GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"Cải
tiến cách thức thi hành nghi
thức rửa chân trong Phụng Vụ Lễ Coena Domini (Tiệc Ly) để làm sao có thể tỏ hiện
trọn vẹn hơn
nữa ý nghĩa của cử chỉ Chúa Giêsu làm trong Nhà Tiệc Ly, của việc
Người hiến mình đến cùng cho phần rỗi của thế giới, của lòng
bác ái yêu thương vô hạn của Người".
Congregatio de Cultu Divino et Disciplina Sacramentorum Prot. N. 87/15
Sắc Lệnh
Việc canh tân Tuần Thánh, theo sắc lệnh Maxima
Redemptionis nostrae mysteria (30/11/1955), đã ban năng
quyền, ở những nơi vì mục vụ nên làm, thực hiện việc rửa
chân cho 12 nam nhân trong Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa sau
Phúc Âm theo Thánh ký Gioan, để bày tỏ một cách tiêu
biểu nhất lòng khiêm nhượng và bác ái của Chúa Kitô đối
với các môn đệ của Người.
Theo Phụng Vụ Lễ Nghi Roma thì nghi thức này được truyền
lại theo Lệnh của Chúa liên quan đến đức bác ái yêu
thương huynh đệ từ những lời của Chúa nói (xem Gioan
13:34), những lời được hát ở Bài Tụng Ca trong khi cử
hành nghi thức ấy.
Khi thi hành nghi thức này, các Giám Mục và linh
mục được mời gọi liên hợp mật thiết bản thân mình với
Chúa Kitô là Đấng "đã đến không phải để được hầu hạ mà
là để hầu hạ" (Mathêu 20:28), và được thúc đẩy bởi tình
yêu "cho đến cùng" (Gioan 13:1) để hiến mạng sống mình
cho phần rỗi của toàn thể loài người.
Để thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của nghi thức này đối với những ai tham dự vào nghi thức ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảm thấy hữu ích trong việc thay đổi tiêu chuẩn ở những chữ đỏ của Sách Lễ Nghi Roma (trang 300, số 11): "Các nam nhân đã được chọn thì được các vị thừa tác viên dẫn đưa...", do đó cần phải đổi thành: "Những ai được chọn trong thành phần dân Chúa thì được các vị thừa tác viên dẫn đưa..." (và vì thế ở Caeremoniali Episcoporum, số 301 và số 299b: "những chỗ cho những ai được chọn"), nhờ đó các vị mục tử có thể chọn lựa một nhóm nhỏ tín hữu tiêu biểu cho tính chất đa dạng và hiệp nhất của từng phần dân Chúa. Những nhóm nhỏ này có thể bao gồm cả nam lẫn nữ, và cũng thích đáng bao gồm cả người trẻ lẫn người già, mạnh khỏe lẫn yếu đau, giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân.
Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích này, với thẩm
quyền được Đức Giáo Hoàng ban cho, đưa việc đổi mới này
vào các sách phụng vụ theo Lễ Nghi Roma, nhắc nhở các vị
mục tử về trách nhiệm của các vị trong việc hướng
dẫn đầy đủ cho cả thành phần tín hữu được chọn cũng như
cho tất cả những ai khác, để họ có thể tham dự vào nghi
thức này một cách ý thức, chủ động và hiệu quả.
Bất kể những gì ngược lại.
Tại Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích ngày 6/1/2016, Lễ Hiển Linh của Chúa.
Hồng Y Robert Sarah Chủ Tịch
Tổng
Giám Mục Arthur Roche Bí Thư
Xin xem thêm đoạn video clip 2 phút 12 giây tóm gọn về biến cố thay đổi này
Chắc chắn việc cải tiến nghi thức rửa chân bao gồm cả nữ giới trong cộng đồng dân Chúa này của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bị thành phần bảo thủ kịch liệt chống đối, theo đà họ đã từng chống phá ngài từ trước đến nay bằng những xuyên tạc, chụp mũ và bôi nhọ ngài, điển hình như trong bài viết ở cái link sau đây: Một Vị Thiên Chúa Biến Dạng Dị Hình
Tuy nhiên, ngài không làm gì ngoài quyền hạn của ngài, và sở dĩ thành phần bảo thủ cảm thấy tức tối và chống đối là vì những việc ngài làm như thế này, cho dù chẳng những hợp pháp mà còn cần thiết và thích đáng nữa, vẫn hoàn toàn không hợp với chủ trương và đường lối bảo thủ của họ tí nào, một thứ bảo thủ có tính cách cực đoan đầy nghiêm khắc và bất nhúc nhích của họ, bất chấp đường lối nhập thể của chính vị Thiên Chúa mà họ tôn thờ như một ngẫu tượng do chính họ ngụy tạo ra là Ngài phải thế này thế kia theo ý nghĩ chủ quan của họ mới đúng và mới được!
Sở dĩ có nghi thức rửa chân vào Chiều Thứ Năm trong Thánh
Lễ để tưởng niệm biến cố Tiệc Ly của Chúa Kitô, một biến cố bao gồm 3
việc chính yếu, đó là việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể, kèm theo
là Bí Tích Tư Tế Thừa Tác và ban Giới Răn Mới, là vì câu Chúa Giêsu nói
với các tông đồ sau khi rửa chân cho các vị đó là:
"Các con gọi Thày là Thày và là Chúa thì thậm phải vì Thày quả thực là như thế. Nhưng nếu Thày là Thày và là Chúa mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Những gì Thày vừa làm là để làm gương cho chúng con, để các con cũng cần phải làm như Thày đã làm" (Gioan 13:13-15).
Trước hết, cho dù Chúa Giêsu bấy giờ, về hành động, chỉ rửa chân cho 12 tông đồ toàn là nam nhân, nhưng về lời nói, Người lại muốn các tông đồ phải làm như Người đã làm cho các vị. Sở dĩ Người chỉ rửa chân cho các vị toàn là nam nhân thôi vì:
1- Các vị là thành phần nam nhân được Người tuyển chọn để sau này các vị trở thành chứng nhân tiên khởi của Người, nhưng thành phần chứng nhân tiên khởi là các vị ấy sẽ không thể làm chứng về Người nếu các vị không nên giống Người và tác hành "như Thày đã làm"; và
2- Chính vì ơn gọi cùng sứ vụ làm chứng nhân tiên khởi cho Chúa Kitô như thế mà các vị còn đóng vai trò làm nền tảng của Giáo Hội nữa (xem Epheso 2:20), như thành phần lãnh đạo dân Chúa, thành phần phải phục vụ dân Chúa với Người, thay Người và như Người.
Bởi thế, sau nữa, nếu thánh chức các vị được tấn phong bao hàm cả quyền linh các vị có được từ Người, nhờ đó các vị trở thành thừa tác viên của Người và cho Người, là để phục vụ cộng đồng dân Chúa, thì lệnh Người truyền cho các vị là "các con cũng phải rửa chân cho nhau" không có nghĩa là các vị chỉ phục vụ nhau trong nội bộ tông đồ đoàn, hay chỉ phục vụ nhau trong nội bộ riêng hàng giáo phẩm thừa kế các vị và chung hàng giáo sĩ, chứ không bao gồm chung cộng đồng dân Chúa.
Đó là lý do trong Sắc Lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích mới có câu: "Khi thi hành nghi thức này, các Giám Mục và linh mục được mời gọi liên hợp mật thiết bản thân mình với Chúa Kitô là Đấng 'đã đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ' (Mathêu 20:28), và được thúc đẩy bởi tình yêu 'cho đến cùng' (Gioan 13:1) để hiến mạng sống mình cho phần rỗi của toàn thể loài người".
Mà nếu quyền linh được trao ban và ủy thác cho tông đồ đoàn cũng như cho thành phần thừa kế các vị, một quyền linh chỉ có tính cách thừa tác vụ (thay mặt / đại diện Chúa Kitô mà làm), với mục đích là để phục vụ chung cộng đồng dân Chúa, thì, sau hết, đối tượng mà các vị cần phải nhắm tới, cần phải phục vụ, không phải chỉ thuần nam giới, chỉ thuần hàng giáo sĩ, mà là bao gồm tất cả mọi thành phần dân Chúa.
Đó cũng là lý do trong Sắc Lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích mới có câu: "Các vị mục tử có thể chọn lựa một nhóm nhỏ tín hữu tiêu biểu cho tính chất đa dạng và hiệp nhất của từng phần dân Chúa. Những nhóm nhỏ này có thể bao gồm cả nam lẫn nữ, và cũng thích đáng bao gồm cả người trẻ lẫn người già, mạnh khỏe lẫn yếu đau, giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân".
Tóm lại, chúng ta phải cảm tạ Chúa đã sử dụng và tác động vị giáo hoàng đương kim Phanxicô của chúng ta để qua ngài, Thánh Thần Chúa "dẫn đưa các con (là Giáo Hội) vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13), đúng như ý hướng thực sự của Chúa Kitô trong việc Người rửa chân cho các tông đồ ở Nhà Tiệc Ly ngày xưa và muốn các vị tiếp tục theo gương Người làm "như Thày đã làm".
Đó là lý do trong thư gửi cho Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ "Ý định muốn cải tiến cách thức thi hành nghi thức rửa chân trong Phụng Vụ Lễ Coena Domini (Tiệc Ly) để làm sao có thể tỏ hiện trọn vẹn hơn nữa ý nghĩa của cử chỉ Chúa Giêsu làm trong Nhà Tiệc Ly, của việc Người hiến mình đến cùng cho phần rỗi của thế giới, của lòng bác ái yêu thương vô hạn của Người".
(sau đây là phần bổ túc thêm hôm Thứ Tư Tuần Thánh 28/3/2018)
Thật vậy, chi tiết đáng chú ý nhất là Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể thế mà không đọc một bài về biến cố quan trọng này gì hết trong chính ngày này, trái lại, Giáo Hội lại chọn đọc Bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan về biến cố Rửa Chân, một biến cố bao hàm một ý nghĩa rất sâu xa, có thể nói hướng về Bí Tích Thánh Thể, mà nếu thành phần môn đệ của Chúa Kitô không theo gương Người "là Chúa và là Thày đã làm thì các con cũng làm như thế" (Gioan 13:15), sẽ thật sự bất xứng với Thánh Thể. Đó là tấm lòng cảm thương gắn bó với những "người anh chị em hèn mọn nhất" của Chúa Kitô (xem mathêu 25:40,44), như chính Người "đã yêu những kẻ thuộc về mình thì Người muốn cho thấy rằng Người yêu họ cho đến cùng" (Gioan 13:1).
Ý nghĩa của "tình yêu cho đến cùng" của Người ở đây, nơi biến cố Rửa Chân này, không áp dụng cho việc Người hiến mạng sống mình cho bằng yêu cho tới con chiên lạc cuối cùng là người môn đệ Giuđa íchca, một nhân vật bao giờ cũng được liệt kê tên cuối cùng trong danh sách 12 tông đồ mà bao giờ tên của người môn đệ Phêrô cũng đứng đầu. Chúa Giêsu rửa chân đây ám chỉ Người yêu thương một trong "những kẻ thuộc về mình" là Giuđa đóng vai cái chân (như Phêrô là đầu) trong nhiệm thể tông đồ của Người, khi Người trả lời cho tông đồ Phêrô không muốn cho Ngưòi rửa chân của chàng rằng: "Ai đã sạch thì chỉ cần rửa chân thôi. Không phải các con sạch hết cả đâu. (Sở dĩ Người nói 'không phải tất cả các con được sạch hết đâu', vì Người biết kẻ phản nộp Người)" (Gioan 13:10-11).
Nếu nắm bắt được tất cả ý nghĩa sâu xa của biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người nói chung, cách riêng nhắm đến người môn đệ đáng thương nhất, thấp hèn nhất, và bẩn thỉu nhất ở thân phận cái chân là Giuđa Íchca, thì Kitô hữu hiện đại chúng ta mới hiểu được tất cả lý do tại sao Vị Giáo Hoàng Thương Xót Phanxicô, ngay từ khi mới lên làm giáo hoàng, đã tìm đến những nơi của thành phần anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô để rửa chân cho họ, bao gồm cả thành phần hèn mọn về thể lý, cả nữ giới lẫn nam giới, cả trẻ lẫn già, cả Kitô hữu lẫn tín đồ các tôn giáo khác hay vô thần hoặc ngoại giáo..., nhất là về luân lý, nên ngài hay làm ở trong các nhà tù (hình như cách năm thứ tự như sau):
Năm 2013 ở Trung Tâm Cải Huấn Thanh Thiếu Niên Casal del Marmo;
Năm 2015 ở Nhà Tù Rebibbia;
Năm 2017 ở Nhà Tù Paliano;
Năm 2018 ở Nhà Tù Regina Coeli;
Ngoài ra, ngài cũng không quên những người anh chị em hèn mọn nhất về thể lý, nên thỉnh thoảng ngài cũng rửa chân cho cả họ nữa, như:
Năm 2014 ở Trung Tâm C.A.R.A. là nơi chăm sóc các người tị nạn, và
Năm 2016 ở Trung Tâm Don Gnocchi là nơi chăm sóc người già và tàn tật.
Xin xem một đoạn hình quay video tape tiêu biểu Thứ Năm Tuần Thánh 2015 ở cái link này: Pope's previous liturgies on Holy Thursday in Rome’s prisons
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL