“NHỮNG CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU” Tới phần thứ bốn cũng là phần cuối cùng của Bức Tông Thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ” của mình, để Kitô hữu nơi “tất cả mọi Giáo Hội riêng”, mục tiêu chính của bản văn kiện, có thể thực sự trở thành “một ngôn sứ tương lai”, theo Đức Thánh Cha, “những chứng nhân tình yêu” này cần phải sống “linh đạo hiệp thông”(đoạn 43-45) theo “các ơn gọi khác biệt” (đoạn 46-47) của mình, phải “tham gia việc đại kết” (đoạn 48), “thắt kết mọi sự vào đức ái”(đoạn 49-50) nhất là nơi “những thách đố ngày nay” (đoạn 51-52), được tỏ ra bằng “một dấu hiệu cụ thể” (đoạn 53), sau hết phải biết “đối thoại và truyền giáo” (đoạn 54-56). “’Nếu các con yêu thương nhau thì tất cả mọi người căn cứ vào điều ấy mà nhận biết các con là môn đệ của Thày’ (Jn 13:15). Nếu chúng ta thực sự chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, anh chị em thân mến, thì việc chúng ta hoạch định chương trình mục vụ phải được chi phối bởi ‘giới răn mới’ mà Người đã ban cho chúng ta: ‘Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con’ (Jn 13:34)” (đoạn 42.1). “Đó là một lãnh vực quan trọng khác cần phải được Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội riêng chú trọng và hoạch định: một lãnh vực hiệp thông (koinonia) là hiện thân và cho thấy chính yếu tính của mầu nhiệm Giáo Hội. Hiệp thông là hoa trái và biểu lộ cho thấy mối tình yêu xuất phát từ tấm lòng của Cha Hằng Hữu và được tuôn đổ trên chúng ta nhờ Thần Linh Chúa Giêsu ban cho chúng ta’ (Rm 5:5), để làm cho tất cả chúng ta được ‘đồng tâm nhất trí’ (Acts 4:32). Chính ở tại việc xây đắp mối hiệp thông yêu thương này mà Giáo Hội mới hiện hữu như là một ‘bí tích’, như là ‘dấu hiệu và là dụng cụ của mối hiệp thông với Thiên Chúa cũng như mối hiệp nhất nhân loại’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 1)” (đoạn 42.2). “Đối với chúng ta những lời của Chúa Kitô về điểm này quá rõ ràng để suy diễn ý nghĩa của những lời Người nói. Cuộc hành trình của Giáo Hội qua giòng lịch sử đã cần đến nhiều sự, cả thế kỷ mới này cũng không phải là ít cần đến những sự ấy; thế nhưng, nếu không có đức ái (agape) thì tất cả mọi sự chỉ là hư không. Thánh Tông Đồ Phaolô một lần nữa đã nhắc nhở chúng ta trong trong bài ca yêu thương là cho dù chúng ta có nói được các thứ ngôn ngữ của loài người và thiên thần, và cho dù chúng ta có đức tin ‘chuyển dời núi non’ đi nữa mà không có tình yêu thì tất cả chỉ là ‘không’ (x 1Cor 13:2). Tình yêu thực sự là ‘con tim’ của Giáo Hội, như Thánh Têrêsa Lisieux đã hiểu rất rõ, vị Tôi đã tuyên phong làm Tiến Sĩ Hội Thánh chỉ vì Ngài đã thông thạo khoa học yêu thương scientia amoris: ‘Con biết Giáo Hội có một Con Tim và Con Tim này bừng cháy Yêu Thương. Con biết rằng chỉ có Yêu Thương mới tác động các chi thể của Giáo Hội sinh hoạt... Con biết rằng Yêu Thương bao gồm tất cả mọi ơn gọi, Yêu Thương là tất cả mọi sự’ (Manuscript B, 3vo: Êuvres complètes – Paris, 1996, p. 226)” (đoạn 42.3). “Những Chứng Nhân Tình Yêu”: “Linh Đạo Hiệp Thông” “Việc làm cho Giáo Hội trở thành gia cư và trường học hiệp thông là một thách đố lớn chúng ta phải đối diện trong ngàn năm giờ đây mở màn, nếu chúng ta muốn trung thành với dự án của Thiên Chúa và đáp lại những ước vọng sâu xa nhất của thế giới” (đoạn 43.1). “Thế nhưng, trong thực hành thì điều này có nghĩa là gì? Cả ở đây nữa, chúng ta có thể sẽ nghĩ ngay đến những việc làm chúng ta cần phải thực hiện, song đó không phải là động lực thôi thúc chúng ta theo đuổi. Trước khi phác họa một dự án thực tế, chúng ta cần phải phát động linh đạo hiệp thông đã, biến nó trở thành nguyên tắc hướng dẫn việc giáo huấn khi đào tạo giáo dân, khi huấn luyện các thừa tác viên bàn thánh, các thành phần tận hiến cũng như các nhân viên mục vụ, khi xây đắp các gia đình và cộng đồng. Linh đạo hiệp thông trước hết nhắm đến việc tâm hồn biết chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ở trong chúng ta, cũng như biết chiêm ngưỡng ánh sáng của Ba Ngôi chúng ta thấy được phản chiếu trên gương mặt của anh chị em sống chung quanh chúng ta. Linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là lấy đức tin mà nghĩ đến anh chị em chúng ta trong mối hiệp nhất sâu xa của Nhiệm Thể Chúa Kitô như là ‘những người thuộc phần thể của tôi’. Điều này khiến chúng ta có thể chia vui sẻ buồn, có thể biết được họ muốn gì và đáp lại nhu cầu của họ, có thể đem đến cho họ mối thân hữu sâu xa đích thực. Linh đạo hiệp thông cũng bao gồm cả việc thấy được những gì tốt lành nơi kẻ khác, đón nhận những điều ấy và coi chúng như là tặng ân Thiên Chúa ban, chẳng những như là một tặng ân cho người anh em hay chị em đích thân lãnh nhận chúng, mà còn là một ‘tặng ân cho tôi’ nữa. Sau hết, linh đạo hiệp thông nghĩa là biết cách ‘dành chỗ’ cho anh chị em của chúng ta, bằng cách ‘mang lấy gánh nặng của nhau’ (Gal 6:2), cũng như bằng cách chống lại các xu hướng vị kỷ là xu hướng hằng liên lỉ làm cho chúng ta thu mình lại và châm ngòi tranh đoạt, dấu nghề, nghi ngờ và ghen tương. Chúng ta đừng để mình bị ảo tưởng, bởi vì, những cơ cấu hiệp thông bề ngoài sẽ không có lợi ích là bao nếu chúng ta không đi theo linh đạo này. Chúng sẽ trở thành một thứ máy móc vô hồn, trở thành ‘chiếc mặt nạ’ hiệp thông hơn là trở thành phương tiện thể hiện và phát triển hiệp thông” (đoạn 43.2). “Bởi đó, thế kỷ tới đây sẽ phải chứng kiến thấy chúng ta, hơn bao giờ hết, chú trọng đến việc đề cao và phát triển, theo như những chỉ dẫn chính yếu của Công Đồng Chung Vaticanô II, các thứ diễn đàn và cơ cấu giúp vào việc bảo đảm cũng như duy trì mối hiệp thông. Trước hết, chúng ta làm sao có thể không kể đến những công việc đặc biệt giúp cho mối hiệp thông, đó là tác vụ Thừa Kế Thánh Phêrô và gắn liền với tác vụ này còn có cả tính cách đoàn thể của hàng giáo phẩm nữa...” (đoạn 44.1). “Từ Công Đồng Chung Vaticanô II đến nay nhiều điều đã được thực hiện đối với việc cải tiến Tòa Thánh Rôma, việc tổ chức các Thượng Hội Giám Mục và phần hành của các Hội Đồng Giám Mục. Thế nhưng, chắc chắn vẫn còn nhiều sự nữa cần phải làm, để có thể thể hiện tất cả mọi khả năng của những phương tiện hiệp thông này, những phương tiện đặc biệt thích hợp trong ngày hôm nay đây, những phương tiện liên quan đến nhu cầu cần phải đáp ứng đúng lúc và một cách hiệu lực đối với những vấn đề Giáo Hội phải đương đầu ở vào những lúc biến động nhanh chóng này” (đoạn 44.2). “Phải vun trồng và phát triển mối hiệp thông từng ngày và ở mọi cấp cơ cấu sinh hoạt của mỗi Giáo Hội. Hiệp thông phải là đặc tính rõ ràng ở nơi mọi cấp cơ cấu sinh hoạt này, thể hiện qua những mối liên hệ giữa các vị Giám Mục với nhau, giữa các linh mục và phó tế, giữa Các Vị Mục Tử và toàn thể Dân Chúa, giữa giáo sĩ và Tu sĩ, giữa các hội đoàn và phong trào được hội thánh công nhận...” (đoạn 45.1) “Những Chứng Nhân Tình Yêu”: “Ơn Gọi Khác Biệt” “Một quan niệm như vậy về mối hiệp thông sẽ được gắn liền với khả năng của cộng đồng Kitô hữu trong việc dành chỗ cho tất cả mọi tặng ân của Thần Linh. Mối hiệp nhất của Giáo Hội không có tính cách đồng loạt, mà là một hòa nhập theo cơ cấu của những khác biệt hợp lý. Nó là một thực tại của nhiều phần tử liên kết lại trong cùng một thân thể duy nhất, Thân Thể Chúa Kitô duy nhất (x 1Cor 12:12). Bởi thế, Giáo Hội của Ngàn Năm Thứ Ba cần phải khích lệ tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa và thêm sức phải ý thức trách nhiệm chủ động của mình nơi sinh hoạt của Giáo Hội. Cùng với thừa tác vụ thánh, các thừa tác vụ khác, đã được chính thức thiết lập hay vừa được công nhận, mới có thể triển nở cho thiện ích của toàn thể cộng đồng, mới có thể hỗ trợ tất cả mọi nhu cầu của cộng đồng, từ việc dạy giáo lý cho đến việc phụng vụ, từ việc giáo dục giới trẻ cho đến lãnh vực hoạt động bác ái bao rộng nhất” (đoạn 46.1). “Một điều chắc chắn là cần phải tích cực hoạt động, nhất là bằng lời thiết tha nguyện cầu với Vị Chúa của mùa màng (x Mt 9:38), để làm sao có thể phát động ơn gọi làm linh mục và sống đời tận hiến tu trì. Đây là một vấn đề đang được quan tâm rất nhiều đối với đời sống của Giáo Hội ở mọi phần đất trên thế giới. Nơi một số xứ sở Kitô giáo cổ truyền, tình trạng này đã trở nên thê thảm, vì hoàn cảnh xã hội đổi thay cũng như vì khuynh hướng coi thường đạo giáo phát xuất từ một tâm thức hưởng thụ và tục hóa. Cần phải khẩn trương thực hiện một dự án mạnh mẽ về việc phát động ơn gọi, bằng việc liên lạc riêng tư cũng như bằng nỗ lực của giáo xứ, học đường và gia đình trong việc nuôi dưỡng một tâm tư chuyên chú hơn nữa đến những giá trị chính yếu của đời sống. Những việc này sẽ đạt tới thành quả của chúng khi mỗi người biết đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa, nhất là ơn gọi đòi phải hoàn toàn hiến bản thân và nghị lực của mình cho Vương Quốc của Thiên Chúa” (đoạn 46.2). “Từ quan điểm này, chúng ta thấy được giá trị của tất cả mọi ơn gọi khác nữa, những ơn gọi được bắt nguồn từ đời sống mới được lãnh nhận nơi Bí Tích Rửa Tội. Nhất là cần phải hoàn toàn nhận thức hơn bao giờ hết ơn gọi đặc biệt của người giáo dân, một ơn gọi ‘tìm kiếm nước Chúa bằng việc tham gia làm các công việc trần thế và bằng việc hoàn thành những việc ấy theo dự án của Thiên Chúa’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 31); họ ‘đóng vai trò riêng của mình trong việc thực hiện sứ vụ truyền giáo của toàn thể dân Chúa trong Giáo Hội và trên thế giới..., bằng việc họ hoạt động cho việc truyền bá phúc âm hóa cũng như việc thánh hóa con người’ (Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, 2)” (đoạn 46.3). “Theo chiều hướng ấy, còn một khía cạnh quan trọng khác nữa của mối hiệp thông đó là tình trạng nổi lên các hình thức hội đoàn, các hình thức hội đoàn theo kiểu cổ truyền hơn hay các phong trào hội thánh mới mẻ hơn, những phong trào tiếp tục hiến cho Giáo Hội một thứ sinh lực là tặng ân Chúa ban và thực sự là một ‘mùa xuân Thần Linh’. Dĩ nhiên là các hội đoàn và phong trào này cần phải hoạt động hoàn toàn hòa hợp với cả Giáo Hội hoàn vũ lẫn Giáo Hội riêng, cũng như phải tuân theo các chỉ thị thẩm quyền của Vị Mục Tử. Thế nhưng, tất cả chúng ta cần phải lưu ý đến lời cảnh giác xác đáng và quyết liệt của Thánh Tông Đồ là ‘hãy chớ dập tắt Thần Linh, đừng coi thường các ơn tiên tri, nhưng hãy cân nhắc mọi sự và hãy giữ lấy những gì là tốt lành’ (1Th 5:19-21)” (đoạn 46.4). “Vào một thời điểm lịch sử như thời điểm hiện nay, cũng cần phải chú trọng đặc biệt đến vấn đề chăm sóc mục vụ gia đình, nhất là vào lúc cơ cấu nồng cốt này lại đang trải qua một cuộc khủng hoảng tràn lan đụng đến tận căn gốc của nó. Theo quan điểm Kitô giáo về gia đình thì mối liên hệ giữa một người nam và một người nữ, một mối giao kết hỗ tương và trọn vẹn, chuyên nhất và bất khả phân ly, nằm ngay ở trong dự án của Thiên Chúa, bị lu mờ theo giòng lịch sử bởi tình trạng ‘cứng lòng’ của chúng ta, nhưng cũng là những gì Chúa Kitô đã đến để phục hồi ánh quang nguyên tuyền của nó, tỏ cho thấy những gì Thiên Chúa mong muốn ‘từ ban đầu’ (Mt 19:8). Được nâng lên phẩm vị của một Bí Tích, hôn nhân cho thấy mình là một ‘mầu nhiệm cao cả’ của tình yêu phu phụ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người (x Eph 5:32)” (đoạn 47.1). “Về vấn đề này, Giáo Hội không thể thụt lùi trước sức ép của văn hóa, bất kể là những sức ép này có tràn ngập đến đâu đi nữa, và thậm chí có dữ dằn đến thế nào chăng nữa. Trái lại, cần phải làm sao có thể bảo đảm rằng, được đào tạo theo Phúc Âm hoàn toàn hơn bao giờ hết, các gia đình Kitô hữu sẽ chứng tỏ cho thấy một cách chắc chắn là con người ta có thể hoàn toàn sống đời hôn nhân phù hợp với ý định của Thiên Chúa, cũng như phù hợp với thiện ích đích thực của con người, của đôi phối ngẫu, cũng như của thành phần con cái yếu thế hơn. Chính gia đình phải càng ngày càng ý thức được việc chăm sóc thích hợp với con cái, và đóng vai trò chủ động trong Giáo Hội cũng như trên thế giới để bảo toàn các quyền lợi của gia đình” (đoạn 47.2). “Những Chứng Nhân Tình Yêu”: “Tham Gia Đại Kết” “Chúng ta phải nói sao đây về công việc khẩn trương đối với vấn đề nuôi dưỡng mối hiệp thông nơi lãnh vực đại kết tế nhị? Tiếc thay, vượt qua ngưỡng cửa của một tân thiên niên kỷ mà chúng ta vẫn còn mang theo mình cái gia sản buồn thảm của quá khứ. Cuộc Mừng Kỷ Niệm đã đem lại một vài dấu hiệu cho thấy thực sự tiến triển và hy vọng trong vấn đề này, song trước mặt chúng ta vẫn còn là một con đường dài phải trải qua” (đoạn 48.1). “Khi nhìn thẳng vào Chúa Kitô, Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm đã khiến chúng ta thấy được cái ý nghĩa sống động của một Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp nhất. Những gì chúng ta tuyên xưng nơi Kinh Tin Kính: ‘tôi tin Giáo Hội duy nhất’ có một nền tảng tối hậu nơi Chúa Kitô là Đấng trong Người Giáo Hội không bị phân chia (x 1Cor 1:11-13). Là Thân Thể của Người, Giáo Hội bất khả phân ly trong mối hiệp nhất là tặng ân Thần Linh. Cái thực tại chia rẽ xẩy ra nơi con cái Giáo Hội diễn tiến ở tầng cấp lịch sử, phát xuất từ nỗi yếu kém của con người được tỏ ra cho thấy khi chúng ta chấp nhận tặng ân này, một tặng ân không ngừng tuôn trào từ Chúa Kitô là Đầu xuống cho Mình Mầu Nhiệm của Người. Lời cầu của Chúa Giêsu trên Căn Thượng Lầu – ‘Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được hiệp nhất trong chúng ta’ (Jn 17:21) – vừa là một mạc khải vừa là một nguyện cầu. Lời cầu ấy mạc khải cho chúng ta thấy mối hiệp nhất giữa Chúa Kitô với Chúa Cha như là mạch nguồn của mối hiệp nhất Giáo Hội, và còn như là một tặng ân Giáo Hội sẽ tiếp tục nhận lãnh nơi Người, cho đến khi đạt thành một cách mầu nhiệm vào lúc tận cùng thời gian. Mối hiệp nhất này được hiện thân cụ thể nơi Giáo Hội Công Giáo, bất chấp những hạn hữu loài người ở các phần thể của Giáo Hội, và đang hoạt động ở những cấp độ khác nhau qua tất cả mọi yếu tố về thánh đức cũng như về chân lý vốn có nơi các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội khác. Là các tặng ân thực sự thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô, những yếu tố này dẫn các Giáo Hội ấy tiếp tục tiến đến mối hiệp nhất trọn vẹn” (đoạn 48.2). “Theo chiều hướng của việc chúng ta làm mới lại cuộc hành hương sau năm Mừng Kỷ Niệm, Tôi rất hy vọng nơi các Giáo Hội Đông Phương, và Tôi nguyện cầu để Giáo Hội được hoàn toàn trở lại với việc trao đổi các tặng ân làm phong phú Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ nhất. Chớ gì việc hoài niệm về thời gian Giáo Hội còn thở bằng ‘cả hai buồng phổi’ thúc giục Kitô hữu Đông phương cũng như Tây phương hãy cùng nhau bước đi trong niềm hiệp nhất của đức tin, cũng như với một lòng tôn trọng tính cách khác biệt hợp pháp, bằng việc chấp nhận và nâng đỡ nhau như là phần tử của cùng một Thân Thể Chúa Kitô duy nhất” (đoạn 48.4). “Việc nuôi dưỡng vấn đề đối thoại đại kết cũng phải được thực hiện tương tự như vậy đối với cả anh chị em Anh Giáo Hiệp Thông cũng như với các Cộng Động Giáo Hội Cải Cách nữa. Nhờ ơn Chúa, việc bàn thảo về các vấn đề chính yếu của đức tin cũng như của nền luân lý Kitô giáo, việc hợp tác thực hiện các việc bác ái xã hội, và nhất là việc đại kết cao cả về thánh đức, sẽ không ngừng sinh hoa kết trái. Trong lúc này đây, chúng ta hãy cứ tin tưởng tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta, ước mong có một lúc nào đó, cùng với mỗi người và mọi người môn đệ theo Chúa Kitô, chúng ta có thể hợp xướng với tất cả cõi lòng câu: ‘Anh em xum họp một nhà, bao là tốt đẹp, bao là xướng vui!’ (Ps 133:1)” (đoạn 48.5). “Những Chứng Nhân Tình Yêu”: “Thắt Kết Đức Ái” “Đức ái thuộc bản tính của Giáo Hội, bắt đầu từ mối hiệp thông nội tại của Giáo Hội, phải biết hướng ngoại qua việc phục vụ đại đồng; đức ái thúc đẩy chúng ta dấn thân yêu thương hết mọi người một cách thực tế và cụ thể. Đây cũng là một khía cạnh phải làm nên đặc tính tỏ tường của đời sống Kitô giáo, của toàn thể việc Giáo Hội hoạt động cũng như của việc Giáo Hội hoạch định về lãnh vực mục vụ. Cái thế kỷ và thiên kỷ giờ đây mở màn cần phải thấy, hy vọng còn được thấy rõ ràng hơn nữa, việc cộng đồng Kitô hữu dấn thân sâu xa trong việc bác ái đối với thành phần bần cùng nhất. Nếu chúng ta bắt đầu lại bằng việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô, chúng ta phải biết nhìn ngắm Người nơi các gương mặt của thành phần mà chính Người muốn tự đồng hóa với họ: ‘Ta đói bụng các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát nước các ngươi đã cho Ta uống, Ta khách lạ các ngươi đã đón tiếp Ta, Ta trần trụi các ngươi đã mặc cho Ta, Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm Ta, Ta ngục tù các ngươi đã đến với Ta’ (Mt 25:35-37). Đoạn Phúc Âm này không phải chỉ là một lời mời gọi làm việc bác ái thôi, mà còn là một chương sách về Kitô học chiếu lên một tia sáng cho thấy mầu nhiệm Chúa Kitô. Căn cứ vào những lời ấy, không là gì khác ngoài giáo huấn chính truyền của mình, Giáo Hội đã đo lường lòng trung thành của mình với tư cách mình là Phu Nhân của Chúa Kitô” (đoạn 49.1). “Chúng ta phải chắc một điều là tình yêu của chúng ta không được loại trừ một ai, vì ‘qua việc nhập thể của mình, Con Thiên Chúa đã hiệp nhất bản thân Người một cách nào đó với hết mọi người’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 32). Tuy nhiên, những lời minh bạch của Phúc Âm đã nhắc cho chúng ta nhớ rằng, Chúa Kitô hiện diện đặc biệt nơi người nghèo, và bởi thế Giáo Hội cần phải tỏ ra ưu ái họ. Mối ưu ái này là chứng từ cho thấy bản tính là tình yêu của Thiên Chúa, cho thấy việc quan phòng và lòng thương xót của Ngài, và lịch sử, một cách nào đó, vẫn còn cho thấy đầy những mầm mống của Vương Quốc Thiên Chúa, được chính Chúa Giêsu gieo vãi khi Người còn sống trên trần gian, thời gian Người đã làm thỏa đáng tất cả những ai đến với Người vì nhu cầu về tinh thần cũng như vật chất” (đoạn 49.2). “Trong thời đại của chúng ta đây, có rất nhiều nhu cầu cần đến việc những người Kitô hữu tỏ ra thương cảm đáp ứng. Thế giới chúng ta hiện sống đang tiến vào một tân thiên kỷ mang nặng những nghịch thường đối với một tình trạng tiến bộ về kinh tế, văn hóa và kỹ thuật, một tình trạng tiến bộ mang lại những cơ hội lớn lao cho một số ít người may mắn, trong khi đó lại bỏ rơi cả triệu triệu người khác, chẳng những ở ngoài rìa tiến bộ mà còn ở trong những hoàn cảnh sống còn xa mức tối thiểu xứng với phẩm vị làm người nữa. Cho đến ngày hôm nay làm sao lại còn có thể xẩy ra được cảnh con người chết đói? Dốt nát? Thiếu cả nhu cầu căn bản nhất về y tế? Không có lấy một mái nhà để ở?” (đoạn 50.1). “Ngoài những hình thức nghèo khổ vẫn có từ trước tới nay, nếu chúng ta nghĩ đến những kiểu nghèo khổ mới mẻ hơn, chúng ta sẽ thấy vô khối cảnh bi thảm của tình trạng nghèo khổ nữa. Những kiểu nghèo khổ mới này thường xẩy ra nơi những lãnh vực và nhóm người dồi dào về tài chính song lại bị đe dọa bởi thất vọng vì thiếu mất ý nghĩa của cuộc đời, ở việc nghiện ngập, ở nỗi lo sợ bị bỏ rơi trong tuổi già và lúc bệnh nạn ốm đau, ở tình trạng sống bên lề xã hội hay bị xã hội kỳ thị. Trước tình trạng này, Kitô hữu phải biết tỏ ra tác động chứng tỏ mình tin vào Chúa Kitô, bằng việc nhận ra tiếng của Người kêu cầu giúp đỡ vang lên từ giới nghèo ấy. Nghĩa là chúng ta chẳng những phải thực hiện truyền thống bác ái qua nhiều cách thức khác nhau của hai ngàn năm trước đây, mà ngày nay chúng ta còn cần có thêm nguồn trợ giúp hơn thế nữa. Lúc này là thời điểm cho một cuộc ‘sáng tạo’ mới trong việc thi hành đức bác ái, chẳng những bằng cách bảo đảm việc giúp đỡ làm sao cho có kết quả, mà còn bằng việc xích lại gần hơn với những ai sầu khổ, với bàn tay cứu trợ không phải giơ ra để bố thí song là để chia sẻ giữa anh chị em với nhau” (đoạn 50.2). “Những Chứng Nhân Tình Yêu”: “Thách Đố Ngày Nay” “Rồi chúng ta làm sao dửng dưng được trước tình trạng khủng hoảng về môi sinh, một cuộc khủng hoảng đang khiến những vùng rộng lớn trên trái đất của chúng ta trở thành bất khả cư ngụ và nguy hiểm cho nhân loại? Hay dửng dưng trước những vấn đề hòa bình rất thường bị chập chờn đe dọa bởi những cuộc chiến thê thảm? Hoặc dửng dưng trước tình trạng khinh thường các quyền làm người căn bản của nhiều người, nhất là của trẻ em? Hết mọi tấm lòng của người Kitô hữu phải nhậy cảm đối với vô số những trường hợp khẩn trương này” (đoạn 51.1). “Cần phải đặc biệt chú trọng đến một số khía cạnh nơi sứ điệp nồng cốt của Phúc Âm thường ít được hiểu đứng đắn, thậm chí còn muốn gạt bỏ sự có mặt của Giáo Hội nữa, thế nhưng, sứ điệp ấy dầu sao cũng vẫn thuộc về sứ vụ đức ái của Giáo Hội. Tôi có ý nói đến phận vụ phải quyết tâm tôn trọng sự sống của hết mọi người, từ lúc được thụ thai cho đến khi tự nhiên mà chết. Cũng thế, việc phục vụ nhân loại phải khiến cho chúng ta, dù thuận tiện hay không thuận lợi, bảo đảm được rằng những người sử dụng các thứ phát minh tân tiến mới nhất của khoa học, nhất là trong ngành kỹ thuật về sinh vật học, không bao giờ được gạt bỏ những bó buộc căn bản về luân lý, bằng cách nại vào mối đoàn kết mập mờ thường dẫn đến việc phân biệt giữa sự sống này với sự sống kia, cũng như đến việc coi thường phẩm giá của mọi người” (đoạn 51.2). “Để chứng từ Kitô giáo có tác hiệu, nhất là nơi những lãnh vực tế nhị và còn đang tranh luận này, cần phải tỏ ra nỗ lực trong việc giải thích một cách thích hợp những lý do về những gì Giáo Hội chủ trương, nhấn mạnh cho con người thấy rằng Giáo Hội không áp đặt quan điểm thuộc đức tin lên thành phần không phải là tín hữu, mà Giáo Hội chỉ cắt nghĩa và bảo vệ những giá trị được bắt nguồn từ chính bản tính của con người thôi. Có như thế, đức bác ái mới thực sự phục vụ cho văn hóa, chính trị, kinh tế và gia đình, để khắp mọi nơi mới biết tôn trọng những nguyên tắc căn bản là nền móng cho định mệnh của con người cũng như cho nền văn minh mai hậu” (đoạn 51.3). “Hiển nhiên là tất cả những việc này phải được thực hiện theo đường lối riêng biệt của Kitô giáo, ở chỗ, thành phần giáo dân phải đặc biệt hiện diện ở những lãnh vực này trong việc sống trọn ơn gọi giáo dân của mình, không bao giờ xoay theo xu hướng muốn biến các cộng đồng Kitô giáo trở thành những cơ quan xã hội thuần túy. Nhất là việc Giáo Hội liên hệ với xã hội dân sự, theo chủ trương của học thuyết xã hội của Giáo Hội, phải tỏ ra biết tôn trọng quyền tự quyết của xã hội này cũng như biết tôn trọng những lãnh vực hợp pháp” (đoạn 52.1). “Người ta quá biết rằng Giáo Hội đã dùng quyền giáo huấn của mình, nhất là trong thế kỷ 20, để góp phần vào việc cắt nghĩa những thực tại xã hội theo ý nghĩa Phúc Aâm, cũng như trong việc cống hiến phần đóng góp của mình một cách hợp thời và có phương pháp vào việc giải quyết những vấn đề xã hội, những vấn đề giờ đây đã mặc một tần vóc toàn cầu” (đoạn 52.2). “Khía cạnh luân lý và xã hội của vấn đề đó là yếu tố chính yếu cho chứng từ Kitô giáo, ở chỗ, chúng ta phải loại trừ xu hướng muốn cống hiến cho con người một thứ linh đạo sống tư biệt và cá nhân, một thứ linh đạo hoàn toàn tương phản với những đòi hỏi của đức bác ái, loại trừ xu hướng không muốn nói gì đến những ý nghĩa hàm xúc của biến cố Nhập Thể, và do đó cũng không đả động gì tới niềm trông ngóng cánh chung của Kitô giáo. Niềm trông ngóng cánh chung này một khi làm cho chúng ta nhận thức được tính chất tương đối của lịch sử thì không có nghĩa là cũng làm cho chúng ta buông xuôi thôi không ‘đi làm’ lịch sử nữa. Giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II ở đây hợp thời hơn bao giờ hết: ‘Sứ điệp Kitô giáo không ngăn cản con người nam nữ trong việc dựng xây thế giới, hay làm cho họ dửng dưng đối với an sinh của đồng loại mình; trái lại, nó thúc buộc họ lại càng phải làm chính những điều này một cách trọn vẹn hơn nữa’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 34)” (đoạn 52.2). “Những Chứng Nhân Tình Yêu”: “Dấu Hiệu Cụ Thể” “Để tỏ dấu hiệu cho việc dấn thân thực hiện đức bác ái và cổ võ nhân bản này, một việc dấn thân được bắt nguồn từ những đòi hỏi cốt yếu nhất của Phúc Aâm, Tôi quyết định là năm Mừng Kỷ Niệm, ngoài vụ mùa dồi dào đã gặt hái được – Tôi có ý nói đến ở đây đặc biệt là việc trợ giúp cho rất nhiều anh chị em nghèo hơn của chúng ta để họ có cơ hội tham dự vào Cuộc Mừng Kỷ Niệm – phải để lại một quĩ đóng góp nào đó có thể nói lên cho thấy nó là hoa trái và là ấn tín của tình yêu phát tỏa từ cuộc Mừng Kỷ Niệm. Nhiều người hành hương đã dâng cúng và nhiều nhà làm đầu ngành tài chính đã hợp nhau quảng đại hỗ trợ để giúp vào việc tổ chức xứng đáng cuộc Mừng Kỷ Niệm. Sau khi những chi phí cho năm này được trang trải hết thì số tiền còn lại sẽ được dành vào những công cuộc bác ái. Điều quan trọng là một biến cố tôn giáo chính yếu như thế phải làm sao hoàn toàn không dính dáng gì tới bất cứ một hình thức kiếm chác tiền bạc nào. Số tiền bạc bất kể là bao nhiêu sẽ được dùng vào việc tiếp tục cái kinh nghiệm thường hay được nhắc lại ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội, lúc mà cộng đồng Giêrusalem đã làm cho những người không phải là Kitô hữu phải cảm kích khi thấy việc người Kitô hữu tự động trao đổi cho nhau những ân huệ được hưởng, thậm chí cho đến độ vì thành phần nghèo khó họ đã để mọi sự làm của chung (x Acts 2:44-45)” (đoạn 53.1). “Quĩ đóng góp được thiết lập này chỉ là một lạch nước nhỏ tuôn chảy vào con sông cả của đức ái Kitô giáo, một con sông đức ái vẫn trôi theo giòng lịch sử. Dù nhỏ song lại là một lạch nước đáng kể, ở chỗ, nhờ Cuộc Mừng Kỷ Niệm, thế giới đã hướng nhìn về Rôma, một Giáo Hội ‘trị vì trong đức ái’ (x Thánh Ignatiô Antiôkia, Thư gửi Những Người Rôma, Lời Nói Đầu, , ed. Funk, I, 252), và đã mang đến cho Phêrô các tặng vật của họ. Giờ đây, đức ái được tỏ hiện ở ngay chính tâm điểm của Giáo Hội Công Giáo này phải làm sao chảy ngược trở về lại với thế giới bằng dấu hiệu đức ái ấy, thứ dấu hiệu đức ái cần phải là một di sản bền vững và là một ghi niệm mối hiệp thông được cảm nghiệm thấy trong Cuộc Mừng Kỷ Niệm” (đoạn 53.2). “Một thế kỷ mới, một thiên kỷ mới đang mở ra trong ánh sáng của Chúa Kitô. Thế nhưng, không phải là tất cả mọi người đều có thể thấy được ánh sáng này. Việc chúng ta làm là một việc làm tuyệt vời và gay go để trở nên ‘phản chiếu’ của ánh sáng này. Đó là một thứ mầu nhiệm của vầng trăng mysterium lunae, một mầu nhiệm được các Giáo Phụ (chẳng hạn Thánh Aâu Quốc Tinh: Enarrationes in Psalmos, 10, 3: CCL 38, 42) chiêm ngắm rất nhiều, những vị đã sử dụng hình ảnh này để nói lên cho thấy việc Giáo Hội lệ thuộc vào Chúa Kitô là Vầng Dương chiếu ánh sáng được phản ánh nơi Giáo Hội. Đó chính là cách diễn tả những gì chính Chúa Kitô nói khi Người xưng mình là ‘ánh sáng thế gian’ (Jn 8:12) và xin các môn đệ của Người phải là ‘ánh sáng thế gian’ (Mt 5:14)” (đoạn 54.1). “Đây là một việc làm chúng ta choáng váng nếu chúng ta xét đến nỗi yếu hèn của con người chúng ta, một nỗi yếu hèn rất hay làm cho chúng ta trở thành mờ mịt và đầy tăm tối. Thế nhưng, nó lại là công việc chúng ta có thể thực hiện được, nếu chúng ta biết hướng về ánh sáng của Chúa Kitô, và mở lòng mình ra cho ân sủng là những gì làm cho chúng ta trở thành một tạo vật mới” (đoạn 54.2). “Chính trong chiều hướng này mà chúng ta phải để ý đến cuộc thách đố lớn lao trong vấn đề đối thoại liên tôn, một vấn đề đối thoại chúng ta vẫn phải chú trọng tới trong ngàn năm mới, theo đúng giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II (x Tuyên Ngôn Nostra Aetate). Trong những năm sửa soạn cho Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm, Giáo Hội đã tìm cách xây dựng một mối liên hệ cởi mở và trao đổi với các tín đồ của các tôn giáo khác, chứ không phải chỉ có một loạt những cuộc gặp gỡ tiêu biểu đại thể vậy thôi. Cuộc đối thoại trao đổi này phải được tiếp tục kéo dài. Trong chiều hướng đa văn hóa và đa tôn giáo được cho rằng là những gì làm nên đặc tính của tân thiên niên kỷ đây, thì hiển nhiên việc đối thoại trao đổi này sẽ thật là quan trọng, trong việc thiết lập một nền tảng hòa bình vững chắc, cũng như trong việc dẹp bỏ đi cái ám ảnh rùng rợn của những cuộc chiến tranh tôn giáo vẫn thường nhuộm đỏ lịch sử loài người. Danh xưng của một vị Thiên Chúa duy nhất càng ngày càng phải trở thành những gì được gọi là một danh xưng hòa bình và là một hiệu triệu hòa bình” (đoạn 55.1). “Tuy nhiên, việc trao đổi đối thoại không thể theo chiều hướng trung dung tôn giáo, và Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ buộc phải làm chứng rõ ràng cho niềm hy vọng ở trong chúng ta (x 1Pt 3:15) khi cần phải đối thoại trao đổi. Chúng ta không được sợ rằng có thể sẽ bị coi như là những gì phạm đến kẻ khác khi chúng ta hoan hỉ loan báo một tặng ân dành cho hết mọi người, một tặng ân cần phải được hiến cho tất cả mọi người bằng một tấm lòng hết sức kính trọng tự do của nhau, đó là tặng ân mạc khải của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, Vị Thiên Chúa ‘đã yêu nhân loại đến ban Con duy nhất của Ngài’ (Jn 3:16). Như Bản Tuyên Ngôn Chúa Giêsu mới đây đã nhấn mạnh, vấn đề này không thể trở thành một chủ đề đối thoại được coi như là một cuộc thương thảo, như thể chúng ta coi nó là một vấn đề hoàn toàn tùy ý nghĩ, trái lại, nó này là một ân huệ làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui, là một sứ điệp chúng ta có nhiệm vụ phải loan báo” (đoạn 56.1). “Đó là một yếu tố nồng cốt chẳng những cần cho việc tra cứu man vàn về thần học liên quan đến sự thật của Kitô giáo, mà còn cần cho cả việc Kitô hữu đối thoại với các thứ triết thuyết, văn hóa và tôn giáo khác nữa. Theo kinh nghiệm chung của nhân loại, với tất cả những nghịch thường của nó, Thần Linh của Thiên Chúa, Đấng ‘thổi đâu thì thổi’ (Jn 3:8), không phải là không tỏ ra cho thấy những dấu chứng tỏ việc Ngài hiện diện, một hiện diện giúp cho các người môn đệ theo Chúa Kitô hiểu sâu xa hơn sứ điệp mà họ làm chứng” (đoạn 56.3). Và nếu Bức Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis, được ban hành Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay ngày 4/3/1979 để mở màn cho một triều đại giáo hoàng tự nhận mình là có sứ mạng thực thi Công Đồng Chung Vaticanô II và sửa soạn cho Kitô Giáo tiến vào Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến - Tertio Millennio Adveniente, đã nói lên niềm xác tín của chung Giáo Hội tin Chúa Kitô theo thần học tín lý thế nào, thì Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ - Novo Mellennio Ineunte lại có một tính cách mục vụ tu đức để giúp Các Giáo Hội Riêng sống Chúa Kitô như vậy. Chúng ta hãy nhớ rằng, là chiên của Chúa Kitô, người Kitô hữu Công Giáo chúng ta sẽ không bao giờ đi sai lạc với đường lối và tinh thần của Chúa Kitô, nếu lúc nào chúng ta cũng hết sức cố gắng chuyên chú lắng nghe tiếng vị chủ chiên của mình, Vị Mục Tử Tối Cao được hiện thân nơi bản thân của những Đấng Thừa Kế Thánh Phêrô Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian cho tới khi Người lại đến. Trong Thánh Lễ Hiển Linh ngày 6/1 Bế Mạc Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha đã tóm gọn Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, một văn kiện có tính cách mục vụ hết sức quan trọng và khẩn trương cho việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa của một Mùa Xuân Gieo Tin Mừng Cứu Độ trong Ngàn Năm Thứ Ba Kitô Giáo này ở đoạn kết bài giảng của Ngài (cũng theo ấn bản Anh ngữ của tờ L’Osservatore Romano ngày 10/1/2001, trang 2) như sau: “Tôi cống hiến những suy tư này cho các Giáo Hội riêng, như là một ‘di sản’ của Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm, để các Giáo Hội này có thể đưa những suy tư ấy vào chương trình mục vụ của mình. Nhu cầu khẩn thiết trước tiên là hãy lợi dụng lòng ước muốn chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô như chúng ta đã cảm nghiệm thấy trong năm Mừng Kỷ Niệm. Qua dung nhan nhân loại của Người Con Mẹ Maria ấy, chúng ta nhận ra Lời hóa thành nhục thể nơi tất cả thần tính và nhân tính của Người. Những nhà nghệ sĩ điêu luyện đệ nhất, của cả Đông Phương lẫn Tây Phương, đã từng trổ tài để diễn đạt mầu nhiệm của Dung Nhan này. Thế nhưng, Thần Linh, ‘nhà điêu họa’ thần linh, mới là Đấng khắc Dung Nhan ấy nơi tâm can của tất cả những ai chiêm ngưỡng Người và yêu mến Người. Chúng ta cần ‘bắt đầu từ Chúa Kitô’, bằng lòng nhiệt thành của Ngày Lễ Hiện Xuống, với một nhiệt tình đổi mới. Việc bắt đầu từ Chúa Kitô trước hết ở nơi việc dấn thân sống thánh mỗi ngày, bằng tinh thần cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Việc bắt đầu từ Chúa Kitô để minh chứng cho Tình Yêu của Người, bằng cách sống đời Kitô hữu được thể hiện nơi mối hiệp thông, nơi tình bác ái cũng như nơi việc làm chứng nhân trước thế giới. Đó là chương trình Tôi đề nghị trong bức Tông Thư đây. Tất cả có thể được tóm gọn lại thành một chữ duy nhất, đó là ‘Chúa Giêsu Kitô!’” (đoạn 8.1). “Ngay khi bắt đầu cho Giáo Triều của Tôi, và từ đó đã biết bao nhiêu lần Tôi lên tiếng kêu nài con cái nam nữ của Giáo Hội cũng như thế giới là ‘Hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô’. Tôi muốn lập lại câu này một lần nữa, trong dịp kết thúc Cuộc Mừng Kỷ Niệm này, vào lúc mở màn cho một tân thiên niên kỷ đây. Hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô”. (đoạn 8.2) “’Tất cả mọi dân tộc trên mặt đất sẽ thờ lạy Ngài, ôi lạy Chúa!’ Lời tiên tri này đã được nên trọn nơi Giêrusalem trên trời, nơi tất cả mọi người công chính của thế giới, nhất là nơi muôn vàn chứng nhân đức tin, qui tụ lại một cách mầu nhiệm trong thành thánh không còn mặt trời này, vì Con Chiên là mặt trời của nó. Ở trên đó, các thiên thần và các thánh hợp tiếng ca khen chúc tụng Thiên Chúa”. (đoạn 9.1) “Giáo Hội lữ hành trên mặt đất, qua phụng vụ, qua lời công bố Phúc Âm, qua chứng từ của mình, mỗi ngày đều vọng lên bài ca thiên quốc ấy. Xin Chúa ban cho Giáo Hội, trong tân thiên niên kỷ, được lớn lên trong thánh thiện hơn bao giờ hết, để nơi lịch sử nhân loại, Giáo Hội trở nên một cuộc hiển linh thực sự phản ảnh dung nhan nhân ái và hiển vinh của Chúa Kitô. Amen!” (đoạn 9.2)
|