Chúa Nhật 20 Thường Niên

 

Chiêm Ngắm Lời Chúa là Thần Linh

 

A.        "Chúa Giêsu rút về địa hạt Tyrô và Syđôn. Có một phụ nữ người Canan ở địa phương đó tự đến kêu xin Người rằng: 'Lạy Ngài là Con vua Đavít, xin thương xót tôi! Con gái của tôi đang khốn đốn vì ma qủi'. Người không đáp lại gì cả... Bà tiến đến lạy Người mà van lơn: 'Cứu giúp tôi đi Ngài ơi!' Người trả lời: 'Lấy đồ ăn của con cái mà vứt cho chó thì đâu có đúng chứ'. Bà vẫn không chịu thôi: 'Vâng thưa Ngài, dầu sao chó cũng được ăn những vụn vặt thừa thãi từ bàn của chủ mình rơi xuống cơ mà'. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp: 'Này bà, đức tin của bà thật là cao cả! Bà muốn sao thì sẽ được như vậy'. Ngay lúc ấy con gái của bà được bình an vô sự": "Đây Chúa phán: 'Hãy giữ điều ngay, hãy làm điều phải' vì ơn cứu độ của Ta sắp đến, đức công minh của Ta sắp tỏ hiện. Những kẻ ngoại lai gắn bó mình với Chúa, khi phục vụ Ngài, yêu mến danh Chúa và trở nên những tôi tớ của Ngài... Vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho tất cả mọi dân tộc'" - "Chư dân hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thẩy chư dân hãy ca tụng Ngài" (ở đây, theo Sách Lễ Tiếng Anh, câu đáp ca đơn giản hơn: "O God, let all the nations praise you!" - "Ôi Thiên Chúa, chớ gì mọi dân nước hãy chúc tụng Ngài!")' "Nay tôi nói điều này với qúi vị Dân Ngoại... Nếu việc họ (những người Do Thái) chối bỏ đã là sự giải hòa cho thiên hạ, thì việc họ chấp nhận sẽ là gì? Nếu không phải là sự sống từ trong kẻ chết! Những tặng ân của Thiên Chúa và ơn gọi của Ngài thì không đổi thay. Như qúi vị đã một lần bất phục Thiên Chúa thế nào, mà nay vì việc bất phục tùng của họ lại nhận được tình thương, thì bởi Thiên Chúa muốn tỏ tình thương cho qúi vị, qua việc họ đã bất phục tùng, mà họ cũng nhận được tình thương như vậy. Thiên Chúa dồn nhốt tất cả mọi người vào việc bất phục tùng, để Ngài có thể xót thương mọi người".

B-            "Những người Do Thái tranh luận với nhau rằng: 'Ngài ban thịt của Ngài cho chúng ăn thế nào được?' Bởi thế, Chúa Giêsu nói với họ: 'Thịt Tôi là của ăn thật và máu Tôi là của uống thật. Ai sinh dưỡng bằng thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong họ. Như Cha là Đấng có sự sống đã sai Tôi, và Tôi có sự sống bởi Cha thế nào, thì ai sinh dưỡng nhờ Tôi cũng sẽ  có sự sống bởi Tôi như vậy'": "Khôn ngoan đã xây nhà mình, nàng đã dựng nên bẩy cột trụ của mình' Nàng đã dọn thịt thà, pha rượu, phải, nàng đã bày biện bàn ăn. Nàng đã sai tôi tớ mình đi' từ trên các đỉnh cao của thành phố, nàng kêu gọi: 'Ai đơn thành thì hãy lại đây' ta nói cùng kẻ nào thiếu hiểu biết: Hãy đến mà ăn lương thực của ta, cùng uống rượu ta đã pha! Hãy bỏ đi nỗi dại khờ thì ngươi sẽ được sống' hãy tiến lên theo con đường hiểu biết'" - "Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao"' "Hãy cẩn thận giữ gìn hành vi cử chỉ. Đừng tác hành như những kẻ khù khờ, mà là như những người biết nghĩ... Đừng cứ ở trong tình trạng vô ý thức, mà cố nhận thức được ý muốn của Chúa. Tránh say sưa rượu chè đưa đến buông tuồng mất nết. Hãy tràn đầy Thần Linh, cùng nhau xướng lên theo những bài thánh vịnh, thánh ca và những khúc ca hứng khởi. Hãy luôn luôn nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha về hết mọi sự".

C-        "Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Thày đến để thắp sáng ngọn lửa trên thế gian. Thày mong cho nó bùng lên biết bao! Thày phải chịu một phép rửa. Thày cảm thấy ưu phiền là chừng nào cho đến khi nó được hoàn tất! Các con không  nghĩ rằng Thày đến để thiết lập sự bình an trên thế gian này hay sao? Thày bảo thật cho các con hay, trái lại nữa là đàng khác' Thày đến để làm cho phân rẽ. Từ nay trở đi, một nhà có 5 người sẽ bị chia ra 3 chống lại 2 và 2 chống lại 3...": "(Sau khi các ông hoàng đã tố cáo với vua Zedekiah về việc Giêrêmia nói dân bị hủy diệt, được phép vua) họ bắt Giêrêmia thả xuống giếng... Bấy giờ nhà vua truyền lệnh cho Ebed-melech người Cushite (một viên chúc trong triều đứng ra biện hộ bênh đỡ cho ông) đem theo ba người để kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông bị chết" - "Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ phù tôi"' "Chúng ta hãy gắn mắt vào Đức Giêsu, Đấng khởi hứng và làm hoàn hảo đức tin của chúng ta. Vì niềm vui trước mắt, Người đã nhận chịu thập giá, bất chấp sự nhục nhã của nó. Người đã ngự bên hữu ngai tòa Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng Người đã chịu đựng các tội nhân đối kháng là chừng nào' bởi thế, đừng có chán chường hay bỏ cuộc đấu tranh".

 

 

Cảm Nghiệm Lời Chúa là Sự Sống

 

"Thời gian đã viên trọn. Triều Đại Thiên Chúa đã đến! Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" (Phúc Âm Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh năm B),  như trang 294 nhận định, "đó là chủ đề của toàn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, được thể hiện qua Phụng Vụ Lời Chúa ở từng Chúa Nhật trong Mùa". Tuy nhiên, như trang 417 phân tích và nhận định: "Giai đoạn thứ ba của Mùa Thường Niên là 15 tuần nối tiếp, tức kể từ Chúa Nhật 19 Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, cho đến Chúa Nhật 33 Thường Niên Hậu Phục Sinh, một giai đoạn nhắm vào đề tài: 'Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm', để có thể đón chờ ngày Chúa Kitô đến lần thứ hai, ý nghĩa của lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật kết thúc Mùa này".

 

Như thế, Chúa Nhật 20 Thường Niên hôm nay là thời điểm đã bước sang giai đoạn thứ ba của Mùa Thường Niên, giai đoạn nhắm vào phần thứ ba của chủ đề cho toàn Mùa Thường Niên, đó là đề tài: "Hãy ăn năn cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm". Theo Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 20 Thường Niên tuần này thì "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc cần thiết để có thể lãnh nhận tình thương Chúa dành cho tất cả mọi người, được thể hiện bằng cách khôn ngoan nhận biết ý Chúa muốn, và bằng cách nhìn lên Chúa để chấp nhận mọi sự xẩy đến cho mình.

 

Trước hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc cần thiết để có thể lãnh nhận tình thương Chúa dành cho tất cả mọi người, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm A. Theo trình thuật Phúc Âm, nếu vì tự ái, khi thấy Chúa Giêsu không thèm đáp trả lời van xin thành khẩn của mình, nhất là sau đó lại nghe Chúa Giêsu dùng những lời lẽ xem ra hạ phẩm giá con người mình xuống hết cỡ: "Lấy đồ ăn của con cái mà vứt cho chó thì đâu có đúng chứ", mà người phụ nữ ngoại lai Canan đối với dân Do Thái ấy phẫn nộ với Người hay bỏ đi không thèm Người nữa, thử hỏi, có thể nào xẩy ra chuyện: "Bà muốn sao thì sẽ được như vậy" không? Phải, người phụ nữ Canan này, theo như bài đọc thứ nhất, chính là một trong "những kẻ ngoại lai gắn bó mình với Chúa, khi phục vụ Ngài, yêu mến danh Chúa và trở nên những tôi tớ của Ngài", mà theo bài Phúc Âm diễn thuật: "Bà vẫn không chịu thôi: 'Vâng thưa Ngài, dầu sao chó cũng được ăn những vụn vặt thừa thãi từ bàn của chủ mình rơi xuống cơ mà'". Do đó, "vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho tất cả mọi dân tộc", như Lời Chúa minh định trong bài đọc thứ nhất, hình ảnh về một ngôi "nhà" là tiêu biểu cho "triều đại Thiên Chúa" đến với mọi người, mà "ngay lúc ấy con gái của bà được bình an vô sự". Thật thế, theo bài đọc thứ hai, "Thiên Chúa dồn nhốt tất cả mọi người vào việc bất phục tùng, để Ngài có thể xót thương mọi người". Đầu tiên, theo Cựu Ước, "để Ngài có thể xót thương mọi người" dân Do Thái, Người đã "dồn nhốt" Các Dân Ngoại "vào việc bất phục tùng", tức là để cho Các Dân Ngoại, như bài đọc thứ hai năm B nhận định, "ở trong tình trạng vô ý thức... say sưa rượu chè đưa đến buông tuồng mất nết". Sau đó, theo Tân Ước, Thiên Chúa đã "dồn nhốt" dân Do Thái của Ngài, thành phần mà theo Lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm, là "con cái" trong nhà, "vào việc bất phục tùng", tức là vào một tình trạng, như bài đọc thứ nhất năm B nhận định, "dại khờ", nhờ đó, Ngài lấy lý và lợi dụng dịp tốt "để có thể xót thương mọi người" Dân Ngoại. "Ôi Thiên Chúa, chớ gì mọi dân nước hãy chúc tụng Ngài!", câu đáp ca thật sự đã có lý xướng lên như thế.

 

Sau nữa, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" bằng cách khôn ngoan nhận biết ý Chúa muốn, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm B. Theo bản tính vô cùng toàn năng và thượng trí của mình, dù Thiên Chúa có làm gì đi nữa, kể cả việc, Ngài "dồn nhốt tất cả mọi người vào việc bất phục tùng" chống lại Ngài đi nữa, mục đích cũng chỉ là "để có thể xót thương mọi người", tức là để làm cho mọi người nhận biết Ngài mà được sống, thế thôi. Việc Thiên Chúa dùng những cách ngược ngạo này để có thể tỏ mình ra cho con người như thế, theo bài đọc thứ nhất, đó như là việc "khôn ngoan đã xây nhà mình, nàng đã dựng nên bẩy cột trụ của mình' Nàng đã dọn thịt thà, pha rượu, phải, nàng đã bày biện bàn ăn". Thế rồi, tất cả những "an bài" mà Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan đã "bày biện" nơi "bàn ăn" lịch sử nhân loại nói chung cũng như nơi "bàn ăn" cuộc đời mỗi người nói riêng này, cần phải được thưởng thức. Chính vì thế, cũng theo bài đọc thứ nhất, "Nàng đã sai tôi tớ mình đi' từ trên các đỉnh cao của thành phố, nàng kêu gọi: 'Ai đơn thành thì hãy lại đây' ta nói cùng kẻ nào thiếu hiểu biết: Hãy đến mà ăn lương thực của ta, cùng uống rượu ta đã pha!" Phải, thành phần được Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa "kêu gọi" đến "ăn lương thực của ta, cùng uống rượu ta đã pha" đây bao gồm tất cả mọi người, đặc biệt là "kẻ thiếu hiểu biết", thành phần mà, trong bài đọc thứ nhất được Đức Khôn Ngoan dặn dò là: "Hãy bỏ đi nỗi dại khờ thì ngươi sẽ được sống' hãy tiến lên theo con đường hiểu biết". Bởi vì, cũng theo bài đọc thứ nhất, chỉ có những "ai đơn thành" mới là thành phần mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa mong muốn, vì họ là thành phần có thể hoan hỉ thưởng thức được những gì dọn ra cho họ, đúng như câu đáp ca diễn tả về thái độ kêu gọi của họ: "Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao". Thế nhưng, theo lời Chúa Giêsu khẳng quyết với "những người Do Thái" trong bài Phúc Âm, thì chỉ có "Thịt Tôi là của ăn thật và máu Tôi là của uống thật". Ở đây Chúa Giêsu không nói "Thịt Tôi thật là (hay là thật) của ăn và máu Tôi thật là (hay là thật) của uống", một phát biểu nhấn mạnh về tính cách qủa quyết của lời nói hơn là về chính tính cách của điều được nói đến, tức về tính cách "thật" của cả "thịt" lẫn "máu" Chúa Giêsu. Đúng thế, theo ý nghĩa của câu cuối cùng trong bài Phúc Âm hôm nay: "Không phải như cha ông các người đã ăn mà vẫn chết, người sinh dưỡng bởi bánh này sẽ sống đời đời", thì thứ bánh ban sự sống đời đời mới là bánh thật, mà bánh thật này, như Người cũng đã minh định, ở phần đầu của bài Phúc Âm: "là thịt của Tôi ban sự sống cho thế gian". Do đó, khi khẳng quyết "thịt Tôi là của ăn thật và máu Tôi là của uống thật", Chúa Giêsu có ý nói đến tác dụng Thần Linh được phát ra từ Thánh Thể của Người: "Như Cha là Đấng có sự sống đã sai Tôi, và Tôi có sự sống bởi Cha thế nào, thì ai sinh dưỡng nhờ Tôi cũng sẽ có sự sống bởi Tôi như vậy". Sự sống đời đời đã được dọn sẵn nơi bàn tiệc Thánh Thể của Đức Kitô như thế, song chỉ có những "ai đơn thành" mới thèm khát, và chỉ có thành phần mà bài đọc thứ hai kêu gọi "cố nhận thức được ý muốn của Chúa", mới có thể, cũng theo bài đọc này, "luôn luôn nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha về hết mọi sự". (Thánh Thể còn mang ý nghĩa là Tạ Ơn).

 

Sau hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" bằng cách nhìn lên Chúa để chấp nhận mọi sự xẩy đến cho mình, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm C. Số phận bị hành khổ oan ức đến nỗi tí nữa mất mạng của Giêrêmia, như bài đọc thứ nhất thuật lại, trong "một cái giếng không có nước, mà chỉ có bùn", bởi vì sứ mạng nói tiên tri của mình, đã không nói lên cái giá đắt đỏ mà con người cần phải đánh đổi để có thể giữ lấy đức tin của mình hay sao! Tại sao thế? Nếu không phải, như trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ của Người: "Thầy đến để làm cho phân rẽ". Thật vậy, những lời Chúa Giêsu nói, như trong bài Phúc Âm năm B, "thịt Tôi là của ăn thật và máu Tôi là của uống thật" không phải là nguyên nhân gây chia rẽ hay sao? Chính vì thế mà bài Phúc Âm năm B đã thuật lại: "Những người Do Thái tranh luận với nhau: Ngài ban thịt của Ngài cho chúng ta ăn thế nào được?". Rõ ràng hơn nữa, ở bài Phúc Âm của Chúa Nhật 21 Thường Niên năm B tuần tới, sự kiện chia rẽ đã thực sự xẩy ra, ngay giữa thành phần môn đệ của Người: "Từ lúc ấy, nhiều môn đệ bỏ đi không thuộc về nhóm của Người nữa". Sở dĩ những lời nói và việc làm của Đức Kitô gây ra chia rẽ như thế, là vì bản thân của Người, như Người tuyên bố về số phận của Người trong bài Phúc Âm: "Thày phải chịu một phép rửa", một sự việc mà chính Phêrô, vị lãnh đạo tông đồ đoàn, như Phúc Âm của Chúa Nhật 21 Thường Niên năm A tuần tới thuật lại, cũng không hiểu nổi, đến nỗi đã bị Thày mình nặng lời khiển trách. Do đó, bài đọc thứ hai đã khuyên nhủ thành phần Kitô hữu: "Chúng ta hãy gắn mắt vào Đức Giêsu, Đấng khởi hứng và làm hoàn hảo đức tin của chúng ta. Vì niềm vui trước mắt, Người đã nhận chịu thập giá, bất chấp sự nhục nhã của nó. Người đã ngự bên hữu ngai tòa Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng Người đã chịu đựng các tội nhân đối kháng là chừng nào' bởi thế, đừng có chán chường hay bỏ cuộc đấu tranh".

            Lạy Cha chúng con ở trên trời, trong Con Một Cha, Cha đã cho phép chúng con đến cùng Cha, nhờ đó, chúng con đã được ở trong "nhà của (Cha) là nhà cầu nguyện cho tất cả mọi dân tộc" (bài đọc 1 năm A). Trước hết, xin Cha ban cho chúng con ơn khôn ngoan, để chúng con có thể luôn luôn "nhận thức được ý muốn của Chúa", Đấng đã lợi dụng tình trạng bất phục tùng của chúng con để tỏ lòng "xót thương" (bài đọc 2 năm A) chúng con. Sau nữa, xin Cha cũng ban cho chúng con ơn kiên cường, để chúng con có thể theo Con Cha cho đến cùng, nhờ đó, chúng con có thể thực hiện được ước nguyện của Người khi còn tại thế là "thắp sáng ngọn lửa trên thế gian (và) mong cho nó bùng lên" (Phúc Âm năm C).