qua sự chết mà vào sự sống” (Jn 5:24). Ngay trong biến cố biến hình, ba môn đệ đã chẳng nghe thấy có tiếng phán ra từ đám mây hay sao: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Hãy nghe lời Người” (Mt 17:5). Như thế, chính Cha trên trời cũng làm chứng về Con mình, để con người có thể tin tưởng Đấng Ngài sai.

 

Đó là lý do, hai tuần đầu của Mùa Chay, Giáo Hội đã khôn ngoan đặt bài Phúc Âm về biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ trước biến cố Chúa Giêsu biến hình, với mục đích để củng cố đức tin Kitô hữu, tức để Kitô hữu thấy được ý nghĩa và mục đích sâu xa của bỏ mình và chịu đựng khổ đau. Ngay trong biến cố biến hình của mình, Chúa Giêsu cũng có ý hướng muốn củng cố đức tin của ba người môn đệ thân tín nhất của Người nữa. Bởi thế, cuối trình thuật về biến cố biến hình này, Người mới hướng các vị về biến cố Phục Sinh của Người: “Đừng nói với bất cứ ai những gì các con thấy cho đến khi Con Người từ trong cõi chết sống lại” (Mt 17:9). Về phía con người, cho dù đức tin của Nhóm 12, nhất là của cả 3 vị thân tín nhất đã được tận mắt chứng kiến vinh hiển của Con Thiên Chúa qua biến cố biến hình, có bị choáng váng tối tăm đến chối bỏ “Sự Thật”, nhưng, nhờ những gì Thày đã làm trước hay báo trước về Người (xem Jn 13:19), cuối cùng họ cũng đã tin vào Người: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi” (Jn 20:28).

 

Như thế, nếu chứng từ là yếu tố thuộc về Mùa Phục Sinh thế nào, thì đức tin là yếu tố làm nên Mùa Chay như vậy. Đó là lý do Phụng Vụ Lời Chúa theo Phúc Âm Thánh Gioan cho ba tuần giữa (III, IV, V) của Chu Kỳ Phụng Niên Năm A nói chung, cũng như của Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay hôm nay nói riêng, mới trình thuật về việc Chúa Giêsu tỏ mình ra để làm cho con người tin vào Người mà được sự sống đời đời. Bởi nguyên tội, con người đều là những người mù từ lúc mới sinh, không thể nào nhận biết “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24), nếu không được Ngài mở mắt tâm linh ra cho. Thật ra, Thiên Chúa luôn ở bên con người và tỏ mình cho con người, như trường hợp của người phụ nữ Samaritanô trong bài Phúc Âm tuần trước, hay của người mù từ lúc mới sinh trong bài Phúc Âm tuần này: “Ta chính là Đấng đang nói với chị/anh” (Jn 4:26; 9:37), với chúng ta.

 

Tuy nhiên, muốn nhận ra Người, như hai nhân vật trong hai bài Phúc Âm tuần trước và tuần này, chúng ta phải chân thành và khao khát tìm kiếm chân lý. Có thế, tới giây phút hội ngộ thần linh, giây phút cảm nghiệm thần linh, chúng ta mới nghe được tiếng của Người, nhận ra những gì Người đã nói với chúng ta, như trường hợp của người phụ nữ Samaritanô, hay những gì Người đã làm cho chúng ta, như trường hợp của người mù từ lúc mới sinh. Và từ cuộc hội ngộ thần linh này, chúng ta mới có thể loan báo về Người, như trường hợp của người đàn bà Samaritanô, hay mới có thể phục xuống thờ lạy Người, như trường hợp của người mù từ lúc mới sinh. Riêng trong trường hợp của Người mù từ lúc mới sinh, ngay trước khi gặp được Đấng phục quang cho mình, anh đã làm chứng về Người rồi, chứ không cần đợi đến sau khi nhận ra Người, như trường hợp của chị phụ nữ Samaritanô. Một con người sống theo lương tâm chân chính có thể làm chứng cho chân lý là thế: “Ai tìm kiếm chân lý sẽ nghe thấy tiếng của Tôi” (Jn 18:37) là thế; “chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Jn 10:27) là như vậy. Nếu trong Biến Cố Vượt Qua, Chúa Giêsu muốn “làm chứng cho chân lý” (Jn 18:37) Người là Đấng Thiên Sai và Cha là Đấng đã sai Người, thì người mù từ lúc mới sinh hôm nay, qua những minh chứng hùng hồn theo lý lẽ tự nhiên cùng với cảm nghiệm thần linh của anh trước nhóm Pharisiêu thông luật, quả thực đã tin tưởng đúng như những gì Chúa Giêsu muốn đến để làm chứng: “Nếu người này không từ Thiên Chúa mà đến thì không thể nào làm được một việc như vậy” (Jn 9:33).

 

Vấn đề thực hành sống đạo: Mùa Chay là thời điểm hướng về Biến Cố Vượt Qua và sửa soạn cho Biến Cố Vượt Qua, bằng những việc củng cố Đức Tin, những tác động làm cho Kitô hữu nhờ đó có thể hiệp thông với Chúa Kitô Phục Sinh hơn. Bởi vậy, Mùa Chay sẽ chẳng có nghĩa gì, thậm chí những việc hy sinh hãm mình, chay tịnh phạt xác, ăn năn thống hối cũng chẳng có nghĩa lý gì, nếu con người không nhờ đó mà tin tưởng hơn, gắn bó với Chúa Kitô hơn, theo sát Người hơn, cảm thấy vinh dự vì thập giá của Người hơn. Đúng thế, chỉ có đức tin trưởng thành và mãnh liệt như thế, con người môn đệ Chúa Kitô mới thực sự là những chứng nhân sống động của Người và cho Người đến tận cùng trái đất mà thôi (xem Lk 24:48).  

 

 

 

 

CHÚA KITÔ LÀ ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ÁNH SÁNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG

 

(Thánh Âu Quốc Tinh: Bài giảng về Phúc Âm Thánh Gioan: Tract. 34:8-9: CCL 36:315-316)

 

 

Chúa nói với chúng ta rằng: Thày là ánh sáng thế gian; ai theo Thày sẽ không đi trong tăm tối, song sẽ được ánh sáng sự sống. Qua mấy lời này, Người đã ban bố một lệnh truyền và đưa ra một lời hứa hẹn. Chúng ta hãy làm theo những gì Người truyền khiến để chúng ta khỏi bị hổ thẹn vì ham hố những gì Người hứa hẹn rồi nghe Người phán trong ngày phán xét rằng: 'Ta đã ra một số điều kiện để giúp chiếm được những lời hứa của Ta. Vậy các người đã làm trọn những điều kiện ấy chưa?' Nếu anh em nói: 'Chúa đã truyền khiến những gì cơ, Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi?' Người sẽ bảo anh em rằng: 'Ta đã truyền các người hãy theo Ta. Các người đã tham vấn về cách nào để được hưởng sự sống. Sự sống ấy là gì, nếu không phải là sự sống đã được chép là nguồn mạch sự sống ở nơi Người hay sao?'

 

Giờ đây chúng ta hãy làm theo những gì Người truyền khiến chúng ta. Chúng ta hãy bước theo chân Chúa. Chúng ta hãy chặt đứt xiềng xích trói buộc không cho chúng ta theo Người. Ai có thể chặt đứt những mắt xích này mà không cần đến sự trợ giúp của Đấng đã nói những lời này: Ngài đã bẻ gẫy xiềng xích cho tôi? Bài Thánh Vịnh khác nói về Người: Chúa giải thoát những ai bị xiềng xích, Chúa nâng kẻ ê chề lên.

 

Những ai đã được giải thoát và được nâng lên thì bước theo ánh sáng. Ánh sáng họ bước theo nói với họ rằng: Tôi là ánh sáng thế gian; ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối. Chúa ban ánh sáng cho người mù lòa. Hỡi anh em, ánh sáng ấy giờ đây chiếu trên chúng ta, vì đôi mắt của chúng ta đã được xức thứ thuốc chữa mắt đức tin. Nước miếng của Người đã trộn với đất để bôi lên người mù từ lúc mới sinh. Chúng ta là giòng dõi của Adong, bị mù từ lúc mới sinh; chúng ta cần Người ban cho chúng ta ánh sáng. Người đã trộn nước miếng với đất như đã được tiên phán: Chân lý từ đất nở ra. Chính Người cũng đã phán: Thày là đường, là sự thật và là sự sống.

 

Chúng ta sẽ chiếm hữu được chân lý khi chúng ta được diện kiến. Người đã hứa với chúng ta điều này. Ai dám hy vọng những gì Thiên Chúa không muốn hứa hay ban theo lòng thiện hảo của Ngài?

 

Chúng ta sẽ được diện kiến. Thánh Tông Đồ viết: Giờ đây tôi biết được một phần nào thôi, mờ mờ như qua một gương soi, rồi mới được diện kiến. Thánh Gioan tông đồ viết ở một trong các lá thư của ngài là: Các con yêu dấu, chúng ta giờ đây là con cái Thiên Chúa, và những gì chúng ta là thì chưa được tỏ hiện. Chúng ta biết rằng khi Người tỏ hiện chúng ta cũng sẽ được giống như Người, vì chúng ta sẽ được thấy Người như Người là. Đó là một lời hứa hẹn trọng đại.

 

Nếu các con yêu mến Thày thì hãy theo Thày. Anh em cự nự: ‘Tôi quả có yêu Thày, nhưng tôi theo Thày như thế nào đây?’ Nếu Chúa là Thiên Chúa của anh em nói với anh em rằng: ‘Thày là sự thật và là sự sống’ nơi lòng anh em khát muốn sự thật, nơi lòng anh em yêu chuộng sự sống, chắc chắn anh em sẽ xin Người hãy tỏ cho anh em cách thức tiến tới những điều ấy. Anh em sẽ nói với mình rằng: ‘Sự thật là một thực tại cao cả, sự sống là một thực tại trọng đại; chỉ cần linh hồn có thể tìm thấy chúng!’.

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 418-419)

 

ANH MÙ

Trần Mỹ Duyệt


Nhân dáng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế và Cứu Chuộc nhân trần đang được từ từ hiển lộ; đặc biệt, vào thời điểm Ngài sắp sửa chấp nhận chịu chết để hoàn thành sứ mạng. Trước hết, Ngài hiển lộ với các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi cao. Tiếp đến, Ngài xuất hiện trước người thiếu phụ Samaria bên giếng Giacob. Và lần này với anh mù từ lúc lọt lòng mẹ.

Tùy theo tầm mức và đối tượng, Chúa hiển lộ theo một cách thức khác nhau và mục đích khác nhau. Với các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê, và Gioan, Ngài phải dẫn các ông lên núi cao, và cho các ông thấy vinh quang Ngài. Một vinh quang thực của Ngài sau cái nhân dáng bình thường mà các ông vẫn thường nhìn thấy, động chạm, và rờ mó được. Đó là Con Thiên Chúa, luôn luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, mọi người phải nghe Ngài. Ngài làm thế, vì sau này chính các ông – những người đã theo Ngài – sẽ là những chứng nhân cho Ngài. Mà vì cuộc đời chứng nhân ấy đòi hỏi nhiều thử thách, hy sinh và tử đạo, nên Ngài đã khích lệ các ông cũng như tất cả những ai sẽ tin theo lời chứng các ông sau này bằng vinh quang phục sinh mà điển hình là trạng thái vinh hiển mà các ông đã thấy trên núi hôm đó.

Nhưng có lẽ phần đông nhân loại sống trong ơn gọi hôn nhân, gia đình. Một cuộc đời vất vả, bon chen, và phải vật lộn với thực tế cuộc sống. Ơn gọi này tuy thánh thiện, nhưng cũng nhiều thử thách, và cám dỗ được nhìn thấy qua hình ảnh người thiếu phụ Samaria. Họ là những chiên lạc, những con chiên đang lang thang trong sa mạc cuộc đời cần được Ngài tìm kiếm và đem về. Do đó, Chúa đã đến với người thiếu phụ Samaria bằng hình ảnh một giếng nước. Nhu cầu thiết thân với con người và cuộc sống. Nhưng không phải là nước kín lên từ giếng Giacob hay bất cứ giếng nước nào. Chúa Giêsu chính là giếng nước hằng sống, giếng nước vọt lên trong lòng người uống mạch nước hằng sống sẽ được khải mở trên núi Sọ khi trái tim Ngài bị lưỡi đòng của Longchinô đâm thủng.

Và hôm nay, với thành phần cùng khổ của xã hội, thành phần bị xã hội bỏ rơi, quên lãng là những người mù lòa, tàng tật, bệnh tật thân xác và tâm hồn mà anh mù từ lúc mới sinh này là một đại diện. Chúa cũng đã đến với họ, vì họ cũng là con của Ngài, và cũng có trong danh sách những người mà Ngài sẽ đổ máu ra cho họ. Sự mở mắt thể xác cho anh là một hình ảnh mở mắt tâm linh cho những tội nhân, những người chưa một lần nhìn ánh sáng cứu độ. Và đó là lý do Ngài đã đụng chạm, đã hướng dẫn anh và đã chữa lành anh.

Tóm lại, dù là Tông đồ, dù là tội nhân, hay dù là bất cứ ai khác trong nhân loại, tất cả đều là đối tượng của tình thương Ngài. Đều là mục đích của cuộc giáng trần, và biến cố đổ máu của Ngài trên đỉnh núi Sọ. Và người mà các Tông Đồ, người thiếu phụ Samaria, và anh mù đã thấy đó chính là Chúa Giêsu.

Nhưng qua biến cố Chúa chữa lành anh mù từ lúc mới sinh đây, một điều làm cho Kitô hữu chúng ta cần phải suy nghĩ và tự vấn, đó là câu hỏi mà chính Chúa Giêsu đã hỏi anh: “Anh có tin kính Con Người không?” (Gio 9:35), và câu trả lời của anh: “Ngài là ai để tôi tin kính Ngài” (Gio 9:36). Vì qua mẩu đối thoại này, ta có thể nhận ra rằng anh mù này mù thật và rất cần được mở mắt. Thực tế, anh đã kêu xin Chúa mở mắt cho anh lúc anh còn đang mù. Anh đã đi rửa mắt ở suối Siloam nơi Ngài bảo anh đi. Anh đã được sáng mắt. Thế mà khi anh đối diện với Đấng đã chữa anh khỏi mù, anh lại không biết. Mù thì nhận ra Chúa, nhưng khi được Ngài khai mở con mắt cho lại không nhìn ra Ngài. Phải chăng đó cũng là trạng thái sống và suy nghĩ của nhiều người trong chúng ta.

Nhiều lần và trong nhiều trường hợp, chúng ta nghe, chúng ta nói, chúng ta đọc và viết về Ngài. Nhiều lần Ngài đã làm những phép lạ lớn lao trong đời sống chúng ta như đã chữa lành anh mù từ lúc mới sinh, nhưng khi đối diện với Ngài, chúng ta cũng không nhận ra Ngài. Đó là những lúc chúng ta được nghe nói về Ngài, say sưa về những ơn lành Ngài ban tặng, cũng như ngỡ ngàng và sửng sốt trước những phép lạ Ngài thực hiện cho chính mình, người thân trong gia đình, nhưng rồi chúng ta đã không nhận ra bàn tay quan phòng và tình thương Ngài. Những lúc chúng ta nghi ngờ về tình thương và quan phòng của Ngài. Những lúc như thế, dù Ngài đứng trước mặt chúng ta, chúng ta cũng đã không nhận ra Ngài.

Mù thì nhận ra Chúa, nhưng lúc sáng lại không nhận ra. Đau khổ thì đi tìm Chúa, nhưng lúc được Ngài an ủi, vỗ về thì lại quên Ngài. Do đó, chúng ta cần phải bắt chước anh mù để khiêm tốn nhận ra sự mù lòa của mình bằng cách hỏi Ngài: “Ngài là ai để tôi tin kính Ngài?”. Và chính nhờ câu nói này, anh mới thực sự được chữa lành. Lúc đó, mắt anh mới thật sự sáng để nhận ra người đang đứng trước mặt mình là Con Người, và đã quì gối trước mặt Ngài với lòng tin kính như anh đã tuyên xưng trước đó: “Lậy Chúa con tin, và anh sấp mình thờ lậy Ngài” (Gio 9:38).

Hình ảnh anh mù, và đường lối tìm hiểu, tuyên xưng Con Thiên Chúa chính là hình ảnh, lối sống và cách tin nhận của mỗi Kitô hữu chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận sự mù lòa tâm linh mình, và phải ngỏ lời kêu van Thiên Chúa chữa lành. Nhất là chúng ta phải tìm kiếm để nhận ra sự hiện diện Ngài, nhận ra những dấu lạ Ngài thực hiện trong đời sống chúng ta. Và như anh mù, chúng ta cần phải quì lậy và tuyên xưng những phép lạ ấy trong cuộc đời mình bằng cách biết ơn, tin kính và sống lời Ngài, làm chứng nhân cho Ngài ngay trong cuộc đời và ơn gọi của mỗi người.