Giáo Tổ Kitô Giáo: Nhân Vật Lịch Sử

 

Đôi khi tôi tự hỏi: Đức Kitô có thật hay không? Bởi vì, nếu Đức Kitô không có thật, thì mọi sự tôi tin tưởng theo giáo lý, theo Thánh Kinh, theo Giáo Hội dạy và nắm giữ từ trước đến nay đều là giả tạo; dù tự bản chất của những gì gọi là “mạc khải”, là “tín điều”, có chân thật và thiện hảo mấy đi nữa, đến nỗi, nếu không tin theo đời đời sẽ mất linh hồn đi nữa, tất cả cũng chỉ là một trò lừa bịp thôi. Mà những gì đã mang tính cách lừa bịp thì không còn đáng tin, và theo tự nhiên, cũng làm mất đi giá trị, nếu có, của nội dung cần phải được truyền đạt.
            Đúng thế, niềm tin vào Kitô giáo của tôi nơi Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn dựa trên chính vị giáo tổ vô cùng đáng kính mến và tôn thờ của tôi là Đức Giêsu Kitô. Nếu Ngài thật sự là ma quái không có thật, thì tất cả những gì được gán ghép cho Ngài, như lời Ngài nói và việc Ngài làm, chỉ cũng là bóng ma, hoàn toàn không có thật, trái lại, còn mang tính cách chập chờn dọa nạt, làm con người sợ hãi. Thế nhưng, Đức Giêsu Kitô, vị giáo tổ Kitô giáo, có thực sự là một con ma hay chăng, tức thực sự có một Đức Kitô lịch sử mang danh Giêsu hay không?
            Nếu theo lịch sử không có một vị giáo tổ Kitô giáo mang danh Giêsu thì có các vị giáo tổ của các đạo khác chăng?
            Nếu có các vị giáo tổ khác, như Phật Tổ Như Lai, Khổng Tử, Lão Tử, Mao-Hổ-Mách v.v. tại sao lại không có vị giáo tổ Kitô giáo??
            Nếu có các vị giáo tổ khác mà lại không có vị giáo tổ Kitô giáo thì phải chăng tại vì vị giáo tổ Kitô giáo này có những vấn đề (cả trong lời nói cũng như hành động) qúa cao siêu huyền diệu, hoàn toàn vượt trên tầm mức phàm nhân bình thường, như thần thoại, khó tin, khó theo, nên không thể nào tin được???
            Nếu chỉ cái gì hợp với mình mới đáng tin, bằng không, tất cả chỉ là huyền thoại, không có, không thật, thì con người đã trở thành chúa tể, vì con người, mặc nhiên hay minh nhiên, đã tự nhận là mình có toàn quyền định đoạt, cái gì con người nghĩ có mới có, nghĩ đúng là đúng, nghĩ sai là sai, nghĩ tốt là tốt, nghĩ xấu là xấu v.v. Chỉ tiếc một điều là cái chết, dù con người nghĩ thế nào về nó đi nữa, nó vẫn là nó, vẫn là một thực tại rùng rợn nhất đối với con người, một bóng ma chập chờn suốt cả cuộc đời con người, sẽ đến chộp bắt con người bất cứ lúc nào, một thực tại phũ phàng mà con người sống như chúa tể đến đâu đi nữa cũng không thể phủ nhận và cuối cùng vẫn phải cúi đầu chào thua!
            Nếu thực tế và cảm nghiệm sống nơi mỗi người cho thấy con người chỉ là tạo vật, chứ không phải chúa tể, thì con người phải chấp nhận sự thật, một thực tại khách quan được hiện thân nơi luật tự nhiên cũng như luật luân lý, hay được giãi bày trong giòng lịch sử.
            Đúng thế, theo lịch sử, như được ghi lại trong Phúc Aâm của thánh ký Luca, đoạn 2, thì qủa thật có một nhân vật mang danh Giêsu, người Do Thái, thuộc giòng dõi vua Đavít, sinh ra vào năm đầu tiên của Công Nguyên, (tính tới nay là 1998 năm), tại quê quán của mình là Bêlem xứ Giuđêa, thời Quirinô làm tổng trấn xứ Syria, vào thời gian hoàng đế Rôma là Cesar Augustô ra lệnh kiểm tra dân số lần thứ nhất. Cũng theo sách Phúc Aâm này, đoạn 3, khi Đức Giêsu bắt đầu ra mặt để thực hiện sứ mệnh thiên sai của mình vào năm khoảng 30 tuổi, thì Philatô thuộc đế quốc Roma bấy giờ làm tổng trấn xứ Giuđa, Hêrôđê cai trị xứ Galiêa, Anna và Caipha làm thượng tế lãnh đạo dân Do Thái. Tất cả 4 nhân vật vừa được kể đến trên đây, Philatô và Hêrôđê trong Phúc Aâm theo thánh ký Luca đoạn 21, Anna và Caipha trong Phúc Aâm theo thánh ký Gioan, đoạn 18, đều là những nhân vật lịch sử trong vụ án tử giết chết Đức Giêsu. Các địa tích sinh ra, hoạt động và tử nạn của Ngài vẫn còn được lưu kính tại đất Do Thái tới nay.
            Nhân vật mang tên Giêsu Nazarét, giáo tổ của Kitô giáo, chẳng những gắn liền với lịch sử của dân Do Thái mà nhất là còn liên hệ mật thiết với niềm tin tôn giáo của dân Do Thái nữa. Thế giới có phủ nhận một nhân vật Giêsu là giáo tổ của Kitô giáo đi nữa, dân Do Thái cũng  không thể phủ nhận có một nhân vật Giêsu lịch sử là giáo tổ của Kitô giáo này, một nhân vật mà cha ông họ, nhất là những vị có thẩm quyền hồi đó, tiêu biểu là hai thượng tế Caipha và Anna, mượn tay tổng trấn Philatô giết đi.
            Nếu thế giới không công nhận nhân vật Giêsu, giáo tổ Kitô giáo, thì có khác gì thế giới không công nhận lịch sử dân Do Thái, như cho rằng dân Do Thái đã phủ nhận một con ma tự nó vốn không hiện hữu, và như thế cả dân Do Thái bị mang tiếng là đám dân tin nhảm; thế mà, cho tới nay, họ vẫn trông đợi đấng thiên sai khác với nhân vật Giêsu Nazarét mà cha ông họ đã sát hại.