Sinh Hoạt Sống Đạo

 

 

Thân Hữu Đồng Công

(2015-2021)

 

 

Đồng Công: Những Ấn Tín Thần Linh

(Đồng Công 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng)

 THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh

Cảm Nghiệm Đồng Công - Hậu chấn từ Kỷ Yếu "Đồng Công: Mùa Gặt Thương Xót"

 

Nội Dung

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Thai Sinh: Hoài Thai 1941 và Khai Sinh 1953 

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Nẩy Sinh sau cuộc Di Cư 1954

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Phát Sinh sau cuộc Vượt Thoát 1975

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Hồi Sinh sau cuộc  Khổ Nạn 1987 - 1993 

Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Trổ Sinh sau cuộc Tử Giá 2006 - 2007

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công: Một Sản Phẩm của Lòng Thương Xót Chúa

  

 

 

 

Những Ấn Tín Thần Linh 

3- Đồng Công Phát Sinh sau Cuộc Vượt Thoát 1975

  

Ấn tín Thần linh nơi linh tính của Đấng Sáng Lập

                                             

Người Việt hải ngoại nói chung và Cộng đồng Công giáo Việt Nam nói riêng không thể nào phủ nhận được sự kiện Hội Dòng Đồng Công là một hội dòng đông nhất trong các dòng tu, điển hình nhất là Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Đaminh, Dòng Trinh Vương, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm v.v. từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, ngay từ năm 1975 chứ không phải sau này mới đông lên như thế. So với các linh mục và chủng sinh triều cũng vậy, tổng số các vị cũng không thể nào vượt qua được con số 170 tu sĩ Đồng Công năm 1975. Thậm chí thành phần tu trì, cả nam lẫn nữ, từ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 1975, bao gồm cả con số tu sĩ của các dòng tu lẫn các vị linh mục triều và anh em đại chủng sinh có cộng lại cũng vẫn không bằng lực lượng hùng hậu anh em tu sĩ Đồng Công bấy giờ, trong đó có 7 vị linh mục, với đa số là tu sĩ trẻ, vừa vĩnh thệ vừa hạn thệ.

 

Bởi đâu lại có một Hiện tượng Đồng Công ở Hoa Kỳ từ năm 1975 như thế? Xin thưa, bởi đó là một Ấn tín Thần linh của Đấng Quan Phòng Thần Linh, Đấng đã tác động tâm trí của vị Sáng Lập Hội Dòng này trong việc sai anh em Dòng của ngài ra "đi để giữ lấy Dòng và để truyền giáo". 

 

Thật vậy, từ sau Tết Ất Mão - 1975, không biết số phận của đất nước ra sao, trong khi tại miền Nam Việt Nam chiến sự ngày càng chuyển biến khốc liệt hơn, Anh Cả có linh tính chắc chắn rằng sẽ mất nước! Do đó, Anh đã hoạch định cho anh em Dòng rời khỏi đất nước bằng đường thuỷ - với “một lòng cậy trông táo bạo, một niềm phó thác liều lĩnh”. 

 

Ngày 14.3, thấy Cộng quân ồ ạt tiến đánh vùng Tây nguyên, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bàn bạc với các tướng tá quyết định bỏ ngỏ vùng này, vì không đủ khả năng bảo vệ, sự kiện này dẫn đến cuộc di tản, nói đúng hơn là chạy giặc.

 

Ngày 15.3.1975, công việc xây cất Nhà Mẹ ở Thủ Đức dừng lại. Anh Cả cho lệnh báo cho anh em miền Qui Nhơn, Lương Sơn, Đà Lạt, Di Linh khẩn cấp di tản về Thủ Đức. Anh em các nơi này hòa nhập theo làn sóng thường dân, cùng với quân đội ồ ạt tháo chạy tràn lan như nước vỡ bờ. Họ từ các tỉnh miền Trung cuốc bộ gồng gánh, tay xách nách mang, hoặc di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào có thể với tâm trạng lo âu, hoảng hốt, sợ sệt… hướng về phía Sài Gòn, Vũng Tàu.

 

Cuộc di tản vĩ đại đầy hoảng hốt và hoảng loạn chưa từng thấy từ miền trung, bao gồm cả vùng cao nguyên, chỉ vì mới nghe tiếng "việt cộng vào", chứ chưa thấy họ xuất hiện, đã phát sinh nên những trại tỵ nạn chiến tranh (cũng gọi là trại Tiếp Cư). Toàn thể các trường trung, tiểu học, ký túc xá từ Vũng Tàu tới Sài Gòn, trường Đồng Công, nhà 30 gian ĐC, rừng cao su cạnh trại gà Thiện Chí Đồng Công, trường mẫu giáo Mẫu Tâm của các Chị Trinh Vương… tắt rằng bao nhiêu cơ sở là bấy nhiêu trại tiếp cư. Dân tỵ nạn sống nhờ hảo tâm của các công ty, các phái đoàn, các tổ chức đến giúp đỡ. Chính một số anh em Dòng cũng tham gia vào ban điều hành mấy trại gần nhà.

 

Thấy tình hình chiến sự của đất nước biến chuyển nguy ngập, Anh Cả họp Tổng Hội Đồng, Anh bày tỏ: “Vừa rồi Anh đã đi dò hỏi nhưng chẳng ai biết gì về số phận đất nước mình. Anh cứ nghĩ sắp mất nước rồi!... Anh đã có kế hoạch cho anh em Dòng xuất ngoại bằng đường thủy trên những con tàu đánh cá lớn do em Trị sắp xếp. Anh em không được cho bất cứ một người nào biết Anh sẽ không đi, bởi nếu anh em biết, nhiều anh em cũng sẽ ở lại với Anh. Anh em phải đi để giữ lấy Dòng…, Anh cho rằng đây là lúc Chúa, Đức Mẹ muốn cho chúng ta có dịp xuất ngoại…

 

Bởi trước kia khoảng năm 1964, 1965 Anh Cả đã muốn cho Dòng có một cơ sở ở ngoại quốc, nên ngày 20.9.1967, Anh Cả và Hội Đồng Cố Vấn chấp thuận cho 2 anh Inhaxiô M. Lê An Đại (Lk I) và anh Matthêu M. Phạm Văn Hóa (Lk II) du học Rôma, trong đó chủ đích nhờ anh Hóa đi để kiếm cho Dòng một trụ sở tại Rôma, nhưng anh Hóa đã bó tay. Sau nữa vào năm 1971, văn phòng Hội Đồng Tổng Quản dòng giới thiệu thông cáo số 09/GT/ĐCS, Anh Cả ký ngày 15.4.1971, có mục: Hội Đồng chấp thuận cho du học tại Hoa Kỳ 2 anh Stêphanô M. Phạm Cao Đích và Piô X M. Trần Long Chu, cả 2 anh cùng lớp khấn VIII, cũng ngầm ý đi để tìm chỗ lập cơ sở cho Dòng tại Hoa Kỳ, nhưng khi đó chính phủ bác đơn xin xuất ngoại của 2 tu sĩ chúng ta!       

 

Mặc dầu tâm hồn Anh đau đớn, Anh cứ quyết định tìm nơi bờ biển Phước Tỉnh để cứu thoát anh em. Sau nhiều lần đi lại, Chúa, Mẹ cho thuê được một dẫy nhà rộng lớn và mượn thêm được một số nhà gần bên. Theo thông lệ mỗi tháng hội Dòng dành Chúa Nhật đầu tháng, các tu viện, khu, sở nghỉ việc để hồi tâm sau một tháng làm việc. Nhưng hôm mùng 5 tháng 4 lại là ngày thứ Bảy, Anh Cả phát lệnh đặc biệt: Toàn thể anh em vùng Thủ Đức hồi tâm – tất nhiên cấm trại tuyệt đối! Để rồi, tới giờ đã được sắp xếp và ấn định, sau bữa trưa, anh em Dòng cấm trại tĩnh tâm hôm ấy bỗng nhiên thấy 5 chiếc xe đò Đức Hòa theo nhau kéo vào đậu trong khuôn viên đệ tử viện chực sẵn. 

 

Thế rồi chúng chở khoảng trên 300 anh em khấn với một số cộng sự viên, và một xe nhỏ của khu Khiết Tâm (thuộc nhà in Sao Mai), cuối hết là xe Anh Cả khởi hành trực chỉ nhà nghỉ mát của dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán tại Phước Tỉnh thuộc tỉnh Bà Rịa. Đoàn xe đổ anh em xuống đây, mặc dầu các Dì chỉ cho anh em trú nhờ một tuần lễ, bởi trước đây các Dì đã nhận lời cho một dòng nữ ngoài Trung vào trọ… Hết một tuần, các Dì Dòng Mến Thánh Giá báo: Các cha, các thày cứ ở! các chị dòng kia đã kiếm được chỗ trọ khác.

 

Thật ra, theo dự tính bí mật, toàn thể anh em dòng, bao gồm luôn Anh Cả, tính ra đảo Phú Quốc ngay chiều hôm đó, rồi chờ ở đảo này cho tới khi miền nam bị cộng sản miền bắc hoàn toàn “giải phóng” thì chạy sang lánh nạn ở các nước láng giềng toàn là Phật giáo, vừa để tỵ nạn vừa để giảng đạo, với niềm hy vọng hồi hương sau một thời gian thôi. Nhưng mọi sự đã được Thiên Chúa an bài cho lợi ích của những ai tin vào Ngài (xem Roma 8:28), ở chỗ, vị tỉnh trưởng Phước Tuy bấy giờ là đại tá Nguyễn Văn Thường thuộc ngành công binh, đột nhiên ra lệnh thuyền nào rời bến sẽ bị bắn. Thế là anh em dòng bị kẹt lại cho đến thời điểm vượt thoát thiên định là Chúa Nhật 27/4/1975.

 

Tại Phước Tỉnh, anh em ở đây được dặn bảo, không ai được ra khỏi khu vực này để tránh thêm nhộn nhịp cho địa phương. Anh em, ai cũng biết mục đích tạm trú tại Phước Tỉnh là chờ ngày giờ xuống thuyền ra khơi... Trong mấy ngày Anh Cả ở đây với anh em, một lần Anh hội chung anh em, nhấn mạnh về tinh thần bác ái đùm bọc nhau, dù no, dù đói hãy cố thương nhau.

 

Cũng trong thời gian này, Anh đã dứt khoát quyết định ở lại Việt Nam với một số anh em dòng, không đi đâu nữa, để dòng vẫn còn tiếng nói với hội đồng giám mục Việt Nam. Ngoài ra, Anh cũng cho biết sở dĩ Anh cho thành phần tu sĩ trẻ của dòng đi, từ Đội IX mới khấn trọn năm 1973 đợt IXA, đến Đội XI mới khấn tạm lần đầu năm 1974, vì họ “ở Việt Nam sẽ mất đức tin” dưới chế độ cộng sản, nên cần phải đi, nhưng Anh không muốn anh em dòng sang Hoa Kỳ, vì “sang Mỹ là mất đức tin”. 

 

Chính vì Anh nghĩ đến chuyện “giữ lấy Dòng và truyền giáo” mà Anh chẳng những ưu tiên cho thành phần tu sĩ trẻ đi, nhất là cho thành phần tu sĩ đang học thần học và triết học để làm linh mục đi. Thậm chí vì tính cách quan trọng trong việc “giữ lấy dòng và truyền giáo” là sứ vụ bất khả châm chước của dòng, dù dòng ở bất cứ nơi đâu và ở vào bất cứ thời điểm nào, mà Anh đã truyền lệnh phải ra đi theo lời khấn tuân phục.

 

Anh Cả đã cắt đặt và mua được 6 chiếc tầu lớn, mỗi tầu chứa được 50 người, nhưng Anh chỉ định mỗi tầu 30 anh em thôi cho vừa nhẹ vừa dễ chạy, rồi Anh phát thuốc, phát đồ ăn uống đầy đủ cho tất cả anh em. Tuy cảm thấy rất buồn khi phải chia ly với hơn một nửa anh em dòng thân yêu, không biết cho tới bao giờ mới gặp lại nhau, Anh cũng có phần vui vì có một số đông anh em sẽ giữ được tinh thần Dòng, tức là Dòng Đồng Công sẽ được tồn tại và bành trướng nơi nước ngoài. Anh và những anh em còn ở lại quê hương chỉ mong được phúc tử đạo thì may mắn biết bao, nếu không cũng chỉ mong chết dần, chết mòn cho đến hết thì thôi.

 

Anh Cả trao phó đoàn em cho Anh Gioan M. Đoàn Phú Xuân (Lk II), rồi sau Anh Xuân mắc trở. Anh Cả cậy nhờ anh Inhaxiô M. Lê An Đại (Lk I) thay Anh giúp đỡ anh em trong cuộc di cư này. Anh Đại nhắm mắt xin vâng gánh vác sứ mạng thật nặng nề, thật khó khăn là dẫn đưa anh em đến một nơi vô định, để hoàn toàn thuận hợp với niềm “phó thác liều lĩnh” của Vị Sáng Lập Dòng – Anh Đaminh M. Trần Đình Thủ. Anh Cả ở Phước Tỉnh mấy ngày rồi trở về Thủ Đức. Trong thời gian anh em còn trọ tại Phước Tỉnh, Anh Cả có ra thăm các em của Anh 2 lần nữa. Đúng là lúc này, Anh Cả như người mẹ mất con! Lòng Anh đau xót đến cỡ nào chỉ mình Thiên Chúa biết…!

 

Ấn tín Thần linh nơi lời tiên báo của Đấng Sáng Lập

 

Vào lần thứ hai trong 2 lần Anh Cả xuống thăm anh em Dòng ở Phước Tỉnh để trấn an họ, đang khi họ tỏ vẻ thất vọng và chán nản nhất, ở chỗ, trong khi chính mắt của họ thấy được quả thật có các tầu của Mỹ ở xa xa ngoài hải phận quốc tế, nhưng tai của họ lại nghe radio cho biết Mỹ chỉ đón 100 ngàn người làm cho Mỹ thôi, Anh Cả đã chẳng những trấn an họ: "Các em đừng lo, khi CS vào, các em cứ chạy ra hải phận quốc tế, thế nào Mỹ họ cũng đón", mà còn phải chính thức dùng thẩm quyền bề trên của mình, lần đầu tiên cũng là lần duy nhất, để truyền lệnh theo lời khấn vâng lời rằng: “Các em ra đi để giữ lấy dòng và để truyền giáo”. 

 

Khi ban phép lành cho anh em, Anh nghĩ có thể sẽ là lần sau cùng chia lìa anh em, và không bao giờ gặp lại nhau nữa, nên tim Anh se lại, vô cùng đoạn trường như đứt ruột gan của Anh ra vậy. Nhưng Anh cũng có phần vui và thỏa mãn vì có số đông anh em sẽ giữ được luật lệ Dòng, giữ được Tinh Thần Dòng, tức là Dòng Đồng Công sẽ được tồn tại và bành trướng, lớn mạnh nơi hải ngoại.

 

Sau bữa tối Thứ Bảy 26.4.1975, khi hay tin tỉnh Bà Rịa bị Cộng quân pháo kích, cắt đứt giao thông Sài Gòn - Vũng Tàu, anh em Dòng đang trọ ở Nhà Nghỉ Mát của Dòng MTG Chợ Quán vội xuống thuyền... nhưng sau đó lại trở về ngủ qua đêm. Sáng Chúa Nhật 27.4.1975 sau Thánh lễ, anh em đã dứt khoát kéo nhau xuống thuyền để sang Bến Đá.

 

Tuy nhiên, Anh Em Dòng và dân chúng bấy giờ sang Bến Đá không phải chỉ để vượt thoát cộng sản đã xuất hiện ở vùng của họ, mà còn vượt thoát chính quân đội của mình nữa. Bởi vì, các thuyền, vì không dám cho anh em quân đội lên thuyền để đi theo lệnh của h, đã bị chính họ bắn, đến độ tất cả mọi người đã lên thuyền bấy giờ đều phải nằm sát xuống sàn thuyền, bên dưới mạn thuyền, để tránh bị tử thần vụt tới từ họng súng quân mình chộp mạng. Cũng may, không thuyền nào bấy giờ bị giữ lại hay có ai trong thuyền bị thương hay bị chết.

 

Cho dù có vượt thoát cả cộng sản và quân đội của mình ở bên Phước Tỉnh chăng nữa, sang đến Bến Đá họ cũng không thoát được cộng sản, như thể họ vừa bị cộng sản đuổi từ Phước Tỉnh vừa bị họ chặn đầu ở Bến Đá vậy. Ở chỗ, chính trưa hôm ấy, khi thấy Bến Đá bị pháo kích bốc khói đen ngùn ngụt lên trời, các thuyền chở Anh Em Dòng cùng các thuyền khác liền rời bến, Bến Đá, đ ra khơi trực chỉ hải phận quốc tế. Quả nhiên, anh em dòng và dân chúng đã được tầu vớt, đúng y như Anh Cả đã tiên đoán, khi trấn an anh em dòng đang nản chí ở Phước Tỉnh: "Các em đừng lo, khi CS vào, các em cứ chạy ra hải phận quốc tế, thế nào Mỹ họ cũng đón". Đúng là lời tiên tri! 

 

Như thế, có thể nói, chính cuộc pháo kích của cộng quân lúc ấy là tiếng súng lệnh lên đường của những người Việt miền Bắc, tập trung sinh sống ở cả Phước Tỉnh lẫn Bến Đá, đã từng di cư vào Nam 21 năm trước để tránh nạn cộng sản, lại phải di cư một lần nữa, không phải là từ Bắc vô Nam như năm 1954 mà là từ trong nước ra hải ngoại, không biết cho tới bao giờ mới hồi hương, quê hương đất nước Việt Nam yêu dấu của mình.

 

Đúng thế, sự kiện Anh Em Dòng Đồng Công ra đi từ đầu tháng tư, chứ không phải khi "nước đến chân mới chạy" vào cuối tháng 4 như hầu hết mọi người, mà tính cách bỏ nước ra đi của Anh Em Dòng Đồng Công là một cuộc Vượt Thoát, vượt thoát sự chết cộng sản mà vào sự sống đức tin truyền giáo. Do đó, họ không tháo chạy mà là xuất hành, là lên đường theo sứ vụ đặc biệt của mình, biến thời cơ quốc biến thành cơ hội truyền giáo, y hệt những gì đã xẩy ra ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, thời Giáo Hội ở Giêrusalem sau khi Phó tế Stephanô bị sát hại, đã được dịp vươn ra khỏi biên giới Thành Giêrusalem là giáo đô Do Thái giáo, trở thành Giáo Hội Công giáo cho toàn thể muôn dân và cho đến tận cùng trái đất, cho đến bây giờ và cho tới ngày cùng tháng tận của mầu nhiệm cánh chung (xem Tông Vụ 1:8; 8:1,4).

 

Ấn tín Thần linh nơi vị cứu tinh và nơi môi trường tông đồ truyền giáo ở Hoa Kỳ

 

Đồng Công Vượt Thoát là một sự kiện lịch sử, một biến cố về Hội Dòng Đồng Công, hơn là một giai đoạn lịch sử, bao gồm nhiều biến cố khác nhau, như giai đoạn Đồng Công Thai Sinh hay Đồng Công Nẩy Sinh. Tuy nhiên, sự kiện lịch sử Đồng Công Vượt Thoát năm 1975 này quả thực là một Ấn tín Thần linh cả thể và vĩ đại trước mắt chung Người Việt Hải ngoại và riêng Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ. Và chính vì biến cố anh em Đồng Công sang Mỹ với một lực lượng đông đảo và hùng hậu như vậy là một Ấn Tín Thần linh, mà Đấng Quan Phòng Thần Linh cũng đã tiếp tục ở với họ, cho dù họ ở đã cách xa quê hương của họ đúng nửa vòng trái đất hay đúng 12 múi giờ từ tiểu bang Missouri họ định cư. 

 

Anh em Đồng Công di tản sang Mỹ cuối tháng 4/1975 từ các hải đảo Guam và Wake cuối cùng cũng đã vào được nội địa Hoa Kỳ, và như anh chị em đồng hương tỵ nạn khác được đưa đến 4 trại chuyển tiếp trong nội địa Hoa Kỳ, nhưng anh em Đồng Công, tùy theo hồ sơ được cứu xét, thời điểm sớm muộn và nơi chốn hải đảo xuất phát, đã được đưa đến tạm trú ở 3/4 trại chuyển tiếp, như Fort Chaffee tiểu bang Arkansas, Camp Pendleton tiểu bang California và Indiantown Gap tiểu bang Pennsylvania. Tại đây, nhóm anh em Đồng Công thuộc lớp khấn lớn ở trại chuyển tiếp Fort Chaffee Arkansas rất lo lắng không biết rồi sẽ ra sao với số lượng anh em Dòng đông đảo hùng hậu như vậy: ai dám bảo trợ mình, dù là một Giáo xứ Mỹ, mà nếu phải phân tán mỏng 3-4 hay 5-6 anh em ở một nơi bảo trợ, thì kể như tan Dòng, thay vì "giữ lấy Dòng", và như thế thì mất mục đích… 

 

Chính vì anh em Dòng Đồng Công không thuộc thành phần Người Việt tháo chạy vào "tháng tư đen" 1975 mà là vượt thoát, là lên đường theo sứ vụ cao cả chuyên biệt của mình bởi tác động của Đấng Quan Phòng Thần Linh nơi vị Sáng Lập Dòng của họ mà Ngài đã định liệu sẵn cho họ hết mọi sự, như dân Do Thái sau 40 năm hành trình sa mạc đã vào hoan hưởng vùng Đất Hứa vậy. Và đó là lý do trong chính lúc anh em Đồng Công đầu tiên được đưa đến trại chuyển tiếp Fort Chaffee Arkansas đang lo lắng về số phận tan Dòng ở hải ngoại thì vị cứu tinh của họ kịp thời xuất hiện, đó là Đức Cha Bernard Law, Giám mục Giáo phận Springfield Cap Girardeau tiểu bang Missouri, một giáo phận vừa nhỏ lại vừa nghèo, nhưng lại là vị giám mục, cũng tin tưởng và bác ái yêu thương như Đấng Sáng Lập của họ, đã nhận lời bảo lãnh toàn thể 170 tu sĩ Đồng Công, dù bấy giờ còn nhiều anh em chưa rời khỏi Đảo Guam và Đảo Wake.

 

Cuối cùng nhóm anh em Đồng Công trung ương, (tức ban lãnh đạo anh em Dòng xuất ngoại 1975), từ Đảo Wake, sau 2 tháng rưỡi tạm trú đợi chờ, từ 10/5 - 25/7/1975, đã được đưa đến trại chuyển tiếp Fort Chaffee Arkansas như nhóm anh em Đồng Công đến đầu tiên, để rồi, vì đã được bão lãnh sẵn sàng, nên chỉ trong vòng 2 tuần lễ, sau thời gian cần thiết để hoàn tất thủ tục giấy tờ, nhóm anh em Đồng Công trung ương đã rời trại chuyến tiếp vào chính ngày lễ Quan thày Thánh Đaminh của Đấng Sáng Lập 8/8/1975, rồi từ đó họ về chính một nơi chốn vừa vặn cho con số 170 tu sĩ Đồng Công tỵ nạn của họ.

 

Đó là một tiểu chủng viện thuộc Dòng các Cha Thừa Sai Đức Maria Vô Nhiễm OMI (Missionary Obslat of Mary Immaculate) đã bị bỏ trống mấy năm trước, như để chờ đón đoàn con cái Mẹ Đồng Công và nhường hẳn cho họ, thành phần, theo Ấn tín Thần linh, phải được Tòa Thánh 5 năm sau hợp thức hóa vào ngày 25/10/1980 để trở thành một Tỉnh Dòng, với sứ vụ được Tòa Thánh ủy thác là chăm sóc phần thiêng liêng cho đồng hương Việt Nam ở Hoa Kỳ, để rồi, từ đó, như thực tế cho thấy, từ năm 1978, tức chỉ 3 năm sau khi họ vĩnh cư ở thành phố Carthage Missouri nhỏ bé thuộc vùng trung Mỹ, họ đã biến 40 mẫu đất ở trụ sở Tỉnh Dòng của họ thành một cánh đồng truyền giáo trong mỗi Ngày Thánh Mẫu hàng năm. 

 

Như thế là niềm mong ước của Đấng Sáng Lập nơi họ là "các em đi để giữ lấy Dòng và để truyền giáo" đã hoàn toàn được nên trọn, được ứng nghiệm, đúng như dự án của Đấng Quan Phòng Thần Linh, đến độ, có thể nói Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ là một Ấn tín Thần linh của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại vậy!