Sinh Hoạt Sống Đạo

 

 

Thân Hữu Đồng Công

(2015-2021)

 

 

Đoàn Sủng Thánh Việt Nam

Xin tri ân cảm tạ Anh Cả và Hội Dòng thân yêu

 

Trước hết và trên hết, cùng với quí anh em tu sĩ và linh mục còn đang theo đuổi đời sống tu sĩ, hay đã từng, như thành phần THĐC (Thân Hữu Đồng Công), những con người được sống trong một hội dòng, theo danh xưng nguyên thủy từ 80 năm trước là Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, vốn được gọi tắt là Dòng Đồng Công, cũng như được chính Vị Sáng Lập Đaminh Maria Trần Đình Thủ đích thân huấn luyện theo Lý Tưởng Thánh Đồng Công của ngài, chúng ta không thể nào không hiệp thông dâng lời Ca Vịnh Magnificat của Mẹ Maria và với Mẹ Maria, để ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa là Đấng đã bất ngờ ban cho Giáo Hội ở Việt Nam một hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên, ngay trước khi Giáo hội địa phương nhỏ bé Việt Nam này có hàng giáo phẩm 19 năm, và để cùng nhau hân hoan long trọng cử hành 80 Năm Đoàn Sủng của Dòng.

Thế nhưng, 80 Năm Đoàn Sủng của Dòng ấy, của một hội dòng chính cống Việt Nam tiên khởi này, không phải chỉ là một biến cố tưởng niệm và một cử hành tri ân cảm tạ thuần túy theo thời gian và có tính cách lịch sử vậy thôi, rồi qua đi theo thời gian như tất cả mọi sự kiện lịch sử có tính cách quá khứ khác trên thế gian này, mà trước hết và trên hết là một tiến trình, nhờ cột mốc 80 năm (1941 - 2021), cần phải làm sao trở thành xác tín hơn và hiện thực hóa hơn đoàn sủng độc đáo này, ở nơi cả trong tâm hồn cũng như bằng đời sống của những con người đang theo đuổi, hay đã từng theo đuổi, Lý Tưởng Thánh Đồng Công, theo đoàn sủng được Thánh Linh bất ngờ khởi động ngay từ ban đầu, 80 năm trước, qua một con người đã dấn thân cho đến cùng, bất chấp mọi giá phải trả, cho Đoàn Sủng Thánh Việt Nam!

Thật vậy, không ai trong chúng ta, dù là còn tu hay xuất tu, nếu đã từng được diễm phúc một thời sống với vị sáng lập hết sức khả kính, do Chúa an bài ban cho Giáo Hội ở Việt Nam này, nhất là được ngài đặc biệt trực tiếp huấn thánh cho, một cách nào đó, mới thực sự cảm thấy, chẳng những ý định duy nhất và trên hết của ngài trong việc ngài thành lập một hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên, đó là "cho người Việt Nam có thánh", mà còn thấy được cả đường lối huấn luyện làm sao "cho người Việt Nam nên thánh" của ngài nữa. Có thể nói, "cho người Việt Nam có thánh" là động lực chính yếu thôi thúc ngài thành lập một hội dòng, và "cho người Việt Nam nên thánh" là lý tưởng ngài theo đuổi, cùng với những ai hưởng ứng và theo ngài để cùng ngài "làm Thánh Việt Nam".

Vấn đề được đặt ra ở đây là: đâu là ý nghĩa "nên thánh" và "làm thánh" nơi tâm trí của ngài ngay từ ban đầu, cách đây 80 năm, khi ngài được ơn khởi động lập dòng, một hội dòng thuần túy Việt Nam vẫn còn tồn tại cho đến nay, bất chấp mọi gian nan thử thách, có những lúc tưởng rằng đã bị tan biến, gây ra bởi một trận "sóng thần" kinh hoàng khủng khiếp, đã xẩy ra cho chính bản thân ngài nói riêng, và cho hội dòng ngài lập nói chung, vào thời gian 2 năm cuối cùng của cuộc đời 101 tuổi của ngài. Cho dù không ai trong chúng ta đã từng hỏi riêng ngài, hay đã từng công khai phỏng vấn ngài, vấn đề ngài đã ý thức ra sao và thế nào về ơn gọi "nên thánh" và "làm thánh" để "cho người Việt Nam có thánh", nhưng qua đường lối huấn thánh của ngài, chúng ta có thể suy diễn, liên quan đến 2 yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly sau đây.

Đó là yếu tố bối cảnh cuộc đời và yếu tố ước vọng tâm linh. Theo kinh nghiệm thực tế và lịch sử, nhất là nơi các vị thánh thời đại dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội Chúa Kitô: nếu nhìn từ bề ngoài vào thì thường xẩy ra sự kiện - "thời thế tạo anh hùng", nghĩa là hoàn cảnh tạo nên ơn gọi, xuất phát đoàn sủng; thế nhưng, nếu nhìn từ bề trong ra thì hoàn toàn ngược lại - "anh hùng tạo thời thế", tức là vì sẵn có ước vọng và tâm thức nên phải biến đổi thời thế. Nơi trường hợp của vị sáng lập một hội dòng ngay từ đầu mang danh xưng Đồng Công, chúng ta không thể nào biết được yếu tố nào trước và yếu tố nào sau, yếu tố nào chi phối yếu tố nào, có thể cả hai một lúc, như trường hợp một nhạc phẩm để đời thường đột xuất trong tâm trí của người nhạc sĩ sáng tác vừa điệu nhạc lẫn lời ca một lúc. Những gì độc đáo thường là như vậy!

Nếu đoàn sủng của hội dòng đầu tiên của người Việt Nam và cho người Việt Nam là những gì độc đáo, thì cả hai yếu tố bối cảnh lẫn yếu tố tâm linh bất khả thiếu và bất khả phân ly này cùng nhịp bước song hành với nhau. Theo suy đoán của bài viết này thì trong khi vị được Trời Cao tuyển chọn để sáng lập một hội dòng cho đến nay con cái của ngài mừng 80 năm đoàn sủng của mình, sẵn có ước vọng nên thánh và làm thánh rồi, nên ngài đã nhìn tất cả mọi sự xẩy ra trong bối cảnh xã hội của đời mình hoàn toàn khác đời, không giống như đại đa số dân thường, hay đồng bạn hoặc cả các đấng các bậc, và chính vì thế, ngài tự mình đã có những thái độ, hành vi và phản ứng khác thường, những gì có thể bị cho là "dị chúng nhân", nhưng lại hoàn toàn hợp với lý tưởng thánh, để nên thánh, bởi chúng từ tinh thần Phúc Âm của Chúa Kitô.

Vậy đâu là những gì được cho là "dị chúng nhân" nơi riêng vị sáng lập hội dòng mang danh xưng nguyên thủy Đồng Công này, cũng như nơi chung hội dòng được lập nên thuần túy của người Việt Nam và cho người Việt Nam theo Đoàn Sủng Thánh Việt Nam của ngài này, những thứ "dị chúng nhân" thậm chí còn bị gay gắt chỉ trích và kịch liệt chống đối cả từ hàng ngũ giáo sĩ từ thời ấy, 80 năm trước. Xin thưa, đó chính là tinh thần bình dân của ngài, một chủ trương thật là cách mạng thứ chế độ quan liêu thực dân vào thời đó, nhất là nơi thành phần giáo sĩ. Nên không lạ gì tinh thần bình dân ngược đời "dị chúng nhân" này của ngài không thể không đụng chạm đến vị thế thần tượng của các vị nơi lòng thành phần giáo dân Việt Nam vốn sống cảm tình và mến phục các vị chủ chăn của mình, đến độ "lệnh vua thua lệ làng" - "cha là chúa"!

Vị linh mục Đaminh Maria Trần Đình Thủ này đã từng là cậu giúp lễ, đã được cha cố của ngài nuôi dưỡng ơn gọi, đã từng là chủng sinh trong chủng viện, đã từng coi sóc các giáo họ và giáo xứ, đã chứng kiến biết bao nhiêu là những cái chướng tai gai mắt nơi tập tục tôn sùng "cha là chúa" như thế, những cái chướng tai gai mắt không phải của riêng ngài, cho bằng chướng tai gai mắt với chính tinh thần Phúc Âm của Chúa Kitô, hết sức "phản Kitô", phản chứng về Đấng "đã không tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hóa ra như không, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên như phàm nhân..." (Philiphe 2:6-7), và vì thế không thể nào chấp nhận được những lối sống thực dân đế quốc quá ư là chướng tai gai mắt ấy, mà phải thay thế bằng tinh thần bình dân "dị chúng nhân", mới có thể "nên thánh", "làm thánh", nếu muốn "cho người Việt Nam có thánh".

Chính người viết bài này đã nghe Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám Mục phụ tá Giáo phận Orange California, khi còn sống kể cho nghe những câu chuyện mà chính ngài ở trong cuộc và là chứng nhân đã khách quan thuật lại, từ thời ngài mới tập tành làm cậu giúp lễ ở nhà xứ với vị linh mục là cha bố, cha đỡ đầu của ngài: nào là đứng quạt cho "cụ" khi "cụ" ăn, và chỉ được ăn sau khi "cụ" ăn xong, nhất là được ăn thừa những thứ ngon nhất được giành cho chỉ một mình "cụ" thôi, nên được đứng hầu các ngài là một vinh dự và là mối lợi lớn; chưa hết, các cậu muốn làm con ngoan, muốn được giới thiệu vào chủng viện để làm linh mục, các cậu làm con này còn phải chịu khó đi đổ bô cho "cụ" nữa, những gì "cụ" tiêu tiểu ban đêm tại ngay giường nằm của "cụ".

Bản thân người viết này cũng có một kinh nghiệm sau thời gian 2 năm được hân hạnh đại diện anh em dòng, vâng lời Bề Trên Cả, vào giúp Tiểu Chủng viện Simon Hòa Đà Lạt, niên khóa 1972-1973 và 1973-1974. Niên khóa đầu với Anh Trần Long Chu, Đội VIII, người anh vừa dạy học một số giờ vừa đi học phân khoa Anh ngữ ở Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt, và niên khóa sau với Anh Nguyễn Mạnh Thư, Đội IX, người anh cũng chỉ dạy học một số giờ rồi theo học ngành Thực Vật ở cùng Đại học Thụ Nhân Đà Lạt. Còn người em cựu tu sĩ Đồng Công này thì full time toàn thời phục vụ, đủ mọi thứ việc kiêm nhiệm: dạy học - phụ giúp Cha Giám học; coi học - phụ giúp Cha Giám thị; mua bán đồ cho chủng sinh - phụ giúp Cha quản lý; kiêm trưởng ban cứu thương, lo thuốc men, tiêm chích, chở đi nhà thương và lo cơm nước cho các chủng sinh bị bệnh. Nhưng nhờ việc hết mình phục vụ này mà các tiểu chủng sinh rất mến "thày tâm phương", thậm chí cứ sau bữa tối, các chúng sinh chạy đến bám lấy thày ngay ở bàn cơm các cha - thày thật nghĩ ngợi...

Tất cả những gì chướng tai gai mắt đầy quan liêu thực dân đế quốc, hoàn toàn phản Kitô và phản chứng Phúc Âm trong xã hội nói chung và trong Giáo Hội ở Việt Nam nói riêng vào thời ấy, từ đâu mà ra: phải chăng từ "các Cha Tây"? Nếu từ "các Cha Tây" thì tại sao các ngài đã dám bỏ quê hương xứ sớ văn minh của các ngài, với đầy tiện nghi thoải mái hợp với khuynh hướng hưởng thụ của con người, mà tình nguyện đến một đất nước lạc hậu, nghèo khổ, các ngài đã thấy trước mắt, thật là khổ sở và nghiệt ngã cho bản tính tự nhiên của các ngài, thậm chí các ngài còn bị bách hại và sát hại nữa? Cho dù các ngài không bị sát hại thì chính cuộc sống tự nguyện truyền giáo ở Việt Nam và cho người Việt Nam đã là một cuộc tử đạo rồi. Như thế thì, theo bài viết này, các ngài đã nêu gương tinh thần bình dân hơn ai hết, đã sống thánh hơn ai hết, ngay trước mắt dân nước Việt nam, nhất là đối với vị linh mục vốn đã cảm phục Tây phương có nhiều thánh nên đã muốn lập dòng "cho người Việt Nam có thánh như các nước Tây phương" của các ngài!

Vậy nếu tinh thần thực dân đế quốc quan liêu thực sự không phải từ các Cha Tây thừa sai, thuộc các quốc gia đô hộ bấy giờ, như Pháp hay Tây Ban Nha, trong giai đoạn lịch sử của phong trào khám phá thế giới mới từ thế kỷ thứ 16, thì nó từ đâu chứ? Chẳng nhẽ từ chính người Việt Nam ta là một dân nước vốn bé nhỏ và thua kém Tây phương về mọi mặt, nhất là về mặt thánh đức, lại còn bị Tây phương đô hộ nữa??

Theo người viết thì đúng như thế, từ chính người Việt Nam ta. Ở chỗ nào? Ở chỗ, như vị linh mục sáng lập dòng "cho người Việt Nam có thánh" thường hay nói: người Việt Nam sống cảm tình và hay thay đổi, không có ý chí như người Tây, khó nên thánh v.v. Thật vậy, chính vì người Việt Nam sống cảm tình nhiều, nên dễ hư, nào là đút lót, hối lộ, nào là thiên vị - người dưới thì nịnh bợ người trên, cho được ơn này phúc nọ; người trên thì ve vuốt người dưới để được họ mến chuộng, khỏi bị họ chê bai. Bởi thế chẳng lạ gì "cha là chúa", ở chỗ do được dân bái phục, trọng vọng, chiều chuộng đến độ, "lạy cha" cũng phải "xin phép" - "con xin phép lạy cha ạ!" mà các "cụ" càng làm oai - quát tháo và chửi bới trên tòa giảng, và hành hình hối nhân trong tòa giải tội, như thể các ngài chẳng phải là một tội nhân đáng thương như họ, thậm chí hơn họ!

Thánh Việt Nam không thể quan liêu đế quốc như vậy. Vì nên thánh, theo vị linh mục suốt đời chỉ ham ước nên thánh và huấn thánh cho những ai muốn theo ngài làm thánh Việt Nam, dù là tu sĩ trong dòng, hay giáo dân, thuộc hai tổ chức cũng do chính ngài sáng lập, đó là Gia Đình Tận Hiến Đồng Công (theo tên gọi nguyên thủy) và anh em cựu tu sĩ Thân Hữu Đồng Công, là nên giống Chúa Kitô. Do đó, trong các bài huấn đức ngài luôn luôn nhấn mạnh đến gương Chúa - Mẹ.

Mà nên giống Chúa Kitô để có thể nên thành, nên "trọn lành như Cha của các con là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), là ở chỗ sống bình dân chứ còn gì nữa, một lối sống bình dân chẳng những ở chỗ Người "đã thành nhục thể và ở cùng chúng ta" (Gioan 1:14), một cách vô cùng bình dân giữa loài người, với loài người, và bình đẳng như loài người tạo vật hèn hạ chúng ta, mà còn ở chỗ "Con Người đến không phải để được hầu hạ, mà là hậu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28), một mẫu gương cho thành phần môn đệ đích thực của Người, mà hội dòng được lập nên "cho người Việt Nam có thánh" đã nhận làm khẩu hiệu sống tinh thần bình dân của mình: "Non ministrari sed ministrare".

Câu tâm niệm ấy, kèm theo logo rửa chân của hội dòng này, đã thực sự phản ảnh tinh thần bình dân của Chúa Kitô và như Chúa Kitô, mà những ai theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công đều phải nỗ lực sống để "nên thánh" và "làm thánh", như mục đích hiện hữu của hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên họ thuộc về, một hội dòng chính vì chủ trương sống tinh thần bình dân theo gương Chúa Kitô, bằng câu tâm niệm "không hưởng thụ nhưng phục vụ", mà họ mới gọi nhau là "anh em", dù họ có là linh mục, dù họ có là giám đốc, dù họ có là đội trưởng, dù họ có bằng cấp cao, dù họ có nổi tiếng, và dòng của họ chỉ có một "bậc" huynh đệ, hơn là 2 bậc "cha thày", như các dòng tiền bối khác của Tây phương, như Dòng Biển Đức, Dòng Phanxicô, Dòng Đaminh v.v. Cơ cấu tổ chức một bậc huynh đệ này nơi hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên đây đã chứng thực đoàn sủng độc đáo của hội dòng này 80 năm qua, một đoàn sủng sẽ tồn tại mãi mãi theo tinh thần Phúc Âm, một đoàn sủng được hiện thực và sống động nơi những tâm hồn hăng say theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công.

Tinh thần bình dân là đoàn sủng độc đáo của hội dòng nay đã đổi tên, vào cuối năm 2017, từ Dòng Đồng Công nguyên thủy, thành Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc thời đại, chẳng những được tỏ hiện ngay trong nội bộ của họ, nơi cơ cấu tổ chức một "bậc" huynh đệ, cũng như nơi cách xưng hô "anh em", mà còn với cả tha nhân và với chính Thiên Chúa nữa. Với tha nhân, ở chỗ, anh em tu sĩ Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc bao giờ cũng dễ dàng sống hòa đồng với tất cả mọi người, không trừ một ai, phục vụ mọi người, "trở nên tất cả cho mọi người" (1Corinto 9:22).

Trong Ngày Thánh Mẫu hằng năm ở Carthage Missouri, từ năm 1978, người ta chẳng còn lấy làm lạ khi thấy các cha các thày dòng này lái xe đi thu rác, hay nhào vô thu dọn các nhà vệ sinh nam, ngày xưa, khi chưa có các nữ tu phụ giúp làm vệ sinh các nơi của phái nữ, các vị tu sĩ của dòng này thậm chí còn tấn công vào cả các phòng vệ sinh nữ nữa, sau khi đánh chặn quí vị nữ phải chờ đợi ngay ngoài cửa cho đến khi lau chùi sạch sẽ gọn ghẽ cho họ. Ngoài ra, ngay từ khi mới vô nam, ở Thủ Đức, vào đầu thập niên 1960, hội dòng này đã phục vụ cả các vị linh mục hưu dưỡng lão thành, chăm sóc cho từng vị, cả đồ ăn thức uống, cả bệnh hoạn tật nguyền, lau chùi vệ sinh cho các ngài khi các ngài bất đắc dĩ bị "cải lão hoàn đồng", chẳng khác gì như một đứa trẻ thơ ngây vô tội về cả thể lý...

Tinh thần bình dân của hội dòng muốn noi gương Chúa Kitô để "nên thánh" và "làm thánh" này còn ở chỗ sống thật là bình dân với cả chính Thiên Chúa nữa, ngoài với chính nội bộ dòng và với tha nhân, như trên đã đề cập đến. Thật vậy, Thiên Chúa đã hóa thân làm người và ở cùng nhân loại, bình dân như mọi người, hòa đồng với các môn đệ và như các môn đệ, đến độ người ta không còn phân biệt được ai là thày và ai là trò nữa, muốn bắt sống Người vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh ở Vườn Cây Dấu, phải có một nội công gian xảo chỉ điểm là Giuđa Íchca mới được, thì những tâm hồn nào đưa mình lên, cao ngạo, kiêu căng tự ái, ham danh, coi mình hơn người khác, coi thường và khinh bỉ tha nhân, thì làm sao có thể nên giống Người được. Đó là lý do vị sáng lập hội dòng này luôn nhắc nhở, đôi khi còn nặng lời trách móc các em của ngài về đời sống của họ, hoàn toàn phản ngược lại với tinh thần bình dân là đoàn sủng "nên thánh" và "làm thánh" của ngài được Thánh Linh tác động ngay từ ban đầu, 80 năm trước.

Đối với Thiên Chúa, tinh thần bình dân của hội dòng này là ở chỗ không tỏ ra tự cao, tự đại, tự phụ, tự mãn, tự kiêu, tự ái, trái lại, sống thật là đơn sơ bé nhỏ, ở chỗ hoàn toàn tận hiến cho Ngài, qua Mẹ Maria và như Mẹ Maria, người tỳ nữ xin vâng (xem Luca 1:38), tuyệt đối tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa Tối Cao Chí Tôn Chí Thánh, vào sự quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan và yêu thương của Ngài, để Ngài toàn quyền quyết định về mình và cho mình, kể cả đặc ân cao quí là được làm linh mục, một thiên chức người Việt vốn trọng vọng, ham thích và tìm kiếm, hay kể cả việc được học hành kiến thức có danh giá trong xã hội và giúp ích xã hội, trái lại, sẵn sàng tuân phục, thậm chí còn tình nguyện khi vừa biết ý bề trên cần tìm, trong việc dấn thân làm những việc thường hèn nhất trong dòng, những công việc mà theo tự nhiên, dù đã tận hiến, dễ bị coi thường và tìm cách tránh lánh, như làm bếp, làm vườn (ở Đồn Điền Thiên Mẫu Di Linh), chăn heo (ở Nhà Cá Việt Nam hay ở Ash Grove Missouri Mỹ), hoặc chăn gà (ở Khu Kitô Vương) v.v.

Câu tâm niệm "non ministrari sed ministrare", "không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" của hội dòng đang càng ngày càng phát triển cả ở trong nước, từ sau khi vị sáng lập như một hạt lúa miến mục nát đi năm 2007, lẫn hải ngoại đây, từ sau năm 1975, liên quan đến sứ vụ truyền giáo của dòng, chính là ở chỗ "bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo Thày" (Mathêu 20:26), một câu Phúc Âm được vị sáng lập không chán lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần với anh em dòng của mình:

Trước hết: "bỏ mình", tức là "không phải để được phục vụ", ở chỗ, không theo ý riêng, ý thích và ý nghĩ riêng của mình, dù tốt lành đến đâu, nếu không hợp với ý muốn của Thiên Chúa, như Chúa Kitô trong Vườn Cây Dầu vào Đêm Thứ Năm Tuần Thánh. Sau nữa: "vác thập giá mình", tức là "để phục vụ", ở chỗ, chỉ biết làm theo ý Đấng đã sai mình, như Chúa Kitô đã liên lỉ làm theo ý Cha là Đấng đã sai Người, không phải chỉ ở điều này điều kia mà còn ở cách thức nữa, vào đúng thời điểm của mình. Sau hết: "theo Thày", tức là "hiến mạng sống mình cho nhiều người được cứu độ", ở chỗ, coi lợi ích thiêng liêng của tha nhân hơn hết, sẵn sàng hy sinh tất cả và bằng mọi giá cho phần rỗi của tha nhân, như Chúa Kitô "đã yêu đến cùng" (Gioan 13:1).

Như thế, ngay trong câu tâm niệm là khẩu hiệu của họ, theo thứ tự của chính Lời Chúa Giêsu nói về chính bản thân Người, mẫu gương trên hết và bất khả thiếu để "nên thánh" và "làm thánh" ấy, đã chứng thực đoàn sủng bình dân độc đáo của hội dòng này, một đoàn sủng bình dân đã khiến cho một số anh em không thể theo đuổi được, đành phải bỏ ra, chỉ vì ham học quá, hay chỉ vì muốn làm linh mục mà không được, hay chưa được, trong khi những anh em tu sau, kém tài đức hơn mình, thì lại được làm linh mục, lại đươc trọng dụng, lại được "lên hương", hoặc chỉ vì không thể bỏ ý riêng để vâng lời bề trên trong những gì trái ý thích, ý nghĩ, ý muốn của mình, nhưng lại là một đoàn sủng tự mình đã chất chứa trọn vẹn 3 tinh thần chính yếu làm nên linh đạo của họ là tinh thần bỏ mình, tinh thần tận hiến và tinh thần yêu thương.

Khi còn sống ở trong dòng như là một tu sĩ của dòng, bản thân người viết bài này chỉ cảm thấy hội dòng là nơi mình đã tự nguyện bỏ tất cả mọi sự trần gian để theo đuổi đời sống tu trì rất thích hợp với mình, và mình cũng rất hợp với hội dòng, thế thôi.

Thế nhưng, cho đến khi không còn ở trong dòng nữa, bấy giờ, nhất là vào những dịp đặc biệt như biến cố Đấng sáng lập gặp gian nan hoạn nạn cả về tinh thần lẫn thể xác cuối đời, nhất là lúc ngài qua đời năm 2007, hay biến cố mừng đoàn sủng 80 năm của hội dòng đây, thì mới càng được dịp, nhất là khi cần phải suy tư để viết lách chia sẻ, khám phá ra rằng con người mang tên dòng là "tâm phương" của mình đã bị tinh thần dòng biến đổi mất rồi, mới thấy được những gì là tinh túy và cao quí nhất của vị sáng lập dòng nói riêng và của hội dòng nói chung, mới cảm nhận được cái vốn liếng hiếm quí căn bản bất khả thiếu cho ơn gọi sống thánh giữa đời của mình, cũng như cho sứ vụ tông đồ giáo dân của mình hiện nay, một thứ vốn liếng thiêng liêng đã, đang và tiếp tục trở thành muối đất men bột trong lòng đời và cho trần đời, như Chúa Kitô là hạt lúa miến gieo xuống đất đã bị mục nát đi, mới trổ sinh muôn vàn hoa trái phục sinh vậy.

Tất cả vốn liếng Đồng Công và tinh hoa Đồng Công của Hội Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc ấy, ở nơi bản thân người viết bài này, đều xuất phát từ đoàn sủng bình dân độc đáo của hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên "cho người Việt Nam có thánh" của Vị Sáng Lập Khả Kính Khả Ái Đaminh Maria Trần Đình Thủ, cũng là vị linh hướng sống thánh duy nhất và trên hết của bản thân con người cựu tu sĩ Đồng Công bụi đời này 39 năm qua! Xin cùng với anh em tu sĩ dòng và anh em thân hữu Đồng Công, hân hoan hiệp thông dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa - Magnificat anima mea dominum! Amen.

 

Giáo Phận San Bernardino Nam California Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 23/5/2021

Tâm Phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL