VAI TRÒ CHUYÊN NHẤT CỦA CHÚA KITÔ VÀ GIÁO HỘI

 

hay được tự do chủ trương cho rằng ngày nay Giáo Hội Chúa Kitô thực sự không hiện hữu ở đâu cả, và phải được coi đó như chỉ là một mục tiêu mà tất cả mọi Giáo Hội cũng như cộng đồng giáo hội cần phải nỗ lực hướng đến’ (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Mầu Nhiệm Giáo Hội, 1). Thật vậy, ‘những yếu tố nơi Giáo Hội sẵn có này hiện hữu được liên kết với nhau theo tầm mức trọn vẹn của mình nơi Giáo Hội Công Giáo và không trọn vẹn nơi các cộng đồng khác’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ut Unum Sint, 14). ‘Thế nên, những Giáo Hội và cộng đồng ly khai này, dù chúng ta tin là họ có những thiếu sót, vẫn không mất đi ý nghĩa và tầm quan trọng của mình trong mầu nhiệm cứu độ. Vì Thần Linh của Chúa Kitô không phải là không sử dụng họ như phương tiện cứu độ với hiệu năng có được từ chính tầm mức viên trọn ân sủng và chân lý được ký thác cho Giáo Hội Công Giáo’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 3)”.

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 17.1, 17.2 và 17.3)

 

 

8.  Không được chối bỏ duy nhất tính nơi mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội với vương quốc của Thiên Chúa.

 

·        Sứ vụ của Giáo Hội là ‘loan báo và thiết lập nơi tất cả mọi dân nước vương quốc của Chúa Kitô cũng như của Thiên Chúa, và trên thế gian này, Giáo Hội là hạt giống và là khởi điểm của vương quốc ấy’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, 3). Một đàng, Giáo Hội là ‘một bí tích – tức là một dấu hiệu và là dụng cụ cho việc hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa cũng như cho việc hiệp thông với toàn thể nhân loại’ (cùng nguồn vừa dẫn, 1). Bởi thế, Giáo Hội là dấu hiệu và là dụng cụ của vương quốc này; Giáo Hội được kêu gọi để loan báo và thiết lập vương quốc này. Đàng khác, Giáo Hội là ‘một dân tộc được qui tụ bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (cùng nguồn vừa dẫn, 4; x Thánh Cyprian, De Dominica Oratione 23: CCSL, 3A, 105); bởi thế, Giáo Hội là ‘vương quốc của Chúa Kitô hiện diện một cách mầu nhiệm’ (cùng nguồn Công Đồng vừa dẫn, 3), và làm thành mầm mống cùng khởi điểm cho vương quốc này. Thật vậy, vương quốc của Thiên Chúa có một chiều kích cánh chung, tức vương quốc ấy là một thực tại hiện diện trong thời gian, nhưng tình trạng toàn vẹn của nó chỉ được thể hiện khi lịch sử nên trọn hay hoàn tất mà thôi’ (x cùng nguồn Công Đồng vừa dẫn, 9; cũng xem kinh nguyện cầu cùng Thiên Chúa trong Didache 9, 4: SC 248, 176: ‘Chớ gì Giáo Hội được qui tụ lại từ tận cùng trái đất để làm nên vương quốc của Ngài’, và xem cùng nguồn ở 10, 5: SC 248, 180: ‘Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến Giáo Hội của Chúa... và, là một Giáo Hội đã được thánh hóa, xin Chúa hãy qui tụ Giáo Hội lại từ bốn phương trời để làm nên vương quốc của Chúa, một vương quốc Chúa đã sửa soạn cho Giáo Hội’).

 

“... Thật vậy, vương quốc của Thiên Chúa như mạc khải tỏ cho chúng ta biết ‘không thể tách khỏi Chúa Kitô hay Giáo Hội... Nếu vương quốc ấy tách khỏi Chúa Giêsu thì nó không còn là vương quốc của Thiên Chúa được Người mạc khải cho biết nữa. Như thế ý nghĩa của vương quốc này sẽ bị méo mó, một ý nghĩa có nguy cơ bị biến thành mục tiêu thuần nhân bản hay ý hệ, và căn tính của Chúa Kitô cũng bị bóp méo nữa, Đấng sẽ không còn tỏ ra mình là Chúa Tể mà một ngày kia tất cả mọi sự phải qui phục Người nữa (x 1Cor 15:27). Người ta cũng không thể tách vương quốc này khỏi Giáo Hội. Đúng, Giáo Hội tự mình thật sự không phải là cùng đích, vì Giáo Hội hướng về vương quốc của Thiên Chúa, một vương quốc mà Giáo Hội là mầm mống, là dấu hiệu và là dụng cụ. Tuy nhiên, trong lúc còn xa cách Chúa Kitô và vương quốc này, Giáo Hội vẫn hiệp nhất bất khả phân ly với cả hai’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 18; x Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, 17: Tuần San L’Osservatore Romano ngày 7/11. Vương quốc không thể tách khỏi Chúa Kitô đến độ, ở một ý nghĩa nào đó, được đồng hóa với Người - x Origen, In Mt. Hom., 14, 7: PG 13, 1197; Tertullian, Adversus Marcionem, IV, 33, 8: CCSL 1, 634).

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 18.1 và 18.2)

 

Khi nói đến mối liên hệ bất khả phân ly giữa Chúa Kitô và vương quốc này thì không được bỏ qua sự kiện là vương quốc của Thiên Chúa – cho dù có để ý tới vấn đề vương quốc này còn ở trong giai đoạn lịch sử đi nữa – cũng không đồng hóa với Giáo Hội theo thực tại hữu hình và cơ cấu tổ chức của Giáo Hội. Thật vậy, không được gạt bỏ ‘tác động của Chúa Kitô và của Thần Linh ở bên ngoài biên giới hữu hình của Giáo Hội’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 18). Thế nên, người ta cũng phải nhớ rằng, ‘vương quốc này quan tâm đến hết mọi người, đến cá nhân, xã hội và thế giới. Hoạt động cho vương quốc này nghĩa là nhận biết và phát triển việc làm của Thiên Chúa, những việc làm đang hiện diện trong lịch sử loài người và biến đổi lịch sử loài người. Xây dựng vương quốc của Thiên Chúa nghĩa là hoạt động cho việc giải thoát con người khỏi tất cả mọi hình thức của sự dữ. Tóm lại, vương quốc của Thiên Chúa là việc biểu dương và hiện thực trọn vẹn hoàn toàn dự án cứu độ của Thiên Chúa” (cùng nguồn vừa dẫn, 15).

 

Trong việc xét đến mối liên hệ giữa vương quốc của Thiên Chúa, với vương quốc của Chúa Kitô và với Giáo Hội, cần phải tránh những việc nhấn mạnh một chiều, như trường hợp của những ‘quan niệm cố ý đề cao vương quốc và đặt vương quốc này là trọng tâm của mình. Những quan niệm này nhấn mạnh đến hình ảnh của một Giáo Hội không quan tâm gì đến bản thân mình, mà chỉ hoàn toàn để ý tới việc làm chứng nhân và phục vụ vương quốc. Đó là một Giáo Hội cho người khác, như Chúa Kitô là một con người cho người khác vậy... Ngoài những khía cạnh tích cực, những quan niệm này thường cho thấy cả những khía cạnh tiêu cực nữa. Trước hết, chúng không nói gì đến Chúa Kitô, ở chỗ, vương quốc chúng nói tới đây lấy Thiên Chúa làm chính, vì, theo những quan niệm ấy, những người không có đức tin Kitô Giáo không thể hiểu được Chúa Kitô, trong khi các dân tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau có thể gặp nhau ở cùng một nền tảng chung nơi thực tại thần linh duy nhất, bất cứ dưới danh xưng nào. Bởi thế, những quan niệm ấy nhấn mạnh đến mầu nhiệm tạo dựng, một mầu nhiệm được phản ánh nơi tính cách đa văn hóa và niềm tin, song chúng không nói gì tới mầu nhiệm cứu chuộc cả. Ngoài ra, những quan niệm ấy còn cho thấy, vương quốc này không dành một chỗ nhỏ bé nào hết cho Giáo Hội cả, hay chỉ cho Giáo Hội một giá trị rất thấp để phản lại chủ trương Giáo Hội đã lấy mình làm chủ chốt trong quá khứ, và vì những quan niệm ấy coi Giáo Hội chính là một dấu hiệu, một dấu hiệu tất nhiên không thể nào không có tính cách mập mờ’ (cùng nguồn vừa dẫn, 17). Những luận giải này trái với đức tin Công Giáo, vì chúng chối bỏ duy nhất tính nơi mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội với vương quốc của Thiên Chúa”.

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 19.1 và 19.2)

 

9. Không được coi Giáo Hội như là một đường lối cứu độ tương đương hay cần được bổ khuyết bởi đường lối cứu độ nơi các tôn giáo khác.

 

·        Từ những gì đã được nói đến trên đây, một số điểm theo đó cần phải được thần học suy tư trong việc đào sâu vào mối liên hệ giữa Giáo Hội và các tôn giáo khác đối với ơn cứu độ.

 

Trước tất cả mọi sự, cần phải vững tin rằng ‘Giáo Hội, hiện nay đang lữ hành trên trái đất, cần thiết cho phần rỗi, ở chỗ, Chúa Kitô duy nhất là vị trung gian và là đường lối cứu độ; Người hiện diện đối với chúng ta nơi thân thể của mình là Giáo Hội. Chính Người đã minh định nhu cầu cần đến đức tin và phép rửa (x Mk 16:16; Jn 3:5), do đó, Người đồng thời cũng xác nhận nhu cầu cần đến Giáo Hội mà con người tiến vào qua cửa phép rửa’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 14; x Sắc Lệnh Ad Gentes, 7; Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 3). Điều tín lý này không được cho là phản lại với ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa (x 1Tim 2:4); ‘hai chân lý này cần phải hòa hợp với nhau, tức là chân lý về cơ hội thực sự cho ơn cứu rỗi nơi Chúa Kitô đối với tất cả nhân loại và chân lý về nhu cầu cần đến Giáo Hội để được cứu độ’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 9; x Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 846-847)”.

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 20.1 và 20.2)

 

Về vấn đề đường lối Thiên Chúa ban ơn cứu độ của Ngài – một ơn cứu độ bao giờ cũng được ban phát nhờ Chúa Kitô, trong Thần Linh, và có liên hệ một cách mầu nhiệm với Giáo Hội – cho cá nhân không phải là Kitô hữu, Công Đồng Chung Vaticanô II đã thu gọn trong một câu, đó là Thiên Chúa ban ơn này ‘theo những cách thức chỉ có một mình Ngài biết’ (Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, 7).