Ngày 5 Tháng 6
Thánh Luca VŨ BÁ LOAN
Linh mục
(1756 1840)
Truyện tử đạo Thánh Luca Loan, vị niên trưởng trong số 117 thánh tiên khởi Việt
Nam (84 tuổi), là một trong những bằng chứng cụ thể nhất về sự phi lý của các
bản án tử đạo. Ngài đã bị giết chỉ do án lệnh của triều đình, trong khi tại địa
phương mọi người đều kính yêu vị linh mục 84 tuổi râu dài tóc bạc hiền lành đôn
hậu. Từ quan huyện, quan tòa đến lính ngục, tất cả đều thấy ngài đáng tuổi cha
ông mình nên xưng hô bằng “cụ”, và còn đối xử nhân đạo với ngài: Gần năm tháng
tù không một roi đòn, không phải cùm gông. Ngày xử tử, hai người lính tình
nguyện cáng cha ra pháp trường. Cả mười lý hình được lệnh chém đầu cha đều bỏ
trốn dù biết sẽ bị phạt, và viên đao phủ thứ mười một chỉ dám thi hành phận sự
sau khi xin lỗi, và nói rằng mình bị bó buộc miễn cưỡng thôi.
Đời Linh Mục Ướp Nồng Bằng Lời Nguyện
Luca Vũ Bá Loan sinh năm 1756 ở họ Bút Quai, thuộc xứ Bút Đông, địa phận Tây
Đàng Ngoài. Từ niên thiếu, cậu đã dâng mình cho Chúa, rồi tu học ở Phú Đa và Xả
Bào. Sau khi thụ phong linh mục, cha Loan đến giúp xứ Nam Sang sáu tháng, rồi về
giúp cha già Liêm xứ Kẻ Vồi. Năm 1828, khi Đức cha Longer Gai chia xứ Kẻ Vồi làm
hai, thì cha Loan nhận xứ mới là Kẻ Sở cho đến ngày bị bắt. Trong nhiệm vụ linh
mục, những người biết cha đều học được nơi cha một mẫu gương sáng ngời về các
nhân đức. Đặc biệt là lòng yêu mến Chúa, nhiệt tâm phục vụ các linh hồn và nếp
sống thanh bạch.
Cha Loan chuyên chú nhiều trong việc giảng dạy. Vào mùa Chay, mỗi ngày cha giảng
ba lần. Bài giảng của cha ngắn gọn, đơn sơ, dễ hiểu, nhưng rất thực tế với những
chỉ dẫn áp dụng cụ thể trong cuộc sống. Cha ít dùng lý luận, cha nói bằng kinh
nghiệm bản thân mình về Đấng cha đã gặp gỡ thực sự trong kinh nguyện và Thánh
Thể.
Khi cầu nguyện, cha như xuất thần, quên hết mọi chuyện chung quanh, dù ai gây
tiếng động sát bên, cũng không làm cha gián đoạn cuộc tiếp xúc với Đấng linh
thiêng được. Hầu như cha không bỏ dâng lễ bao giờ. Thánh lễ cha cử hành có mầu
sắc trang nghiêm khoan thai, cung kính đặc biệt. Một thầy giảng góp ý xin cha
dâng lễ nhanh lên như các linh mục khác. Cha giải thích:
“Không được con ạ. Lễ Misa là việc cao trọng nhất trên trần gian. Không có gì
đáng để chúng ta phải cử hành thánh lễ cách vội vã cả. Việc thờ phượng Chúa cần
phải làm cho trang nghiêm sốt sắng”.
Và thánh lễ của cha chưa kết thúc ở lời chúc bình an, cha thường quỳ lại lâu giờ
trước Thánh Thể để tạ ơn Chúa.
Cha Loan đã thưa gì với Chúa trong giờ kinh nguyện? Có Chúa mới biết được. Phải
chăng cha xin Chúa dạy những gì phải giảng, hay là cầu nguyện cho tín hữu trong
xứ, cầu nguyện cho Giáo Hội, cho đồng bào...? Có điều chắc chắn: Song song với
kinh nguyện đó, cha thường xuyên đến thăm những người nghèo khó bệnh tật, cha
tận tâm nuôi dạy một vài em hiền lành nhanh nhẹn để chuẩn bị linh mục cho tương
lai, và cha nhiệt thành hướng dẫn giúp đỡ nhiều tín hữu sống thân ái với mọi
người, dù có đạo hay không.
Một đặc điểm khác nơi cha Loan là lòng khiêm tốn trong phục vụ. Khi Đức cha gởi
linh mục phó xứ về Kẻ Sở, cha tín nhiệm, khích lệ và nâng đỡ tận tình. Cha nói:
“Xin trao phó mọi sự cho cha, tôi đã già lại chậm chạp. Xin cha coi sóc cửa nhà,
người giúp và coi sóc cả tôi nữa”. Tuy được giáo dân sẵn sàng trợ cấp mọi nhu
cầu cần thiết, nhưng cha Loan tự giới hạn cho mình. Cha muốn sống nghèo khó theo
gương Đức Giêsu. Áo quần, cha mặc cho đến sờn rách, vá trên vá dưới mới chịu
dùng cái khác. Ăn uống, cha chọn những món bình dân như người trong xứ. Khi đi
giảng ở đâu, nếu ai dọn “mâm sang cỗ đầy” một chút là được cha tỏ thái độ liền.
Đức cha Jeantet Khiêm ca tụng cha rằng: “Thầy xét các việc cha Loan làm từ khi
chịu chức linh mục đến ngày tử đạo, thầy thấy có lẽ trong số linh mục Việt Nam
từ trước đến nay không ai sánh bằng”.
Bị Sa Tay Kẻ Gian
Bấy giờ có hai người là Bá hộ Kiểng ở làng Bún và Đô Cang ở phố Vồi. Cả hai đều
ngoại giáo và hiện đang chờ xét xử vì phạm pháp. Họ bàn tính với nhau đến bắt
cha Loan để lập công chuộc tội. Thế là tối ngày 10.1.1840 tại họ Kẻ Chôn, khi
cha vừa dùng cơm xong, họ giả làm khách đến thăm cha, rồi mời xuống thuyền chở
thẳng về làng Bún. Các tín hữu khi nghe biết tin đến xin chuộc, họ đòi 2000
quan. Cha Loan thương giáo hữu nghèo nên trình bày: “Các anh đòi 200 may ra còn
liệu được chứ bạc ngàn thì vô phương”. Bá hộ Kiểng định hạ giá xuống, nhưng Đô
Cang không chịu, vì muốn nộp cha để được giảm án của mình.
Hai người đem nộp cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận, họ
lại phải đưa cha về thẳng Thăng Long. Vừa đến công đường, quan đầu tỉnh chỉ
thẳng mặt hai ông mắng rằng: “Quân dại dột, sao bay đang tâm bắt người hiền lành
đạo đức, lại đáng tuổi cha ông chúng bay thế này?”. Tuy nhiên vì vua Minh Mạng
đã ra lệnh bắt đạo, và việc cha Loan bị bắt đã công khai, quan đành phải ra lệnh
giam cha lại.
Tuổi Cao Nhưng Vững Vàng Sáng Suốt
Tuy phải ra tòa hai lần, nhưng cha luôn được các quan đối xử lịch sự và kính
trọng mái đầu bạc. Các quan chỉ điều tra lý lịch và khuyên cha nên đạp thánh
giá. Cha tìm cách nói khéo đi rằng: “Các linh mục nuôi tôi và Đức cha truyền
chức cho tôi thì đã chết cả rồi. Địa chỉ tôi thì nay đây mai đó, chỗ nào không
chứa, tôi ẩn vào chùa nọ đình kia. Riêng việc quá khóa thì thưa quan, tôi là đạo
trưởng, làm sao tuân đều đó được?”. Khi quan hỏi sao lại theo đạo ngoại quốc,
cha trả lời: “Tôi chẳng theo Chúa của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa trời đất,
Chúa của muôn dân thôi”.
Trong trại giam, cha Loan không hề bị gông cùm, vì các tín hữu đút tiền cho lính
canh và nói: “Cụ già quá rồi, có bảo trốn cũng chẳng đi được, mấy anh cùm làm
chi?”. Lính thông cảm tuổi già nên không cùm cha một ngày nào. Một lần quan tỉnh
xuống trại giam gặp cha, dặn dò lính canh: “Cụ già tuổi tác cao, phải xử cho hẳn
hoi, đừng cấm người ta vào thăm”. Nhờ thế, trong những ngày tháng giam tù, cha
loan được rất nhiều người thăm nuôi tiếp tế. Quà biếu nhận được, cha chia sẻ cho
lính và các bạn tù nên càng được họ quý mến.
Tuy không thiếu thốn vật chất, nhưng vì sức yếu tuổi già, lại phải ở nơi chật
hẹp hôi hám, sau một tháng tù cha Loan trở bệnh nặng, chân phù, mặt sưng, cộng
với căn bệnh suyễn kinh niên, làm cha kiệt quệ, nhiều lúc tưởng không hy vọng đi
tới đích cùng lãnh phúc tử đạo. Viên cai ngục thấy thế tội nghiệp, tâu trình và
xin phép quan cho một tín hữu họ đạo Chuôn Trung ở luôn trong tù chăm sóc cha
cho đến ngày xử tử. Hai ba giáo xứ nài nỉ cha làm tờ di chúc thi hài sau khi
chết cho xứ mình. Cha chỉ cười và nói: “Xác tôi cũng là tro bụi, chết rồi cũng
tanh hôi cho giòi bọ rúc rỉa, các ông xin làm chi?”. Thế nhưng cha nhận lời ký
giấy trao thi thể cho họ Chuôn Trung, xứ Kẻ Chuôn, tức là xứ đạo của người giúp
cha trong tù, được lo liệu mai táng khi cha khải hoàn về Thiên Quốc.
Vinh Phúc Thiên Thu
Quan tỉnh Hà Nội tuy quý trọng cha, nhưng lại sợ vua Minh Mạng, nên khi thấy cha
cương quyết không bỏ đạo, ông đành làm án xử trảm quyết. Vua Minh Mạng châu phê
và ra lệnh thi hành. Trước ngày xử, một giáo dân tìm cách đưa cha Tuấn vào tù
giải tội và trao Mình Thánh cho cha già.
Đúng ngày 5.6.1840, quân lính tình nguyện cáng cha già Loan ra pháp trường,
nhưng cha cám ơn từ chối. Vì trời nắng gay gắt, cha chỉ chấp nhận cho hai tín
hữu đi hai bên cầm lọng che nắng. Viên quan giám sát chủ trì phiên xử thấy cha
đi bộ cũng bỏ ngựa, giao cho một người lính, rồi cùng đi ra cửa Ô cầu Giấy là
nơi thi hành bản án. Đến nơi, ông nói với cha: “Cụ muốn làm gì thì làm đi”. Cha
Loan quỳ xuống cầu nguyện, rồi vui vẻ đưa tay cho lính cột trói vào cọc. Mười
người lính được chỉ định chém cha Loan bỗng trốn đi hết. Uy tín của cha quá lớn,
đến độ họ cứ sợ sau khi chết, hồn cha sẽ nhập vào họ trả thù chăng. Để giải
quyết vấn đề, quan liền sai một người lính Nam bộ, anh Minh, người lý hình bất
đắc dĩ đó đã đến lạy cha Loan và biện bạch rằng: “Việc vua truyền chúng cháu
phải làm, xin cụ xá lỗi cho, cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời, cụ nhớ
đến cháu nhé”. Cha Loan gật đầu, rồi ra hiệu cho anh thi hành phận sự. Chỉ một
nhát chém, cha giã từ trần thế về Thiên quốc. Các tín hữu xông vào cởi áo, thấm
máu vị tử đạo như một chứng tích anh hùng của người cha tuy già yếu nhưng mạnh
mẽ về niềm tin.
Được ân huệ trối trăng, xứ Kẻ Chuôn đem thi hài cha về chôn cất ở họ mình.
Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn cha Luca Vũ Bá Loan lên bậc Chân Phước ngày
27.5.1900.
Ngày 5 Tháng 6
Thánh Đaminh TOẠI
Ngư phủ
(1812 - 1862)
Thánh Đaminh HUYÊN
Ngư phủ
(1817 - 1862)
Hai Thánh Đaminh TOẠI và Đaminh HUYÊN
Lễ Toàn Thiêu
Trong hạnh tích 117 vị thánh tử đạo trên đất Việt chỉ có sáu bản án thiêu sinh,
và tất cả đều diễn ra vào tháng 6.1862. Thánh Đaminh Toại và Đaminh Huyên là hai
vị đầu tiên được vinh dự trở thành của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa vào
đúng ngày vua Tự Đức ký hòa ước Nhâm Tuất cho phép tự do tôn giáo (5.6.1862). Ba
ngày trước khi bản án được thi hành, hai vị đã biết tin mà không chút nhụt chí.
Thay vì hãi sợ, hai vị đã vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Có lẽ như Thánh Polycarpo
thuở xưa, hai vị đã tin tưởng rằng:
“Đấng đã giúp tôi quyết định chịu đau khổ vì Ngài, sẽ cho tôi sức mạnh. Đấng ấy
sẽ làm cho lửa dịu lại và cho tôi đủ sức lướt thắng mọi thử thách”.
Không Để Mất Cơ Hội
Hai ông Đaminh Toại và Đaminh Huyên đều là người làng Đông Thành, tỉnh Thái
Bình, đồng thời là tín hữu của xứ Đông Thành (Đông Thành, Đại Đồng và Trung Đồng
là ba xứ được tách ra từ xứ Kẻ Mèn, thuộc địa phận Trung Đàng Ngoài). Cả hai đã
lập gia đình và là những gia trưởng đạo đức gương mẫu. Hai ông làm nghề đánh cá
trên sông Nhị Bình gần cửa Ba Lạt. Khi bị lính bắt, ông Toại đã trên 50 tuổi,
còn ông Huyên 45 tuổi. Hai ông toại và Huyên cùng với 16.000 giáo hữu địa phận
Trung là nạn nhân trực tiếp của chiếu chỉ Phân sáp tháng 8.1861 của vua Tự Đức.
Theo chiếu chỉ này, quân lính và những dân làng ngoại giáo được phép tràn vào
các khu vực Công giáo để tịch thu tài sản, sau đó bắt trói các giáo hữu đưa lên
huyện để khắc trên má hai chữ Tả Đạo, rồi hoặc trao họ cho người ngoại giáo quản
lý, hoặc giam chung họ trong ngục.
Làng Đông Thành cũng cùng chung số phận đó. Lính đến bắt ông Đaminh Huyên và
giải lên huyện Quỳnh Côi. Ông Toại vì bệnh tật không thể đi bộ theo quân lính
được, nên họ đề nghị ông nộp tiền chuộc nếu muốn tự do về xum họp với gian đình.
Nhưng ông đã từ chối, vì không muốn để mất cơ hội quý báu là hiến dâng mạng sống
mình minh chứng cho miềm tin và tình yêu vào Thiên Chúa. Ông xin quan cho phép
đi xe đến huyện trình diện, để được chung số phận với các giáo hữu cùng xứ đạo.
Kiên Tâm Bền Chí vì Đức Kitô
Tại huyện Quỳnh Côi, sau khi khẳng định lập trường đức tin của mình, hai ông
Toại và Huyên bị tống giam vào ngục tù Tăng Già. Suốt thời gian chín tháng ở
đây, mọi người có thể thấy r lòng quả cảm kiên cường của hai ông. Nào đói, nào
khát, nào đòn vọt và ngay cả án tử hình cũng không làm các ông nản lòng. Ngược
lại, hai ông tiếp tục khích lệ các bạn kiên trì giữ vững niềm tin. Ông Toại
thường nói với các bạn tù:
“Nào anh em, hãy can đảm lên. Chúng ta chịu khổ hình vì Đức Kitô, nên chúng ta
phải đón nhận đau khổ cách nhẫn nại. Chúng ta phải bền chí đến cùng, và nếu cần,
sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa”.
Nhiều lần bị dẫn đến trước công đường và bị ép buộc chà đạp thánh giá, hai ông
Đaminh Toại và Đaminh Huyên khẳng khái phản đối. Các quan thấy khó lòng lay
chuyển được hai nhân chứng của Chúa, nên kết án thiêu sinh cả hai vị. Khi biết
tin này, hai vị hân hoan tạ ơn Chúa. Đến ngày xử án, sáng 5.6.1862, hai vị vui
vẻ rảo bước đến giàn hỏa thiêu dành sẵn cho mình. Trước sự chứng kiến của rất
đông người, hai ông bước vào cũi tre và chờ đợi. Những người hiện diện đều xúc
động khi nghe r các ông cất tiếng cầu nguyện thật lớn trong khi ngọn lửa phừng
phực bốc cao. Không ai ghi lại những lời hai vị đã cầu nguyện khi bị hỏa thiêu,
nhưng dựa vào thái độ và tâm tình của các vị, chúng ta có thể liên tưởng đến lời
nguyện của Thánh Polycarpo trên giàn lửa thuở xưa: “Lạy Chúa các thiên binh,
Chúa Tể trời đất, Đấng bênh vực kẻ công chính và những ai bước đi trong sự hiện
diện của Người. Con là một kẻ bé mọn trong các tôi tớ Chúa đây, xin tạ ơn Người
đã cho con vinh dự được đau khổ, được cầm trong tay triều thiên tử đạo và được
kề môi đón nhận chén thương khó. Này đây lạy Đức Chúa, hiến tế con sắp hoàn tất
trong ngày hôm nay, con sẽ được thấy lời hứa của người thể hiện. Amen”.
Ngày 29.4.1951 Đức Piô XII đã suy tôn hai ông Đaminh Toại và Đaminh Huyên lên
hàng Chân Phước.