HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC
Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)
THĐC Truyền giáo Đồng Công 2022
13- Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ở GP Qui Nhơn
Nếu theo địa dư thì từ Trung Tâm Hành Hương toàn quốc Thánh Mẫu Lavang đến thẳng khu truyền giáo ở Giáo phận Kontum thì gần hơn và tiện hơn đi đến Qui Nhơn rồi lại phải đi ngược từ Qui Nhơn lên Kontum Tây Nguyên Trung phần. Tuy nhiên, phái đoàn THĐC muốn ghé thăm Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, nên phải chấp nhận đi hơi bất thuận một chút. Tại sao? Tại vì đi như thế thuận đường ghé vào thăm được cả Nhà Đá, nơi Nhà Mẹ Đồng Công đã từng ở đó (1966-1972), và đồng thời cũng là sinh quán của vị linh mục THĐC Phạm Ngọc Tuấn, vị linh mục xuất thân từ một gia đình ngoại đạo nhưng đã trở lại và vào dòng Đồng Công năm 1974, để rồi, được Chúa quan phòng cho cùng anh em dòng, dù ngài bấy giờ chỉ là một "đệ tử cồ", sang Hoa Kỳ, và sau một thời gian ở trong dòng, ngài đã xin ra khỏi dòng để học làm linh mục triều, cuối cùng, sau 19 chuyến về Việt Nam và được tác động bởi tinh thần truyền giáo của các vì thừa sai ngoại quốc ở Việt Nam, ngài đã mong ước thành lập một dòng tu, và dòng tu này được Giáo phận Qui Nhơn của ngài chính thức công nhận vào năm 2012, và năm 2022 là đúng 10 năm.
Trong văn bản đầu tiên của người anh em THĐC sáng lập Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương này, người anh em đã tín nhiệm mời gọi em từ năm 2005 liên quan đến bản hiến pháp anh đang soạn dọn, nhờ đó, em mới thấy được động lực chính yếu đã trở thánh ơn soi động thúc đẩy anh lập dòng, như thế này:
"Con cảm mến
sâu xa trước những hy sinh của biết bao nhiêu nhà truyền giáo, sẵn sàng hy sinh
cả mạng sống để đem Tin mừng của Chúa đến quê hương dấu yêu của chúng ta, như
các Cha thuộc Hội truyền giáo Balê, Pháp, các Cha thuộc Dòng Tên, Dòng Phanxicô,
Dòng Đaminh. Noi gương các Ngài chúng con muốn được vinh dự trở thành nhà truyền
giáo để phục vụ dân nghèo vùng sâu, vùng xa và đem nhiều linh hồn về với Thiên
Chúa.
"Từ ơn soi
sáng và linh ứng con nhận được như con đã trình bày, con đã có dịp thăm viếng và
cầu nguyện trước phần mộ của các nhà truyền giáo, những phần mộ chôn tập thể
hằng ngàn giáo dân đã trung kiên với Chúa, hy sinh mạng sống làm chứng cho Đức
Tin. Lòng con nóng bỏng lên và con muốn thưa cùng Chúa: 'Lạy Chúa, này con xin
đến để thực thi ý Chúa' và 'Lạy Chúa xin hãy sai con đi'.
"Con biết rằng con rất bé bỏng, mà còn lại có tham vọng lớn được phục vụ dân nghèo, vùng sâu, vùng xa để lôi kéo nhiều người về với Chúa. Vì thế, nếu Chúa muốn, con muốn thành lập một Hội Dòng có tên là Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương với những điểm chính yếu sau đây..."
"Điểm chính yếu" trước hết của Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương do người anh em Linh mục THĐC Phạm Ngọc Tuấn này, có dáng nét Đồng Công, ở danh xưng "nữ tỳ", biểu hiệu rửa chân và khẩu hiệu "ngồi vào chỗ cuối" của dòng nữ này, một danh xưng "nữ tỳ" liên quan đến phục vụ, "non ministrari sed ministrare" (Mathêu 20:28) như dòng Đồng Công đã tâm niệm, một phục vụ đích thực theo gương "rửa chân" của Chúa Kitô, một biểu hiệu / logo cả hai dòng đều có, dòng trước dòng sau, nhưng hình thức trình bày trên logo khác nhau. Chúa Kitô đã "ngồi vào chỗ cuối", trước hết ở chỗ bỏ mình - "Người đã không tự cho mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã hóa ra hư không, mặc lấy thân phận tôi hèn" (Philiphê 2:7); sau nữa ở chỗ tận hiến: "đã vâng lời cho đến chết dù chết trên thập tự giá" (Philiphê 2:8), và sau hết ở chỗ yêu thương: "hiến mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28); 3 tinh thần đã làm nên Linh đạo Đồng Công này đều phản ảnh nơi câu Phúc Âm "ngồi vào chỗ cuối" (Luca 14:10). Vì "ngồi vào chỗ cuối" trước hết ở chỗ bỏ mình như Mẹ Maria, khi Mẹ chân nhận thân phận thấp hèn của mình "này tôi là nữ tỳ Chúa", vì thế Mẹ hoàn toàn lệ thuộc vào Người, đã hiến thân cho Người, để Người tùy nghi sử dụng "xin hãy thực hiện nơi tôi những gì ngài truyền" (Luca 1:38), nhờ đó Mẹ đã được "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) thôi thúc sống Đức ái Trọn hảo nên "đã vội vã lên đường..." (Luca 1:29).
Về cơ sở, Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương do người anh em Lm THĐC Phạm Ngọc Tuấn hiện nay, ngay lúc ban đầu đã được Giáo phận Qui Nhơn cho tạm lưu trú 10 năm tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông vốn bị bỏ không từ nhiều năm qua, cho đến khi hết hạn, với 4 mẫu đất ruộng ở ngay sau lưng Tiểu Chủng viện Làng Sông này, Cha Phạm Ngọc Tuấn sáng lập có ý định xây dựng Nhà Mẹ của dòng ngài, và ngày 7/1/2023 ngài về thăm con cái của ngài, sau 3 năm xa cách bởi đại dịch, để bắt đầu công trình đại sự cho dòng của ngài, một hội dòng sau 10 năm (2012 - 2022) cũng mới trưởng thành với gần 130 phần tử, bao gồm mọi thành phần khấn trọn, khấn tạm, tập sinh, thỉnh sinh và đệ tử sinh, được phục vụ bởi một Hội đồng quản trị tự lập chính thức của dòng từ 8/2022.
Trong Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt II 2018, Nhóm TĐCTT đã ghé thăm Quí Sơ Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ngày 17/10/2018
Cha Bố sáng lập Phạm Ngọc Tuấn cùng với con cái trong dòng dịp mừng 8 sơ khấn trọn lần đầu tiên ngày 10/7/2019
Chính vì có mối liên hệ với vị linh mục sáng lập dòng là một trong anh em THĐC, sinh quán tại Nhà Đá, một địa danh đối với dòng Đồng Công, vì Nhà Đá là nơi đã từng được chọn để làm Nhà Mẹ, nơi dòng đã đào tạo nên các lớp linh mục đầu tiên của dòng, mà phái đoàn THĐC, trong Hành trình Việt Nam Truyền giáo Đồng Công 2022 này, đã bao gồm cả việc ghé thăm hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ngay từ đầu vào lịch trình chuyến đi, ở chỗ, sau khi thăm khu Nhà Mẹ của Dòng Đồng Công trước 1975 ở Nhà Đá, sinh quán của Anh Linh mục THĐC Phạm Ngọc Tuấn, và đồng thời cũng được sắp xếp trọ đêm 15/11/2022 tại Học viện của Dòng này ở Ghềnh Ráng, để sáng hôm sau tiện tham quan mộ của một đại thi nhân Công giáo Hàn Mạc Tử, ở khu Du Lịch Ghềnh Ráng, gần ngay học viện của nhà dòng. Tuy nhiên, trên tuyến đường từ Lavang về Qui Nhơn để thăm Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương này, phái đoàn THĐC cần phải ghé qua trụ sở của Dòng ở Quảng Nam của những người anh em dòng đang phục vụ ở Giáo phận Đà Nẵng.
Trụ sở Đồng Công ở Quảng Nam Giáo phận Đà Nẵng
Khu Nhà Mẹ Đồng Công trước 1975 ở Nhà Đá
Lối mòn này, từ Nhà thờ Nhà Đá cũng từ khu Nhà Mẹ Đồng Công xưa, xuống đường lộ, tu sĩ Đồng Công băng qua đường dạy học ở Trường Trung Tiểu Học Đồng Công
Cũng xuống khỏi lối mòn này, anh em tu sĩ Đồng Công Đội IX có những lúc phải đi bộ từ xã Phú Hiệp này về quận Phù Mỹ xa 6 cây số để lánh nạn về đêm khi có dấu hiệu nguy hiểm...
Lối mòn này cũng đã từng in đậm dấu chân của hai anh em, cháu của Ông Quế bổ củi cho nhà dòng: Quang (là anh) và Tuấn (là em, vị Lm Tuấn lập dòng sau này bấy giờ mới 8-9 tuổi) đem cà mèn vào nhà dòng lấy ăn một ngày 2 bữa.
Khu Nhà Mẹ năm 2022 này đang được biến thành khu Trường Mẫu Giáo Phú Hiệp, như ở bên kia đường cũng là một học đường từ Trường Trung Tiểu Học Đồng Công trước 1975
Cho tới bây giờ ở Nước Việt Nam, chỉ có Nhà Đá ở Bình Định Qui Nhơn và Cầu Long Biên Hà Nội bị bỏ rơi không được canh tân đổi mới gì như các nơi hoàng tráng khác
Tuy nhiên, nó vẫn không được trả về cho chủ cũ là Dòng Đồng Công, hay tặng cho chủ mới là Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương của vị sáng lập dòng này, nơi từng là sinh quán của ngài và là nơi ngài đã được rửa tội.
Từ đồi Nhà Thờ Nhà Đá nhìn xuống Dốc Truông ở phía bên trái nhà thờ (hình trên và hình dưới)
Ngôi Nhà Thờ Nhà Đá này đã từng là nơi cho cả dân chúng lẫn các tu sĩ Đồng Công ẩn nấp để tránh né bom đan khi hai bên đụng độ, nhất là hôm 8/9/1966, thời đểm 6 anh em tân tập sinh IXA, trong đó có em, bị quân ta nhắm bắn ở đầu nhà thờ.
Ngôi Nhà thờ cổ kính này đã bị người ta bỏ rơi từ năm 1975 cho tới bây giờ 2022, nên Nhà thờ đã trở thành nơi hoang dã đến nỗi bụi rậm và phân bò vẫn còn đầy ở trong lòng Nhà thờ trống nóc tàn phế tang thương như tượng chịu nạn này
Tuy nhiên, lần viếng thăm ngôi NHà thờ NHà Đá lần thứ ba 2022 này (sau 3 lần 2016, 2017 và 2018), em lại thấy tấm bảng không biết bởi ai (chính quyền hay dân địa phương) xuất hiện (như hình trên)
Từ cửa cuối Nhà thờ nhìn vào (hình trái) và từ lòng Nhà thờ nhìn qua cửa cuối nhà thờ (hình phải)
Cửa hông Nhà thờ Nhà Đá phía vào gần cung thánh (hình trái), nơi em và 4 anh em tập sinh IXA đã gõ cửa để vào lánh nạn trưa 8/9/1967, nhưng không ai mở cho, phải chạy bọc đầu nhà thờ và bị quân ta phục kích tưởng địch bắn nhầm.
Hai bên tường trên cung thánh trước phòng áo
Bên trong bức tường đang xây cho khu Trường Mẫu Giáo Tam Hiệp này (hình trên và 2 hình dưới) là chính khu vực của Nhà Mẹ Dòng Đồng Công 1966-1975.
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu ở Làng Sông Qui Nhơn
Phái đoàn TĐCTT đến Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương vào lúc chiều tà, nhưng vẫn còn đủ sáng để thấy được tổng quan khu vực Tiểu Chủng Viện Làng Sông tạm trú này của dòng
Sau khi phái đoàn THĐC viếng Chúa, đã được quí sơ, 2 sơ trong tân Hội đồng Phục Vụ là Sơ thư ký và Sơ Kim dẫn đi tham quan vườn rau, ruộng lúa của dòng và nhà in đầu tiên ở Việt Nam tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông nơi dòng tạm trú.
Khu ruộng lúa 4 mẫu của dòng, được Giáo phận Qui Nhơn cấp cho để làm Nhà Mẹ sau hạn 10 năm tạm trú ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông cho đến nay
Vị Lm sáng lập dòng Phạm Ngọc Tuấn về thăm con cái ngày 7/1/2023 bắt đầu công trình xây dựng này, một công trình xây dựng, như ngài tiết lộ cho Nhóm TĐCTT biết cuối lễ Thứ Bảy 17/7/2022 (hình dưới) rằng...
Nhà Mẹ của dòng ngài có thể xây bên trên thửa ruộng 4 mẫu này, thay vì mất công đổ đất làm nền rất vất vả và tốn kém... trong khi ngài nói ngài hiện nay "không có một đồng nào... Việc của Chúa đã có Chúa lo"
Đúng thế, như ánh sáng từ xa bên kia thửa ruộng này, phản chiếu cả ở dưới nước nhờ bóng đêm bao phủ bấy giờ thế nào, thì việc Chúa làm cũng phản ảnh niềm hy vọng của những ai hoàn toàn tin vào ngài ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự
Sau khi đã tham quan khu vườn sau và ruộng lúa của nhà dòng, phái đoàn THĐC được dẫn đến khu nhà in bảo tàng của Việt Nam ở trong Tiểu Chủng Viện Làng Sông nhà dòng đang tạm trú này.
Ở nơi được gọi là nhà in bảo tàng này không phải chỉ có máy in mà là những ấn bản được in tại đây vẫn còn được trân trọng lưu giữ và trưng bày như chứng tích lịch sử của nơi đáng gọi là bảo tàng này
Sau khi tham quan nhà in bảo tàng này, và trước khi dùng bữa tối, phái đoàn THĐC còn được dẫn đến chòi mát, nơi đã tưng bừng mừng 8 sơ khân trọn đầu tiên của dòng năm 2019
Sơ Kim (người cầm microphone), 1 trong 8 sơ khấn trọn đầu tiên, bấy giờ đóng vai Chị Hai, người đã dẫn phái đoàn THĐC tham quan nhà dòng của sơ tối 15/11/2022, vị đứng bên trái sơ Kim hiện là Chị Tổng trong tân Hội đồng quản trị của nhà dòng.
Chị Tổng đại diện chị em dòng chào mừng phái đoàn THĐC 2022 trước khi tất cả dâng lời kinh trước bữa tối
Cha Mai Hữu Tường, CRM, đại diện phái đoàn cám ơn Chị Tổng và nhà dòng đã tiếp đón phái đoàn
Trước khi nhập tiệc phái đoàn THĐC, tiếp lời cám ơn của em, đã tặng chút quà cho hội dòng của anh em THĐC qua Chị Tổng
Và phái đoàn THĐC cũng được tặng lại cho từng người bộ sách 2 cuốn mừng 10 năm thành lập: cuốn Kỷ Yếu (hình trái) và cuốn Tâm Tình chị em dòng (hình phải)
Phái đoàn THĐC được chia ngồi ở 2 bàn gần nhau, và được các sơ trong Ban Phục Vụ của hội dòng chia nhau ngồi tiếp đãi
Trong bữa ăn, Sơ Phó Tổng tự nhiên nêu lên vấn đề bản hiến pháp dòng hình như được mang dấu vết Đồng Công, và ai đó đã giúp Cha Bố ... Anh Lm Mai Hữu Tường đã chỉ ngay người ngồi cùng bàn bấy giờ...
Sau bữa tối và hình lưu niệm ngay trước châm ngôn "ngồi vào chỗ cuối" và logo rửa chân của hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, phái đoàn đã lái xe ra Học viện của dong trọ qua đêm
Để thấy rõ được hình ảnh cơ sở tạm trú của Nhà Mẹ Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, xin bấm vào cái link sau đây: Hội Ngộ Yêu Thương - Dự Mừng Khấn Dòng
Học viện Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ở Ghềng Ráng Qui Nhơn
Thấy phái đoàn tới, các sơ chạy ra chào đón và mang hàng lý của phái đoàn vào nhà
Các sơ trẻ trung, tươi cười và niềm nở tiếp đón phái đoàn
Trước khi nhận phòng trên lầu, phái đoàn qui tụ lại giao lưu với các sơ một chút tại phòng uống, vì mới ăn tối tại Nhà Mẹ của dòng.
Những tiếng cười rộn rã trên khuôn mặt đầy vui tươi của các sơ và của phái đoàn THĐC, như thể hai bên đã quen nhau tự thuở nào và giờ đây gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách
Sau khi giao lưu với nhau một chút ở nhà cơm, phái đoàn vào thang máy đem đồ lên nhận phòng ngủ ở trên lầu 2 và 3
Nhà nguyện của học viện
Thành phố Ghềnh Ráng by night từ trên lầu 3 ở ngoài cửa sau nhà nguyện của Học viện Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương
Chào bình minh thành phố du lịch Ghềnh Ráng Qui Nhơn sáng ngày 16/11/2022 trước Thánh lễ sáng tại nguyện đường học viện Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương
Dẫy nhà cao tầng đối diện với và tương tự như học viện của Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương
Các sơ đã quan tâm và cẩn thận nhét từng kẻ sách sẵn ở những trang bài hát cần hát trong lễ, để mỗi người trong phái đoàn THĐC tiện lợi cứ mở ra mà hát cộng đồng với các sơ
Sơ giám đốc học viện, 1 trong 8 sơ khấn trọn đầu tiên của dòng, cuối lễ đã ngỏ lời cám ơn Cha Tường và phái đoàn THĐC
Bữa sáng đầu tiên, như bữa tối hôm qua, phái đoàn THĐC được các sơ Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương nồng hậu khoản đãi
Xin đa tạ qúi sơ, và như thế thì không thể nào không có lần sau, như "Cali dễ đi khó về" vậy!
Tuy nhiên, không ngờ giờ ban sáng là lúc bận bịu với các sơ, có một số sơ đi học sớm, có một số phải đón các em gửi giữ trong ngày v.v.
Các sơ cũng có cả các phòng dạy đàn (hình trên) và kèm học nữa (hình dưới)
Tòa nhà được gọi là Học viện này của Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương cũng được sử dụng làm nơi tự lực mưu sinh của nhà dòng, (như chủ trương ngay từ ban đầu của Dòng Đồng Công, không nhờ vả hay thuê mướn bao giờ),
như dịch vụ giữ trẻ và dạy kèm, cả 2 dịch vụ vừa mới được dòng nữ này khai trương từ đầu tháng 11/2022, mà 1 nữ phụ huynh thoáng gặp sáng hôm ấy cho rằng dịch vụ của các sơ chắc chắn là mau ăn khách ở thành phố du lịch Ghềnh Ráng này
Cuối cùng phái đoàn THĐC đã tạ từ các sơ sau thời gian thăm viếng Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương mới mẻ tươi trẻ đầy sức sống đang lên này của Giáo Hội ở Việt Nam tại Giáo phận Qui Nhơn, nơi dòng đã không đủ nhân lực phục vụ...
Mộ Thi sĩ Công giáo Hàn Mạc Tử
Vì là ngày thường trong tuần, bên trên chỗ gần mộ của thi sĩ Hàn Mạc tử, gần khu hàng quán kỷ vật (hình dưới), còn chỗ đậu xe (hình trên)
nên phái đoàn THĐC đã được chở thẳng lên đó, trong khi năm 2019, phái đoàn TĐCTT 9 người không được, phải leo đồi hơi dốc khá mệt.
Lối đi lát gạch từ bãi đậu xe phía trên hàng quán gần đó tiến lên mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử, nơi có Tượng Đức Mẹ ở trên đầu mộ của chàng thi sĩ đã dâng lên Mẹ bài Ave Maria, bài đã được nhạc sĩ Hải Linh phổ nhạc và ca đoàn Hồn Nước trình bày.
Như song Lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hoà
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan.
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng trinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ
Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
But tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một nạm hoà quang
Tôi no rồi ơn võ lộ hoà chan.
Tấu lạy Bà. Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân rất đỗi anh linh
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn Giang, cả màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước.
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tơ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn nghìn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng thê thứ
Sẽ ngất ngây bởi chưng thư đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.
Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đâu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
Xe của phái đoàn từ bãi đậu xe trên khu hàng quán xuống trước cổng Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu để chờ phái đoàn thảnh thơi ngắm cảnh hữu tình ven biển của Thành phố du lịch Ghềng Ráng
Dòng Đồng Công mà có một khu nhà nghĩ dưỡng hay tĩnh tâm ở đây thì thật là tuyệt vời, không cần ở Đảo Ngọc Phú Quốc, hay cả ở đó nữa càng tốt.
"Thưa Thày, chúng con mà được ở đây thì tốt quá... con xin dựng 3 lều..." (Mathêu 17:4) ở đây nhé... thật là tuyệt vời Thày ạ...
Hành trình Truyền Giáo 2022 của phái đoàn THĐC được đặt chân tới tận những danh lam thắng cảnh tuyệt vời của đất nước như thế này để càng thấm thía hơn cảnh khốn khổ của các vị thừa sai truyền giáo, trong đó có anh em tu sĩ Đồng Công!
Sự kiện phái đoàn THĐC thăm Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương vì vị sáng lập của dòng này là THĐC, vì động lực truyền giáo đã thành lập dòng này. Tạ ơn LTXC đã quan phòng huyền diệu mọi sự, ngoài dự tưởng của loài người. Chắc chắn không ai lập dòng lại muốn cho những tâm hồn nào vào dòng, nhất là đã khấn trọn, đã làm linh mục, đặc biệt là được ngài tín nhiệm, lại bỏ ra. Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị sáng lập Dòng Đồng Công cũng thế. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà ngài luyến tiếc những tâm hồn không dứt khoát theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công được ngài ấp ủ và là mục đích ngài lập nên hội dòng Việt Nam thuần túy đầu tiên cho người Việt Nam. Đó là lý do, năm 1968, ngài đã táo bạo "mở sổ khấn", nghĩa là sẵn sàng xin Giáo quyền tháo lời khấn trọn, cho những anh em nào còn đang dang dở với bất cứ một cái gì khác ngoài Lý Tưởng Thánh Đồng Công, chẳng hạn chưa được hay không được làm linh mục, không được học hành tiến thân, hoặc bất mãn với dòng một cách nào đó v.v. Từ sau biến cố "mở sổ khấn" này, bắt đầu (từ lớp khấn 9 trở xuống), mới có lệ tuyên thệ trung thành với Lý Tưởng Thánh Đồng Công sau lễ sáng, và họp nhau ban tối về 12 điều Kiểm Thảo trung thành với Lý Tưởng Thánh Đồng Công.
Những "biện pháp", đúng hơn là những cách thức nhắc nhở và tỏ hiện của những ai còn ở lại trong việc dứt khoát theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công như thế, vẫn không thể ngăn nổi một số anh em xuất dòng. Chưa hết, sau biến cố "mở sổ khấn" 1968, Đấng sáng lập còn tỏ ra ngặt nghèo với việc giao tiếp giữa anh em còn tu với anh em xuất tu, chỉ sợ anh em còn tu bị ảnh hưởng bởi anh em xuất tu. Thế nhưng, sau một thời gian, thấy được tinh thần của anh em xuất tu khi ra đời, ngài đã thay đổi chủ trương và thái độ, đến độ chính ngài đã thành lập Hội Thân Hữu Đồng Công (THĐC) ngày 27/4/1974, với những lời lẽ như sau:
"Đối với anh em dòng, các em cũng biết họ là con người như các em. Chúa cho họ tu thì còn, mà ngày nào Chúa không chọn nữa, Ngài đưa về thế gian để làm việc khác thì cũng là do ý Chúa, chẳng ai hiểu được... Trong số các em, rất nhiều người có thiện chí, hăng say, đã và đang tỏ hiện tinh thần bác ái Phúc Âm, tinh thần Đồng Công mà các em đã thụ huấn, các em đang gieo vãi những tinh thần ấy vào mọi lãnh vực các em đang sống rải rắc nơi bốn phương trời. Anh phải thú nhận rằng vấn đề này, Anh cũng như anh em Linh Mục và Tu Sĩ Đồng Công không thể làm được bằng các em ở ngoài. Chúa định cho các em ở ngoài để đem tinh thần của Ngài đi sâu vào mọi giới trong xã hội để chống lại bè lũ Satan đang hăng say, tinh vi gieo vãi tinh thần của chúng làm nhiều người mất đức tin. Bởi thế, đã đến giờ Chúa muốn mọi người chúng ta chẳng kỳ Linh Mục, các em đã Khấn, Tập, Đệ Tử kết nạp thành một khối duy nhất có tổ chức, lấy tinh thần bác ái, phục vụ tha nhân để chống lại lý thuyết vô thần, duy vật đang lan tràn khắp nơi. Đó là ý định của Anh. Các em có đồng ý thành lập HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG bao gồm hết cả Linh Mục, các em đã Khấn, đã Tập, Đệ Tử không?"
Thật vậy, trong chính biến cố "xuất hành" của anh em dòng năm 1975, một tổ chức của dòng ngay từ đầu tháng 4, ngày 5/4/1975, chứ không phải là một biến cố chung của đồng hương, nhất là của các dòng tu hay các vị giáo sĩ hay các thày đại chủng sinh ở các nơi trên đất nước Việt Nam bấy giờ, chỉ biết thoát chạy khi quốc biến xẩy ra vào cuối Tháng Tư Đen. Đúng thế, Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị sáng lập dòng Đồng Công, tại Nhà Nghỉ Mát của Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán Phước Tỉnh, nơi anh em dòng của ngài đang chờ thời cơ xuất ngoại từ chiều ngày 5/4/1975, đã công khai truyền đức vâng lời cho họ, trên 170 anh em, đa số trẻ trung và đã học xong triết học hoặc đã học xong thần học, và 7 vị linh mục nữa đi theo để điều hành và giúp anh em về đời sống thiêng liêng: "Các em đi để giữ lấy dòng và để truyền giáo". Nhưng, trong khi ngài không muốn đàn em ngài sai đi để lánh quốc nạn sang Mỹ, bằng không, theo ngài, họ cũng sẽ mất đức tin chẳng khác gì ở lại Việt Nam sau 1975, thì Đấng quan phòng thần linh lại mang anh em của ngài sang tận Mỹ quốc, ngược lại với ý đấng sáng lập về nơi chốn, song lại giúp cho ý muốn "giữ lấy dòng và để truyền giáo" của ngài, nhất là sau năm 1987, được vững chắc và tốt đẹp hơn ở đâu khác.
Tạ ơn LTXC đã quan phòng thần linh cho một số anh em THĐC tiếp tục Lý Tưởng Thánh Đồng Công, trong việc thành lập một số hội dòng cho và trong Giáo Hội ở Việt Nam, như Anh Toản, vẫn được gọi là Anh Ba, sáng lập Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, một dòng tu mà phái đoàn THĐC 2022 đã ghé trọ tại Nhà khách của quí sơ ở Trung Tâm Thánh Mẫu Đức Mẹ Tà Pao đêm Thứ Bảy 26/11; hay như Anh Linh mục Trần Đình Trung, lớp khấn 1, vị linh mục thứ 3 của dòng, vừa qua đời ngày 31/10/2022 và được chôn trong nghĩa trang của dòng, vị đã sáng lập Dòng Thừa Sai Mẹ Thiên Chúa; hoặc Anh Lm Phạm Ngọc Tuấn, một "đệ tử cồ" của dòng, lớp 12 nếu còn Đồng Công, đã lập Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, một hội dòng mới nhất của chung Giáo Hội ở Việt Nam ở Giáo phận Qui Nhơn, Giáo phận của chính vị sáng lập dòng này, một Giáo phận cũng đã từng mời gọi Dòng Đồng Công phục vụ truyền giáo từ cuối thập niên 1950, ở khu Mỹ Chánh Phù Mỹ Bình Định Qui Nhơn, và cho chuyển Nhà Mẹ dòng về Nhà Đá của Cha Phạm Ngọc Tuấn. Nghĩa là, trong mầu nhiệm quan phòng thần linh, qua con người và cuộc đời của Linh mục THĐC Phạm Ngọc Tuấn, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương có liên hệ thiêng liêng với Dòng Đồng Công!