Sinh Hoạt Sống Đạo

 

 

Thân Hữu Đồng Công

(2015-2021)

 

 

Đồng Công: Những Ấn Tín Thần Linh

(Đồng Công 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng)

 THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh

Cảm Nghiệm Đồng Công - Hậu chấn từ Kỷ Yếu "Đồng Công: Mùa Gặt Thương Xót"

 

Nội Dung

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Thai Sinh: Hoài Thai 1941 và Khai Sinh 1953 

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Nẩy Sinh sau cuộc Di Cư 1954

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Phát Sinh sau cuộc Vượt Thoát 1975

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Hồi Sinh sau cuộc  Khổ Nạn 1987 - 1993 

Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Trổ Sinh sau cuộc Tử Giá 2006 - 2007

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công: Một Sản Phẩm của Lòng Thương Xót Chúa

  

 

 

 

Những Ấn Tín Thần Linh

4- Đồng Công Hồi Sinh sau Cuộc Khổ Nạn 1987-1993

 

 

Sau khi hơn một nửa anh em Dòng (170/300) vượt thoát sang Hoa Kỳ năm 1975, thì ở Việt Nam gần một nửa anh em Dòng (130/300), nhất là bản thân Đấng Sáng Lập đã bắt đầu trải qua một mùa khổ nạn, ngay từ năm 1975, nhất là trong thời khoảng 6 năm, 1987-1993, khi Anh Cả bị tù lần thứ hai, lần bị án chung thân, cùng với 22 anh em Dòng cũng bị án tù nặng nhẹ tùy trường hợp; còn những anh em Dòng không bị tù thì phải phân tán và sống đời tu chui. Thế nhưng, chính trong cuộc khổ nạn kinh hoàng tưởng như tan Dòng mà lại được hồi sinh một cách hết sức lạ lùng sau đó 6 năm, chúng ta mới thấy được thêm một số Ấn tín Thần linh tuyệt vời nữa, cả ở nơi Đấng Sáng Lập cũng như nơi anh em Dòng. Ấn tín Thần linh thứ nhất đó là Anh Cả và anh em Dòng bị bách hại vì sự công chính. Ấn tín Thần Linh thứ hai đó là Anh Cả đã biến ngục tù thành vùng trời yêu thương. Ấn tín Thần linh thứ ba đó là anh em Dòng, đa số trẻ trung và chưa vĩnh thệ, vẫn trung thành với LTĐC, bất chấp gian khổ và gian nguy. Ấn tín Thần linh thứ bốn đó là sau khi Anh Cả được thả về Dòng càng gia tăng ơn gọi hơn bao giờ hết.

 

Ấn tín Thần linh thứ nhất: Anh Cả và anh em Dòng bị bách hại vì sự công chính. 

 

Sau khi Anh Cả đã mất gần 200 người em của anh cho Biển Đông (vượt biển cuối tháng 4 năm 1975), hơn một tháng sau, tức 1.6.1975 ngày mừng Tết Thánh Thể, tại Đồng Lạc Di Linh một số cán bộ Cộng Sản trong Ban Quân Quản quận Di Linh đến tu viện kiểm tra... Hôm sau, ngày 2.6.1975 ngay sau điểm tâm, Anh Cả tập họp, nhắn nhủ anh em về đời sống tu trì trong hoàn cảnh đất nước đã biến chuyển ngoài ý muốn của mọi người… Phần chúng ta cần sống ngoan thảo phó thác, cậy trông nơi Chúa và Đức Mẹ.

 

Đang khi Anh Cả dặn dò đôi điều cần thì một số cán bộ Cộng Sản vào đến cổng tu viện...  Họ dẫn tất cả 54 anh em tới trại giam Di Linh.  Tại đây, mấy chục anh em bị giam ở trong vài căn phòng chật chội: mỗi người chỉ đủ một chỗ nằm như cá mòi trong hộp! Hằng ngày anh em lao động nhẹ trong khuôn viên trại, ăn đói với cá khô, canh rau muống toàn quốc, cũng có khi ăn sáng xong, cán bộ dẫn đi lao động cách xa trại chừng 4km, tới một đồn điền để chặt phá cây, làm cỏ, cuốc đất trồng hoa màu phụ thêm lợi tức cho trại. Sau khi các cán bộ bắt mấy chục anh em đi khỏi Đồng Lạc, Anh Cả và 2 anh em nữa bị quản thúc tại tu viện. 

 

Như Anh Cả kể lại trong cuốn LTĐC II thì từ ngày 2/6, Anh Cả đã bị bệnh khi còn ở nhà, nhưng thời gian ấy Anh bị quản thúc nên cũng là tù tại chỗ rồi. Trong mấy ngày từ 3/6 đến 12/6, công an đến kiểm kê, rồi thu quén hết các đồ, máy móc, xe cộ ... Ngày 12/6, họ bắt giam Anh tại quận Di Linh, trong một ngôi nhà lợp tôn gần trụ sở công an, cách chừng 100 mét. Đây là lần đầu tiên Anh ở tù một mình, ngày đêm cửa mở, không một ai đến thăm, cũng chẳng được gặp ai, trừ ông cán bộ mỗi ngày đến một lần làm việc hỏi han tra vấn, rồi bắt Anh viết tờ tự kiểm. Trong thời gian bị tù gần 2 năm lần thứ nhất, 12/6/1975 - 29/4/1977 này, Anh đã bị giam trước hết ở Di Linh, sau đó Anh được chuyển lên nhà giam ở Đà Lạt từ ngày 26/9/1976, rồi Anh lại được chuyển về nhà giam ở Sài Gòn vào đầu Tháng 2/1977, được khoảng hơn kém 2 tháng họ lại chuyển Anh đến mấy nơi nữa trước khi thả Anh về vào ngày 29/4/1977.

 

Nếu lần bị tù thứ nhất Anh cũng như anh em Dòng không bị xét xử và lãnh án, hoàn toàn âm thầm vậy thôi, thì lần bị bắt thứ hai cùng với anh em Dòng, Nhà Nước đã chính thức và công khai xét xử và kết án Anh cùng anh em Dòng, một biến cố làm chấn động chẳng những trong nước mà còn cả quốc tế nữa.... Thật vậy, sau cuộc săn lùng chộp bắt ở khu Nhà Mẹ 30 Gian ngày 15/5/1987, và sau khi cả hai đơn khiếu nại được gửi đi các nơi về biến cố khủng bố Nhà Dòng này, Anh Cả đến ở mấy nhà người quen tại Sài Gòn, chứ không về lại Thủ Đức, nhưng vẫn được Anh Em Dòng đến thăm, nên Anh đã bị lọt vào con mắt theo dõi của công an, (cũng có nguồn tin cho rằng một anh trong Dòng đã chỉ điểm chỗ ẩn của Anh) nên họ đã bất chợt vào bắt Anh lúc Anh đang mặc áo lễ tại nhà bà Liễu. Hôm đó là ngày 2/7/1987, và họ đã giải Anh đi cùng với 3 Anh Em Dòng Đội XII nữa là Aa. Chi, Quốc và Thuận. 

 

Ngoài ra, họ cũng theo dõi rình bắt anh em Dòng ở các nơi khác nữa, thứ tự theo thời gian như sau: Đêm 16-5-1987 tại khu Kitô, 5 anh; đêm 21-5 tại Nhà Mẹ 30 gian 9 anh; tại Tu viện Thánh Gia 4 anh; ngày 21-6 tại Nhà Cá 3 anh; ngày 14-9 tại Nhà Cá 1 anh; tại Đồng Nai: anh Xuân (20-5), anh Đích (29-5), anh Thiện (7-87), anh Lâm (8-87); tại Sàigòn: anh Phụng (13-6), anh Nghiệp (20-7). Một số rất đông anh em nhà và những người ngoài có liên hệ với Dòng đã di tản, tìm cách thoát nạn. Tổng cộng có thể tới 500 người. Trong số này có ba anh Tràng, Thần, Thảo lẩn trốn, bị dán ảnh truy nã. Riêng mấy anh như anh Ngân, anh Thảo, anh Mục ... đã tìm cách sang được Mỹ ở với anh em đã di cư trước. 

 

Báo Giải Phóng đăng về phiên tòa xử Anh Cả và anh em như thế này: Ngày 30-10-1987, hơn 3.000 người có mặt tại chỗ để theo dõi các phiên tòa từ ngày 27 đến 30-10-1987. Sau ba ngày rưỡi xét xử, chiều ngày 30-10-1987, Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh kết thúc phiên tòa xét xử. Trần Đình Thủ và 22 tên đồng bọn với những tội rất nặng: 1- Phá hoại chính sách đoàn kết; 2Tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa; 3- Phá rối an ninh, khủng bố và che giấu tội phạm. Trừ Nguyễn Thị Liễu, người đã che giấu Trần Đình Thủ tại nhà y thị ở số 114 Đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 17 Tân Bình. Trần Đình Thủ và số tay chân của y đều phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia nêu trên và đã bị tuyên án chung thân (Trấn Đình Thủ, Nguyễn Châu Đạt), hoặc tù ở từ 4 đến 20 năm.

 

Trong khi đó anh em Dòng Đồng Công ở hải ngoại, bấy giờ đã trở thành một Chi Dòng ở Hoa Kỳ, có thế giá và tiếng nói, đã dịch sang tiếng Anh đơn khiếu nại thứ 2 là đơn khiếu nại chính thức của Dòng bên Việt Nam, và gửi đi rất nhiều nơi, xin can thiệp với Nhà Nước Việt Nam cho Dòng, nhất là cho Anh Cả, vị năm ấy đã 81 tuổi, được khỏi bị tù, như gửi đến: Tòa Thánh Vatican, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Reagan Hoa Kỳ, nhiều Tòa Đại Sứ các nước tại Hoa Kỳ, Sứ Thần Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc và tại Hoa Kỳ, nhiều vị Hồng Y và Giám Mục tại Hoa Kỳ v.v... Vài năm sau, ĐHY Bernard Law, TGM TGP Boston ở tiểu bang Massachusetts Hoa Kỳ, vị đại ân nhân đã bảo trợ cho toàn bộ anh em Dòng năm 1975 và đã liệu cho anh em Dòng trở thành một Chi Dòng vào năm 1980, sang thăm VN. Nhà Chi Dòng có xin Ngài, nếu có thể, can thiệp với Chính Phủ VN cho Anh Cả được khỏi tù. Khi trở lại Mỹ, Ngài cho Nhà Dòng biết Ngài đã gặp mấy nhân viên cao cấp trong Chính phủ VN, và họ hứa sẽ giải quyết sớm vấn đề Anh Cả. Không biết có phải vì nhận được nhiều đề nghị của các Đấng Bậc, các quốc gia, mà án tù của Anh Cả được giảm từ chung thân xuống 20 năm rồi cuối cùng chỉ còn 6 năm?


Ai cũng biết bản án với 3 tội được cho là "rất nặng" như được liệt kê trên đây đều là những gì vu khống và xuyên tạc. Chẳng hạn, tội "tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa", một tội do họ xuyên tạc những lời kinh được Cha Thủ và anh em Dòng của ngài cầu nguyện cho dân nước Việt Nam "thoát khỏi nạn cộng sản vô thần"; hay tội "phá rối an ninh, khủng bố và che giấu tội phạm", một tội họ vu khống cho Nhà Dòng đã giấu súng do chính họ gài ở chỗ này chỗ kia khi lục soát Nhà Dòng, rồi sau đó sai một vị linh mục Dòng Đaminh đã từng tu ở Đồng Công, tung ra một bài báo chứng thực là chuyện có thật khi vị này đến tận hiện trường quan sát thấy.

 

Tóm lại, vì muốn cưỡng chiếm tài sản của Dòng Đồng Công ở Thủ Đức, sau khi đã xin với Cha Thủ nhiều lần mà không được từ năm 1977 sau khi ngài ra tù lần thứ nhất cho đến năm 1983. Như thế, sự kiện Anh Cả và anh em Dòng bị án ngục tù bất công năm 1987 trước Nhà Nước cộng sản Việt Nam này hoàn toàn là vì Anh Cả và anh em Dòng vô tội trước mặt Đấng thấu suốt mọi sự, Đấng niêm Ấn tín Thần Linh nơi Anh và anh em Dòng, bằng cách cho Anh và anh em Dòng được nên giống Chúa Kitô khổ nạn hơn.

 

Ấn tín Thần Linh thứ hai: Anh Cả đã biến ngục tù thành vùng trời yêu thương. 

 

Đối với một con người thánh đức như Anh Cả thì bất công và ngục tù chẳng những không vùi dập được Anh, khiến Anh uất ức và hận thù ghen ghét, trái lại, Anh còn có thể biến dữ thành lành, biến ngục tù thành vùng trời yêu thương nữa, thành cánh đồng truyền giáo chưa từng có. Đúng thế, khi vừa nhập trại tù Z 30, các tù nhân chính trị bị nhốt tại đây coi thường Anh Cả, vì họ đọc trong báo chí và xem truyền hình về vụ án ĐC thấy có nhiều vu khống, chụp mũ, bịa đặt mà họ tưởng thật. Nhưng sau một thời gian, họ nhận ra là họ bị lầm vì những bịa đặt đó. Họ lại tỏ ra kính trọng và hết mình mến phục Anh, khi thấy được đời sống hòa đồng bình dân của Anh, một vị lão thành có lòng bác ái yêu thương qua các việc làm cụ thể của Anh, cả cho chung cũng như cho riêng, bao gồm hết mọi thành phần, không trừ ai, hết mọi tôn giáo, kể cả các cán bộ, về đủ mọi phương diện, ăn uống, vệ sinh, sức khỏe, giải trí v.v.

                                                                                            

Đối với chung trại tù, cả trại Z30A và Z30B, hàng tháng Anh tặng cho một con heo, trao cho nhà bếp phân chia đồng đều cho mọi người. Với anh em đạo Cao Đài, Hòa Hảo... ăn chay trường, phần thịt của họ được bán đi, mua thứ khác cho họ dùng. Riêng trại Z30B, Anh tăng cho mỗi tháng một số tiền để nhà bếp cho mỗi người được thêm chút canh, chút thịt ... Ở khu nhà tù, chốn rừng thiêng nước độc, muỗi nhiều như trấu, dù có màn, nhưng muỗi đói tìm mọi cách chui vào hút máu. Cán bộ bác sĩ đã khôn khéo trình bày với Anh Cả, Anh cho liền 500.000 đồng để mua chai thuốc muỗi. Thuốc được hòa tan với nước và 500-600 chiếc màn được nhúng vào. Như thế, muỗi hết cách làm ăn. Công hiệu thuốc kéo dài được 6, 7 tháng.

 

Khi vào tù được mấy tháng, Anh Cả đã cho trại một Tivi hiệu Philippe mầu rất đẹp và một đầu máy chính tay anh Đệ nhờ mối lái đi mua đem vào. Nhân ngày Tết Nguyên Đán đầu tiên trong tù, Anh Cả xin cán bộ trực trại cho phép đi thăm và chúc Tết từng phòng giam các bạn tù. Họ rất xúc động, mến phục vì biết Anh Cả là linh mục Công giáo tốt lành ... Nhận thấy nhiều tù nhân đói khát, không ai thăm nuôi, Anh rất thương họ bất kỳ họ là ai, già trẻ, Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Hòa hảo, sư sãi, linh mục... Những ai đến với Anh hay nhờ chuyển cầu, đều được Anh tận tình giúp đỡ.

 

Anh Cả tỏ lòng thương cách riêng những bạn tù chính trị già yếu, bệnh tật, không người thăm nuôi. Anh an ủi, giúp đỡ họ bằng cách cho họ mỗi tháng một chi phiếu 20.000 đồng (tù nhân không được giữ tiền mặt, chỉ mua bằng tích-kê). Có những người Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo ... cũng đến với Anh Cả, xin giúp đỡ. Anh chia sẻ vật chất và tinh thần cho họ. Một hôm có một bạn tù già yếu, bệnh tật, ốm yếu hấp hối. Một người cùng phòng giam cho Anh Cả biết hoàn cảnh người xấu số. Anh mau mắn giúp cho số tiền mua thuốc và đồ ăn. Ông này lại sức, thoát chết. Sau ít lâu, ông được tha về và được bảo lãnh đi Mỹ, vì trước ông làm cho Mỹ. Một ông khác nữa không được ai thăm nuôi, Anh Cả giúp mỗi tháng 20.000 đồng. Ông bị bệnh, được đưa lên bệnh xá để trị bệnh. Ông nói với đứa cháu muốn xin được Rửa tội. Anh Cả bảo anh Hà đổ nước cho ông và đặt tên thánh là Giuse. Sau mấy ngày, ông được Thánh Giuse rước về trời.

 

Những tù nhân hình sự cũng đến với Anh Cả vào giờ trưa vắng cán bộ trực. Ngoài việc giúp đỡ vật chất, Anh còn ban Bánh Hằng Sống cho họ là Lời Chúa. Anh dạy Giáo lý cho họ và sau cũng được một số trở lại Công giáo. Thậm chí cả các cán bộ cũng đến với Anh. Họ thường đến với Anh Cả ban đêm. Anh nói với họ đường hay lẽ phải, họ đã nhận ra cái xảo trá của ma quỉ và từ bỏ hàng ngũ trở về đường chính. Những người này được Anh giúp cho có công ăn, việc làm và sống lương thiện. Có ít là 4 cán bộ và gia đình trở lại Công giáo. Cũng không thiếu công an ác cảm với Anh Cả, chèn ép đủ thứ, lại còn vu khống cho Anh là giúp tù nhân, cốt ý kéo họ về phe mình... Một anh công an áp chế Anh nhất thì bị gọi về Hà Nội không biết vì lý do gì. Anh này đến với Anh Cả lúc đêm tối, xin tiền hành lý. Vì tấm lòng nhân ái, Anh cho anh công an thất sủng này 500.000 đồng (số tiền khá lớn trong thời gian 1991). Anh nói với anh Hà: “Anh không có ai là kẻ thù”. 

 

Nếu những ai "khi Ta bị ngục tù các người đã đến viếng thăm Ta" (Mathêu 25:36) được "Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa" (Mathêu 25:34), thì những hành động bác ái yêu thương ở trong tù này của chính một tù nhân như Anh Cả chẳng lẽ không phải là những gì hết sức đẹp lòng Chúa hay sao, và vì thế không phải là Ấn tín Thần linh của Ngài ở nơi ngục tù khốn khổ này hay sao? Vì qua tấm lòng yêu thương quảng đại và bàn tay ưu ái phục vụ của Anh, LTXC đã hiện diện và tỏ hiện nơi tâm hồn của những người anh em tù nhân đủ mọi thành phần, đặc biệt là anh em ngoại giáo, nhất là những người anh em cán bộ cộng sản vô thần! 

 

Ấn tín Thần linh thứ ba: Anh em Dòng, đa số trẻ trung và chưa vĩnh thệ, vẫn trung thành với LTĐC, bất chấp gian khổ và gian nguy. 

 

Biến cố khởi đầu vào sáng thứ 5 ngày 15.5.1987 nhằm ngày lễ Thánh Giuse Quản Gia Dòng. Là ngày lễ nghỉ nên anh em chỉ làm công tác cần như làm bếp, đi chợ, hoặc học bài và làm việc tư. Mọi người đang vui chơi  cũng như làm công tác giúp thiện vụ vui vẻ thì nghe tin “khách lạ” đến. Họ xuất hiện mà không báo trước, đòi tham quan và kiểm tra nhà Dòng. 

 

Thế rồi vào khoảng 2 giờ sáng rạng ngày thứ 7 ngày 16.5.1987 anh em được hay tin là bây giờ anh em sẽ tạm di chuyển ra ngoài dân, đi theo từng tốp chừng 3-5 người, và khi bước ra khỏi căn nhà nhỏ này anh em nhận được một ít tiền để về quê tạm thời, các anh khấn được 1000 đồng, anh em đệ tử nhận được 500 đồng. Hầu như mỗi một anh em đều được một anh thanh niên ngoài đời dẫn lối và đi theo ngõ tắt ra khu dân cư, đưa tới nhà dân để tìm nơi an toàn. 

 

Khi ra tới nhà dân, chủ nhà quí mến các thầy nên tiếp đón rất tử tế, họ sợ các thầy đói, nên lo cho các thầy ăn uống, ngủ nghỉ chờ đến sáng rồi hãy về. Nhưng thật ra ai có thể an lòng khi mà mọi người đang lo lắng không biết thế nào. Sau đó anh em tự lo liệu rủ nhau đón xe về nhà quê để tị nạn trong thời gian đen tối mà thần dữ bao phủ nơi mảnh đất thánh thiêng này.

 

Sáng thứ Bảy 16.5.1987, Nhà Mẹ - Nhà 30 gian, có một khoá GĐĐC chuẩn bị Tận hiến thì bị công an lập biên bản và giải tán. Anh Cả được Nhà Nước mời ra Huyện làm việc. Khoảng 12 giờ trưa, công an thành phố phối hợp với công an tỉnh Sông Bé ập vào Nhà Mẹ lần nữa, anh em lại tạm lánh vào phòng kỹ thuật, mãi đến nửa đêm dân chúng tràn vào giải vây cho. Hôm sau Chúa nhật 17.5, dân chúng tứ xứ tràn vào Khu Kitô Vương chuyển đồ đạc, một số tiện dịp hôi của… Chỉ ít ngày sau “Ốc Đảo” bị bình địa, nhà cửa bị tháo gỡ, đập nát, cây cối bị cưa sạch, “Ốc Đảo” chỉ còn là một bãi hoang tàn thê lương!

 

Sáng thứ Hai 18.5.1987 Anh Cả, vì lý do cần phải tìm cách khiếu nại ở Sài Gòn, nên phải rời khỏi nhà cách kín đáo. Cảnh hỗn loạn giữa dân chúng và công an ngày càng sôi bỏng, một vài ngày sau đó một số anh “được mời” vào khám đường Thủ Đức, rồi T 84 ở số 4 đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Các cha tại nhà Hưu Dưỡng và các anh còn lại ở khu Thánh Gia bị dồn ra Nhà Cá. Toàn bộ khu Kitô Vương, Nhà Mẹ, tu viện Thánh Gia, khu Hưu Dưỡng bị nhà nước chiếm giữ.

 

Màu tang chế bao trùm toàn Dòng. Tương lai Mẹ Dòng ở vào tình trạng bấp bênh. Anh em còn lại ở các tu viện chia nhau đi nhiều nơi lập tổ để giữ ơn gọi của Dòng và cho Dòng. Vì sống dưới chế độ mới không nơi nào được phép sống chung đông đảo và ai ở đâu cũng phải có hộ khẩu để Nhà Nước kiểm soát. Anh em phải ly tán khắp nơi, sống trong vô vọng, trốn chạy ngược xuôi trên khắp mọi miền đất nước, lẩn sâu vào các rừng rẫy, tạm trú ở nhiều gia đình, tự lo kiếm sống cho bản thân mình bằng nhiều thứ công việc mà trước đây chẳng anh em nào dám nghĩ tới! Một số anh không gặp được anh em để liên lạc, các tin tức về Dòng và anh em coi như biệt âm vô tín. Số khác trong Đội tìm cách vượt biên ra nước ngoài, sang nhập vào tu bên Nhà Chi Dòng, như các anh Trần Thế Mạc và Đào Trung Đan. Phần đông trong biến cố đau thương này, anh em vẫn kiên trì theo đuổi ơn gọi ĐC của mình, bất chấp gian lao, thử thách, tù đầy bắt bớ. Nhưng có một số anh em tháo lui bỏ cuộc, vì tình thế phải chiến đấu với nhiều mặt, nhất là về mặt tình cảm phụ nữ.

 

Giữa cảnh trốn chui trốn lủi như thế, anh em còn phải đương đầu với bao khốn khó: Bằng các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, đài phát thanh, cùng các loa phóng thanh địa phương, Nhà Nước kêu gọi anh em Đồng Công ra trình diện và rêu rao bêu xấu Hội Dòng với các tội danh “động trời”!...  Cùng với Nhà Nước, nhiều linh mục và nhiều người thân quen cũng lo lắng ra mặt, giục giã anh em hãy ra trình diện để được “khoan hồng.” Nhiều anh em đã không còn tìm được nơi ẩn thân quá vài ngày nên đã phải tìm đường đi ra nước ngoài.

 

Riêng anh em Tập sinh XII đợt thứ 5 được tung vào đời như những thai nhi thiếu tháng, một đứa con đẻ non trong cảnh nhà tan cửa nát, anh em chia lìa! Cùng với Mẹ Dòng, mỗi Tập sinh chập chững bắt đầu cuộc hành trình bước vào sa mạc thử thách, sống kinh nghiệm những ngày đau thương khốn khó, như đàn gà con mất mẹ, đàn chiên vắng bóng chủ chăn, tản mát khắp nơi khắp chốn: kẻ lên rừng, người xuống bể, người ra phố thị, kẻ khác lại lui về ẩn mình trong nương rẫy; lúc thì ở gia đình, khi khác lại trú ẩn tạm nơi anh em họ hàng thân thuộc… Tất cả chỉ muốn tìm sự bình an, yên ổn để bảo tồn ơn gọi. 

 

Trước mắt thế gian, nhất là phía chính quyền, họ coi anh em là những kẻ có tội, là những kẻ chiến bại, vì thế mà họ lùng sục bắt bớ hết nơi này đến nơi khác. Do đó, một số anh em dù đã về đến gia đình hoặc đã tìm trú ẩn nơi nương rẫy hết sức kín đáo mà cũng vẫn bị bắt như các anh: Vỹ, Chấn, Giảng, Tuynh, Chánh, Trụ… Nên anh em họ hàng, thân bằng quyến thuộc đều sợ hãi không muốn tiếp đón nữa vì họ sợ liên lụy “Thôi mời ông đi… cho gia đình chúng tôi xin hai chữ bình an!”

 

Tệ hơn nữa là biết bao lời bình phẩm chê bai từ phía chính quyền,… gởi bóng gió tới anh em. Đau khổ và tủi nhục nhất cho anh em là thái độ ghẻ lạnh của một số ít vị hữu trách trong Giáo Hội, lẽ ra phải nâng đỡ thì ngược lại khích bác khinh khi Đồng Công, hoặc nhắm mắt làm ngơ một cách lạnh lùng, như đứng trước một con chiên ghẻ không dám chứa chấp, không dám đến gần. Từ đó làm cho một số anh em hoang mang, dao động chán nản đến nỗi trong một ít trường hợp cảm thấy hổ thẹn ơn gọi là một thầy Dòng Đồng Công.

 

Bởi lẽ đó một số anh em phải trốn chạy ra đất khách quê người để tránh sự săn lùng của Nhà Nước hay để tránh sự khinh khi ruồng bỏ của người đời. Quả thật trong nỗi niềm đau thương bi đát này, anh em Tập sinh Đội XII lớp thứ 5 đang cảm nghiệm dần dần mối phúc thứ tám: “Phúc cho ai bị bách hại vì sự công chính…” (Mathêu 5:10), và như lời thánh Phaolô: “Với họ, thế gian đã chẳng xứng, nên họ lang thang trong chốn hoang vu, trên núi non, nơi hang sâu, trong hầm đất…” (Do Thái 12:38).

 

Đối với anh em Đội XII đợt thứ 6, để giữ được ơn gọi mới là Đệ Tử sinh Đồng Công bấy giờ, họ cũng phải trả giá rất đắt, về mặt tinh thần cũng như vật chất. Ngay cả một số linh mục nghe ở đâu có người Đồng Công là các ngài không muốn liên hệ gì. Thậm chí anh em muốn về nhà Dòng (Nhà Cá) để thăm các anh cao niên và để lấy lại chí tu cũng khó khăn lắm. Còn những anh đi ở tổ thì gian khổ hơn vì phải tự lập để giữ ơn gọi. Cho tới  ngày 8.12.1991 là ngày họ vào Tập Viện, nhưng có một điều thật đáng ghi nhớ và buồn cười, đó là trong nghi thức anh em mặc áo toàn là Áo Dòng đi mượn; nhỏ, to, dài, ngắn, nhăn nheo anh em đều mượn hết… Kể từ đó trở đi anh em đội này chẳng mặc áo dòng bao giờ vì có may kịp đâu. Giả như có may Áo Dòng kịp thì cũng chẳng được mặc, vì đi lễ âm thầm ở các giáo xứ gần đấy, đến nỗi đi lễ còn phải mặc đồ công tác để cải trang, nói chi đến chuyện mặc Áo Dòng thì xa xôi quá.

 

Đa số các lớp tu rừng, khi ở vườn nhà ai thì chăm lo coi sóc, tưới tắm, thu hoạch ruộng vườn cho gia chủ, để gia chủ khỏi phải mượn người ngoài làm, kẻo sẽ bất an, nên công việc làm không xuể, nhưng bù lại Chúa và Đức Mẹ thương ban cho anh em ai nấy đều hăng say với lý tưởng, luôn chu đáo trong công việc bổn phận, nên mọi người dân xung quanh cũng như gia chủ đều thương mến.

 

Mặc dầu Anh Cả đã bị bắt cầm tù và thời thế còn rất khó khăn, tưởng chừng những hoạt động tông đồ và ơn gọi của Dòng không còn hy vọng gì nữa. Vì vậy các lớp khấn tiếp theo sẽ không còn được tiếp nối. Nhưng tin cậy vào sự quan phòng đầy yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa và Mẹ Maria, các anh em linh mục Dòng đã đi lên các xứ thuộc địa phận Xuân Lộc để thành lập các Tổ Đồng Công tu chui, như Tổ Túc Trưng, Tân Yên, Võ Dõng, Giang Điền, Đồng Phát, Tân Thành và âm thầm tiếp tục nhận ơn gọi Đồng Công.

 

Thật là lạ lùng khi thấy được một Hiện Tượng Đồng Công, ở chỗ, trong khi Đấng Sáng Lập Dòng và vị đã được Ngài chọn kế vị là Anh Xuân đều bị tù, nhất là Anh Cả bị chung thân rồi 20 năm, chẳng còn thấy chân trời hy vọng của Hội Dòng ngài lập đâu nữa, ấy thế mà giới trẻ, mới là đệ tử sinh, tập sinh hay khấn sinh hạn thệ, vẫn trung kiên với LTĐC với bất cứ giá nào. Đúng là một Ấn tín Thần linh!

 

Ấn tín Thần linh thứ bốn: Sau khi Anh Cả được thả về Dòng càng gia tăng ơn gọi hơn bao giờ hết.  

 

Có điều rất lạ: tình hình rất khó khăn về tinh thần, vật chất và an ninh, thế mà nhiều trang thanh niên cứ ào ào xin “tu rừng”. Bởi thế nên ngay trong thời gian tu chui này đã có thêm các lớp Đội 127, 128  rồi lại lớp 13 nữa, kỷ niệm ngày Anh Cả ra khỏi tù 18.5.1993. Sau khi Anh Cả ra khỏi tù lần thứ 2 năm 1993, giới trẻ càng tìm đến Dòng Đồng Công, đến độ, vào đầu thế kỷ 21 hay thiên kỷ thứ 3 Kitô giáo, lớp khấn XVII lên tới trên 100 anh em, khiến Nhà Dòng không còn đủ chỗ, họ phải ở các nhà thuê khác nhau bên ngoài Nhà Dòng, dù Anh Cả từ năm 1995, sau 2 năm Anh ra khỏi tù lần thứ 2, đã lấp ao cá xây thêm nhà cho anh em Dòng bấy giờ, nhưng không ngờ anh em Dòng càng gia tăng tới cả 500 - 600 người ở Thủ Đức. 

 

Lớp XVII ra đời giữa lúc thời gian mới bước vào thiên niên kỷ thứ III. Trụ sở là một ngôi nhà nhỏ tại 164/4 Ấp Khiết Tâm, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngôi nhà trọ nhỏ bé này, anh em khắp ba miền Bắc, Trung, Nam những người ôm ấp lý tưởng tu Dòng Đồng Công sẽ được đáp ứng, để triển nở trong ơn gọi thánh thiện ĐC này. Hồi ấy anh em lớp XVI Đội Mẹ Hoà Bình, đã được đổi tên và chuẩn bị Tận hiến vào Tập viện. Nhưng Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy nhiều tâm hồn thiện chí tới xin tu mỗi ngày một đông, nên lớp XVII dần dần đã được hé mở và hình thành trong một hoàn cảnh khá đặc biệt.

 

Với những ngày, tháng, năm ấy, tiếng Chúa soi động cho nhiều anh em tới xin tu ngày càng đông đúc, đến nỗi căn nhà nhỏ bé ấy không còn sức chứa nổi nữa. Ngày 15 tháng 06 năm 2001, ngôi nhà thứ hai tiếp theo được trở thành nhà cho anh em Đệ tử trọ mang tên nhà 1, “Nhà Mẹ Thiên Chúa” tại địa chỉ: 69 khu phố 3, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, gần nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang.  Mỗi ngày các tâm hồn thiện chí tới xin nhập tu rất nhiều, nên ngôi nhà trọ này cũng không sao chứa hết được. Một tháng sau phải thuê thêm một ngôi nhà trọ thứ ba để nhận thêm người vào tu. Ngôi nhà này mang tên nhà 2 đệ tử, “Nhà Mẹ Dâng Con”. Sau đổi thành nhà Đức Tổng Thần Micae, được thành lập ngày 15 tháng 07 năm 2001, địa điểm tại: 59/3 Bình Đường III, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

 

Dù hoàn cảnh khó khăn phải đi thuê nhà trọ để ở như vậy, nhưng ơn gọi Đồng Công vẫn ngày một tăng lên, nhiều người tới gõ cửa xin tu đến nỗi ba ngôi nhà trọ ấy vẫn không sao đón nhận hết. Cuối cùng các anh có trách nhiệm đã tìm thuê một ngôi nhà trọ nào lớn có thể chứa được đông người, có thể đón nhận hết những tâm hồn thiện chí muốn sống theo lý tưởng đại thánh Đồng Công. Chỉ sau hai tuần lễ đã gặp và thuê được một ngôi nhà trọ rộng rãi đủ sức chứa được khoảng trên 40 người, vượt hẳn hai nhà thuê trước. Ngôi nhà trọ thứ tư này được mang tên nhà 3 Đệ tử với danh hiệu “Nhà Ba Giuse” được thành lập ngày 29 tháng 07 năm 2001. Địa điểm tại: 50A/3 Bình Đường III, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

 

Tuy rằng phải rời chỗ ở như vậy, nhưng những chú Đệ tử mới bắt đầu đời tu đã tỏ ra nhiệt tình thật hăng say, sẵn sàng lên đường mau mắn. Tạm biệt nơi nhà trọ cũ tới nhà trọ mới được nâng lên làm nơi đào tạo những tu sĩ Dòng Đức Mẹ Đồng Công sau này. Đó là điều mà các Bề Trên cùng mong muốn. Thấy tình hình khó khăn về an ninh không ổn định, như biến cố 11 giờ đêm ngày 18 tháng 12 năm 2001 nên anh Giám tập quyết định chuyển địa điểm khác, rút anh em sang Bình Đường để cho thuận tiện hơn. Vì thế, nhà 1 tại 69 khu phố 3, phường Linh Đông, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh trả lại chủ nhà trọ, và thuê nhà cho anh em tại 71/3 Bình Đường 3, An Bình, Dĩ An, Bình Dương.

 

Vào thời kỳ từ tháng 02 đến tháng 11 năm 2001 có thể nói là thời kỳ vàng son hoặc mùa hoa nở rộ của lớp XVII. Vì chỉ trong vòng chín tháng trời mà anh em tới xin nhập tu đã lên tới con số đáng kể: 131 anh em. Với con số ấy đến ngày 21 tháng 11 năm 2001 đã có 92 anh đệ tử được tận hiến nhân dịp kỷ niệm 60 năm Dòng Tận hiến cho Mẹ Maria, còn 39 anh đã rút lui khỏi dòng. Kẻ đi thì người đến. Vẫn có nhiều người tới xin tu. Thế rồi, với tấm lòng rộng mở anh Giám đốc đệ tử tiếp tục nhận thêm 15 người. Vậy là con số anh em Đệ tử lại hơn 100 người (107 người). 

 

Theo dòng thời gian, lớp XVII đã được Mẹ Dòng cưu mang trải qua các giai đoạn Đệ tử, Tiền tập, Tập viện và ngày Khấn 21.11.2003 là ngày đội XVII chính thức sinh ra trong gia đình Mẹ Dòng Đồng Công. Một lớp khấn thật đặc biệt vì được sinh ra trong năm kỷ niệm 50 năm Thành Lập Dòng, trong một giai đoạn cá biệt của Dòng khi Đấng Sáng Lập dù tuổi đời đã cao (97 tuổi), vẫn tiếp tục hướng dẫn đoàn con Mẹ Đồng Công hướng đến lý tưởng đại thánh qua việc trở nên những người con yêu dấu của Mẹ và những Tông đồ của Trái Tim phép tắc từ bi Mẹ. Một lão già gần 100 tuổi, mang tiền án cả nước biết, mà còn có sức thu hút giới trẻ hơn ai hết, một giới trẻ lại bất chấp tất cả mọi bần cùng thiếu thốn bất tiện của Dòng, cứ vui sống theo đường lối huấn thánh "vào qua cửa hẹp" hơn là "đường rộng" (Mathêu 7:13) được Vị Sáng Lập này linh hướng theo LTĐC thì chẳng lẽ không phải thực sự là “việc lạ lùng trước mắt chúng ta” do Chúa làm (TV 118:23), từ phiến đá QP bị Nhà Nước cộng sản VN loại bỏ với bản án chung thân năm 1987 trước đó hay sao? Đúng là một Ấn tín Thần linh!