Chúa Nhật 23 Thường Niên 

 

Chiêm Ngắm Lời Chúa là Thần Linh

 

A.        "Chúa Giêsu nói với các môn đệ: 'Nếu anh em của các con lầm lỗi phạm đến các con, hãy đi chỉ cho họ thấy lỗi lầm của họ, song hãy làm điều này giữa hai người với nhau thôi... Nếu họ không nghe, hãy mời thêm kẻ khác nữa... Nếu họ cũng bất chấp, hãy đem chuyện trình lên Giáo Hội... Thày bảo thật các con, điều gì các con tuyên bố cầm buộc dưới đất cũng sẽ bị cầm buộc ở trên trời, và điều gì các con tuyên bố cởi mở dưới đất cũng sẽ được cởi mở ở trên trời... Nơi nào có hai hay ba người nhân danh Thày mà tụ họp lại thì có Thày ở giữa họ'": "Con người ơi, ngươi là kẻ Ta đã chỉ định làm người canh chừng nhà -ch-Diên' khi ngươi nghe thấy Ta nói điều gì thì ngươi cũng hãy cảnh giác họ cho Ta. Nếu Ta nói rằng người gian ác hắn sẽ phải chết, mà ngươi không nói để chinh phục hắn bỏ đường lối của hắn, thì hắn sẽ chết vì tội lỗi của mình, song Ta sẽ bắt ngươi trả lẽ về cái chết của hắn... Bằng nếu ngươi cảnh giác... ngươi sẽ cứu được mình" -  "Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Các ngươi đừng cứng lòng" (câu đáp ca này cũng là câu đáp ca của Chúa Nhật 19 Thường Niên năm C, trang 417, "các ngươi" đúng ra cũng được xưng hô là "các bạn" mới thống nhất toàn câu)' "Đừng mắc nợ ai điều gì trừ món nợ buộc chúng ta phải yêu thương nhau. Ai yêu thương tha nhân là làm trọn lề luật... Bất cứ giới luật nào đi nữa thì tất cả cũng được tóm lại trong điều này, đó là 'các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình'. Yêu thương sẽ không bao giờ phạm đến tha nhân, vì yêu thương là hoàn tất lề luật".

B-        "Chúa Giêsu bỏ lãnh địa Tyrô, qua ngả Siđôn,  về lại Biển Galilêa, vào địa hạt Thập Tỉnh. Có một số dân mang đến cho Người một người điếc không nói được mà xin Người đặt tay trên người này. Chúa Giêsu dẫn người ấy ra khỏi đám đông. Người đặt những ngón tay của Người vào hai tai của người ấy, rồi nhổ nước bọt, chạm vào lưỡi người ấy' đoạn Người ngước lên trời mà than thở. Người nói với người ấy: 'Ephphatha!' (tức là 'Hãy mở ra'). Lập tức hai tai của người ấy nghe được, lưỡi hết cứng và bắt đầu nói được bình thường": "Hãy nói với những ai tâm can khiếp hãi: Hãy vững mạnh, đừng sợ! Đây là Thiên Chúa của các người, Ngài đến để hộ vực' Ngài đến cứu vớt các người bằng đắp đổi thần linh. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe thấy' bấy giờ người què sẽ nhẩy như nai, rồi lưỡi người câm sẽ ca hát..." - "Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa"' "Anh em ơi, đức tin của anh em nơi Chúa Giêsu Kitô vinh hiển không cho phép chúng ta được thiên vị... Thiên Chúa đã không chọn những kẻ nghèo hèn trước mắt thế gian để trở nên giầu có trong đức tin và là những kẻ thừa tự vương quốc mà Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài hay sao?"

C-        "Có một lần, khi một đám rất đông dân chúng ở với Chúa Giêsu, Người quay lại với họ mà nói: 'Nếu ai đến theo Tôi mà không chối bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em mình, ngay cả chính bản thân mình nữa, thì họ không thể nào theo Tôi. Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi không thể nào là môn đệ của Tôi... Không ai trong qúi vị có thể là môn đệ của Tôi nếu họ không từ bỏ tất cả những gì mình có'": "Con người nào biết được ý nghĩ của Thiên Chúa, hay ai có thể hiểu được điều Thiên Chúa dự định?... Hoặc ai đã từng biết được ý nghĩ của Ngài, trừ khi Ngài ban cho Đức Khôn Ngoan và từ trên cao sai thánh trí của Ngài xuống? Và như thế, những đường nẻo của những kẻ ở trên trái đất mới được ngay thẳng" - "Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng tôi dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia"' "Tôi là Phaolô, khâm sai của Đức Kitô mà nay vì Người là một tù nhân, kêu gọi ông cho đứa con tôi sinh ra trong lúc tôi tù đày... Có lẽ nó xa cách ông một thời gian vì lý do này: đó là để cho ông có thể mãi mãi chiếm được nó, không phải là một tên nô lệ nữa, mà còn hơn là một tên nô lệ, một người anh em yêu dấu, yêu dấu đặc biệt đối với tôi' và vì lúc ấy ông nhận biết nó vừa như là một con người lại vừa là một con người ở trong Chúa, mà nó là một người anh em đến như thế nào đối với ông".

 

 

Cảm Nghiệm Lời Chúa là Sự Sống:

 

"Thời gian đã viên trọn. Triều Đại Thiên Chúa đã đến! Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" (Phúc Âm Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh năm B),  như trang 294 nhận định, "đó là chủ đề của toàn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, được thể hiện qua Phụng Vụ Lời Chúa ở từng Chúa Nhật trong Mùa". Tuy nhiên, như trang 417 phân tích và nhận định: "Giai đoạn thứ ba của Mùa Thường Niên là 15 tuần nối tiếp, tức kể từ Chúa Nhật 19 Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, cho đến Chúa Nhật 33 Thường Niên Hậu Phục Sinh, một giai đoạn nhắm vào đề tài: 'Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm', để có thể đón chờ ngày Chúa Kitô đến lần thứ hai, ý nghĩa của lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật kết thúc Mùa này". Bởi thế, theo Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 23 Thường Niên tuần này thì "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc Giáo Hội cần bảo toàn cho đúng đường lối Chúa, là việc thể hiện đức tin qua đức bác ái, và là việc từ bỏ tất cả những gì mình có mà theo Chúa.

 

Trước hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc  Giáo Hội cần bảo toàn cho đúng đường lối Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm A. Điều này đã được sáng tỏ hết sức rõ ràng trong bài Phúc Âm, qua lời Chúa Giêsu dậy: "Nếu anh em của các con lầm lỗi phạm đến các con, hãy đi chỉ cho họ thấy lỗi lầm của họ". Ở đây, nếu chỉ căn cứ vào nguyên câu văn này thôi, Chúa Giêsu có vẻ mâu thuẫn về giáo huấn của Người. Thật vậy, trong Bài Giảng Phúc Đức trên núi, như bài Phúc Âm Chúa Nhật 7 Thường Niên Hậu Giáng Sinh năm A nhắc đến, Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ: "Đừng chống lại khi bị tổn thương. Hễ có ai tát má bên phải của các con thì các con hãy chìa cả má bên kia cho họ nữa... Các con hãy yêu thương kẻ thù địch của mình, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con". Thế mà, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu lại dậy các môn đệ hầu như ngược lại, khi Người bảo các vị sửa lỗi cho "anh em" khi họ "lỗi phạm đến các con". Hình thức sửa lỗi cho nhau khi chính mình là nạn nhân thì không phải là một hình thức "trả thù" hay sao? Chưa kể đến tinh thần trọn lành, mới nói đến tinh thần cao thượng tự nhiên thôi, thì việc "chống lại (bằng hình thức sửa lỗi) khi bị tổn thương ('phạm đến các con')" đã không chấp nhận được rồi. Tuy nhiên, nếu xét chung toàn bài Phúc Âm, ở đây Chúa Giêsu không có ý dậy các môn đệ cách trả thù có vẻ đường đường chính chính như vậy. Bởi vì, ở cuối bài Phúc Âm, Người có nhấn mạnh đến thẩm quyền tối cao của các vị: "Điều gì các con tuyên bố cầm buộc dưới đất cũng sẽ bị cầm buộc ở trên trời, và điều gì các con tuyên bố cởi mở dưới đất cũng sẽ được cởi mở ở trên trời". Như thế, các môn đệ của Chúa Giêsu, nhất là hàng giáo phẩm, như vai trò của tiên tri 'zekiên được bài đọc thứ nhất nhắc đến, là thành phần được "chỉ định làm người canh chừng" Giáo Hội của Người, nên có trách nhiệm phải sửa chữa những "lầm lỗi" của "anh em mình" cũng là của các chi thể trong nhiệm thể Giáo Hội. Ở đây, thẩm quyền "tháo cởi" tối cao Chúa Giêsu không trao riêng cho vị thủ lãnh tông đồ Phêrô nữa, như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 21 Thường Niên năm A, mà là trao chung cho toàn thể tông đồ đoàn. Thế nhưng, phân tách thẩm quyền "tháo cởi" tối cao, đối với riêng vị thủ lãnh Phêrô, vị đã tuyên xưng đức tin về "Đức Kitô", thì Chúa Giêsu cũng trao thẩm quyền "tháo cởi" tối cao liên quan đến đức tin, như thực tế cho thấy, trong việc các vị thừa kế thánh Phêrô sau ngài tuyên bố các tín điều. Còn thẩm quyền "tháo cỡi" tối cao đối với chung tông đồ đoàn, thành phần Chúa Giêsu trao cho trách nhiệm "chỉ cho thấy lầm lỗi", như trường hợp các công đồng chung trong Giáo Hội trước đây đã lên án các lạc thuyết. Truyền thống cần phải triệu tập một công đồng chung để lên án các lạc thuyết xưa kia trong Giáo Hội đã thực hiện đúng lời Chúa Giêsu khuyên trong bài Phúc Âm hôm nay: "Nếu họ cũng bất chấp, hãy đem chuyện trình lên Giáo Hội". Nếu thẩm quyền "tháo cởi" tối cao của vị Giáo Hoàng, kế vị thánh Phêrô, đại diện cho Chúa Giêsu trên trần gian, đối với đức tin chuyên chính là một thẩm quyền "vô ngộ", bởi vì, như Chúa Giêsu đã minh định, các ngài được "mạc khải bởi Cha của Thày trên trời", thì thẩm quyền "tháo cởi" tối cao của chung hàng giáo phẩm trong Giáo Hội, (tất nhiên trong đó phải có cả vị giáo hoàng mới có hiệu lực), được thể hiện qua các công đồng chung, về việc bảo vệ đức tin cho khỏi bị lệch lạc sai trái, cũng là một thẩm quyền "vô ngộ", bởi vì có chính Chúa Giêsu hiện diện ở giữa các vị, như Người minh xác trong bài Phúc Âm hôm nay: "Nơi nào có hai hay ba người nhân danh Thày mà tụ họp lại thì có Thày ở giữa họ". Trách nhiệm sửa chữa của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội chẳng những liên quan đến phần rỗi đời đời của các chi thể thuộc về Giáo Hội, mà còn liên hệ đến chính phần rỗi của các vị nữa, như lời Chúa phán trong bài đọc thứ nhất: "Nếu Ta nói rằng người gian ác hắn sẽ phải chết, mà ngươi không nói để chinh phục hắn bỏ đường lối của hắn, thì hắn sẽ chết vì tội lỗi của mình, song Ta sẽ bắt ngươi trả lẽ về cái chết của hắn... Bằng nếu ngươi cảnh giác... ngươi sẽ cứu được mình". Thế nhưng,   trong việc sửa chữa những gì sai trái với đức tin truyền thống trong đàn chiên của mình, hàng giáo phẩm không phải chỉ vì sợ trách nhiệm mà làm, hơn là vì, như bài đọc thứ hai kêu gọi chung thành phần Kitô hữu: "Món nợ buộc chúng ta phải yêu thương nhau". Chính nhờ tinh thần và từ tinh thần "yêu thương là hoàn tất lề luật" này, theo như giáo huấn của bài đọc thứ hai, mà các con chiên lạc mới cho thể nghe thấy tiếng kêu gọi thiết tha của hàng giáo phẩm, được vang vọng qua câu đáp ca: "Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Các bạn đừng cứng lòng".

 

Sau nữa, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc thể hiện đức tin qua đức bác ái, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm B. Điều này được sáng tỏ ngay trong câu mở đầu của bài đọc thứ hai: "Anh em ơi, đức tin của anh em nơi Chúa Giêsu Kitô vinh hiển không cho phép chúng ta được thiên vị". Tại sao? Nếu không phải tại chính nội dung và đối tượng của đức tin, đó là "Chúa Giêsu Kitô vinh hiển". Thật thế, nếu chúng ta chỉ "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là chấp nhận một mình "Chúa Giêsu Kitô vinh hiển" mà thôi, thì việc cải thiện đời sống của chúng ta cũng như chính đức tin của chúng ta, như bài đọc thứ hai cũng năm B tuần tới xác định tiếp, là một "đức tin vô hồn... thứ đức tin như thế không có sức cứu ai cả". Đúng thế, "Chúa Giêsu Kitô vinh hiển", tâm điểm của đức tin Kitô giáo, không phải chỉ là một Đức Kitô ma quái do ý muốn con người tạo ra, mà là một Đức Kitô lịch sử cụ thể, một Đức Kitô được bài đọc thứ nhất tiên báo: "Ngài đến để hộ vực (như khi "Chúa Giêsu Kitô vinh hiển" hiện ra với Saolê trên con đường Đamascô để bảo vệ các Kitô hữu)' Ngài đến cứu vớt các người bằng đắp đổi thần linh (như đã làm cho Saolê đang bắt đạo thành Tông Đồ Các Dân Ngoại). Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe thấy (như Saolê ngã ngựa bị mù mà vẫn nhận thức để đối đáp)' bấy giờ người què sẽ nhẩy như nai, rồi lưỡi người câm sẽ ca hát...". Bài Phúc Âm cũng chứng nhận một "Chúa Giêsu Kitô vinh hiển" lịch sử được tiên báo trước này, khi thuật lại việc Người chữa "một người điếc không nói được.. Lập tức hai tai của người ấy nghe được, lưỡi hết cứng và bắt đầu nói được bình thường". Một khi đã chấp nhận một "Chúa Giêsu Kitô vinh hiển" lịch sử này, đức tin chuyên chính cũng buộc phải chấp nhận cả thành phần "những kẻ nghèo hèn" được bài đọc thứ hai kể đến, vì họ là thành phần "Thiên Chúa đã... chọn... trước mắt thế gian để trở nên giầu có trong đức tin và là những kẻ thừa tự vương quốc mà Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài...", một thành phần mà, sau khi cảm nhận được ơn Chúa, sẽ không thể nào không kêu lên đúng như câu đáp ca tự xướng: "Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa".

 

Sau hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc từ bỏ tất cả những gì mình có mà theo Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm C. Điều này được sáng tỏ ngay trong bài Phúc Âm, khi Chúa Giêsu quay lại nói với một đám rất đông dân chúng: "Nếu ai đến theo Tôi mà không chối bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em mình, ngay cả chính bản thân mình nữa, thì họ không thể nào theo Tôi. Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi không thể nào là môn đệ của Tôi... Không ai trong qúi vị có thể là môn đệ của Tôi nếu họ không từ bỏ tất cả những gì mình có". Trong bài Phúc Âm này, Chúa Giêsu nói với dân chúng chứ không nói riêng với các môn đệ của Người. Thế nhưng, nếu Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người, như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 22 Thường Niên năm A, "Nếu ai muốn theo Ta, họ phải chối bỏ chính mình đi, vác thập giá mình mà bắt đầu theo bước chân Ta", thì ở đây, Người cũng nói với thành phần dân chúng như vậy, về điều kiện tối yếu và tối khẩn để họ cũng có thể theo Người và làm môn đệ của Người. Thật vậy, vì "Chúa Giêsu Kitô vinh hiển" là tâm điểm của đức tin nói chung, mà bất cứ ai muốn theo Người, tức chấp nhận Người, đều phải, như Người minh xác và thúc giục trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 21 Thường Niên năm C, "gắng qua cửa hẹp mà vào", đó là con đường khổ nạn và tử giá duy nhất mà chính Người phải trải qua, đến nỗi, ai không chịu hạ mình xuống chui qua và đi vào sẽ không thể đến cùng Cha. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đúng như bài đọc thứ nhất viết: "Trừ khi Ngài ban cho Đức Khôn Ngoan và từ trên cao sai thánh trí của Ngài xuống", bằng không, sẽ chẳng có, theo xác quyết của bài đọc thứ nhất: "Con người nào biết được ý nghĩ của Thiên Chúa, hay ai có thể hiểu được điều Thiên Chúa dự định", để họ có thể như "Đức Kitô", Đấng mà vị đại tông đồ Phêrô tuyên xưng trong Phúc Âm năm A hai tuần trước, chấp nhận Ngài như Ngài là và theo ý Ngài muốn. Đúng thế, trong bài đọc thứ hai, nếu người chủ được vị Tông Đồ Các Dân Ngoại là thánh Phaolô không viết thư cho, để vạch vẽ cho thấy "ý nghĩ của Thiên Chúa" cũng như "điều Thiên Chúa dự định", qua những lời lẽ chân thành thiết thực như: "Có lẽ nó xa cách ông một thời gian vì lý do này: đó là để cho ông có thể mãi mãi chiếm được nó, không phải là một tên nô lệ nữa, mà còn hơn là một tên nô lệ, một người anh em yêu dấu, yêu dấu đặc biệt đối với tôi' và vì lúc ấy ông nhận biết nó vừa như là một con người lại vừa là một con người ở trong Chúa, mà nó là một người anh em đến như thế nào đối với ông", ông chủ này chắc chắn sẽ không bao giờ có thể dễ dàng chấp nhận lại người nô lệ thù địch của mình cả. Như thế, câu đáp ca ở đây thích hợp cho ông chủ tiếp nhận người nô lệ của mình, hơn là cho người nô lệ trở về với chủ của mình: "Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng tôi dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia". Bởi vì, nhờ có Chúa "là chỗ dung thân", tức nhờ được "Ngài ban cho Đức Khôn Ngoan và từ trên cao sai thánh trí của Ngài xuống", qua lời khuyên dụ của thánh Phaolô như thế, ông mới có thể sống đức tin, bằng cách chấp nhận "những kẻ nghèo hèn trước mắt thế gian" được Thiên Chúa chọn, như bài đọc thứ hai năm B đã đề cập đến, mà điển hình là tên nô lệ thù địch của mình làm "anh em" mình.

           

            Lạy Cha chúng con ở trên trời, trong "Chúa Kitô: Sự Sống Tái Sinh" và qua Bí Tích Rửa Tội, Cha đã cho phép chúng con được đến với Cha, được trở nên con cái của Cha, được ở trong "nhà" của Cha là "Giáo Hội". Xin Cha cho chúng con biết vì "Chúa Giêsu Kitô vinh hiển" là "Đầu" của Giáo Hội mà chúng con là chi thể của Người, "ban cho (chúng con) Đức Khôn Ngoan và thánh trí của Ngài", để chúng con luôn biết "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm", bằng cách từ bỏ mọi sự mình có để có thể gắn bó với giáo huấn chính truyền của Giáo Hội, cũng như để có thể mãi mãi hòa hợp và nên một với nhau trong tình yêu "anh em" là con cái của cùng một Cha trên trời.