ĐTGM Phan.X. Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ Tịch
Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình:
“Chúa Kitô trên thập giá đã giúp chúng ta
giải thích những thực tại phức tạp... ở Á Châu”Nhân loại đang tiến đến ngàn năm thứ ba, thế nhưng Chúa Kitô chỉ được một thiểu số nhỏ ở Á Châu nhận biết.
Năm nay, người ta đang tưởng niệm 50 năm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền; giá trị của bản tuyên ngôn này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặc biệt đề cao trong Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay. Hiện tại Đức Thánh Cha đang kêu gọi chúng ta hãy thực hiện một cuộc thẩm định, một cách tỉ mỉ và chính xác, về tình hình nhân quyền ở lục địa Á Châu rộng lớn và đa dạng, đồng thời, tìm ra một đường lối hợp tình hợp lý nào đó trong công cuộc Giáo Hội cần phải đóng góp đặc biệt vào việc cổ động và phát triển nhân quyền.
Cuộc Họp Giám Mục này, một cuộc họp hệ trọng cho tương lai truyền bá phúc âm ở Á Châu, đang muốn viết lên một trang sử mới của mình. Thế nhưng, để viết lách, người ta cần phải tuân theo luật văn phạm và phải có một bản mẫu tự. Chúng ta sẽ tìm thấy những điều này ở đâu?
Trong bài diễn từ trình bày với Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha đã nói rằng: “Luật luân lý phổ quát được viết nơi cõi lòng con người chính là một thứ ‘văn phạm’ cần thiết, nếu thế giới muốn ngồi lại với nhau để bàn thảo về tương lai của mình” (5-10-1995, đoạn 3). Gần đây, Đức Thánh Cha cũng tỏ cho chúng ta thấy rằng “Thập Giá là chữ đầu tiên trong bản mẫu tự của Thiên Chúa”. Trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã giúp chúng ta giải thích những thực tại phức tạp của việc chúng ta hiện hữu ở Á Châu.
Ở đâu dân chúng sống trong nghèo nàn và bị khai thác cùng bị đàn áp; ở đâu phụ nữ, giới trẻ và con trẻ bị khai thác bởi việc làm mãi dâm và bởi việc du lịch dâm ô, thì ở đó, một lần nữa, Chúa Giêsu bị đả thương nơi thân thể cũng như nơi tâm hồn của Người. Ở đâu quyền tự do tôn giáo căn bản bị khước từ, ở đâu có những giới hạn áp đặt lên đời sống tín ngưỡng, thì ở đó, một lần nữa, Chúa Giêsu bị đóng đanh và bị ruồng bỏ giữa anh chị em của Người. Ở đâu có tình trạng bại hoại về xã hội và chính trị, có sự kỳ thị đối với các người di dân, với các dân thiểu số và nơi các điều kiện làm việc của con người; ở đâu đất đai bị độc chiếm một cách bất công, ở đâu các nguồn lợi thiên nhiên tiêu biến vì bị hủy hoại một cách bất chính; tóm lại, theo một câu nói thông dụng ở Á Châu, “ở đâu có cá lớn nuốt cá bé”, thì ở đấy Chúa Giêsu lại bị đóng đanh và bị ruồng bỏ.
Giáo Hội ở Á Châu được Thần Linh Chúa sai đi “để loan báo sự giải thoát cho kẻ bị lưu đầy và mang lại ánh sáng cho kẻ đui mù, giải phóng cho kẻ bị đàn áp, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lk.4:18-19). Việc bảo vệ nhân quyền đòi chúng ta cần phải kiên trì dấn thân.
Chúng ta cảm nhận được diễn tiến giáo huấn trong việc cổ võ nhân quyền theo xã hội thuyết của Giáo Hội do Đài Phát Thanh Vatican phổ biến, nhất là Đài Phát Thanh Chân Lý ở Á Châu, bằng 24 thứ tiếng mỗi ngày. Chúng ta khuyến khích việc lập nên những ủy ban công lý và hòa bình để giúp cho các Giáo Hội địa phương cơ hội trong việc dẫn giải “Phúc Aâm bác ái” này nơi tình trạng tôn giáo và văn hóa khác nhau ở Á Châu.
Trong những năm khi còn bị quản thúc mất tự do, tôi đã cảm nghiệm được một nỗi khốn cực và một chước cám dỗ tàn khốc nhất: đó là bị ruồng bỏ. Chính vào lúc bấy giờ mầu nhiệm Thập Giá đã trở nên ánh sáng mang lại ý nghĩa cho đau khổ được liên kết với Chúa Giêsu bị đóng đanh và bị ruồng bỏ. Trong tăm tối cuộc đời, bản thánh ca O Crux ave spes unica đã mang lại cho tôi một mãnh lực lướt thắng của mầu nhiệm vượt qua.(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, số phát hành ngày 13-5-1998,
lời phát biểu của đức TGM trong phiên họp chung lần thứ 8/23, ngày thứ sáu 24-4-1998)