Kitô Giáo: Thần Linh Siêu Việt!

 

Trước hết, Đức Giêsu Kitô, vị giáo tổ Kitô giáo, là một nhân vật lịch sử đã được tiên báo từ trước như Sách Thánh (Cựu Ước) của dân tộc Do Thái ghi chép, nhất là những câu liên quan trực tiếp đến các biến cố chính của cuộc đời Ngài.
            Chẳng hạn như Phúc Aâm Mathêu ở đoạn 2, câu 6, thuật lại việc Ngài sinh ra “ở Bêlem xứ Giuđa”, nơi đã được ghi chép trong sách tiên tri Mica, đoạn 5, câu 1; hay cũng theo Phúc Aâm Mathêu ở đoạn 1, câu 23 nói về việc Ngài được hạ sinh bời “một trinh nữ”, nhân vật đã được sách tiên tri Isaia ghi chép ở đoạn 7, câu 14; hoặc bộ Phúc Aâm nhất lãm thường hay ghi việc Ngài “mở miệng nói dụ ngôn”, rất đúng với Thánh Vịnh 78, câu 2; Phúc Aâm Mathêu đoạn 21, câu 5, còn ghi lại việc Ngài “cưỡi lừa”, chứ không phải ngựa, khải hoàn vào thánh Gialiêm, cũng ứng nghiệm lời trong sách tiên tri Isaia, đoạn 62, câu 11, và trong sách tiên tri Zacaria, đoạn 9, câu 9.
            Người ta có thể đặt vấn đề là biết đâu có một nhân vật giả tạo nào đó, thông thuộc Sách Thánh của Do Thái, đã sống đúng như những lời Sách Thánh để được công nhận là Đấng Thiên Sai thì sao? Cũng có thể lắm. Thế nhưng, làm sao con người thuần túy ấy có thể biết được hay chọn đúng nơi mình sinh ra và người mẹ sinh ra mình v.v. Thêm vào đó, còn có những sự kiện khác, nếu là một con người thuần túy, sẽ không thể nào biết trước được và kiểm soát được, như Phúc Aâm Gioan ở đoạn 19, câu 23 và 24, ghi lại việc áo của Ngài, trước khi bị đóng đanh, bị người ta “chia nhau” bằng cách “bắt thăm”, một sự kiện đã được ghi nhận trong Thánh Vịnh 22, câu 19; cũng Phúc Aâm Gioan ở đoạn 19, câu 37, còn ghi lại việc cạnh sướn của Ngài, sau khi chết, đã “bị đâm thâu qua”, đúng như sách tiên tri Zacaria ghi chép ở đoạn 12, câu 10; nhất là việc phục sinh từ trong kẻ chết của Ngài, như sách Tông Đồ Công Vụ ở đoạn 2 ghi lại lời chứng của tông đồ Phêrô là vị lãnh đạo Kitô giáo bấy giờ, đã hoàn toàn ứng hợp với lời “không bị hư nát”, được ghi nhận trong Thánh Vịnh 16, câu 10. 
            Người ta cũng có thể tiếp tục đặt vấn đề, vẫn biết không thể chối cãi là đã có những lời Sách Thánh của dân Do Thái ghi chép về những gì, theo Giáo Hội Kitô giáo công nhận, liên quan trực tiếp đến vị giáo tổ của Kitô giáo của mình như thế, nhưng tại sao dân Do Thái vẫn không công nhận Ngài? Phải chăng, nhất định là sẽ có một Đấng Thiên Sai, đúng như Sách Thánh của họ ghi nhận cũng như lòng họ hằng mong đợi, nhưng không phải là Đức Giêsu Nazarét cách đây 2000 năm, giáo tổ Kitô giáo, mà là “một đấng khác”, như các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã chất vấn chính Đức Giêsu lịch sử này, theo như Phúc Aâm Mathêu ghi lại ở đoạn 11, câu 3?
            Về việc dân Do Thái không công nhận Đức Giêsu Nazarét, giáo tổ Kitô giáo, là Đấng Thiên Sai, là vì vấn đề giải thích Thánh Kinh của họ. Chính Đức Giêsu đã nói cho họ biết sự thật phũ phàng này, như Phúc Aâm Gioan ghi lại ở đoạn 5, câu 39 và 40: “Qúi vị tìm kiếm trong các Sách Thánh để được sự sống đời đời, các Sách Thánh cũng chứng tỏ về Tôi. Nhưng qúi vị lại không muốn đến với Tôi để được sự sống”. Tại sao thế? Cũng Phúc Aâm Gioan ghi lại ở đoạn 5, câu 46 và 47, lời Đức Giêsu đã thẳng thắn cho  họ biết lý do: “Nếu qúi vị tin Moisen thì qúi vị cũng sẽ tin Tôi, vì Moisen đã viết về Tôi. Nhưng nếu qúi vị không tin điều Moisen viết thì làm sao qúi vị có thể tin được điều Tôi nói”.
            Như thế có nghĩa là, sở dĩ dân Do Thái không chịu hay chưa chịu công nhận Đức Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai, vì họ không tin Moisen, mà là tin chính mình họ, tin vào những gì họ nghĩ, đúng như lời Ngài cho họ biết, cũng được  Phúc Aâm Gioan ghi lại ở đoạïn 5, câu 44: “Những người như qúi vị làm sao có thể tin được, một khi qúi vị còn tìm chúc tụng nơi nhau mà không tìm kiếm vinh dự từ Thiên Chúa”. Đó mới là lý do tiêu cực cho thấy tại sao dân Do Thái không tin Đức Giêsu, còn lý do thực sự về sự kiện này, cũng chính Ngài đã cho họ biết, được Phúc Aâm Gioan ghi lại ở đoạn 8, câu 46 và 47, như sau: “Ai trong qúi vị có thể bắt lỗi được Tôi? Nếu Tôi đang nói sự thật thì tại sao qúi vị lại không tin Tôi? Ai bởi Thiên Chúa mà ra thì nghe thấy mọi lời Người phán. Lý do tại sao qúi vị không nghe được là vì qúi vị không bởi Người mà ra”.
            Phải, căn nguyên sâu xa khiến cho dân Do Thái không chịu hay chưa thể công nhận Đức Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai đúng như Sách Thánh của họ đã nói đến, là vì họ “không bởi Thiên Chúa mà ra”, nên theo tự nhiên họ “không tìm kiếm vinh dự từ Thiên Chúa”. “Không bởi Thiên Chúa mà ra” đây, theo ý nghĩa của toàn bộ lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm, được hiểu là không “được hạ sinh bởi trên cao”, một điều kiện tối yếu để “có thể thấy vương quốc Thiên Chúa”, như Chúa Giêsu khẳng định với Nicôđêmô là một phần tử của nhóm Pharisiêu, được Phúc Aâm Gioan ghi nhận ở đoạn 3, câu 3: “Tôi nói thật cho ông hay không ai có thể thấy vương quốc của Thiên Chúa nếu không được hạ sinh bởi trên cao”.
            Thật vậy, “vương quốc của Thiên Chúa”, theo dự án cứu độ phổ cập của Người, là một vương quốc bao trùm toàn thể đại gia đình nhân loại, chứ không riêng gì một mình dân tộc Do Thái là dân đã được Người tuyển chọn cách riêng để nhờ họ các dân tộc khác có thể nhận biết Người, như Người đã tỏ cho tổ phụ Abraham của họ, được sách Khởi Nguyên ghi nhận ở đoạn 12, câu 3: “Tất cả mọi cộng đồng trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi ngươi”, hay ở đoạn 17, câu 4: “Giao ước của Ta với ngươi là như thế này: ngươi phải trở nên cha ông của vô số dân tộc”; hoặc ở đoạn 22, câu 18: “Tất cả mọi dân tộc trên mặt đất này sẽ được chúc phúc nơi giòng dõi của ngươi”.
            Lịch sử thế giới cho thấy, vào thời điểm Đức Giêsu hạ sinh và hoạt động thì dân tộc Do Thái đang bị đế quốc Rôma đô hộ. Và lịch sử riêng của dân Do Thái cũng cho thấy, vì họ là dân của Ngài, dù họ có lỗi lầm đi nữa, nếu họ còn tin tưởng kêu cầu Người, thì Thiên Chúa vẫn ra tay cứu họ khỏi những bất hạnh trần thế, như khỏi làm tôi nước Ai Cập, như sách Xuất Hành thuật lại, khỏi các dân ngoại lấn át, như sách Quan Aùn thuật lại, khỏi bị dân ngoại tru diệt, như sách Esther thuật lại, khỏi bị lưu đầy bên Babylon, như đoạn kết cuốn Ký Sự 2 và đoạn đầu sách Ezra thuật lại, và khỏi bị dân ngoại đàn áp, như các sách Macabê thuật lại v.v. Bởi thế, không lạ gì, khi bị đế quốc Rôma cai trị, họ cũng mong một Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân tộc mình. Trong khi đó, Đức Giêsu Nazarét lại bị chính nhà cầm quyền Rôma đóng đanh vào thập giá mà “không thể tự cứu lấy mình”, bằng cách “xuống khỏi thập giá”, như họ thách thức để họ tin, như Phúc Aâm Mathêu còn ghi lại sự việc này ở đoạn 27, câu 42. Do đó, với xu hướng “tìm chúc tụng nơi nhau mà không tìm kiếm vinh dự từ Thiên Chúa” như thế thì làm sao họ có thể công nhận Đức Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai, Đấng mà Gioan Tẩy Giả, theo Phúc Aâm Gioan ở đoạn 1, câu 26 ghi lại, đã nói với những người được sai đến với thánh nhân vì tưởng thánh nhân là Đấng Thiên Sai, cho họ biết rằng: “Có một vị ở giữa các người mà các người không nhận ra”.
            Phải, dân Do Thái “không nhận ra” Đức Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai “ở giữa” họ 2000 năm trước đây, vẫn biết, về phương diện tự nhiên, là do họ đã “không tìm kiếm vinh hiển từ Thiên Chúa”, song về phương diện siêu nhiên, phải nói là vì họ “không bởi Thiên Chúa mà ra”, tức chưa “được hạ sinh bởi trên cao”, hay chưa được hạ sinh bởi Thiên Chúa cũng vậy. Nếu “xác thịt sinh ra xác thịt, Thần Linh sinh ra Thần Linh”, như lời Chúa Giêsu đã khẳng định với Nicôđêmô, được Phúc Aâm Gioan ghi nhận ở đoạn 3, câu 6, thì tự mình, tức theo tự nhiên, hay theo con mắt phàm nhân của mình, dân Do Thái cũng không thể nào có thể dễ dàng công nhận Chúa Giêsu là Đức Kitô, cho đến khi họ “được hạ sinh bởi Thần Linh”, như Chúa Giêsu đã xác nhận với Nicôđêmô ở đoạn 3, câu 8 của Phúc Aâm Gioan. Đó cũng là lý do Chúa Giêsu đã minh định với người Do Thái cũng như với các môn đệ mình ở đoạn 6, câu 44 và 65 của Phúc Aâm Gioan: “Đó là lý do Thày đã bảo các con rằng không ai đến được với Thày nếu không được Cha cho phép”, “không ai đến được với Tôi, nếu Cha là Đấng đã sai Tôi không lôi kéo”.
            Tóm lại, vấn đề tại sao dân Do Thái không công nhận Đức Giêsu Nazarét, giáo tổ Kitô giáo, là Đấng Thiên Sai, Đấng thực sự là một con người phát xuất từ huyết nhục của họ, mà cũng hoàn toàn là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, như sách tiên tri của họ ghi nhận ở đoạn 7, câu 14. chẳng qua vì họ chưa “được hạ sinh bởi trên cao”, tức chưa đến thời điểm Thiên Chúa ấn định cứu họ thế thôi, như chủ trương của vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong thư thánh nhân gửi cho giáo đoàn Rôma, đoạn 11, câu 26, chứ không phải chỉ vì việc dân Do Tháiï không công nhận Chúa Giêsu là Đức Kitô mà Ngài không phải là Đấng Thiên Sai nữa. Việc các dân tộc trên thế giới hiện nay tin vào Đức Giêsu Nazarét, một con người về nhân tính cũng thuộc giòng dõi Do Thái như họ, đã đủ chứng thực cho họ thấy Ngài qủa là Đấng Thiên Sai, vì nhờ Ngài mà lời  Thiên Chúa hứa với Abraham, tổ phụ của họ, đã được hoàn toàn ứng nghiệm: “Tất cả mọi cộng đồng trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi ngươi”; “tất cả mọi dân tộc trên mặt đất này sẽ được chúc phúc nơi giòng dõi của ngươi”.