CHÂN TƯỚNG DUY NHÂN BẢN

Như đã đề cập đến ở ngay trong chương 11 bàn về "Hai Mãnh Thú" này (trang 188-189), "trào lưu luân lý nhân tạo" là một triệu chứng hiển nhiên nhất, cũng là một hiện tượng sôi nổi nhất trong thế giới tân tiến hiện nay, nói lên một thảm trạng có thể nói là duy nhân bản. Thật ra, nhân bản tự bản chất vốn tốt lành, như chính phẩm giá của con người, yếu tố nền tảng làm nên những gì gọi là nhân bản (nhân tính và nhân vị), hay làm nên những gì liên quan đến nhân bản (nhân quyền và nhân cách).

Bởi thế, nếu bỏ nhân bản đi, không đặt con người làm trọng tâm của và là cùng đích cho mọi hoạt động trần thế của mình, xã hội loài người, một là sẽ trở về thời bán khai sống theo luật rừng, mạnh được yếu thua, không hơn gì loài thú, hai là sẽ duy vật, như chủ trương của cộng sản thuyết, dùng con người như một sở vật vô sản, chẳng khác gì một bộ phận trong guồng máy chế độ để quay cuồng sản xuất một cách vô hồn và vô vọng...

Tuy nhiên, nhân bản đáng giá và đáng tôn trọng không phải là chỉ vì mối liên hệ xã hội giữa loài người với nhau mà thôi. Nếu nhân bản chỉ dựa trên cảm thức và cảm nghiệm là: tôi cần phải tôn trọng anh vì nếu không anh sẽ không tôn trọng tôi, thì thứ nhân bản này vẫn còn quá tiêu cực và thiếu sót, không có tính cách đại đồng và siêu việt đúng như nguồn gốc có tính cách thần linh của nó. Và vì thế mà, cuối cùng, thứ duy nhân bản này cũng sẽ lại đưa con người trở về với luật "mắt đền mắt, răng đền răng", mà kết cục là "khôn sống mống chết", không hơn luật rừng là bao nhiêu, hay ai mạnh thì sống, như chủ trương đấu tranh giai cấp theo chủ thuyết cộng sản vô thần.

Bởi thế, duy nhân bản là chủ thuyết hay khuynh hướng tôn sùng con người thái quá, đến nỗi, coi con người là chủ tể duy nhất, ngoài ra không còn thượng đế, không còn thần linh, không còn Thiên Chúa nào khác. Từ đó và bởi đó, tất cả những gì con người nghĩ là đúng, muốn là tốt. Điển hình nhất là trào lưu luân lý nhân tạo ngày nay, một trào lưu luân lý chủ quan, bất chấp những nguyên tắc luân lý phổ quát, một trào lưu sống theo lương tâm của mình, tự "biết  lành biết dữ" (KN. 3:5), ở chỗ cái gì mình cho là tội mới có tội.

Như thế, có thể nói, nếu "phản Kitô" là tinh thần của thần dữ, thành phần chống đối, không chấp nhận Thiên Chúa như Ngài là và từ đó muốn nên bằng hay hơn Thiên Chúa, thì "duy nhân bản" là tinh thần trần tục của con người là loài cũng muốn chẳng những nên giống như mà còn thay Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, theo thời gian, chủ nghĩa duy nhân bản có sau tinh thần "phản Kitô", vả lại, theo nguồn gốc, lại do chính tên "phản Kitô" đầu đảng trá hình trong "con cựu xà" mà có. Thế nên, theo tính cách của mình, chủ thuyết duy nhân bản chính là "hình ảnh của con mãnh thú thứ nhất" (KH 13:15). Và, theo tiến trình, chủ nghĩa duy nhân bản phát triển là nhờ "con mãnh thú thứ hai ban sự sống cho" (KH 13:15). Để rồi, nhờ môi trường hết sức béo bở ngày nay, như đã đề cập đến ở trang 189, là ý thức nhân quyền cao độ và quyền năng kỳ diệu nơi khoa học và kỹ thuật của con người, chủ nghĩa duy nhân bản hầu như đã đạt đến tầm vóc viên trọn quá cỡ, thậm chí quá ư là kệch cỡm, của mình.

Thế nhưng, theo bản chất, duy nhân bản là tự thần linh hoá bản thân, mà ai cũng cho mình và muốn mình là Chúa, là đầu của nhau và muốn làm đầu nhau. Bởi vậy, không lạ gì xã hội loài người đã mọc lên vô số đầu mục, như "con khổng long" hay "con mãnh thú từ biển tiến lên" cả hai đều "có 7 đầu" (KH 12:3' 13:1). Mà bởi vì "không ai có thể làm tôi hai chủ" (Mt.6:24), nên kể từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay là thời điểm lịch sử loài người đang ở vào giữa thập niên 1990 trước khi kết thúc kỷ nguyên thứ hai, thế giới đã, đang và còn trở thành một bãi chiến trường, để các đầu mục giành nhau ngôi báu, bằng cách tàn sát lẫn nhau. Và cuộc chiến duy nhân bản này sẽ kéo dài cho đến khi, theo quan điểm trần gian và đà hướng chính trị, sẽ có và phải có một trật tự thế giới mới (New World Order), được lãnh đạo bởi một đầu óc độc tài chuyên chế nhất và bằng một bàn tay sắt máu nhất.