MÙA THƯỜNG NIÊN HẬU PHỤC SINH
“Chúa Kitô: Sự Sống Tái Sinh”
Dự Án Cứu Rỗi của Thiên Chúa là thông ban Sự Sống Thần
Linh cho tạo vật để tạo vật được tham hưởng với Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh
Thần. Đạo Cứu Rỗi của Thiên Chúa, tức "Đường Lối" Thiên Chúa dùng để Cứu Rỗi, là
Mạc Khải cho tạo vật nhận biết Ngài nơi "con người Đức Giêsu Kitô" (1Tm.2:5),
cũng như Dự Án Cứu Rỗi của Ngài qua các biến cố của cuộc đời Đức Giêsu Kitô.
Công Cuộc Cứu Rỗi của Thiên Chúa được thực hiện trong lịch sử loài người, khởi
điểm là "khi đến thời điểm ấn định, Thiên Chúa sai Con Mình sinh ra bởi một
người nữ, sinh ra theo lề luật" (bài đọc 2 Lễ Mẹ Thiên Chúa), và đích điểm mà
"Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một mình" (Phúc Âm Chúa Nhật 4 Mùa Chay
năm B) là để "cho họ được sống và sống viên trọn" (Phúc Âm Chúa Nhật 4 Mùa Phục
Sinh năm A). Bởi thế, "là sự sống lại và là sự sống" (Phúc Âm Chúa Nhật 5 Mùa
Chay năm A), Chúa Kitô chính là Phúc Âm Cứu Rỗi phải được loan báo "khắp thế
gian" (Phúc Âm Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên năm B), cho đến khi Chúa Kitô lại đến,
để "ai tin vào Phúc Âm và chịu phép rửa sẽ được cứu độ" (Phúc Âm Lễ Chúa Giêsu
Thăng Thiên năm B). Bởi thế, chủ đề của toàn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, được
thể hiện qua Phụng Vụ Lời Chúa ở từng Chúa Nhật trong Mùa, đó là "Thời gian đã
viên trọn. Triều Đại Thiên Chúa đã đến! Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc
Âm" (Phúc Âm Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh năm A&B. Thật ra, ở
trang 160, chữ "đã" được in nghiêng ở đây được dịch là "gần". Tuy nhiên, vì thời
gian Hậu Phục Sinh là thời gian Chúa Kitô "đã" chiến thắng tội lỗi và sự chết
bằng cuộc phục sinh của Người, Người "đã" làm cho "Triều Đại Thiên Chúa đã đến"
thực sự. Nên "Chúa Kitô: Sự Sống Tái Sinh" mới là ý nghĩa của Mùa Hậu Phục Sinh
này).
Thật ra, Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh được bắt đầu ngay từ Đại Lễ Chúa Thánh
Thần Hiện Xuống. Tuy nhiên, vì Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cùng với một số
Lễ Trọng tiếp theo Đại Lễ này có một tính cách đặc biệt liên quan hết sức mật
thiết với chủ đề "Chúa Kitô: Sự Sống Tái Sinh" cho riêng Mùa Phụng Vụ này cũng
như cho chung Phụng Niên đã mở màn cho Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh này, mà cho
tới nay, Mùa Phụng Vụ Thường Niên mới tiếp tục trở về với các Chúa Nhật thường
niên quanh năm. ("Thường niên" theo Phụng Niên ở đây có nghĩa là Mùa Phụng Vụ
không phải là Mùa Vọng và Giáng Sinh, hay Mùa Chay và Phục Sinh' và "quanh năm"
ở đây có nghĩa là các Chúa Nhật của Mùa Thường Niên không trùng vào các Chúa
Nhật cử hành những Lễ Đặc Biệt, như Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lễ Trọng
Thiên Chúa Ba Ngôi, Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, và Lễ Trọng Chúa Kitô
Vua (kết thúc Mùa Thường Niên).
Mùa Thường Niên, theo Phụng Niên, được Giáo Hội chia làm hai giai đoạn: Hậu
Giáng Sinh và Hậu Phục Sinh. Sở dĩ Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh dài hơn Mùa
Thường Niên Hậu Giáng Sinh là vì thời điểm của Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh là
thời điểm Thánh Thần được sai đến để làm chứng cho Chúa Kitô qua Giáo Hội của
Người cho tới khi Người lại đến trong vinh quang vào lần sau hết là ngày tận
thế, một thời điểm dài hơn ba năm ngắn ngủi của Chúa Kitô trên trần gian, một
thời gian Người tự làm chứng về mình Người là Người chính là Đấng được Cha sai.
Tùy theo niên lịch hằng năm, ngoài 18 tuần lễ cho các mùa khác (Vọng 4, Giáng
Sinh 2, Chay 5, Phục Sinh 7) Mùa Thường Niên có tất cả là 34 tuần lễ: Mùa Thường
Niên Hậu Giáng Sinh ngắn nhất là 5 tuần và dài nhất là 9 tuần, nghĩa là mùa này
có thể kết thúc vào Chúa Nhật thứ 5 (như năm 2001 của chu kỳ năm A, năm 1990 và
1996 của chu kỳ năm B và năm 1985 và 1988 của chu kỳ năm C) và kết thúc muộn
nhất vào Chúa Nhật thứ 9 (như năm 1999 của chu kỳ năm B), và Mùa Thường Niên Hậu
Phục Sinh, (trừ mấy tuần có Lễ Trọng liên tục kể từ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống) được bắt đầu lại sớm nhất, sau Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, vào Chúa
Nhật thứ 10 (như năm 2002 của chu kỳ năm A, năm 1991 và 1997 của chu kỳ năm B,
và năm 1986 và 1989 của chu kỳ năm C) và muộn nhất vào Chúa Nhật thứ 13 (như nám
của chu kỳ năm A, năm 2000 của chu kỳ năm B, và năm 1992 của chu kỳ năm C).
Sau đây là các Lễ Đặc Biệt và Chúa Nhật trong Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh hợp
với chủ đề của mùa này: “Chúa Kitô: Sự Sống Thông Ban”.
1. Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
2. Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi
3. Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu
4. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
5. Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh
6. Lễ Chúa Kitô Vua