MỘT DUNG NHAN ĐỂ CHIÊM NGƯỠNG
LÀM CHO ÂN SỦNG NHẬN ĐƯỢC SINH LỢI

Trong phần thứ hai của Bức Tông Thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ”này, để Kitô hữu nơi “tất cả mọi Giáo Hội riêng” có thể chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô một cách chính xác, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã căn cứ vào “Chứng Từ của Các Phúc Âm” (đoạn 17 và 18) cũng như vào “Đời Sống Đức Tin”(đoạn 19-20) các vị Tông Đồ (như Tôma, Phêrô và Gioan) là những chứng nhân tiên khởi, để đi vào “Chiều Sâu của Mầu Nhiệm” (đoạn 21-23), ở đó, có “Dung Nhan của Người Con” (đoạn 24), “Một Dung Nhan Sầu Khổ” (đoạn 25-27), cũng là “Dung Nhan của Đấng Phục Sinh” (đoạn 28).
“Một Dung Nhan Để Chiêm Ngưỡng”: Mục Đích là để Làm Chứng về Người

’Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu’(Jn 12:21). Lời yêu cầu của một số Người Hy Lạp đến hành hương ở Giêrusalem vào Ngày Lễ Vượt Qua ngỏ cùng Tông Đồ Philiphê cũng vang vọng vào tai tâm linh chúng ta trong Năm Mừng Kỷ Niệm này. Như những người hành hương của hai ngàn năm trước đây, con người nam nữ của thời đại chúng ta hiện nay, có lẽ thường xẩy ra trong vô thức, cũng yêu cầu các tín hữu chẳng những ‘nói’ về Chúa Kitô, mà còn, ở một khía cạnh nào đó, ‘tỏ’ Người ra cho họ thấy nữa. Đó không phải là công cuộc của Giáo Hội trong việc làm chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô ra trong mọi giai đoạn của lịch sử hay sao, trong việc làm cho dung nhan của Người sáng tỏ trước mắt các thế hệ của một tân thiên niên kỷ hay sao?” (đoạn 16.1).

“Tuy nhiên, chứng từ của chúng ta sẽ bị què quặt một cách thảm thương, nếu chính chúng ta trước hết không chiêm ngưỡng dung nhan của Người. Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm chắc hẳn đã giúp cho chúng ta làm việc này một cách thấm thía hơn. Vào lúc kết thúc Cuộc Mừng Kỷ Niệm đây, khi mà chúng ta trở lại với sinh hoạt thường nhật, ôm ấp trong lòng kho tàng của chính thời điểm đặc biệt ấy, mắt chúng ta lại càng phải gắn chặt vào dung nhan của Chúa hơn bao giờ hết” (đoạn 16.2).

“Một Dung Nhan Để Chiêm Ngưỡng”: Nền Tảng từ trình thuật của Các Phúc Âm

“Các Phúc Âm không được những qui định của khoa sử học tân thời cho là một bộ tiểu sử đầy đủ về Chúa Giêsu. Tuy nhiên, dung nhan của nhân vật Nazarét cũng đã hiện lên với một nền tảng lịch sử vững chắc từ các Phúc Âm. Các Thánh Ký đã khổ công trình bày về Người khi căn cứ vào những chứng từ đáng tin cậy do các vị thu thập được (x Lk 1:3) và thực hiện bằng những tài liệu được giáo hội kỹ lưỡng cân nhắc” (đoạn 18.1).
“Một Dung Nhan Để Chiêm Ngưỡng”: Thực Tại là một Ngôi Vị có hai Bản Tính

Ngôi Lời và xác thịt, vinh quang thần linh và việc Người cư ngụ giữa chúng ta! Chính ở nơi mối hiệp nhất tiềm mật và bất khả phân ly về cả hai phương diện này đã nói lên cho thấy căn tính của Chúa Kitô, hợp với công thức xưa kia của Công Đồng Chung Chalcêđôn năm 451: ‘một ngôi vị trong hai bản tính’. Ngôi vị đó là ngôi vị, và là ngôi vị duy nhất, của Lời Hằng Hữu, Con Chúa Cha. Hai bản tính, song không trộn lẫn cũng không thể phân ly, đó là thần tính và nhân tính” (DS 301-302)” (đoạn 21.1)

“Một Dung Nhan Để Chiêm Ngưỡng”: Phát Xuất từ chính Ý Thức của Chúa Kitô

 “Căn tính thần-nhân này đã hiện lên một cách vững chắc từ các Phúc Âm, những cuốn sách hiến cho chúng ta một loạt những yếu tố giúp chúng ta có thể tiến vào tới ‘biên cương bờ cõi’ của mầu nhiệm này, một mầu nhiệm được biểu hiệu nơi ý thức của Chúa Kitô về bản thân Người” (đoạn 24.1).

“Có thể xác tín một cách vững vàng là, vì sống thân phận con người, một thân phận làm cho Người lớn lên ‘về khôn ngoan và tầm vóc, cũng như về ân nghĩa với Thiên Chúa và loài người’ (Lk 2:52), mà việc Người ý thức về mầu nhiệm của Người cũng tiến triển cho đến tầm mức được diễn đạt cho thấy trọn vẹn nhất nơi nhân tính hiển vinh của Người, chắc chắn Chúa Giêsu đã biết được căn tính của mình là Con Thiên Chúa nơi cuộc sống của Người trong giòng lịch sử” (đoạn 24.2).

“Một Dung Nhan Để Chiêm Ngưỡng”: Đường Nét vừa Sầu Khổ vừa Vinh Quang

“Trong việc chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Kitô, chúng ta đối diện với một khía cạnh mâu thuẫn nhất nơi mầu nhiệm của Người, khi dung nhan của Người hiện lên vào giờ phút cuối cùng, hiện lên trên Thập Tự Giá...” (đoạn 25.1).

“Truyền thống thần học đã không thể không đặt vấn đề là làm sao Chúa Giêsu lại có thể cùng một lúc trải qua tình trạng vừa hiệp nhất nên một với Cha, một tình trạng tự bản chất là nguồn hân hoan và là nguồn hạnh phúc, lại vừa chịu đau thương sầu khổ đến độ cuối cùng Người phải kêu lên rằng mình đã bị bỏ rơi. Hai khía cạnh có vẻ bất khả dung hợp này xẩy ra cùng một lúc như thế được phát xuất từ chiều sâu thăm thẳm của mầu nhiệm ngôi hiệp” (đoạn 26).

“Đối diện với mầu nhiệm ấy, chúng ta đã được trợ giúp rất nhiều, chẳng những bởi việc nghiên cứu thần học mà còn bởi gia sản cao cả nơi ‘khoa thần học sống’ của các thánh nhân nữa. Các thánh đã hiến cho chúng ta những minh thức giúp chúng ta hiểu được một cách dễ dàng hơn cái trực giác của đức tin, nhờ ơn soi sáng đặc biệt mà một số vị đã nhận được từ Chúa Thánh Thần, hay thậm chí nhờ cảm nghiệm bản thân của các vị về những tình trạng thử thách được truyền thống thần bí diễn tả là ‘đêm tối tăm’...” (đoạn 27).

“... Thế nhưng, việc Giáo Hội chiêm ngưỡng Dung Nhan của Chúa Kitô không được ngưng lại nơi hình ảnh của Đấng Tử Giá. Người là Đấng Phục Sinh!... Phục Sinh là việc Chúa Cha đáp lại hành động vâng lời của Chúa Kitô: ‘... Mặc dầu là Con, Người cũng biết tuân phục nơi những gì Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên cho tất cả những ai tín phục Người’ (Heb 5:7-9)” (đoạn 28.1).

“Một Dung Nhan Để Chiêm Ngưỡng”: Bằng Đức Tin và Thinh Lặng Nguyện Cầu

 “Bất kể thân xác của Người có được nhìn thấy và chạm đến thế nào đi nữa, cũng chỉ có đức tin mới hoàn toàn thấm nhập được mầu nhiệm của dung nhan ấy mà thôi” (đoạn 19);

Kiến thức đích thật, trung thực và liên lỉ về mầu nhiệm này, một mầu nhiệm được diễn đạt tối đa nơi lời công bố long trọng của Thánh Ký Gioan: ‘Và Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý; chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến cùng Cha’ (Jn 1:14) chỉ được dễ dàng tăng tiến và phát triển nơi cuộc sống trong thinh lặng và nguyện cầu (đoạn 20).

“Một Dung Nhan Để Chiêm Ngưỡng”: Nền Tảng cho Khoa Nhân Loại Học

 ’Ôi Chúa, tôi tìm kiếm dung nhan Ngài’ (Ps 27:8). Không còn gì mãn nguyện hơn và bàng hoàng hơn đối với lòng khát vọng xưa kia của Tác Giả Thánh Vịnh bằng việc được chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Kitô. Thiên Chúa đã thực sự chúc phúc cho chúng ta nơi Người và đã làm cho ‘dung nhan của Ngài chiếu tỏa trên chúng ta’ (Ps 67:1). Vừa là Thiên Chúa vừa là loài người, Người cũng tỏ cho chúng ta thấy gương mặt đích thực của con người nữa, ‘hoàn toàn tỏ cho con người biết chính mình họ’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 22)” (đoạn 23.1).

“Chúa Giêsu là ‘con người mới’ (x Eph 4:24; Col 3:10), Đấng kêu gọi nhân loại đã được cứu chuộc thông dự vào sự sống thần linh của Người. Mầu nhiệm Nhập Thể đã đặt nền móng cho khoa nhân loại học, một khoa học vượt ra ngoài những giới hạn và những nghịch thường của mình để vươn đến chính Thiên Chúa, vươn thực sự đến mục tiêu của ‘việc được thần linh hóa’ (đoạn 23.2)”.

 

BẮT ĐẦU LẠI TỪ CHÚA KITÔ
ÁP DỤNG ÂN SỦNG
VÀO NHỮNG QUYẾT TÂM VÀ TÁC HÀNH

Sang phần thứ ba của Bức Tông Thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ”của mình, để Kitô hữu nơi “tất cả mọi Giáo Hội riêng”, đối tượng chính của bản văn kiện, có thể “bắt đầu lại từ Chúa Kitô”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trước hết đã nhắc lại ơn gọi sống “thánh thiện” trong việc mục vụ (đoạn 30-31), sau đó, Ngài đã đi thẳng vào những việc sống đạo quen thuộc hết sức thực tế, như cầu nguyện (đoạn 32-34), cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật(đoạn 35-36), lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải (đoạn 37), cậy dựa vào Ân Sủng hơn là vào tài năng sức lực hoạt động tự nhiên của con người (đoạn 38), việc Lắng Nghe Lời Chúa(đoạn 39), và việc Loan Báo Lời Chúa(đoạn 40-41).

Để có thể hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của phần Tông Thư thứ ba này, chúng ta hãy đọc lại đoạn chuyển ý (số 29) sau đây của Đức Thánh Cha trước khi Ngài đi đến những ưu tiên mục vụ:

 “’Thày luôn ở cùng các con cho đến tận thế’ (Mt 28:20). Anh chị em thân mến, lời đoan quyết này đã theo Giáo Hội cả hai ngàn năm rồi, và hiện nay chúng ta đang lập lại lời ấy trong lòng của chúng ta, bằng việc chúng ta cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm đây. Lời đoan quyết này phải khơi lên trong chúng ta một thúc đẩy mới trong việc sống đời Kitô hữu, một lực đẩy làm cho chúng ta phấn khởi tiến bước trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Ý thức được việc Chúa Kitô Phục Sinh ở giữa chúng ta, hôm nay đây, chúng ta hãy tự hỏi mình cũng cùng một vấn đề đã được dân chúng đặt ra cho Thánh Phêrô ở Giêrusalem ngay sau bài Ngài giảng trong Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: ‘Chúng tôi phải làm gì?’ (Acts 2:37).
“Chúng ta đặt ra câu hỏi này với một thái độ tin tưởng lạc quan, song cũng không thể coi thường các vấn đề chúng ta đang phải đối diện. Chắc chắn là chúng ta không khờ khạo ngớ ngẩn đến nỗi mong rằng khi phải đối diện với những thách đố lớn lao trong thời đại của mình, chúng ta sẽ tìm thấy một công thức ma thuật nào đó để giải quyết vấn đề. Không, công thức không cứu được chúng ta, mà là một Con Người và là lời Người đã đoan quyết với chúng ta: Thày ở với các con!

“Bởi vậy cho nên, vấn đề không phải là việc phác họa ra một ‘chương trình mới’. Chương trình vốn đã có sẵn rồi, đó là dự án được tìm thấy trong Phúc Âm cũng như trong Truyền Thống lưu tồn, một dự án vẫn như bao giờ. Trọng tâm tối hậu của dự án này là chính Chúa Kitô, Đấng được nhận biết, yêu mến và bắt chước, để chúng ta được sống sự sống của Chúa Ba Ngôi trong Người, cũng như để chúng ta cùng với Người có thể biến đổi lịch sử cho đến khi lịch sử được nên trọn nơi Giêrusalem thiên quốc. Đó là một chương trình không thay đổi theo sự xoay vần của thời gian cũng như của văn hóa, cho dù chương trình ấy có chú trọng đến thời gian và văn hóa để có thể thể hiện việc trao đổi thực sự cũng như việc truyền đạt cho có hiệu nghiệm. Chương trình cho mọi thời đại này cũng chính là chương trình của chúng ta cho Ngàn Năm Thứ Ba vậy.

“Thế nhưng, chương trình ấy phải được chuyển thành những sáng kiến mục vụ được thích nghi theo hoàn cảnh của mỗi một cộng đồng. Cuộc Mừng Kỷ Niệm đã hiến cho chúng ta một dịp hết sức đặc biệt để cùng nhau trải qua một số năm trong cuộc hành trình của chung toàn thể Giáo Hội, đó là cuộc hành trình Giáo Lý về đề tài Chúa Ba Ngôi (xin xem cuốn “Thời Điểm Hồng Ân” có đầy đủ loạt bài giáo lý được Đức Thánh Cha đề cập đến ở đây, do người viết tổng hợp và chuyển dịch, được CĐ CG VN GP Orange xuất bản đầu Năm Thánh 2000), được kèm theo bằng những việc mục vụ xác thực để làm sao cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm có thể trở thành một biến cố sinh hoa kết trái. Tôi cám ơn việc chân thành chấp nhận một cách nhiệt tình những gì Tôi đã phác họa trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến. Thế nhưng, giờ đây chúng ta không còn đối diện với một mục tiêu gần kề nữa, mà là một thách đố gay go hơn trong sinh hoạt mục vụ bình thường. Với những vấn đề phổ quát và bất khả châm chước, chương trình của Phúc Âm phải tiếp tục đâm rễ, như vẫn từng xẩy ra, vào đời sống của Giáo Hội khắp nơi. Chính các giáo hội địa phương phải phác ra một dự án mục vụ chi tiết với những đặc tính chuyên biệt – về mục tiêu và phương pháp, việc huấn luyện và thăng tiến thành phần tham dự viên, việc tìm kiếm các nguồn phụ cấp cần thiết – để giúp vào việc loan báo Chúa Kitô cho con người, việc khuôn đúc các cộng đồng, cũng như việc mang lại tác dụng sâu xa dứt khoát trong vấn đề làm chứng cho các giá trị Phúc Âm nơi môi trường xã hội và văn hóa..

“Thế nên, những gì đang chờ đợi chúng ta sẽ là một công việc hứng khởi làm tái sinh động lãnh vực mục vụ, một công việc bao gồm tất cả mọi người chúng ta. Để hướng dẫn và khích lệ mọi người, Tôi muốn đề cập đến một số những vấn đề ưu tiên mục vụ, theo Tôi nghĩ, được xuất phát từ cảm nghiệm của Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm”.

“Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô”: Sống Thánh Thiện

 “Trước hết, Tôi không ngần ngại mà nói rằng, tất cả mọi sáng kiến về mục vụ đều phải được phác họa theo chiều hướng thánh thiện. Điều này không phải là ý nghĩa tối hậu của ân xá Mừng Kỷ Niệm hay sao, một ân sủng đặc biệt được Chúa Kitô ban cho để cuộc sống của mọi người đã lãnh nhận phép rửa được thánh tẩy và được thật sự đổi mới hay sao?” (đoạn 30.1).

“Tôi hy vọng rằng, trong số những ai tham dự vào Cuộc Mừng Kỷ Niệm này, nhiều người sẽ được lợi ích bởi ân sủng ấy, ở chỗ, hoàn toàn nhận thức được những đòi hỏi của ân sủng mình nhận được. Để rồi, Cuộc Mừng Kỷ Niệm có qua đi, trở về với đời sống bình thường, chúng ta vẫn ý thức được rằng, sự thánh thiện quan thiết vẫn còn là một việc mục vụ khẩn trương hơn bao giờ hết” (đoạn 30.2).

“Thế nên, chúng ta cần phải tái nhận thức được tất cả tầm quan trọng thực tiễn của Chương 5 trong Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân về Giáo Hội, một chương chú trọng đến ‘ơn gọi phổ quát về việc nên thánh’...” (đoạn 30.3).

“... ‘Tất cả mọi tín hữu Chúa Kitô, ở bất cứ bậc sống và giai cấp nào, đều được kêu gọi để đạt đến tầm múc viên trọn của đời sống Kitô Giáo cũng như để đạt đến mức độ trọn lành của đức ái’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 40)” (đoạn 30.4).
“Vừa thoạt nhìn thì thấy, hầu như không thực tế chút nào, khi nhắc lại sự thật căn bản làm nền tảng cho việc phác họa dự án mục vụ chúng ta cần làm vào lúc mở màn cho một tân thiên niên kỷ này. Thánh thiện có bao giờ đã ‘được phác ra’ chưa? Từ ngữ ‘thánh thiện’ có ý nghĩa như thế nào đối với dự án mục vụ đây?” (đoạn 31.1).

“Thật vậy, việc phác họa mục vụ theo chủ hướng thánh thiện là một chọn lựa đầy những dụng ý. Nó bao hàm niềm xác tín là, vì Phép Rửa thực sự là một cửa ngõ tiến vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhờ được tháp nhập với Chúa Kitô và được Thần Linh của Người cư ngụ, mà việc sống an phận lửng lơ, bằng một nền luân lý tối thiểu và một lòng đạo nông nổi, là điều mâu thuẫn. Khi hỏi những người dự tòng: ‘anh chị em có muốn lãnh nhận Phép Rửa không?’, tức là chúng ta đồng thời cũng muốn hỏi là ‘Anh chị em có muốn nên thánh chăng?’ Nghĩa là chúng ta nêu lên cho họ thấy bản chất sâu xa của  Bài Giảng Trên Núi, đó là: ‘Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời trọn lành của các con’ (Mt 5:48)” (đoạn 31.2).

 “Công Đồng đã tự giải thích là lý tưởng trọn lành này không được lầm tưởng như thể là một thứ sống ngoại thường, chỉ khả đạt đối với một ít ‘anh hùng dị thường’ của sự thánh thiện mà thôi. Có nhiều cách nên thánh tùy theo ơn gọi của mỗi một người. Tôi cám ơn Chúa là trong những năm này Ngài đã cho Tôi được cơ hội phong á thánh và hiển thánh cho một số lớn Kitô hữu, trong đó có nhiều giáo dân đã đạt đến tình trạng thánh thiện ở những hoàn cảnh sống thường tình nhất. Đã đến lúc phải tha thiết  nhắc nhở lại cho mọi người thấy tiêu chuẩn cao cả của cuộc sống Kitô hữu bình thường này: toàn thể đời sống của cộng đồng Kitô hữu và gia đình Kitô hữu phải đi theo chiều hướng ấy. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là, đường lối nên thánh lại là đường lối riêng tư theo mỗi người và cần phải được ‘luyện tập nên thánh’ đích đáng, hợp với nhu cầu của con người. Việc luyện tập nên thánh này cần phải hội nhập với các nguồn sinh hoạt đã được cống hiến cho mọi người, theo những hình thức hỗ trợ cổ truyền cho cá nhân và nhóm hội, cũng như theo các hình thức hỗ trợ mới hơn, ở nơi các hội đoàn và phong trào được Giáo Hội công nhận” (đoạn 31.3).

“Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô”: Đời Cầu Nguyện

 “Việc luyện tập nên thánh này đòi cuộc sống Kitô hữu phải nổi vượt về nghệ thuật cầu nguyện. Năm Mừng Kỷ Niệm là một năm cầu nguyện tha thiết hơn, riêng cũng như chung. Thế nhưng, chúng ta quá biết rằng, không phải tự nhiên mà chúng ta biết cầu nguyện. Chúng ta cần phải học cầu nguyện, như học một thứ nghệ thuật luôn mới mẻ này từ môi miệng của chính Vị Thày Thần Linh, giống trường hợp của các môn đệ đầu tiên: ‘Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết cầu nguyện!’ (Lk 11:1). Cầu nguyện làm phát triển cuộc trao đổi với Chúa Kitô, Đấng làm cho chúng ta trở thành những bạn hữu thân thiết của Người: ‘Các con hãy ở trong Thày và Thày ở trong các con’ (Jn 15:4). Cuộc trao đổi tương thân này là chính bản chất và là linh hồn của đời sống Kitô hữu, cũng là điều kiện cho tất cả mọi sinh hoạt mục vụ đích thực nữa. Cuộc trao đổi tương thân này, do Chúa Thánh Thần mang lại cho chúng ta, hướng chúng ta tới việc chiêm ngưỡng dung nhan Cha, nơi Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Học được việc cầu nguyện theo kiểu mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa này, cũng như sống kiểu mẫu cầu nguyện đó một cách trọn vẹn, đặc biệt trong phụng vụ là tuyệt đỉnh và là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 10), mà còn cả theo cảm nghiệm riêng tư của mình nữa, đó là bí quyết của một Kitô Giáo thực sự sinh động, một Kitô Giáo không lo sợ về tương lai, vì nó liên tục trở về nguồn và tìm thấy nơi chính mình sự sống mới” (đoạn 32).

“Không phải là một trong ‘những dấu chỉ thời đại’ hay sao, khi mà trong thế giới hôm nay, cho dù đang tràn lan tình trạng tục hóa, vẫn có một nhu cầu tìm kiếm linh thiêng đang lan tràn, một đòi hỏi phần lớn tự bản chất của nó cho thấy như là một nhu cầu cầu nguyện mới mẻ? Các tôn giáo khác, những tôn giáo hiện nay đang có mặt rộng rãi nơi những phần đất Kitô Giáo cổ thời, đang thực hiện việc đáp ứng cho nhu cầu này, và đôi khi họ thực hiện việc này một cách thu hút. Thế nhưng, chúng ta là thành phần đã được ơn tin vào Chúa Kitô, Đấng mạc khải Cha và là Đấng Cứu Tinh của thế giới, có nhiệm vụ phải chứng tỏ cho thấy mức độ sâu xa có thể đạt tới trong cuộc tương giao với Chúa Kitô” (đoạn 32.1).

“Truyền thống thần bí lớn lao của Giáo Hội ở cả Đông phương lẫn Tây phương đã bàn nhiều về vấn đề này. Nó cho thấy cách thức cầu nguyện tiến triển, như là một cuộc trao đổi yêu thương chuyên chính, đến độ làm cho con người được Đấng Yêu Dấu thần linh hoàn toàn chiếm đoạt, khi biết rung cảm trước tác động của Thần Linh, biết ngoan ngoãn an nghỉ trong lòng Chúa Cha. Đó là kinh nghiệm sống như lời Chúa Kitô hứa: ‘Ai yêu mến Thày sẽ được Cha Thày yêu mến, và Thày sẽ yêu họ và tỏ mình ra cho họ’ (Jn 14:21). Nó là một cuộc hành trình hoàn toàn do ân sủng trợ giúp, nhưng là một thứ ân sủng đòi phải có tinh thần dấn thân mạnh mẽ, và cũng là một thứ ân sủng không xa lạ với những cuộc thanh tẩy đớn đau (‘đêm tối tăm’). Thế nhưng, bằng những đường lối khả dĩ khác nhau, ân sủng ấy sẽ mang lại một niềm vui khôn lường, một niềm vui được các nhà thần bí cảm nghiệm thấy như là một ‘cuộc hiệp hôn’. Ở đây chúng ta làm sao quên được giáo thuyết của Thánh Gioan Thánh Giá và Thánh Têrêsa Avila trong số nhiều mẫu gương sáng chói khác?” (đoạn 33.2).

“Phải, anh chị em thân mến, các cộng đồng Kitô hữu chúng ta phải trở nên ‘những trường học’ cầu nguyện chuyên chính, nơi mà việc gặp gỡ Chúa Kitô được thể hiện không phải chỉ ở chỗ kêu xin ơn trợ giúp mà còn trong cả chỗ tạ ơn, chúc tụng, tôn thờ, chiêm ngưỡng, lắng nghe và sùng mộ nữa, cho đến khi con tim thực sự ‘say yêu’. Đúng thế, việc say sưa cầu nguyện không làm cho chúng ta sao lãng việc chúng ta dấn thân đi làm lịch sử, vì khi mở lòng chúng ta ra cho tình yêu của Thiên Chúa, lòng của chúng ta cũng mở ra để yêu thương anh chị em của chúng ta nữa, và làm cho chúng ta có khả năng hình thành lịch sử theo dự án của Thiên Chúa (x. Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Bức Thư về Một Số Khía Cạnh của Việc Kitô Hữu Suy Niệm Orationis Formas ngày 15/10/1989: AAS 82 năm 1990, 362-379)” (đoạn 33.3).

“Bởi thế cho nên, vấn đề trọng yếu đó là, tất cả mọi hoạch định mục vụ làm cách nào đó phải đặt trọng tâm vào việc dạy cầu nguyện. Bản thân Tôi đã quyết định dùng những buổi giáo lý vào ngày Thứ Tư hằng tuần tới đây để suy niệm về các Thánh Vịnh, mở đầu là các Thánh Vịnh của Kinh Ban Mai, những kinh nguyện chung được Giáo Hội dùng để kêu mời chúng ta thánh hóa và điều hành ngày sống của chúng ta... phải đặc biệt dạy cho dân chúng cầu nguyện theo kinh phụng vụ...” (đoạn 34.2).

“Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô”: Dự Thánh Lễ

 “Như thế là chúng ta hiển nhiên chú trọng chính yếu đến phụng vụ, ‘tột đỉnh hướng về của hoạt động Giáo Hội, đồng thời cũng là nguồn mạch phát sinh ra tất cả sức lực của Giáo Hội’ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 10). Trong thế kỷ 20, nhất là từ Công Đồng Chung Vaticanô II, cách thức cộng đồng Kitô hữu cử hành các Bí Tích, nhất là Thánh Lễ, đã có nhiều phát triển. Cần tiếp tục theo chiều hướng này, đặc biệt là phải chú trọng đến việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật và chính Ngày Chúa Nhật để làm sao  cảm nghiệm thấy như là một ngày đức tin, ngày Chúa Phục Sinh và tặng ân Thần Linh, ngày Lễ Phục Sinh thực sự hằng tuần (Tông Thư Dies Domini, 19). Hai ngàn năm qua, thời gian của Kitô Giáo đã được đo lường bằng việc tưởng nhớ đến thời gian của ‘ngày thứ nhất trong tuần’ (Mk 16:2, 9; Lk 24:1; Jn 20:1), ngày Chúa Kitô phục sinh ban cho các Tông Đồ tặng ân bình an và tặng ân Thần Linh (x Jn 20:19-23). Sự thật về Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô là một sự kiện nguyên khởi đặt nền móng cho đức tin Kitô Giáo (x 1Cor 15:14), một biến cố ở ngay tâm điểm của mầu nhiệm thời gian, báo trước ngày sau hết là lúc Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Chúng ta không biết những gì tân thiên niên kỷ sẽ xẩy đến cho chúng ta, nhưng chúng ta chắc chắn rằng nó sẽ được an toàn trong bàn tay của Chúa Kitô, ‘Vua các vua, Chúa các chúa’ (Rev 19:16); và cách riêng, bằng việc cử hành Cuộc Vượt Qua của Người, chẳng những mỗi năm một lần mà còn vào mọi Ngày Chúa Nhật nữa, Giáo Hội sẽ tiếp tục chứng tỏ cho mọi thế hệ thấy được ‘trọng điểm thực sự của lịch sử đối với mầu nhiệm về nguồn gốc của thế giới cũng như về định mệnh sau cùng của nó’ (Tông Thư Dies Domini, 35)” (đoạn 35.1).

“Bởi thế, theo chiều hướng của Tông Thư Dies Domini, Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc tham dự  Thánh Lễ, đối với mọi người đã lãnh nhận phép rửa, phải thực sự là tâm điểm của Ngày Chúa Nhật. Đó là một nhiệm vụ căn bản, được chu toàn không phải để giữ theo như luật buộc, mà là như một điều gì đó cảm thấy chính yếu đối với đời sống Kitô hữu thực sự ý thức và thiết tha. Chúng ta đang tiến vào một ngàn năm có những dấu hiệu hiện lên cho thấy các đặc tính liên kết sâu xa giữa văn hóa và tôn giáo, ngay cả nơi những xứ sở Kitô giáo từ nhiều thế kỷ trước đây. Trong nhiều miền đất, người Kitô hữu đang là hay đang trở thành ‘một đàn nhỏ’ (Lk 12:32). Sự kiện này làm cho họ, khi đương đầu với những thách đố thường làm họ sống trong tình trạng bị lẻ loi cô độc và gặp khó khăn, họ phải làm chứng một cách mạnh mẽ hơn đối với những yếu tố đặc thù nói lên chính căn tính của họ. Phận sự tham dự Thánh Lễ mọi ngày Chúa Nhật là một trong những yếu tố ấy. Thánh Lễ Chúa Nhật qui tụ Kitô hữu lại với nhau hằng tuần, như gia đình của Thiên Chúa chung quanh bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Bánh Sự Sống, còn là một chất giải độc hiệu nghiệm nhất đối với việc phân tán nữa. Đó là một nơi ân huệ cho việc hiệp thông luôn được tuyên giữ và bảo trì. Chính bởi việc tham dự Thánh Lễ mà Ngày của Chúa còn trở thành Ngày của Giáo Hội nữa (Tông Thư Dies Domini, 35), ngày Giáo Hội có thể thực thi vai trò của mình một cách hiệu nghiệm như là một bí tích hiệp nhất vậy.
 
“Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô”: Cần Hòa Giải

 “Tôi cũng xin hãy dũng cảm trong việc mục vụ để làm sao bảo đảm được rằng việc trình bày giáo huấn thường xuyên của các cộng đồng Kitô hữu về việc thực hành Bí Tích Hòa Giải có thể đánh động lòng người và mang lại kết quả tốt đẹp. Như anh chị em còn nhớ, năm 1984, Tôi đã trình bày vấn đề này trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Giám Mục về việc Hòa Giải và Thống Hối Reconciliatio et Paenitentia, một tông huấn tóm gọn các thu hoạch của Hội Nghị Giám Mục bàn đến vấn đề ấy. Bấy giờ Tôi đã kêu gọi hãy hết sức cố gắng để đối đầu với cuộc khủng hoảng về ‘cảm thức tội lỗi’ được hiện thân nơi văn hóa ngày nay (Tông Huấn trên, đoạn 18). Tuy nhiên, Tôi đã nhấn mạnh hơn đến việc kêu gọi hãy tái nhận thức Chúa Kitô như là một mầu nhiệm xót thương mysterium pietatis, Đấng mà nơi Người, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy tấm lòng cảm thương của Ngài và đã hoàn toàn hòa giải chúng ta với chính Ngài. Chính dung nhan này của Chúa Kitô là dung nhan cần phải đưlợc tái nhận thức nơi Bí Tích Thống Hối, một bí tích, đối với tín hữu, là ‘đường lối thông thường để được ơn tha thứ cũng như được xóa bỏ các trọng tội đã vấp phạm sau khi lãnh nhận Phép Rửa’ (cùng Tông Huấn đoạn 31). Khi Thượng Hội Giám Mục nêu lên vấn đề này thì cuộc khủng hoảng của Bí Tích này đang diễn ra trước mắt mọi người, nhất là ở một số phấn đất trên thế giới. Những căn do gây ra cuộc khủng hoảng này vẫn chưa biến mất sau khoảng thời gian ngắn từ bấy giờ. Thế nhưng, Năm Mừng Kỷ Niệm, một năm đã được đánh dấu một cách đặc biệt bằng một cuộc trở về với Bí Tích Thống Hối, đã mang lại cho chúng ta một sứ điệp phấn khởi, một sứ điệp không được coi thường, đó là, nếu nhiều người, trong đó có nhiều thành phần giới trẻ, đã được lợi ích bởi việc đến với Bí Tích này, thì có lẽ các Vị Mục Tử cũng cần phải ôm lấy họ bằng một tấm lòng tin tưởng hơn, hứng khởi hơn và kiên trì hơn trong việc trình bày bí tích ấy và làm cho con người cảm nhận được bí tích này. Anh em trong hàng ngũ linh mục thân mến, chúng ta không được đầu hàng cuộc khủng hoảng đang qua đi này! Các tặng ân Chúa ban – mà các Bí Tích là những tặng ân quí báu nhất – đều phát xuất từ Đấng thấu biết lòng trí con người và đồng thời cũng là Chúa của lịch sử” (đoạn 37).

“Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô”: Trong Ân Sủng

“Nếu trong việc hoạch định sắp tới chúng ta dấn thân một cách tin tưởng hơn vào sinh hoạt mục vụ theo chiều hướng cầu nguyện riêng cũng như chung, là chúng ta tỏ ra tuân giữ một yếu tố chính yếu về đời sống theo quan điểm Kitô giáo, đó là vai trò cốt yếu của ân sủng. Có một xu hướng thường vây hãm mọi cuộc hành trình thiêng liêng và công cuộc mục vụ, đó là xu hướng tưởng rằng các thành quả gặt hái được đều tùy thuộc vào khả năng hoạt động và dự liệu của chúng ta. Vị Thiên Chúa của công cuộc xin chúng ta hãy thực sự cộng tác với ân sủng của Ngài, bởi thế, Ngài cũng kêu gọi chúng ta hãy đầu tư tất cả mọi nguồn trí khôn lẫn nghị lực vào việc phục vụ cho Vương Quốc của Ngài. Thế nên, thật là nguy hiểm nếu quên rằng ‘không có Chúa Kitô chúng ta không thể làm gì được’ (x Jn 15:5)” (đoạn 38.1).

“Chính việc cầu nguyện làm cho chúng ta thâm tín được chân lý này. Nó liên lỉ nhắc nhở chúng ta về vai trò chính yếu của Chúa Kitô, cũng như vai trò trọng yếu của đời sống nội tâm và thánh thiện trong việc hiếp nhất với Người. Một khi không tôn trọng nguyên tắc này, thì các dự án về mục vụ bất thành khiến cho chúng ta cảm thấy chán chường ngần ngại có lạ lùng hay chăng? Bởi thế chúng ta mới thấm thía được cái cảm nghiệm của các vị môn đệ trong câu truyện Phúc Âm thuật lại về mẻ cá lạ là ‘Chúng con đã vất vả thâu đêm mà chẳng bắt được gì hết trơn’ (Lk 5:5). Đó là giây phút của đức tin, của nguyện cầu, của việc hoán cải trở về cùng Thiên Chúa, để mở lòng chúng ta ra cho triều sóng ân sủng cũng như cho lời của Chúa Kitô thấm vào chúng ta với tất cả năng lực của lời ấy: Duc in altum Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu! Trong trường hợp ấy, chính Phêrô đã nói lên những lời tỏ ra lòng tin tưởng của mình: ‘Con sẽ thả lưới theo lời Thày’ (cùng nguồn vừa dẫn). Vào lúc tân thiên kỷ mở màn đây, hãy để cho Vị Thừa Kế Thánh Phêrô kêu mời toàn thể Giáo Hội hãy tỏ ra tác động đức tin này, một tác động được thể hiện nơi việc tái thiết tha cầu nguyện” (đoạn 38.2).
 
“Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô”: Nghe Lời Chúa

 “Chắc chắn một điều là vai trò chính yếu của thánh thiện cũng như của việc cầu nguyện không thể nào thiếu được việc tái lắng nghe lời Chúa. Ngay từ khi Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh đến vai trò trọng yếu của lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, thì đã thấy có nhiều tiến bộ trong việc sốt sắng lắng nghe Thánh Kinh và chăm chú học hỏi Thánh Kinh. Thánh Kinh chiếm được một chỗ đứng trọng vọng của mình nơi việc cầu nguyện chung của Giáo Hội. Hiện nay cá nhân cũng như các cộng đồng đã sử dụng đến Thánh Kinh rất nhiều, và trong số giáo dân nhiều người đã tha thiết với Thánh Kinh, bằng những hỗ trợ đáng kể nơi các nghiên cứu về thần học và kinh thánh. Nhất là tất cả công việc truyền bá phúc âm hóa và giáo lý đều lấy được một nguồn sinh lực mới từ việc chuyên chú đến lời Chúa. Anh chị em thân mến, việc phát triển này cần phải làm sao cho vững chắc và sâu xa, cũng như phải làm sao cho mỗi gia đình đều có được một cuốn Thánh Kinh. Vấn đề cần thiết đặc biệt là việc lắng nghe lời Chúa, theo truyền thống cổ kính song vẫn còn giá trị của việc đọc sách thiêng liêng lectio divina, những sách kín múc từ bản văn thánh kinh những lời hằng sống, những lời gợi ý, hướng dẫn và khuôn đúc cuộc đời sống của chúng ta, phải trở thành một cuộc gặp gỡ ban sự sống” (đoạn 39).

“Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô”: Truyền Lời Chúa

“Nuôi dưỡng chính mình bằng lời Chúa để trở thành ‘tôi tớ phục vụ lời Chúa’ trong công cuộc truyền bá phúc âm hóa, đó là một vấn đề ưu tiên đối với Giáo Hội vào lúc bình minh của một tân thiên niên kỷ. Ngay cả ở nơi những xứ sở được truyền bá phúc âm hóa từ nhiều thế kỷ trước đây, thì thực tại về một ‘xã hội Kitô giáo’, một xã hội ở giữa tất cả những yếu hèn bao giờ cũng gắn liền với cuộc sống của con người, đã sống hoàn toàn theo những giá trị của Phúc Âm, giờ đây không còn nữa. Ngày nay, chúng ta phải can đảm đương đầu với một tình trạng đang càng ngày càng trở nên đa tạp và gay go theo chiều hướng ‘toàn cầu hóa’, cũng như theo chiều hướng của một tình trạng hỗn hợp bất ổn mới xẩy ra nơi các dân tộc và văn hóa. Từ nhiều năm nay, Tôi vẫn thường hay lập đi lập lại những lần kêu gọi hãy thực hiện việc tân truyền bá phúc âm hóa. Giờ đây Tôi lại kêu gọi điều này một lần nữa, nhất là muốn chú trọng đến việc chúng ta phải làm bừng lên lại trong chúng ta lòng hăng hái của những thuở ban đầu, cũng như phải làm sao cho mình đầy nhiệt tình rao giảng của các tông đồ sau Ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúng ta phải phục hồi trong chúng ta niềm xác tín nóng bỏng của Thánh Phaolô, vị đã kêu lên rằng: ‘Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm’ (1Cor 9:16)” (đoạn 40.1).

“Lòng hăng say này sẽ không ngừng khơi lên nơi Giáo Hội một thứ cảm quan mới về việc truyền giáo, một việc truyền giáo không thể chỉ có nguyên một nhóm ‘chuyên viên’ làm, mà phải bao gồm cả trách nhiệm của tất cả mọi phần tử thuộc Dân Chúa nữa. Những ai được giao tiếp thực sự với Chúa Kitô không thể cầm giữ Người cho bản thân mình, song họ phải loan truyền về Người. Cần phải thực hiện một cuộc quảng bá mới trong việc làm tông đồ, một cuộc quảng bá được thể hiện như là việc dấn thân hằng ngày của các cộng đồng cũng như của các nhóm hội Kitô hữu. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện bằng sự tôn trọng các đường lối khác biệt của con người khác nhau, và phải được thực hiện có tính cách nhậy cảm về vấn đề đa văn hóa là những gì sứ điệp Kitô giáo cần phải được gieo trồng, ở chỗ, không loại bỏ các giá trị riêng của mỗi một dân tộc mà là thanh tẩy và kiện toàn những giá trị ấy” (đoạn 40.2).

“Trong Ngàn Năm Thứ Ba, Kitô Giáo sẽ phải đáp ứng một cách hiệu nghiệm hơn bao giờ hết nhu cầu hội nhập văn hóa này. Kitô Giáo, trong khi hoàn toàn trung thực với chính mình, kiên trung với những gì được Phúc Âm và truyền thống của Giáo Hội loan truyền, cũng phản ảnh những nét mặt văn hóa và dân tộc khác nhau là những gì Kitô Giáo được đón nhận và bắt rễ...” (đoạn 40.3).