THIÊN CHÚA ĐẾN VỚI CON NGƯỜI:
LỜI NHẬP THỂ VÀ HY HIẾN

“Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn.4:24). Mà con người lại là loài chẳng những “sinh bởi huyết nhục” (Jn.1:13) lại còn “yêu tối tăm hơn ánh sáng” (Jn.3:19). Do đó, nếu chính Thiên Chúa không tự tỏ mình ra cho con người thì con người không thể nào biết được Ngài để có thể đến được với Ngài. Thế nhưng, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn.4:8,16), Ngài không thể nào không yêu mà còn là Thiên Chúa. Và cũng chính vì Thiên Chúa yêu mà Ngài đã muốn tỏ mình ra cho con người, tức là Ngài muốn tự động đến với con người, chứ không bắt con người phải đến với Ngài, như bầy tôi phải đến với chủ như kiểu lễ nghĩa phong kiến trần gian, vì Ngài (cũng bởi yêu) đã thừa biết con người không thể nào có thể tự mình đến được với Ngài, nghĩa là con người không thể nào tự mình biết được Ngài như chính Ngài biết mình Ngài.
            Thiên Chúa muốn đến với con người, cũng là muốn tỏ mình cho con người như thế, tức là Ngài muốn tỏ tình với con người, muốn con người biết được rằng bản tính của Ngài “là tình yêu”, qua việc Ngài vô cùng yêu thương họ cách nhưng không, để nhờ nhận ra, như dân Do Thái xưa, “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất” (Deut.6:4), mà con người có thể được Ngài thu hút đến với Ngài, gắn bó với Ngài, bằng cách, cũng như dân Do Thái, “kính mến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta hết tâm can, hết linh hồn và hết sức lực của mình” (Deut.6:5).
            “Thiên Chúa là tình yêu” đã tỏ mình ra cho con người, cũng là tỏ tình với con người, như thế nào, nếu không phải, ở chỗ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến ban Con duy nhất của mình, để ai tin Con thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời” (Jn.3:16). Đúng thế, “tình yêu của Thiên Chúa đã tỏ lộ giữa chúng ta là ở chỗ Ngài đã sai Con duy nhất của Ngài đến thế gian, để chúng ta nhờ Con mà được sự sống” (1Jn.4:9), đến nỗi, “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta ở chỗ, đang khi chúng ta còn là những tội nhân thì Đức Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm.5:8). Bởi thế, Con Thiên Chúa, như chính Người đã minh định với tổng trấn Philatô, nhân vật tiêu biểu cho vương quốc trần gian bấy giờ đang khao khát đi tìm “sự thật là gì” (Jn.18:38), rằng: “Lý do Tôi được sinh ra, lý do Tôi đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật” (Jn.18:37), một sự thật không thể chối cãi: “Thiên Chúa là tình yêu” và “Thiên Chúa đã yêu thế gian”. Con Thiên Chúa chính “là sự thật” (Jn.16:4) này tức Người chính “là tình yêu” của Thiên Chúa, và Thánh Giá của Người là dấu hiệu hùng hồn nhất “làm chứng cho sự thật” này, tức Thánh Giá của Người “làm chứng” rằng Thiên Chúa đã yêu thương con người đến “không tha cho Con riêng mình, song đã trao nộp Người vì chúng ta” (Rm.8:32), “đã làm cho Đấng không biết đến tội lỗi trở thành tội lỗi vì chúng ta” (2Cor.5:21).
            Đó là “tất cả sự thật” (Jn.16:13) về Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Một “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn.4:24) đã tỏ mình cho con người, qua “Lời đã hóa thánh nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn.1:14), đến nỗi, nơi Đức Giêsu Kitô, Ngài “đã hư không hóa bản thân và mặc lấy thân phận tôi đòi” (Phil.2:7). Một “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn.4:8,16) đã tự động đến tìm kiếm con người, qua Đấng “đến không phải để được hầu hạ mà là để phục vụ, để hiến mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt.20:28), tới nỗi, nơi Đức Giêsu Kitô, Ngài đã phải xuống “đến tận cùng” (Jn.13:1) bất hạnh của con người, là tất cả những gì được biểu hiệu nơi những nhơ nhớp ở đôi chân của họ, để “rửa chân” (Jn.13:5) cho họ.