BỘT DẬY MEN
Đúng vậy, kể từ khi "hạt giống tốt" là mạc khải thần linh, là tinh thần đức ái trọn hảo, được trời cao gieo xuống thửa ruộng thế gian, thì văn hóa nhân bản bắt đầu lên men thần linh. Không phải hay sao, kể từ giai đoạn AD là "năm của Chúa", tức kể từ thời điểm Chúa Kitô giáng sinh, thời điểm "sự sống đã tỏ hiện cho chúng ta" (1Jn.1:2), thời điểm "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình để ai tin Con sẽ không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Jn.3:16), văn hóa nhân bản, như một mầm thai tới thời khắc được hồn thiêng hóa để bắt đầu sống động như một con người thế nào, thực sự cũng đã được Phúc Âm hóa để trổ sinh "sự sống viên mãn hơn" (Jn.10:10) cho loài người như thế.
Nhìn vào thế giới hiện nay, sau gần 2000 AD, tức sau gần 2000 năm Chúa Kitô giáng sinh, chúng ta nhận thấy gì đặc biệt, nếu không phải là tinh thần yêu thương phục vụ do Kitô giáo khởi xướng, bắt đầu từ Âu Châu, một đại lục có thể nói là đại lục Kitô giáo, đã được nẩy nở khắp nơi trên thế giới, về cả lãnh vực văn hóa cũng như xã hội.
Về lãnh vực văn học là lãnh vực đầu não chi phối các lãnh vực khác, phải kể đến các đại học là môi trường giáo dục cao cấp do Kitô giáo khởi xướng từ thời trung cổ. Như Đại Học Bologna ở Ý có từ năm 1100, Đại Học Oxford ở Anh Quốc cũng bắt đầu hình thành từ năm 1100, Đại Học Ba Lê năm 1200, Đại Học Toulouse do Đức Thánh Cha Gregoriô X thiết lập năm 1229, Đại Học Napoli do hoàng đế Frederic thiết lập năm 1224, Đại Học Salamanca do vua Ferđinand xứ Castilla sáng lập năm 1243, các đại học ở Đức và Bắc Âu mãi tới thế kỷ 14 mới có, như Đại Học Praga năm 1348, Đại Học Vienna năm 1365, Đại Học Heidelberg năm 1386, Đại Học Cologne năm 1388 v.v. Tại Hoa Kỳ, đại học đầu tiên là Đại Học Harvard ở Cambridge tiểu bang Massachusetts được thành lập từ năm 1636, trước hết, là để dạy chủng sinh theo học thần học, sau đó mới trở thành một đại học đời như bây giờ. Đối với việc giáo dục học đường, cách riêng ở Việt Nam, nổi tiếng nhất phải kể đến trường của các Sư Huynh Lasan, như trường trung học Tabert Sài Gòn, một học đường thu hút được không biết bao nhiêu là con cái của những bậc vị vọng ngoại giáo. Ngày nay, chính các cán bộ cộng sản theo chủ thuyết chống Công Giáo lại chỉ yên tâm khi mang con cái của mình đến học ở các trường có các bà sơ dạy mà thôi.
Về lãnh vực xã hội, một lãnh vực tim gan, (so với lãnh vực văn học là lãnh vực đầu não), Kitô giáo cũng đã là khai sáng viên trong các việc phục vụ con người về mọi phương diện, như việc mở các nhà thương để chữa trị thương đau xác thân của con người, lập các viện mồ côi để chăm nuôi dưỡng dục trẻ em không cha không mẹ, mở các trại cùi để săn sóc thành phần bị người đời ghê sợ tránh lánh.
Theo lịch sử Giáo Hội, việc bác ái xã hội bắt đầu triển nở từ cuối thể kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17. Khởi sự với Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa ở Bồ Đào Nha mở các bệnh viện nên dòng này còn được gọi là Dòng Bệnh Viện. Tiếp đến là Văn Phòng Bác Ái Công Giáo do vua Henri IV lập năm 1606 để kiểm soát các tổ chức bác ái xã hội và xây cất nhiều bệnh viện mới. Nổi tiếng nhất là Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Phaolô lập năm 1633 để chuyên chăm sóc người bệnh hoạn, tật nguyền, già nua cũng như các trẻ em mồ côi. Thế nhưng, công cuộc bác ái xã hội phát triển nhanh nhất (từ năm 1950) và rộng nhất (tới 126 quốc gia, kể cả nước cộng sản) phải kể đến việc phục vụ "người nghèo nhất trong các người nghèo" của Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Têrêsa Calcutta lập, một hiện thân đúc ái Kitô giáo thời đại đã được cả thế giới tiếc thương khi mẹ qua đi ngày 5-9-1997. Ngoài ra, việc bác ái xã hội Công Giáo còn ôm ấp chính thành phần người cùi nữa, mà hai vị tông đồ người cùi còn lưu danh là cha Đa-miêng ở Môlôcai Hạ-Uy-Di và đức cha Cát-Sanh ở Di Linh Việt Nam.
Phải, nhờ tinh thần hy sinh phục vụ của con cái Giáo Hội, thành phần truyền giáo nơi các xứ dân ngoại, cũng như thành phần làm việc tông đồ ngay trong lòng xã hội, được thực hiện bởi thành phần giáo sĩ và tu sĩ sống đời tận hiến, theo lệnh truyền của Chúa Kitô phục sinh: "Các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15), mà đức tin nhỏ như hạt cải, nhỏ đến nỗi không thể nhìn thấy b@ng con mắt tự nhiên, đã mọc lên xum xuê thành một Giáo Hội hoàn vũ vĩ đại, đến nỗi, các linh hồn như chim trời đến làm tổ nương thân nơi các cành của nó (x.Mt.13:31-32) là các chi thể thuộc Nhiệm Thể của Chúa Kitô được hiện thân qua các Giáo Hội chuyên biệt địa phương, các dòng tu, các vị đại thánh thời đại v.v.