Chúa Nhật 22 Thường Niên 

 

Chiêm Ngắm Lời Chúa là Thần Linh

 

A.        "Từ bấy giờ Chúa Giêsu (Đức Kitô) bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết rằng Người phải lên Gia-Liêm để bị bàn tay các vị trưởng lão, thượng tế, luật sĩ làm khốn khổ và bị hại chết, rồi mới được phục sinh vào ngày thứ ba. Nghe thế, Phêrô kéo Người ra một bên bắt đầu can gián Người rằng: 'Thày ơi, Thày chắc không sao đâu! Thiên Chúa làm gì mà lại để cho Thày phải bị như thế được!' Chúa Giêsu quay về phía Phêrô mà nói: 'Đồ Satan, đi ngay ra chỗ khác! Ngươi cố làm cho Ta vấp phạm. Ngươi không phán đoán theo chiều hướng của Thiên Chúa mà chỉ theo kiểu cách của loài người thôi'. Đoạn Chúa Giêsu nói với các môn đệ: 'Ai muốn theo Ta, họ phải chối bỏ chính bản thân mình, vác thập giá mình mà bắt đầu theo bước của Ta. Ai muốn cứu sự sống mình sẽ đánh mất nó, còn ai mất sự sống mình vì Ta sẽ tìm lại được nó...'": "Cả ngày tôi là trò hề cho người ta cười nhạo' mọi người phỉ báng tôi. Khi tôi nói, tôi phải la khóc, để nói lên nỗi giầy vò và uất hận của tôi' lời của Chúa làm tôi bị nhạo báng và xỉ vả suốt ngày. Tôi tự nhủ tôi sẽ không đề cập đến Ngài nữa, tôi sẽ không đả động đến danh của Ngài nữa. Nhưng rồi nó lại trở nên như lửa thiêu đốt tâm can tôi, dồn nén các đốt xương tôi' tôi mệt vì nó, tôi không chịu nổi nó" - "Lạy Chúa là Thiên Chúa tôi, linh hồn tôi khát khao Chúa"' "Anh em ơi, tôi xin anh em hãy nhờ tình thương của Thiên Chúa mà dâng tiến thân xác của anh em như hiến tế sống động thánh hảo làm hài lòng Thiên Chúa, đó là việc tôn thờ thiêng liêng của anh em. Anh em đừng hòa mình theo thời đại này, song hãy biến đổi mình bằng việc canh tân tâm trí anh em, để anh em có thể phán đoán theo điều Thiên Chúa muốn, điều lành thánh, đẹp đẽ và thiện hảo".

B-            "Những người Pharisiêu và một số những nhà thông luật từ Gia-Liêm đến tụ họp quanh Chúa Giêsu. Thấy có ít môn đệ của Người dùng bữa mà không rửa tay... thì hỏi Người: 'Tại sao các môn đệ của ngài không theo truyền thống cha ông, khi ăn lại không rửa tay cho sạch?' Người nói cùng họ: 'Isaia đã viết về thành phần giả hình các người thật là chính xác: Dân này phụng sự Ta bằng môi mép, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Việc tôn kính của họ dành cho Ta hoàn toàn rỗng tuyếch, vì họ dạy những giáo điều như là những chỉ thị thuần túy loài người. Các người coi thường giới răn Thiên Chúa mà gắn bó với tục lệ loài người... Không có cái gì từ ngoài vào trong con người có thể làm họ nên dơ bẩn cả' mà là cái từ họ ra, và chỉ có cái đó, mới tạo nên sự dơ bẩn... Tất cả những thứ gian ác từ trong mà ra này (12 việc xấu Chúa kể ra) mới làm cho người ta ra dơ bẩn'": "Moisen nói với dân chúng: 'Hỡi -ch-Diên, giờ đây các người hãy nghe những giới luật và huấn thị của Thiên Chúa mà tôi đang chỉ cho các người đây, để các người được sống và được vào chiếm lấy mảnh đất Chúa là Thiên Chúa cha ông của các người, ban cho các người. Trong việc các người tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các người, mà tôi truyền cho các người đây, các người sẽ không được thêm hay bớt vào điều tôi ban bố. Hãy cẩn thận giữ lấy chúng, vì nhờ đó, các người tỏ ra sự khôn ngoan và thông sáng của mình trước các dân nước, những người khi nghe thấy tất cả những giới luật ấy thì cho rằng: 'Cái dân nước vĩ đại này qủa thật là khôn ngoan thông sáng'" - "Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa" (ở đây, theo Sách Lễ Tiếng Anh, câu đáp ca hoàn toàn khác: "He who does justice will live in the presence of the Lord" - "Ai là người thực thi công chính  thì sống trước thiên nhan")' "Ngài (Thiên Chúa) muốn sinh ra chúng ta bằng lời nói trong sự thật, để chúng ta trở nên hoa trái đầu mùa giữa các tạo vật. Hãy khiêm nhu nhận lấy lời có sức cứu rỗi anh em được đâm rễ trong anh em. Anh em hãy thực thi lời này. Bằng không, anh em tự lừa dối mình nếu anh em chỉ biết có nghe xuông".

C-        "Vào một ngày hưu lễ, Chúa Giêsu đến dùng bữa ở một trong những người làm đầu nhóm Pharisiêu, họ quan sát Người khít khao. Nhận thấy họ cố dành những chỗ danh dự nơi bàn tiệc Người liền nói với các khách khứa một dụ ngôn: 'Khi qúi vị được người ta mời đến dự tiệc cưới, thì đừng ngồi ở chỗ danh dự, kẻo có người lớn hơn đã được mời ngồi chỗ đó rồi... (mà) hãy ngồi ở chỗ thấp kém nhất'... Người nói với vị mời Người: 'Khi ông khoản đãi một bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, thân thuộc, hoặc láng giềng giầu có của mình... (mà) hãy mời những kẻ ăn xin và què quặt, khập khễnh và mù loà...'": "Hỡi con, hãy khiêm tốn thực hiện các công việc thì con sẽ được yêu thương hơn cả kẻ ban phát các qùa tặng. Càng khiêm tốn con càng cao cả và sẽ được Thiên Chúa sủng ái..." - "Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ hàn"' "Anh em đã không tiến gần đến một ngọn núi không thể nào chạm tới, bừng bừng lửa cháy, tối tăm mù mịt, giông tố bão bùng, vang vang kèn thổi, và phát lên tiếng nói không ai muốn nghe. Không, anh em đã tiến đến gần Núi Sion và thành đô của Thiên Chúa hằng sống, Gia-Liêm trên trời, đến cơ ngũ thiên thần đang hội lễ, đến hội đồng trưởng tử danh ghi trên trời, đến Thiên Chúa thẩm phán mọi người, đến Đức Giêsu là vị trung gian tân ước".

 

 

Cảm Nghiệm Lời Chúa là Sự Sống:

 

"Thời gian đã viên trọn. Triều Đại Thiên Chúa đã đến! Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" (Phúc Âm Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh năm B),  như trang 294 nhận định, "đó là chủ đề của toàn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, được thể hiện qua Phụng Vụ Lời Chúa ở từng Chúa Nhật trong Mùa". Tuy nhiên, như trang 417 phân tích và nhận định: "Giai đoạn thứ ba của Mùa Thường Niên là 15 tuần nối tiếp, tức kể từ Chúa Nhật 19 Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, cho đến Chúa Nhật 33 Thường Niên Hậu Phục Sinh, một giai đoạn nhắm vào đề tài: 'Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm', để có thể đón chờ ngày Chúa Kitô đến lần thứ hai, ý nghĩa của lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật kết thúc Mùa này". Bởi thế, theo Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 22 Thường Niên tuần này thì "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc bỏ mình đi vì Chúa, là việc thành tâm thực thi lời Chúa, và là việc hạ mình trước nhan Chúa.

 

Trước hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc   bỏ mình đi vì Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm A. Nếu "'cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm' được thể hiện chỉ khi nào con người biết chấp nhận mọi sự để có thể đến với Chúa" (trang 418-419), như Chúa Nhật 19 Thường Niên năm A đã bày tỏ, thì "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" trong Chúa Nhật 22 Thường Niên năm A tuần này đúng là một "việc bỏ mình đi vì Chúa". Thật thế, bài đọc Phúc Âm đã cho thấy, vị đại tông đồ Phêrô đã bị chính "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", Đấng mà ngài đã long trọng và chính xác tuyên xưng, khiển trách vô cùng nặng lời, chỉ vì ngài, như lời Chúa Giêsu phán trong Phúc Âm, đã "không phán đoán theo chiều hướng của Thiên Chúa mà chỉ theo kiểu cách của loài người thôi". Tức là, căn cứ vào lời khiển trách này của Chúa Giêsu, vị đại tông đồ Phêrô, tuy nhận biết "Đức Kitô", song chỉ chấp nhận Người như ý mình mà thôi, chứ không như ý Thiên Chúa. Bởi thế, ngay sau đó, cũng trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu mới tuyên bố thẳng với các môn đệ của Người là "Ai muốn theo Ta, họ phải chối bỏ chính bản thân mình mà bắt đầu theo bước của Ta". Nghĩa là, để theo Người "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" như ý Thiên Chúa, thì ai được Người kêu gọi cũng phải theo Người "lên Gia-Liêm". Thế nhưng, để có thể chấp nhận một "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" đúng như ý Thiên Chúa, được Phúc Âm diễn đạt, "bị bàn tay các vị trưởng lão, thượng tế, luật sĩ làm khốn khổ và bị hại chết, rồi mới được phục sinh vào ngày thứ ba", thì thành phần môn đệ của Chúa Giêsu, như bài đọc thứ hai huấn dụ các Kitô hữu, "đừng hòa mình theo thời đại này, song hãy biến đổi mình bằng việc canh tân tâm trí anh em, để anh em có thể phán đoán theo điều Thiên Chúa muốn, điều lành thánh, đẹp đẽ và thiện hảo". Tuy nhiên, việc vị đại tông đồ Phêrô bị Thày mình khiển trách vô cùng nặng lời như thế mà vẫn không uất hận bỏ Người mà đi, như "nhiều môn đệ" đã làm vì không hiểu được lời Người, như bài Phúc Âm Chúa Nhật 21 Thường Niên năm B tuần trước thuật lại, đủ chứng tỏ tấm lòng của ngài đối với Thày mình, đúng như câu đáp ca diễn tả: "Lạy Chúa là Thiên Chúa tôi, linh hồn tôi khát khao Chúa". Trường hợp của thánh Phêrô ở đây hoàn toàn phản ảnh những gì được diễn đạt trong bài đọc thứ nhất: "lời của Chúa làm tôi bị nhạo báng và xỉ vả suốt ngày. Tôi tự nhủ tôi sẽ không đề cập đến Ngài nữa, tôi sẽ không đả động đến danh của Ngài nữa. Nhưng rồi nó lại trở nên như lửa thiêu đốt tâm can tôi, dồn nén các đốt xương tôi' tôi mệt vì nó, tôi không chịu nổi nó". Do đó, vị đại tông đồ Phêrô vẫn tiếp tục theo Thày trong tinh thần hy sinh bỏ mình vì Chúa, như bài đọc thứ hai khuyên nhủ thành phần Kitô hữu: "anh em hãy nhờ tình thương của Thiên Chúa mà dâng tiến thân xác của anh em như hiến tế sống động thánh hảo làm hài lòng Thiên Chúa".

 

Sau nữa, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc   thành tâm thực thi lời Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm B. Theo đề tài Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật năm A, nếu "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc bỏ mình vì Chúa, thì việc bỏ mình đi này, theo đề tài của chu kỳ năm B này, đó là ở chỗ thành tâm thực thi lời Chúa, tức là chấp nhận Chúa đúng như ý Chúa, theo như ý Chúa, được tỏ ra cho con người nơi lời Ngài phán, qua hình thức các giới luật của Ngài truyền. Đó là lý do, trong bài đọc thứ nhất, Moisen mới nói với dân chúng rằng: "Hỡi -ch-Diên, giờ đây các người hãy nghe những giới luật và huấn thị của Thiên Chúa mà tôi đang chỉ cho các người đây, để các người được sống và được vào chiếm lấy mảnh đất Chúa là Thiên Chúa cha ông của các người, ban cho các người". Tuy nhiên, cũng theo bài đọc này, vì chấp nhận Chúa theo ý Chúa chứ không phải theo ý mình, do đó, Moisen đã đề phòng dặn dò hết sức kỹ lưỡng: "Trong việc các người tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các người, mà tôi truyền cho các người đây, các người sẽ không được thêm hay bớt vào điều tôi ban bố". Bởi vì, có "cẩn thận giữ lấy chúng", Moisen nói tiếp trong cùng bài đọc này, "nhờ đó, (tức nhờ tác dụng của lời Chúa hơn là tự việc giữ luật Chúa của con người), các người tỏ ra sự khôn ngoan và thông sáng của mình trước các dân nước, những người khi nghe thấy tất cả những giới luật ấy thì cho rằng: 'Cái dân nước vĩ đại này qủa thật là khôn ngoan thông sáng'". "Ai là người thực thi công chính  thì sống trước thiên nhan", đúng như câu đáp ca tuyên nhận. "Bằng không, anh em tự lừa dối mình, nếu anh em chỉ biết có nghe xuông", bài đọc thứ hai đã khẳng quyết như thế. Đúng vậy, chính vì "Thiên Chúa muốn sinh ra chúng ta bằng lời nói trong sự thật, để chúng ta trở nên hoa trái đầu mùa giữa các tạo vật", như bài đọc thứ hai xác tín rồi khuyến dụ, mà thành phần Kitô hữu: "Hãy khiêm nhu nhận lấy lời có sức cứu rỗi anh em được đâm rễ trong anh em. Anh em hãy thực thi lời này". Đó mới là bỏ mình theo Chúa và thành tâm tìm Chúa, tránh tình trạng bị Chúa Giêsu trách cứ trong bài Phúc Âm: "Dân này phụng sự Ta bằng môi mép, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Việc tôn kính của họ dành cho Ta hoàn toàn rỗng tuyếch, vì họ dạy những giáo điều như là những chỉ thị thuần túy loài người. Các người coi thường giới răn Thiên Chúa mà gắn bó với tục lệ loài người". 

Sau hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc  hạ mình trước nhan Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm C. "Cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc bỏ mình vì Chúa, như đề tài của năm A, và là việc thành tâm thực thi lời Chúa, như đề tài năm B, sẽ không bao giờ xẩy ra và không thể nào thực hiện được, nếu con người không biết "hạ mình trước nhan Chúa". Theo bài đọc thứ nhất xác tín: "Càng khiêm tốn con càng cao cả và sẽ được Thiên Chúa sủng ái". "Càng khiêm tốn càng... được Thiên Chúa sủng ái" đây là gì, nếu không phải là con người không theo ý riêng mình, trong việc tạo nên một Thiên Chúa cho chính mình, như ý mình muốn, chẳng khác gì họ tự tôn mình là Thiên Chúa, trái lại, chỉ nhận biết Thiên Chúa như Ngài là và đúng như ý của Ngài muốn. Họ "được yêu thương hơn cả kẻ ban phát các quà tặng" là thế, như bài đọc thứ nhất đã nhận định, bởi vì, họ chỉ biết nhận lãnh những gì được ban cho mình, được tỏ cho họ, chứ không "ban phát các qùa tặng", như trường hợp tông đồ Phêrô 'ban phát" lòng thương hại cho "Đức Kitô" sẽ bị khổ nạn và tử giá của mình. Nhờ thế, thành phần khiêm hạ này có thể xướng lên lời đáp ca: "Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ hàn". Phải, "chỗ định cư của kẻ cơ hàn", tức chỗ định cư của kẻ hạ mình trước nhan Chúa, chính là chỗ "Chúa đã chuẩn bị" cho họ, thành phần mà trong bài Phúc Âm Chúa Giêsu khuyên thành phần "khoản đãi bữa ăn" nên mời, chứ không phải là chỗ con người tự chọn lấy cho mình, theo ý riêng của mình, tức "chỗ danh dự nơi bàn tiệc" mà Chúa Giêsu, cũng trong bài Phúc Âm, đã dạy thành phần được mời đến dự tiệc không nên chọn. "Chỗ danh dự" mà con người chọn lấy theo ý mình đây, theo bài đọc thứ hai, chẳng khác gì như: "Một ngọn núi không thể nào chạm tới, (như trường hợp khách dự tiệc bị mời xuống chỗ của mình), bừng bừng lửa cháy, tối tăm mù mịt, giông tố bão bùng, vang vang kèn thổi, và phát lên tiếng nói không ai muốn nghe (như lời Chúa Giêsu trách mắng thậm tệ  tông đồ Phêrô)". Trái lại, "chỗ định cư Chúa đã chuẩn bị cho kẻ cơ hàn" đây, cũng theo bài đọc thứ hai diễn tả, đó là: "Núi Sion và thành đô của Thiên Chúa hằng sống, Gia-Liêm trên trời".

 

            Lạy Cha chúng con ở trên trời, trong "Chúa Kitô: Sự Sống Tái Sinh", chúng con đã được Cha, qua Bí Tích Rửa Tội, "ban phép" cho chúng con "tiến đến gần Núi Sion và thành đô của Thiên Chúa hằng sống, Gia-Liêm trên trời, đến cơ ngũ thiên thần đang hội lễ, đến hội đồng trưởng tử danh ghi trên trời, đến Thiên Chúa thẩm phán mọi người, đến Đức Giêsu là vị trung gian tân ước" (bài đọc 2 năm C). Xin Cha cho chúng con luôn luôn biết hạ mình xuống và bỏ mình đi, chỉ ở trong "chỗ định cư (Cha) đã dọn cho kẻ cơ hàn" (đáp ca năm C), bằng việc thành tâm thực thi các lời của Cha, một bữa tiệc thần linh vô cùng tuyệt hảo mà Cha đã "khoản đãi" (Phúc Âm năm C) chúng con trong Con của Cha, "bánh hằng sống từ trời xuống... ban sự sống cho thế gian" (Phúc Âm Chúa Nhật Thường Niên năm B).