Chúa Nhật

3/11     Thánh Martin de Porres (1759-1639)

Là một tu sĩ thần bí dòng Đaminh.

Bạn với Thánh nữ Rosa Lima cùng quê.

Sinh tại Lima nước Pêru Nam Mỹ Châu.

Con ngoại hôn của một hiệp sĩ Tây Ban Nha, John de Porres, và một nữ nô lệ người Panama tên Anna đã được trả tự do.

Ngài đã được rất nhiều ơn lạ, bao gồm cả ơn ở một lúc hai nơi và bay bổng trên không trung.

CHÚA NHẬT XXXI QUANH NĂM



BÀI ĐỌC I: Mal 1:14b --- 2:2b, 8-10
“Các ngươi đã đi sai đường lối, và làm cho nhiều người vấp phạm lề luật”


Bài trích sách Tiên tri Malakia.

Chúa các đạo binh phán rằng: “Ta là vua cao cả; và danh Ta đáng kính sợ trong các dân tộc. Ta sẽ làm cho các ngươi phải túng thiếu. Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật, và hủy bỏ giao ước Lêvi: Chúa các đạo binh phán như vậy. Bởi thế, Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ và đốn mạt trước mọi dân tộc, vì các ngươi đã không tuân giữ đường lối của Ta và vị nể trong khi thi hành lề luật. Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ gì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của các tổ phụ chúng ta?

Lời của Chúa.


Đáp ca: (Xin mời Cộng đoàn thưa)
Lạy Chúa, xin gìn giữ linh hồn tôi trong bình an của Chúa.

1. Lạy Chúa, lòng tôi không tự đắc, và mắt tôi chẳng liếc nhìn cao, tôi cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.
2. Nhưng tôi lo giữ linh hồn cho êm can và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn tôi cũng như thế ở trong tôi.
3. Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.

BÀI ĐỌC II: Thess 2:7b-9,13
“Chúng tôi muốn trao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn mạng sống chúng tôi nữa”


Bài trích thơ thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thessalônica.

Anh em thân mến, chúng ta đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: Vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi. Anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi: chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em. Bởi thế chúng ta không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, vì anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin.


Lời của Chúa.

(Xin mời Cộng đoàn đứng)

Alleluia, alleluia. --- Xin Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. --- Alleluia.


PHÚC ÂM: Mt 23:1-12
“Họ nói mà không làm”


Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người Biệt phái ngồi trên tòa Môisen: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: Vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: Vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: Vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: Vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Phúc Âm của Chúa.

 

Suy Niệm
 



Hãy Nghe… Nhưng Đừng Theo…


 


Lời Chúa nói về trường hợp của thành phần lãnh đạo Do Thái

Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này có thể nói là bài Phúc Âm đúc kết những gì Chúa Giêsu đã nói về thành phần lãnh đạo dân Do Thái ở những bài Phúc Âm của 5 tuần trước đây: 3 tuần về 3 bài dụ ngôn người con không chịu đi làm vườn nho cho cha dù hứa với cha là đi (tuần 26), nhóm tá điền gian ác ra tay hạ sát người con duy nhất của chủ vườn nho với ý định muốn cướp gia sản của người con này (tuần 27), thành phần được vua mời đến tham dự tiệc cưới chẳng những từ chối không chịu đến mà còn ra tay sát hại các vị thừa sai của vua (tuần 28); và 2 tuần về hai vấn nạn thách thức trả đũa của họ, vấn nạn về việc nộp thuế cho Cêsa có hợp pháp hay chăng (tuần 29), vấn nạn điều luật nào trọng nhất trong toàn bộ lề luật (tuần 30).

Nhận định chung chung và chính thức của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này về thành phần ấy là họ nói mà không làm, đúng hơn, họ nói một đàng làm một nẻo, họ chỉ tìm mình chứ không tìm Chúa, họ là những người giả hình không thật, họ hoàn toàn đúng như ba dụ ngôn Người đã nói về họ. Thật vậy, theo lời Chúa nói về họ trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, trước hết, họ là người con thưa với cha đi làm vườn nho cho cha song thực tế lại không đi, ở chỗ, họ đã làm và chỉ làm theo ý thích của mình: “Họ nói thì mạnh lắm song làm chẳng bao nhiêu”; sau nữa, họ là nhóm tá điền gian ác ra tay hạ sát người con duy nhất của chủ vườn nho với ý định muốn cướp gia sản của người con này, ở chỗ, họ chỉ tìm kiếm vinh danh cho bản thân mình mà thôi: “Tất cả những việc họ làm là để khoe khoang”; sau hết, họ là thành phần được vua mời đến tham dự tiệc cưới từ chối không chịu đến vì bận bịu đủ thứ chuyện riêng tư, ở chỗ, họ chỉ để ý tìm lợi lộc riêng tư cho họ: “Họ thích ngồi những chỗ danh dự nơi những bữa tiệc tùng và những ghế nhất trong hội đường, thích được trọng vọng nơi phố xá, và thích được gọi là ‘Sư Phụ’”.

Lời Chúa khuyên dạy dân chúng và các môn đệ của Người

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không trực tiếp nêu lên những nhận định này với thành phần Người muốn nói đến ở trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, như Người đã thẳng mặt khiển trách họ nặng lời vào lần họ đặt vấn đề với Người về việc các môn đệ của Người không rửa tay trước khi ăn (x. Mt 15:1-9), hay như Người đã thậm tệ khiển trách họ (vắng mặt) ngay sau phần của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này (x Mt 23:13-39). Trong trường hợp của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu nêu lên nhận định của Người về họ “với dân chúng và các môn đệ của Người”. Để làm gì? Hoàn toàn không phải để nói xấu họ, (cái xấu mà đằng nào không nói thì cũng đã quá tỏ tường trước mắt thiên hạ), cho bằng hoàn toàn vì lợi ích của chung dân chúng cũng như của riêng môn đệ của Người, thành phần dân gian vốn chân thành thiếu hiểu biết, nhiều khi đến khờ dại, có thể bị nhiễm lây men gương mù gương xấu của nhóm lãnh đạo này, như có lần Người đã căn dặn các môn đệ của Người về thứ men ấy mà các vị lại cứ tưởng Người nói như thế là vì các vị khi sang bờ bên kia không mang theo bánh ăn (x Mt 16:5-12).

Vậy Người đã căn dặn thành phần dân chúng cũng như môn đệ của Người những gì, nếu không phải hai điều: thứ nhất, về nguyên tắc chung, “những vị luật sĩ và Pharisiêu đóng vai trò làm thày thừa kế Moisen; bởi thế, các người hãy tuân hành và tuân giữ hết những gì họ bảo các người. Nhưng chớ có theo gương của họ”; thứ hai, về việc áp dụng thực hành theo chi tiết liên quan trực tiếp đến những cử chỉ lời nói cụ thể gương mù gương xấu cần phải lưu ý “chớ có theo” là “tránh danh xưng ‘Sư Phụ’… đừng gọi ai trên đời là cha… tránh được gọi là thày”.

Về vấn đề thứ nhất liên quan đến nguyên tắc “hãy tuân giữ… nhưng chớ theo”, Chúa Giêsu muốn dân chúng và các môn đệ của Người hãy thực hành vấn đề Người đã nêu lên cho nhóm lãnh đạo Do Thái này ở bài Phúc Âm cách đây hai tuần, đó là vấn đề “hãy trả cho Cêsa những gì của Cêsa, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Ở chỗ nào? Nếu không phải thực hiện việc “hãy trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” đây tức là thành phần được Người căn dặn trong bài Phúc Âm tỏ ra “tuân hành và tuân giữ hết những gì họ bảo các người”, chỉ vì “những vị luật sĩ và Pharisiêu đóng vai trò làm thày thừa kế Moisen”. Và khi thành phần này thực hiện việc “hãy trả về cho Cêsa những gì của Cêsa”, tức là “chớ có theo gương của họ”, những gì xấu xa của các bậc thày này. Tóm lại, chúng ta không được khinh thường những người làm đầu, nhất là những vị có chức thánh, những vị Chúa đã chọn làm việc của Ngài và cho Ngài, dù họ có bê bối đến đâu đi nữa, dù họ có bị tai tiếng về những lạm dụng trẻ em như ở Hoa Kỳ hiện nay đi nữa. Bởi vì, Thiên Chúa Toàn Năng có thể dùng mọi sự để làm việc cho Ngài và thực hiện ý định của Ngài, như Ngài đã dùng thánh giá là tiêu biểu cho sự dữ và sự chết để cứu chuộc nhân loại vậy. Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, một vị linh mục đang mắc tội trọng làm các phép Bí Tích vẫn thành, tuy có tội.

Về vấn đề thứ hai liên quan đến những ngôn hành cụ thể cần phải tránh “chớ theo”, như “tránh danh xưng ‘Sư Phụ’… đừng gọi ai trên đời là cha… tránh được gọi là thày”. Ở phần thực hành này có hai vế, vế áp dụng cho chính bản thân và vế áp dụng liên quan đến người khác. Trước hết, về việc thực hành liên quan đến vế áp dụng cho bản thân: Tại sao phải tránh danh xưng “Sư Phụ”, vì, theo Chúa lời Giêsu nói trong bài Phúc Âm, “trong các người chỉ có một vị thày, còn tất cả đều là môn sinh”. Và tại sao phải tránh được gọi là thày, vì cũng theo lời Người nói, “chỉ có một vị thày duy nhất là Đức Kitô”. Sau nữa, về việc thực hành liên quan đến vế của người khác, đó là việc “đừng gọi ai trên đời này là cha”, vì, trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Các người chỉ có một cha duy nhất là Đấng ở trên trời”. Riêng về vấn đề “cha” này, anh chị em Tin Lành tỏ ra cự người Công Giáo chúng ta khi chúng ta gọi các vị linh mục là “cha”. Trong khi họ căn cứ vào lời Chúa trong bài Phúc Âm Chúa Nhật này theo nghĩa đen, người Công Giáo lại hiểu theo nghĩa về tinh thần, nghĩa làm cha sinh ra con cái trong ơn nghĩa Chúa bằng Phép Rửa. Giá những người anh chị em Tin Lành của chúng ta, những người không gọi người chồng của mẹ mình là “ông – ông ơi” để tránh chữ “cha”, cũng hiểu “Này là Mình Thày… Máu Thày” theo nghĩa đen như những chỗ như chỗ “cha” này thì hay biết mấy!

Kitô hữu áp dụng thực hành Lời Chúa dạy dân chúng và các môn đệ

Bởi vậy, cả trong vấn đề thi hành những điều áp dụng thực hành “chớ theo” như Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này liên quan đến ngôn hành không tốt của nhóm lãnh đạo dân Do Thái, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta thực hành tinh thần của nguyên tắc “hãy trả cho Cêsa những gì của Cêsa và hãy trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Nghĩa là, dù chúng ta có đóng vai trò làm “cha” trong việc “rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19), hay làm “thày” trong việc “dạy cho họ tuân giữ những gì Thày đã truyền cho các con” (Mt 28:20) đi nữa, chúng ta hãy làm những việc ấy như là những thừa tác viên của Người, Đấng tuyên hứa “sẽ mãi mãi ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20), chứ đừng làm những thừa tác vụ ấy theo sở thích tự nhiên, như trường hợp người con nói đi làm vườn nho cho cha nhưng thực tế lại không, cũng đừng làm những thừa tác vụ này cho tư lợi của mình, như trường hợp của thành phần tá điền làm vườn nho song không nộp hoa lợi cho chủ. Trái lại, chúng ta hãy ý thức mình chỉ là một người ở đầu đường xó chợ, vô danh tiểu tốt, chẳng là gì trước nhan Thiên Chúa, song đã được vinh dự Ngài kêu gọi, “không phải các con đã chọn Thày song chính Thày đã chọn các con và sai các con đi sinh hoa kết trái” (Jn 15:16), mà chúng ta phải hết sức nỗ lực để đáp ứng lời mời gọi của Ngài một cách xứng đáng, như thể chúng ta mặc áo để tham dự tiệc cưới do Ngài khoản đãi vậy.

Bởi thế, mỗi khi nghe người khác gọi mình là “cha”, là “thày”, nếu chúng ta thực sự đóng vai trò thừa tác viên trong những địa vị này, chúng ta hãy coi đó như một lời nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta phải luôn luôn sống động và tác hành làm sao cho xứng đáng với thiên chức cao cả ấy. Mẫu gương thừa tác viên này được sáng tỏ nơi chứng từ của Vị Tông Đồ Dân Ngoại trong bài đọc thứ hai của Chúa Nhật tuần này: “Chúng tôi chia sẻ với anh em chẳng những tin mừng của Thiên Chúa mà còn chính đời sống của chúng tôi nữa… Đó là lý do tại sao chúng tôi liên lỉ tạ ơn Thiên Chúa vì trong việc anh em đã lãnh nhận sứ điệp của Ngài từ chúng tôi anh em đã nhận lấy sứ điệp ấy không phải như lời lẽ của người ta mà thực sự là lời của Thiên Chúa tác động nơi anh em là những người tin tưởng”. Trái lại, một khi chúng ta dám lạm dụng ơn Chúa ban, việc Chúa chỉ định, để làm theo ý riêng, ý thích của mình, lạm dụng vai thế để làm lợi cho mình, thì chúng ta hãy coi chừng những gì đã được Ngài dùng miệng tiên tri Malachi mà phán trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật tuần này: “Các người đã đi trệch đường và đã làm cho nhiều người qụi ngã bởi việc hướng dẫn của các người. Các người đã làm vô hiệu giao ước của Lêvi, Chúa các đạo binh phán. Vì các người không theo đường lối của Ta và tỏ ra lệch lạc nơi các quyết định của các người, nên Ta làm cho các người bị khinh chê và đê hèn trước mắt tất cả mọi người…”
 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 



ÔNG KÌA BÀ NỌ NÊN THÁNH ĐƯỢC
SAO TÔI LẠI KHÔNG

 

(Mừng Lễ Các Thánh Thứ Sáu 1/11/2002)
 


Trần Mỹ Duyệt

 


Augustine sau một thời gian dài bê tha, trác táng đã trở lại với Chúa bằng một nhiệt tình yêu mến mãnh liệt. Augustine trước đó kể như đã chết, và chỉ còn lại một Augustine rất thiết tha, rất nhiệt thành và hăng say với sự thánh thiện. Nhưng để sống trọn lành không phải dễ dàng và hễ muốn là làm được, nên Augustine đã phải tự nhủ mình bằng phương châm hành động, “ông kia bà nọ nên thánh được, sao tôi không”.

Có cao ngạo và kêu căng quá không? Có hão huyền và mơ mộng quá không khi cho rằng mình cũng phải nên thánh như bất cứ một ai đã nên thánh. Thật ra, con đường trọn hảo là con đường của mọi người. Điều này còn được hiểu như một lệnh truyền mà chính Chúa Giêsu đã làm và đã giảng: “Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48). Như vậy con người tầm thường như chúng ta làm sao đạt tới. Nghĩ và hiểu về trọn lành đã là khó, huống chi sống và hành động. Hơn thế nữa, phải trọn lành như “Cha trên trời”. Mà Cha trên trời là ai. Đã ai thấy được Ngài để nhìn thấy sự trọn lành của Ngài bao giờ. Thế mà khi đề cập đến sự trọn lành, Chúa Giêsu còn đòi hỏi hơn thế nữa: “Các con phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn” (Mt 22:27).

Nhưng nếu nhìn vào hàng hàng lớp lớp các thánh nhân mà Giáo Hội tuyên dương, mừng kính trong năm, cũng như trong ngày lễ kính Các Thánh, cũng như Giáo Hội mừng kính các linh hồn trong Luyện Tội, lại cho chúng ta một hy vọng, một ánh sáng mới về cái nhìn nên thánh và trọn lành. Thánh thiện, do đó không gì khác hơn là những việc làm hằng ngày được thực hiện với ước vọng tìm kiếm sự công chính của Thiên Chúa, và ứng dụng sự công chính ấy trong môi trường và cuộc đời mình. Khi thực hành như vậy với tấm lòng yêu mến thiết tha, tức là ta đang sống thánh, và đang tiến tới sự thánh thiện. Thánh nhân không phải là những người được Giáo Hội đem ra đánh bóng và đặt làm mô phạm cho mọi người. Nhưng trên hết, chính cuộc đời của mỗi vị đã nói lên sự thánh thiện của họ. Giáo Hộ chỉ thừa nhận sự thánh thiện, và công khai nói lên sự thừa nhận ấy. Còn lại chính mỗi vị thánh mới là những người đã sống, đã thực hành sự thánh thiện.

Khi suy nghĩ về cuộc đời của các thánh, ta cũng thấy rằng các vị đã trải qua những chặng đường nên thánh khác nhau. Và mỗi vị là một bông hoa giữa vườn hoa muôn sắc của Giáo Hội. Cuộc sống của các vị cũng đã trải qua bao nhiêu khúc quanh, ngã rẽ, như Augustine chẳng hạn. Cuộc sống của Augustine đâu toàn những chuỗi ngày chay tịnh, và kinh nguyện. Cuộc đời ấy, con người ấy cũng có những khúc quanh tăm tối. Như vậy, nếu chỉ cô đọng cuộc sống ấy bằng một vài cử chỉ anh hùng thì nhận xét về một vị thánh rất phiến diện. Điều đáng buồn là những nhận xét phiến diện ấy thường để lại trong ta mặc cảm và bối rối. Từ mặc cảm ấy,ta bị cám dỗ bỏ cuộc và không cố gắng nữa. Đúng ra, ta phải và nên nhìn vào cuộc sống các thánh nhân bằng cả hai con mắt, tức là con người ấy vẫn là con người như chúng ta, điều này bao gồm cả những khuyết điểm và tỳ tích cá nhân. Nhưng mặt khác, cũng chính con người bất toàn ấy lại mang trong mình thiện chí và cố gắng để trở thành trọn hảo mỗi ngày một chút, và không ngừng nghỉ thực hành điều mong ước ấy.

Chúa Giêsu khi đề cập đến những cố gắng của con người trên con đường hoàn thiện, đã cho Nữ Tu Beninha Consolata hiểu rằng, sự thánh thiện của ta thì do Chúa làm tới 99.99%, phần còn lại rất nhỏ mọn là thiện chí và những cố gắng của con người. Và ngay trong những cố gắng nhỏ nhoi ấy, Thiên Chúa cũng chỉ muốn thấy nơi chúng ta lòng ước muốn và cố gắng, chứ không phải là thành quả. Nếu đem ứng dụng những tư tưởng này bằng một cái nhìn có tính cách toán học và khoa học, thì những thất bại và cố gắng của ta không khác gì những số không vô nghĩa. Ngày qua ngày chúng ta vất vả, chật vật với những ước muốn và tâm tình đạo hạnh, những việc làm thất bại bằng những con số không. Nhưng đợi khi về Thiên Đàng, Chúa Giêsu mới nói với mỗi người chúng ta rằng, sự cố gắng và những việc làm tốt của con đã làm Cha rất cảm động. Vậy hãy để Cha thêm vào một đống những con số “0” ngổng ngang kia bằng một con số “1” của Cha, và lúc ấy chúng ta sẽ thấy nở rộ một mùa ân phúc tràn trề. Càng nhiều thất bại, càng nhiều cố gắng, lúc ấy lại càng trở thành giá trị. Bởi vì chỉ có thiện chí và cố gắng. Thành công hay thất bại không ở quyền ta. Nó hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Thiên Chúa. Một cuộc sống như vậy tưởng như là một điều không ai có thể nói mình lại không làm được, nhưng đó lại là ý nghĩa của cuộc sống thánh đức, cuộc sống trọn hảo, và phúc ân. Phải chăng Thiên Chúa cũng chỉ đòi hỏi và mong mỏi mỗi người chúng ta như vậy. Nên nhớ rằng khi Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn, thì Ngài cũng chỉ đòi là những cái “hết” ấy thuộc về sự cố gắng riêng của từng người, trong hoàn cảnh của mỗi người, và chỉ cho một mình ta. Vậy nên phải bắt đầu bằng những cố gắng nhỏ nhoi, và không ngừng nghỉ cố gắng. Đừng như bọn Biệt Phái, Pharisiêu và Tư Tế nọ mà Chúa Giêsu đã đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay, chỉ nói mà không làm, chỉ chỉ cho người khác con đường lên Vĩnh Hằng mà mình lại dậm chân tại chỗ: “Các Luật sĩ và các người Biệt Phái ngồi trên tòa Maisen: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử” (Mt 23: 1-4).

Thánh thiện, con đường trọn hảo, hay cuộc sống hoàn thiện mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi mỗi người không gì khác hơn là một thiện chí không ngừng nghỉ trong ước muốn kiếm tìm sự công chính của Thiên Chúa. Sẽ có một ngày, Ngài sẽ ân thưởng và sẽ biến đổi những cố gắng tưởng chừng như vô nghĩa của ta thành những thành quả dồi dào, và đó cũng là lúc chúng ta hoàn tất cuộc hành trình đi tìm sự thiện hảo. Nơi vĩnh hằng, và chỉ ở nơi đó chúng ta mới thấy mình thật sự hạnh phúc và cái ý nghĩa của cuộc đời lam lũ, vất vả, cực nhọc; cũng như những cố gắng không ngừng để nên hoàn thiện của chúng ta mới được đền bù một cách xứng đáng. “Oâng kia, bà nọ nên thánh được, sao tôi không”.